trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
30.10.2007
Trần Văn Tích
Phê bình văn học mácxít
 
Karl Marx từng ghi danh học đại học theo khoa triết. Luận án tiến sĩ do Marx trình ở Viện Ðại học Jena năm 1841 so sánh sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Épicure và của Démocrite. Marx quan niệm rằng nhiệm vụ của triết gia không phải chỉ riêng qui vào chuyện giải thích thế giới, mà chủ yếu là cải tạo thế giới. Trình bày các qui luật tiến hoá của lịch sử nhân loại, Marx chủ trương rằng xã hội loài người phát triển từ thấp tới cao, tương ứng với các hình thái kinh tế xã hội ở mỗi giai đoạn: từ chế độ cộng sản nguyên thuỷ sang chế độ chiếm hữu nô lệ; từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến; từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản; và từ chế độ tư bản sang chế độ cộng sản. Như thế, ứng dụng triết học vào thực tiễn, Marx dần dà trở thành một chuyên gia kinh tế.

Friedrich Engels không tốt nghiệp đại học, không trình luận án tiến sĩ, tuy có ghi danh theo học triết ở bậc đại học nhưng rồi lại xoay sang nghiên cứu khoa học tự nhiên và toán học. Thời gian ở Manchester, Engels chuyển qua viết sách về các vấn đề quân sự để rồi sẽ được Lenin xem như một chuyên gia vĩ đại về chiến lược chiến thuật. Ngoài ra, Engels còn là nhà doanh nghiệp, từng phải làm việc "thương mại xấu xa” để có phương tiện kinh tế giúp đỡ cá nhân và gia đình Marx về tài chánh.

Cả hai tích cực viết báo, in sách. Nhưng cả hai không phát biểu trực tiếp và nhất là chuyên sâu về văn học. Cuốn Marx Lexikon. Zentrale Begriffe der politischen Philosophie von Karl Marx (Từ điển yếu lược về Marx. Các khái niệm căn bản về triết học chính trị của Karl Marx), Hans Joachim Lieber và Gerd Helmer biên soạn, Nhà xuất bản Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Darmstadt, 1988, 715 trang, liệt kê các mục từ liên quan đến phạm vi sáng tác của Marx, từ chữ Anarchismus (chủ nghĩa vô chính phủ) qua Freiheit (tự do), Klasse (giai cấp), Materialismus (chủ nghĩa duy vật), Philosophie (triết học), Sklaverei (chế độ nô lệ) v.v... đến đơn vị từ chót là Zunftwesen (nghiệp đoàn) mà không hề có mục từ Literatur (văn học). Tác phẩm để tên K. Marx và F. Engels Über Kunst und Literatur (tiếng Ðức), Sur la littérature et l’art (tiếng Pháp), Bàn về văn học và nghệ thuật (tiếng Việt) thật ra chỉ gồm những đoạn trích dẫn rời rạc từ các bài viết, thư tín v.v... của hai ông tổ chủ thuyết cộng sản. Bài nói chuyện trong buổi toạ đàm văn nghệ ở Diên An (Tại Diên An văn nghệ toạ đàm hội thượng đích giảng thoại) của Mao Trạch Ðông ngày 02.05.42 cũng khẳng định rằng vấn đề "văn học nghệ thuật phục vụ đối tượng nào” chủ yếu đã được Lenin giải quyết bằng cách xuất phát từ nhu cầu mới của thời đại cách mạng vô sản để phát triển tư tưởng Marx-Engels và đi đến tuyên bố dứt khoát văn học phải phục vụ đường lối chính trị của giai cấp công nhân, phải phục vụ cách mạng vô sản. "Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành ‘một bánh xe nhỏ và một đinh ốc’ trong bộ máy xã hội dân chủ vĩ đại, thống nhất do đội tiền phong hoàn toàn giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân mở máy”. [1] Ðến lượt mình, Mao Trạch Ðông lại vận dụng tư tưởng Marx-Lenin vào thực tiễn cách mạng Trung Quốc để yêu cầu nhà văn "làm cho văn nghệ trở thành một bộ phận trong toàn bộ guồng máy cách mạng, một vũ khí sắc bén để đoàn kết nhân dân, giáo dục nhân dân”. [2]

Nhưng bất chấp sự kiện lịch sử là hai nhân vật khai sinh ra nó chỉ chuyên tâm nghiên cứu về triết học, kinh tế, toán học, quân sự, người cộng sản lại muốn học thuyết Marx-Engels phải là một học thuyết chính xác, cân đối, hoàn bị và nhất là vạn năng. Họ mang nó áp dụng vào y học, từ đó đề cao học thuyết Pavlov nhằm trình bày cơ chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, với kết quả là một loạt những giả thiết sinh lý học mơ hồ, huyền hoặc, không kiểm chứng được. Họ mang nó áp dụng vào sinh học, từ đó đề cao học thuyết Lyssenko, nhằm giải thích các qui luật di truyền, với kết quả là sự ngu muội u mê trong nghiên cứu cơ chế tiên thiên, đột biến. Họ mang nó áp dụng vào văn học, từ đó đề cao phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhằm giải thích cho kỳ được động lực của sinh hoạt xã hội, tác dụng quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, vai trò quan trọng của giai cấp vô sản trong lĩnh vựïc văn chương chữ nghĩa. Từ đó có thành quả phê bình văn học bằng cái lưỡi không xương.


*

Những công trình về xây dựng lý luận văn học cũng như những công trình sáng tác văn học mới của giới văn học Trung Hoa được nhiều người biết đến là của Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Cù Thu-bạch, Quách Mạt-nhược, Ðiền Gian, Tào Ngu, Triệu Thụ-lý, Lưu Bạch-vũ, Chu Lập-ba v.v... Trong số các nhân vật này, Quách Mạt-nhược đạt được danh vọng trên chính trường và uy vọng trong văn giới.

