trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
12.3.2008
Anthony Giddens
Marx trong thế giới hiện đại
Lê Hải dịch
 
Lời giới thiệu: Anthony Giddens, hay Nam tước Giddens [1] , hiện là giáo sư danh dự (emeritus professor) Học hiệu Kinh tế và Chính trị London (London School of Economics and Political Science, LSE), sinh ngày 18 tháng Giêng năm 1938, được coi là nhà xã hội học danh tiếng nhất Vương quốc Liên hiệp Anh từ sau John Maynard Keynes. Trong tư cách nhà khoa học, ông được biết đến nhiều nhất nhờ lý thuyết kết cấu hoá (theory of structuration) và quan điểm chỉnh thể (holistic view) về các xã hội hiện đại. Hệ tư tưởng của ông đã được đưa vào các giáo trình cơ sở cho sinh viên ngành xã hội học không chỉ ở các nước nói tiếng Anh. Trong tư cách nhà chính trị, chủ trương ‘con đường thứ ba’ (the Third Way) mà ông là một đại diện – với tham vọng thay thế sinh hoạt chính trị lưỡng phân (cánh hữu vs. cánh tả) truyền thống – từng được Thủ tướng Tony Blair ủng hộ và vận động để trở thành trào lưu chính trị quốc tế. Những luận điểm cơ bản của Anthony Giddens cùng sự diễn giải về chúng dàn trải qua rất nhiều đầu sách giáo khoa và bài báo khoa học, cũng như qua các bài giảng và bài trả lời phỏng vấn dành cho truyền thông; trong đó, lý luận về chủ nghĩa duy vật lịch sử hậu-Mác-xít (post-Marxist materialism) của Giddens được trình bày khá tập trung trong một bộ sách ba tập mà quyển thứ hai của bộ sách (The Nation-State and Violence) trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của các quốc gia - dân tộc hiện đại, hiện tượng mà sinh thời Marx chưa kịp đào sâu. Trong bài báo được biên dịch sau đây, Giddens tiếp tục khẳng định giá trị của chủ nghĩa duy vật lịch sử Mác-xít, nhưng không đồng ý với cách hiểu và vận dụng quá thiên tả. [2]
Hệ tư tưởng duy vật lịch sử, cũng giống như chủ nghĩa Marx, được hiểu rất khác nhau đối với nhiều nhóm người khác nhau. Rốt cuộc, trên thế giới đã có rất nhiều phiên bản khác nhau của chủ nghĩa Marx. Tuy vậy, có hai xu hướng áp đảo về cách diễn giải cơ bản. Xu hướng đầu tiên tôi tạm gọi là phiên bản kinh tế, là sự diễn giải về một số quá trình thay đổi cụ thể của lịch sử. Nhóm này khẳng định rằng tiến trình phát triển chung của lịch sử chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, hoặc bị chi phối bởi tính tiên quyết của đấu tranh giai cấp. Câu nói của Marx rằng “lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp” chính là một cách phát biểu đại diện cho phiên bản này của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Phiên bản thứ hai của chủ nghĩa duy vật lịch sử có phần thiên về triết học nhiều hơn. Nếu quí vị có thể nói cách kiến giải thứ nhất ít nhiều gắn bó với những ai diễn dịch chủ nghĩa Marx như một học thuyết khoa học, thì phiên bản thứ hai này gắn liền với những ai quan niệm chủ nghĩa Marx trước hết là một phương pháp phê phán. Xu hướng này không đặt nặng vào cả nội dung các phát biểu của Marx lẫn chủ nghĩa tư bản đương đại hay vào nội dung của bản thân lịch sử, mà nhìn nhận chủ nghĩa Marx trước hết là một đấu pháp phê bình đối với các quá trình thay đổi.

Theo cảm quan này, chủ nghĩa duy vật lịch sử theo tôi gắn liền với cái định lý đầy hấp lực nói rằng con người trong quá khứ chưa từng tạo ra lịch sử theo những điều kiện do chính họ lựa chọn, rằng trong các kỷ nguyên trước đây lịch sử loài người đã từng bị chi phối bởi các hình thái đã có sẵn của quyền lực mà họ chưa nhận thức được, hoặc bởi những tín điều hay tập tục, hoặc bởi sự thiếu hiểu biết về lịch sử của chính chúng ta. Hệ phái này cho rằng tiêu điểm của việc hiểu biết lịch sử chính là để thay đổi lịch sử [như Marx từng phát biểu]: “Các triết gia chỉ mới giải thích thế giới, nhưng vấn đề là làm sao thay đổi nó.” Càng am hiểu về những điều kiện của lịch sử, chúng ta càng có thêm khả năng giành lấy tương lai cho những lợi ích của mình và sắp đặt tương lai cho phù hợp với lợi ích chung của nhân loại. Tôi cho rằng phiên bản thứ hai này [của chủ nghĩa duy vật lịch sử] hấp dẫn hơn, và cũng chứa đựng – một cách đầy lôi cuốn – nhiều sai sót hơn phiên bản thứ nhất. Nhưng trước hết hãy cho phép tôi đưa ra một vài ý kiến liên quan tới phiên bản đầu tiên.

