trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
6.3.2007
Alain Besançon
Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3 
 
Lời người dịch: Mười năm trước, vào năm 1997, nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, như người ta vẫn gọi ở Liên Xô và Việt Nam, ông Alain Besançon, nhà chính trị học, chuyên ngành lịch sử xã hội học và triết học, chuyên gia về lịch sử Nga và Liên Xô, giáo sư Đại học Khoa học Xã hội Paris đã cho xuất bản cuốn Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ nhằm so sánh những tội ác của chủ nghĩa Quốc xã với những tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Năm nay sẽ là năm có ngày kỷ niệm lần thứ 90 Cách mạng tháng Mười, xin giới thiệu bản dịch ba chương đầu trong số năm chương và phần phụ lục của cuốn sách nói trên. Tất cả các ghi chú đều của người dịch.
Chương 1
Thủ tiêu về mặt thể xác

Sáu địa danh

Trước khi làm việc so sánh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Quốc xã, xin bạn hãy đọc tên sáu địa danh sau: Oswiecim [1] , Belzec [2] , Chelmno [3] , Majdanek [4] , Sobibor [5] , Treblinka [6] . Đây là sáu trung tâm thủ tiêu người Do Thái với mức độ “công nghiệp”. Các hành động thường diễn ra theo trật tự sau: đoàn tàu; tuyển chọn ngay trên lối ra của toa tàu; xăm mình; đưa ngay lập tức phụ nữ, trẻ em và những người không còn khả năng lao động vào lò hơi ngạt hay huyệt mộ đã đào sẵn. Trật tự đó, như tôi hiểu, không có trong chế độ cộng sản. Không thể phát âm sáu địa danh này mà không gợi ra trong tâm trí những văn bản, những lời chứng, những cuộc điều tra, những suy tư và lời cầu nguyện, nghĩa là những cố gắng nhằm truyền đạt điều không truyền đạt được.

Raul Hilberg, tác giả cuốn Việc thủ tiêu người Do Thái châu Âu (Raul Hilberg. The destruction of the European Jews. Revised and definitives. Ed., 1985), một tác phẩm chứa đầy các tư liệu được kiểm tra một cách cẩn thận, đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nhà xuất bản và cuốn sách chỉ xuất hiện vào năm 1985.

Theo Hilberg, việc thủ tiêu người Do Thái được tiến hành theo 5 bước sau:
  • tước đoạt;

  • phát hiện và tập trung;

  • các cuộc hành quân tìm diệt;

  • lưu đày (đưa vào trại);

  • trung tâm giết người hàng loạt.
Nhìn vào đây, ta có thể nói rằng việc giết người trong chế độ cộng sản bao gồm 4 bước (từ 1 đến 4), tuy nhiên, do bản chất và ý đồ của chế độ, việc giết người này cũng có một vài khác biệt Trong chế độ cộng sản không có bước thứ 5 nhưng lại có thêm hai bước khác mà chủ nghĩa Quốc xã không cần, đấy là án tử hình và nạn đói.


Tước đoạt

Tước đoạt là biện pháp đầu tiên của các chính quyền cộng sản. Một trong những tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa cộng sản là coi cội nguồn của bất công xã hội nằm ở sự tư hữu. Do đó, phải thực hiện việc tước đoạt “phương tiện sản xuất” ngay lập tức. Đồng thời phải triệt tận gốc tư tưởng tư hữu khỏi đầu óc nhân dân và buộc ý thức của người dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền mới, từ đó, đưa đến kết luận là phải tước đoạt cả nhà ở, tài khoản ngân hàng, đất đai và gia súc. Con người không còn sở hữu gì, ngoại trừ một ít quần áo và đồ gia dụng.