Xuất thân từ một gia đình quí tộc, từ những năm còn nhỏ tuổi đã đọc Thi phẩm của Tư Không-đồ đời Ðường bàn về thi ca, Quách Mạt-nhược thoạt tiên học y khoa ở Nhật rồi về sau mới chuyển hẳn sang làm văn nghệ. Từ sau phong trào Ngũ Tứ [3] , ấn hành tập thơ Nữ thần với nội dung phủ nhận cái cũ, khát vọng sáng tạo cái mới, được xem như thi phẩm mở đầu, vạch đường chỉ lối cho thi ca cách mạng Trung Quốc. Cùng năm ấy (1921), thành lập Sáng tạo Xã, xuất bản tạp chí Sáng tạo quí san. Năm 1923 về nước, tham gia cuộc biến động Vũ Xương do cộng sản lãnh đạo; thất bại, phải lánh sang Nhật Bản lần nữa, ở lại đây mười năm nghiên cứu lịch sử cổ đại, văn tự thượng cổ. Năm 1942 qui hương, từ đây chú tâm viết kịch lịch sử mà nổi danh nhất là kịch phẩm Khuất Nguyên, mượn chuyện xưa ca ngợi tinh thần yêu nước chống xâm lăng, phê phán chính sách đầu hàng thoả hiệp. Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, Quách trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Ủy ban Khoa học Nhà nước. Quách Mạt-nhược sinh năm 1892, mất năm 1978.

Là công thần của chế độ độc đảng chủ trương văn nghệ phục vụ chính trị, Quách Mạt-nhược có phương pháp phê bình văn học theo định hướng vạch sẵn. Chẳng hạn với một tấm lòng "lật đổ các thành án của lịch sử”, Quách đã từng hết lời khen ngợï ba người đàn bà độc đáo của văn học nòi Hán mà người đẹp Trác Văn-quân của Tư-mã Tương-như là một. Nhưng ông đi quá đà khi tán tụng, đề cao. Nghiên cứu và soạn kịch về Khuất Nguyên [4] , Quách lợi dụng thi tài của Khuất Nguyên cho nhu cầu tuyên truyền. Kiệt tác cổ văn Trung quốc Ly tao do Khuất Nguyên sáng tác thực chất chỉ nhằm ký thác tâm trạng u buồn vì bị "lay ốp”, nói nói trắng ra là vậy. Chính Khuất Nguyên viết trong Ly tao qua lối ẩn dụ quen thuộc:

Khuê trung ký thuý viễn hề,
triết vương hựu bất ngộ;
Hoài trẫm tình nhi bất phát hề,
dư yên năng nhẫn nhi dữ thử chung cổ!

(Nàng ở nơi phòng khuê thăm thẳm hề,
mà đức minh quân lại không tỉnh ngộ;
Ôm nỗi lòng mà không bày tỏ ra được hề,
ta sao chịu được như vầy cho tới hết đời!)

Như vậy, nhà thơ cổ đại tuy không quá nghĩ đến quyền lợi riêng tư nhưng cũng chỉ ước ao phục vụ quyền lợi vua chúa. Viết Bốc cư, Khuất Nguyên cũng lại tự tình y như vậy :

Khuất Nguyên ký phóng, tam niên bất đắc phục kiến,
Kiệt trí tận trung, nhi tế chương ư sàm.
Tâm phiền ý loạn, bất tri sở tùng.

(Khuất Nguyên bị đuổi, ba năm không được thấy vua,
Hết sức trung thành nhưng bị kẻ sàm báng hại.
Lòng buồn ý loạn, không biết theo đâu).

