trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
31.10.2007
Đoàn Tiểu Long
Phản biện sự phản biện lý thuyết lao động về giá trị
 
La Thành trong bài “Học thuật và văn hoá” có đưa ra một loạt dẫn chứng và lập luận cho thấy sự thảm hại của lý thuyết lao động về giá trị, đồng thời hết lời ca ngợi học thuyết ích dụng biên tế về giá trị mà ông có đề cập sơ qua trong phần chú thích cho bài “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx”.

Vì đây là một vấn đề học thuật nên cũng xin tham gia trao đổi tý chút, gọi là đem khoe cái dốt của mình, mong được các bậc cao thủ chỉ bảo thêm.


1. Lý thuyết về giá trị được Marx nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, thoạt tiên trong cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859), sau đó được trình bày lại trong phần đầu tiên – “Hàng hoá và tiền tệ” - của bộ Tư bản, chưa kể một số nghiên cứu kinh tế khác như các bản thảo kinh tế, tác phẩm Tiền công, giá cả và lợi nhuận v.v... Trong các tác phẩm này, Marx phân tích có phê phán lý thuyết giá trị của các phái trọng thương, trọng nông, và bản thân lý thuyết giá trị của chính khoa kinh tế chính trị cổ điển, khởi nguồn từ W. Petty và đạt thành tựu xuất sắc nhất với A. Smith và D. Ricardo. Tiếp đó, Marx đi sâu nghiên cứu các hình thái giá trị, điều đã khiến cho lý thuyết giá trị của Marx mang một nội dung và hình thức khác hẳn với các bậc tiền bối.

Nếu các nhà kinh tế học khác chỉ xem xét giá trị như một phạm trù thuần kinh tế thì Marx đã đi đến được kết luận mang tính triết học: Giá trị, đó là những quan hệ xã hội mang tính lịch sử. Những ai mới chỉ nghe nói “lao động sống là nguồn duy nhất tạo ra giá trị”, hay khá hơn thì: “giá trị của hàng hoá được quyết định bởi lượng lao động xã hội cần thiết sản xuất ra hàng hoá đó”, là mới chỉ biết đến cái phần bề mặt của phạm trù giá trị trong học thuyết Marx. Marx khác người chính là ở phép biện chứng và quan điểm duy vật lịch sử. Ricardo, ví dụ, đã buộc người đi săn và người đánh cá thời nguyên thuỷ trao đổi sản phẩm của mình theo quy luật giá trị, khiến Marx cười ngất. Theo Marx, đâu phải lúc nào sản phẩm của lao động cũng mang hình thái hàng hoá, lao động kết tinh trong nó cũng mang hình thái giá trị, còn việc trao đổi cũng theo quy luật giá trị! (Tư bản, quyển 1).

Các nhà kinh tế học xuất phát từ thực tế rằng trên thị trường có rất nhiều người bán và người mua, rằng mỗi hàng hoá có một giá cả nào đó, rằng giá cả này thay đổi liên tục do chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Thị trường thì rất tù mù, người ta cứ sản xuất hàng hoá mà không biết nhu cầu thực sự đối với nó là bao nhiêu, liệu người khác có mua không, mua với giá nào v.v... Nhiệm vụ là: tìm hiểu xem trên cái thị trường tù mù đó giá cả của hàng hoá được hình thành như thế nào.

Một điều cần lưu ý: đối tượng nghiên cứu ở đây là các hiện tượng phổ biến, chứ không phải hiện tượng cá biệt. Các nhà kinh tế nghiên cứu quy luật hình thành giá trị của các hàng hoá mang tính phổ biến. Họ không đặt vấn đề tìm hiểu các hiện tượng cá biệt, kiểu như tranh của Picasso giá mấy triệu đô la, cái váy rách tướp của vợ Beckham giá mấy chục nghìn bảng. Nói đúng hơn, trước hết cần nghiên cứu các quy luật phổ biến, sau đó dựa trên chúng để lý giải các hiện tượng cá biệt, chứ không phải ngược lại: từ một vài hiện tượng cá biệt quy nạp lên thành quy luật phổ biến, hay dùng hiện tượng cá biệt để bác bỏ quy luật phổ biến.

Lý thuyết lao động về giá trị phân biệt các khái niệm: giá cả, giá trị trao đổi, giá trị.

Một mét vải có giá 2$. 2$ là giá cả của hàng hoá. Câu hỏi đầu tiên: vì sao lại là 2$?

