trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
24.3.2008
Cổ Tiểu Tùng, Lưu Kiến Văn
Hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng: Đề xuất – Nhận thức chung – Thực tiễn
Nguyễn Xuân Chính dịch
 
Hiện nay và sau này, xu thế lớn của thế giới vẫn là lấy hoà bình phát triển làm chính, toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế vẫn tiếp tục được thúc đẩy không ngừng, nhất thể hóa ASEAN cũng được đẩy nhanh. Tăng cường hợp tác Tiểu vùng đã trở thành xu thế phát triển tiếp theo và yêu cầu nội tại của khu mậu dịch tự do, là sự đi sâu hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN, thích ứng với yêu cầu của phát triển quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc -ASEAN. [1]


I. Đề xuất ý tưởng

Hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng là ý tưởng có tính chiến lược về vận dụng tổng hợp lý luận và nguyên lý về nhất thể hóa kinh tế khu vực, chuyển dịch ngành nghề khu vực, đầu tư và mậu dịch khu vực tích cực thăm dò xây dựng cục diện hợp tác kinh tế mới khu vực.


1. Về lý luận hợp tác khu vực
  1. Lý luận về nhất thể hóa kinh tế khu vực là lý luận cơ sở cho việc thực hiện hợp tác kinh tế khu vực -chủ yếu gồm lý luận về đồng minh quan thuế, lý luận đại thị trường, lý luận về phân công quốc tế theo thỏa thuận, lý luận về nhu cầu quốc gia, lý luận về cực tăng trưởng khu vực - cung cấp sự hỗ trợ về lý luận cho sự hợp tác kinh tế Khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng;

  2. Lý luận về hợp tác đầu tư, mậu dịch, ngành nghề - chủ yếu gồm lý luận về đầu tư và mậu dịch quốc tế, lý luận về phân công ngành nghề khu vực, lý luận về ưu thế so sánh, lý luận về chuyển dịch ngành nghề biên duyên - những lý luận đang hoặc sẽ chỉ đạo thực tiễn cụ thể của hợp tác kinh tế khu Vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

2. Xu thế hợp tác khu vực

Toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực đã trở thành hai xu thế chủ yếu không thể đảo ngược của sự phát triển kinh tế thế giới thời đại hiện nay. Xét về quan hệ tương hỗ, nhất thể hóa kinh tế khu vực là bộ phận cấu thành quan trọng của của toàn cầu hóa kinh tế, nó vừa là sản phẩm tất nhiên của việc các nước đi theo trào lưu thời đại, cũng là sự lựa chọn hợp lý mà các nước láng giềng với nhau lựa chọn để giảm nhẹ sự tác động công phá vô lối của toàn cầu hóa. Những năm gần đây, khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASẸAN lấy vành đai Vịnh Bắc Bộ làm hạt nhân đã trở thành khu phát triển kinh tế năng động nhất của khu vực vành đai Thái Bình Dương. Kinh tế Đông Á đang nhất thể hóa nhanh chóng, xu thế phát triển rõ rệt, kim ngạch mậu dịch năm 1980 chiếm không đầy 35% tổng kim ngạch mậu dịch khu vực, nhưng đến năm 2003 đã tăng lên chiếm 54%. Đối với Khu Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, đại bộ phận là các nước đang phát triển, sự nhất thể hóa kinh tế khu vực có ý nghĩa càng hiện thực hơn. Nó không chỉ là con đường hiện thực chủ yếu về phương diện mậu dịch, đầu tư, tài chính tiền tệ ngân hàng, mà càng quan trọng hơn là ở chỗ theo sự phát triển của xu thế quốc tế hóa, các quốc gia này sẽ bị cuốn vào quỹ đạo kinh tế thị trường, hoặc làm cho thể chế thị trường hoàn thiện hơn, từ đó tiếp tục tạo ra điều kiện cơ bản nhất cho việc đạt được lợi ích kinh tế mở cửa, rút ngắn nhanh hơn khoảng cách với các nước phát triển.


