trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


1.11.2008
Nhã Nam

Thay máu cho báo chí Việt Nam?

Vụ Tổng biên tập Lý Tiến Dũng (con trai của giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức Công giáo thuộc "thành phần thứ ba" trước 1975, cũng bị thất sủng dưới chế độ cộng sản vì bài viết "Triết học Mác-Lê Nin, một môn mà thày không muốn dạy, trò không muốn học" - theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái, thư kí toà soạn báo Doanh Nghiệp, trả lời RFA) của báo Đại Đoàn Kết vừa bị thải hồi đã làm rúng động làng báo sau một loạt vụ thanh trừng báo chí Việt Nam. Người kế nhiệm tiếp theo là ông Đinh Đức Lập, một cựu Trưởng ban Tư tưởng Trung ương Đoàn và hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo Cán bộ của Mặt trận.

Trả lời phỏng vấn của BBC ngày 27/10, ông Lập mạnh miệng tuyên bố "Việc thay đổi chỉ nhằm nâng cao thêm chất lượng tờ báo. Chúng tôi đánh giá thời gian qua, Đại Đoàn Kết không hay bằng trước, trong khoảng sáu năm trở lại đây. Tờ báo cần phải hay hơn, mạnh mẽ hơn nữa." Ông cho biết ông "bất ngờ" khi được chọn để về nắm tờ báo vì đây là quá trình "được bàn thảo rất nhiều", "Nhưng tôi nghĩ đây không phải là việc quá sức với tôi," ông Lập nhấn mạnh. Còn hai ông Tổng biên tập và phó Tổng biên tập bị cách chức là do vi phạm Luật Báo chí (!)

Ông Lập được Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Vũ Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết từ ngày 1-11. Ông đã nhận quyết định bổ nhiệm là lãnh đạo mới của một tờ báo trung ương. Điều này sẽ khiến báo chí trong nước bàng hoàng vì cánh nhà báo không lạ gì tư cách của ông. Báo điện tử VnExpress (đăng lại từ báo Lao Động) năm 2001 đã từng phanh phui việc ông này sử dụng bằng giả dưới thời ông Vụ Trọng Kim làm bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM. Bài báo nêu rõ: "Trong đợt xét nâng lương tại Trung ương Đoàn năm ngoái, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đoàn Đinh Đức Lập 'bỗng’ có 2 tấm bằng mới: bằng trung cấp chính trị và chứng chỉ ngoại ngữ A. Với 2 'lá bùa’ này, ông Lập nghiễm nhiên được nâng lương, chuyển từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Ông Nguyễn Văn Lùng, một người công tác ở Ban cho hay: 'Tôi rất bất bình vì đã công tác với ông Lập lâu nay mà có thấy ông học trung cấp chính trị hay ngoại ngữ đâu’. Ngày 18/7/2000, ông Lùng làm đơn gửi Ban kiểm tra Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn.
Ngày 24/10/2000, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn Nguyễn Đình Lượng đã ký công văn gửi Chi bộ Ban Tư tưởng khẳng định: 'Việc làm của ông Lập là sai. Yêu cầu ông Lập làm kiểm điểm và Chi bộ tiến hành xem xét, quyết định mức độ kỷ luật Đảng’. Ngày 9/2 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng ra thông báo đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đoàn thu hồi quyết định chuyển chuyên viên chính với ông Lập và truy thu số tiền chênh lệch mà ông Lập hưởng kể từ khi chuyển chuyên viên chính. Tuy nhiên, cho đến hôm 27/3, ông Lập mới chỉ bị phê bình, mà theo ông Lùng: 'Phê bình chưa phải là hình thức kỷ luật Đảng’".
(http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2001/03/3B9AF106/)

Việc ông Vũ Trọng Kim bổ nhiệm một cựu thuộc cấp từng sai phạm vào một chức vụ danh giá (Đại Đoàn Kết là cơ quan ngôn luận chính của MTTQVN) sẽ khiến giới báo chí trong nước chùn tay như đã để vụ việc năm 2001 chìm xuồng. Bài báo VnExpress nêu trên có thể sẽ bị gỡ xuống nay mai. Dư luận chỉ có thể nghĩ rằng báo chí Việt Nam đang phải "thay máu", sau báo Đại Đoàn Kết sẽ là các báo nào?
 


1.11.2008
Giang

Cả hai ông Hoàng Ngọc HiếnHoàng Ngọc-Tuấn đều có vấn đề, khi dịch một câu tiếng Anh mà hai ông đang mang ra để tranh luận.

The antitheoretical polemic is one of the characteristic genres of theoretical discourse... an inevitable dialectical moment within theoretical discourse, the moment when theory's constructive, positive tendency generates its own negation.

- theoretical discourse: Chữ này chỉ có nghĩa đơn giản là giáo trình, bài giảng lý thuyết. Thí dụ như Theoretical Discourse in Teacher Education hay là Authoritarian Rule and Democracy in Africa: A Theoretical Discourse.