Tiếp theo: khi chưa có tiền làm vật ngang giá chung, thì người ta trao đổi hàng hoá với nhau một cách trực tiếp, ví dụ: 1 mét vải đổi lấy 2 con gà. Cái tỷ lệ này chính là giá trị trao đổi: 1 mét vải có giá trị trao đổi bằng 2 con gà, hay một con gà có giá trị trao đổi bằng ½ mét vải. Giá cả chỉ là biểu hiện bằng tiền của giá trị trao đổi. Tại sao lại có cái tỷ lệ này?

Vải và gà là những thứ khác nhau, không thể dựa trên hình dáng, màu sắc, khối lượng, hay giá trị sử dụng của chúng để quy ra tỷ lệ trao đổi, kiểu như: dùng 1 mét vải lau người thấy khoái trá gấp đôi ăn một con gà hấp hành! Chúng phải có cái gì đó chung, dựa trên đó người ta có thể so sánh chúng với nhau. Cái chung là: chúng đều là sản phẩm của lao động, đòi hỏi một lượng chi phí lao động nhất định để sản xuất ra chúng. Chi phí lao động tạo nên giá trị của hàng hoá, dựa vào đó người ta quy ra tỷ lệ trao đổi giữa các hàng hoá khác nhau, và người tham gia trao đổi cảm thấy công bằng.

Nhiều người chỉ nghe đến đây là bắt bẻ ngay: nếu dựa vào chi phí lao động, thì hàng hoá do người thợ vụng về chậm chạp làm ra có giá trị cao hơn do người thợ khéo léo nhanh nhẹn à?

Dĩ nhiên là không. Giá trị được quyết định không phải bằng chi phí lao động cá biệt của người sản xuất, mà bằng chi phí lao động xã hội cần thiết. Đó là lượng lao động trung bình cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình và cường độ trung bình. Nói chung kinh nghiệm thực tiễn của rất nhiều người sản xuất cho thấy chi phí lao động trung bình này là khoảng bao nhiêu. Lượng lao động này không do ai đơn phương quyết định, mà do thị trường quyết định: cứ mang ra thị trường trao đổi, thông qua vô số giao dịch giữa người mua và người bán sẽ hình thành nên cái giá trị trao đổi của hàng hoá.

Ví dụ, cùng một mét vải, người này làm mất 2 giờ, người khác làm mất 3 giờ v.v… Khi mang ra thị trường, sau một hồi giao dịch với những giá cả rất khác nhau, cuối cùng hình thành nên một cái giá chung nào đó, biểu thị cho 2,5 – 2,6 giờ lao động gì đó chẳng hạn.

Giá trị trao đổi đo bằng tiền thì thành giá cả. Giá cả chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác (cung cầu, tâm lý khách hàng v.v…), và liên tục thay đổi xoay quanh giá trị. Như A. Smith nhận xét, nếu ảnh hưởng của các yếu tố đó càng ít đi thì giá cả thị trường càng gần với giá cả tự nhiên (tức giá trị) của hàng hoá.

Giá trị trao đổi hay giá cả chỉ là cái biểu hiện ra bên ngoài của một cái thực thể vô hình bên trong hàng hoá, chính là giá trị - Wertgegenständlichkeit. Như Marx nhận xét, khác với mụ goá Quickly lẳng lơ của Shakespeare, cái thực thể này không thể sờ thấy, không thể túm lấy nó vào đâu được (Tư bản, quyển 1). Nó là một con ma, bởi vì nó biểu hiện cho những mối quan hệ xã hội giữa người với người.

Như thế, mối quan hệ người - người, ẩn giấu trong giá trị, khi biểu hiện ra bên ngoài đã biến thành mối quan hệ vật - vật (1 mét vải = 2 con gà) thể hiện qua giá trị trao đổi. Đây là cách nhìn biện chứng.

Để dễ hình dung, có thể so sánh mối liên hệ giữa giá trị (là cái phần hồn), và giá trị trao đổi, hay giá cả (là cái phần xác) với hiện tượng đẳng cấp – phong độ của một đội bóng. Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn. Đẳng cấp là cái cốt lõi, phong độ là cái thể hiện ra bên ngoài. Đẳng cấp do một số yếu tố nhất định quy định. Phong độ cơ bản là dựa trên đẳng cấp, nhưng ngoài ra nó còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nữa.

Lý thuyết lao động về giá trị không thể đơn giản quy về trường phái “khách quan” được. Giá trị không phải là cái gì từ trên trời rơi xuống một cách "khách quan”. Nó là những quan hệ xã hội, nó phản ánh mối tương tác giữa các chủ thể trong xã hội: giữa người bán với người bán, giữa người bán với người mua, giữa người mua với người mua. Giá trị là kết quả của tất cả những mối tương tác đó. Nó vừa khách quan, vừa chủ quan. Khách quan theo nghĩa: không ai đơn phương quyết định được nó thuần tuý theo ý muốn chủ quan, mà phải tuân theo những quy luật nhất định. Chủ quan theo nghĩa: tất cả đều tham gia vào việc quyết định nó.

