trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
15.11.2007
Phạm Hải Vũ
Phê phán lý thuyết giá trị của Marx
 
Học thuyết về giá trị đã từng là học thuyết trung tâm của kinh tế học cách đây 2 thế kỷ. Các kinh tế gia theo trường phái cổ điển phân biệt giá cả, giá trị trao đổi, giá trị sử dụng, và giá trị tự nhiên (gọi tắt là giá trị) trong nỗ lực giải thích cơ chế hình thành sự giàu có và việc trao đổi hàng hoá trên thị trường. Người đi xa nhất trong học thuyết giá trị cổ điển đương nhiên là Marx, khi ông cho rằng giá trị nội tại của sản phẩm được tạo nên duy nhất từ lao động: nhờ có lao động nên con người tạo ra giá trị thặng dư và tích luỹ tư bản. Phần tiếp theo, chúng ta ai cũng biết, là việc Marx vạch trần quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, bản chất của sự cấu thành lợi nhuận, và bóc lột giai cấp. Câu chuyện đúng sai của học thuyết Marx là cả một câu chuyện dài không thể kể hết ở đây. Người ta chì trích Marx nhưng vẫn dẫn chiếu Marx, người ta vùi dập ông rồi lại tôn vinh ông. Nhiều người tôn sùng học thuyết của ông đến độ bất cứ ai bỏ ra một lời phê phán sẽ bị chụp ngay cái mũ thiếu hiểu biết, theo kiểu "Hiểu sai rồi, nên đọc lại Tư bản đi nhé, trang 30x, Marx nói như sau…" Thật ra họ làm thế cũng không phải hoàn toàn vô lý, bởi vì những người phê phán Marx thường hay có xu hướng phê phán trên bình diện toàn bộ một học thuyết: họ phê phán chủ nghĩa Marx. Chúng ta đều biết rằng Marx được biết đến, trước hết không phải là một kinh tế gia mà là một triết gia. Kinh tế chính trị học của ông được kết nối một cách khăng khít với triết học và xã hội học. Đây chính là điều làm ông trở thành vĩ đại. Để phê phán chủ nghĩa Marx, người ta đương nhiên sẽ vấp phải vô số vấn đề bắt rễ trong triết học. Những vấn đề này không phải luôn luôn hiển nhiên, cũng không phải luôn là những hằng giá trị đúng – sai để chúng ta có thể mang ra chứng minh, thuyết phục.

Không thể ngay lập tức phê phán chủ nghĩa Marx, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng phê phán một phần của học thuyết Marxist – phần mà đầu đề bài viết đã chỉ rõ: lý thuyết giá trị của Marx. Lý thuyết này, may thay không cắm rễ nhiều vào triết học, do đó chúng ta sẽ không phải đối mặt với những vấn đề triết học hóc búa. Marx đúc rút lý thuyết giá trị sau khi nghiên cứu kinh tế học cổ điển [1] , song song với việc quan sát các hình thái xã hội khác nhau để rồi đi đến một kết luận nổi tiếng: "Lịch sử của xã hội loài người là lịch sử của đấu tranh giai cấp". Lý thuyết giá trị đã có những đóng góp to lớn cho kiến thức nhân loại, nhưng cũng như nhiều lý thuyết khác, nó có những hạn chế, và đã bị lịch sử bước qua vì không còn giải thích được đúng thế giới, không còn giải thích được đúng cuộc sống. Thế mà từ hàng chục năm nay, ở Việt Nam, không ai nói lên sự thật đó. Hậu quả là tư duy của bao nhiêu bộ óc non trẻ của chúng ta đã bị bóp méo để tin vào những điều hoàn toàn nghịch lý, nghịch lý với thực tế, nghịch lý với cuộc sống, nghịch lý với ngay cả lý thuyết đương đại? Goethe nói: "Mọi lý thuyết đều xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi". Người viết bài hoàn toàn đồng tình với Goethe. May thay, không chỉ đồng tình suông, ngày hôm này chúng ta hoàn toàn có đủ lý lẽ để phủ nhận lý thuyết của Marx. Kinh tế học hiện đại đã chỉ ra rõ ràng những hạn chế trong lý thuyết này, những hạn chế ngăn cản chúng ta nhận chân thế giới. Do đó chúng ta hãy cùng nhau dũng cảm vạch trần chúng, để những thế hệ đi sau không phải giẫm mãi lên lối mòn của lịch sử.

