trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
30.10.2008
Nguyá»…n Quang Duy
Một lựa chọn dân chủ trong quá khứ: Hoàng đế Bảo Đại - Thủ tướng Ngô Ðình Diệm
 1   2 
 
Trong bài “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: con đường lên nắm quyền của Ngô Ðình Diệm, 1945-1954”, giáo sư Edward Miller trình bày những hoạt động của Ngô Ðình Diệm trong vòng một thập kỷ trước khi ông trở thành Thủ tướng vào tháng 7 năm 1954. Dựa trên những hoạt động tích cực này, Edward Miller kết luận ông Diệm thành công chủ yếu nhờ nỗ lực của chính mình và của những đồng minh người Việt, cũng như ông đã chủ động tìm cách nắm lấy quyền lực đúng lúc. Trong kết luận thứ hai của bài viết, Edward Miller nhấn mạnh “... Không có bằng cớ nào chứng tỏ rằng Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm nhờ một chiến dịch gây áp lực (với Bảo Ðại) do những quan chức Hoa Kỳ khởi xướng.”

Bài tiểu luận này nghiên cứu những quan hệ giữa Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Qua đây, độc giả nào quan tâm có thể thấy được nhiều điểm khác bài viết của Edward Miller về hai nhân vật lịch sử nói trên. Cũng như, vào năm 1954, việc Ngô Đình Diệm chấp chính là một chọn lựa dân chủ của Bảo Đại, với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia tại Việt Nam. Và đến chết Bảo Đại vẫn tin rằng đây là một quyết định đúng lúc và đúng đắn, mặc dù sự chọn lựa này dẫn đến việc trưng cầu dân ý để “truất phế Bảo Đại, khai sinh Đệ nhất Cộng hoà”.


Bảo Đại. Nguồn: www.wikimedia.org
Ngô Đình Diệm. Nguồn: Chính Đạo
Hoàn cảnh Việt Nam khi Bảo Đại cầm quyền

Câu chuyện về cụ Phan Bội Châu đối đáp với Hội đồng Đề hình nói được hoàn cảnh “An Nam” lúc Bảo Đại vừa lên ngôi.

Ngày 23-11-1925, Hội đồng Đề hình đã xử án cụ Phan Bội Châu, Quan toà hỏi:

“Ông phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, hay là chính trị của nước Nam?”

Cụ Phan trả lời:

“Tôi phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, chứ nước Nam có nước đâu và có chính trị đâu mà tôi phản đối?” [1]

Nước Nam ở đây chỉ gồm một phần của Trung kỳ. Theo hoà ước Giáp Tuất (1874), miền Nam đã trở thành đất Pháp. Theo Hoà ước Giáp Thân (1884), miền Bắc và miền Trung vẫn thuộc chủ quyền nhà Nguyễn và dưới sự bảo hộ của Pháp. Trên thực tế Pháp đặt ra Phủ Toàn quyền, lần hồi tước hết chủ quyền của vua. Năm 1893, Pháp đã buộc Triều đình Huế chấp thuận cho Pháp toàn quyền giữ gìn an ninh và cai trị vùng cao nguyên miền Trung. Người Kinh không được phép lên làm ăn buôn bán và sinh sống ở đây. Nhà vua cũng không còn được thu thuế ở vùng này nữa. Đến năm 1897, Pháp bãi bỏ chức Kinh lược sứ Bắc kỳ, giao quyền cho viên Thống sứ Pháp. Từ đó, ở Bắc kỳ, quan lại Việt Nam chỉ biết có Thống sứ chứ không còn biết đến triều đình nữa. Để dễ bề thống trị, Pháp đặt luật lệ riêng cho mỗi miền và cao nguyên.

Đó là thời gian khi Bảo Đại vừa chấp chính. Trong thời gian Bảo Đại đang theo học ở Pháp, đại thần nhiếp chính Tôn Thất Hân đã ký với Pháp một hiệp ước. Theo đó, khâm sứ Pháp được chủ toạ Hội đồng Nội các. Pháp đảm trách thu thuế và kiểm soát tài chính. Từ đó triều đình không còn ngân sách riêng. Mọi quyết định chi tiêu của nhà vua cũng phải lấy phê chuẩn từ các công chức Pháp... Đó là “thời” của vị vua xưa nay vẫn bị khép là “bù nhìn”.


Hoàng đế Bảo Đại và vị Thượng thư Bộ Lại

Sau khi tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris và về nước, khi nắm được tình hình Bảo Đại đã bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ quyền quốc gia. Ngày 10-12-1932, Bảo Đại cho công bố một đạo dụ theo đó nước ta theo chế độ quân chủ lập hiến. Bảo Đại sẽ trực tiếp điều khiển nội các, và cho cải cách hành chính, giaó dục, tư pháp, cũng như muốn người Pháp thực thi đúng đắn Hoà ước 1884, để cho Triều đình một ít quyền hành trong khuôn khổ nền bảo hộ Pháp. Theo đó một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ...

Những dự định cải cách này đã được ông Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút Nam Phong, đề nghị từ trước qua bốn bài xã luận đăng trên báo France-Indochine ở Hà Nội, mà bài thứ ba nhan đề là “Tiến tới một Hiến pháp”. Vì đề nghị Phạm Quỳnh phù hợp với ước muốn cải cách, nhà vua đã chọn Phạm Quỳnh làm Thượng thư Nội các [2] mới thay thế Nguyễn Hữu Bài. Bảo Đại cho biết chính ông Charles [3] , có thể theo chỉ thị của chính phủ Pháp, đã đề nghị Phạm Quỳnh vào chức vụ này.