3. Việc đề ra hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng

Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ là vành đai kinh tế cấu thành bởi các thực thể kinh tế khu vực gồm Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam ở ven bờ Vịnh Bắc Bộ. Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ nằm ở trung tâm Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN, là con đường thông trên biển, là bộ phận cấu thành quan trọng của Hai hành lang, một vành đai giữa Trung Quốc và Việt Nam. Muốn phát huy hơn nữa vai trò tác dụng của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong việc xây dựng FTA Trung Quốc-ASEAN, cần phải đứng từ tầm cao hơn để phân tích vai trò của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, nâng cao địa vị của nó. Có 9 trong 10 nước ASEAN giáp biển, khu vực xuyên Vịnh Bắc Bộ lại nằm đúng vào giữa Đông Á và Đông Nam Á, là đầu mối trung tâm giao thông trên biển quan trọng. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh 10+3 và 10+1 tại Bali (lndonesia) tháng 10/2003 đã biểu thị rõ rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ "tích cực tham gia xây dựng ASEAN trên biển”. ASEAN trên biển đã làm nổi bật giá trị của Vịnh Bắc Bộ và công năng chiến lược của Khu hợp tác kinh tế Xuyên Vịnh Bắc Bộ, cung cấp căn cứ khách quan cho việc định vị chuẩn xác con đường thông lớn “ASEAN trên biển" của Khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Ngày 20/7/2006, Bí thư Đảng Uỷ Khu tự trị [Choang] Quảng Tây Lưu Kỳ Bảo khi dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ đã nêu ra ý tưởng chiến lược hợp tác khu vực "Một trục, Hai cánh" Trung Quốc-ASEAN, phác họa xây dựng Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, kéo dài, mở rộng sự hợp tác kinh tế Vành đai Vịnh Bắc Bộ ra các quốc gia láng giềng cách biển là Malaysia, Singapore, lndonesia, Philippin và Bruney. Ý tưởng này là sự đi sâu và phát triển về lý luận và trên thực tiễn của hợp tác Tiểu vùng Vành đai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực hình chữ "M" Trung Quốc-ASEAN là bộ khung chiến lược về mở cửa và hợp tác với nhau giữa Trung Quốc và ASẸAN, "Một trục, Hai cánh”, là khái quát tổng thể của bộ khung chiến lược này. Nếu nói Đại Mekong là hợp tác Tiểu vùng theo dòng sông, hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore là hợp tác Tiểu vùng theo đường bộ, thì Khu hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng là hợp tác tiểu vùng trên biển Trung Quốc-ASEAN. Ba sự hợp tác tiểu vùng này đã hợp thành quan hệ hợp tác toàn diện triển khai theo mọi hướng với công năng hoàn chỉnh giữa Trung Quốc và ASEAN, điều làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng không chỉ có lợi cho sự giao tiếp tác động lẫn nhau giữa khu vực Châu Giang của Trung Quốc và khu vực miền Đông ASEAN đương phát triển nhanh mạnh có tiếp giáp với biển để có thể thực hiện tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, tăng tốc thúc đẩy tiến trình thành lập FTA Trung Quốc-ASEAN, có lợi cho việc tăng cường mối liên hệ về kinh tế khu vực này, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế tổng hợp của các nước hữu quan; đồng thời cũng tạo ra môi trường xung quanh ổn định hơn cho cho sự phát triển của Trung Quốc, thiết thực quán triệt phương châm ngoại giao "An lân, Mục lân, Phú lân" đối với các nước xung quanh.


4. Phương hướng hợp tác

Việc đề ra Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng có một phương hướng vô cùng sáng rõ, đó là làm cho Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng Phát triển trở thành sự hợp tác tiểu vùng trên biển trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Lộ trình thực hiện mục tiêu này là Chính quyền địa phương Trung Quốc đề xuất > Chiến lược quốc gia > Chiến lược Trung Quốc-ASEAN > Cơ chế điều phối hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Các bước đi thực hiện là Chính quyền địa phương Trung Quốc đề xuất > Các bên đạt được nhận thức chung > Trung Quốc và ASEAN cùng xúc tiến.


II. Nhận thức chung của các bên

Từ khi Bí thư Lưu Kỳ Bảo nêu ra ý tưởng về cấu trúc mới hợp tác khu vực "Một trục Hai cánh" đến nay, để tài này đã được bàn thảo sôi nổi trong các giới trong và ngoài nước, và đã được nâng lên tầm cao của chiến lược quốc gia. Ý đồ chiến lược này đã được các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo khẳng định đầy đủ và ủng hộ tích cực, được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN hữu quan đáp ứng tích cực và nhận thức chung rộng rãi. Tuy tham gia khu hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng chỉ có một bộ phận của Trung Quốc, nhưng sự hợp tác và phát triển kinh tế khu vực vành đai Vịnh Bắc Bộ không chỉ nên trở thành trọng điểm của chiến lược phát triển của Trung Quốc và chính quyền địa phương mà còn nên trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển của các nước hữu quan; nên đưa việc phát triển hợp tác khu vực kinh tế vành đai Vịnh Bắc Bộ vào trong chiến lược và quy hoạch tổng thể xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, làm cho nó trở thành một sàn đài mới về hợp tác tiểu vùng giữa hai bên trong khuôn khổ "10+1".