Một điều không cần phải tranh cãi là, trong lịch sử loài người, có những xuất xứ quyền lực khác mà chúng, trong nhiều trường hợp, cũng quan trọng ngang với quyền lực kinh tế – là thứ vốn dĩ không thể giản quy về những tình huống của sự nô dịch giai cấp –, và nếu không có chúng (= những xuất xứ quyền lực khác với kinh tế – N.D.), chúng ta không thể đem đến cho các khuôn mẫu chính của sự biến đổi lịch sử một ý nghĩa nào. Dĩ nhiên có những quyền lực kinh tế chính là quyền lực giai cấp, nhưng không phải bất kỳ quyền lực kinh tế nào cũng như vậy. Còn có cả những quyền lực chính trị không chỉ đơn thuần là sự biểu hiện của quyền lực giai cấp; nhà nước không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự thống trị giai cấp. Còn có cả quyền lực quân sự mà nó, trên nhiều phương diện, là một lực lượng độc lập trong lịch sử – một lực lượng dĩ nhiên có phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, nhưng không thể được coi một cách giản đơn là biểu hiện của đấu tranh giai cấp. Ngoài ra, còn phải xét đến cả quyền lực văn hóa hay quyền lực ý thức hệ, là những phạm trù không thể giản quy về những động lực giai cấp.

Theo tôi, việc cho rằng có thể giản quy những sự phân chia theo căn cước quốc gia, sắc tộc hay tôn giáo về phân chia giai cấp không hề tỏ ra có một ý nghĩa nào. Cũng vậy, thật khó lòng được cho là hữu lý nếu nói rằng cuộc tranh cãi về sự huỷ diệt cơ cấu môi trường trên trái đất trong một chừng mực nào đó là biểu hiện của các phân tranh giai cấp. Có những xuất xứ bất đồng quy của quyền lực và những xuất xứ bất đồng quy của xung đột, và có thể có nhiều loại vấn đề mà dĩ nhiên, sự phân chia giai cấp có liên đới, nhưng nếu nghĩ rằng vấn đề nào cũng có thể quy chiếu một cách triệt để về giai cấp thì thật là nông nổi.

Marx coi lịch sử là một chuyển động tiệm tiến từ sự hình thành ban đầu của xã hội bộ lạc đến sự thống lĩnh của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, và rồi đến sự biến chuyển của chế độ này thành một cộng đồng xã hội chủ nghĩa toàn cầu. Nhưng, như Lévi-Strauss từng chỉ ra khá chính xác, lịch sử không diễn ra như thế, nói cho đúng hơn đó chỉ là lịch sử của một kiểu xã hội nhất định. Lịch sử trong tư cách một chỉnh thể là một cung cách sắp xếp thời gian. Thường thì sự sắp xếp thời gian xuyên suốt ít nhất 90% của cái mà chúng ta gọi là lịch sử loài người không hề có dạng động lực học như thế. Các nền văn hoá, theo cách mà Lévi-Strauss gọi chúng, là một cung cách khác của sự tồn tại và tổ chức trong thời gian. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử chỉ là một cách thức nhất định liên đới chính chúng ta với thời gian, với trước thuật và với quyền lực. Chủ nghĩa Marx phần nhiều chỉ là một cách biểu đạt về kiểu loại đó của xã hội, hơn là một phê bình pháp độc lập về nó.

Bây giờ tôi xin chuyển sang phiên bản thứ hai của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho rằng trong quá khứ con người chưa nhận thức được lịch sử của họ, còn chúng ta ngày nay thì có thể và chủ nghĩa Marx là công cụ chính để chúng ta hiểu lịch sử của mình và làm biến chuyển tương lai. Trong ý nghĩa này, tôi cho rằng Marx – trung thực mà nói – là một nhà tư tưởng Khai Sáng, và – trên một vài phương diện – là một nhà tư tưởng Khai Sáng hàng đầu. Sự Khai Sáng này sở hữu một định lý nào đó về mối quan hệ giữa chúng ta với lịch sử của mình, một định lý đã từng tỏ ra – và vẫn còn tỏ ra – đầy cường lực, song lại hoá ra vừa sai lầm, vừa phức tạp, bất trắc và đầy mâu thuẫn hơn đa số chúng ta thường nghĩ. Định lý này nói rằng càng thấu hiểu lịch sử của mình và thế giới tự nhiên xung quanh mình bao nhiêu, càng tích lũy thêm tri thức – bất kể đó là tri thức khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên –, chúng ta sẽ càng có thêm quyền phép chế ngự cả tự nhiên lẫn chính chúng ta nhằm thoả mãn chủ quyền của chúng ta. (Tuy nhiên,) đó là sự hạ thấp vai trò của [chính] lịch sử của chúng ta, chứ không phải là sự chế ngự thế giới bên ngoài, [chỉ] để cho những nhu cầu bức thiết và lợi ích của con người.