Nói đến lý thuyết lao động về giá trị thì nhất thiết phải nắm vững khái niệm lao động – là cái mà nhiều người hiểu rất lơ mơ. Lao động không chỉ là việc khua chân múa tay. Lao động bao hàm cả việc sử dụng trí óc, kỹ năng, kiến thức. Vì thế có lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động phức tạp, trình độ cao thì tạo ra giá trị gấp nhiều lần lao động giản đơn, trình độ thấp. 1 giờ lao động của kiến trúc sư tạo ra giá trị cao gấp 10 lần 1 giờ lao động của thợ hồ. Khái niệm “cao, thấp” ở đây là một phạm trù xã hội, mang tính tương đối. Nó không dựa vào trình độ tuyệt đối của người lao động. Không phải cứ biết tiếng Anh và biết sử dụng vi tính thì nghiễm nhiên trở thành lao động trình độ cao. Cao hay thấp là so với người khác. Nếu ai ai cũng dùng cuốc chim đào đường thì người nào biết sử dụng chiếc máy đào đường sẽ được coi là lao động trình độ cao. Nhưng nếu ai ai cũng biết sử dụng chiếc máy đó, thì lại trở thành lao động giản đơn. Một công nhân Mỹ biết sử dụng công nghệ tiên tiến, so với công nhân Việt Nam thì được coi là trình độ cao, nhưng so với một kỹ sư Mỹ thì cũng chỉ là lao động giản đơn. Những người giúp việc Philippines hình như ai ai cũng biết tiếng Anh, nên việc biết tiếng Anh không được coi là trình độ cao, trong khi ở Việt Nam em Oshin nào mà biết tiếng Anh thì lương cao phải biết.

Lại có khái niệm “lao động sản xuất và phi sản xuất”. Người ta hay coi lao động trực tiếp làm ra của cải mới là lao động sản xuất, còn lao động của kế toán, nhân viên văn phòng, bảo vệ v.v… là phi sản xuất, là lao động gián tiếp. Đó là quan điểm phiến diện. Cần coi doanh nghiệp, nhà máy như một người lao động tập thể duy nhất, trong đó mỗi người lao động cá biệt chỉ là một khí quan của người lao động tập thể. Không người lao động cá biệt nào có thể nói: “Tôi sản xuất ra sản phẩm đó!”, mà chỉ có thể nói: “Tôi tham gia sản xuất sản phẩm đó” (Engels, Chống Dühring). Như thế mọi lao động ở đây đều được coi là lao động sản xuất; tổng hợp các lao động cá biệt sẽ thành lao động tập thể, tạo ra giá trị cho hàng hoá. Cần nhắc lại: đây vẫn chỉ là chi phí lao động cá biệt của một “người lao động tập thể” cá biệt. Thị trường là nơi quyết định chi phí lao động xã hội của rất nhiều “người lao động tập thể” là bao nhiêu.

Những lý luận kiểu như “lý thuyết lao động về giá trị, lý thuyết giá trị thặng dư lạc hậu lắm rồi, vì thời nay R&D, marketing, quảng cáo mới tạo ra giá trị nhiều, chứ lao động là thứ vứt đi” hoàn toàn thiếu xác đáng. Hoạt động marketing, R&D, PR, quảng cáo cũng là những bộ phận của lao động tập thể, đồng thời đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ, mà những chi phí này chẳng là cái gì khác hơn lao động quá khứ kết tinh trong tiền bạc.

Cuối cùng cần lưu ý: đối tượng nghiên cứu ở đây là giá trị của hàng hoá trong một nền kinh tế hàng hoá, nơi sản phẩm của lao động mang hình thái hàng hoá một cách phổ biến. Sản phẩm của nền kinh tế gia đình, tự cung tự cấp, hay tô tức nộp cho địa chủ, lãnh chúa thì không coi là hàng hoá, không phải đối tượng nghiên cứu. Một sản phẩm muốn có tư cách hàng hoá phải thoả mãn các điều kiện sau. Thứ nhất, nó phải là sản phẩm của lao động. Thứ hai, nó phải có một giá trị sử dụng hữu ích, và hữu ích cho người khác, chứ không phải cho bản thân người sản xuất. Nếu vật đó vô dụng, thì lao động chứa trong nó cũng vô dụng, không thể chuyển hoá thành giá trị. Giá trị sử dụng và giá trị là hai mặt vừa đối lập vừa thống nhất của cùng một cái thực thể hàng hoá. Thứ ba, nó phải được sản xuất với mục đích trao đổi trên thị trường.