Trước hết hãy nói lên sự thật là ngày hôm nay, các giáo trình kinh tế học hiện đại khắp nơi đều có chú thích rõ ràng rằng học thuyết giá trị của Marx là một học thuyết kinh tế cổ điển. Mặc dù có đóng góp to lớn cho khoa học kinh tế, và không ngừng khơi dậy ở mỗi chúng ta một đam mê đi tìm chân lý nhờ cách tiếp cận đầy sức thuyết phục, nó không còn thích hợp với thời đại. Tại Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, người ta giảng dạy vô số các học thuyết kinh tế mà không hề có một lời giải thích cho sinh viên đâu là học thuyết đang được thế giới chấp nhận, đang được thế giới coi là đúng. Người ta bỏ mặc sinh viên tự phán đoán, tự suy luận để tìm ra chân lý; để rồi mặc kệ Keynes, mặc kệ Samuelson, mặc kệ Friedman, những niềm tin theo quán tính và cái bóng vĩ đại của Marx làm cho người ta luôn vô tình coi ông là chân lý. Nếu Marx còn sống đến giờ để nhìn người ta vinh danh ông như thế, chắc ông cũng sẽ phải xấu hổ đến chết, bởi vì sự thật là chỉ vài năm sau khi Marx viết Tư bản luận, khoa học kinh tế đã bước một bước thật dài để chuyển từ kinh tế học từ cổ điển (classic) sang tân cổ điển (néo-classic). Chủ nghĩa cận biên (marginalism) ra đời những năm 1870 đã giải quyết hoàn toàn ổn thoả vấn đề giá trị. Những nghi vấn về giá và giá trị cổ điển đã được gạt qua một bên, nhường chỗ cho những câu hỏi mới như phát triển, lạm phát, thất nghiệp, tiền tệ, tài chính... Năm 1948, Samuelson xuất bản tác phẩm Kinh tế học tổng kết bức tranh toàn cảnh của khoa học kinh tế. Với ông, cũng như với vô số kinh tế gia khác, cuộc tranh luận về giá trị đã hoàn toàn chấm dứt [2]Khoa học kinh tế đã chính thức từ bỏ quan điểm giá trị sản phẩm được tạo nên từ tích luỹ lao động mà Marx đề xuất, nó chỉ quan tâm đến giá trị trao đổi. Chúng ta đương nhiên vẫn có dịp được nhìn thấy câu hỏi giá trị được dấy lên dưới những hình thức khác và với những cái tên khác trong cuộc sống: khủng hoảng chu kỳ, công bằng xã hội, giai cấp, văn minh, đạo đức, nhân văn… những thứ mà người hỏi đã cố tình đặt ra để đẩy cuộc tranh luận ra ngoài tầm với của kinh tế học. May thay, dù giỏi lý luận đến đâu người ta cũng không thể tách rời lý thuyết giá trị ra khỏi cái khung kinh tế học. Và do đó, để hiển minh những hạn chế của lý thuyết giá trị Marxist, chúng ta chỉ cần so sánh nó với các lý thuyết kinh tế học ngày hôm nay.

Để hiểu được cặn kẽ, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc hiểu bối cảnh ra đời của lý thuyết giá trị cổ điển. A. Smith, cha đẻ của kinh tế học cổ điển, là người đầu tiên nghiên cứu giá trị dưới lăng kính kinh tế học. Trước ông rất lâu, Aristoste đã nhận ra khác biệt giữa việc sử dụng và trao đổi [3] , và đã đề cập khá nghiêm túc đến vấn đề này, tuy nhiên hãy bỏ qua Aristoste để tập trung vào Smith, người mà tư duy đã để lại những dấu ấn khổng lồ cho tất cả các nhà kinh tế học lỗi lạc sau ông. Chúng ta đều biết rằng học thuyết của Smith trước hết để cập đến sự giàu có và thịnh vượng [4] . Smith coi sự giàu có đến từ sản xuất và việc sở hữu các sản phẩm có khả năng trao đổi. Để đo sự giàu có này, cần có một thước đo phản ánh đúng giá trị của sản phẩm tạo ra. Việc đầu tiên Smith nghĩ đến hẳn phải là dùng giá trị tính bằng tiền của sản phẩm. Tuy nhiên cách đây 200 năm, khi mà sản xuất và lưu thông hàng hoá không được dồi dào như ngày hôm nay, giá cả hàng hoá có thể có những biến động khôn lường, tuỳ vào tình hình và thời điểm. Chúng ta chẳng cần tư duy cao xa gì để nhận thấy lương thực trong thời chiến và lương thực trong thời bình không thể có cùng mức giá. Cho nên nếu dùng một lượng tiền để đo giá trị sản phẩm thông qua trao đổi sẽ đưa lại những kết quả đo không nhất quán. Smith hẳn không thể hài lòng với phép đo bằng giá tiền: lý do thứ nhất là vì nó thiếu chính xác. Đây là một điểm quan trọng bởi vì Giả sử đo bằng tiền mà chính xác, tức là giá cả một sản phẩm không bao giờ thay đổi, thì chắc hẳn Smith sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến câu hỏi giá trị làm gì. Lý do thứ hai, cũng khá quan trọng, là vì nếu đo bằng tiền thì chẳng hoá ra có thể quy đổi hết các sản phẩm và sự thịnh vượng thành tiền, mà lối mòn của chủ nghĩa trọng thương trước ông vẫn còn giăng ra đó [5] .

