trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
23.11.2006
Đoàn Tiểu Long
Có thể chỉ sống bằng chip Intel và phần mềm Microsoft được không?
 
Thời gian gần đây ở Việt Nam người ta nói rất nhiều đến tri thức, nền kinh tế tri thức, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, vân vân. Nói nhiều đến mức những người lao động chân tay, như các bác nông dân chẳng hạn, chắc phải rất xấu hổ khi thấy lao động của mình, sản phẩm của mình, những hạt thóc thấm đẫm sương gió, mồ hôi và thuốc sâu, bị chê bai, dè bỉu đến thế. Như thể đó là biểu tượng cho sự nghèo nàn, lạc hậu, và chính họ là thủ phạm khiến Việt Nam không thể ngẩng cao đầu, sánh vai với cường quốc năm châu vậy!


Ngộ nhận từ một kiểu so sánh… vô nghĩa

Trong bài “WTO – giáo dục và sự thắng thua” [1] đăng trên báo điện tử VietNamNet mới đây, tác giả bài viết có nhắc tới ý tưởng dùng trọng lượng sản phẩm để so sánh trình độ quốc gia do nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times, tác giả Chiếc Lexus và cây ô-liuThế giới phẳng đang nổi đình nổi đám, đưa ra như sau:

“Hãy xem một ví dụ: để thu được 500 USD, người ta có thể làm gì?

Để thu được 500 USD?

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bán 5 tấn than đá.

Nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long bán 2 tấn gạo.

Trung Quốc bán chiếc xe gắn máy trọng lượng 100 kg.

Hãng Sony bán chiếc tivi trọng lượng 10 kg.

Hãng Nokia bán chiếc điện thoại trọng lượng 0,1 kg.

Hãng Intel bán con chip máy tính trọng lượng 0,01 kg.

Hãng Microsoft bán một phần mềm trọng lượng 0 kg.

Còn nhiều nữa, những sản phẩm giá trị nhất nhưng trọng lượng chỉ 0 kg, đó là những phát minh sáng chế hay giá trị thương hiệu… Hàm lượng tri thức càng cao, trọng lượng sản phẩm càng nhẹ.”

Nhiều người có vẻ rất tâm đắc với cách so sánh này [2] .

Lối so sánh của Thomas Friedman thực sự rất ấn tượng. Không chỉ gây ấn tượng, mà còn gây sốc cho những người thợ mỏ và các Hai Lúa của chúng ta. Tuy nhiên lối so sánh như trên là hoàn toàn… vô nghĩa, xét theo khía cạnh kinh tế học.

Ai đã từng học qua môn kinh tế chính trị hẳn đều nhớ rằng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động xã hội cần thiết làm ra nó, bất kể hình thái vật thể của nó là cái gì, giá trị sử dụng ra sao. 5 tấn than đá màu đen, dùng để đốt, có giá 500$, và 1 con chip nặng 0,01 kg, màu trắng (ví dụ thế), dùng để ráp máy vi tính, cũng có giá 500$, không hề có nghĩa rằng người sản xuất ra 5 tấn hàng hóa màu đen, dùng để đốt, thì ngu dốt hơn người sản xuất ra 0,01 kg hàng hóa màu trắng, dùng để ráp máy tính. Nó chỉ có nghĩa là lao động được vật hóa trong hai hàng hóa đó là như nhau, và đều đáng giá tương đương mọi hàng hóa khác có cùng giá trị 500$.

Vì con chip trông có vẻ nhỏ bé so với 5 tấn than hay 2 tấn gạo, nên người ta tưởng lầm rằng chi phí lao động dành cho nó là rất ít so với lao động làm ra 5 tấn than hay 2 tấn gạo, và tiếp tục tưởng lầm rằng giá nó cao thế là do “hàm lượng tri thức” chứa trong nó cao!