1. Tại Trung Quốc

Từ khi hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng được đề ra đến nay, đã nhận được nhận thức chung rộng rãi trong nước, và được sự khẳng định đầy đủ của các nhà lãnh đạo Trung ương Trung Quốc. Tháng 3/2007, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào một lần nữa đề nghị phải tích cực tham gia hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, và nhấn mạnh khi xúc tiến hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng cần phải lấy xây dựng giao thông vận tải làm đầu. Tháng 10/2006, tại Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 3 tại Nam Ninh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thay mặt Chính phủ Trung ương chính thức đưa ra đề nghị "tích cực thăm dò khả năng triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, khiến cho hợp tác kinh tế tiểu vùng trở thành một điểm sáng mới về hợp tác kinh tế - mậu dịch Trung Quốc-ASEAN. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 10 ở Philippin tháng 1/2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa để nghị tích cực thăm dò khả năng hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Thống đốc Ngân hàng Phát triển Quốc gia Trung Quốc Trần Nguyên nói rằng hiện nay, việc phát triển khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng đứng trước cơ hội có tính lịch sử hiếm có, Ngân hàng Phát triển sẽ tiếp tục ủng hộ sự hợp tác và phát triển khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cùng tiếp thêm sức sống mới cho việc xây dựng FTA Trung Quốc-ASEAN.

Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Lý Dũng cho rằng FTA Trung Quốc-ASEAN đang từ ý tưởng trở thành hiện thực tốt đẹp, hợp tác kinh tế khu vực đang phát huy vai trò ngày càng quan trọng. Vịnh Bắc Bộ là con đường thông quan trọng nối liền Trung Quốc với các nước ASEAN, bởi vậy Hợp tác kinh tế tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng có sự hỗ trợ lẫn nhau với Hợp tác tiểu vùng Đại Mekong, và sẽ tiếp thêm sức sống mới cho hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Thiều Kỳ Vĩ bày tỏ rằng cần phải “thúc đẩy triển khai hợp tác thiết thực giữa các ngành du lịch, tổ chức ngành nghề, thành phố du lịch và doanh nghiệp du lịch các nước và khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, thúc đẩy thành lập cơ chế kinh doanh liên hợp du lịch khu vực nhiều bên và hai bên, thúc đẩy mở cửa thị trường du lịch khu vực cho nhau, thúc đẩy hơn nữa sự tiện lợi hóa xuất-nhập cảnh du lịch".

Các tỉnh-thành phố sau lưng khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng là Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam tỏ ra rất tích cực, bày tỏ rằng phải hoàn thiện hơn nữa đường thông ra biển cho vùng Tây Nam, chủ động hội nhập hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cùng đạt được sự phát triển mới về hợp tác khu vực. Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính Hiệp) tỉnh Quý Châu Đường Thế Lễ cho rằng đẩy nhanh khai phá và xây dựng khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ có lợi cho việc tăng nhanh xây dựng đường thông ra biển cho khu vực Tây Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Quý Châu, nâng cao trình độ mở cửa với bên ngoài. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lưu Bình bày tỏ: Tăng nhanh khai phá và xây dựng khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy sự hợp tác và phát triển kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa trọng đại, có ảnh hưởng sâu xa. Vân Nam, một trong những tỉnh tuyến đầu mở cửa với ASEAN, sẽ tích cực tham gia và thúc đẩy thiết thực hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ, đóng góp xứng đáng cho việc mở rộng cửa với ASEAN.