Thành ra tâm sự Khuất Nguyên chỉ là tâm sự một quan lại viên chức không còn được tin dùng nên buồn rầu chán nản. Chứ Khuất Nguyên không hề yêu nước, lại càng không thể là nhà đại ái quốc. Huống chi ở thời đại Khuất Nguyên quan niệm về tổ quốc chưa thành hình. Ai nghĩ là mình có tài thì cứ đi từ địa phương này sang địa phương khác, nơi nào chịu dùng thì tá túc nương thân. Người nào cung phụng tử tế thì phục vụ, ai cấp cho quan tước thì tận trung. Ðó là hạng thực khách ở những nhà Mạnh Thường-quân, Tín Lăng-quân, Bình Nguyên-quân. Ðó là những Yêu Ly, Kinh Kha, Dự Nhượng, Ðiền Vi sẵn sàng chết cho một người nào đó để đền ơn tri ngộ. Ngũ Tử-tư sinh trưởng ở Sở nhưng thề nguyền đạp đổ Sở, họ Ngu đã mang binh tướng Ngô về giẫm nát đất Sở, đào mả Sở Bình vương đem thây lên đánh ba trăm roi và móc đôi nhãn cầu. Khổng Tử người đất Lỗ nhưng vì được phong chức thấp quá nên ngài dấn bước chu du truyền đạo khắp Vệ, Trần, Tề, Sái, Sở, Tống. Mạnh Tử cũng vậy, đã bôn ba đi gặp rất nhiều lãnh chúa mong được trọng dụng song không thành công nên cuối đời về quê dạy học. Ðặc biệt đối với những nhân vật gọi là nhà du thuyết như Tô Tần, Trương Nghi thì nơi nào dùng họ là họ lấy nơi ấy làm quê hương. Họ chẳng có trách nhiệm gì với dân chúng sinh quán, họ chẳng băn khoăn gì về tương lai bản địa. Cho nên đời bây giờ mới có câu triêu Tần mộ Sở nghĩa là sáng thì (thờ) Tần chiều thì (thờ) Sở. Không biết đâu là tổ quốc, thì làm thế nào mà ái quốc được? Những nhà nghiên cứu khách quan – dù chỉ khách quan tương đối – đều thấy điều này, ngay cả khi họ đứng cùng chiến tuyến với Quách Mạt-nhược. Ferenc Tökei, người Hung Gia Lợi, trong Naissance de l’élégie chinoise, Gallimard (nrf), Paris, 1967, trang 166, viết: "Tại sao Khuất Nguyên không di cư sang Tần? Ðể đi tìm nguyên do, người ta sẵn sàng viện dẫn lòng yêu nước của ông ta. Quách Mạt-nhược đã nhấn mạnh quá độ chi tiết này qua cung cách tuyên dương Khuất Nguyên như nhà thơ vĩ đại của tinh thần ái quốc. Nhưng không nên quá coi trọng tình cảm này nơi nhà thơ, nhất là vào giai đoạn phát triển lúc bấy giờ của xã hội Trung Hoa, chưa có tổ quốc và chưa có dân tộc, theo đúng nghĩa lịch sử của các từ này, và tinh thần ái quốc thuở ấy cũng không có cùng nghĩa như về sau này (vả lại hàm nghĩa của từ liên hệ cũng thay đổi theo thời đại). [Pourquoi K’iu Yuan n’a-t-il pas émigré dans le Ts’in? On en chercherait volontiers la cause dans son patriotisme. Kouo Mo-jo a trop insisté sur ce détail, en célébrant K’iu Yuan comme le grand poète du patriotisme. Mais il ne faut pas attribuer d’importance à ce sentiment chez le poète, d’autant qu’à ce degré de développement de la société chinoise il n’y avait pas de nation ni même de peuple, au sens historique de ces termes, et que le patriotisme n’avait pas alors le même sens que plus tard (ce sens variera d’ailleurs selon les époques).] Nguyên tác cuốn sách này (A Kínai elégia szuletése) xuất bản ở Budapest năm 1959. David Hawkes, trong The Songs of the South, Penguin Books, Middlesex, 1985, trang 64, kể với giọng mỉa mai rằng: "Một cuốn sách nhỏ dành cho học sinh trung học phát hành năm 1957 mở đầu với những chữ ‘Khuất Nguyên là nhà thơ ái quốc lớn đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta.’" (A little book for high school students published in 1957 opens with the words, ‘Qu Yuan is the first great patriotic poet in the history of our country’s literature.’) Có tác giả cộng sản lại phong chức cho Khuất Nguyên làm nhà thơ nhân dân như Văn Nhất-đa. Là thành viên của Tân Cách luật Thi phái, chấp bút thi phẩm Tử thuỷ (Nước đọng), tham gia Tân nguyệt Xã, biên tập viên Tân nguyệt nguyệt san, bình phẩm thơ Ðường, Kinh Thi, Sở từ; Văn Nhất-đa bị ám sát chính trị vì lập trường cực đoan. Theo Văn, Khuất Nguyên dẫu không đề cập đến đời sống quần chúng, đến các nỗi bất hạnh của họ, vẫn đáng được xem là một thủ lãnh phong trào cách mạng nhân dân, đã vì nhân dân mà báo thù rửa nhục! Trong khi đó thì chính Khuất Nguyên mở đầu Ly tao bằng cách “thành khẩn khai báo lý lịch” rằng mình xuất thân từ một gia đình quí tộc, có họ xa với vua nước Sở.

Bây giờ xin trở lại với điểm xuất phát. Nhân dịp kỷ niệm 1250 năm sinh nhà thơ Ðỗ Phủ, Quách Mạt-nhược viết trên Quang minh nhật báo số ngày 09.06.1962 rằng Ðỗ Phủ là một thi sĩ rất gần gụi nhân dân và là một nhà thơ mãi mãi được nhân dân Trung Hoa yêu quí. (Trung quốc nhân dân hướng lai tựu bảo quí tha, kim hậu giã vĩnh viễn yếu bảo quí tha). Nhưng chưa đến một thập niên sau đó, Quách viết trong tác phẩm Lý Bạch dữ Ðỗ Phủ (Lý Bạch và Ðỗ Phủ), Nhân dân Văn học Xuất bản Xã, Bắc Kinh, 1971, rằng Ðỗ Phủ luôn luôn đứng về phe giai cấp thống trị và địa chủ, rằng ý thức hệ của giai cấp thống trị là xương sống tư tưởng của nhà thơ (tư tưởng đích tích lương, tr. 195)! Dựa vào một bài biểu do chính Ðỗ Phủ viết, theo đó vị thi thánh nói tổ tiên mình đời đời tôn thờ đạo Nho và làm quan, chưa bao giờ rơi xuống làm người dân thường, Quách châm biếm mỉa mai cung cách trình bày gia thế của thi sĩ. Từ xưa tới nay, từ đông sang tây, giới thưởng ngoạn và bình phẩm vẫn nhận rằng thi ca Ðỗ Phủ có nhiều bài phản ảnh một cách sâu sắc, cay đắng, đồng cảm, trung thực đời sống khổ cực của dân chúng, khác với Lý Bạch. Người lính, người vợ lính, lão nông, ông lái đò, người vác củi, người bố mất con, người đàn bà đơn côi ăn trộm táo v.v… là những nhân vật hình tượng mỹ học từng xuất hiện trong thơ Ðỗ Phủ. Từ kinh đô qua huyện Phụng tiên, nhà thơ tâm niệm:

Cùng niên ưu lê nguyên,
Thán tức trường nội nhiệt.

(Suốt năm lo lắng cho dân đen,
Lòng bồn chồn, ruột nóng bỏng.)

Tâm tình nhà thơ là như vậy. Thế nhưng Quách Mạt-nhược lại cho rằng lòng lân tuất đó chẳng qua chỉ là thứ tình trắc ẩn rẻ tiền (liêm giá đích đồng tình, tr. 206) vì Ðỗ Tử Mỹ không đề ra biện pháp nào nhằm chấm dứt nỗi thống khổ của nhân dân! Cùng trang 206, Quách nói giọng chì chiết: hai câu thơ trong bài “Tân an lại” nổi tiếng

Nhãn khô tức kiến cốt,
Thiên địa chung vô tình.

