trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
4.6.2007
Nguyễn Kim Bình
Vào cùng ngày với bài viết của tôi, “Chuyện nước tương ‘đen’”, đăng trên talawas, báo Thanh Niên mạng trong nước cũng có một bài viết khá chi tiết của tác giả Nguyễn Đình Nguyên, “Ðịnh mức 3-MCPD trong nước tương: Bao nhiêu là an toàn?” Bài viết này mang lại một số thông tin hữu ích cho độc giả trong nước. Tuy nhiên, có một số chi tiết quan trọng giữa hai bài viết lại khác biệt đáng kể, có thể làm một số độc giả, có đọc cả hai bài viết, phân vân.

Sau khi dò tìm trên internet, tôi khám phá ra rằng toàn bộ các chi tiết về quy định hàm lượng, tên các quốc gia liên hệ, ghi trong bài viết đó được trích nguyên văn từ một bản báo cáo tiêu đề “Quan điểm của Thái Lan về 3-MCPD” (Position of Thailand on 3-MCPD) của Viện Tiêu chuẩn Kỹ nghệ thuộc Bộ Kỹ nghệ Thái Lan.

Bản báo cáo này của Thái lan được thực hiện sau khi có những quan ngại và chỉ trích về hàm lượng 3-MCDP trong nước tương của Thái Lan trước đó (vào khoảng các năm 1999-2000) từ các nước phương Tây. Bản báo cáo không ghi rõ ngày tháng thực hiện. Điều tôi muốn nêu lên ở đây là một số các quy định quan trọng về hàm lượng các chất được đề cập đã thay đổi mà tác giả Nguyễn Đình Nguyên, có lẽ vì chỉ theo một nguồn thông tin trên, nên không cập nhật chính xác. Thí dụ rõ rệt nhất là sau quyết định của Uỷ ban Khoa học về Thực phẩm của Uỷ hội Âu châu (European Commission’s Scientific Committee on Food), vào ngày 22/6/2001, Úc và Tân Tây Lan cũng ra một thông cáo giảm hàm lượng 3-MCPD xuống giống như của Liên Âu. Thông cáo này của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và Tân Tây Lan có ghi rõ “… chúng tôi đề nghị một sự thay đổi về Quy định Tiêu chuẩn Thực phẩm ấn định mức giới hạn của 3-MCPD trong nước tương là 0.02 mg/kg, giống như giới hạn đã được đồng ý bởi Uỷ hội Âu châu được áp dụng kể từ ngày 1 tháng Tư 2002,” không phải là 0.2 mg/kg như trong bản báo cáo của Thái Lan. Quan trọng hơn nữa, chất 1,3-DCP được chứng minh trong phòng thí nghiệm là một chất gây ung thư do làm hư hoại trực tiếp đến DNA của gene (genotoxic carcinogen) cho nên Úc và Tân Tây Lan (cùng rất nhiều nước khác) đã quy định không cho phép có bất cứ sự hiện diện nào của chất này trong nước tương (any level of 1,3-DCP is unacceptable), không phải là 0.005 mg/kg như trên bản báo cáo của Thái Lan, và vì thế của cả tác giả Nguyễn Đình Nguyên. Thiết nghĩ, thiếu thông tin là một thiệt thòi lớn, nhưng thông tin không chính xác cũng có thể gây tai hại. Cho nên xin xác minh rõ lần nữa.

Theo dõi tin tức trong vụ nước tương “đen” mấy tuần qua, tôi nhận thấy các báo mạng trong nước cũng đã đăng lên nhiều ý kiến, cảm tưởng (thường rất bất bình) cùng những đề nghị của người tiêu dùng. Đây là điều đáng mừng vì có lẽ nhờ thế (?) các cơ quan có trách nhiệm mới thấy rõ hơn sự quan trọng của vai trò chức năng và trách nhiệm lớn lao của mình, đối với sức khoẻ của người dân. Nhất là, hy vọng chẳng phải chỉ dành riêng cho vụ nước tương, mà còn cho nhiều loại thực phẩm khác, và cả về lãnh vực dược phẩm.