2. Nhận thức chung của ASEAN

Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng từng bước đạt được nhận thức chung của các nước ASEAN. Tháng 10/2006, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc gặp Lưu Kỳ Bảo ở Nam Ninh cho rằng ý tưởng mới về hợp tác kinh tế khu vực "Một trục, Hai cánh" giữa Trung Quốc-ASEAN có ý nghĩa chiến lược đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Singapore hoàn toàn ủng hộ và sẽ nỗ lực thúc đẩy thực hiện ý tưởng mới này. Singapore cho rằng cùng nhau xúc tiến hợp tác xuyên Vịnh Bắc Bộ phải bắt đầu từ việc tăng cường hợp tác về công trình cơ sở giao thông, nối liền các đầu mối giao thông quan trọng với nhau. Nếu toàn bộ các tuyến đường bộ, đường sắt từ Nam Ninh đến các nước ASEAN được nối thông với nhau thì sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đồng thời còn phải lợi dụng có hiệu quả sự nối kết trên biển, phát huy đầy đủ vai trò của các cảng biển. Cựu Tổng thống Indonesia Suharto tán thành và ủng hộ hợp tác kinh tế Xuyên Vịnh Bắc Bộ, cho rằng có thể triển khai hợp tác cùng có lợi về các mặt cảng biển, ngành nghề, du lịch, tài chính ngân hàng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Tổng thống Philippin Arroyo ủng hộ hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tán thành coi vận tải cảng, kết nối ngành nghề, phát triển du lịch, hỗ trợ tài chính ngân hàng và đầu tư mậu dịch là các lĩnh vực trọng điểm tiến hành hợp tác, và thực hiện đột phá từ mặt vận tải cảng, tác động đến sự hợp tác về các mặt khác. Tán thành thành lập nhóm chuyên gia xuyên quốc gia về hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tiến hành nghiên cứu về hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, triển khai quy hoạch, thiết kế hạng mục, xây dựng cơ chế. Thủ tướng Lào bày tỏ ủng hộ đề xuất và kiến nghị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về tích cực thăm dò hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, bởi vì việc hợp tác này sẽ mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, nhất là hợp tác về kinh tế. Kiến nghị này cũng sẽ có tác động tích cực đối với việc giải quyết vấn đề nghèo khó của Lào. Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nông Đức Mạnh tán thành ý tưởng mới hợp tác kinh tế khu vực "Một trục, Hai cánh" Trung Quốc-ASEAN, và cho rằng Việt Nam và Quảng Tây cần phải cùng nhau xúc tiến hợp tác kinh tế mậu dịch, đầu tư, thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng các công trình cơ sở về đường cao tốc, đường sắt, cảng. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ việc trên cơ sở hợp tác " Hai hành lang, Một vành đai", thúc đẩy ý tưởng hợp tác khu Vực “Một trục, Hai cánh". Phía Việt Nam sẵn sàng cùng với các đồng chí Quảng Tây và Trung Quốc tiến hành thương lượng và thăm dò về quy hoạch cụ thể, nội dung hợp tác và biện pháp thực hiện "Một trục, Hai cánh". Trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN, xúc tiến hơn nữa sự hợp tác "Hai hành lang, Một vành đai", tiến tới thúc đẩy sự hình thành cục diện mới về hợp tác "Một trục, Hai cánh", điều này không chỉ có lợi cho hai nước Việt- Trung, mà còn có lợi cho toàn khu vưc Đông Nam Á [2] .

Những biểu thị thái độ tích cực này của lãnh đạo các nước Vịnh Bắc Bộ mở rộng chứng tỏ hợp tác kinh tế Vịnh Bắc -Bộ mở rộng đã đạt được nhận thức chung và sự ủng hộ của các nước hữu quan.


3. Nhận thức chung quốc tế

Ý tưởng về hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng nhận được sự khẳng định và ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Người được giải Nobel về Kinh tế năm 1996 Moris chỉ ra rằng hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực. Nếu các bên hợp tác có thể đạt được nhận thức chung về các mặt vận chuyển, mậu dịch và tiến hành giao tiếp thật tốt, thì khu vực này trong 10 năm tới sẽ trở thành khu vực tăng trưởng phấn chấn lòng người nhất. Một người được giải Nobel về Kinh tế học khác Mendel cho rằng hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore là một sự mở đầu rất tốt. Ông đề nghị cần phải tăng mạnh đầu tư về mặt xây dựng đường sá, tăng cường xây dựng cảng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Greenwood bày tỏ rằng ADB sẽ áp dụng phương thức có hiệu quả hơn để hỗ trợ hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, sẵn sàng đầu tư xây dựng đường sắt nối Nam Ninh với Singapore, thúc đẩy sự hình thành “Một trục" hành lang kinh tế trong "Một trục, Hai cánh" hợp tác khu vực Trung Quốc-ASEAN. Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký ASEAN Nicolas Dandi Damon (tên phiên âm từ chữ Hán) bày tỏ rằng Hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng sẽ là bộ phận cấu thành quan trọng của hợp tác ASEAN-Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của FTA ASEAN-Trung Quốc. Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng khiến các nước ASEAN phấn chấn, nhiều nước đều nhìn thấy tiềm lực hợp tác to lớn do ý tưởng này đem lại. Thời cơ đẩy nhanh hợp tác đã chín muồi, điều then chốt của bước đi tiếp theo là trúc tiến hợp tác.