Để bước qua khó khăn này, Smith cho rằng: sản phẩm, ngoài việc có một giá trị trao đổi đo bằng tiền và được quyết định bởi tình hình (thị trường), còn có một thứ giá trị nữa nằm hoàn toàn độc lập với việc trao đổi - một thứ giá trị nội tại của sản phẩm – mà ông gọi là giá trị tự nhiên (natural value). Chính cái giá trị tự nhiên vốn có sẵn trong sản phẩm này, là cái làm xuất hiện một yếu tố chung, yếu tố làm cơ sở để các sản phẩm có thể trao đổi được lẫn nhau và trở thành hàng hoá. Giá trị tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi những tình huống đặc biệt của thị trường, là thước đo chuẩn của sự thịnh vượng đến từ sản xuất. Hai nhà kinh tế học cổ điển lớn khác là D. Ricardo và K. Marx đều chia sẻ quan điểm này của Smith. Dù không sống cùng thời với nhau, cả ba người đều cho rằng phải có một thứ gì đó nằm trong sản phẩm, cho phép con người có thể so sánh các sản phẩm với nhau và đem trao đổi. Cả ba người đều nhất trí rằng lao động phải là một cấu thành của cái giá trị tự nhiên đó. Đến đây tư duy của họ bắt đầu tách hướng. Smith, người đi đầu, lưỡng lự giữa việc coi lao động là cấu thành duy nhất của giá trị tự nhiên. Ngoài việc nghiên cứu bàn tay vô hình của thị trường, Smith đã nhận ra vai trò của phân công lao động. Phân công lao động tạo ra giá trị, điều này không phải nghi ngờ gì nữa, nhưng việc phân công lao động, bản thân nó có phải lao động không? Smith không đồng nhất hai khái niệm và do đó ông không thể nào kết luận được liệu lao động có phải là nguồn hình thành giá trị duy nhất. Ricardo đi theo một hướng khác: mặc dù cũng cho rằng lao động phải là thành phần cơ bản làm nên giá trị tự nhiên sản phẩm, nhưng ông cũng nhanh chóng nhận ra rằng giá trị tự nhiên này có phụ thuộc lớn vào việc sử dụng tư bản. Để hiểu đóng góp của tư bản vào giá trị, Ricardo nghiên cứu các dạng tư bản chính là đất đai và nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Ông cho rằng đất đai có thể tạo ra giá trị trong nông nghiệp nhờ khả năng canh tác khác nhau (land rent). Điểm quan trọng nhất: Ricardo hoàn toàn ý thức rằng giá cả của sản phẩm không phụ thuộc vào giá trị, mà phụ thuộc vào sự khan hiếm – đây là điểm mà các nhà kinh tế theo chủ nghĩa cận biên sau này đã phát triển để làm nền móng cho kinh tế học tân cổ điển. Marx cuối cùng, sau khi quan sát Smith và Ricardo, khẳng định lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị. Đất đai hay bất cứ dạng tư bản nào khác, theo Marx, đều được tích luỹ từ lao động và do đó đóng góp của chúng đều có thể quy về lao động. Marx bước xa hơn hai người đi trước nhờ việc thiết lập được một phương pháp đo mới và một thước đo mới: ông đo giá trị bằng lượng lao động xã hội trung bình cần thiết, và sử dụng thước đo là giờ làm việc xã hội trung bình. Chúng ta hãy cùng nhau xem ông có thật sự đi xa hơn hai người tiền bối của mình không?

Trước hết, hãy tổng kết lại quan điểm về giá trị của các kinh tế gia cổ điển: Smith, Ricardo và Marx cho rằng sản phẩm có một thứ giá trị nội tại, nằm độc lập với sự phán xét của thị trường, và lao động là nguồn gốc của giá trị này. Giá trị tự nhiên nội tại của sản phẩm là thước đo trung thực nhất cho phép con người đánh giá và trao đổi sản phẩm dưới dạng hàng hoá. Nó là phần hồn của sản phẩm (được con người thổi vào bằng sức lao động) là cái gốc rốt ráo của giá tiền hàng hoá trên thị trường. Ở những tình huống khác nhau của thị trường, giá tiền có thể dao động lên xuống, thế những giá trị tự nhiên hầu như không thay đổi. Trong một tình huống bình thường, giữa những người mua và người bán bình thường, giá tiền (hay giá trị trao đổi) chỉ có thể dao động chút đỉnh xung quanh giá trị tự nhiên, lý do là vì cả hai bên mua bán đều ngầm hiểu lượng lao động cần thiết để làm nên sản phẩm là bao nhiêu và do đó chấp nhận trao đổi với tỷ lệ mà họ đều cho là hợp lý này. Trong những tình huống đặc biệt như chiến tranh hay dịch bệnh, giá cả chạy rất xa khỏi giá trị thật, nhưng khi tình huống đặc biệt qua đi, giá cả lại quay về với thuộc tính cố hữu của nó để dao động quanh giá trị. Marx cho rằng lao động là thước đo tốt nhất để nhận chân giá trị, và đề xuất sử dụng lượng lao động xã hội trung bình cần thiết làm thước đo. Với thước đo này Marx cho rằng mình đã giải quyết được vấn đề mà hai tiền bối cổ điển không bước qua được là việc đo lường giá trị tự nhiên của sản phẩm. Ông đã nhầm, Smith và Ricardo không thể đưa ra kết luận là vì họ sớm hiểu "lao động" là một thuật ngữ quá trừu tượng, không thích hợp để giải thích kinh tế học.

