trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
21.12.2006
Đoàn Tiểu Long
Chúng ta đều là những người mù mờ cả
 
Trao đổi, tranh luận một cách nghiêm túc luôn thú vị, càng đông người tham gia càng khoái (nhớ lại vụ “vi tính” mà xem!). Cho nên tôi rất thích thú khi thấy anh Phạm Tuấn Anh quan tâm đến cuộc trao đổi giữa tôi với anh Hoàng Giang. Tôi cứ tưởng mọi người chán cái đề tài này lắm rồi kia!

Theo đúng tinh thần trao đổi, tôi sẽ trả lời các câu hỏi, các thắc mắc anh Phạm Tuấn Anh đặt ra cho tôi, để cùng tìm ra một tiếng nói chung. Thực sự thì ai trong chúng ta cũng đều mù mờ trong cái biển kiến thức mênh mông này cả.

Để cho đỡ nhàm chán, tôi xin phép trả lời mấy câu hỏi cuối cùng của anh Phạm Tuấn Anh trước, rồi sẽ đến các vấn đề khác.

Các câu hỏi từ dưới lên lần lượt thế này:

3. "... nghĩa là ám chỉ hàm lượng tri thức chứa trong giá trị sử dụng của sản phẩm, và cho rằng sản phẩm càng hiện đại thì giá trị càng cao, thì họ đã sai lầm, vì giá trị không phụ thuộc vào giá trị sử dụng. Đây là kiến thức kinh tế chính trị sơ đẳng."

Ai nói sản phẩm càng hiện đại thì giá trị càng cao? "Hiện đại" nghĩa là gì? "Giá trị càng cao" là giá trị nào, có giống với "giá trị" trong "giá trị không phụ thuộc vào giá trị sử dụng" hay không?

Bản thân tôi cho rằng cách nói “sản phẩm có hàm lượng tri thức cao” là một cách nói hàm hồ. Tôi đã hỏi thử nhiều người xem họ hiểu thế nào là sản phẩm có hàm lượng tri thức cao. Người thì bảo: thì đấy, con chip Intel này, các sản phẩm kỹ thuật cao này, phải tinh vi, hiện đại thế bán mới được nhiều tiền chứ! Người lại bảo: đó là những sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ cao, chứ không bằng lao động thủ công. Ví dụ, TV LCD phải dùng công nghệ hiện đại mới làm ra được, trong khi làm đôi giày thì chỉ cần máy móc vớ vẩn cũng xong.

Như thế, cái đoạn anh trích ở trên là đoạn tôi phân tích cái sai của những người cho rằng sản phẩm có hàm lượng tri thức cao đồng nghĩa với sản phẩm kỹ thuật cao, tinh vi, hiện đại, và nhờ đó bán được nhiều tiền. Những người này hiểu giá trị một cách nôm na: cứ bán được nhiều tiền thì là giá trị cao! Tức họ đánh đồng giá cả và giá trị. Tôi biết điều đó, nhưng không muốn tách bạch lôi thôi, chỉ đưa ví dụ cho thấy không phải cứ hàng kỹ thuật cao là có giá cao hơn hàng kỹ thuật thấp, để cho thấy giá trị không phụ thuộc vào giá trị sử dụng.

Với loại người thứ hai, tôi đưa ví dụ về việc dùng robot đào than, cho thấy cách hiểu đó thiếu vững chắc. Cũng dùng công nghệ cao đấy, sao không thấy ai bảo than có “hàm lượng tri thức cao” đi?

Hy vọng anh đã hiểu trong đoạn trích trên cái nào là ý của tôi, cái nào là ý người khác.

2. Cái quyền khai thác than mà ông nói ở trên bản thân nó có giá trị không? Nếu không thì tại sao không? Nếu có thì xác định nó thế nào?

Bản thân mỏ than, hay quyền khai thác than, không có giá trị, vì không phải là sản phẩm của lao động. Nhưng nó có giá cả. Marx nói rồi: vô khối thứ không có giá trị nhưng vẫn có giá, cao là đằng khác. Danh dự này, lương tâm này v.v...

- Quyền khai thác than nói ở trên kia dù có giá trị hay không thì để được trao đổi mua bán cũng phải được gán một giá cả. Giá cả này được xác định thế nào? Và quan hệ của nó với giá trị của nó là thế nào?

Nó có giá cả, là vì nó là điều kiện sản xuất của ngành khai khoáng, giống như đất đai, mặt nước v.v... là điều kiện sản xuất của các ngành khác. Anh có thể đọc lại bộ “Tư bản”, hoặc bài của Phan Huy Đường mà tôi đã giới thiệu, để biết cách người ta xác định địa tô, tiền thuê mặt nước, quyền khai thác mỏ v.v... như thế nào. Tất nhiên có thể đọc thêm các tài liệu khác, nhưng ở đây tôi chỉ đề cập đến cách nhìn của Marx.