4. Quyết tâm biến nhận thức chung thành hành động

Xây dựng Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng phù hợp với lợi ích chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, có lợi cho việc làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN hướng tới hoà bình và thịnh vượng. Hiện nay, việc quan trọng nhất là trên cơ sở nhận thức chung của các bên về hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tiến hành ký kết tuyên bố hành động chung của các bên hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tuyên bố thành lập Khu hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng; tiếp đó, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo "10+1" ASEAN-Trung Quốc, xác nhận Khu hợp tác kinh tế Tiểu vùng này. Khi còn chưa chính thức tuyên bố thành lập Khu Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, có thể trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN, các bên cùng nhau triển khai một số hợp tác về ngành nghề, như hợp tác về cảng, hợp tác về du lịch trên biển Vịnh Bắc Bộ mở rộng, hợp tác về trao đổi thông tin, hợp tác về hội thảo học thuật và nghiên cứu tiền hợp tác; giữa các nước có thể làm trước việc triển khai hợp tác ở các vùng tiếp giáp nhau; như "Hai hành lang, Một vành đai” Trung-Việt đã trở thành chiến lược quốc gia, có thể trước hết triển khai những sự hợp tác hữu quan như nối liền đường giao thông, tiện lợi hóa cửa khẩu; đến khi thời cơ chín muồi, những sự hợp tác song phương này có thể nhanh chóng tiếp nhận sự hợp tác nhiều bện mà trở thành khu hợp tác tiểu vùng.


III. Phương pháp xúc tiến

Khu hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng có phạm vi rộng lớn, sự hợp tác nên khởi đầu từ nội bộ ASEAN hay là nên khởi đầu từ nội bộ Trung Quốc, hoặc nếu khởi đầu từ sự kết hợp Trung Quốc-ASEAN, đều là những điều cần phải cân nhắc lợi hại rồi mới có thể quyết sách được. Song dù là khởi động đầu tiên từ nội bộ ASEAN hay là từ nội bộ Trung Quốc đều không lợi cho việc huy động sự tích cực tham gia của bên kia, do vậy, chỉ có đem lại sự hợp tác cùng thắng lợi thì mới thành công. Bởi vậy việc trước tiên khởi động hợp tác vùng ven Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam và hợp tác vùng tăng trưởng mạn Đông ASEAN là đáng để các bên suy xét. Đặc biệt là hạng mục hợp tác "Hai hành lang Một vành đai" Trung-Việt có thể khởi động trước tiên. Xét tới Khu Vịnh Bắc Bộ mở rộng đều là các nước có biển, sự hợp tác về cảng và vận chuyển cảng sẽ trở thành lĩnh vực ưu tiên triển khai hợp tác của Khu Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.


1. Những bên tham gia:

Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng không chỉ cần có sự tham gia của các ngành chính quyền hữu quan mà còn cần có sự tham gia chung ở các góc độ khác nhau của các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu và đông đảo các nhà doanh nghiệp. Bởi vậy, các cơ quan, nhà doanh nghiệp này tạo thành những người tham gia quan trọng của hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.
  1. Các ngành quản lý chức năng hữu quan chính quyền. Chính quyền là lực lượng chủ đạo thúc đẩy hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, các ngành quản lý chức năng của nó sẽ trở thành người tham gia quan trọng của hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng và chủ yếu chế định quy hoạch phát triển tổng thể hợp tác khu vực; chế định quy tắc chơi, biện pháp chính sách cụ thể để dẫn dắt các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kế hoạch của chính quyền xây dựng sàn đài phát triển hợp tác. Quần thể này, liên quan đến các ngành quản lý các ngành nghề, có vai trò thay mặt chính quyền triển khai ý chí và phương hướng hợp tác kinh tế khu vực.

  2. Doanh nghiệp và nhà doanh nghiệp. Đây là nhân vật chính của hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, không có sự tham gia của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà doanh nghiệp xuyên quốc gia, thì phần lớn các hạng mục hợp tác sẽ không thể xây dựng được, hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng sẽ không thể tiến triển được. Quần thể này là những người tham gia quan trọng nhất của hợp tác khu vực mà chính phủ dựa vào để xúc tiến. Bởi vậy, chế định chính sách ra sao để dẫn dắt và huy động tính tích cực tham gia xây dựng khu hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng của các doanh nghiệp và doanh nhân, sẽ trở thành công tác ưu tiên của chính phủ để thúc đẩy hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