Để biết chi phí lao động cho 1 con chip là bao nhiêu, ta hãy hình dung một người công nhân tự mình làm lấy con chip đó từ đầu đến cuối, xem thử anh ta mất bao nhiêu thời gian, công sức. Anh ta sẽ phải khai thác hóa chất, đào mỏ lấy quặng, luyện kim, chế ra máy cái, máy con, các thiết bị cần thiết. Lại phải đào than, chế tạo máy phát điện để có điện chạy máy. Lại phải hì hụi ngồi thiết kế con chip v.v… Một triệu công việc phải làm để ra được con chip đó. Té ra giá trị của con chip không hề nhỏ chút nào, tuy bề ngoài nó trông có vẻ rất nhỏ bé. Cũng như kim cương vậy thôi, chúng có giá cao đến thế chỉ vì công sức khai thác quá lớn, chứ chẳng phải kim cương có đặc tính gì siêu việt, hay có “hàm lượng tri thức” cao ngất!

Đúng ra, cần xem xét vai trò của tri thức trong việc sản xuất ra 5 tấn than và 0,01kg chip như sau. Nếu kỹ thuật lạc hậu, với chi phí lao động đáng giá 500$ chỉ có thể làm ra nửa tấn than, hay con chip to tướng. Nhờ tiến bộ kỹ thuật mà cũng với chi phí lao động đó người ta có thể sản xuất ra 5 tấn than hay con chip nhỏ xíu. Như thế trọng lượng than ở đây không chứng tỏ sự lạc hậu, mà ngược lại mới đúng. Tri thức giúp làm cái này to lên, lại giúp cái khác nhỏ đi! So sánh kiểu Friedman thêm phần vô nghĩa là ở chỗ đó. Nói theo kiểu Marx, ở đây người ta đã bị cái hình thái vật thể (to-bé, nặng-nhẹ) và hình thái giá trị sử dụng (đơn giản-tinh vi) của hàng hóa đánh lừa.

Hẳn Tom Friedman chưa từng đọc Tư bản, nếu không ông ta đã thấy đoạn Marx dẫn lại lời ông già Bác-bơn nói về hàng hóa như sau: “Một loại hàng hóa này cũng tốt như một loại hàng hóa khác, nếu như giá trị trao đổi của chúng ngang nhau. Giữa những vật mà giá trị trao đổi ngang nhau thì không có một sự khác nhau, một sự phân biệt nào cả” (Tư bản, quyển I, tập 1, chương 1). Bác-bơn sống cách đây ba thế kỷ, nhưng xem ra hiểu rõ về bản chất của hàng hóa hơn Tom thời “thế giới phẳng” nhiều.

Còn trong cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” Marx nói rõ hơn nữa: “Về mặt là giá trị trao đổi, thì một giá trị sử dụng này có giá trị ngang với một giá trị sử dụng khác, miễn là các giá trị sử dụng được lấy theo những tỷ lệ đúng đắn. Giá trị trao đổi của một lâu đài có thể biểu hiện trong một số lượng hộp xi đánh giày nhất định. Ngược lại, những nhà sản xuất xi đánh giày ở London đã biểu hiện giá trị của vô số hộp xi của họ trong các lâu đài”. Thật rõ ràng: xây các tòa lâu đài tráng lệ, hay làm các hộp xi đánh giày bình dân, đều tốt như nhau hết.

Tóm lại, khi đánh giá hiệu quả kinh tế, không thể hồ đồ dựa trên dáng vẻ bề ngoài hay tính năng sử dụng của hàng hóa, mà phải dựa trên hình thái giá trị của chúng. Ví dụ, nếu chi phí lao động để đào 5 tấn than là 300$, nhưng vì lý do nào đó mà có thể bán được 500$, trong khi chi phí lao động cho con chip là 600$, nhưng cũng chỉ bán được 500$, thì rõ ràng nên đi đào than, kệ cho Tom nói gì thì nói.


Hàng hóa có “hàm lượng chất xám cao” là hàng hóa nào?