- Nếu có hai mỏ than giả tưởng giống nhau về mọi đặc điểm trừ trữ lượng chứng minh được một bên nhiều và một bên ít thì giá trị của hai mỏ than có khác nhau không? Giá trị của quyền khai thác hai mỏ than có khác nhau không? Và tương tự giá cả của quyền khai thác hai mỏ than này có khác nhau không?

Dĩ nhiên hai mỏ than có giá trị (hiểu nôm na, không phải hiểu theo nghĩa kinh tế chính trị) khác nhau, và giá của quyền khai thác cũng khác nhau. Thiết nghĩ, anh sẽ chẳng bao giờ đặt câu hỏi tương tự đối với giá trị quyền sử dụng đất của hai mảnh đất có diện tích khác nhau. Giá trị quyền khai thác mỏ than trữ lượng 1 triệu tấn khác với mỏ 1.000 tấn tương tự như sự khác biệt giữa giá trị quyền sử dụng các mảnh đất 10.000 m2 và 100m2 vậy.

Ta hãy hình dung các mỏ than không thuộc quyền sở hữu của ai hết, ai muốn đào thì đào. Lúc đó giá trị của than đào lên được xác định bởi chi phí lao động trung bình để sản xuất ra lượng than lớn nhất trên thị trường (lượng than đủ lớn để quyết định chi phí, đó là chi phí trung bình, biểu hiện ra thành giá chung), nghĩa là theo đúng quy luật giá trị. Nói “than nằm dưới mỏ tự thân chưa có giá trị” là vậy.

Nhưng rồi các mỏ than thuộc về quyền sở hữu của ai đó, và từ giờ trở đi ai muốn đào than phải trả tiền để được quyền khai thác. Giống như thuê đất để được quyền trồng cây, xây nhà xưởng vậy. Đất đai màu mỡ, vị trí tốt, diện tích lớn, thì có tiền thuê, giá bán cao. Các mỏ than cũng thế.

Sẽ rất dài dòng nếu tôi trình bày kỹ lưỡng vấn đề này, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chép lại hàng trăm trang của bộ “Tư bản”. Nhưng nếu tôi trình bày vắn tắt, thì hoặc người đọc không hiểu, hoặc cho rằng tôi hiểu sai bét rồi bắt đầu vặn vẹo (nhất là những người chưa từng đọc Marx – những người này rất dễ nhận ra!). Tốt nhất là anh nên tự tìm đọc lấy, nếu quả thật anh chưa đọc Marx. Rất có thể sau khi đọc xong bộ “Tư bản”, đọc mười lần thì càng tốt, nhất là cái phần đầu tiên nói về hàng hóa và tiền ấy, anh sẽ không đặt những câu hỏi kiểu này nữa, mà sẽ đặt kiểu khác hẳn.

1. ... Đang cố chứng minh cái này siêu việt hơn cái kia mà lại dùng chính quan điểm của cái đang cần được chứng minh là siêu việt hơn để chứng minh cái cũng đang cần phải được chứng minh là không siêu việt bằng là không siêu việt bằng thì tôi nghĩ học trò tiểu học nó cũng làm được.

... Việc ông thấy một thứ là không có gì khó hiểu hay thú vị và một thứ khác đọc mười lần mà cảm tưởng mới chỉ hiểu được 1/10 thực sự không phải là lý do thuyết phục để chứng minh một thứ là siêu việt hơn thứ kia. Cái lỗi vì tôi thấy nó thế này thế kia nên nói chung nó phải thế này thế kia là một lỗi lập luận rất khó tha thứ nhất là đối với một người tỏ ra rất tự tin là đọc nhiều sách, nghiên cứu cặn kẽ, và hiểu nhiều biết rộng như ông.

Tôi nhớ trong bài trao đổi với anh Hoàng Giang tôi không cố gắng chứng minh cái nào siêu việt hơn cái nào. Ở đoạn so sánh hai môn kinh tế, tôi viết rất thận trọng: “theo quan điểm marxist thì...”, ngụ ý rằng đây chỉ là quan điểm của người theo trường phái marxist – những người có thế giới quan và phương pháp luận duy vật lịch sử, biện chứng, không bao giờ chịu xem xét các hiện tượng một cách đơn giản như người bình thường. Phương pháp nghiên cứu, hình thức trình bày của Marx quả thực rất phức tạp, khó hiểu, đòi hỏi người đọc phải làm quen với tư duy biện chứng thì may ra mới hiểu đôi ba phần. Anh Phạm Tuấn Anh có vẻ không phải người marxist, anh không chấp nhận thì thôi, có sao đâu!