  3. Các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ có thể hỗ trợ về tiền vốn, dịch vụ công nghệ cho hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Như ADB không chỉ có thể cung cấp sự hỗ trợ về tiền vốn cho hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng, mà còn có thể đảm nhiệm vai trò người tổ chức cho khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Kế hoạch Tiểu vùng Đại Mekong cung cấp kịch bản cho hợp tác kinh tế trong tương lai của khu vực vành đai Vịnh Bắc Bộ. [3]

  4. Các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan báo chí và các học giả chuyên gia. Việc thực hiện Quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển và hạng mục cụ thể của hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng đều cần tới sự nghiên cứu luận chứng khoa học và sự tuyên truyền báo chí đầy đủ của các cơ quan nghiên cứu báo chí và học giả chuyên gia, cung cấp dịch vụ về tư vấn quyết sách cho chính quyền và doanh nghiệp, và tuyên truyền rộng ra trong và ngoài khu vực.

2
. Mô hình hợp tác

Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều nước, các mặt về chính sách, thể chế, tín ngưỡng tôn giáo và bố trí tài nguyên của các nước không giống nhau, vì vậy chỉ dùng một mô hình để liên kết các ngành nghề trong khu vực thì rất khó khăn, cần phải có nhiều mô hình hợp tác linh hoạt. Hiện có 3 mô hình hợp tác chủ yếu đáng được xem xét:
  • Thứ nhất là mô hình hợp tác do một nước trong khu vực làm chủ đạo, phối hợp với một nước khác hoặc vài nước khác tiến hành hợp tác phát triển song phương hoặc nhiều bên. Như "Tam giác phát triển Singapore-Johor Baharu-Kep Riau là sự hợp tác phát triển song phương giữa Singapore và vùng Johor Baharu (Malaysia) do Singapore chủ đạo và sự hợp tác phát triển song phương giữa Singapore và quần đảo Kep Riau (Indonesia).

  • Thứ hai là mô hình hợp tác do một ngân hàng quốc tế như ADB chủ đạo hạng mục và cung cấp sự hỗ trợ tiền vốn nhất định, hình thành cơ chế quyết sách hợp tác nhất định, liên hợp cùng phát triển giữa các nước trong khu vực, như hợp tác tiểu vùng Đại Mekong.

  • Thứ ba là mô hình hợp tác lấy các nước, các chính phủ làm chủ đạo, lấy sự liên kết giữa các doanh nghiệp làm chủ thể hợp tác, như hợp tác doanh nghiệp Quảng Đông-Hongkong-Macau trong khuôn khổ châu thổ Châu Giang mở rộng.
Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng nên lấy chính phủ làm chủ đạo, lấy doanh nghiệp làm chủ thể thúc đẩy hợp tác khu vực, đòi hỏi các nước hợp tác tích cực hành động. Xét tình hình hiện nay, việc lấy mô hình hợp tác tiểu vùng Đại Mekong làm mô hình hợp tác tổng thể dễ được các bên chấp nhận; đồng thời trong khu vực, sự hợp tác giữa hai thành viên hoặc trên hai thành viên theo mô hình thứ nhất cũng là mô hình hợp tác có hiệu quả khả thi.


3. Hạng mục xúc tiến

Dưới sự chỉ đạo theo nguyên tắc của “Hiệp định khung về hợp tác toàn diện Trung Quốc-ASEAN", các bên xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới bình đẳng tin cậy lẫn nhau, cùng ưu đãi cùng có lợi, phát huy vai trò của sàn đài Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN. Các bên xoay quanh sự tiện lợi hóa giao thông vận tải, du lịch, cảng, đầu tư và mậu dịch, các lĩnh vực hợp tác trong điểm mậu dịch, vườn công nghiệp, khoáng sản, năng lượng, gia công chế tạo, khai thác tài nguyên nhân lực, lấy ngành nghề làm chỗ dựa, hợp tác phát triển các hình thái kinh tế cửa khẩu, kinh tế đường thông, kinh tế bến cảng, kinh tế biển cả, thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực phát triển toàn diện.
  1. Xúc tiến sự khai thác và hợp tác hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, phát triển kinh tế đường trục. Trước hết, bắt đầu làm từ những hợp tác mậu dịch, du lịch vừa dễ triển khai nhất, vừa có cơ sở tương đối tốt, nhanh chóng xúc tiến hành động. Tiếp đến ra sức nối liền phát triển hệ thống vận tải đường bộ, đường sắt hiện đại hóa tiện lợi nhất giữa hai địa phương Nam Ninh và Singapore, bao gồm các hạng mục như hạng mục đường bộ cao tốc Nam Ninh-Singapore và hạng mục xây dựng mới và cải tạo đường sắt Nam Ninh-Singapore. Thứ ba là "căn cứ vào quy luật phát triển vành đai kinh tế "Điểm-Tuyến-Diện", thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác giữa các thành phố trọng điểm trên hành lang Nam Ninh-Singapore. Thứ tư là hợp tác phát triển hành lang Nam Ninh-Singapore trước hết bắt đầu từ Hành lang kinh tế Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng trong "Hai hành lang Một vành đai", từ gần đến xa, vận hành theo đoạn, tức là đầu tiên làm hành lang Nam Ninh-Hà Nội, sau đó làm hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Bangkok, cuối cùng làm hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Viêng Chăn-Bangkok-Kuala Lampur-Singapore, trong tiến trình này phải lợi dụng. đầy đủ đường thông miền giữa Việt Nam-Lào và ”hành lang Đông-tây". Thứ năm là thúc đẩy sự hợp tác tiện lợi hóa cửa khẩu về hàng hóa và người giữa các cửa khẩu hai nước.