Trong các nước cộng sản vẫn luôn luôn có những người giàu có, nhưng không thể nói rằng họ là những người hữu sản. Đấy hoặc là những người có tài sản “bất hợp pháp” hay những kẻ được ưu đãi vì lòng trung thành với chế độ hoặc vì vị trí mà họ nắm giữ. Quyền được bảo đảm bởi sở hữu tư nhân biến mất ngay lập tức, chỉ còn lại các quyết định của Đảng “được hợp pháp hoá” mà thôi. Trong giai đoạn đầu, ở nước Đức Quốc xã, chỉ người Do Thái mới bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị tước đoạt. Các công dân “thượng đẳng” có quyền có sở hữu tư nhân, nhưng quyền này đã bị thu hẹp rất nhiều và theo logic của chế độ thì trước sau gì nó cũng sẽ biến mất hoàn toàn.


Phát hiện và tập trung

Chế độ cộng sản và chế độ Quốc xã tiến hành theo dõi và phát hiện bằng những cách thức khác nhau. Trong chế độ Quốc xã, mỗi người Do Thái được coi là một ổ dịch. Cần phải tìm bằng được họ, như người ta tìm sâu bọ, dù họ có náu vào bất cứ xó xỉnh nào thì cũng phải tìm cho ra, chế độ chi tiền và cử cán bộ để làm công việc này. Chế độ cộng sản đứng trước một bài toán khó khăn hơn rất nhiều, kẻ thù của nó không có hình thù xác định nào. Nhiệm vụ của nó là tiêu diệt “kẻ thù của chủ nghĩa xã hội”, “kẻ thù của nhân dân”. Trước hết, phải vô hiệu hoá kẻ thù, một kẻ thù đã được xác định từ trước: đấy là những người giàu có, những nhà tư sản, địa chủ, phú nông… Sau đó đến lượt những người có tư tưởng thù địch, những người “dao động” hay tỏ ra bàng quan. Những người như thế có thể nằm ngay trong giai cấp vô sản, nông dân, trung nông, dân nghèo và trí thức lao động. Họ có mặt cả trong đảng, trong quân đội và các cơ quan nhà nước.

Kẻ thù bí ẩn không có những đường nét đặc thù có thể nhìn thấy bằng mắt thường, họ không có những đặc điểm về thể chất như bao qui đầu bị cắt chẳng hạn, họ cũng không thuộc về một cộng đồng hay bộ lạc nào. Cần phải tìm cho ra, cần phải buộc họ thú nhận đã có những ý đồ đen tối, những ý định phá hoại và sau đó thì “thủ tiêu”. Đây là công việc không bao giờ ngưng và đòi hỏi rất nhiều công sức. Đấy là lý do vì sao bộ máy đàn áp của các chế độ cộng sản lại to lớn và đông người hơn bộ máy cảnh sát của chế độ Quốc xã; nhiệm vụ của bộ máy Quốc xã chỉ là tìm và đưa người Do Thái đến nơi dành riêng cho họ mà thôi. Gestapo chỉ cần mấy ngàn người, nhưng KGB có gần 500 ngàn nhân viên. Stasi [7] của Cộng hoà Dân chủ Đức có nhiều nhân viên hơn Gestapo của toàn thể nước Đức.

Theo số liệu của Raul Hilberg thì chỉ cần 2 năm (1941-1942), nhiệm vụ “giải quyết triệt để vấn đề Do Thái” đã thực hiện được khoảng 60%. Nhiệm vụ của các cơ quan an ninh Liên Xô thì không có hồi kết. Họ đã thực hiện việc phân loại, điều tra, theo dõi từ tháng 11 năm 1917 cho đến tận ngày tàn của chế độ.


Các cuộc hành quân tìm diệt

Theo số liệu của Raul Hilberg, khoảng một phần tư (có thể còn hơn) người Do Thái bị giết bởi các đơn vị chuyên trách gọi là Einsatzgruppe [8] , những đơn vị này thường hành quân theo các đơn vị tác chiến và dùng súng đại bác để hành quyết người Do Thái “ngay tại trận”. Các đơn vị quân đội đôi khi cũng giết người theo cách đó.