*


Về việc thế nào là kinh tế vi mô, tôi có cách hiểu của tôi, anh có quan điểm của anh, tranh luận có lẽ không đưa lại điều gì có ích về mặt học thuật. Rất dễ dàng để chép lại định nghĩa môn kinh tế học vi mô từ giáo trình môn này. Với tôi, mọi lý thuyết kinh tế có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ở tầm vi mô về bản chất đều có thể xếp vào loại kinh tế học vi mô, dù đó là quản trị kinh doanh, marketing, phân phối v.v... Anh tách chúng ra khỏi kinh tế học vi mô thì cũng được thôi, tôi chẳng phản đối. Ai bảo tôi hiểu sai, tôi cũng xin nhận. Vì nó không làm thay đổi bản chất vấn đề.

Cái định nghĩa của anh Phạm Tuấn Anh: “kinh tế chính trị học là ngành nghiên cứu các hoạt động kinh tế trong khuôn khổ chính trị, tức là các cơ cấu tổ chức xã hội loài người” khá là thú vị. Thực sự, tôi ít đọc, không biết anh lấy cái định nghĩa đó ở đâu ra, và nên hiểu thế nào? “Chính trị” đồng nghĩa với “cơ cấu tổ chức xã hội loài người” chăng? Có vẻ hơi khiên cưỡng thì phải. Theo cách hiểu nông cạn của tôi thì kinh tế chính trị học, hiểu theo nghĩa rộng, nghiên cứu các điều kiện và hình thức mà trong đó các xã hội loài người đã sản xuất, trao đổi và phân phối. Còn theo nghĩa hẹp, thì vì hiện nay phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang thống trị, nên môn kinh tế chính trị nghiên cứu chính cái phương thức sản xuất này, cùng với những quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi thích ứng với phương thức ấy. Tất nhiên đây là tôi dùng lại định nghĩa của Marx và Engels. Các nhà kinh tế học khác, do không có quan điểm duy vật lịch sử, nên có cách hiểu khác. Nhưng thôi, anh Phạm Tuấn Anh cứ giữ lấy cách định nghĩa của mình, chẳng có vấn đề gì.


*


Một khi đã đọc Marx, người ta rất khó đánh đồng kinh tế chính trị nói chung với kinh tế chính trị của Marx. Nếu tôi có dùng lẫn lộn hai loại đó trong bài của mình, thì có lý do của nó. Có những vấn đề do Marx tiếp thu từ các nhà kinh tế học khác, thì tôi cứ gọi chung nó là kinh tế chính trị, nếu như không thấy cần thiết phải phân biệt. Như vấn đề giá trị chẳng hạn. Nó vốn được các nhà kinh tế học trước Marx nghiên cứu, Marx tiếp thu và phát triển lên. Nói chung cái điểm cốt lõi của học thuyết đó – giá trị đo bằng lượng lao động xã hội trung bình cần thiết – được giữ nguyên. Tuy nhiên Marx xem xét các hình thái giá trị kỹ lưỡng hơn nhiều so với các tiền bối của mình, và cái chính là bằng phương pháp khác hẳn – sử dụng biện chứng pháp. Đọc Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị và phần 1 của bộ Tư bản sẽ thấy rất rõ điều đó. Nhưng khi trao đổi với anh Hoàng Giang, tôi chỉ nhắc lại khái niệm đó ở dạng đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, và gọi nó là khái niệm kinh tế chính trị học, chứ không nhấn mạnh đó là khái niệm kinh tế chính trị của Marx. Nếu trao đổi với người khác, trong hoàn cảnh khác, có thể tôi sẽ phải lưu ý rằng khái niệm “giá trị” ở đây phải xem xét theo cách của Marx, chứ không phải theo cách của môn kinh tế chính trị thông thường mà Marx đã phê phán.

Kinh tế chính trị của Marx dĩ nhiên có thể coi là một bộ phận của môn kinh tế chính trị, tuy nhiên nó là một bộ phận đặc biệt. Không thể gộp nó với các trường phái khác để thành môn kinh tế chính trị nói chung được. Nó khác hẳn các lý thuyết khác. Ở chỗ nào? Không phải ở từng luận điểm riêng lẻ, mà ở toàn bộ quan điểm và phương pháp luận: duy vật, lịch sử và biện chứng. Với từng vấn đề Marx luôn có cách tiếp cận, xem xét, nghiên cứu khác hẳn các nhà kinh tế học khác. Khác thế nào, cứ đọc trực tiếp Marx sẽ biết.

Trao đổi tí chút cho vui vậy thôi, chứ tôi biết thừa mình đúng là thằng mù sờ voi, đã dốt lại hay khoe chữ, được người khác chỉ bảo thêm cho chút nào tốt chút đó. Nhưng tôi vẫn tiếc, giá mà được các cao thủ cỡ như giáo sư Trần Hải Hạc, nhà nghiên cứu Phan Huy Đường, Bùi Văn Nam Sơn chỉ giáo cho, thì còn may mắn nào hơn!

© 2006 talawas