trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
3.10.2008
Trương Công Khanh
Thêm phẩy cho “ẩn ngữ”
 
Tôi rất vui vì qua hai bài viết của tôi mà có khá nhiều ý kiến thảo luận. Trước tiên, tôi xin cảm ơn ông Đinh Từ Thức đã chỉnh lại cho đúng một ý trong phần bài viết của tôi về đoạn ông Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei. Thực ra ông Giordano Bruno mới bị đưa lên giàn hoả thiêu. Ông Galilei thì may mắn hơn khi bị buộc phải rút lại tư tưởng của mình, nhưng rồi thì ông vẫn thốt câu nói bất hủ: “Dù sao thì trái đất vẫn cứ quay!”.

Và bây giờ tôi xin trả lời với những ý kiến tiếp theo trên diễn đàn talawas theo nội dung trao đổi mà tôi quan tâm.

*


Thưa ông Thanh Bình,

Tôi xem ý kiến của ông là “có vấn đề”. Tôi cũng xin một lần nữa xác định lại “ẩn ngữ” Con Người mà tôi muốn nói gồm tất cả những gì bao quanh nó: buồn, vui, yêu ghét, hỉ nộ, ái ố, ăn, mặc, ở, ngủ... chứ chẳng phải “mây xám triết lý” gì cả. Trong bài “Bàn chuyện ở thì tương lai” và ý kiến ngắn với ông Thanh Bình và ông Dương Phẩm tôi cũng đã nói rõ. Còn ai muốn nói rằng con người là “lộ ngữ” hay chẳng phải “ẩn, lộ” gì cả thì tôi cũng rất vui khi được nghe ý kiến.

Còn việc tôi phải chỉ ra con người đó là “cá nhân” hay “hạng người nào” với tôi là quá khó với cái nghĩa mà tôi đã chỉ ra.

Còn ông nói, khi được hỏi về tên trộm vào nhà tôi, tôi có trả lời là “quá khó” hay không, xin thưa ông không có gì là quá khó cả nếu xác đã định đúng đó là “con người - tên trộm” với những hình ảnh bên ngoài quen thuộc như khuôn mặt, chiều cao, nước da, tiếng nói..., chứ con người ấy tên gì, ăn trộm vì động cơ gì, thủ đoạn như thế nào thì tôi chịu. Con người hiện tại đó với tôi là một kẻ trộm. nếu ngay trong tình huống hiện tại đó, tôi và ai đó đã định danh tạm thời “con người - ăn trộm” rồi thì câu hỏi coi như không cần phải trả lời nữa. Cái khó là định danh thôi.

Tôi nói “nghĩ cho người”, hẳn ai cũng có thể hiểu “người” ấy không phải là “cá nhân” hay “hạng” cụ thể nào rồi. Nhưng ngay cả khi tôi kêu ông là “ông Thanh Bình” thì cũng chỉ là chúng ta tạm quy ước và võ đoán với nhau ở cái vỏ ngôn ngữ bên ngoài đó thôi chứ cái tên Thanh Bình có phải tên thật không hay là tên bút danh, đó là chưa kể đến “Thanh Bình” này già hay trẻ, đang khỏe mạnh hay bệnh tật, viết bài trong tâm trạng vui hay buồn... thì với tôi vẫn còn rất “ảo”, còn là một “ẩn ngữ”. Cũng giống như ông Tích khi nói với cái tên “Một độc giả” trên talawas mà ông Tích phải dùng từ “ông/bà”. Nhưng đừng vì không biết là “ông hay là bà” mà bảo đó không phải là người, mặc dù cũng rất “ảo”.

Tôi nói “nghĩ cho người” hẳn là người Việt (cụ thể ở trong nước) rồi, không lẽ sự tranh chấp muốn thay đổi chế độ ở Việt Nam tôi lại đi nghĩ cho người Trung Quốc. Thế thì bảo phải nghĩ cho “cá nhân” và “hạng người” nào vốn dĩ là thừa. Bởi trong suy nghĩ của ông Tích, ai có hơi hướng “không mong thay đổi” như tôi là ông Tích có thể cho tôi vào hạng “thân cộng” rồi.