(Mắt khô đến trơ xương,
Trời đất luôn luôn dửng dưng)

chỉ hàm chứa hậu ý chạy tội cho tập đoàn cầm quyền bằng cách đổ thừa cho trời với đất! Một độc giả công bình phải hiểu rằng viết thiên phóng sự về cảnh đời loạn lạc thảm khốc của dân chúng, nhà thơ lớn đời Ðường nhìn đám người nghèo khó qua những cặp mắt khô lệ của họ để ghi nhận rằng họ chỉ còn là những bộ xương; hoặc chính những cặp mắt của đám người khốn khổ đã nhận ra chân lý thời đại là trời đất chẳng hề có chút tình thương nào đối với những kẻ bị bán khoán cho thần chết. Trong thơ Ðỗ Phủ thường xuất hiện những hoài bão, những uớc mơ mãnh liệt về một cuộc sống hoà bình hạnh phúc, áo ấm cơm no. Nhà thơ ưa dùng hai từ an đắc (ước sao được, đâu được, làm sao được). Bài “Mao ốc vi thu phong sở phá ca” (Bài ca mái tranh bị gió thu thổi tốc) xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân với ngôi nhà bị gió thổi bay nóc của mình mà nêu ra giấc mơ ước gì có được toà nhà vạn gian che chở cho khắp thiên hạ:

An đắc quảng hạ thiên vạn gian,
Ðại tế thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan,
Phong vũ bất động an như san.

(Ước gì có được toà nhà rộng nghìn vạn gian,
Che chở hàn sĩ khắp thiên hạ khiến mặt ai cũng vui tươi,
Vững như núi chẳng sợ mưa gió lay chuyển.)

Nhà thơ quên mình để chỉ nghĩ đến người. Ðối với những dòng thơ này, Quách Mạt-nhược đay nghiến thi nhân không nhận thức được rằng một chương trình kiến thiết gia cư như thế đòi hỏi biết bao công sức lao động (na dạng đích “quảng hạ“ yếu hữu “ thiên vạn gian“, bất tri đạo yếu phí đa đại đích lao dịch, tr. 215)!

Sau Cách mệnh Văn hoá, sinh mệnh văn học của những Mao Thuẫn, Lão Xá, Ba Kim, Ðinh Linh v.v… đều chấm dứt; mặc dầu Mao Thuẫn từng giữ chức Bộ trưởng; còn Lão Xá thì tự sát. Riêng Quách Mạt-nhược sống sót và an vị, chỉ vì đã biết đả Ðỗ Phủ như Mao Trạch-đông.

Tháng năm năm 1930 Liên minh các nhà văn cánh tả thành lập ở Thượng Hải. Ðảng Cộng sản nêu khẩu hiệu văn nghệ đại chúng và dốc lòng tìm một khuôn mặt có uy tín trên văn đàn làm lãnh tụ. Lỗ Tấn được chọn. Nhưng để chụp vòng kim cô lên đầu tác giả Ả Q chính truyện, Đảng thoạt tiên đem tất cả sức lực phê bình “chủ nghĩa tự do” của Lỗ Tấn, chê bai Ả Q chính truyện phúng thích giai cấp vô sản một cách vô lý. Một tập thể đông đảo cây bút hùa nhau đả kích. Lỗ Tấn tranh biện, chống cự được chừng một năm rồi đành thoả hiệp, chuyển thế, nhận vương miện đã được chuẩn bị sẵn. Và chỉ trong một đêm, Ả Q chính truyện không còn bị lên án là đả kích vô trách nhiệm giai cấp tiến bộ, mà được đánh giá là một tác phẩm mang tính phản kháng sự áp bức của giai cấp tư sản! Ðể rồi kể từ thời điểm đó, Lỗ Tấn trở thành nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc! Vừa đội vương miện vừa mang kim cô.


*

Người phê bình văn học giống nhà chính trị ở điểm cả hai cùng có mục đích thuyết phục, một bên thuyết phục độc giả, một bên thuyết phục cử tri. Nhưng chính trị gia có xu hướng tạo cho mình tính tự miễn nhằm chống lại sự phê phán qua cung cách tự liệm mình trong áo quan mơ hồ và bằng hứa hẹn bất nhất. Làm công tác khoa học, đi tầm cứu chân lý, phê bình gia tránh không để mình dính dáng trực tiếp, gắn bó với đối tượng nghiên cứu; giữa chủ thể phê bình và khách thể tác phẩm luôn luôn có một khoảng cách. Bình khác đọc, dẫu rằng tất nhiên muốn bình thì trước hết phải đọc. Nhưng cách đọc của người phê bình hướng vào mục đích tìm kiếm chân lý, phát hiện giá trị, ước định tác động. Nếu chính trị gia lo tự chủng nhằm phòng ngừa đả kích của đối phương thì phê bình gia tìm ý nghĩa việc làm của mình trong dư luận phán xét, và nếu thấy dư luận hợp lý, chính đính, đúng sự thật thì sẵn sàng đổi thay ý kiến. Hơn thế nữa, phê bình gia còn tự phê phán mình, tự nhận định về mình để khi cần, nếu cần thì cách tân quan niệm, sửa lại lập trường. Chính trị gia chỉ sử dụng ngôn ngữ. Người làm văn học vận dụng nghệ thuật ngôn ngữ. Phê bình gia cũng dùng ngôn ngữ nhưng là dùng ngôn ngữ để phân tích ngôn ngữ, cho nên phê bình gia dùng siêu ngữ, phiên ngữ, metalanguage. Siêu ngữ là công cụ để phê bình, ngôn ngữ văn bản (hay thi phẩm) là ngôn ngữ chủ đích của siêu ngữ.