Còn về Ngô Đình Diệm, Bảo Đại chọn vì: “... lúc ấy [Ngô Đình Diệm] làm tuần vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách Bộ Lại. Vốn dòng dõi quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ Thượng thư Nội các, Ngô Đình Diệm lại còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về Canh tân đã được ban bố năm trước bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm đã được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử.” [4]

Bảo Đại đặt hết niềm tin vào hai người Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm. Phạm Quỳnh đầy viễn kiến lại được người Pháp hổ trợ. Còn Ngô Đình Diệm thì kinh nghiệm, uy tín và ước mong cải tổ xã hội Việt Nam. Những cải tổ kể trên bị các phần tử bảo thủ, lạc hậu, thực dân trong chính phủ Pháp kịch liệt chống đối nên nỗ lực của Bảo Đại và hai ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm bị tê liệt hoàn toàn.

Chỉ sau bốn tháng, Ngô Đình Diệm xin Bảo Đại được từ chức. Bảo Đại đã khuyên Ngô Đình Diệm như sau: “Quan Thượng, trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng. Sau nữa, những năm sắp tới đây còn dành cho chúng ta nhiều biến chuyển. Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn có liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu châu, và như thế, sẽ có những hậu quả đối với Á châu mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt.” [5] Cũng cần biết, năm 1907, vua Thành Thái bị Pháp bắt vì liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để đang ở Nhật. Pháp buộc nhà vua thoái vị và đày sang đảo Reunion [6] . Ngô Đình Khả, thân phụ Ngô Đình Diệm, lại là Thượng thư Bộ Lễ và tận trung không chịu cùng với các đại thần trong triều đình theo lệnh Pháp ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị. Vì thế đã bị người Pháp giáng chức và bắt về hưu không cho lãnh tiền hưu liễm.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại đích thân mời và Cường Để đã nhận lời hồi hương giúp nước. Ngày 30-7-1945, tại Tokyo, cơ quan thông tấn Domei loan tin Cường để đang trên đường về Việt Nam, do lời mời của Bảo Đại. Cường Để sẽ nắm chức Cơ mật Viện trưởng. [7] Báo Hưng Việt, ngày 3-8-1945, đã viết “... Theo Để, mục đích của ông là khôi phục lại độc lập cho Tổ Quốc, mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc chứ không vì ngôi đế vương.” [8] Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đều có liên lạc mật thiết với Cường Để. Cả hai vẫn tiếp tục được Bảo Đại tin dùng. Có phải Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại giao phó trọng trách (hay ngầm thu xếp) liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để, nói riêng, và Nhật, nói chung?

Bảo Đại đã từng giao trách nhiệm liên lạc các đảng phái quốc gia và Việt Minh cho các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Phan Kế Toại để kêu gọi cộng tác hay kết hợp. Kỳ Ngoại hầu Cường Để là chú của Bảo Đại. Cho nên không có gì là lạ nếu Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại giao phó trọng trách liên lạc với Kỳ Ngoại hầu.

Còn Nguyễn Đệ là bí thư của Bảo Đại. Một chuyên viên kinh tế, có thể đã được Từ Cung Thái hậu giới thiệu. Nguyễn Đệ cũng quen biết Nguyễn Hữu Bài và là bạn thân của Ngô Đình Diệm. Sau khi Ngô Đình Diệm từ chức, Nguyễn Đệ cũng xin từ chức. Sau này khi Bảo Đại làm Quốc trưởng ông lại tiếp tục làm bí thư của Bảo Đại và được Bảo Đại hết mực tin dùng. Mặc dù có lúc Bảo Đại đã lo ngại Nguyễn Đệ là người của Toà thánh Vatican vì ông đã được Toà thánh giới thiệu.

Trong hồi ký của mình, Bảo Đại cũng nhắc đến việc Bùi Bằng Đoàn được giao nắm Bộ Hình (tức Bộ Tư pháp). Ông này vốn là quan, có bằng luật khoa và đã 51 tuổi. [9]

Qua nội các đầu tiên, Bảo Đại đã cho thấy ông là người sẵn sàng tham khảo ý kiến và dung hoà những quan điểm hoặc khuynh hướng khác nhau nhằm xây dựng nền tảng dân chủ, trong một thể chế quân chủ lập hiến.


Nhật đảo chính Pháp

Năm 1940, Nhật đánh Lạng Sơn, Pháp thua phải ký hiệp ước cho quân Nhật sang đóng trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 1945, phe Đức - Nhật yếu thế, khối Đồng minh nắm chắc phần thắng. Quân Pháp ở Việt Nam bắt liên lạc với quân Đồng minh. Nhật biết được, đêm 9-3-1945, Nhật cho nổ súng tấn công quân Pháp. Chỉ trong vòng một đêm, cơ đồ thực dân Pháp xây dựng trong vòng trăm năm đã hoàn toàn sụp đổ.

Ngày 11-3-1945, Đại sứ Nhật Marc Masayuki Yokoyama yết kiến Bảo Đại tường trình việc Nhật chấm dứt chủ quyền của Pháp ở Việt Nam và nhiệm vụ của ông là trao lại nền độc lập của Việt Nam. Bảo Đại rất ngạc nhiên đặt thẳng vấn đề Nhật công khai bảo trợ Hoàng thân Cường Để rồi kết luận: “... Còn tôi, tôi quan tâm đến dân tộc tôi hơn là quan tâm đến ngai vàng...” [10] Việc Bảo Đại tự ý thoái vị (25--8--1945), và chấp nhận bị truất phế (23--10--1955) đã chứng minh Bảo Đại là lãnh tụ “thờ ơ” quyền lực.

Ngay chiều hôm đó, Bảo Đại cho triệu tập Hội đồng Cơ mật để thông báo, phân tích và thảo luận về tình hình mới. Bảo Đại yêu cầu tất cả các thượng thư đồng ký bản Tuyên ngôn Độc lập, do Phạm Quỳnh soạn từ gợi ý của Yokoyama, trong đó xác định “... kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia...” [11] Ngày 19-3-1945, vua Bảo Đại báo cho thượng thư Phạm Quỳnh biết là từ nay, nhà vua tự tay đảm trách quyền lãnh đạo quốc gia. Phạm Quỳnh ý thức được tình thế mới, đã cùng toàn thể thượng thư lục bộ xin từ chức.