Trên đây là một vài nét chính trong lý thuyết giá trị của Marx, dĩ nhiên rất sơ sài so với những gì Marx đã nghiên cứu, chẳng hạn như đã bỏ qua hoàn toàn những phân tích của Marx về các hình thái giá trị, từ hình thái giản đơn nhất đến hình thái chói lọi nhất là tiền tệ. Sau đây ta sẽ xem các phản biện đối với lý thuyết này xác đáng đến mức nào.


2. Ý kiến của La Thành cho rằng “nhóm các lý thuyết nội tại — hay khách quan — về giá trị (intrinsic / objective theories of value), chủ trương rằng giá của sản phẩm (hàng hoá hoặc dịch vụ) được dung nạp hay cố hữu trong bản thân sản phẩm một cách khách quan, và là một hằng lượng không phụ thuộc vào các phán xét chủ quan của người tiêu dùng, không co giãn theo nhu cầu thị trường, quá khứ thời gian và nhiều nhân tố phi nội tại khác” rõ ràng là rất không chính xác.

Thứ nhất, La Thành lẫn lộn giá cả với giá trị. Không phải “giá của sản phẩm”, mà “giá trị” mới là cái cố hữu trong bản thân sản phẩm; giá trị là cái linh hồn, giá cả là cái thân xác, cái vỏ bọc bên ngoài.

Thứ hai, tuyệt đối không có chuyện lý thuyết này cho rằng giá trị và giá cả là một hằng lượng, không co giãn theo nhu cầu thị trường và các yếu tố khác. Trái lại, chính lý thuyết này cho thấy cả hai đều rất linh động, co giãn, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể. Tuy vậy, chúng chỉ co giãn trong một phạm vi nhất định: giá cả xoay quanh giá trị, còn giá trị, được quyết định bởi lượng chi phí lao động xã hội trung bình cần thiết, thì cũng chỉ dao động trong một mức độ nào đó. Ví dụ, giá trị / giá cả của một chiếc xe máy Honda Wave ngay trong thời điểm cháy hàng nhất cũng không bao giờ bằng được giá trị / giá cả của một chiếc BMW bày ở salon vắng tanh vắng ngắt. Lý thuyết giá trị thuần tuý dựa trên sự khan hiếm không lý giải được sự chênh lệch giá trị này.


3. La Thành quả quyết: Marx (và các nhà kinh tế theo trường phái lao động của giá trị) không biết đến, hay không tính đến, giá trị của thời gian trong chai rượu cognac XO. Rất tiếc, quả quyết này khá vô căn cứ. Chí ít, văn hoá uống rượu của các vị đó chắc hẳn không kém dân Việt ta, và hiển nhiên họ biết rõ chai rượu 20 năm đắt tiền hơn chai rượu 1 năm tuổi. Hơn thế nữa, họ lại có thể dùng lý thuyết của mình lý giải điều đó hết sức dễ dàng.

Nó như thế này. Nếu xem xét chai cognac với tư cách một hàng hoá, nghĩa là một sản phẩm được sản xuất ra để trao đổi một cách đại trà, chứ không phải một sản phẩm ngẫu nhiên do các nhà khảo cổ đào được đâu đó, thì để có được chai rượu 20 năm tuổi, chủ của nó phải bỏ ra chi phí sản xuất, bảo quản nó suốt 20 năm ròng rã. Chính cái chi phí lao động này tạo nên giá trị của chai rượu, chứ thời gian khơi khơi kia không đóng vai trò gì ở đây. Nếu không có lao động của con người dính vào, thì cục đá một triệu năm tuổi cũng vô giá trị như cục đá một tỷ năm tuổi. Chi phí lao động này là bao nhiêu cũng có thể đoán định được dựa trên kinh nghiệm, bằng chứng là chai rượu 20 năm tuổi bán ngoài siêu thị thường chỉ có một mức giá nhất định. Nếu cho rằng tự thời gian tạo ra giá trị, thì cái giá trị đó tính như thế nào? Tại sao chừng đó mà không phải chừng kia?

Sự ngộ nhận này khá dễ hiểu. La Thành thấy chai rượu 20 năm uống ngon hơn chai 1 năm, đồng thời thấy giá chúng chênh lệch nhau, nên tưởng rằng thời gian là yếu tố tạo ra giá trị. Ta lấy một ví dụ khác. Bánh mì nóng giòn, bia ướp lạnh thì ngon hơn bánh mì ỉu, bia nóng, và giá bán cũng cao hơn. Phải chăng nhiệt độ đã tạo thêm giá trị? Dĩ nhiên là không. Cái này đắt hơn cái kia chẳng qua vì người ta đã tốn chi phí chạy lò nướng, tủ ướp lạnh.