Các cuộc hành quân tìm diệt cũng thường được các chế độ cộng sản thực hiện. Các vụ giết người hàng loạt cũng đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật sau khi Hồng quân chiếm được Ukraine, Kavkaz, Sibiri, Trung Á. Đã có những vụ giết người hàng loạt và có hệ thống trong thời gian diễn ra những cuộc chiến tranh nông dân, bắt đầu vào năm 1919 và kéo dài cho đến khi có chính sách kinh tế mới (NEP) vào năm 1921. Để chống lại những người nông dân từng bị cộng sản bóc lột và bỏ đói, để chống lại những người Cossack (tộc người này gần như bị tiêu diệt hoàn toàn) Hồng quân đã sử dụng cả các vũ khí hạng nặng như xe tăng và hơi ngạt. Trong tác phẩm Chekist, Vladimir Zazubrin (1923) đã mô tả các chiến dịch của Ủy ban khẩn cấp địa phương: người ta dùng xe tải chở người đi hành quyết, những vụ hành quyết hàng loạt, bắn vào gáy trong tầng hầm, hàng đoàn xe tải sau đó chở xác chết ra. Việc giết người giữa thanh thiên bạch nhật tái xuất hiện trong giai đoạn tập thể hoá, còn trong vụ “thanh trừng vĩ đại” thì hơi ngạt lại được sử dụng. Tại Trung Quốc, việc giết người giữa thanh thiên bạch nhật được tiến hành trong hai năm đầu sau khi những người cộng sản giành được chính quyền và sau đó, tái xuất hiện trong “Đại nhảy vọt” và trong giai đoạn Cách mạng Văn hoá. Những vụ giết người tương tự đã xảy ra ở Việt Nam, ở Triều Tiên và Etiopia.

Ở Campuchia, rất nhiều vụ giết người hàng loạt đã diễn ra. Vì không có vũ khí hiện đại, người ta có thể huy động từ dao, cuốc đến xẻng, gậy gộc để thực hiện việc giết người. Những tên đao phủ thường là trẻ con đã làm quen với kỹ thuật giết người của chế độ. Khmer Đỏ đã giáo dục chúng như thế đấy. Các nấm mồ tập thể đang dần dần được phát hiện.


Trại cải tạo và lưu đày

Hệ thống các trại cải tạo được phát minh và phát triển trong chế độ Xô viết. Quốc xã chỉ bắt chước mà thôi. Từ “lager” (trại) được người Nga và người Đức phát âm gần giống nhau. Các trại lao động đầu tiên được xây dựng ở Nga vào tháng 6 năm 1918, khoảng nửa năm sau khi Lenin và Đảng của ông ta cướp được chính quyền.

Hệ thống trại cải tạo, lưu đày của nhà nước Xô viết vừa lớn hơn vừa phức tạp hơn nhiều lần hệ thống của nhà nước Quốc xã. Tại Đức, tuy có tồn tại sự khác biệt giữa những trại với tỉ lệ tù nhân tử vong thấp (Dachau [9] ) và trại với tỉ lệ tử vong cao (Dora) gần với những vụ giết người hàng loạt nhưng đấy là sự khác biệt không được chính thức hoá. Còn ở Liên Xô thì phổ phân biệt rộng hơn và hình thức rõ ràng hơn nhiều. Có ba hình thức chủ yếu sau đây.