  2. Thúc đẩy hợp tác kinh tế biển cả Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Phát huy vai trò của Vịnh Bắc Bộ là "Con đường vàng" trên biển tiện lợi nhất, quan trọng nhất nối liền giữa Trung Quốc và ASEAN, bám sát nguồn tài nguyên biển cả phong phủ của khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, làm sâu sắc toàn diện sự hợp tác biển cả trong khu vực. Trước hết tăng cường hợp tác về bến cảng Vịnh Bắc Bố, ưu hóa tổng hợp nguồn tài nguyên bến cảng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, phát huy ưu thế độc đáo của các cảng, thúc đẩy chiến lược nhất thể hóa vận chuyển hàng hóa bến cảng khu kinh tế hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, hình thành ưu thế chỉnh thể về bến cảng và vận chuyển khu vực. Đồng thời, còn phải ra sức thúc đẩy hợp tác khu vực về 5 ngành nghề lớn về biển cả là nghề cá biển, nghề vận tải biển, nghề khoáng sản biển, nghề du lịch biển, và các ngành nghề biển mới nổi lên, hình thành kinh tế biển cả khu vực vừa có phân công vừa có hợp tác.
    Còn phải tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường biển Vịnh Bắc Bộ, phòng ngừa ô nhiễm và phá hoại môi trường biển, không ngừng ưu hóa, nâng cao chất lượng và trình độ môi trường khu kinh tế hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

4
. Xây dựng sàn đài hợp tác
  1. Lấy Hội chợ - triển lãm Trung Quốc-ASEAN làm sàn đài hợp tác kinh tế mậu dịch Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN tổ chức ở Nam Ninh đã trở thành vũ đài quan trọng triển khai hợp tác giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa Trung Quốc-ASEAN. Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN đều hết sức ủng hộ và coi trọng Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN, mỗi kỳ Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc và các nước ASEAN đều cử các nhà lãnh đạo quốc gia hoặc các bộ trưởng kinh tế mậu dịch tham dự, cùng bàn thảo kế sách lớn phát triển hợp tác Trung Quốc-ASEAN, chứng tỏ chính phủ các nước tràn đầy hi vọng và niềm tin đối với việc xây dựng FTA Trung Quốc-ASEAN. Hội chợ-triển lãm và hội nghị cấp cao thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN là một hành động thực tế thúc đẩy xây dựng FTA Trung Quốc-ASEAN, làm sâu sắc toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, cung cấp sàn đàn quan trọng cho các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành hợp tác về mậu dịch hàng hóa, thương lượng đầu tư hợp tác kinh tế kỹ thuật. [4]

    Hội chợ-triển lãm không chỉ là ngày hội lớn về kinh tế mậu dịch của Trung Quốc và ASEAN, mà đồng thời cũng là sàn đài tốt nhất để thúc đẩy các. loại hợp tác tiểu vùng Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ tư năm 2007 đã chú trọng giới thiệu các thành phố cảng quyến rũ, mục đích là để thúc đẩy sự hợp tác về cảng và vận tải cảng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Đây cũng là. hành động cụ thể thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng Hội chợ-triển lãm hoàn toàn có thể được coi là sàn đài hợp tác kinh tế mậu dịch Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