Cần nói thêm, lao động kết tinh trong hàng hóa bao gồm cả lao động giản đơn như của người thợ, và lao động phức tạp – chính là tri thức - như của các kỹ sư, nhà quản lý, nhưng đều là lao động. Vì thế, việc phân chia hàng hóa thành loại có “hàm lượng lao động cao” và loại có “hàm lượng tri thức cao” là cách phân loại hết sức cảm tính. Nó không chỉ vô nghĩa, mà còn sai lầm. Sai lầm ở chỗ người ta đã lẫn lộn giữa giá trị sử dụnggiá trị. Giá trị sử dụng của hàng hóa có thể có hàm lượng tri thức cao, ví dụ như các sản phẩm kỹ thuật, hay thấp, ví dụ các vật dụng đơn giản như đôi đũa, chiếc thìa. Nhưng, như đã nói ở trên, điều đó không hề ảnh hưởng đến giá trị của hàng hóa. Một chiếc đầu DVD kỹ thuật cao có giá còn thua một bức tranh thêu là minh chứng.

Có thể khi dùng cụm từ “hàm lượng lao động” người ta muốn nói đến lao động giản đơn, còn “hàm lượng chất xám” là muốn chỉ lao động phức tạp. Tất nhiên những sản phẩm nào thuần túy do lao động phức tạp làm ra, ví dụ sáng chế của các kỹ sư, thì có giá trị cao hơn nhiều lần so với sản phẩm do lao động đơn giản làm ra. Nhưng cũng chính vì thế mà không thể bắt công nhân đi thiết kế con chip, nông dân đi lai tạo giống lúa mới, thợ xây đi thiết kế công trình hòng làm tăng giá trị lao động của họ! Thành ra việc hô hào “chuyển từ các sản phẩm có hàm lượng lao động cao sang các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao” là một việc hết sức... vớ vẩn!

Quả thực, một số hàng hóa, nhờ những tính năng nổi trội của nó (không nhất thiết là sản phẩm kỹ thuật cao), có thể tạm thời được bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực sự, và nhà sản xuất thu được lợi nhuận siêu ngạch như K. Marx đã phân tích trong Tư bản. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Nhìn ở thế vĩ mô, do tổng giá trị trong toàn xã hội là một con số nhất định, nên nếu có người này thu được lợi nhuận siêu ngạch, thì ắt có người khác bị thua lỗ. Tóm lại, không thể có chuyện tất cả cùng tạo ra các sản phẩm “có hàm lượng tri thức cao” để cùng thu lợi nhuận cao được.

Về vấn đề này người viết đã từng trình bày trong một bài viết khác nhan đề “Có chăng nền kinh tế tri thức?” [3] , đại khái nói rằng tri thức chẳng tạo ra nhiều giá trị như người ta ngộ nhận đâu, và nói chung sẽ chẳng có “nền kinh tế tri thức, nơi tri thức đóng vai trò chủ đạo” nào hết, hiểu theo nghĩa kinh tế chính trị học. Tri thức có thể giúp tạo ra rất nhiều giá trị sử dụng – tức là hàng hóa ngày một nhiều, tính năng, tác dụng ngày một phong phú v.v… Nhưng tổng giá trị của chúng, đo bằng thời gian lao động, thì chẳng hề thay đổi. Nói cách khác, hàng hóa do một triệu người thời Tần Thủy Hoàng sử dụng các công cụ thô sơ làm ra trong một năm có tổng giá trị đúng bằng lượng hàng hóa do một triệu người thời nay làm ra cũng trong một năm bằng các phương tiện tiên tiến nhất, dù về số lượng, tính năng thì khác nhau một trời một vực.


Có thể “win - win” trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không?

Nhiều người nói rằng trong kinh tế thị trường không nhất thiết phải đối đầu, tiêu diệt lẫn nhau, mà hoàn toàn có thể hợp tác để các bên cùng thắng. Trong một bài viết mới đây trên tạp chí Thành Đạt và phát biểu ở một vài nơi khác, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, có nhắc lại điều đó với ví dụ: nếu không đối đầu được với Coca-Cola trong lĩnh vực nước giải khát có ga, thì nên chuyển qua sản xuất mặt hàng khác, sữa đậu nành chẳng hạn. Cái đó gọi là tìm thị trường ngách, và như thế cả hai cùng thắng.

Đây là một điều ngộ nhận.

