18.1.2005
Trần Hoà i Thư
Góp ý về bài “Hiện tượng lão hóa” của Nguyễn Văn Lục, talawas 15.1.2005
Lão hóa có lẽ là một định luật của vũ trụ nhân sinh. Bốn mùa xuân hạ thu đông. Hay tuổi trẻ rồi tuổi già. Dù những “nhánh tay gầy khiêng cả mùa đông” nhưng dưới đất kia, vẫn có một sự chuẩn bị âm ỉ để một lúc nào đó, một buổi giao mùa, tự dưng thấy đồng loạt mọc lên những đọt chồi hoa và cỏ. Kỹ thuật cũng vậy. Tôi nhớ lại những năm đầu tiên làm quen với máy điện toán cách đây 22 năm. Mỗi lần chạy một program phải dùng punched card (cạc bấm thẻ?). Và lúc ấy người ta khuyến khích sử dụng ngôn ngữ (language) assembler để máy chạy nhanh hơn. Bây giờ chúng đã trở thành “lão hóa”, bỏ vào bảo tàng viện. Nhưng ai có thể phủ nhận sự có mặt của chúng trong thời kỳ phôi thai của kỹ thuật tin học. Bởi kỹ thuật là gì nếu không là sự vận dụng tri óc, sáng tạo để làm dễ dàng hơn cuộc sống của con người. Cũng như ai có thể phủ nhận được vai trò của vị thầy/cô cho dù là cô/thầy dạy trường làng trở thành “lão hóa” đi nữa.
Bởi vì, cho dù ngoài thân, chơ vơ gầy guộc, nhưng trong phần hồn của họ ai dám bảo là “lão hóa”:
“Tôi biết tại sao má tôi cặm cụi hết năm này sang năm khác, bốn mươi năm liên tiếp, vẫn cuốn sổ cặp nách, chiếc áo dài đơn sơ và nếp sống đạm bạc hằng ngày đi đến trường đôn hậu như đóa sen, dạy dỗ chân tình như không có chuyện gì xảy ra ở bên ngoài cửa lớp. Học trò đến rồi đi từng lứa, bà giáo ở lại đó cỗi xuống như nhánh tre già nhưng vẫn thong dong ở đó, chờ đợi và đón đưa. Sao tôi thấy má tôi mạnh hơn tôi tưởng trong cái xác gầy như mai, tấm thân mỏng như lá lúa.Cũng như ba tôi, như bao nhiêu thầy cô khác nữa, đã sống và dạy một cách hồn nhiên như ăn và thở. Đời họ gắn liền với học trò như hình với bóng, hai mươi năm, ba mươi, bốn mươi năm nhẹ tênh như hơi gió. Cái sức sống của những người thầy cô già giống như luồng nhựa đặc quánh của những đời cổ thụ, tiềm tàng nhưng mãnh liệt, chảy miên man trong tấm thân khô oằn. Đó là nguồn sống được tái tạo hằng giờ hằng phút từ cặp mắt thơ ngây không ngớt tìm kiếm, và nhất là từ những tấm lòng son trẻ háo hức học hỏi. Cái sức sống được làm mới lại luôn luôn từ nỗi hạnh phúc cho đi mà không chờ nhận lại.
(Trích Nghề thầy của Cao Vị Khanh, phụ bản đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo tập 18, tháng 1. 2005)
Bởi vậy, theo ý tôi, tác giả sử dụng hai chữ nho kết “lão hóa” là không chính xác. Dùng chúng là cả một sự khinh miệt. Ngay cả bản thân tác giả nữa.
|