Thứ nhất là việc lưu đày cả một dân tộc: đấy là người Tartar ở Crưm, người Chechen, người Đức vùng sông Volga… hay những nhóm xã hội nhất định: 10 triệu địa chủ. Tỉ lệ tử vong cao nhất xảy ra trên các đoàn tàu hoả trong những điều kiện không khác gì các đoàn xe Quốc xã đưa người Do Thái vào trại tập trung, sự khác biệt duy nhất là ở Liên Xô người ta phải đi xa hơn; năm lưu đày đầu tiên cũng có rất nhiều người chết, người ta đưa những người bị ép buộc phải di cư đến các thảo nguyên Trung Á, những vùng đầm lầy ở Sibiri mà không được trang bị quần áo ấm và dụng cụ lao động cũng như hạt giống gì cả. Tỉ lệ tử vong được đánh giá là khoảng 50%. Việc lưu đày toàn bộ những dân tộc chỉ xảy ra ở Liên Xô, không thấy tài liệu nào nói đến hiện tượng như thế ở các nước cộng sản khác, có thể vì những nước này không có những vùng đất rộng lớn như Liên Xô, mà cũng có thể sự đồng nhất sắc tộc tại những nước đó không tạo ra trở ngại cho các dự án của chủ nghĩa cộng sản. Có thể so sánh việc trục xuất bằng vũ lực người Đức khỏi Ba Lan và Tiệp Khắc sau Thế chiến thứ hai với việc lưu đày ở Liên Xô.

Thứ hai là trại lao động cải tạo. GULag [10] trở thành một cấu trúc hành chính cực kỳ to lớn và định hình trong những năm 30 của thế kỷ trước. Nó có khả năng quản lý một lực lượng lao động lớn (một số nhà nghiên cứu cho là chiếm 11% lực lượng lao động cả nước). Đã có nhiều tác phẩm viết về hiện tượng này, nó cũng chẳng khác gì những trại lao động dưới chế độ Quốc xã. Dậy, kiểm tra, đội lao động, định mức và khẩu phần ăn tương ứng với việc hoàn thành định mức, đói, đánh đập, tra tấn, tử hình - một ngày của Shalimov ở Kolym cũng chẳng khác gì một ngày của Levi ở Oswiecim. Chi tiết cụ thể cũng giống nhau: ăn cắp trở thành phổ biến, thói ích kỷ, suy kiệt về mặt thể xác, đạo đức suy thoái; trại, giường ngủ, giấc ngủ và giấc mơ cũng giống nhau.

Có một vài khác biệt trong các tổ chức và điều kiện khí hậu. Ở Oswiecim, người ta dùng chuông để đánh thức, còn ở Kolym thì gõ vào thanh ray đường sắt treo trên cây. Ở Liên Xô, người chết không được thiêu. Mùa đông, xác chết được chất thành đống, ngón chân cái mỗi người được gắn một cái thẻ và đợi cho đến khi trời ấm, có thể đào được huyệt, mới được đem đi chôn. Trong rất nhiều trại lao động trải rộng khắp vùng đông-bắc Sibiri còn một điều khủng khiếp nữa, đấy là cái lạnh kinh người cộng với một thiên nhiên buồn thảm trải dài đến vô tận, thêm vào đó, các trại lại cách biệt hẳn với những khu dân cư. Số người chết có nơi đến 30-40% một năm. Với thời gian giam giữ kéo dài cũng như việc chế độ Xô viết tồn tại trong một thời gian khá lâu thì sự đày ải con người như thế cũng gần đồng nghĩa với nạn diệt chủng, tuy nhiên, ở đây không phải ai cũng bị chết như ở Treblina, nơi chẳng ai có thể hi vọng được sống sót.

Loại thứ ba: xung quanh GULag còn những vùng lao động khổ sai và những khu vực mà người dân bị sống dưới sự kiểm soát của chính quyền. Sức lao động của họ được sử dụng trên các công trường “xây dựng vĩ đại” như đào kênh, đắp đập và trên những công trình quân sự bí mật. Nói tóm lại, trong chế độ cộng sản, chẳng có ai được tự do. Vì vậy, khi trả lời câu hỏi ở Liên Xô có bao nhiêu tù nhân chính trị, ông Vladimir Bukovsky đã nói nửa đùa nửa thật: “Có 270 triệu người.”