Tóm lại, thời gian, nhiệt độ tạo ra giá trị sử dụng, còn chi phí lao động tạo ra giá trị.

Cổ vật lại càng không phải là dẫn chứng tốt để bác bỏ lý thuyết lao động về giá trị, như ở trên đã nói rõ về đối tượng nghiên cứu của khoa kinh tế chính trị.

Nhân tiện, câu hỏi về chai rượu lâu năm, cây gỗ trăm tuổi, cổ vật v.v… luôn là câu hỏi ưa thích của đám sinh viên năm thứ nhất khi mới bắt đầu làm quen với môn kinh tế chính trị. Nói vậy để thấy, La Thành không phải là người đầu tiên đưa ra câu hỏi hóc búa này [1] .

Sau rốt La Thành đưa ra ví dụ: chiếc kimono hay thịt lợn “là vô giá trị trong không gian không phù hợp” - để bác bỏ lý thuyết lao động về giá trị, cho thấy La Thành không biết gì về điều kiện để lao động chứa trong một sản phẩm có thể biến thành giá trị. Mà đây lại là điều sơ đẳng trong lý thuyết lao động về giá trị, được Marx trình bày ngay trong những trang đầu tiên của bộ Tư bản, rồi lại được Engels nhấn mạnh thêm mấy lần nữa khi thấy người ta cứ hiểu linh ta linh tinh! Các giáo trình kinh tế chính trị cũng nói rất rõ về chuyện này, ở ngay chương đầu tiên về hàng hoá.


4. La Thành cho rằng có nhiều thứ mang bản chất hàng hoá nhưng lại nằm ngoài phạm vi áp dụng của lý thuyết lao động về giá trị, như tác phẩm tạo hình, đất đai phi canh tác, tiền mặt, cổ phiếu…, chắc muốn cho thấy lý thuyết này khiếm khuyết thế nào. Nhưng sự tình lại không hẳn như thế.

Với các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, lý thuyết lao động về giá trị có thể áp dụng một cách "hơi bị ngon". Nói đến tác phẩm tạo hình, chắc La Thành nghĩ ngay đến các kiệt tác nghệ thuật có giá cao gấp nhiều lần chi phí lao động mà nghệ nhân bỏ ra chăng? Đây là một cách nhìn hạn hẹp, phiến diện, vì ngoài một số ít ỏi quái kiệt như Leonardo da Vinci, Picasso… ra, thế giới này còn vô số các hoạ sĩ, nhà điêu khắc sống không đến nỗi vương giả lắm nhờ các tác phẩm của mình.

Trước hết cần phải hiểu, lao động của hoạ sĩ là lao động phức tạp, trình độ cao, nó tạo ra giá trị cao gấp nhiều lần lao động đơn giản. Vì thế, sản phẩm của một hoạ sĩ được đánh giá cao hơn sản phẩm của thợ quét vôi. Nhưng cũng chỉ cao vừa phải thôi, đại khái thu nhập của họ chỉ xêm xêm như những người có trình độ tương đương nhưng hoạt động trong các lĩnh vực khác, ví dụ như bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên lập trình, manager. Nếu không dân tình đổ xô đi làm hoạ sĩ hết!

Riêng những quái kiệt như Picasso thì khác, tác phẩm của họ thực sự thoát ly khỏi quy luật giá trị, chịu ảnh hưởng của những quy luật khác (và hoàn toàn không phải các nhà kinh tế theo lý thuyết lao động về giá trị không biết đến những quy luật đó). Nhưng như đã nói, đó chỉ là hiện tượng hết sức cá biệt. Anh Đỗ Kh. giỏi tìm số liệu thống kê, có thể cho bà con xem trên thế giới này số người như Picasso chiếm bao nhiêu phần trăm trong giới hoạ sĩ?

Lý thuyết này cũng giải thích ngon vì sao một bản sao tranh của Picasso lại có giá bèo thế. Là vì trong cái lao động tạo ra bản sao không có lao động sáng tạo của người hoạ sĩ, là cái được xã hội đánh giá cao. Cho nên giá trị của bản sao chỉ được đo bằng lao động của một chú thợ vẽ tầm thường.