Thứ nhất, Marx cho rằng giá trị được tạo nên duy nhất từ lao động, vì không có lao động thì không có giá trị. Điều này hoàn toàn sai về mặt logic. Một ví dụ đơn giản: ngôi nhà được xây bằng gạch, không có gạch thì không xây được nhà. Thế nhưng có gạch cũng chưa chắc đã xây được nhà, vì còn cần phải có gỗ, sắt và nhiều thứ nguyên vật liệu khác. Về mặt này, lao động chẳng có tư cách gì để đem lại nhiều giá trị hơn đất đai hay nguyên vật liệu. Ricardo đã nhìn ra điều đó từ trước Marx khi ông nhận thấy khi bỏ lao động vào một mảnh đất màu mỡ thì thu hoạch sẽ cao hơn tại một mảnh đất khô cằn. Vào thời kỳ của hai ông, đất đai được chọn để canh tác dựa trên độ màu mỡ và vị trí có sẵn, chứ chẳng có tí kết tinh lao động nào trong mảnh đất cả. Sau đó, Marx lập luận rằng tư bản được tạo nên từ sự tích luỹ lao động, cho nên khi nói tư bản tạo nên giá trị, cho đến cùng cũng là kết tinh của lao động tạo nên giá trị. Mỗi khi ta sử dụng tư bản trong sản xuất, ta chỉ khấu hao lượng lao động vốn đã có sẵn trong tư bản. Ta cũng thấy điều này rất mâu thuẫn mà chẳng cần nhìn vào ví dụ đất đai nói trên của Ricardo. Nếu chúng ta chấp nhận quá trình chuyển hoá lao động – tư bản – lao động này, thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận lao động trước và sau khi trở thành tư bản đều có cùng bản chất; điều này xem ra phi lý: bò ăn cỏ, ta ăn thịt bò nhưng ta đâu có ăn cỏ. Lao động được tích luỹ vào tư bản, ta dùng tư bản đâu có nghĩa là ta dùng lao động. Về mặt logic, và đứng ngay trên quan điểm triết học biện chứng của Marx, khi lao động được cấy vào trong tư bản, nó chuyển trạng thái và không còn là lao động ban đầu. Do đó không thể có chuyện nó làm gia tăng giá trị của một lượng lao động mới không cùng bản chất với nó. Bằng việc đưa ra một khái niệm "lao động" mập mờ không định nghĩa, Marx cho rằng mọi dạng lao động đều có cùng bản chất, và do đó kết luận lao động có thể được kết tinh nhiều lần trong một sản phẩm.

Thứ hai, thay vì đo giá trị bằng tiền, Marx đo giá trị bằng giờ lao động. Nhưng đo thế nào được giờ lao động khi mà cùng một công việc có người làm nhanh, người làm chậm. Để khắc phục vấn đề này, Marx đề xuất khái niệm giờ lao động trung bình xã hội, nhờ đó tránh phải đối mặt với sự thiếu nhất quán của đơn vị đo. Chúng ta có thể thấy rằng đây là một giải pháp thuần tuý toán học mà chẳng có một chút giá trị giải thích chân lý nào. Khổ nỗi vấn đề lại đẻ vấn đề: một giờ lao động của anh công nhân nhà máy và một giờ lao động của giáo sư đại học không có cùng giá trị như nhau, hay nói như phần trên: mọi lao động không có cùng bản chất. Điều hiển nhiên này Marx cũng đã nhận thấy: ông phân biệt lao động phức tạp và lao động đơn giản. Rõ ràng là Marx ý thức được lao động không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện con người tiêu tốn năng lượng cơ bắp làm việc, mà còn là sự khéo léo, tư duy và sáng tạo - một đại lượng nhiều chiều [6] . Thế nhưng Marx vẫn khăng khăng sử dụng giờ làm việc như một thước đo duy nhất. Thật không may, đại lượng giờ làm việc chỉ là đại lượng một chiều: nó cho phép chúng ta biết được độ dài thời gian làm việc và suy diễn được độ khó nhọc, chứ không thể cho biết chất lượng của công việc. Nếu có ai hài hước ắt sẽ phải gợi ý Marx đo chất lượng lao động bằng chất lượng lao động trung bình xã hội, như thế đỡ phải phân biệt lao động giản đơn với lao động phức tạp làm gì cho mệt. Liệu tất cả lao động giản đơn đều tạo ra những giá trị như nhau hay không? Thế nào thì gọi là giản đơn, thế nào thì gọi là phức tạp? Ai là người quyết định chuyện phân loại ấy và nếu phân loại thành công thì kế toán thế nào? Marx sống trong thế giới trừu tượng của triết học nên ông không thể trả lời những câu hỏi cụ thể như trên.

Từ hai sai lầm trên dẫn đến một sai lầm thứ ba, sai lầm khá phổ biến mà người viết bài này đồ rằng đấy chỉ là một sự suy diễn của những người đi sau, chứ Marx không thể tư duy sai lầm đến thế: ấy là việc tính tổng giá trị của một nền kinh tế thông qua số giờ làm việc. Sai lầm to lớn vì như đã chỉ ra ở trên, một giờ làm việc của công nhân không có cùng giá trị với một giờ làm việc của giáo sư đại học, thế thì cộng với nhau thế nào được. Làm sao cộng một chiếc tủ lạnh với một cái nhà, một cái bàn hay bất cứ cái gì không cùng loại với nó, huống hồ đây lại là một đại lượng nhiều chiều? Rất may là không cộng được, chứ nếu cộng được thì hoá ra tất cả giờ lao động của bất kỳ ai cũng đều giống nhau, và như thế thì lao động chẳng qua là một thứ khái niệm rỗng mà ta có thể thay thế bằng số calorie con người tiêu tốn khi vận động. Kiểu kế toán bằng giờ lao động này dẫn đến những sai lầm không cứu chữa, theo kiểu một nghìn người thời nguyên thuỷ làm việc trong một năm cũng tạo ra một lượng giá trị lớn bằng một nghìn người hiện đại làm việc trong một năm. Đơn giản vì ngay với giả thiết là một nghìn người này giống hệt nhau (như thể chui ra từ một khuôn đúc) thì con người hiện đại có trình độ, có kiến thức không thể tạo ra giá trị chỉ ngang với con người nguyên thuỷ ăn lông ở lỗ được.