Bảo Đại cho lập nội các mới. Như đã nói ở trên có thể Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đaị giao phó trọng trách liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Nhật. Do đó Bảo Đại đã coi Ngô Đình Diệm là ứng cử viên số một để lãnh đạo chính phủ Việt Nam mới, và vì vậy Bảo Đại đã hai lần đích thân nhờ Đại sứ Nhật Yokoyama triệu hồi Ngô Ðình Diệm từ Sài Gòn về Huế thành lập chính phủ.

Edward Miller, dựa vào Shiraishi, cho rằng Ngô Đình Diệm đã nhận được bức điện thứ hai trong hai bức điện mà Bảo Ðại gửi đi ngay, và đã tự ý từ chối lời đề nghị của Bảo Đại. Ông đã thắc mắc không biết vì lý do gì ông Diệm quyết định như vậy. Nhưng lại cho biết ông đã Diệm hối hận về quyết định này và cố gắng đảo ngược tình thế, nhưng quá muộn: Bảo Ðại đã mời học giả và nhà phê bình văn hoá Trần Trọng Kim lên làm thủ tướng.

Vũ Ngự Chiêu, lại dựa vào Marakami, cho rằng tướng Nhật Tsuchihashi Yuitsui, Toàn Quyền Nhật tại Đông Dương, đã không muốn đưa Cường Để lên ngôi, với hy vọng sẽ lợi dụng tối đa hệ thống hành chính thuộc địa của Pháp. [12] Báo Thông tin, Hà Nội ngày 10-6-1945, đưa tin: “DIỆM, từ năm 1944, đã được coi như ứng viên chức thủ tướng trong một chính phủ do Nhật bảo trợ. Tuy nhiên, từ sau ngày Tsuchihashi được giao trách nhiệm cai quản Đông Dương, phe Cường Để bị loại. Bị Tokyo áp lực đưa Cường Để hồi hương, Tsuchihashi đã có lần tuyên bố: Cứ đưa hắn về đây. Ta sẽ lập tức tống cổ hắn vào Côn Lôn.” [13]

Theo bản phúc trình cho nhà cầm quyền Pháp dưới dạng hồi ký không được công bố của Đại sứ Nhật Yokoyama, Ngô Đình Diệm đã từ chối vì lý do sức khoẻ. Nhưng ít lâu sau thì ông được biết ông Diệm đã từ chối vì hai lý do: thứ nhất ông đã thề trung thành với Kỳ Ngoại hầu Cường Để và không muốn phục vụ Bảo Đại mà ông cho là thân Pháp; thứ hai là ông muốn lấy lại Nam Bộ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng mà lúc này Nhật chưa trả lại cho Việt Nam. [14]

Trong khi đó, hồi ký Bảo Đại viết rất rõ: “...Trong óc tôi, người tiêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm... Ba tuần lễ trôi qua, mà chẳng thấy tăm hơi Ngô Đình Diệm ở đâu. Trước thúc dục ngày càng khẩn thiết của tôi, Đại sứ Yokoyama trả lời là chưa tìm thấy vị Thủ tướng dự trù này. Sự chậm trễ ấy làm tôi suy nghĩ. Người Nhật rất thành thạo trong sự kiện xảy ra ở Việt Nam. Cơ quan tình báo của họ rất đắc lực, và họ biết chỗ và biết cách để tìm thấy nhân vật này. Về sau tôi biết được qua lời nói của Đại sứ Yokoyama là Ngô Đình Diệm không được cảm tình của của chính phủ Nhật.” [15]

Trong Hồi Ký Trần Trọng Kim có hai lần nhắc đến việc này. Lần đầu ở Chương 3 khi vừa từ Thái Lan về lại Việt Nam, khi ông vừa nhận được thơ mời của Bảo Đại, ông gặp ông Diệm thì được ông Diệm cho biết đã không nhận được thơ mời. [16] Lần thứ hai Trần Trọng Kim nhắc đến việc này là ở Chương 4 khi ông vào gặp Bảo Đại. Trần Trọng Kim nói rõ ông có “hỏi ông Tối cao Cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời Tối cao Cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.” [17] Hồi ký của Trần Trọng Kim được xuất bản tại Sài Gòn năm 1969, có thể là hồi ký được nhiều người Việt đọc nhất. Khi hồi ký này được phổ biến các nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Hoàng Xuân Hãn, Tùng Hạ, Phan Anh... đều còn sống và không có người nào đính chính. Đối chiếu hồi ký của Bảo Đại và Trần Trọng Kim có thể nói rằng Yokoyama đã thiếu thành thật khi báo cáo với người Pháp.

Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập, Đỗ Mậu và Nguyễn Tấn Quê, hai cán bộ cùng tổ chức Đại Việt Phục hưng của ông Diệm, đã được ông Ngô Đình Khôi cử vào Sài Gòn để gặp ông Diệm và để tổ chức cuộc đón tiếp Kỳ Ngoại hầu mà ông Khôi tưởng sẽ trở về Việt nam. Nhờ đó Đỗ Mậu mới biết để ghi rõ trong hồi ký của ông như sau: “Ông Diệm mới trình bày việc người Nhật đã phản bội, không cho Kỳ Ngoại hầu Cường Để về nước và cắt đứt mọi liên lạc chính trị với chính ông... Lúc bấy giờ ông Quê và tôi mới thực sự hiểu rõ tình hình và trạng huống bi đát cua ông Diệm và của tổ chức chúng tôi. Sách lược nắm chính quyền bằng con đường thân Nhật của ông Diệm đã đi vào bế tắc và hoàn toàn thất bại, hệ quả chính trị của nó không những là mất đi những ưu thế phát triển mà quan trọng hơn cả, còn là sự tê liệt của tổ chức.” [18] Trong hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, một thành viên trong Uỷ ban Kiến quốc, có hình thức của một chính phủ lâm thời thân Nhật, cho biết ông cũng đã bị lãnh sự Nhật hăm doạ: “...Nhưng nếu ông tiếp tục hoạt động, chúng tôi sẽ bắt buộc phải nghiêm trị phong trào của ông...” [19] Đối chiếu các hồi ký kể trên có thể kết luận người Nhật đã không đồng ý với Bảo Đại để Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập chính phủ. Thậm chí người Nhật còn tìm cách ngăn cấm mọi sinh hoạt chính trị của ông Diệm.