Học giả không đi tìm thế lực, quyền lực như chính trị gia. Làm chính trị là để nắm chính quyền, lập chính phủ. Làm nghiên cứu là để tìm hiểu, phân tích và riêng trong văn học, là để phê bình, bình phẩm. Hoạt động giữa môi trường khoa học, nhà phê bình sử dụng ngôn ngữ khoa học đòi hỏi tính đơn nghĩa, minh bạch. Không có lối nói đa nghĩa, ngoắt ngoéo, càng không có phong cách tiểu xảo, mạo hoá. Hơn nữa, trình bày ý kiến của mình xong, phê bình gia sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác, hân hoan chấp nhận phê bình từ tha nhân. Giới phê bình thừa khiêm cung để chẳng bao giờ ngông cuồng hợm hĩnh tự nhận mình là đỉnh cao trí tuệ. Cho nên tiến bộ của phê bình đặt trên giàn phóng tư duy dân chủ, nó đòi hỏi cơ chế cạnh tranh giữa các trường phái khác nhau, nó tôn trọng dị biệt quan điểm, và tất nhiên, nó có khát vọng tự do tư tưởng, nó không chấp nhận kiểm duyệt.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam - Trung Hoa, thỉnh thoảng có hiện tượng các lãnh tụ chính trị làm thơ: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Tào Tháo, Vương An-thạch, Phạm Trọng-yêm, Lý Dục. Nhưng thi phẩm của họ không đạt đến độ truyền tụng rộng rãi, phổ cập mạnh mẽ như thơ Ðường, đồng tử giải ngâm Trường hận khúc, Hồ nhi năng xướng Tì bà thiên (trẻ con ngâm nga Trường hận khúc, bé Hồ cũng hát được Tì bà thiên). Dẫu vậy, thơ của những nhân vật này vẫn đẫm chất thơ. Ðến thời đại xã hội chủ nghĩa, các lãnh tụ Mao Trạch-đông, Hồ Chí Minh cũng làm thơ nhưng Mao Chủ tịch thi từ hoặc Ngục trung nhật ký đều đứng cách xa độ tinh hoa của thi ca Kiến An chẳng hạn. Tuy nhiên tiếng nói của họ thì lại trở thành chân lý văn học, với sự tiếp trợ của những Liễu Á-tử, Quách Mạt-nhược, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng.

Văn học là văn học nhưng phê bình văn học lại là khoa học. Nhiệm vụ của nó, của phê bình với tư cách một khoa học, là thông qua những hiện tượng – nhiều khi dường như có vẻ ngẫu nhiên, thậm chí lộn xộn – mà phát hiện, minh định các qui luật khách quan, lúc đầu tựa hồ nhìn không ra. Bước thêm bước nữa, phê bình văn học vũ trang cho giới nghiên cứu văn chương sự hiểu biết về những qui luật liên hệ để giới này sử dụng, áp dụng, vận dụng trong hoạt động chuyên môn thực tiễn. Sức mạnh của khoa phê bình văn học là ở những điều khái quát của nó bởi trong mọi lĩnh vực sinh hoạt chữ nghĩa, phê bình văn học chỉ ra tác dụng của các qui luật cơ bản thuộc đám hiện tượng bề ngoài xem như hỗn mang. Phép làm thơ dân tộc của chúng ta chỉ vận dụng ba lối kết cấu thi ca: lối sáu chữ, lối bảy chữ, lối tám chữ. Giống như bộ mật mã di truyền chỉ dựa trên bốn ba-dờ mà tạo tác nên được hằng hà sa số prôtêin, thi pháp Việt ngữ chỉ có ba con số 6, 7 và 8 mà cũng đủ để viết thành cả một kho tàng bài thơ dài ngắn. Nêu ra qui luật tổng quát như vậy về nghệ thuật ngôn từ vận văn Việt học, phê bình văn học có thể sánh vai cùng genetic engineering, vốn là một khoa học thuần tuý. Tại sao chư vị thiền sư đời Lý Trần khi sáng tác kệ lại hầu như chỉ sử dụng thể thơ bốn câu bảy chữ và nhất là năm chữ? Tại sao khi Mộ Dung Bác đốn ngộ trong Lục mạch thần kiếm để chợt nhận ra rằng thứ dân, đế vương cũng đều là cát bụi, nước Ðại Yên khôi phục được cũng là không mà chẳng khôi phục được cũng là không thì nhà sư già trong chùa Thiếu Lâm liền đọc lên mấy câu thơ ngắn gọn để khai ngộ cho họ Mộ Dung và Tiêu Viễn Sơn? Tại sao trong Thiên long bát bộ, Ðại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí lại đọc tại chùa Thiên Long nước Ðại Lý một bài tứ cú (thơ bốn câu) nói lên lẽ hữu thường mà hoá vô thường, đã hình như giả lại hình như không? v.v… Mới thoạt nhìn, hoàn cảnh xuất hiện các bài thơ lịch sử có tác giả hiển danh đời Lý Trần ở Việt Nam và sự ngẫu tác các bài thơ khai tâm đệ tử có tác giả hư cấu trong truyện chưởng Kim Dung, hoàn cảnh xuất hiện đó có vẻ như tình cờ, đột phát. Nhưng nhà phê bình am hiểu chức năng, mục đích của kệ có khả năng khái quát hoá lý do đích thực của sự vận dụng thể loại liên hệ (kệ là thơ suy lý, kệ ghi nhận thời điểm xuất thần của nhà tu hành, kệ nói lên trong một tích tắc và vào một đỉnh điểm tư tưởng Phật học v.v…). Ðọc kệ để thị đệ tử là văn học, phát hiện nguyên nhân đọc kệ là khoa học. Là khoa học nên phê bình văn học sử dụng thuật ngữ chính xác: thể (genre), phân thể (subgenre), vận luật (rhyme), âm luật (metre), văn phong (stylistic devices), cách thế trần thuật (narratological modes) v.v… Cho dẫu không đạt được đến mức độ chính xác của phân loại khoa học theo nomenclature binominale, theo danh pháp nhị nguyên, nhưng phê bình nghiên cứu văn học cũng đã biết đến genre, đến subgenre.