Lịch sử của thế kỷ 20 đã cho chúng ta thấy định lý này này không đắc dụng, ít nhất là trong cái ý nghĩa mà Marx đã trình bày. Sự tiến bộ của tri thức loài người trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống đang thực sự đem đến tính bất khả dự đoán hơn là tính có thể dự đoán, đem đến những kịch bản rủi ro mà chúng ta không hề có nhiều điểm tựa để đương đầu từ lịch sử đã qua của mình. Chúng ta không sống trong một thế giới do con người thống lĩnh nhờ ngày càng có thêm nhiều kỹ nghệ gia cả về khoa học tự nhiên lẫn về khoa học xã hội. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tôi muốn mô tả như một thế giới đầy biến động bất ngờ, một thế giới của những thay đổi đứt đoạn và thất thường mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Tương lai đang đứng trước chúng ta trong tư cách một chuỗi những kịch bản khả dĩ mà chúng ta rất khó chọn lựa giữa chúng, còn hiện tại mà chúng ta đang đụng độ thì có khuôn mặt của một hiện tại đầy đổ vỡ và bất khả dự đoán hơn nhiều so với cái hiện tại mà Marx (sinh thời) từng mơ tưởng đã xác nhận một cách hoàn tất. Chính sự phát sinh của những cuộc cách mạng năm 1989 là phiên bản gần đây của cái tính bất khả tiên liệu đầy bất trắc đó. Bất cứ ai muốn đương đầu với khả năng thay đổi chính trị và can dự vào cái thế giới cuối thế kỷ 20 này [3] đều bị ràng buộc bởi chính cái tính bất khả dự đoán đó. Nó (= tính bất khả dự đoán kia – N.D.) hiện diện không phải bởi lẽ chúng ta kém hiểu biết về thế giới bên ngoài hoặc về chính chúng ta, mà phần nào bởi chính cái cách chúng ta tích lũy kiến thức về bản thân mình và về thế giới bên ngoài. [Chính] điều này đang sinh thành nên những hình thái của tính bất khả dự đoán, mà nói một cách chính xác thì vì nó mà lịch sử đang không hề dành sẵn cho chúng ta.

Lịch sử đối với chúng ta không hề có cái hình dạng mà công cuộc Khai Sáng đã tiên liệu mặc dù chúng ta chỉ có các phương pháp và nền khoa học có từ thời Khai Sáng để đối phó và xử lý nó. Chúng ta không thể đào thoát khỏi cái vũ trụ khoa học và công nghệ mà [chính] chúng ta đã tạo nên. Chúng ta thậm chí còn không thể chẩn đoán nổi những rủi ro môi trường mà không dùng đến khoa học và công nghệ, vốn chính là những nhân tố hàng đầu đang dấn sâu vào việc gây ra các nguy cơ rủi ro đó. Song le, toàn bộ điều này đang hàm ý rằng cái lịch sử kia chưa từng trở thành cái dự án mà Marx đã trù liệu. Và đó là bởi có những khiếm khuyết lô-gích trong cách nhìn về lịch sử, về tri thức và về sự biến chuyển xã hội mà Marx đã thu nhận. Khi Marx nói loài người đang đặt ra cho mình chỉ những bài toán nào mà nó có khả năng giải quyết, chúng ta buộc lòng phải công nhận rằng định lý này đã trở nên vô hiệu. Chúng ta không thể giả định rằng các vấn đề mà chúng ta đã đặt ra cho bản thân mình – nhân danh toàn thể nhân loại – đều tất yếu có thể được chúng ta giải quyết. Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều cơ hội, nhưng chúng ta cũng sống trong một thế giới với những mối nguy hiểm mà chúng ta đã tạo ra. Nếu chúng ta không sẵn sàng đối mặt với những rủi ro bất ngờ như là một đặc điểm của những gì mà lịch sử đã đưa đến, mà cứ cho rằng chúng ta có thể vô tư dấn bước vào tương lai, thì [chúng ta] sẽ không còn cơ hội đối phó một cách hữu hiệu với những nguy cơ đó. Lý thuyết Mác-xít về lịch sử không hề đem lại một chút ý nghĩa nào cho những gì mà thế giới của chúng ta đã đi đến.