Ông Hiến dịch là “lời lẽ lý thuyết” và ông Tuấn dịch là “hành ngôn lý thuyết” đều không chuẩn lắm.

- dialectical moment: Theo định nghĩa trong triết học, moment là phần tử tinh tuý, hay là một tiến trình cơ bản của tư duy (Philosophy. a. An essential or constituent element, as of a complex idea. b. A phase or an aspect of a logically developing process. [1] ).

Chữ này thường được thấy nhiều trong Biện chứng học của Hegel. Chẳng hạn như Hegel identifies three moments that together comprise logical thinking: moment of abstraction, dialectical moment and rational moment.

Ông Tuấn đã sai khi dịch moment là khoảnh khắc, còn ông Hiển thì không dịch.

- constructive: Trong luận lý học và toán học, contructive theory có nghĩa là lý thuyết được thiết lập bằng cách xác định những kết cấu (structure) rồi đến những quy luật, sau cùng là những phần tử cơ bản để tạo cho lý thuyết ấy được hình thành, dựa vào những quy luật và kết cấu trên. Như vậy constructive trong trường hợp này mang ý nghĩa (một lý thuyết có tính) thiết đặt. Thí dụ như constructive philosophy, constructive algebra, constructive approximation.

Ông Tuấn dịch là xây dựng (nhu xây dựng và phá hoại) còn ông Hiến thi… cho qua.

Bây giờ chúng ta thử dịch lại câu trên xem sao:

Các luận điểm phản lý thuyết là một trong những thể loại đặc biệt của các giáo trình lý thuyết… một yếu tính biện chứng không tránh được trong giáo trình lý thuyết, cái yếu tính mà khi lý thuyết có đặc tính thiết đặt, khuynh hướng xác định lại sinh ra sự phủ định của chính nó.




[1]Excerpted from The American Heritage Dictionary of the English Language, Third Edition Copyright © 1992 by Houghton Mifflin Company. Electronic version licensed from Lernout & Hauspie Speech Products N.V., further reproduction and distribution restricted in accordance with the Copyright Law of the United States. All rights reserved.
 


1.11.2008
Trần Ngọc Vương

 

Em thưa cô… Thưa hai bác Hoàng Ngọc…

Trước hết, xin có mấy nhời (riêng) với hai bác Hoàng Ngọc…

“Chuyện(vốn) chẳng có gì mà ầm ĩ.” Cứ như em tưởng tượng, thì khi viết, bác Hiến không bày sẵn tư liệu trước mặt. Đuổi bắt ý tưởng, bắt được rồi thì “diễn” nó ra. Thoát khỏi tư liệu cụ thể thì tư duy trở nên khoái hoạt, tự do hơn. Nhưng dễ phạm vào “lỗi thao tác”. Và hậu quả thấy ngay được: ngay cái việc chép lại tên tác giả và tên cuốn sách cũng không đảm bảo an toàn. Loại “bệnh” này thường có ở đại gia, ở người già, ở nghệ sĩ và bác học (chẳng đã có thành ngữ “đãng trí bác học” đấy thôi!). Mà bác (Hoàng Ngọc) Hiến thì dường như là “bộ phận cấu thành” của cả mấy nhóm ấy.

Nhưng cái ý tưởng mà bác Hiến trình ra thì “không quá xa sự thật”. Cũng có thể nói như người (Tàu) xưa: “Tiểu sự hồ đồ, đại sự bất hồ đồ”. Bác (Hoàng Ngọc)-Tuấn này: nói gì thì nói, cái ông Charles Jencks ấy, theo như nhời của cả bác Hiến lẫn bác, quả là người đầu tiên “đóng đinh” thuật ngữ “hậu hiện đại” vào lĩnh vực kiến trúc; những người khác, trước ông, nếu có công, thì cũng chỉ mới “ướm thử, gá tạm”, và điều quan trọng là chưa làm cho nhiều người chú mục vào đó. Bác đồng ý thế chứ?

Và chắc bác cũng không phản đối, khi em mạo muội nói rằng, ở (hoặc xuất phát từ) cái xứ mà học phong còn chưa đến độ ra ràng, sự chính xác chặt chẽ vẫn chỉ mới tới mức “rằm cũng ừ, mười tư cũng gật”, “chín bỏ làm mười” như “xứ mình”, thì việc xác định “toạ độ” miền chân lý khu trú lắm lúc còn cần và quan trọng hơn cả việc “định vị chính xác đến từng centimet”? Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là em “bênh” bác (Hoàng Ngọc) Hiến đâu: bất luận thế nào, “cẩn tắc vô ưu”!

Chỉ là em không ưa lắm cái cách khái quát hoá… “đại ngôn” (nói thiệt!) dường như có phần “bơm vá ác ý” mà bác dùng cho bác Hiến, rồi hai bác dùng “trao qua đổi lại” cho nhau.

Hai bác lại còn kể tích “tam đại con gà”, còn hứa hẹn cả “chuyện hồi sau sẽ rõ!”.

Em thưa cô! (là hàng vạn độc giả ấy, các bác ạ!)