Chẳng hạn, nếu tôi nói nghĩ cho cá nhân ông Nông Đức Mạnh, thì những người “chống cộng” sẽ quy ngay cho tôi là “thân cộng”. Mà vồn dĩ “người”, “dân tộc”, “đồng bào” thì chẳng phải sản phẩm của “thân Cộng” hay “chống Cộng”.

Còn những danh xưng “chống cộng” và “thân cộng” tôi không trả lời vì được “danh” thì mất “nghĩa”. Thưa ông, có những người “thân cộng” mà “chống” Cộng còn nhiều hơn người “chống cộng” và ngược lại có những người “chống cộng” còn “thân” Cộng hơn là người “thân cộng”. Tôi xin thưa có những kẻ “chống cộng mút mùa” (yếm trá) là để đi sâu vào hàng chống Cộng, để nắm hết thông tin của người chống Cộng mà cảnh báo cho Cộng. Có nhiều người lúc chiến tranh kết thúc mới biết kẻ “chống Cộng” khét tiếng mà nhiều người cho là phản bội, muốn giết kia lại chính là cộng sản nòi.

Trong những “hạng” người như vậy còn khó định danh, định nghĩa được thì con người “cá nhân” cũng được mỗi người khám phá ở góc độ khác nhau. Cho nên trao đổi với ông Thanh Bình mà cứ nhầm lẫn giữa việc định danh và tư duy trên khái niệm và vỏ ngôn ngữ với những tư duy triết học (như ông phần nào đã chỉ ra trong ý kiến) về con người là một “ẩn ngữ” như tôi hiểu thì rất khó. Tôi có thể mượn lại định nghĩa về con người qua các đặc tính sinh học : “động vật cấp cao, có vú...” thì cũng chỉ nhìn người đó như tạm thời nhìn thấy tên trộm trước mặt thôi. Nhưng hiểu về “con người” như vậy có đầy đủ chưa ạ? Chính vì thế nó cần đến những lý giải của triết học, văn học...

Có chuyện kể về một anh này bị bệnh tâm thần, anh ta cứ bảo rằng mình là một hột bắp và hễ cứ nhìn thấy con gà là anh ta hoảng sợ bỏ chạy. Bác sĩ tâm thần tìm cách điều trị và khuyên bảo anh ta rằng: “Anh phải nhớ anh là ‘con người’”, rồi đưa cho anh ta câu nói thực tập: “Tôi là con người chứ không phải hột bắp”. Sau một thời gian, anh ta đến gặp bác sĩ, bác sĩ hỏi: “Anh là ai?”. Anh là bèn nói tôi tên đó, ở đó, và nói: “Bác sĩ yên tâm tôi là con người mà.” Bác sĩ vui mừng vì mình đã chữa được bệnh cho anh ta. Nhưng khi anh ta cùng bác sĩ đi ngang khu vườn, vừa nhìn thấy con gà anh ta lại hốt hoảng bỏ chạy. Bác sĩ bảo sao anh vẫn sợ thế. Anh ta trả lời rằng: “Tôi biết bác sĩ biết tôi là con người, nhưng con gà thì nó đâu có biết tôi là con người, rõ ràng nó thấy tôi là hột bắp mà.”

Muốn quy cá nhân nào đó vào một hạng người trong xã hội cũng không phải dễ. Ngoài những đặc điểm phổ biến còn là cách hiểu và lý giải của mỗi người giống như kiểu “yên nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.” Và nếu cứ càng “quy”, càng “bổ” thì đến lúc như triết học nói “không thể phân chia được nữa”, “không thể nói nó là gì được nữa”. Tranh cãi mãi về “thế nào là một trí thức” đã còn chưa ngã ngũ thì việc “thế nào là một trí thức thực thụ” còn khó hơn nữa trong các tiêu chí đánh giá.

