trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
8.10.2005
Trương Quang Tiến
Lược khảo khái luận „Phương thức Sản xuất Á châu“ của Karl Marx và Friedrich Engels
 
Nhân đọc Huyền thọai về một nhà nước tự tiêu vong, nhận thấy tác giả của luận văn có đề cập tới khái luận „Phương thức Sản xuất châu Á“ của Marx, nhưng có lẽ vì lý do nào đó đã không diễn giải tỏ tường hơn được, nên người viết luận đề này mạnh dạn đem kiến thức hạn chế về „Phương thức Sản xuất Á châu“ triển khai để độc giả xa gần cùng tham khảo.

Năm hình thái phát triển xã hội tuần tự tịnh tiến (cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa [1] ) đã được một số lớn các khoa học gia khoa học xã hội hay lý thuyết gia chủ thuyết cộng sản, các nhà Mác-xít (Marxist), hay thậm chí là các chuyên gia Mác học (Marxologe) coi như quy luật phát triển phổ thông. Họ đã thờ ơ hay cố ý bỏ qua một khái luận rất quan trọng và được Marx hết sức quan tâm; đó chính là Phương thức Sản xuất Á châu“ [2] .

Lần đầu tiên Marx và Engels đề cập tới „Phương thức Sản xuất Á châu“ là vào năm 1853, khi hai ông trao đổi thư từ với nhau [3] . Ngoài ra, Marx còn đề cập đến khái luận trên này trong nhiều tiểu luận gửi đăng trên tờ New York Daily Tribune, và đặc biệt triển khai trong luận đề Góp phần phê phán kinh tế chính trị cũng như trong luận đề „các phương thức sản xuất đi trước phương thức sản xuất tư bản“ [4] .

Marx đã kiên trì với khái niệm Phương thức Sản xuất Á châu cho đến cuối đời.


Xuất xứ của khái luận Phương thức Sản xuất Á châu

Khái luận Phương thức Sản xuất Á châu của Marx và Engels được đúc kết từ ba nguồn ý tưởng:
  • Lý luận của các nhà kinh tế học quốc gia thuở ấy như John Stuart Mill và Richard Jones, mà Marx đã nghiên cứu vào năm 1853 và sử dụng những khái niệm tương tự của họ [5] .
  • Kiến thức lấy từ các tường thuật du lịch, các ký sự chuyên đề các xứ Đông phương [6]
  • Nguồn kiến thức thứ ba là từ những nghiên cứu về các cộng đồng xóm làng của nhiều xứ khác nhau trên thế giới, mà hai ông đã đặt trọng tâm nghiên cứu vào ý nghĩa của các cộng đồng này tại các nước Đông phương. [7]
Những công trình nghiên cứu đặc biệt này chỉ là những đóng góp hỗ trợ cho công trình nghiên cứu nền ngoại thương của Anh quốc và sự thịnh vượng kinh tế của xứ này. Thị trường Đông phương đã trở thành khu vực ảnh hưởng tăng trưởng của nền công nghiệp Anh quốc. Sự bành trướng xuất cảng hàng hóa Anh quốc đã dẫn tới những xáo trộn sâu rộng nội tại của các xã hội Đông phương. Loạn Thái bình Thiên quốc (Taiping) tại Trung Hoa, cuộc nổi dậy Sepoy tại Ấn Độ đã là những phản ứng trực tiếp hay gián tiếp thêm vào quá trình giải thể đang tăng mạnh của các xã hội nêu trên. Với những kiến thức khai phá, Marx và Engels đã nghiên cứu thí điểm cấu trúc của các „Xã hội Á châu“ đang lâm vào quá trình huỷ diệt. Từ đó hai ông đã phác thảo đại cương khái luận „Phương thức Sản xuất Á châu“.


Những đặc trưng cơ bản của Phương thức Sản xuất Á châu

  1. Điển hình, nhưng không tuyệt đối, ở Phương thức Sản xuất Á châu là sự không hiện hữu chế độ tư hữu ruộng đất được nhà nước bảo đảm.

    Từ đặc trưng này mà cộng đồng xóm làng, dựa trên nền tảng tài sản tập thể của toàn thể cư dân trong xóm làng, đã duy trì được một sự đoàn kết thật gắn bó được thể hiện qua tinh thần kháng chiến luôn thành công chống lại mọi cuộc xâm lăng đẫm máu.

  2. Sự gắn bó keo sơn nội bộ của xóm làng từ ngàn xưa đã được tăng thêm sức mạnh qua quan hệ chặt chẽ giữa nghề nông và nghề thủ công. Do đó sinh hoạt của cộng đồng xóm làng là theo hình thức tự cung tự cấp.