Cô có thích nghe tiếp hai “bạn bự” này đôi co?

Em tin là không!

Còn vì một lẽ: hai “bạn bự” này đang tự làm mình “hư hao” bớt chất “nguyên khí” đi đấy!

 


31.10.2008
Chu Việt

Một độc giả bị mờ mắt và điên cái đầu

Từ gần hai tuần nay, sau bài “Một quái trạng văn hóa” của Hoàng Ngọc-Tuấn, có dễ 12 người đã nhẩy vô sân chơi hậu hiện đại (postmodernism) lên tiếng om xòm cãi nhau như chợ vỡ. Tôi đứng ngoài vô tình mà hóa ra nạn nhân vì tội ham đọc để theo dõi. Thiệt tình, tôi chả học được gì, mà còn bị thiệt vào thân. Mắt thì mờ đi và điên cái đầu vì những thuật ngữ, luận điểm đốp chát nhau, giọng bấc giọng chì…

Vấn đề định danh hay định thời điểm thật là rối rắm và theo thiển ý không cần thiết. Điều quan trọng là thực chất và khả năng tiếp nhận và tiêu hóa những gì hiện có và sẽ có. Tôi hy vọng những nhà trí thức trong sân chơi hãy có độ lượng và giữ được cái gọi là “sự ngay thật trí tuệ” (intellectual probity). Và chấm dứt cái “trò chơi vô tăm tích” (chữ của Phạm Thị Hoài) này. Chúng ta còn nhiều vấn đề khác cần bàn tới.
 


31.10.2008
Nguyễn Văn Học

Mơ cho giải Nobel nào?

Trong hệ thống giải Nobel, ngành nào được nhận cũng danh giá cả, chẳng riêng gì văn học. Năm nay, từ trước và sau khi giải Nobel văn học được trao cho nhà văn Pháp Jean Marie Gustave Le Clézio, trên một số tờ báo, diễn đàn văn nghệ của chúng ta xuất hiện ý kiến suy nghĩ hướng về một giải Nobel cho văn học Việt Nam với những câu hỏi đặt ra rất thú vị, chẳng hạn như “Nobel Văn chương Việt Nam - tại sao chưa?” [1]

Suy ngẫm và hướng đến một giá trị, một giải thưởng đích thực, uy tín và danh giá như giải Nobel thì thật trân trọng và cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Chúng ta có niềm tin và tự hào về một dân tộc yêu văn chương, truyền thống văn học bề dày hàng ngàn năm. Một đất nước đang đổi mới trên nhiều lĩnh vực với Hội Nhà văn lên tới gần 1000 hội viên cùng vô số tác phẩm đặc sắc có giá trị cao thì việc nghĩ đến một giải Nobel văn học cũng không có gì… xa xỉ. Nhưng, tại sao lại chỉ nghĩ đến Nobel văn chương?

Thử đặt câu hỏi, trong những ngành khoa học được trao giải Nobel như Vật lý, Hoá, Y, Kinh tế, sao không có nhà khoa học, nhà báo, bài viết nào đưa ra vấn đề tại sao chưa có Nobel ngành đó cho Việt Nam?

Giải Nobel Kinh tế 2008 được trao cho nhà kinh tế học người Mỹ, Giáo sư Paul Krugman, vừa rồi những tưởng sẽ có nhiều ý kiến của báo chí và các nhà khoa học về kinh tế học nước nhà suy ngẫm và liên tưởng đến một Nobel kinh tế cho Việt Nam, chí ít cũng có tít bài “Nobel Kinh tế Việt Nam - tại sao chưa?”, ngược lại rất im hơi lặng tiếng.

Tôi không biết, những cây bút quá ưu ái cho văn chương nước nhà liệu có làm thử một bài phân tích toàn cảnh các nhà kinh tế học, vật lí học, hóa học… của chúng ta, thử đặt lên bàn cân để suy ngẫm hướng về giải Nobel xem kết quả thế nào, như đã từng làm cho ngành văn học. Chắc là có nhiều điều thú vị lắm. Tôi ngờ rằng, những nhà báo, những cây bút ở các lĩnh vực ngoài văn chương, chắc họ không có niềm tin tuyệt đối và quá tin tưởng, ước vọng quá xa xôi viển vông như các nhà báo, nhà văn của chúng ta viết về văn học.

Đặt vấn đề Nobel cho văn học Việt Nam, e rằng, chúng ta đã quá thiên vị văn chương mà quên đi nhiều ngành khoa học khác, đồng thời, chúng ta cũng quá hồn nhiên để lãng phí, tiêu phí giấc mơ cho một giải văn chương danh giá, bởi trước khi nghĩ về giải Nobel văn học, hãy tự kiểm kê gia tài văn học của mình và tự hỏi xem: Nó là thế nào nhỉ? Đặt vấn đề cho giải Nobel văn học Việt Nam liệu có lãng mạn quá không?




[1]http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/2008/10/807795/
http://vietimes.com.vn/vn/tinhcachviet/3986/index.viet