Trại cải tạo có mặt trong tất cả các nước cộng sản. Ở Rumania, đã có 200 ngàn người chết trên công trường xây dựng kênh đảo Dunaj-Hắc Hải, nghĩa là toàn bộ giới tinh hoa của chế độ cũ đã bi giết. Tin tức về trại cải tạo ở Việt Nam và Trung Quốc (gọi là trại lao cải) không có nhiều. Một cựu tù nhân Liên Xô đã kể cho tôi nghe như sau: Một tù nhân “lao cải” trốn được sang Sibiri và bị bắt vào nhà tù, anh ta coi nhà tù Liên Xô là thiên đường! Trên thực tế, GULag có thời hạn còn ở Trung Quốc thì không có thời hạn nào, tất cả phụ thuộc vào việc “cải tạo tư tưởng” của anh ta (trại cải tạo được coi là “trường học”). Ở Liên Xô, buổi tối tù nhân được đưa vào lán, còn ở Trung Quốc anh ta bị xích ngay tại chỗ. Chỉ một ít thông tin về trải cải tạo ở Bắc Triều Tiên đã đủ làm người ta dựng tóc gáy. Thế mà các trại tù đó vẫn đang hoạt động hết công suất!


Án tử hình

Hai hình thức giết người nữa cũng thường xuyên được chế độ cộng sản sử dụng, nhưng chế độ Quốc xã ít khi dùng.

Thứ nhất là giết người đã có án. Chế độ phát xít không áp dụng hình thức này với người Do Thái: theo quan điểm của chủ nghĩa Quốc xã, người Do Thái không phải là người vì vậy mà không có “công lý” gì hết. Án tử hình chỉ áp dụng với những người đối lập, những người kháng chiến và du kích quân sau khi các sự kiện đã được điều tra một cách cụ thể.

Án tử hình trong chế độ cộng sản (bắn hàng loạt, bắn vào gáy, treo cổ) về nguyên tắc phải là kết quả điều tra của toà án để cho “nhân dân” hay những người đại diện của nhân dân (cánh tay của đảng) có thể nhận diện và lên án kẻ thù bí mật hoặc công khai. Vì vậy, thời kỳ đầu, án tử hình được thực hiện mà không cần toà án, sau này, cùng với việc hoàn thiện bộ máy (công tố viện), các bản án thường được tuyên tại toà. Trong giai đoạn bắt đầu từ năm 1934, thường được gọi là “vụ thanh trừng vĩ đại”, người ta tìm mọi cách để buộc tội nhân thú nhận, tra tấn được coi là biện pháp đơn giản nhất và được áp dụng khắp nơi.

Giai đoạn này còn có một đặc điểm là đa số người bị bắt - việc bắt người thường được thực hiện theo kế hoạch đưa từ trên xuống - bị gán cho những tội lỗi mà họ không hề phạm: đấy thường là những người thụ động không có khả năng chống đối hoặc là những người cộng sản chân thành, những người tuyệt đối tin tưởng và thần phục Stalin. Điều đó đã gây ra một nỗi kinh hoàng đối với tất cả mọi người dân. Nó cũng tạo cho người ta cảm giác như vừa trải qua một cơn ác mộng vì không thể nào hiểu nổi bản chất của việc giết chóc này. Tất cả mọi người đều chờ đến lượt mình vì họ đã thấy những người hàng xóm tự nhiên biến mất; hằng đêm, người ta để sẵn gói quần áo trên đầu giường và lắng nghe bước chân trên cầu thang. Tất cả các nước cộng sản, ở châu Âu và đặc biệt là ở châu Á, đã trải qua những giai đoạn như thế. Có đủ cơ sở để coi Hitler là kẻ khởi xướng “vụ đàn áp lớn”. Trong cái đêm gọi là “đêm của những con dao dài” [11] , một cuộc thanh trừng chớp nhoáng do Đảng xã hội dân tộc tiến hành đã giết chết khoảng 800 người. Stalin đã nhân con số này lên hơn một ngàn lần.

