trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


29.10.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n

Thưa ông Nguyễn Đăng Thường,

Đọc đến câu “Sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại là cốt để đặt lại các vấn đề và tạo ra một cái/cách nhìn mới. Nếu đem sự hoài nghi ấy để hoài nghi lại giá trị của chủ nghĩa hậu hiện đại thì ta sẽ bị mắc vào cái vòng luẩn quẩn hay bị rơi vào ngõ cụt. Nói cách khác, chủ nghĩa hậu hiện đại không thể là con rắn tự cắn đuôi. Sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại lại càng không nên hiểu là ‘muốn nói sao cũng được’ một cách thô thiển” của ông, tôi nhớ đến câu tục ngữ của người Việt: “Dao sắc không cắt được chuôi”. Cho nên không cần phải “nói cách khác” bằng việc khẳng định “Chủ nghĩa hậu hiện đại không thể là con rắn tự cắn đuôi”. Có nghĩa rằng, bằng tinh thần hoài nghi, anh có thể hoài nghi tất cả, chỉ trừ anh ra thôi vì anh là “hậu hiện đại”. Nếu chủ nghĩa nào cũng tự cho phép trừ mình ra thì thưa ông Nguyễn Đăng Thường cái “context” xã hội trên thế giới này sẽ như thế nào nhỉ? Bất khả tri chăng? Biết người mà không biết mình chăng? Mặt người có lọ nghẹ thì chê mặt mình có lọ nghẹ thì… chăng?

Và nếu nói một cách đơn giản rằng: “Sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại” chỉ “là cốt để đặt lại các vấn đề và tạo ra một cái/cách nhìn mới”, tôi nghĩ, thiền học đã đặt ra vấn đề này từ mười hai thế kỷ về trước. Vậy “Chủ nghĩa hậu hiện đại” có gì mới trong vấn đề này?

Khi dùng từ “chủ nghĩa hậu hiện đại”, tôi xin ông Nguyễn Đăng Thường có thể cho độc giả biết “cha đẻ” của chủ nghĩa hậu hiện đại là ai, như vậy thì mới biết rằng cái “không thể cắn đuôi” là không thể cắn vào “cha đẻ” nào. Vì rằng tôi thấy những người “có quyền” đứng vào “hậu hiện đại” trên thế giới nhiều quá và còn đang lan cả sang Việt Nam, và hình như họ nói chẳng giống nhau về chính “hậu hiện đại”, nội chỉ có cái “nguyên nhân đầu tiên” của khái niệm thôi đã đầy rối rắm và nhiều “hoài nghi” đến độ mà có người phải hiểu “mỗi thời đại đều có chủ nghĩa hiện đại của riêng mình” rồi.

Tôi chú ý đến ý kiến ngắn của ông Trần Văn Tích:

Dẫu vậy, vẫn chưa có ai, hình như kể cả ông Hoàng Ngọc-Tuấn, xác định được người khai sinh và niên đại chào đời của các từ postmodern, postmodernism. (Vì phần trích dẫn tài liệu liên quan đến hai từ này quá nhiều, nên nếu đã có ai trong quí vị góp ý trên talawas chỉ rõ được tác giả nào đã “đăng bộ“ các từ này vào năm nào thì xin vui lòng tha lỗi cho người góp ý hôm nay, vì đã sơ sót không đọc thật kỹ.) Dường như hoàn cảnh chào đời của hai từ postmodernpostmodernism không giống hoàn cảnh của từ cybernetics…”

Thưa ông Nguyễn Đăng Thường, “chủ nghĩa hậu hiện đại” là “chủ nghĩa” kiểu gì khi ngay cả khái niệm, định nghĩa, “cha đẻ” của nó còn nhiều “hoài nghi” như vậy? Phải chăng còn nhiều từ dùng khác chính xác hơn như “Hoàn cảnh hậu hiện đại”, “Tinh thần hậu hiện đại”, “Trào lưu hậu hiện đại”…? Trong ý kiến trước, tôi có nói: “Tôi không bàn về lịch sử ra đời của từ “hậu hiện đại” cũng như chuyện chữ nghĩa (càng bàn càng xa) của nó, vì khái niệm “hiện đại” vẫn còn là cái “đương là”, cái “đang ở”, thì cái gì có “hậu” ắt có “tiền”, tức có đối đãi, phân biệt”. Nếu ông Nguyễn Đăng Thường có thể “xác định” được như ông Trần Văn Tích nói thì cái hoài nghi kia mới “tạm thời” lắng xuống, bằng không thì chính “Chủ nghĩa hậu hiện đại” với những–gì–liên–quan đến “khái niệm” của nó đang tạo ra sự “muốn nói sao cũng được” bằng tinh–thần–của–chính nó. Và khi ở trong tình thế “dao sắc không cắt được chuôi”, mọi sự không cho phép “muốn nói sao cũng được” đã đi ngược lại với tinh thần của chính nó mới trở nên thô thiển một cách không đáng có, tức ngụy tín. Phải chăng theo cách nghĩ của một số người, có một thứ “chủ nghĩa hậu hiện đại” hiện ra để đánh đổ “độc quyền” nhưng lại độc quyền chính mình, nếu không ông Nguyễn Đăng Thường tại sao phải đặt vấn đề “muốn nói sao cũng được” khi đưa ra những “hình nhộng” mà không chỉ có “chủ nghĩa hậu hiện đại” mới có quyền nắm giữ (mọi người có quyền “đúng/sai” hiểu rằng chẳng có “hậu hiện đại” gì trong những hình ảnh ấy được không?)?
 