Trong hồi ký, Đỗ Mậu cũng cho biết: “Công tác của tôi được ông Diệm giao phó là tổ chức một lực lượng quân nhân khố xanh trong khắp cơ binh thuộc xứ Trung kỳ, bao gồm từ Thanh Hoá vào đến Phan Thiết và các tỉnh cao nguyên. Về quân nhân khố đỏ thì do Thiếu uý Phan Tử Lăng đang phục vụ trong Mang Cá ở Huế phối hợp với ông đội khố đỏ Nguyễn Vinh phụ trách việc liên lạc và thông tin các cơ sở quân sự đóng tại Huế và Phú Bài.” Như vậy, nếu ông Diệm nắm quyền, lực lượng này sẽ là nồng cốt cho việc thành lập một lực lượng quân sự hay Quân đội Quốc gia. Điều này có lẽ người Nhật đã biết được.

Sau khi Nhật đảo chính, đa số người Pháp ở Đông Dương vẫn được tự do và tiếp tục đảm trách những công việc hành chính trước đây. Người Nhật chỉ bắt một số ít các giới chức cao cấp người Pháp có liên hệ với phe De Gaulle và thành phần chống đối. Mục đích chính của cuộc đảo chính là tránh việc lực lượng Đồng minh đổ bộ, quân Pháp nội ứng sẽ nổi dậy. Trong đánh ra, ngoài đánh vào, sẽ gây thiệt hại khó lường cho quân đội Nhật. Lúc này Thế chiến Thứ hai cũng đã đến hồi kết thúc. Người Nhật biết rõ ván cờ khó có thể đổi chiều. Đảo chính là việc không thể tránh. Nhưng người Nhật muốn tránh mọi việc gây thêm ác cảm với người Pháp. (Thêm vào đó, cá nhân Đại sứ Yokohama lại có vợ là người Pháp.) Người Nhật cũng muốn tiếp tục lợi dụng hệ thống hành chính thuộc địa của Pháp. Do đó việc xử dụng những lực lượng Quốc gia chống Pháp, với chủ trương quá khích hay vũ trang, không còn được hổ trợ hay nằm trong chiến lược của Nhật tại Đông Dương. Đây có thể là lý do chính người Nhật đã không đồng ý với Bảo Đại để Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập chính phủ. Và nội các Trần Trọng Kim là nội các của giới khoa bảng.

Cũng vì lý do này, người Nhật chỉ trao trả lực lượng Bảo an cho chính phủ Trần Trọng Kim hai tuần lễ trước ngày Việt Minh cướp chính quyền. Thiếu một lực lượng quân sự để bảo vệ an ninh cho dân chúng và bảo vệ chính quyền là lý do chính khiến chính phủ Trần Trọng Kim đã tự giải thể ngay khi Nhật đầu hàng.


Ngô Đình Diệm từ chối lời mời

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ cầm quyền không quá 4 tháng (17-4 tới 5-8-1945). Sau đó nhiều diễn biến dồn dập xảy tới, mà hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima (ngày 6-8-1945) và Nagasaki (ngày 9-8-1945). Liên Sô tuyên chiến với Nhật (ngày 11-8-1945). Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 17-8-1945, tại Nhà hát lớn Hà Nội Việt Minh cướp diễn đàn của Tổng hội công chức. Ngày 19-8-1945, Việt Minh cướp chính quyền Hà Nội. Ngày 25-8-1945, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố cầm quyền. Quân Pháp quay lại Việt Nam. Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ Bộ chấp nhận quân Pháp trở lại Việt Nam. Thương thuyết giữa Pháp và Việt Minh bế tắc. Ngày 19-12-1946, Hồ Chí Minh tuyên chiến với Pháp.

Sau khi thoái vị, Bảo Đại đã nhận lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm “Cố vấn Tối cao” cho Chính phủ của họ Hồ. Nhờ đó Bảo Đại biết được Hồ Chí Minh chỉ lấy mình làm bức bình phong, để được quốc dân và Đồng minh công nhận sự “chính danh” của cái chính phủ tự phong này. Khi Hồ nhận ra việc Bảo Đại vẫn được quốc dân, các đảng phái quốc gia và Đồng minh tin tưởng mời ra chấp chính, Hồ đã yêu cầu nhà vua theo phái đoàn sang gặp thống chế Tưởng Giới Thạch. Rồi tìm cách bỏ Bảo Đại lại đây: một hình thức cho lưu đày viễn xứ. [20] Cũng nhờ thời gian làm “Cố vấn” cho Hồ Chí Minh, Bảo Đại mới thấu hiểu bề sâu của cung đình “cách mạng vô sản”. [21] Hồi ký Trần Trọng Kim cho biết khi ông gặp Bảo Đại ở Hồng Kông lời đầu tiên nhà vua đã nói với ông là: “Chúng mình già trẻ lớn bé mắc lừa bọn du côn.” [22]

Sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, Ngô Đình Diệm cũng bị bắt giữ một thời gian tại miền Trung, sau đó ông được đưa ra Hà Nội vào khoảng tháng 2 năm 1946 để gặp Hồ Chí Minh. Hồ đề nghị Ngô Đình Diệm giữ một chức vụ trong chính phủ đoàn kết Việt Minh nhưng Ngô đã không nhận. Trong thời gian này, Bảo Đại và Ngô Đình Diệm không được gặp nhau nhưng có thể đã được Hồ thu xếp giao cho một công việc mà cả hai đều đã không nhận. Điều này sẽ được đề cập trong một dịp khác.