Đất đai phi canh tác, như có lần người viết đã trình bày không có giá trị nếu không có lao động tác động vào. Nhưng nó có giá cả, vì nó là điều kiện sản xuất, giống như mặt nước, hầm mỏ, bầu trời. Lý thuyết về địa tô cho biết giá đất được xác định như thế nào. Điều kiện để nó có giá cả là nó phải thuộc quyền sở hữu của ai đó. Nếu không, nó không chỉ vô giá trị, mà còn không có cả giá cả, ví dụ như mặt biển ngoài khơi Thái Bình Dương, đất đai trên Sao Hoả. Điều này không ảnh hưởng gì đến lý thuyết lao động về giá trị hết.

Còn về tiền mặt và cổ phiếu thì không rõ La Thành định dùng chúng để bác bỏ lý thuyết lao động về giá trị như thế nào, nên không dám lạm bàn. Chỉ biết, Marx đã nghiên cứu về chúng rất tường tận trong Tư bản, không biết La Thành đã đọc qua chưa?


5. Tiếp theo, La Thành viết:

“Một trong những thất bại lý luận không thể chối cãi của lý thuyết sức lao động về giá trị là một hệ quả suy diễn trực tiếp từ nó — được các nhà phân tích lý thuyết kinh tế gọi tên là “nghịch lý giá trị - nỗ lực” (the value-effort fallacy) — mà Ernest van den Haag đã đề cập trong bài báo “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx”: nếu giá trị thặng dư có nguồn gốc duy nhất là sức lao động, thì các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mọi nỗ lực tổ chức lao động sản xuất đều tất yếu sinh lợi nhuận, không cần quan tâm đến các yếu tố thuộc về chủ quan người tiêu dùng, hay thị trường — những yếu tố hoàn toàn không có quan hệ hàm với giá trị thặng dư. Hiển nhiên, đây là một kết luận ngờ nghệch. Một khi Trần Thiện Huy cãi hộ Marx rằng ngay cả sau một quá trình sản xuất thua lỗ, — giá trị của đầu ra thấp dưới tổng chi phí đầu vào, bao gồm cả tiền lương đã trả cho công nhân, — nhà tư bản vẫn là kẻ bóc lột, thì Trần Thiện Huy có thể chỉ ra một cách tường minh cái giá trị thặng dư mà “tên tư bản” kia đã chiếm đoạt được là giá trị nào hay không?”

Ở đây có mấy điều đáng nói.

Thứ nhất, không thể hiểu ai là người nghĩ ra cái kết luận cực kỳ ngớ ngẩn “vì giá trị thặng dư có nguồn gốc duy nhất từ lao động, cho nên nhà đầu tư nào cũng có thể yên tâm thu lợi nhuận, bất chấp các yếu tố thuộc về chủ quan người tiêu dùng, hay thị trường”?

Lý thuyết lao động về giá trị chỉ nói rằng giá trị có nguồn gốc từ lao động, còn bán được hàng hoá hay không, lãi hay lỗ, lại là chuyện hoàn toàn khác. Lý thuyết này chỉ rõ: hễ sản phẩm của ai không được thị trường chấp nhận như một giá trị sử dụng hữu ích với chi phí lao động chấp nhận được, hoặc nếu chi phí lao động cá biệt cao hơn chi phí lao động trung bình, thì người đó ắt thua lỗ. Trái lại, có những người nhờ áp dụng công nghệ mới khiến chi phí cá biệt thấp hơn chi phí xã hội trung bình, hoặc nhờ có sản phẩm với những tính năng ưu việt mà tạm thời trên thị trường chưa có sản phẩm cạnh tranh, nên thu lợi nhuận siêu ngạch cao hơn tỷ suất lợi nhuận chung. Quy luật này buộc các nhà sản xuất phải nỗ lực hết sức mình, cạnh tranh nhau chí chết. Ngoài ra, do tính vô tổ chức của thị trường nên nếu cung vượt cầu quá lớn thì giá cả tụt xuống dưới mức giá trị, tất cả các nhà sản xuất đều thua lỗ. Ngược lại, nếu cầu vượt cung thì tất cả cùng có lãi lớn. Tóm lại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, đến giá cả.

Chẳng có gì gọi là nghịch lý ở đây. Nỗ lực tổ chức kinh doanh là điều kiện cần, nhưng không hề đủ, để đảm bảo cho nhà kinh doanh bán được hàng, giành được lợi nhuận.

Người đưa ra cái kết luận ngớ ngẩn nói trên chắc hẳn tư duy như sau: cứ sản xuất ra hàng hoá, thì hàng hoá đó nghiễm nhiên có giá trị (do lao động tạo ra giá trị mà!). Đem đi bán, chắc chắn bán được và nghiễm nhiên thu lợi nhuận, bất kể thị trường, người mua muốn gì! La Thành định lấy cái kết luận ngờ nghệch đó ra để bác bỏ lý thuyết lao động về giá trị sao?