 
Nạn đói

Nạn đói có mặt trong toàn bộ lịch sử của các chế độ cộng sản. Chúng ta đã và đang thấy nạn đói ở Liên Xô, Trung Quốc, Etiopia và Bắc Triều Tiên.

Nạn đói luôn luôn là hậu quả của chính sách kiểm soát toàn bộ thần dân của chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản không cho phép người nông dân tự tổ chức lấy đời sống của mình. Trong khi bóc lột người nông dân một cách thậm tệ, cộng sản lại buộc họ vào khuôn khổ của các nông trang và công xã và vì vậy nhất định sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng về lương thực. Không thể nói rằng chính quyền trực tiếp gây ra nạn đói, nhưng chính quyền cộng sản sẵn sàng trả giá, nghĩa là sẵn sàng để người dân chết đói vì những mục đích chính trị và tư tưởng của họ. Thí dụ, ở Kazakhstan, một nửa dân số đã chết vì đói.

Nhưng người ta cũng đã biết những trường hợp khi mà nạn đói đã được hoạch định và tổ chức một cách chặt chẽ. Chuyện đó đã xảy ra ở Ukraine trong những năm 1932-1933. Mục đích không phải là tiêu diệt sự kháng cự của tầng lớp nông dân vì công cuộc tập thể hoá đã làm xong việc đó rồi, mục đích của nó là tiêu diệt chính dân tộc Ukraine. Ta có thể dùng từ “diệt chủng” cho trường hợp này.

Dù được coi là phương tiện hay mục đích thì nạn đói vẫn là phương pháp giết người hữu hiệu nhất của chủ nghĩa cộng sản. Hơn một nửa nạn nhân ở Liên Xô và có thể ba phần tư số nạn nhân ở Trung Quốc là những người đã chết vì đói.


Có tên và không tên

Người ta biết chính xác số người Do Thái bị chế độ Quốc xã giết hại, những số liệu đó lại được chính xác hoá bằng những cuộc điều tra và trí nhớ trung thực của người Do Thái. Có những cuốn cẩm nang ghi rõ số người và ngày khởi hành của từng đoàn tàu. Tên tuổi từng người được kiểm tra một cách kỹ lưỡng và ghi chép một cách cẩn thận. Còn nói về số người bị chế độ cộng sản giết hại thì các thống kê khác nhau đưa ra những con số khác nhau, sự cách biệt lên đến hàng chục triệu người. Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản cho rằng có từ 85 đến trên 100 triệu người đã bị các chế độ cộng sản giết hại.

Việc một số người bị giết như những con vật nhưng lại được tưởng nhớ như những con người, trong khi một số người khác có thể đã chết một cách xứng đáng hơn (dù sao họ cũng được coi là “kẻ thù”) lại bị lãng quên, không chỉ là do trí nhớ ở nơi này thì trung thực mà ở nơi khác thì không. Nguyên nhân là các cuộc điều tra không thể được thực hiện hay bị cấm thực hiện trong những vùng đất đã từng hoặc hiện nay vẫn còn nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Một nguyên nhân nữa là người ta đã quá chú ý đến chủ nghĩa Quốc xã và tất cả sẵn sàng quên chủ nghĩa cộng sản. Cuối cùng, đấy là do bản chất của hai chế độ này. Chế độ Quốc xã hành động trong những tiêu chuẩn xác định, thay đổi nhau theo từng giai đoạn (người tàn tật, người Do Thái, người Digan…) còn chủ nghĩa cộng sản thì áp dụng các tiêu chí không xác định, các nạn nhân bị bắt một cách tình cờ, tất cả thần dân của nó đều có thể bị tuyên bố là kẻ thù của chế độ.