Thứ tư, để trả lời cho câu hỏi, một giờ lao động của một công nhân mà không tạo ra sản phẩm, thì có cùng giá trị với với một giờ lao động của một công nhân tạo ra sản phẩm không? Các tín đồ của Marx thường xuyên (và đầy hãnh diện) chỉ ra rằng trước hết Marx phân biệt lao động sản xuất và lao động phi xản xuất [7] . Sau đó cần phải hiểu rằng tuy lao động được kết tinh trong sản phẩm, nhưng nó chỉ biểu hiện giá trị khi sản phẩm được trao đổi trên thị trường và trở thành hàng hoá. Người ta do đó không thể nói đến giá trị của lao động, mà không nói đến sản phẩm và trao đổi sản phẩm. Mọi thứ nghe có vẻ ổn, nhưng chính ở đây có một vấn đề lớn. Hãy cùng nhau lấy một ví dụ đơn giản: để nấu bánh chưng, ta dùng củi. Giá trị của củi là lượng lao động xã hội cần thiết mà người đốn củi phải bỏ ra, giả thiết là 1 giờ cho 10kg củi (chẻ bằng rìu). Nếu bây giờ ta không chẻ củi mà chẻ bàn, chẻ tủ ra để nấu bánh chưng thì lượng lao động kết tinh trong thứ củi loại "xịn" này ắt phải lớn hơn 1 giờ đốn gỗ nhiều. Kết quả là bánh chưng nấu bằng bàn ghế sẽ có nhiều giá trị hơn bánh chưng nấu bằng củi thường chứ gì? Nếu quả như thế dễ quá, để tạo ra giá trị, ta chỉ việc lôi hết những thứ tư bản có kết tinh nhiều lao động ra mà cho khấu hao vào bất cứ quá trình sản xuất gì. Đằng nào thì lượng giá trị có sẵn trong tư bản đấy cũng có biến mất đâu, nó sẽ được tính vào giá trị cuối cùng của sản phẩm, bởi vì ta trót coi giá trị kết tinh từ lao động là một thứ giá trị tồn tại độc lập với quyết định sản xuất mà. Một cái ghế dùng để ngồi và dùng làm củi cùng đều chứa một lượng kết tinh lao động như nhau. Sẽ có người sung sướng nói ngay: "Lại hiểu nhầm rồi, giá trị sản phẩm đâu phải là lượng lao động cá biệt của một người bất kỳ nào bỏ ra, mà là mức trung bình của xã hội. Do đó nếu có thằng điên nào chẻ bàn ghế ra để nấu bánh chưng thì nó cũng sẽ không làm thay đổi thời gian trung bình cần thiết của xã hội nhiều lắm"; Người viết bài xin được hỏi lại: "Nếu không phải một người bị điên, mà là cả một xã hội bị điên thì chúng ta làm thế nào?" Cuộc đại khủng hoảng tại Trung Quốc và Việt Nam trong thời kỳ tập trung phát triển công nghiệp nặng là bằng chứng hùng hồn cho thấy hậu quả của việc thiếu hiểu biết về mục đích của lao động (như đã nói ở trên, là một đại lượng có hướng). Mặc dù câu chuyện này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến lý thuyết giá trị của chúng ta, mà chỉ đơn giản là việc mù quáng hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế, nó minh chứng cho sự mù tịt của những người Marxist trong quá trình cấu thành giá trị: tin rằng giờ lao động là cấu thành duy nhất của giá trị, hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng của quyết định sản xuất. Khi cả xã hội cùng lôi nồi niêu xoong chậu ra để nấu thép, ai dám nói là thời gian trung bình cần thiết mà xã hội bỏ ra để sản xuất thép không bị thay đổi? Ai dám nói việc một người chẻ hết bàn ghế giường tủ ra để đun bánh chưng là một trường hợp cá biệt không ảnh hưởng gì đến công thức tổng quan?

Thứ năm, Marx không nhận thức được đúng vai trò của tri thức trong sản xuất. Đã có nhiều người phản đối rằng về mặt này Marx không nghĩ đơn giản như vậy, rằng với Marx tri thức, nghệ thuật, khoa học đều là những hình thức lao động cao cấp… Tuyệt vời, Marx viết 3 dòng chữ và thế là người ta có đủ lý lẽ để bảo vệ ông, cho rằng ông đã tiên liệu mọi chuyện. Khoa học kinh tế đòi hỏi mọi chuyện phải minh bạch hơn thế. Marx tiếp nhận công cụ và phương thức sản xuất như những nấc thang khác nhau của tiến trình xã hội; ở mỗi giai đoạn của xã hội, con người sử dụng những công cụ sản xuất khác nhau và có những phương thức sản xuất khác nhau. Sự chuyển dịch từ nấc thang này sang nấc thang kia là những cú nhảy cóc, được hình thành nhờ quy luật triết học "lượng đổi thành chất". Khi có một sự tích luỹ đầy đủ, xã hội nhảy từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.