Thứ hai, như Trần Hải Hạc đã phân tích trong bài “Chủ nghĩa Marx, Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột”, vấn đề bóc lột giá trị thặng dư chỉ có thể xem xét ở tầm vĩ mô, nghĩa là xem xét với tư cách là các quan hệ giai cấp, chứ không thể xem xét ở tầm vi mô giữa nhà tư bản cá biệt và công nhân của hắn ta. Mỗi người lao động và toàn thể giai cấp lao động bị bóc lột bởi toàn thể giai cấp tư bản. Kể cả khi nhà tư bản nào đó thua lỗ, thì công nhân của hắn ta vẫn bị bóc lột. Giá trị thặng dư khi đó tuy không thuộc về nhà tư bản thua lỗ này, nhưng lọt vào túi các nhà tư bản khác trong cuộc cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau.

Thứ ba, chả hiểu sao La Thành lại coi tình huống kinh tế trên đây như là “một thí dụ về sự thất bại của học thuyết giá trị - sức lao động trong việc cắt nghĩa phân phối thu nhập”? Phải chăng La Thành muốn nói lý thuyết này không lý giải được vì sao có người lỗ, có người lãi?

La Thành viết tiếp: “Trong vấn đề này, một thí dụ khác không kém tính điển hình đã được van den Haag nêu trong phần chú thích của bài báo đã dẫn: một CEO được trả lương cao vẫn thuộc về giai cấp vô sản, theo đúng tiêu chí phân chia giai cấp của Marx. Ngay ở Việt Nam hiện nay, những người làm công cho doanh nghiệp tư nhân và — sau khi đã “bị bóc lột” — hưởng mức lương tương đương 1000 đô-la Mỹ mỗi tháng không còn là hiếm, trong khi nếu tự mình điều hành doanh nghiệp riêng — tức trở thành “nhà tư bản” và trực tiếp “bóc lột” nhân công —, anh ta sẽ đối diện với khả năng không hề nhỏ là thu nhập sẽ thấp hơn mức lương làm thuê”.

Thú thực, đây là một dẫn chứng hết sức khó hiểu trong việc bác bỏ lý thuyết lao động về giá trị. Nghĩ nát óc cũng chẳng thấy thí dụ này liên quan gì đến lý thuyết kia.

Về vấn đề giai cấp, Marx không phân chia tư bản hay lao động theo mức thu nhập, mà theo cái cách người đó có được thu nhập: do bán sức lao động của mình (dù là lao động cấp thấp như công nhân thường, hay lao động cấp cao như CEO), hay do bỏ tư bản ra thuê mướn người khác. Như Marx nhận xét, nói chung tầng lớp lao động cổ trắng, đặc biệt là giới quản lý, thường có khuynh hướng ngả về phía tư bản. Tuy nhiên không thể xem xét vấn đề phân chia giai cấp ở đây một cách thô thiển như chúng ta đã chứng kiến trong lịch sử. Khi nghiên cứu quy luật vận động của xã hội tư bản, cái Marx nhìn thấy không phải là những cá nhân riêng lẻ, mà là sự vận động của những mối liên hệ nội tại của cả một giai cấp trong xã hội.

6. Bây giờ xin trao đổi tý chút về lý thuyết ích dụng biên tế mà La Thành rất tâm đắc. Người viết có biết qua về lý thuyết này và một số lý thuyết khác nữa, tuy nhiên để khỏi lan man ở đây chỉ xin trao đổi trong phạm vi những gì La Thành trình bày. Nếu vì La Thành trình bày vắn tắt mà người đọc hiểu nhầm thì mong được ông chỉ bảo thêm.

Ngắn gọn, theo thuyết này thì giá trị của một hàng hoá do ý chí chủ quan của người mua quyết định, dựa trên tính hữu dụng khả biến của nó đối với người mua. Giá trị dao động giữa hai cực max – min, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà người mua đồng ý trả giá nào đó. La Thành lấy ví dụ: nếu nguồn cung bánh mì khá dư dật thì giá mà người tiêu dùng chịu mua sẽ là giá người ta mua bánh để cho chim ăn (min), còn nếu bánh mì khan hiếm thì giá trị của nó sẽ tương ứng với ích dụng cận biên phía đối lập, là cho người ăn (max). Ích dụng biên này hoàn toàn do chủ quan người mua quyết định.