Như đã phân tích ở trên, do tổng giá trị sản phẩm trong xã hội là một con số nhất định, tương ứng với tổng thời gian lao động của tất cả những người lao động trong xã hội, nên nếu có doanh nghiệp nào đó thu được nhiều lợi nhuận hơn thì ắt có một hay nhiều doanh nghiệp khác bị mất phần. Ví dụ, nếu có doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành và bán ra thị trường, và nếu có ai đó mua sữa đậu nành, thì hiển nhiên đã tiêu mất một khoản tiền lẽ ra để mua Coke hay mặt hàng nào đó khác. Như thế doanh thu của Coca-Cola và các doanh nghiệp khác đã bị hụt một phần, sao có thể coi là các bên cùng thắng được? Đâu phải cứ sản xuất Coke thì mới là cạnh tranh với Coca-Cola! Thế nào là cạnh tranh ở cấp độ ngành và cạnh tranh ở cấp độ toàn xã hội, ai đã học kinh tế ắt phải biết. Nếu ai ai cũng uống độc sữa đậu nành thì Coca-Cola chỉ có toi.

Thực ra, ở giai đoạn kinh tế thị trường tiền tư bản chủ nghĩa, chuyện win – win có thể diễn ra một cách phổ biến ở tầm vĩ mô, nghĩa là mỗi người sản xuất có thể trao đổi hết sản phẩm của mình để lấy các sản phẩm của những người sản xuất khác, và tất cả đều hài lòng. Nhưng đến giai đoạn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, khi hàng hóa được sản xuất với quy mô lớn, và từng nhà tư bản cố tìm cách tiêu thụ bằng hết, thì tình thế khác hẳn. Công thức c + v + m của Marx cho thấy tổng giá trị khối hàng hóa trong toàn xã hội là C + V + M, trong khi người tiêu dùng, cũng chính là người lao động, chỉ có một lượng tiền tương đương với V, nghĩa là chỉ có khả năng mua được một lượng hàng hóa giá trị tổng cộng là V mà thôi. Làm gì với đống hàng hóa dư thừa, có giá trị bằng C + M kia?

Khác với những người sản xuất nhỏ thời tiền tư bản chủ nghĩa, các nhà tư bản bây giờ không có nhu cầu trao đổi số hàng hóa của mình lấy hàng hóa của các nhà tư bản khác. Họ chỉ muốn bán chúng cho người tiêu dùng – vốn thường xuyên viêm màng túi - để thu tiền về và tiếp tục vòng quay tư bản. Dễ hiểu vì sao người tiêu dùng ở các nước tư bản phát triển cứ bị dụ dỗ mua chịu, trả góp hoài – có tiền đâu mà trả ngay! Cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng trở nên cực kỳ khốc liệt, bởi nếu ai không bán được hàng tất phá sản. Và kiểu gì cũng có người phá sản, kể cả khi tất cả các giám đốc, chủ doanh nghiệp đều tốt nghiệp MBA Harvard. Hậu quả là hàng ế chất đống, nhà xưởng đầu tư cả núi tiền nay bán như đổ đi mà chưa chắc có ai thèm mua cho. Trong tình trạng này thì win-win chỉ có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên ở tầm vi mô, giữa một vài nhà tư bản cá biệt, và khi họ thắng thì đang có kẻ khác khóc ròng. Cạnh tranh là chuyện chẳng đặng chẳng đừng chứ chả ai mong muốn, lại càng không thể coi là lẽ sống. Cứ xem các mưu toan bất tận nhằm thiết lập thế độc quyền là biết. Còn sự phá sản ở đây thực sự tàn khốc, chứ chẳng hề mang tính sáng tạo bay bổng như TS Lê Đăng Doanh tâm đắc [4] . Nó chỉ có nghĩa: một số phải chết để những kẻ khác tồn tại và phát triển, thế thôi.


Liệu có thể ngồi trước máy tính cả ngày mà no được không?

