trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
5.12.2005
Nguyễn Duy Bình
Một số góp ý nhỏ với Cao Việt Dũng

Mấy năm gần đây, Cao Việt Dũng nổi lên như một dịch giả trẻ tầm cỡ. Tên ông xuất hiện trong các bài viết và phỏng vấn in trên các tờ báo lớn. Khi trả lời phỏng vấn báo eVăn ngày 26 tháng 9 năm 2005, anh nói «Cho đến giờ, khi đã có ít nhiều kinh nghiệm, tôi cho rằng cái khó nhưng cần thiết mà mỗi người dịch phải làm là có một tư thế dịch đúng đắn, và kiên quyết đi theo nó». Qua việc tìm hiểu về dịch thuật để học hỏi, tôi nhận thấy ông Dũng chưa thực sự «kiên quyết» trong «tư thế đúng đắn» của người dịch.

Trong bài «Trả lời ông Hoàng Ngọc Hiến» trên talawas ngày 20.12.2004, ông Dũng viện dẫn một email (!) để bảo vệ quan điểm của mình: «Dis-moi exactement ce que pour toi entend "culture générale"». Tôi e là ngữ pháp trong câu này không chuẩn. Lẽ ra ông Dũng phải viết là «Dis-moi exactement ce que tu entends par "culture générale"». Người bạn của ông Dũng cũng sai ngữ pháp khi dùng «un ensemble de connaissance commune» mà lại quên bỏ «s» sau «connaissance» và «commune». Ông Dũng lại sai hơn cả ông Trần Hinh (xem bài «Ông Trần Hinh đã bóp méo Mallarmé như thế nào?» trên báo eVăn ngày 19/07/2004) khi dịch câu này, cũng trong email nói trên của người bạn Pháp: «Cependant, je pense de plus en plus que la culture générale est en fait très souvent assimilée à une connaissance de la culture occidentale» là: «Tuy nhiên, tôi nghĩ culture générale ngày càng đồng nhất hóa với một hiểu biết về văn hóa phương Tây». Ở đây ông Dũng không nhận ra «de plus en plus» nằm ở chỗ nào. Ý người bạn đó không phải là culture générale ngày càng đồng nhất hoá… mà ông ta càng suy nghĩ càng thấy là… (de plus en plus bổ nghĩa cho je pense). «Một hiểu biết về văn hoá phương Tây» không thể «Tây» hơn!

Trong bài «Vài góp ý với nhà văn Nguyên Ngọc về bản dịch Độ không của lối viết», đăng trên talawas ngày 1 tháng 9 năm 2004, ông Dũng đề xuất với Nguyên Ngọc dịch «Littérature – objet» là «Văn học-đồ vật». Chưa bao giờ tôi nghe tới khái niệm văn học-đồ vật cả. «Objet» ở đây hàm ý là một «đối tượng» (đối lập với sujet là chủ thể).

Ở đoạn khác, ông Dũng đề nghị với nhà văn Nguyên Ngọc dịch câu «Mais comme d’autre part, elle est un acte qui implique nécessairement la durée – surtout dans le Roman -, il n’y a jamais finalement de Roman sans Belles-Lettres » thành «Song mặt khác, nó là một hành vi ngầm định một cách tất yếu độ kéo dài – nhất là trong Tiểu thuyết -, dù sao không bao giờ có Tiểu thuyết nếu thiếu Văn chương». Cụm từ «Dù sao không bao giờ…» hoàn toàn tối nghĩa. Hơn nữa ông Dũng không nhìn thấy chữ «comme» để đầu câu mang nghĩa «vì». Theo tôi nên dịch thế này: «Vả lại bởi nó là một hành vi đòi hỏi có khái niệm độ dài thời gian, nhất là trong tiểu thuyết, nên rốt cuộc không bao giờ có tiểu thuyết mà không có Văn chương».

Ở chỗ khác nữa, khi chỉnh sửa bản dịch của ông Nguyên Ngọc, ở câu «ses «mots», neutralisés, absentés par le recours sévère à une tradition qui absorbe leur fraicheur, fuient l’accident sonore ou sémantique qui concentrerait en un point la saveur du langage et en arrêterait le mouvement intelligent au profit d’une volupté mal distribuée», ông Dũng đề xuất dịch động từ «arrêter» thành «tạo ra» là không hiểu ý của bản gốc. Ở đây Roland Barthes muốn chỉ sự vận động linh hoạt của hành ngôn (le mouvement intelligent du langage) có khả năng bị sự trục trặc về âm thanh hay ngữ nghĩa (l’accident sonore ou sémantique) kìm hãm (arrêter) chứ không phải là «tai nạn âm thanh hay ngữ nghĩa» tạo ra sự vận động linh hoạt của ngôn từ. Chính vì bị kìm hãm nên hương vị của hành ngôn có thể quy tụ lại một điểm (contrentré en un point). Phải nói rằng Nguyên Ngọc dịch đoạn này cũng không ổn lắm. Tôi xin tạm dịch là: «Vì những từ ngữ của nó nhất thiết phải viện đến truyền thống (mà truyền thống lại hút hết hương nhuỵ của nó) nên chúng bị vô hiệu hoá và trở nên vắng bóng. Những từ này trốn tránh sự trục trặc về âm thanh hay ngữ nghĩa vì sự trục trặc này có nguy cơ quy tụ hương vị của hành ngôn vào một điểm và chặn đứng sự vận động linh hoạt của ngôn từ để hướng tới một sự xa hoa phân tán». (Nguyên Ngọc đã dịch: «Các “từ” của nó, bị trung tính hóa, vô tích hóa, do dựa chặt vào một truyền thống hút hết các gập ghềnh về âm thanh hay ngữ nghĩa, sẽ quy tụ vào một điểm vị mặn mà của hành ngôn và ngăn sự chuyển động mang tính sáng tỏ lại để tạo ra một sự khoan khoái không đơn điệu»).

Ông Dũng lại đề xuất với Nguyên Ngọc dịch «la socialisation du langage littéraire» là «xã hội hóa hành ngôn văn học», như thể là trong tiếng Việt không có khái niệm «ngôn ngữ văn chương»!