Phần mình, người cộng sản phê bình văn học theo phương pháp mệnh danh là Marx-Lenin, vì thiếu những điều kiện làm việc thực sự khoa học, nên ngay tự bước đầu đã không thuyết phục được đối tượng tiếp thu. Trong thư gửi W. Borgius đề ngày 25.01.1894, Engels chủ trương sự phát triển chính trị, luật pháp, triết học, tôn giáo, đạo đức, luân lý, văn học, nghệ thuật v.v… là dựa vào sự phát triển kinh tế; nhưng các lĩnh vực này tác động lẫn nhau và cũng tác động lên kinh tế. Cũng theo Engels, điều kiện kinh tế không phải là nguyên nhân, nguyên nhân chủ động duy nhất trong khi các lĩnh vực khác chỉ có vai trò bị động, tuy nhiên tác động của kinh tế là tác động chung thẩm. [5] Nói cách khác và nói cách quen thuộc, giáo điều lý thuyết cộng sản cho rằng văn học là hình thái ý thức thượng tầng kiến trúc, nó tuỳ thuộc vào hình thái hạ tầng kiến trúc là kinh tế, tuỳ thuộc trong một mối tương quan qua lại chặt chẽ, chung thẩm, in the last instance; và các thay đổi hình thái kinh tế không sớm thì muộn cũng sẽ tác động lên hình thái văn học. Khai thác luận điểm này, Ðặng Thai Mai, tác giả Văn học khái luận, trình bày rằng văn học có chung một bản chất và mục đích với các hình thái ý thức khác, vì “đều gây dựng trên nền tảng sinh hoạt kinh tế của xã hội“ [6] . Nguyên lý này không hề được chứng nghiệm trong thực tế. Không thấy nhà phê bình lý luận văn học xã hội chủ nghĩa nào minh định được biến thiên kinh tế nào đã tác động lên vần, luật trong thi ca. Phương pháp trần thuật với ngôi thứ nhất và phương pháp trần thuật với ngôi thứ ba, phương pháp nào chịu ảnh hưởng trạng thái kinh tế nào? Hán có phú, Ðường có thi, Tống có từ, Minh Thanh có khúc; điều kiện kinh tế hạ tầng cơ sở nào đã khai sinh ra các thể loại văn học đó của tiền nhân Mao Chủ tịch? Ðào đâu ra khúc nôi kinh tế để biện minh sự kiện ngâm chỉ có mặt ở bên này rặng Ngũ Lĩnh mà không có ở bên kia, mặc dầu cả hai bên vốn là “đồng văn”? Thể loại ca trù, hát nói độc đáo, riêng tây của nòi Việt có nguyên uỷ hình thái kinh tế nào? Ðương nhiên hình thức tổ chức ngôn ngữ thi ca, lề lối xây dựng tác phẩm văn học vốn vẫn tương quan ít nhiều với thời đại thời thế. Truyện nôm bằng thơ chỉ xuất hiện ở nước ta vào hai thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX. Thời trung đại, thể loại sử thi anh hùng ca có nhiều nét giống nhau ở các nước phương Tây và phương Đông. Thời Phục Hưng phồn thịnh của châu Âu có thể thơ sonnet với Shakespeare, Ronsard, Pétrarque, Michel-Ange. Dante và Pétrarque vốn ưa thích dạng thơ terza rima v.v… Nhưng điều này không có nghĩa là văn học phải lệ thuộc kinh tế. Lucien Goldmann, trong Pour une sociologie du roman, Gallimard (nrf), Paris, 1964, gượng gạo cố tìm cho ra mối liên hệ giữa thể tài nouveau roman của nền văn học Pháp với biến đổi cơ chế trên kinh tế thị trường tự do. Cung cách trần thuật của tiểu thuyết mới là không có nhân vật, hoặc chỉ có nhân vật với lý lịch cá nhân rất sơ sài, với ngoại hình và tư cách chỉ được vẽ phác chấm phá, trong khi các biến cố, các sự kiện lại được tường thuật với tối đa chi tiết, và lắm khi chi tiết tỏ ra không cần thiết cho kỹ thuật tự sự; còn tác giả thì mất đặc quyền chi phối độc giả, không còn khả năng dẫn dắt lèo lái người đọc. Theo Goldmann, tình trạng giải thể nhân vật trong nouveau roman là điểm hẹn của tiến trình réification, bản thể hoá [7] , nó là hậu quả khả năng phát triển không hạn chế của nền kinh tế thị trường tự do, của các hình thức độc quyền và tổ chức tờ-rớt, của đầu tư tư bản và lũng đoạn chính quyền. Nhưng lập luận của Goldmann, nếu chỉ đi thêm nửa bước nữa, là đã chập chững: làm sao nhà phê bình văn học mácxít người Pháp giải thích được đường lối dựng truyện của Cortázar, Borges hay Malamud, Saül Bellow? Jorge Luis Borges và Julio Cortázar đều là nhà văn hiện đại người Argentine. Borges xuất thân từ một gia đình giàu có, học ở trong nước và châu Âu, Giám đốc Thư viện Quốc gia, giáo sư văn học Anh. Sử dụng cả hai ngôn ngữ Anh và Tây Ban Nha. Mở đường cho trào lưu siêu thực ở trong nước, đóng góp vào việc phát triển văn học Argentine hiện đại. Làm thơ, viết luận văn, truyện ngắn. Tác phẩm pha lẫn hiện thực và mộng ảo, hiện tại và dĩ vãng, thời gian và không gian xa xôi, không rõ rệt, hài hước hỗn hợp với siêu hình, hợp lý đấu tranh với phi lý: Fervor de Buenos Aires (Buenos Aires với lòng nhiệt thành), Elogio de la sombra (Ca tụng bóng tối), Historia de la eternidad (Lịch sử vĩnh cửu). Gia đình Julio Cortázar thuộc thành phần tư sản. Khi Perón lên cầm quyền, sống lưu vong ở Paris. Viết tiểu thuyết và truyện ngắn, có lập trường ủng hộ chế độ Fidel Castro. Chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh. Cuốn tiểu thuyết Los reyes (Những ông vua) phê phán chế độ Perón. Quan niệm con người bị chi phối bởi những động cơ bản năng như loài vật, Cortázar viết Bestiaro (Sách loài vật) phê phán giai cấp tư sản. Trong cuốn tiểu thuyết Rayuela (Trò chơi nhảy ô), nhân vật chính luôn luôn bất mãn với thực tế xã hội Argentine nên ẩn thân ở một hòn đảo hẻo lánh. Saül Bellow và Bernard Malamud đều là nhà văn Mỹ gốc Do Thái. Saül Bellow, giải thưởng Nobel 1976, là con của một nhà buôn Nga Do Thái di cư sang Canada. Học nhân chủng học, xã hội học và văn học ở Mỹ. Viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, tiểu thuyết. Miêu tả xã hội người Do Thái lưu vong và các tranh chấp trong cộng đồng di dân nơi các thành phố lớn. Các nhân vật của Bellow thường mang tâm hồn cô quạnh, khắc khoải, không thông cảm được với xã hội. Tiểu thuyết đầu tay The Dangling Man (Con người toòng teng) mô tả chân dung con người hoá đá, không hội nhập được, thoát ly trong các cuộc đấu bò mộng và săn dã thú. Ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới là The Adventures of Augie March (Những cuộc phiêu lưu của Ô-gi Mác), Henderson, the Rain King (Hen-đơ-sơn, vua mưa) và Herzog (Hơ-xôốc). Cuốn thứ ba có nhiều nét tự truyện, trình bày đời sống nội tâm của một trí thức Mỹ. Bernard Malamud thuộc gia đình di dân Do Thái lập nghiệp ở Brooklyn, tốt nghiệp Ðại học Columbia. Làm việc ở nhà máy và công sở, dạy tiếng Anh ở đại học. Chủ yếu viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Tác phẩm có The Assistant (Người phụ tá), A New Life (Cuộc sống mới). Tập truyện ngắn The Magic Barrel (Chiếc thùng mầu nhiệm) viết về niềm vui và nỗi khổ của thị dân Do Thái, vận dụng tài tình đặc ngữ yiddish pha tiếng Do Thái với tiếng Ðức. Các nhà viết tiểu thuyết này đều tôn trọng cả hai thực thể là cá nhân trần thuật và nhân vật hư cấu, chứ không hề xoá nhoà nhân vật. Vả lại thị trường tự do đâu chỉ có “sản xuất” ra mỗi một thể loại nouveau roman? Cũng nên nói thêm rằng những tác phẩm nhằm mục đích chứng minh hạ tầng kiến trúc kinh tế tác động lên thượng tầng kiến trúc văn học, những tác phẩm loại này vốn rất hiếm hoi. Các lãnh tụ cộng sản không thèm viết đã đành (nhà độc tài vốn không có thói quen giải thích), mà các nhà lý luận văn học xã hội chủ nghĩa cũng chẳng có ai động não viết được cho ra hồn một cuốn sách loại đó.