Có “ông/bà” nào đó trên talawas này bảo ông Trần Văn Tích là “trí thức” nhưng ngay lập tức ông Trần Văn Tích đã phủ nhận. Thưa ông Thanh Bình, tôi mà cũng bắt chước “quy” con người nào đó vào tùm lum hạng như vậy có hồ đồ không ạ?

Ông nói tôi biết rõ “con người” muốn thay đổi chế độ. Tôi biết rõ quá đi chứ, chí ít là qua danh xưng tên gọi “Trần Văn Tích”. Và nếu hôm nay ông Thanh Bình cũng nói rõ cái ước muốn của ông thì tôi lại có dịp biết thêm một người nữa. Còn “con người” ông Trần Văn Tích có phải “cộng sản chìm” mà công an cài vào diễn đàn này hay không thì làm sao tôi biết được. Nói giả định thế này chỉ e ông Trần Văn Tích sẽ bảo tôi là chụp mũ, quy kết...

Còn ông Thanh Bình nói đúng nhưng thừa rằng tôi có “sợ”, vì tôi đã viết rất rõ rồi “tôi sợ thay đổi mà không bằng Iraq thì không biết phải làm sao?” Bàn chuyện ở thì tương lai, dùng chính thì tương lai làm “đối ngữ” là chuyện bình thường.

Thực ra tôi buộc phải nói thế này, ông Thanh Bình chưa đọc kỹ bài viết của tôi, nên cái cách hiểu “Con Người” (viết hoa) như một “ẩn ngữ” của tôi đã bị ông “quy” cho nó một cách khá lộn xộn giữa tư duy bằng khái niệm và vỏ ngôn ngữ với tư duy triết học.

Tôi nói “con người” là một “ẩn ngữ” chứ tôi không nói cụ thể Hồ Chí Minh là một ẩn ngữ dù Hồ Chí Minh cũng là con người, vì nói như vậy sẽ có người bảo tôi lấy Hồ Chí Minh làm thước đo. Và nếu đưa cá nhân Hồ Chí Minh vào với “ẩn ngữ” con người của tôi để hiểu về một “con người” bình thường thì Hồ Chí Minh cũng bình đẳng như bao nhiêu con người khác với đầy đủ vui buồn, yêu ghét, ăn, mặc, ở, ngủ, tham lam, dối trá... Nhưng không phải vì giống tôi ở chỗ là “con người” mà bảo Hồ Chí Minh là tôi, tôi là Hồ Chí Minh, nhưng cũng không phải vì Hồ Chí Minh có cái tên khác tôi mà Hồ Chí Minh không có vui buồn, yêu ghét... Nhưng nếu tôi chỉ cần vui với niềm vui của ông Hồ thôi là đã có người không ưa tôi rồi. Vì thế tôi mới lấy ví dụ ngay cả Phật và Chúa cũng đã lắm kẻ yêu và nhiều người ghét.

Ông nói tôi cho độc giả thấy cái “Người/Ta” mà tôi muốn nói. Đúng như vậy nhưng ông bảo tôi làm mờ nó bằng “ẩn ngữ con người” là ông lại nói thừa. Vì “Người và Ta” là tương quan, tương duyên và làm nhân quả cho nhau. Nếu không có ý kiến ngắn của ông với tôi thì tôi không có ý kiến lại với ông (nhưng ông Thanh Bình này có thật là ông Thanh Bình không hay chỉ là bút danh của một ông “Thanh Bình” nào đó vẫn còn là một “ẩn ngữ”). Nhưng cho dù là “ẩn ngữ” thì tôi (Trương Công Khanh) và ông (Thanh Bình) có phải đang làm nhân quả cho nhau trong đối thoại không ạ? Thế thì nếu tôi chưa biết ông giống như tôi đã biết tên ăn trộm vào nhà tôi thì tôi vẫn đang đối thoại “ảo” với một “con người”. Hơn nữa, không những ông và những cái ông chưa nói ra với tôi thì vẫn còn là những “bí mật” nằm ở phía trước của “con người: Thanh Bình” (tôi tạm xem “bí mật” cũng là một ẩn ngữ). Thế thì việc gì tôi phải đi làm một cái việc mất công mất sức là lấy “ẩn ngữ” (Người/Ta): “Trương Công Khanh”, “Thanh Bình” để làm mờ “ẩn ngữ con người” trong đó cũng có “Trương Công Khanh” và “Thanh Bình”. Làm thế chẳng khác nào thêm phẩy cho “ẩn ngữ”.