29.10.2008
Một độc giả

Nói như ông Nguyễn Đăng Thường thì chủ nghĩa hậu hiện đại hơi bị giống… chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa hậu hiện đại hoài nghi tất cả các cái khác trước nó thì được, người ta hoài nghi nó thì lại… không được. Chủ nghĩa cộng sản phủ nhận tất cả các chế độ trước nó thì được, người ta muốn phủ nhận nó thì lại… không được. Thế thì nhân loại chỉ còn mỗi chọn lựa là sống muôn năm trong chủ nghĩa cộng sản + chủ nghĩa hậu hiện đại!

                                                                                                             *

Ông Võ Quốc Linh mở đầu bài viết thế này (tôi in đậm để nhấn mạnh một số ý): “Trong lúc cuộc tranh luận học thuật về mỹ thuật hậu hiện đại trên talawas đang sôi nổi thì đột nhiên có một bài viết ngoài chủ đề xuất hiện, tôi thiển nghĩ, thật đáng tiếc, bởi vì nếu không cẩn trọng và cảnh giác, thì chúng ta có nguy cơ trượt vào một cuộc khảo sát lý lịch nhân thân của một người cầm bút.”

Đọc hết bài này thì tôi phải đặt ra mấy câu hỏi: 1. Bài của ông Linh có đóng góp / tham gia gì vào “cuộc tranh luận học thuật về mỹ thuật hậu hiện đại” không? Câu trả lời là KHÔNG. 2. Bài của ông Linh có "ngoài chủ đề" không? Câu trả lời là CÓ. 3. Bài của ông Linh có là "một cuộc khảo sát lý lịch nhân thân" không? Câu trả lời là CÓ.
 


29.10.2008
Nguyễn Đăng Thường

Chiến tranh [xuất xứ] và hòa bình [hậu hiện đại]

1. Vâng, nếu có thêm được Nghiêm Quang [và vài độc giả talawas] ủng hộ khuynh hướng hậu hiện đại thì Nguyễn Đăng Thường đã/sẽ... toại nguyện. Vì đó vẫn là mục đích đầu tiên và cuối cùng của tôi khi viết.

Vâng, chúng ta chiến đấu cho... một ngày mai sáng tươi... trong nước.

Một ngày mai tươi sáng sẽ có... muôn chim hậu hiện đại... đua hót.

Một ngày mai tươi vui sẽ có... muôn hoa hậu hiện đại... đua cười.

2. Góp ý với Đào Nguyên, thiển nghĩ của tôi là chúng ta có thể xích gần sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại với cái "cool" (thiền) của thiền đạo. Chúng là những phương tiện có thể giúp ta... giác ngộ. Tuy nhiên - xin cho tôi được phép nhắc thêm một lần nữa - ta không nên áp dụng sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại để hoài nghi lại toàn thể chủ nghĩa hậu hiện đại, hay, chẳng hạn, để phủ nhận thực tế của... trái đất và vũ trụ. Như mọi trò chơi, như các bộ môn thể thao, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có những tiền lệ mà ta phải chấp nhận nếu muốn tham dự. Hơn nữa, nếu trái có vỏ nếu cá có vẩy, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có những cái cần phải bỏ khi ta muốn... nhai.

3. Hậu hiện đại là một chủ nghĩa tuy xuất hiện hơi lâu rồi nhưng tương đối nó vẫn còn khá mới mẻ. Nếu muốn châm biếm chuyện "cũ người mới ta" của chủ nghĩa hậu hiện đại trong nước thì Hàm Anh cũng nên cười cợt luôn các chủ nghĩa hoa hậu, chủ nghĩa sân golf, chủ nghĩa kinh tế thị trường, chủ nghĩa xe máy, chủ nghĩa mũ an toàn, chủ nghĩa chung cư, chủ nghĩa cao ốc, chủ nghĩa xa lộ... vân vân và vân vân, ở quốc nội bây giờ.
 