Một mặt, vì không thể thương lượng hay thoả hiệp với Việt Minh, một tổ chức cộng sản; mặt khác, vì cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để có phương tiện tài chính đối phó với Cộng sản, Pháp đã phải chấp nhận điều kiện của Hoa Kỳ là từng bước nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. [23] Ngày 20-3-1947 Hội đồng Chính phủ Ramadier cùng Hội đồng Các chính đảng Pháp công bố Quyết nghị về chính sách mới của Pháp tại Việt Nam. Theo đó, chính phủ Pháp hướng về Bảo Đại như một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh và từng bước trao trả độc lập thống nhất cho Việt Nam. [24]

Người Việt quốc gia sau một thời gian ngắn tiếp xúc với Việt Minh, cũng nhìn ra cốt lõi và bản chất cộng sản của tổ chức này. Bắt tay với Việt Minh hay với Pháp đều đi ngược lý tưởng quốc gia mà họ hằng theo đuổi. Nhân sỹ và lãnh đạo các tổ chức Quốc gia đã nhanh chóng hướng đến Bảo Đại như tâm điểm, vừa chống Pháp, vừa chống Cộng sản, từng bước giành lại độc lập thống nhất cho Việt Nam. Hồng Kông trở thành một tụ điểm cho người Việt quốc gia. Bảo Đại lắng nghe từng cá nhân, từng tổ chức, tự nhận lãnh vai trò trọng tài, đứng trên các đoàn thể chính trị trong nước để dung hoà những quan điểm hoặc khuynh hướng khác nhau và tạo thế đoàn kết cho những người Việt quốc gia. Chung quanh Bảo Đại, nhân sỹ và lãnh đạo các tổ chức sinh hoạt như một quốc hội nhỏ. Họ đề đạt, họ chọn lựa những người đại diện và quyết định chiến thuật cho từng giai đoạn.

Ngày 5-7-1947, Bảo Đại lên tiếng sẵn sàng chấp nhận vai trò nếu được dân chúng Việt Nam đặt tín nhiệm. Ngày 18-9-1947, nhà vua gởi lời kêu gọi dân chúng với mong muốn:”... đạt được độc lập và thống nhất, đúng như nguyện vọng của đồng bào, đạt tới những thoả hiệp do sự bảo đảm hổ tương, và có thể xác định với đồng bào là lý tưởng mà chúng ta từng dũng cảm chiến đấu trong cuộc kháng chiến gian lao, sẽ đạt được toàn diện...” [25] Ngày 7-12-1947 Cao uỷuỷ Bollaert ký Tuyên Ngôn Chung trên Vịnh Hạ Long với “cá nhân” Quốc Trưởng Bảo Đại, để thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam. Sau đó Bảo Ðại sang Pháp xem xét tình hình rồi quay về Hồng Kông để tham khảo ý kiến của Ngô Đình Diệm, Trần văn Lý, Nguyễn văn Xuân, Phan văn Giáo... rồi cân nhắc nước cờ tới, từng bước đấu trí với người Pháp.

Ngô Đình Diệm là một trong những người đã luôn sát cánh bên Bảo Đại trong thời gian nay. Edward Miller đã viết “... Ðiều quan trọng là kế hoạch Ngô Đình Diệm cổ vũ trong những cuộc gặp gỡ này phản ánh nhận thức về nền cộng hoà trong ông: kế hoạch nhằm xây dựng một hội đồng Việt Nam mới, trong đó uỷ nhiệm Bảo Ðại làm đại diện trong các cuộc thương lượng với Pháp, và kế hoạch cũng quy định là cựu hoàng có nghĩa vụ phải hội ý với hội đồng trước khi thực hiện bất cứ thoả thuận nào về vấn đề độc lập”. Edward Miller đã tham khảo hồi ký của Bảo Đại nhưng lại thiếu khách quan và công bằng khi viết như trên.

Trong hồi ký, Bảo Đại đã thuật lại vắn tắt như sau “... Thierry D'Argenlieu đã nói là giải pháp Hồ Chí Minh đã thất bại. Nay gió đã đổi chiều. Trong số khách thăm viếng này, người thì đến để theo phò, người thì đến để thăm dò đường lối cho Pháp hay cho các nước khác. Bác sỹ Phan Huy Đán, Luật sư Đinh Xuân Quảng, cả hai đều thuộc phe xã hội, thêm đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng Trần văn Tuyên, đều từ Quảng Châu sang. Người em họ trung thành với tôi, Vĩnh Cẩn cùng người em khác trẻ hơn, là tay đá banh nổi tiếng Vĩnh Tường, và Phan Văn Giáo tạo thành cái nhân vĩnh viễn thân cận. Rồi đến quýuý vị khác khá danh tiếng như Bác sỹ Lê Văn Hoạch, thuộc nhóm Cao Đài, cựu phó thủ tướng Nam Bộ, Phạm Văn Bích, Ngô Đình Diệm trước tôi tưởng là tai mắt của Mỹ, Phạm Công Tắc, giáo chủ Tây Ninh, Lê Văn Soái, tướng Hoàoà Hảo, v.v... Tất cả các nhân vật đó đều đưa ra ý kiến và đồng nhất về chính trị, nhấn mạnh là tôi phải trở về, để đem lại hoà bình cho đất nước.” [26] Bảo Đại không cho biết lý do tại sao đã tưởng Ngô Đình Diệm là tai mắt của Mỹ. So với các nhân vật khác Bảo Đại chỉ coi Ngô Đình Diệm như một nhân sỹ hơn là một lãnh đạo tổ chức. Cũng cần biết lúc này tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Ngô Đình Diệm đã bị Việt Minh khủng bố và chưa tổ chức lại được, nếu không nói là đã tan rã.