Bây giờ mới đến vấn đề nêu lên ở tiêu đề bài viết: liệu người ta có thể sống chỉ bằng những con chip Intel và các phần mềm Microsoft, mà không cần đến than đá để sưởi ấm, chạy máy phát điện, gạo để nhét vào bụng hay không? Tom Friedman mà làm được điều đó, xin tôn ông ta làm Thánh!

Đây cũng lại là điều sơ đẳng của môn kinh tế chính trị: sở dĩ thị trường tồn tại được, là vì người ta trao đổi với nhau những giá trị sử dụng khác nhau. Với người thợ mỏ thì 5 tấn than đá chẳng có giá trị sử dụng, vì anh ta chẳng cần nhiều đến thế. Với Intel thì con chip cũng là vật vô tích sự. Intel làm ra nó để trao đổi với người khác, chứ không phải để ráp máy tính cho bản thân dùng. Vì thế các bên đều cần tới nhau, ở tư thế ngang nhau. Nếu ai ai cũng đi làm chip và viết phần mềm hết, đảm bảo con chip và phần mềm lúc đó chỉ đáng giá chưa đến… 1 kg than hay nửa kg gạo, nếu như còn có gạo và than để mà trao đổi!

Hãy xem những người nông dân Hà Lan chí thú trồng hoa tulipe, những người nông dân Mỹ trồng ngô, chăn bò, họ có mặc cảm rằng sản phẩm của họ chứa toàn lao động mà chẳng có mấy tí chất xám không? Họ có định chuyển sang làm chip không?

Như thế, vấn đề không phải là thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Cần xem xét vấn đề theo cách khác. Chẳng hạn, nếu dựa trên chi phí lao động trung bình cần thiết, ở tầm toàn cầu, thì giá 250$ cho 1 tấn gạo Việt Nam có lẽ là hợp lý, chẳng cao mà cũng chẳng thấp. Xấu hổ về điều đó thì đúng là ngớ ngẩn. Tuy nhiên vì sao nông dân Việt Nam lại nghèo? Ấy là vì số người làm trong khu vực nông nghiệp quá lớn, khiến cho số tiền đó chia trên đầu người trở nên quá ít ỏi. Nếu như ruộng đất được tập trung, số người làm nông nghiệp giảm đi, chỉ còn chiếm 5% dân số như ở các nước phát triển thay vì 70 – 80% như hiện nay, thì vẫn với giá gạo đó, sản lượng đó, thu nhập trên đầu người của nông dân đã tăng lên mười mấy lần, xấp xỉ nông dân Hà Lan, Hoa Kỳ, không khéo còn có thể cao hơn nếu tính theo PPP – sức mua tương đương. Đồng thời những người vốn là dân nông nghiệp nay chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ cũng tạo ra một lượng giá trị mới, góp phần vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Mặt khác, một khi nước ta đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu thì giá trị sức lao động của người lao động Việt Nam cũng sẽ dần tăng lên, tiệm cận với giá trị sức lao động ở các nước phát triển hơn, do một phần công việc ở các nước phát triển sẽ được chuyển giao cho các nước đang phát triển để giảm chi phí, đồng thời gây sức ép với giới lao động trong nước. Đây chính là khả năng giúp GDP của các nước nghèo tăng trưởng vượt bậc, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, mà không nhất thiết phải gia tăng số lượng tuyệt đối của các sản phẩm nội địa. Nó tương tự như ở các vùng nông thôn đô thị hóa giá mớ rau, con gà bỗng tăng vọt, và thu nhập của người dân ở đó tăng theo mà chẳng cần trồng nhiều rau, nuôi nhiều gà hơn.


Cuối cùng, có nhất thiết phải đuổi theo các con số về GDP không?

Ai cũng mơ kinh tế phát triển thật nhanh để đuổi kịp các nước phát triển. Thậm chí nhiều người đã từng tự ái khi nghe nói phải sau 197 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore. Lại có người sung sướng khi nghe nói mươi, mười lăm năm nữa Việt Nam sẽ đứng thứ 17 trên thế giới về GDP. GDP trên đầu người của ta hiện mới khoảng 750$, biết đến khi nào mới đạt được mấy chục nghìn đô la như người ta? Chỉ có cách phấn đấu như điên, và chờ một phép màu nào đó.