Vào thời đại của Marx, tốc độ thay đổi của công nghệ khá chậm và người ta chỉ nhắm đến việc khai thác lao động, do đó nhận định này của ông có thể được coi là đúng. Thước đo lao động là một thước đo tương đối ổn định so với giá cả. Thế nhưng với những phát minh, sáng tạo, những ý tưởng của con người hiện đại, công cụ sản xuất đã có những bước thay đổi vượt bậc. Những công nghệ mới ra đời hàng ngày và do đó thời gian lao động trung bình cũng thay đổi chóng mặt, chứ không nhảy cóc từ nấc công cụ này sang nấc công cụ khác. Kết quả là dù có đo được chính xác, thì con số giờ lao động trung bình của xã hội cũng sẽ dao động không ngừng, dao động còn hơn giá cả. Quay trở lại với xuất phát điểm khi các kinh tế gia cổ điển quay lưng lại với giá trị trao đổi chỉ vì nó dao động quá lớn, ta thấy rằng giá trị kết tinh lao động của Marx chẳng khá hơn được tí nào. Đấy là chưa kể đến việc Marx không nhìn cụ thể vào sự đa dạng của sản phẩm. Marx coi sản phẩm là một khái niệm đơn giản (nhất là khi ông phân tích đơn thuần các sản phẩm công nghiệp cách đây 150 năm được sản xuất trên sự rập khuôn quy mô): con dao là con dao, cái búa là cái búa; mà không thấy rằng chỉ cần thay đổi một chút xíu thông số là một sản phẩm sẽ biến ngay thành một sản phẩm khác. Mà đã như thế thì làm sao có thể xác định được thời gian trung bình cần thiết cho sản xuất. Sự đa dạng của sản phẩm và công nghệ ngày hôm nay cho chúng ta thấy rõ việc đo giá trị bằng thời gian lao động trung bình cần thiết là một việc bất khả thi. Bạn muốn mua máy ảnh kỹ thuật số ư? Canon, Nikon, Pentax, Olympus hay Sony? Vi xử lý cỡ nào, APS hay full-frame? Độ phân giải bao nhiêu? Ống kính gì? Sản xuất tại Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc?… Chỉ mới thế thôi mà chúng ta đã thấy có cả trăm sản phẩm khác nhau, để phân biệt còn khó huống hồ tính thời gian xã hội trung bình cần thiết. Ngay một con dao thông thường cũng có đến n thông số cần quan tâm: độ dài, độ sắc, độ cứng, độ bền, độ tiện dụng, cân nặng, thẩm mỹ… Một nhà sản xuất lớn (lớn đủ để thay đổi mức trung bình xã hội) có thể cho ra hàng trăm mẫu dao khác nhau có giá bán dao động từ 1 USD đến 1000 USD. Theo lý thuyết của Marx, các con dao này hẳn phải có cùng giá trị bởi vì chúng chui ra từ cùng một dây chuyền máy được điều khiển bởi một công nhân duy nhất.

Cuối cùng, mô hình lý thuyết của Marx hoàn toàn không xử lý đến thông tin về sản phẩm. Người mua và người bán làm thế nào mà trao đổi với nhau được nếu họ không có tiếng nói chung về lượng lao động xã hội cần thiết? Nếu không đồng thuận thì họ không thể trao đổi với nhau à? Marx cho rằng một người đổi một cái cuốc lấy một con gà là vì anh ta cho rằng lượng lao động xã hội cần thiết làm ra một cái cuốc tương đương với lượng lao động cần thiết để nuôi một con gà. Marx "quên" không nghĩ rằng để chuyện này xảy ra, người ta cần phải biết 2 thông tin: a. cần bao nhiêu lao động để làm ra cuốc, b. cần bao nhiêu lao động để làm ra gà. Nhìn từ góc độ xã hội, người ta không thể ước lượng được mối tương quan cuốc - gà này trên cơ sở lao động, bởi vì nếu không phải cuốc hay gà mà là một thứ sản phẩm phức tạp như TV plasma, ô-tô động cơ 4 kỳ, hay tàu thuỷ… thì ngay chính người sản xuất cũng chẳng thể biết được đã có bao nhiêu lao động kết tinh trong sản phẩm của mình, huống hồ là đi so sánh với mức lao động trong một sản phẩm khác. Còn nếu cho là xã hội sẽ đánh giá hộ anh ta mức tương quan này thông qua trao đổi, thì sẽ mâu thuẫn ngay với logic của Marx cho rằng giá trị không phụ thuộc vào giá trị trao đổi; Và đã thế cần gì phải dùng đến khái niệm lao động: thay vì nói lao động, ta có thể nói tiền, gỗ, sắt, hay bất cứ một thứ giời ơi đất hỡi nào mà ta có thể tưởng tượng được, kết quả cũng sẽ y hệt, bởi vì mối tương quan trao đổi này là do xã hội đánh giá mà.