Sự thành hình của chính phủ Ramadier ngày 21-1-1947, và quyết định thay d'Argenlieu bằng Dân biểu Emile Bollaert ngày 5-3-1947 mang lại một không khí mới. Bollaert chấp nhận một chính phủ Liên bang Việt Nam, với ba chính phủ địa phương tại ba kỳ, và một chính phủ trung ương tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ. Vấn đề đặt ra là ai sẽ cầm đầu chính phủ trung ương đó. Bảo Đại là người duy nhất Bollaert muốn giao cho nắm giữ chính phủ Trung ương này.

Ngày 22-3-1948, Bảo Đại đã cử Ngô Đình Diệm về Sài Gòn gặp Cao uỷ Bollaert để tìm hiểu thái độ Pháp về việc thành lập một chính phủ trung ương lâm thời. Chuyến đi không mấy kết quả, ông Diệm rất thất vọng khi trở lại Hồng Kông. Bảo Đại đã kể lại như sau: "Theo Diệm, chúng tôi chỉ còn một cách: Đợi chờ, và để khẳng định thái độ cương quyết của mình, ông ta đề nghị lập một uỷ ban nghiên cứu, mà người ta đoán được dễ dàng là chẳng đi đến đâu. Đa số các nhà ái quốc ở Hồng Kông lại không đồng quan điểm với Diệm." [27] Bảo Đại viết tiếp "Để cắt ngắn những lập trường mâu thuẫn ấy, tôi đề nghị tập hợp một Hội nghị vào ngày 26 tháng 3 ở Hồng Kông khách sạn, để ra một thông báo, thành lập một chính phủ trung ương lâm thời, không phải để điều đình mà để dùng làm "Tạm ước sống còn" với nước Pháp, có tầm trách nhiệm hạn chế, nhưng thực hiện được tức khắc, hầu giúp cho hai bên cơ hội hiểu biết nhau và thoả hiệp bằng những sự việc cụ thể... Lập một chính phủ trung ương lâm thời, phù hợp với hoàn cảnh quốc tế là một điều vừa hữu lý, vừa cần thiết." [28] và "..., tôi cho Trần văn Tuyên giải thích rõ ràng hơn, với các đại diện chính trị và tôn giáo là nếu chính phủ trung ương lâm thời được uỷuỷ nhiệm đàm phán về bản thông báo, về thể chế thực hiện, thì tôi chịu trách nhiệm đàm phán về thoả ước nhất định, nhưng nhiệm vụ của tôi chỉ đóng vai trò trung gian, hay điều giải viên hạn chế có vậy mà thôi, chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định tự do với đầy đủ ý thức để thiết lập thể chế mà họ bằng lòng chấp nhận, sau khi trật tự và hoà bình được vãn hồi." [29] Đa số đồng ý để Bảo Đại vận động thành lập Chính Phủ Quốc Gia Lâm Thời đứng ra thoả hiệp với Pháp.

Trong hồi ký Bảo Đại cho biết một cách rõ ràng, Ngô Đình Diệm vẫn chính là nhân vật đầu tiên mà ông nghĩ tới: “Nay chỉ còn đi đến việc thực hiện. Nhưng ai sẽ là thủ tướng chính phủ trung ương đây? Diệm được mời, nhưng lại từ chối không chịu ký vào bản thể chế, nên không nhận...” [30] Cuối cùng Tướng Nguyễn Văn Xuân đã được chọn.

Ông Nguyễn Văn Xuân là một người miền Nam, một công dân Pháp và đương kim Thủ tướng Nam Kỳ Cộng hoà quốc. Mục đích chính Bảo Đại chọn Nguyễn Văn Xuân chỉ để người Pháp chấp nhận hai từ độc lập, thống nhất trong các văn kiện sẽ ký sau này với Pháp.

Dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ (Việt Nam) và cờ tam tài (Pháp), với sự chứng kiến của Quốc trưởng Bảo Đại, ngày 5 tháng 6 năm 1948 tại vịnh Hạ Long, ông Emile Bollaert, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, và ông Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam, đồng công bố bản Tuyên bố chung:Nước Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam; Việt Nam được tự do thực hiện nền thống nhất của mình.” [31] Đây là một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng, lần đầu tiên Pháp chính thức công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam (thống nhất ba miền Việt Nam) và cũng là lần đầu tiên lá Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ được chính thức công nhận. [32] Trước đó, ngày 7-12-1947 Cao uỷ Bollaert đã ký Tuyên ngôn chung trên vịnh Hạ Long với “cá nhân” Quốc trưởng Bảo Đại, để thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam. Sau đó Bảo Đại đi Pháp còn Ngô Đình Diệm trở về Việt Nam.