Phê bình văn học khoa học chủ yếu nhằm phân tích văn học, analyse littéraire. Phê bình văn học cộng sản chủ yếu nhằm đánh giá văn bản. Khái niệm critique littéraire trong thuật ngữ phương Tây thường được giới nghiên cứu xã hội chủ nghĩa hiểu theo nghĩa chỉ trích, phê phán, thậm chí bài bác, trách cứ, có khi chê ỏng chê eo, đay nghiến dằn vặt. Ðó là cung cách phê bình văn học của Quách Mạt-nhược. Ðó cũng là cung cách phê bình văn học của Như Phong trong Bình luận văn học, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1977; dùng toàn một giọng tiếng bấc tiếng chì đối với “Phở” của Nguyễn Tuân, hoặc một giọng công tố viện đối với “nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm“. Ðừng nghĩ rằng đây chỉ là “thời kỳ quá độ”, rằng đây vốn là thuở trước “Đổi mới”. Trong cái lưới khôi khôi của phê bình văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có ông Hoàng Ngọc Hiến, từng được Trung tâm William Joint Center tuyển chọn phụ trách một phần công trình nghiên cứu mệnh danh (theo tiếng Việt made in USA) là “Ðề án về Cộng đồng người Việt ở nước ngoài - Nghiên cứu gia khoa học nhân văn Quỹ Rockefeller 2001-2002”. Viết Văn học và học văn, Nhà Xuất bản Văn học, Hà nội, 1999, ở phần I, Lý luận văn học, từ trang 5 đến trang 13, dưới tiểu đề Quan điểm tiếp cận văn học và quan điểm tiếp cận thực tế của Hồ Chủ tịch, ông Hoàng Ngọc Hiến nêu lên “một vấn đề quan trọng bậc nhất” trong “tiếp cận văn học từ quan điểm phản ánh” là “tính chân thật của tác phẩm văn học”. Rồi ông chăm chỉ trích dẫn lời lãnh tụ để nói về... tính chân thật. Ông bất chấp sự thật là hai cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Trần Dân Tiên) và Vừa đi đường vừa kể chuyện (T. Lan) đều là những tập tự truyện do chính Hồ Chí Minh viết để tự mình đề cao mình. Ở chương sách kế tiếp, ông biện minh dài dòng cho tính nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản, từ trang 14 đến trang 61. Ðọc ông lập luận cứ như nghe cô Kiều cam đoan với bác sĩ pháp y là màng trinh của mình vẫn còn nguyên vẹn sau mười lăm năm lưu lạc vì mình vốn xuất thân gia giáo, nho phong.