*


Thưa ông Lại Xuyên,

Những người không mong chế độ thay đổi có phải vì đụng đến quyền lợi thiết thân của họ không? Xin thưa không ai là không có quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng thiết thân thế nào, ít hay nhiều mà thôi. Chế độ nào cũng vậy. Đảng phái nào cũng thế. Qua những cuộc vận động tranh cử ở Mỹ, các tập đoàn, công ty “đặt cược” vào hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không phải nhỏ. Dĩ nhiên không phải họ bỏ tiền ra để làm “từ thiện” chính trị cho tranh cử vì đảng nào lên nắm quyền thì cái lợi ích cho họ là không nhỏ.

Tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam mỗi ngày càng được gia tăng khoảng cách, nhưng không phải vì thế mà chỉ biết ngồi than thở cho người nghèo và trách cứ người giàu. Về mặt lý thuyết, xã hội nào cũng nói mọi người đều bình đẳng trong việc mưu cầu giàu sang và hạnh phúc, nhưng thực tiễn là sự cạnh tranh và đào thải khốc liệt. Thực tế, nhiều hộ nông dân Việt Nam bán đất, có nhiều tiền để tiêu sài, nhưng không biết làm ăn, cuối cùng miệng ăn núi lở, nghèo vẫn hoàn nghèo. Ở Việt Nam bây giờ đang khuyến khích làm giàu, nhưng có phải là làm giàu bằng mọi cách hay không thì còn phải suy nghĩ nhiều. Người Việt đã có câu “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” để đừng ai tự mãn và cũng đừng quá tự ti quá.

Tuy nhiên ông đã đề cập đến một ý mà lâu nay ở Việt Nam vẫn thường tranh luận về việc “quyền đi liền với lợi”. Quốc gia nào cũng đặt ra vấn đề này, nhưng ở một nước “độc đảng” như Việt Nam thì càng phải suy nghĩ nhiều hơn. Đặc biệt chuyện có hay không có việc cho đảng viên làm kinh tế. Đã có nhiều lý giải, xong người ta vẫn còn nhiều nghi ngại, liệu có phải cứ làm kinh tế là sẽ thành công và sẽ bớt tham nhũng hay không? Và liệu để những đảng viên làm kinh kế thì có bất bình đẳng trong cạnh tranh vì được “ưu tiên” hay không? Rất khó. Vì không biết đủ thì nói sao cho “vừa”. Các cụ tôi nói lại, người hiền không phải người không tham mà người hiền là người có điều kiện thuận lợi để tham mà không tham.

Nhưng nếu ra làm quan mà không “ăn” thì chắc chẳng ai muốn ra làm quan mà làm gì, vì vợ con nó đay nghiến rằng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng có người con xem rằng nếu kẻ làm quan ấy thực sự có tài (tạm gác cái đức lại) thì sẵn sàng chấp nhận việc để cho họ nghĩ cách làm ra mười phần, để lại bảy phần cống hiến cho lợi ích chung còn ba phần kia thống nhất ngầm là “được phép ăn”. Như vậy vẫn còn hơn kẻ bất tài chẳng nghĩ ra việc gì lớn lao, chẳng kiếm được phần nào, hay tài lắm thì cũng chỉ dưới mức trung bình. Thiếu gì thể chế có lúc phải cố đấm ăn xôi để cho một người “bù nhìn” lên và sau đó nhanh chóng cho về vườn. Còn nếu cứ “hiền” như ông vua Vũ của Trung Hoa, việc gì cũng làm, đi cày rụng hết cả lông chân. Thế thì, có nhường cho người khác làm vua cũng chẳng ai thèm làm.