Ngày 28-4-1949, Bảo Đại về nước lại có ý định mời Ngô Đình Diệm ra lập chính phủ. Trong hồi ký Bảo Đại đã không nhắc đến ý định này. Theo hồi ký Linh mục Cao văn Luận khi ông vào Huế: “Bửu Lộc đánh điện mời tôi lên gặp hoàng đế Bảo Đại, và ý chừng muốn nhờ tôi thuyết phục ông Ngô Đình Diệm ra thành lập một chính phủ qui tụ được những người quốc gia chân chính, có uy tín, có tài năng.” Trước khi gặp Bảo Đại Linh mục Luận có gặp Ngô Đình Diệm và được ông Diệm cho biết chưa phải lúc để ông tham chính: “Bên Tàu đằng nào thì Mao Trạch Đông cũng thắng Tưởng Giới Thạch. Mỹ muốn cho họ Tưởng thoả hiệp chia đất hay chia quyền với Mao cho yên chuyện Trung Hoa lục địa. Quân cộng sản Tàu thẳng tiến đến biên giới Bắc Việt Nam, quân Việt Minh được sự giúp đỡ trực tiếp của quân cộng sản Tàu, sẽ mạnh lên, quân Pháp sẽ gặp khó khăn, lúc đó thì cả Pháp và Bảo Đại sẽ lạy lục người nào đưa ra được một giải pháp quốc gia chân chính. Lúc đó ra cũng chưa muộn.” Khi Linh mục Luận yết kiến Bảo Đại chỉ nghe Bảo Đại than:” Lúc mới về nước tôi đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác của các nhân vật quốc gia chân chính. Tôi có ngỏ ý mời họ nhưng phần đông đều từ chối hoặc đòi hỏi những điều kiện quá lý tưởng không thể nào tạo ra được trong hoàn cảnh này.” Linh mục Luận không nghe Bảo Đại nhắc gì đến Ngô Đình Diệm. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1949, Ngô Đình Diệm cho đăng một tuyên bố trong đó ông hoàn toàn phủ nhận Hiệp ước Elysée, là bản hiệp ước mà Bảo Đại đã ký với Tổng thống Pháp Vincent Auriol, trước khi Bảo Đại về nước.

Linh mục Cao văn Luận cũng cho biết một lý do khác mà Ngô Đình Diệm mặc dù chấp nhận giải pháp từng bước giành độc lập mà Bảo Đại đang đeo đuổi nhưng đã từ chối cộng tác với Bảo Đại: “... thì chúng ta có thể dùng thoả hiệp vịnh Hạ Long làm bàn đạp để tranh đấu một cách ôn hoà, đòi hỏi thêm những chủ quyền khác mà người Pháp chưa chịu trao trả. Với ai thì được, nhưng với Bảo Đại thì không thể được. Dù có thiện chí đến mấy cũng vô ích thôi. Bảo Đại chỉ thích nghi lễ, hình thức, bề ngoài lại ham săn bắn, ăn chơi, không có tinh thần trách nhiệm đối với sứ mạng lãnh đạo của ông.”

Chính Đạo (2004) cũng cho biết “... Tháng 3-1950, Giám mục Lê Hữu Từ tại Phát Diệm sai Lê Quang Luật vào Nam yêu cầu Diệm đừng “chùm chăn” và “ngang bướng” nữa, cần yểm trợ Bảo Ðại.” [33] Trong phần chú thích của chuyên luận Cuộc thánh chiến chống cộng, Chính Đạo (2004) cũng đề cập đến lý do ông Diệm không cộng tác với Bảo Đại như sau: “Ngày 24-3-1950, Luật tiết lộ với cơ quan tình báo Pháp (SEHAN) rằng Diệm không thân cận được với Bảo Ðại vì bản tính nhu nhược (faible) và thiếu cương quyết (indécis) của Bảo Ðại. Nếu lên nắm quyền, Diệm sẽ chống cộng thẳng tay, mà muốn thế cần có sự tín nhiệm và yểm trợ tuyệt đối của Bảo Ðại. Ðiều này chắc không có. Ngoài ra, lập trường chính trị của Diệm cũng khác biệt. Thứ nhất Diệm muốn biết chắc thể chế độ chính trị của Việt Nam sẽ được tương tự như Ấn Độ trong khối Liên hiệp Anh. Nhưng sự bảo đảm chắc chắn này không được chứng tỏ qua thực tế, như việc bàn giao chủ quyền, hay qua sự tiến hoá của các khuynh hướng chính trị tại Pháp... SHAT (Vincennes), Indochine, 10H 1039.” [34]