Ta thấy, ở đây giá cả và giá trị được dùng lẫn lộn. Nhưng bỏ qua chuyện đó. Xin đặt các câu hỏi sau cho những ai tán thành lý thuyết này:
  • Nếu giá bánh mì thay đổi do sự biến động của nguồn cung, thì đây là ví dụ về ảnh hưởng của cung cầu, tại sao lại kết luận là do ý chí chủ quan của người mua?

  • Cứ cho giá cả do người mua quyết định dựa trên “ích dụng biên tế”, thì dựa vào đâu để xác định cái giá mua bánh cho chim ăn, ví dụ 5đ một chiếc, và giá mua bánh cho người ăn, ví dụ 10 đ một chiếc? Tại sao không phải là 50đ và 100đ? Nếu cung cầu cân bằng thì giá cả được xác định ra sao?

  • Nếu giá trị hàng hoá do người mua quyết định, tại sao họ không trả giá thật bèo vào, cần gì phải quan tâm tới cái ích dụng biên của nó? Đằng nào người bán cũng không thể biết ta mua bánh làm gì kia mà.

  • Giá cả niêm yết ngoài siêu thị dựa trên cơ sở nào, có thực là dựa trên lý thuyết biên tế không?

  • Tại sao giá chiếc xe hơi BMW luôn đắt gấp hàng chục lần giá chiếc xe máy Wave, dù rằng về tính hữu dụng trong điều kiện đường sá Việt Nam thì xe máy nhiều khi thuận tiện gấp bội BMW?

  • Xe Captiva đang cháy hàng, ai muốn mua sớm phải chi thêm mấy nghìn đô la. Xin hỏi: cái “ích dụng biên tế” ở đây là cái gì vậy? Nó có gì khác so với ích dụng của chiếc Captiva được mua đúng giá không?

  • Sẽ xảy ra chuyện gì nếu La Thành tới hiệu bánh mì và nói: “Ê, ông chủ, nghe nói bánh mì dạo này khá dư dật, ông bán cho tôi mấy cái giá 5đ đi, là giá thức ăn cho chim ấy”? Hoặc:”Đường chật, người đông, đi xe hơi bất tiện chết cha! Con Mẹc này thấy bày mấy tháng rồi chưa ai mua, bán cho tôi với giá con Wave đi, ông chủ”?

  • v.v…
Liệu có thể dùng lý thuyết ích dụng biên tế về giá trị để trả lời các câu hỏi trên không?

La Thành cho rằng lý thuyết này có thể giải thích dễ dàng các phản ví dụ ông đưa ra để đánh đổ lý thuyết lao động về giá trị. Nhưng như ở trên đã phân tích, các ví dụ đó hoặc vô nghĩa, hoặc ngớ ngẩn, không mảy may lay chuyển nổi lý thuyết lao động về giá trị. Không biết La Thành định dùng lý thuyết ích dụng biên tế để giải thích các phản ví dụ đó như thế nào?

© 2007 talawas



[1]Riêng câu hỏi về kim cương mà Nguyên Trường đem ra thách đố những người nghiên cứu kinh tế chính trị học marxist, thì sinh viên năm nhất lại không bao giờ đặt ra. Không phải vì họ kém thông minh hơn Nguyên Trường. Đơn giản là vì từ hai trăm năm nay, kim cương luôn được đưa ra làm dẫn chứng cho lý thuyết lao động về giá trị, khi người ta tìm cách lý giải: vì sao nước hữu dụng hơn kim cương, mà giá lại rẻ hơn kim cương rất nhiều. Ngay ở những trang đầu tiên của bộ Tư bản Marx đã viết về điều này: kim cương rất hiếm có trên phần bề mặt của vỏ trái đất, khai thác kim cương đòi hỏi công sức rất lớn. Vì thế trong một thể tích rất nhỏ của kim cương tích luỹ một lượng lao động xã hội rất lớn. Nếu người ta tìm ra cách chế tạo kim cương từ than với chi phí không lớn lắm, thì giá trị của kim cương lúc đó chỉ hơn giá trị của than chút xíu. Nếu Trần Thiện Huy hay Lữ Phương nhặt được viên kim cương (cầu trời cho họ nhặt được), thì chi phí lao động cá biệt của họ là bằng không, nhưng chi phí lao động xã hội của viên kim cương là vài trăm ngàn đô la. Còn câu hỏi của Nguyên Trường: tính giá trị thặng dư ở đây như thế nào, thì hoàn toàn vô nghĩa, vì giá trị thặng dư chả dính dáng gì tới đây. Nguyên Trường không thèm đọc Tư bản nên không biết những điều sơ đẳng nói trên là chuyện dễ hiểu. Nhưng không biết mà dám thách đố, hơn nữa lại là trên một diễn đàn toàn cầu như talawas, thì hơi bị khó hiểu!