  3. Do yếu tố „tiền-quyết“ từ những lý do khí hậu và địa lý, nông nghiệp ở những xứ Đông phương buộc phải có những công trình thủy lợi quy mô; do đó mà công trình dẫn thủy nhập điền đòi hỏi phải có quyền lực tập trung mạnh với tư cách là trung tâm điều khiển thủy lợi, nơi tạo dựng ra những kiến trúc thủy lợi rộng lớn, bảo quản đê điều, sông đào và những hồ chứa nước. [8]

  4. Vì những lý do vừa nêu trên mà nhà nước với tư cách là kẻ tổ chức thủy lợi đã có thể thu hoạch phần lớn sản phẩm thặng dư xã hội, và điều này khiến sinh ra các tầng lớp xã hội hưởng thụ những sản phẩm thặng dư, đồng thời cũng tiêu biểu cho lực lượng thống trị (ở đây hình thành khái luận „Chuyên chế Đông phương“).

Việc nhà nước Đông phương chiếm hữu đa phần sản phẩm thặng dư xã hội thực ra đã dẫn đến một sự ổn định căn bản nơi quan hệ sản xuất, nhưng cũng đã làm giảm dần sự phát triển sức sản xuất.

Trong tác phẩm Khái quát về sự phê phán kinh tế chính trị đã được đề cập đến, tất cả những đặc trưng vừa nêu trên, mà đặc biệt vai trò thủy lợi, có một tầm quan trọng đối với các xã hội Đông phương. Ngoài ra, còn có một loạt những luận điểm bổ sung làm sáng tỏ cho khái luận của Marx và Engels về Phương thức Sản xuất Á châu. Trong những luận điểm bổ sung, điều đáng chú ý là sự nhấn mạnh của Marx về sự phát triển của các đô thị Đông phương nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của các Đế chế hay các Đô trưởng [9] . Điều này có nghĩa là sản xuất chỉ nhằm tạo ra giá trị tiêu dùng. [10] Nhưng đáng lẽ ra sự sản xuất hàng hóa đô thị phải tạo ra giá trị trao đổi, làm bàn đạp cho sự thống trị của tư bản. Nếu sức mạnh của tiền tệ trong các xã hội Á châu - vốn chưa công nghiệp hóa - trở thành yếu tố thống soái, thì ngược lại quyền lực ấy lại đưa tới sự ngự trị của nông thôn đối với thành thị. [11] Hay nói một cách khác, là sự cấu trúc đặc biệt của Phương thức Sản xuất Á châu - sự ngự trị của nông nghiệp và một trung tâm quyền lực tập trung [12] đối với đô thị - đã ngăn cản sự bành trướng tự do của tư bản. Điều này không có nghĩa là dẫn tới một thế giậm chân tại chỗ của sức sản xuất, mà chỉ đưa tới một sự phát triển trễ nải. Nhìn lâu dài nó sẽ mang đến cho các dân tộc dựa vào phương thức sản xuất này nhiều hậu quả nghiêm trọng [13] .

Khi nghiên cứu về „Xã hội Á châu“, điển hình là Ấn Độ, Marx đã đi đến kết luận: Một nhà nước Á châu được ra đời do nhu cầu bức thiết phải kiến tạo những công trình thủy lợi qua sự điều khiển của các kẻ thống trị, và sự tồn tại lâu dài của cái nhà nước này là nhờ sự hiện hữu của tình trạng dân cư sống phân tán tụ tập thành những đơn vị xóm làng tự cung tự cấp dựa trên cơ sở keo sơn giữa tiểu nông và thủ công gia đình [14] .

Khi phân tích xã hội Trung Hoa vào những thập niên 50 của thế kỷ 19 Marx cũng đã lưu ý đến cấu trúc kinh tế của xã hội Trung Hoa. Cấu trúc này dựa vào sự hài hòa giữa tiểu nông và nền thủ công gia đình. Ở cả hai xã hội Marx đều có một khẳng định chung là sự khiếm khuyết tư hữu ruộng đất tại các cộng đồng làng xóm. Ở hai xã hội này chỉ tồn tại chế độ công điền, công thổ làng xóm. [15]

Nhìn vào xã hội Nga thuở ấy, Marx cũng đã thấy có nhiều điểm tương đồng như truyền thống, các cơ cấu xã hội, những nền tảng và quan hệ của nó. Tuy nhiên Marx chỉ mô tả nó là „bán Á châu“ hay „rối loạn bán Đông phương“ [16] .