Chúng ta sống trong một xã hội mà trong đó đang thực sự tồn tại một sự xơ cứng của các lằn ranh giai cấp. Tôi không nghĩ rằng trong cái xã hội ấy giai cấp đã biến mất. Sự xơ cứng của các lằn ranh giai cấp về thực chất đang bị ràng níu với toàn cầu hóa. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới ngày hôm nay và sự bành trướng ra khắp thế giới đã có trước kia của các hình thái cũ của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Giai đoạn này của sự toàn cầu hóa thì ly tâm hay phi tập trung hơn, trong đó công nghệ thông tin giữ một vai trò then chốt, còn sự chuyển đổi của hệ thống tiền tệ thành một hệ thống tiền tệ điện tử được toàn cầu hoá với sự thống lĩnh của các thị trường tài chính đang là hiện thân của một kết tập những thay đổi then chốt.

Nhiều điều Marx từng nói về cấu trúc của chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn còn nguyên tầm quan trọng. Chủ nghĩa tư bản đang có xu hướng tiến tới sự độc quyền (monopoly) hoặc tập trung quyền lực vào một nhóm (oligopoly), và đó là một hệ thống luôn trong tình trạng bất ổn định. Lúc này đây chúng ta đang sống trong một nền văn minh toàn cầu mà nó bất khả tĩnh tại; chẳng có gì sáng tỏ về việc [chúng ta] có thể sống trong xã hội này trong một thời đoạn trung hạn hay không, chứ đừng nói gì đến trong trường hạn. Nhưng chủ nghĩa Marx đã bị khai tử đúng ở những chỗ mà Marx tin là ông đã có đóng góp vĩ đại nhất trong lý luận về chủ nghĩa xã hội, lý luận về quản lý kinh tế, trong tư tưởng cho rằng giai cấp công nhân đang làm nên lịch sử, và tư tưởng cho rằng sẽ có một khối cộng đồng xã hội chủ nghĩa mà nó bằng cách nào đó sẽ được gắn vào sự tiến bộ của lịch sử. Những tư tưởng này không hề có sức thuyết phục đối với tôi. Chúng ta có tất thảy sự đa dạng của những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, và chúng ta buộc lòng phải tìm cho ra một lý thuyết chính trị phù hợp hơn đủ để đương đầu với những vấn đề kia.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Vốn xuất thân từ một gia đình trung lưu bậc thấp, Anthony Giddens được phong tước hiệu quý tộc ‘baron’ (nam tước) của Vương quốc Liên hiệp vào tháng Sáu năm 2004. Tuy nhiên, khác với các quý tộc thế truyền (hereditary peers), Giddens thuộc về số các quý tộc một đời (life peers): tước ‘baron’ của ông không thể được mặc nhiên truyền lại cho con cháu. Cùng với tước hiệu được phong, theo luật của Vương quốc, Giddens cũng nghiễm nhiên được giữ một ghế nghị sỹ suốt đời trong Thượng nghị viện Anh (the House of Lords) mà ông là đại biểu của Đảng Lao động (Labour Party).
[2]Đây là một trong số những bài giảng đại chúng (popular lecture) của Giáo sư Anthony Giddens hồi ông mới được bổ nhiệm cương vị hiệu trưởng (director) LSE, năm 1997. (LSE duy trì truyền thống về loạt bài giảng cho phép công chúng ngoài đường tự do vào nghe, buộc học giả phải tìm cách diễn giải dễ hiểu hơn.) Bài giảng này từng lôi cuốn một cử tọa khoảng 500 người, diễn ra dưới hình thức một cuộc tranh luận giữa Giáo sư Hiệu trưởng LSE Anthony Giddens và Tổng biên tập lúc đó của tạp chí International Socialism John Rees, một nhân vật đại diện cho xu hướng thiên tả trong việc vận dụng chủ nghĩa Marx. Biên bản buổi thuyết trình của Giddens vốn bao gồm cả phần giới thiệu và các nghị luận phản biện (đan xen cùng bài giảng) của John Rees. Tuy nhiên, bài báo dịch này chỉ trích riêng phần thuyết trình của Anthony Giddens.
[3]Lưu ý rằng thời điểm của bài thuyết trình này của Giddens là năm 1997.
Nguồn: Feature article “Marx in the modern world”, Socialist Review, issue 210, July/August 1997