Tôi không biết phần trăm làm ăn không minh bạch ra sao và dưới các hình thức “rửa tiền” như thế nào, có phổ biến trong xã hội hay không, nhưng một thực tế mà người ta thấy rõ đó là có “quyền lực” luôn là điều kiện để có thể khiến người ta nhanh chóng trở nên giàu có, và những doanh nhân theo xu thế tất yếu chung, cũng đầu tư vào quyền lực chính trị nếu có điều kiện. Vì khi có tiền rồi người ta lại muốn có quyền hay gần cận, ve vãn những kẻ có quyền để “thơm lây”. Khi xu hướng này tất yếu thì “một cái rắm thối” của chính quyền đánh ra cũng được họ khen “thơm”. Tuy nhiên, quy luật “tự bảo vệ” tôi nghĩ nó sẽ không hiệu quả bằng quy luật “tự điều chỉnh”.

Còn hệ thống lương bổng của những công chức, quân nhân, gia đình có công, có những chính sách riêng mang tính “gia ân”. Cái này nước nào cũng có chỉ là dưới những hình thức khác nhau. Và dĩ nhiên, đây là những người vừa là gánh nặng cho ngân sách nhưng vừa là một “điểm tựa” chính trị cho chế độ. Tôi cũng xin thưa thêm, người về hưu nhàn rỗi cũng là những đối tượng dễ bị “dao động”: hoặc đi vào tôn giáo, hoặc “làm thêm” với các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, thậm chí còn ngầm đứng về phe “chống” Chính phủ, vì lúc mình đương quyền, nói thẳng quá mất chức như chơi, không có mình làm thì có người khác xếp hàng để làm thay ngay. Tôi nghĩ cần có một cuộc thăm dò xã hội “hậu nghỉ hưu” một cách toàn diện thì mới có thể có một cái nhìn bao quát hơn được.

Nếu ai muốn hỏi tôi, vì sao tôi không muốn thay đổi mà tôi chỉ muốn nó có “điều chỉnh lớn” vì tôi nghĩ nếu áp dụng quy luật “tự điều chỉnh” một cách triệt để trong từng lĩnh vực thì có thể có những thành tựu.

Tôi xin nói thêm, có lẽ cuộc “giải phẫu ngay” của tác giả Mai Da nói cũng không mới đối với những thông tin trong nước, nên tôi xem “cuộc giải phẫu” này cũng không nằm ngoài khái niệm “điều chỉnh”. Còn ai muốn thay đổi thì chỉ có thể “đảo chính” hoặc làm một cuộc bạo loạn lật đổ cụ thể, chứ noi không thì ai nói cũng được.

Đời sống của người Việt Nam còn nghèo nhưng chính trị khá ổn định, xã hội khá an ninh, đó là những gì mà các nhà đầu tư vào Việt Nam phát biểu. Thái Lan do bất ổn chính trị nên đã phải dành lợi thế thu hút đầu tư cho Việt Nam. Cứ nhìn thằng cháu tôi đi du học ở bên Mỹ vừa rồi mà thấy tội, bão đến phải sơ tán, xăng không có mà đổ cho xe, nước phải xếp hàng mà mua với giá cắt cổ. Đã vậy bị mấy thằng da đen có súng cướp tiền, may mà nó không giết chứ không thì chết rồi. Cháu điện về nói chưa bao giờ trong đời con cảm thấy mất an toàn đến thế. Nó còn kể người ta đồn nhau trong trận bão Katrina trước kia, cướp giết khủng khiếp, và có những máy bay sẵn sàng đến nơi để mua nội tạng người về bán gấp cho người có nhu cầu ở các trung tâm bang.

Cuối cùng thì tôi xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, vì có nhiều ý kiến nên bài viết này cũng khá dài và không tránh khỏi “vòng vo tam quốc”. Rất mong được quý vị tiếp tục góp ý, trao đổi.

© 2008 talawas