Marx và Engels đều khẳng định thuở ấy phương thức sản xuất tại Đông phương không phải là Phương thức Sản xuất Phong kiến. Hai ông vẫn khẳng định, mặc dù ở Ấn Độ hay sau này tại Trung Hoa có thấy hình thức sở hữu ruộng đất, nhưng không có quyền tư hữu, tại hai xứ này không tồn tại Phương thức Sản xuất Phong kiến.

Marx lập luận rằng trong „Hệ thống Á châu“ thực sự chỉ có Nhà nước là tư hữu chủ ruộng đất duy nhất. [17] Ở đó không tồn tại chế độ tư hữu ruộng đất, măc dù hiện hữu chế độ sở hữu cá thể hay sở hữu tập thể ruộng đất cũng như quyền sử dụng và thụ hưởng hoa lợi từ đất đai. [18]

Xuất phát từ quan điểm trên, Marx đã cảnh cáo việc quy kết chế độ sở hữu ruộng đất tại Á châu, cũng như Ai Cập, vào chế độ sở hữu của chế độ nô lệ hay nông nô Tây phương.

Trong „Hệ thống Á châu“, Marx xem ngay những nông dân sở hữu ruộng đất „au fond“ (căn bản) cũng là tài sản, những kẻ nô lệ của nguyên thủ các cộng đồng Đông phương. Ngược lại với chế độ chiếm hữu nô lệ thời cổ đại, bằng các hình thức tản quyền của quyền lực phong kiến, Marx đã đi tới định luận về quan hệ giữa nền chuyên chế Đông phương với khối quần chúng quan trọng của xã hội, là mối quan hệ „Nô lệ nhà nước phổ thông“. [19]


Diễn tiến quan điểm của Engels

Trước khi những luận điểm về Phương thức Sản xuất Á châu của Engels ở cái thời thọat kỳ thủy cùng cộng tác với Marx dần dần biến mất trong tác phẩm Der Ursprung der Familie, des Privateigentums und des Staates (Nguồn gốc gia đình, tài sản tư hữu và nhà nước) thì sự đóng góp của ông về mặt lý thuyết cho khái luận Phương thức Sản xuất Á châu ở cái buổi ban đầu rất rõ nét.

Engels đã nhất trí với Marx về nét đặc trưng của xã hội Nga, là sự cô lập các cộng đồng xóm làng và bao trùm lên họ là hình thức tập trung của nền chuyên chế. Ông đã đóng góp khá quan trọng vào phân tích xã hội Nga của Marx ở những thập niên bảy mươi: khía cạnh chuyên chế Đông phương rõ hơn là nền chuyên chế Nga hoàng [20] . Phát triển rộng hơn Marx trong tác phẩm Anti-Dühring (Chống Dühring), Engels có khuynh hướng cho rằng chức năng xã hội-hành chánh tại các xã hội bộ tộc và Đông phương có thể sẽ tiến tới vị trí giai cấp thống trị. Ông nhấn mạnh các nền chuyên chế từ Ba Tư cho tới Ấn Độ, dù cho được hình thành rồi lại bị hủy diệt, đều là những doanh nhân tổng thể của các công trình thủy lợi cho các lưu vực sông ngòi mà không có họ sự canh tác ruộng đồng không thể hiện hữu được. [21]

Ở đây cần lưu ý mấy điểm:

  • Quan điểm trước của Engels là các nền chuyên chế Đông phương với chức năng quản trị thủy lợi sẽ tồn tại hàng ngàn năm, một khi các cộng đồng xóm làng vẫn ổn định, không hề thay đổi [22] .

  • Trong tác phẩm Ursprung…, „Xã hội Á châu“ là một trong những trật tự xã hội lớn nhưng đã không được Engels đề cập và khảo luận tiếp. Khi phân tích nguồn gốc của nhà nước, Engels đã không hề nhắc tới họat động có tính cách chức trách xã hội của nền chuyên chế Đông phương. [23]