Người viết bài này còn có thể kể ra một lô lốc những hạn chế khác của cách tiếp cận giá trị bằng lao động của Marx. Tuy nhiên những hạn chế này có dính dáng đến nhiều vấn đề khác mà việc trải rộng trong khuôn khổ một bài viết này có lẽ sẽ là không thông minh. Đã bắt đầu bằng việc phê phán lý thuyết giá trị, hãy gói gọn vấn đề vào câu chuyện giá trị thay vì miên man các vấn đề liên đới. Chúng ta nên nhớ rằng khái niệm "giá trị" vốn không phải một khái niệm đặc quyền của kinh tế học. Các nhà triết học và xã hội học cũng quan tâm, và đã quan tâm đến giá trị từ rất lâu. Như đã nói trên, hai khái niệm "giá trị sử dụng" và "giá trị trao đổi" của Adam Smith vốn đã được Aristote đề cập đến trong các tác phẩm của ông. Từ điển ngôn ngữ triết học của Larousse định nghĩa tổng quan giá trị như sau: "Giá trị bao hàm một sự thoả ước - phán xét tập thể, phản ánh thái độ của con người trước một sự vật hiện tượng trong một mối tương quan so sánh". Khái niệm "giá trị" do đó không thể bị tách rời khỏi khái niệm "tương quan", điều này có nghĩa là giá trị không phải và không thể là một khái niệm nội tại của bất kỳ một thực thể nào [8] . Giá trị chỉ tồn tại trong mối tương quan nào đó. Trước hết đó là tương quan giữa các vật thể trong con mắt một cá nhân: xấu, đẹp, thích, không thích, có ích, vô ích… Nếu đối tượng quan sát là một đồ vật, mối tương quan này tương ứng với giá trị sử dụng của kinh tế học cổ điển. Sau đó không thể không nhắc đến tương quan xã hội, quan hệ giữa người và người. Giá trị trong mối tương quan này là sự phán xét của xã hội, của số đông. Khi xã hội thay đổi, sự đánh giá con người thay đổi, và do đó giá trị cũng sẽ thay đổi. Không một giá trị nào có thể tồn tại một cách khách quan, độc lập với khả năng phán xét của con người. Hay nói cách khác, "khách quan" chỉ là một trong vô số giá trị, tồn tại trong cái nhìn chủ quan của mỗi chúng ta. Bởi vì giá trị thể hiện các mối tương quan, nó phải được biểu hiện bằng một đơn vị không nằm ngoài mối tương quan đó. Thước đo giá trị bằng lao động, nếu khả thi, cũng chỉ là một cách biểu hiện tương quan không khác gì hơn thước đo giá cả, nhìn từ quan điểm xã hội. Khốn nỗi từ quan điểm kinh tế học, nó là một thước đo quá tồi, bởi vì nó phản ánh hoàn toàn sai tư duy kinh tế của con người. Sau khi Marx xuất bản tập 1 cuốn Tư bản luận, các nhà kinh tế học cận biên đã đặt lại vấn đề giá trị vào đúng vị trí của nó, theo đó chẳng có một thứ giá trị tự nhiên nào có thể quyết định việc trao đổi được. Con người trao đổi vì con người có nhu cầu trao đổi, và giá trị hàng hoá chỉ có thể được xác định trên sự khan hiếm và ích dụng mà sản phẩm đem lại. Có lẽ chẳng cần phải đi vào chi tiết thế nào là ích dụng cận biên (marginal utility) vì mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nói đơn giản, tôi đổi một cái cuốc lấy một con gà chẳng phải vì tôi quan tâm đến chuyện làm cuốc dễ hơn hay khó hơn nuôi gà, mà là vì tôi có cuốc và tôi thèm ăn thịt gà. Nếu tôi đói thì dù có phải đổi 2 cái cuốc tôi cũng đổi, còn nếu tôi đã ăn no thịt gà rồi thì chẳng có lý do gì để tôi bán cuốc lấy gà. Leon Walras, kinh tế gia tiên phong của lý thuyết cận biên và cha đẻ của lý thuyết cân bằng tổng thể vĩ mô đã nói: "Sở dĩ lao động có thể đem trao đổi được là vì lao động vừa đồng thời có ích và vừa có số lượng giới hạn (khan hiếm)… vậy là học thuyết về giá trị dựa trên sức lao động chỉ là một phần của học thuyết đầy đủ hơn về sự khan hiếm và ích dụng của các nguồn tài nguyên". [9]

Đến đây, để độc giả được rộng đường bình luận, xin được tóm tắt lại 6 điểm phê phán lý thuyết giá trị của Marx được trình bày ở trên. Mục đích là để độc giả dễ theo mạch suy luận của bài viết chứ người viết bài không dám có thái độ bất kính trước một con người vĩ đại như Marx.

  1. Lý thuyết giá trị phản ánh sai quá trình cấu thành giá trị sản phẩm. Cho rằng lao động kết tinh trong tư bản chỉ là một cách suy nghĩ hết sức siêu hình, không có thật.

  2. Cứ cho là ta có cách nào đó thổi sự sống vào cái khái niệm lao động siêu hình này, thì nó phải là một đại lượng nhiều chiều chứ không thể một chiều. Giờ lao động chỉ là đại lượng một chiều nên không thể là thước đo chính xác.

  3. Không thể tính tổng giá trị sản phẩm quốc dân bằng giờ lao động. Không thể cộng các đơn vị không cùng loại với nhau.

  4. Vì không thấy tính đa chiều của đại lượng lao động nên Marx buộc phải đưa ra khái niệm "trung bình xã hội" để che khuất những khoảng biến thiên của đơn vị đo. Đây là một giải pháp thuần tuý toán học. (Hãy khoan nói đến chuyện nó có khả khi hay không.) Nó chẳng hề động chạm gì đến vấn đề kinh tế học cốt lõi là vì sao con người trao đổi trên cơ sở lao động. Giải thích cụ thể hơn trong điểm 6.

  5. Marx phê phán giá trị trao đổi vì nó biến động, do đó không phản ánh "trung thực" giá trị. Cái mà Marx tìm thấy, lượng lao động xã hội trung bình cần thiết, hoá ra cũng dao động với biên độ rất lớn, trước việc công nghệ tham gia mạnh mẽ vào sản xuất như ngày hôm nay. Ý tưởng phá sản.

  6. Muốn giải thích đâu là cơ sở trao đổi hàng hoá, Marx cho rằng con người so sánh lao động kết tinh trong mỗi sản phẩm (quan hệ xã hội). Đây là sai lầm nặng nề nhất, phủ nhận hoàn toàn lý thuyết. Marx không chấp nhận đánh giá giá trị thông qua trao đổi bằng tiền, nhưng lại đề xuất đánh giá thông qua trao đổi bằng lao động, một việc hoàn toàn giống hệt về bản chất, chỉ khác về đơn vị đo.