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas



[1]Nguyễn Văn Bường, Việt sử, trang 345.
[2]Phạm Quỳnh giữ chức này mãi đến khi Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (anh trưởng Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (người con trai độc nhất của ông Khôi) cùng bị Việt Minh bắt và bị sát hại ngay sau khi tổ chức này cướp được chính quyền.
[3]Ông Charles là cựu Khâm sứ Trung Kỳ, thân thiết với Vua Khải Định và chăm sóc Bảo Đại trong thời gian ở Pháp cũng như khi Bảo Đại vừa về nước.
[4]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 91. Nguyễn Hữu Bài là bạn thân của Ngô Đình Khả (cha Ngô Đình Diệm), lại còn là nhạc phụ của ông Ngô Đình Khôi (anh trưởng Ngô Đình Diệm) và là người đỡ đầu cho ông Ngô Đình Diệm.
[5]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 93.
[6]Nguyễn văn Bường, Việt Sử, trang 336.
[7]Chính Đạo, Việt Nam Niên biểu, trang 236.
[8]Chính Đạo, Việt Nam Niên biểu, trang 238.
[9]Bùi Bằng Đoàn là thân phụ của Bùi Tín. Ông Tín là Đại tá quân đội cộng sản. Ngày 30--4--1975, vì là sỹ quan cao cấp nhất của quân đội Bắc Việt có mặt lúc đó tại Dinh Độc lập, Ông Tín đã được tướng Dương Văn Minh bàn giao chính phủ. Từ khi ông Tín ra nhập hàng ngũ dân chủ, công khai chống lại nhà cầm quyền cộng sản, sử học chính thống đã gạt bỏ dữ kiện này.
[10]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 158.
[11]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 162. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh cố tình Tuyên ngôn Độc lập một lần nữa.
[12]Vũ Ngự Chiêu, Phía bên kia cuộc Cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8-1945), trang 81-82.
[13]Chính Đạo, trang 226.
[14]Lê văn Khoa, Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh. Tị nạn. Bài học Lịch sử, trang 424.
[15]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 165.
[16]Tôi nghĩ bụng ông Diệm và ông Chữ là hai người đã được tư lệnh bộ Nhật chú ý lâu ngày, và các ông ấy lại có tổ chức và đảng phái, sao người Nhật lại không nói gì hết? Ðang nghĩ ngợi như thế, thì chợt thấy ông Ngô Ðình Diệm đến. Ấy là lần đầu tôi gặp mặt ông Diệm vì trước kia tôi chỉ nghe nói thôi chứ không bao giờ gặp.
Ông Diệm hỏi tôi: “Cụ mới về đây à? Cụ có biết tin gì không?”.
Tôi đáp: “Tôi mới về, chưa biết gì cả, chắc có tin gì thì ông biết trước tôi. Người Nhật lạ quá, họ chẳng cho chúng tôi biết gì cả. Tôi vừa thấy trong bộ tư lệnh nói ở Huế các bộ thượng thư đã từ chức rồi. Vua Bảo Ðại gọi ông Hoàng Trọng Phu vào bàn việc lập chính phủ mới”.
“Thế à? Sao người Nhật không cho tôi biết?”
Ngồi nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông Diệm đứng dậy nói: “Tôi phải vào tư lệnh bộ có chút việc, sáng sớm mai tôi lại về Vĩnh Long”…
[17]Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên huỷuỷ hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.”
Tôi tâu rằng: “Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định từ trước, như Ngô Ðình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay thì phần già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.”
Ngài nói: “Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Ðình Diệm về, sao không thấy về.”
Tôi tâu: “Khi tôi qua Sài Gòn, có gặp Ngô Ðình Diệm và ông ấy bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc.”
Ngàinói: “Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.”
Lúc ấy tôi mệt nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng Xuân Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông tối cao cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.
[18]Hoành Linh, Hồi ký Đỗ Mậu, Chương 2, Vào đường đấu tranh.
[19]Nguyễn Xuân Chữ,Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ. Những bài học quí báu của một nhà ái quốc liêm chính, nhưng bất phùng thời, trang 251-252:
Khi gặp nhân vật cầm đầu phái bộ Nhật, ông này còn ướm hỏi:
“Ông không nhận vào triều đình Huế, tôi muốn mời ông về Hà Nội làm cố vấn cho quân đội Nhật, ông nghĩ sao?”
“Sau năm, sáu năm ở Việt Nam, người Nhật thông suốt những vấn đề chính sự và quân sự có thể gấp trăm, nghìn tôi, nhận nhiệm vụ lớn lao ông đề nghị thì là tôi không tự biết tôi.”
“Ông không nhận một chức vụ gì, sau khi về Bắc, ông sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ giở lại nghề thuốc của tôi.”
Không hiểu vì lẽ gì, viên Lãnh sự bỗng nhiên đổi giọng:
“Tôi tin lời ông. Nhưng nếu ông tiếp tục hoạt động, chúng tôi sẽ bắt buộc phải nghiêm trị phong trào của ông.” (Mais si vous continuez à vous agiter, nous serious obligés de sévir contre votre movement. Câu tiếng Pháp này là nguyên lời nói của lãnh sự).
Trong hai cuộc đàm thoại giữa các tướng lãnh Nhật và với viên Lãnh sự, cũng như trong cuộc đàm thoại đã nói trên với viên Đại tá về chương trình, kẻ viết chỉ ghi chép lại những lời nói và những cảm tưởng riêng. Những lời nói, những hoạt động chính trị có thể có của bạn họ Ngô kẻ viết không thuật lại vì không nhớ rõ hoặc không biết.
[20]Trong Hồi ký Bảo Đại cho biết đã nhận lời nhưng chỉ với lý do “... đi chơi một chuyến...” Khi phái đoàn về nước Hồ đánh điện báo cho vua biết “... Ngài có thể đi chơi nưã. ...” Khi Bảo Đại điện tín muốn về thì không được trả lời. Sau này Hồ gởi bác sỹ Phạm ngọc Thạch đến Hồng Kông tìm vua, qua Thạch nhà vua kiểm chứng và đoan chắc ngaì đã bị Hồ cho lưu đày viễn xứ. Hồ một mặt vẫn công khai coi Bảo Đại như “Cố Vấn Tối Cao”, mặt khác lại tung tin Bảo Đại đã trốn lại bên Tàu. ( Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, các trang 235, 241, 247 và 258).
[21]Quan Cách Mạng là từ mà Hồ đã dùng để trìu mến gọi những người theo Hồ. Cụm từ này đã được Hồ xử dụng ngay cả trước khi nắm được chính quyền.
[22]Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi,
[23]Trong thời gian này hầu hết các quốc gia bị thuộc, một cách hoà bình và uyển chuyển, từng bước cũng đã giành lại độc lập cho xứ sở của họ.
[24]Giải pháp này được người Pháp và các học giả ngoại quốc gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Trong hồi ký, Bảo Đại đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi người Việt nên đứng từ góc nhìn của người Việt xem đây là giải pháp của người Pháp, hay là “giải pháp của Pháp”. Gọi là “giải pháp Bảo Đại” là một điều hoàn toàn không chính xác. Vai trò của Bảo Đại chỉ là uyển chuyển lợi dụng giải pháp của Pháp để đòi người Pháp từng bước trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Cách nhìn ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, cách viết và bài viết.
[25]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, các trang 288.
[26]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 264.
[27]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 310.
[28]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 312.
[29]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 313.
[30]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 313.
[31]Điều 1, bản Tuyên bố chung – Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 576.
[32]Trước đây, Pháp có đối thoại với Việt Minh, đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với người Pháp nước này chỉ từ vĩ tuyến 16 trở lên. Ở miền Nam, Tháng 5 năm 1946, Nam Kỳ Cộng hoà Quốc đã chính thức được thành lập.
[33]Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống cộng, trang 64 .
[34]Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống cộng, chú thích 121, trang 403 .