*


Biện pháp giết người không phải là tiêu chí đánh giá. Không thể coi cái chết này là khủng khiếp hơn cái chết kia: bất cứ vụ giết người nào cũng đều kinh khủng và đáng lên án cả. Không ai biết một đứa trẻ bị chết ngạt vì hơi “Siklop-B” hay chết vì đói ở Ukraine cảm thấy thế nào. Người ta bị giết mà không qua bất cứ quá trình xét xử nào, vì vậy, có thể nói rằng: nạn nhân của cả hai chế độ đều chết một cách oan ức, họ đều là những người vô tội. Khi có hệ thống xử án thì ta có thể nói rằng biện pháp tử hình này vinh dự hơn biện pháp kia, thí dụ chặt đầu vinh dự hơn treo cổ. Nhưng việc giết người trong thế kỷ chúng ta hoàn toàn xa lạ với khái niệm “danh dự”, vì vậy, phân loại những nỗi đau là việc làm bất khả thi và bất cận nhân tình.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Oswiecim (tiếng Đức là Auschwitz) là một thành phố ở miền nam Ba Lan. Năm 1940, Đức Quốc xã đã lập một trại tập trung ở gần thành phố này và từ đó đến năm 1945, hơn bốn triệu người đã bị giết hại trong trại tập trung này. Oswiecim được Hồng quân giải phóng ngày 27.1.1945, hiện ở đây có Viện Bảo tàng tội ác phát xít.
[2]Belzec nắm trên con đường sắt nối thành phố Lublin của Ba Lan và thành phố Lvov của Ukraine. Tháng 11 năm 1941, phát xít Đức đã cho xây một trại tập trung. Trại này chỉ hoạt động từ tháng 2 năm 1942 đến tháng 1 năm 1943 nhưng đã có 600.000 người Do Thái bị giết hại tại đây.
[3]Trại tập trung được xây dựng ở một làng cùng tên tại miền bắc Ba Lan. Ở đây, lần đầu tiên phát xít Đức sử dụng hơi ngạt để giết hại người Do Thái. Có khoảng 152.000 người Do Thái bị sát hại tại trại tập trung này.
[4]Trại tập trung của Đức Quốc xã ở gần thành phố Lublin (Ba Lan). Đã có khoảng 1,5 triệu người bị giết hại tại đây.
[5]Sobibor, trại tập trung ở gần thành phố Lublin (Ba Lan). Có khoảng 250.000 người bị giết tại đây.
[6]Treblinka, trại tập trung ở đông bắc thủ đô Warszawa của Ba Lan. Người ta cho rằng có khoảng 700 ngàn người đến 900 ngàn người Do Thái đã bị tàn sát tại đây.
[7]Stasi là tên viết tắt của Bộ An ninh Quốc gia (tiếng Đức: Ministerium für Staatssicherheit) của nước Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) được thành lập năm 1950.
[8]Einsatzgruppe là các đơn vị chuyên giết hại những đối thủ chính trị, những người cộng sản và các sắc dân hạ đẳng (Do Thái, Di-gan...) trong các vùng bị Quốc xã chiếm đóng.
[9]Dachau là một trong những trại tập trung đầu tiên được xây dựng trên đất Đức.
[10]GULag, tên viết tắt của Tổng cục quản lý các trại lao động cải tạo, được thành lập tháng 11 năm 1930, bị giải tán vào ngày 25 tháng 1 năm 1960. Đa số các trại lao động cải tạo đều nằm ở các vùng xa xôi hẻo lánh đông bắc Liên Xô như Bereglag ở Kolym, Gorlag ở gần Norilsk, ở Kazakhstan thì có Karlag, có cả những trại nằm ở nước ngoài nhưng đặt dưới sự quản lý trực tiếp của GULag.
[11]“Đêm của những con dao dài’’ (Nacht der langen Messer) là vụ Hitler hạ lệnh giết hại ban lãnh đạo lực lượng SA được thực hiện từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1934.