Để biện minh cho Marx, sẽ có người sẽ nói: phân tích của Marx là một phân tích kinh tế chính trị, nó cho phép chúng ta nhìn thấy quy luật vận động của một nền kinh tế, của một phương thức sản xuất chứ không phải là một phân tích thuần kinh tế. Người viết bài hoàn toàn công nhận điều đấy. Nhờ có Marx mà chúng ta biết được rằng kinh tế và xã hội chẳng qua chỉ là hai trong nhiều bộ mặt của một thực thể duy nhất tạm gọi là thực thể kinh tế - xã hội. Chính nhờ điều này mà tên tuổi của Marx luôn luôn được nhắc đến như một trong những nhà triết học, kinh tế học và xã hội học vĩ đại. Cũng chính vì điều này mà một số người tìm cách phủ nhận kinh tế học, cho rằng lý thuyết của Marx vượt ra ngoài kinh tế học và do đó không thể phán xét nó chỉ bằng kinh tế học. Tuy nhiên đã đến lúc chúng ta phải dám nói lên sự thật rằng nếu một lý thuyết đúng thì nó phải đúng trong mọi trường hợp [10] . Nếu một lý thuyết đúng, thì không thể có chuyện nó phản ánh sai cuộc sống. Nói như Hegel: "Những gì vô lý không thể tồn tại, những gì tồn tại là những gì đang có lý ". Đã đến lúc chúng ta phải cho cái phân tích "tổng quan" của Marx đối mặt với các phân tích "cá biệt" của kinh tế học, để chỉ ra rằng nó chứa đầy mâu thuẫn và hạn chế. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thấy: Làm gì có lý thuyết nào bị chỉ ra sai trong trường hợp cá biệt, mà lại đúng trong trường hợp được gọi là tổng quan?

Cũng như các khoa học khác, khoa học kinh tế là một khoa học cụ thể, giải quyết những vấn đề cụ thể. Cụ thể không có nghĩa là ta buộc phải ngồi đặt các phép tính cộng trừ để đo lợi nhuận hay giá trị giá tăng, mà có nghĩa là nó cho phép chúng ta triển khai những vấn đề của cuộc sống. Khái niệm đường cung hay đường cầu trong kinh tế học chẳng hạn là những khái niệm hoàn toàn trừu tượng. Kinh tế học không buộc chúng ta phải đo đếm chính xác diễn biến cung cầu, nhưng nó hoàn toàn cho phép những người quan tâm vẽ được đường cung và đường cầu (trên máy tính) nếu có số liệu thật; Về mặt này khái niệm giá trị lao động của Marx hoàn toàn bế tắc khi đưa ra lời giải cho bài toán cuộc sống. Nó khép kín trong sự trừu tượng đến mịt mờ của triết học, và chỉ cần triển khai cụ thể một chút là đã dấy lên đầy những điều vô lý. Đương nhiên, nắm bắt sự trừu tượng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với nhận thức của con người; chính vì thế chúng ta coi triết học với tư cách là khoa học của các khoa học, có nhiệm vụ trừu tượng hoá thế giới bằng các quy luật. Tuy nhiên chúng ta không thể và không được phép nhân danh trừu tượng để phủ nhận những vấn đề cụ thể. Qua những minh chứng hết sức cụ thể ở trên, chúng ta có thể thấy ngay rằng việc triển khai lý thuyết giá trị của Marx là hoàn toàn không tưởng, hơn thế nó bắt nguồn từ một nhận thức sai lầm. Chấp nhận sự trừu tượng đại khái mà quên mất rằng nó chẳng giải thích mảy may thế giới thật, có lẽ là cách tốt nhất để mỗi chúng ta tiếp tục thụt lùi trong tiến trình tiến hoá của nhân loại.


Tài liệu tham khảo
  • Bách khoa toàn thư Universalis, ấn bản điện tử, 1999 mục "Giá trị - marxiste"
  • Bách khoa toàn thư Universalis, ấn bản điện tử, 1999 mục "Lý thuyết giá trị - lao động"
  • Đại từ điển triết học Larousse 2005, ấn bản Larousse – CNRS, mục "Giá trị"
  • Kinh tế chính trị, Claude Mouchot, ấn bản Economica 1991
  • Kinh tế chính trị, Edmund Phelps, ấn bản Norton & Company 1985, bản dịch tại ấn bản tiếng Pháp Fayard 2006
  • Tài liệu trên Internet: "Mối quan hệ giữa giá trị và giá cả", nguyên văn: "Le rapport entre valeur et prix, Jorion": http://www.journaldumauss.net/spip.php?article39
© 2007 talawas



[1]Chính ông cũng là một nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển.
[2]Bách khoa toàn thư Universalis của Pháp 1999, mục Valeur (économie)
[3]K. Marx đã dẫn chiếu Aristoste khi đề cập đến giá trị sử dụng và giá trị trao đổi trong Tư bản.
[4]Tác phẩm quan trọng nhất của ông: Bàn về sự thịnh vượng của các quốc gia
[5]Chủ nghĩa trọng thương (mercantile) coi sự giàu có đến từ việc sở hữu vàng (tiền tệ thời đó).
[6]Multidimensional vector
[7]Productive and unproductive labor
[8]Điều này chính Marx cũng khẳng định khi ông nói giá trị biểu hiện mối quan hệ xã hội. Như vậy là một mặt ông cho rằng giá trị lao động tồn tại độc lập với giá trị trao đổi, mặt khác ông cho rằng giá trị lao động chỉ thể hiện khi sản phẩm được trao đổi và là ánh xạ của mối quan hệ xã hội. Marx tự mâu thuẫn với chính mình.
[9]Economie Politique, Claude Mouchot, NXB Economica 1991
[10]Theo nghĩa của Popper