© 2005 talawas




[1]Stalin đã đề cập tới năm hình thái phát triển xã hội trong luận văn Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử, xem „Geschichte der Kommunistischen Partei der Sowjetunion – Kurzer Lehrgang“, Stalin Werke, Bd. 15. („Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô - Chỉnh huấn ngắn hạn“) tập 15, trang 156.
[2]Khái niệm “Phương thức Sản xuất Á châu” đã được thảo luận sôi nổi vào cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Tham khảo: Wittfogel, Karl A., Die Orientalische Despotie (Nền Chuyên chế Đông phương), Köln/Berlin, 1962, trang 500+ (nguyên bản tiếng Anh: Oriental Despotism). Vào thập niên 50 của thế kỷ vừa qua lại ghi nhận sự tranh luận rất gắt gao về Phương thức Sản xuất Á châu, khi tác phẩm Grundriß der Kritik der Politischen Ökonomie – Rohentwurf 1857-1858 Frankfurt/Wien, ohne Jahr (Phê phán kinh tế chính trị khái quát - Bản phác thảo 1857-1858) xuất hiện vào năm 1939, và đặc biệt sau khi chủ nghĩa Stalin bị phế bỏ. Tham khảo: Sur le mode de production asiatique (Bàn về khái luận Phương thức Sản xuất Á châu), Centre d’ Etudes et de Recherches Marxistes, Paris, 1969. Tại Việt Nam vào đầu thập niên 60 cũng đã có tranh luận về khái luận này. Tham khảo tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, tháng 8/9 1963, số 53/54.
[3]Trao đổi thư tín giữa Marx và Engels, ngày 25.6 và 8.8.1853. Trong thư gửi Engels, Marx đã trình bày khái luận về một “Xã hội Á châu” hay “phương Đông” khá cặn kẽ. Ông nhấn mạnh Phương thức Sản xuất Á châu là một phạm trù “Kinh tế Chính trị, chứ hoàn toàn không phải đơn thuần mang tính chất địa lý”. Xem: Marx/Engels Werke, Berlin, 1956 (Marx/Engels Toàn tập), tập 9, trang 129+
[4]Grundriß…, sđd, trang 375; Marx/Engels, Sđd, tập 13, trang 8+
[5]Thí dụ như „Xã hội Đông phương”, “Chuyên chế Đông phương”. Tham khảo: Wittfogel, Sđd, trang 460-61.
[6]Xem Hobsbawn, Eric, Introduction to Karl Marx: Precapitalist economic formation, London, 1964, trang 22.Tác giả đã liệt kê một số ký sự mà Marx đã đọc như: “Voyages” của Bernier, “L’histoire de Java” của Raffles, “Geographie historique de L’Arabie” của C.Forster, “Treatise on the East India Trade” của J. Child.
[7]Hai công trình nghiên cứu về cộng đồng xóm làng của Marx năm 1853 tại xứ Ê-cốt: “The Duchess of Sutherland and Slavery” (Nữ Công tước vùng Sutherland và chế độ nô lệ) đã được đăng tải trên tờ New York Daily Tribune ngày 9.2.1853, công trình nghiên cứu thứ hai “Quan hệ giữa chế độ quân chủ chuyên chế và sự tản quyền hành chánh tại Tây Ban Nha”, Tham khảo: Rubel, Maximilian, Karl Marx: Essai de biographie intellectuelle (Karl Marx: Thử diễn tả tiểu sử trí tuệ), Paris 1959, trang 297+.
[8]Xem Engels: “Brief an Marx vom 6.6.1853“ (Thư gửi cho K.Marx ngày 6.6.1853).
[9]Grundriß…, sđd, trang 377.
[10]Sđd , trang 384
[11]Sđd, trang 405
[12]Sđd, trang 407+. Ở đây Marx nhấn mạnh ý nghĩa của phường thủ công tự do tại các đô thị đóng góp vào việc chuẩn bị cho vai trò của tư bản phá vỡ những quan hệ cộng đồng có từ ngàn xưa tại nông thôn.
[13]Điều này không có nghĩa là các dân tộc Á châu không có khả năng tự mình phát triển tới chủ nghĩa tư bản. Sự kém phát triển của các dân tộc Á châu vào những thế kỷ trước là do hậu quả hạn chế của Phương thức Sản xuất châu Á, cụ thể là tự cản đường tiến và bị tụt hậu.
[14]Marx/Engels Werke, Bd.9, sđd, tập 9, trang 132.
[15]Xem: New York Daily Tribune, 3.12.1859.
[16]Tham khảo: Wittfogel, Sđd, trang 464; Marx diễn tả tiếng Đức là: „halborientalische Wirren“
[17]Marx/Engels Werke, sđd, trang 218.
[18]Marx, Das Kapital, III, Teil 2, Hamburg, (Tư bản luận, quyển III, phần 2), trang 324.
[19]Grundriß… , sđd, trang 393, 395.
[20]Tham khảo: Wittfogel, Sđd, trang 464
[21]Sđd, trang 476.
[22]Sđd, trang 464 và 477. Trong Anti-Dühring, Engels đã nhìn thấy khả năng của nền chuyên chế Đông phương trở thành giai cấp thống trị, như vậy quan điểm của Engels vào những năm 70 đã bị triệt tiêu?
[23]Sđd, trang 477.