Ðến một ngày nào đó thì người mácxít cũng nhận ra cái sai của mình. Năm 1978, trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá 11 của Ðảng Cộng sản Trung Hoa, chịu ảnh hưởng tư tưởng và định hướng học thuật cánh tả, môi trường nghiên cứu kinh điển chữ Hán ở Trung Quốc đại lục lâm vào tình trạng đìu hiu nếu không là bế tắc. Ngày nay nhìn lại, giới văn học lục địa cho rằng vào giai đoạn đó đã có một số biểu hiện tả khuynh, đôi lúc nghiêm trọng; trong khi ở Hương Cảng và Ðài Loan, văn nghệ sĩ và phê bình gia vẫn duy trì truyền thống học thuật tư duy khoa học từ nửa trước của thế kỷ XX. Nói chung và đến nay, chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX đã bị chính những đồ đệ chân truyền của nó hầu như đồng loạt phủ nhận, sau khi nhận thức được rằng không thể áp dụng cách nhìn gượng gạo đến cứng nhắc đối với sáng tác văn học.

Chủ nghĩa Marx-Engels có vẻ cung cấp được một lý thuyết hàm súc, bao quát về văn học, nhưng thật ra lại không phải vậy. Nó khả nghi. Các tín điều của nó thoạt nhìn có vẻ tầm cứu nhưng nhìn kỹ thì lại hoá ra mâu thuẫn. Người phê bình văn học trí thức đứng đắn phải biết nghi ngờ khoa học. Và khoa học đòi hỏi phải loại bỏ những nguyên lý, những định lý, những lý thuyết, những giải pháp không kiểm chứng được; chúng chỉ đóng gông tư duy, cầm tù phê phán.

Westpreußenstr., 26.10.2007


© 2007 talawas


[1]V. Lênin.- Tổ chức Ðảng và văn học Ðảng. Nhà Xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1957. tr. 13.
[2]Mao Trạch Ðông.- Bàn về văn nghệ. Nhà Xuất bản Văn học. Hà Nội. 1959. tr. 87-88.
[3]Phong trào Ngũ Tứ (cũng gọi là Ngũ Tứ vận động) là một phong trào văn hoá ái quốc diễn ra những năm từ 1917 đến 1924. Ngũ Tứ là ngày 04.05.19, ngày Hiệp ước Versailles được công bố khi Thế chiến thứ Nhất chấm dứt và trao Sơn Đông trước đó vốn do Ðức chiếm đóng cho Nhật, gây thành một làn sóng công phẫn trong dân chúng Trung Hoa. Phong trào Ngũ Tứ chủ xướng lấy tư tưởng canh tân thay cho tư tưởng truyền thống, dùng bạch thoại thay thế văn ngôn. Trên tạp chí Tân thanh niên, Trần Ðộc-tú đề xướng tinh thần khoa học và dân chủ, nêu khẩu hiệu Ủng hộ tiên sinh Ðêmôcraxi (Dân chủ), Ủng hộ tiên sinh Xiêngxơ (Khoa học). Lý Ðại-chiêu, được xem là nhân vật mácxít đầu tiên của Trung Quốc, khẳng định văn học là hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc, chỉ rõ văn học mới phải là một nền văn học tả thực xã hội, nó phải chịu sự chỉ đạo của chủ nghĩa kiên tín (tức chủ nghĩa Marx-Lenin). Ngũ Tứ vận động được nhiều nhân vật văn học tên tuổi ủng hộ như Hồ Thích, Lâm Ngữ-đường, Lỗ Tấn, Chu Tác-nhân, Tạ Băng-tâm, Cao Nhất-hàm, Ngô Ngu, Dị Bạch-sa v.v… Nhưng rồi hàng ngũ phong trào phân hoá vì bất đồng chính kiến. Hồ Thích, Lâm Ngữ-đường chống lại văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; Cao Nhất-hàm chủ trương Nỗ lực chu báo tách rời cánh tả; Chu Tác-nhân, Tạ Băng-tâm rút lui ẩn dật, gấp sách gác bút; Trần Ðộc-tú theo đường lối Trotsky nên bị thất sủng; Dị Bạch sa tự tử vì thất vọng chính trị.
[4]Khuất Nguyên. Khai Minh thư điếm. Thượng Hải. 1937; Khuất Nguyên nghiên cứu. Tân Văn nghệ Xuất bản xã. Thượng Hải. 1951; Khuất Nguyên phú kim dịch. Nhân dân Văn học Xuất bản xã. Bắc kinh. 1955.
[5]Karl Marx, Friedrich Engels.- Werke (Tác phẩm). XXXIX. Dietz Verlag. Berlin. 1968. tr. 206. Lối nhận thức này của Engels đã được Marx trình bày sơ bộ và cơ bản trong bài Tựa nổi tiếng (1859) viết cho tác phẩm Zur Kritik der Politischen Ökonomie (Góp phần phê phán chính trị kinh tế học). Xem Über Kunst und Literatur, I. Dietz Verlag. Berlin. 1967. tr. 74-75.
[6]Từ điển văn học. Tập II. N -Y. Nhiều tác giả. Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội. Hà nội. 1984. tr. 517.
[7]Réification: danh từ triết học rất khó dịch. Tiếng Ðức gọi là Verdinglichung, do động từ verdinglichen đồng nghĩa với hypostasieren, nên xin tạm dịch là bản thể hoá. Trong cả hai từ réifier, verdinglichen đều có ngữ căn res, Ding nghĩa là chose, tiếng Pháp.