29.10.2008
Đào Nguyên

Sau bài viết của Tôn Thất Quỳnh Du chất vấn sự “chính danh” và “đại ngôn” về học lịch, học vị và chức nghiệp của Hoàng Ngọc-Tuấn, và sau đó là bài viết của Võ Quốc Linh về Hoàng Ngọc Tuấn như một người bạn thân thiết chẳng đại ngôn chút nào, tôi chắc chắn là còn rất nhiều độc giả talawas vẫn chưa nhận ra được chân dung và vẫn còn nghi ngờ tài năng thật của Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi biết chút đỉnh về ông qua những luồng tin tức về các sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt tự do tại Úc. Bên cạnh việc viết văn, làm thơ, nghiên cứu văn học và âm nhạc và hoạt động kịch nghệ, ông còn là một nhạc sĩ trình tấu tây ban cầm điêu luyện (xin kính mời vào trang web dưới đây để xem video về các khía cạnh văn nghệ này của ông: http://www.vietnamlibrary.net/ vào trang Văn nghệ và chọn đề tài “Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu nhạc Việt Nam”). Cũng xin nhấn mạnh là tôi và ông Hoàng Ngọc-Tuấn không biết nhau và chẳng có liên hệ gì hết trong bất cứ lãnh vực nào, ngay cả thành phố nơi cư ngụ cũng chẳng cùng, dầu cả hai đều định cư tại Úc.
 


29.10.2008
Doan Pho

Bài báo của tác giả Huy Đức “Hai nhà báo và một lời xin lỗi”, được giới thiệu trong mục spectrum trên talawas, bình luận về thái độ của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) sau phiên tòa xét xử họ. Nói về việc nhận tội của Nguyễ Văn Hải, tác giả cho rằng việc nhận sai lầm của anh cũng là một thái độ dũng cảm; rằng Hải đã thừa nhận sai lầm 5 tháng trước khi bị bắt, trên blog của một đồng nghiệp...

Theo tôi, đó là một cách giải thích đầy ngụy biện của tác giả.

Cần nhớ lại, vào thời điểm Hải bị bắt, qua hai số báo viết về sự kiện này trước khi bị cấm, báo Tuổi Trẻ (và cả Thanh Niên) đã bày tỏ thái độ phản ứng khá mạnh mẽ. TBT Lê Hoàng khẳng định: Hải hoàn toàn đúng, Hải là con người tốt, phóng viên tốt, Đảng viên tốt - Hải là bí thư chi bộ, phó Văn phòng Đại diện báo tại Hà Nội. Rằng báo Tuổi Trẻ sẽ luôn đứng bên cạnh để bảo vệ Hải. Đặc biệt, phó TBT Bùi Thanh đã có một bài báo nảy lửa, được dư luận và đồng nghiệp trong cũng như ngoài báo Tuổi Trẻ hoan nghênh, khi bày tỏ sự phẫn nộ về việc hai nhà báo bị bắt chỉ vì viết thông tin chống tiêu cực. Câu cuối bài viết, Bùi Thanh cay đắng thưa cùng Trung tướng Nguyễn Việt Thành, một người nổi tiếng chống tham nhũng, hiện là Chánh văn phòng Ban chống Tham nhũng, từng lên tiếng kêo gọi nhà báo dũng cảm chống tham nhũng, rằng vì theo lời kêu gọi đó mà hai nhà báo chân chính đã phải lên xe vào trại giam.

Vậy nhưng tất cả đã hỡi ôi, trước tòa Hải đã nhận tội, chỉ mong được sự khoan hồng. Đó thật sự là một cái tát đau đối với tất cả những ai từng bênh vực Hải. Và có lẽ đau nhất là Bùi Thanh. Anh đã trả một giá đắt - mất chức phó TBT, bị cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, khi lên tiếng mạnh mẽ bênh vực đồng nghiệp, đàn em.

Sẽ không thể có thái độ bức xúc ở hai số báo Tuổi Trẻ khi Hải vừa bị bắt, sẽ không có sự xả thân của Bùi Thanh, nếu Hải nói rõ với BBT rằng anh hoàn toàn sai, như đã nhận trước tòa! Vậy thì chỉ có thể giải thích rằng, ngay từ đầu Hải đã không trung thực với cấp trên và đồng nghiệp của mình; hoặc anh đã phản bội họ.

Một thái độ như vậy mà Huy Đức vẫn cho rằng "dũng cảm cần được tôn trọng", như là sự tôn trọng với nhà báo Nguyễn Việt Chiến, thì thật không thể nào chấp nhận nổi. Vậy mà anh còn tỏ thái độ khệnh khạng “dạy đời" rằng các nhà báo còn "nợ nhân dân một lời xin lỗi" (!) Có lẽ chính Huy Đức mới nên có một lời xin lỗi, với đồng nghiệp, với độc giả thì đúng hơn. Còn nếu Huy Đức trung thực và dũng cảm hơn trong việc đặt vấn đề ai phải nợ nhân dân một lời xin lỗi, thì anh cần đặt câu hỏi với những người đã bắt và xử tù nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Tiếc thay, đó là điều mà tác giả không làm được.