Tuy nhiên dường như không thấy ai đặt câu hỏi: mục tiêu đích thực của chúng ta là gì, có phải là con số GDP vô cảm kia không?

Hình như không phải, vì từ trước tới nay, từ Đông sang Tây, mục tiêu đích thực của con người không phải là giàu có, mà là hạnh phúc. Giàu có không đồng nghĩa với hạnh phúc đã đành, mà thậm chí cũng không phải phương tiện để đạt được hạnh phúc như nhiều người tưởng. Thì đây, các nghiên cứu cho thấy, so với cách đây mấy chục năm, thu nhập của người dân các nước phát triển đã tăng lên rất nhiều, nhưng mức độ hạnh phúc lại không tăng tương ứng, thậm chi còn có phần giảm đi do cuộc sống ngày một căng thẳng, stress triền miên.

Liệu khi chúng ta đạt được GDP bình quân là 7500 $ thì người dân có hạnh phúc gấp 10 lần, còn khi đạt mức 75000 $ như các nước phát triển, thì hạnh phúc gấp 100 lần hiện giờ không? Chắc là không.

Không những thế, tăng trưởng kinh tế luôn kèm theo hủy hoại môi sinh, căng thẳng xã hội. Dù chúng ta đề ra nhiệm vụ tăng trưởng bền vững, ổn định xã hội, nhưng liệu có làm được hay không? Khi mà mỗi Kwh điện phát ra đồng nghĩa với một lượng than đá, dầu khí bị đốt cháy, mỗi chiếc xe hơi được sản xuất, mỗi sản phẩm được tiêu dùng đồng nghĩa với một lượng tài nguyên bị khai thác, và một lượng rác thải ra.

Chả trách theo nghiên cứu của tổ chức New Economics Foundation thì nơi hạnh phúc nhất trên thế giới [5] không phải là các nước phát triển, mà là hòn đảo Vanuatu bé nhỏ tận Thái Bình Dương, nơi người dân sống hồn nhiên, tiêu thụ vừa phải, môi trường sạch đẹp. Trái lại, các nước phát triển như Đức đứng tận thứ 81, Nhật thứ 95, còn Mỹ gần bét!

Vậy có đáng phải nhắm mắt lao theo sự tăng trưởng kinh tế không?

Sao không thử nghĩ khác đi, là phát triển kinh tế đến một mức nào đó thôi, đảm bảo các nhu cầu vật chất ở mức độ vừa phải, rồi thì tập trung cho các nhu cầu tinh thần vốn ít tàn phá môi trường, xã hội, có phải hay hơn không? Ăn ít đi một chút, làm ít đi một chút, chơi nhiều lên một chút, chẳng khoái hơn sao?

Có người sẽ bảo: nếu thế thì đất nước phát triển làm sao được? Nói như vậy tức lại coi phát triển là mục đích tự thân, tối hậu rồi.

Lão tử mà sống lại, hẳn sẽ đồng ý. Máy tính mà làm gì, dùng dây thắt nút là được rồi!

Nhưng nếu Marx sống lại, chắc ông sẽ quát: “Vớ vẩn, làm sao có chuyện đó được? Đặc trưng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản xuất như điên, với tốc độ, quy mô ngày càng lớn. Họa là khùng mới mơ tưởng có thể làm chậm vòng quay của cỗ máy này được. Đọc Tư bản mãi rồi mà còn thế à? Duy vật một chút đi!”

Thì duy vật vậy, biết làm sao được!

© 2006 talawas



[1]Xem bài “WTO – giáo dục và sự thắng thua” tại: http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/11/631435/
[2]Xem tại: http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/cau-chuyen-hom-nay/170787.asp
[3]Xem bài “Có chăng nền kinh tế tri thức?” tại: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Co_chang_nen_kinh_te_tri_thuc/
[4]Xem bài “Cạnh tranh là lẽ sống…” tại http://www.vietnamnet.vn/kinhte/2006/11/633116/
[5]Xem tại: http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Cuoc-song-do-day/2006/07/3B9EBDE6/