  2. Xây dựng sàn đài giao lưu, đưa diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng trở thành hoạt động thường xuyên. Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng khác với các khu hợp tác thông thường trong nước, liên quan đến nhiều nước, lĩnh vực rộng lớn, có rất nhiều vấn đề cần phải có một quá trình tìm hiểu nhận thức, mỗi bước hợp tác và mỗi hạng mục hợp tác đều có một quá trình đi đến nhận thức chung. Để cho các bên có thể phát biểu đầy đủ ý kiến, hiểu được kiến nghị và ý đồ của đối tác, có thể trên cơ sở làm tốt nghiên cứu khả thi, đưa hai diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đã được tiến hành thành công hai kỳ tại Nam Ninh trở thành diễn đàn thường xuyên, dưới tiền đề đạt được nhận thức chung, có thể luân lưu tiến hành diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng ở các bên hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Để thúc đẩy sự hợp tác về các lĩnh vực, tốt nhất nên tổ chức một số diễn đàn có tính chuyên ngành, như các diễn đàn về phát triển và bảo vệ ngư nghiệp, hợp tác du lịch, hợp tác giao thông, bảo vệ môi trường, để các bên có thể tìm hiểu lẫn nhau và đạt được ý kiến nhất trí.

5. Xây dựng cơ chế hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng nhiều tầng nấc

Hợp tác kinh tế tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng liên quan đến vấn đề hợp tác trong nước và ngoài nước. Về đối nội, cần sự hiệp đồng của các bên trong nước để có hành động phối hợp nhất trí trong việc hợp tác với bên ngoài; về đối ngoại, cũng cần có sự nhận thức chung và phối hợp hành động của các nước hữu quan. Điều này đòi hỏi phải thiết lập cơ chế hợp tác nhiều tầng nấc khác nhau, bao gồm cơ chế song phương và đa phương; cơ chế về chính trị, về kinh tế; cơ chế của chính phủ, của dân gian, để giải quyết các vấn để ở các cấp độ khác nhau, với các tính chất khác nhau trong khu vực. Đồng thời, cơ chế hợp tác kinh tế tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và cơ chế hợp tác hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore cũng không thể tách rời nhau, chỉ có kết hợp hai cơ chế này với nhau thành một chỉnh thể thì mới có thể tránh được sự phức tạp rắc rối về cơ chế hợp tác, mới phù hớp với lợi ích chỉnh thể, giúp ích cho sự phát triển chỉnh thể của khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Xây dựng các cơ chế hợp tác có phạm vi khác nhau trong khu vực để phối hợp điều hoà các vấn đề hợp tác về chỉnh thể và cục bộ trong khu vực, chủ yếu biểu hiện ở cơ chế hợp tác nhiều bên và cơ chế hợp tác hai bên.
  1. Cơ chế hợp tác nhiều bên: Chủ yếu là cơ chế hợp tác của các bên hợp tác để chế định mục tiêu chung trong khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, giải quyết các vấn để chung trong khu vực, như chế định mục tiêu hợp tác khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, khung hợp tác, chế độ hợp tác, cách thức giải quyết tranh chấp, những điều này đòi hỏi các bên hợp tác có hành động chung sau khi đạt được nhận thức chung và ý kiến thống nhất. Xây dựng khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng bức thiết đòi hỏi xây dựng cơ chế hợp tác nhiều bên, đặc biệt là cơ chế hợp tác cấp cao, như hội nghị các nhà lãnh đạo, hội nghị quan chức cấp cao về kinh tế mậu dịch, để giải quyết các vấn đề trọng đại của việc hợp tác trong khu vực. Các vấn đề trọng đại như vấn đề xây dựng nhận thức chung về khư hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, vấn đề khuôn khổ hợp tác, vấn đề chế định mục tiêu hợp tác đều cần phải có cơ chế hợp tác cấp cao thì mới có thể giải quyết. Còn có một loại cơ chế hợp tác nhiều bên đặc thù tức là xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước trong khu vực với các nước và tổ chức quốc tế khác, như cơ chế hợp tác giữa các nước Vịnh Bắc Bộ mở rộng với ADB hoặc Ngân hàng Thế giới, để tăng cường năng lực tài chính tiền tệ ngân hàng của hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Trước hết phải thành lập nhóm chuyên gia xuyên quốc gia về hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, do các quan chức và chuyên gia của những nước Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan ADB hợp thành, để triển khai công tác nghiên cứu tiền đề của khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng từ các mặt nghiên cứu quy hoạch, thiết kế hạng mục, xây dựng cơ chế phụ trách nghiên cứu chuyên đề và thúc đẩy hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

  2. Cơ chế hợp tác hai bên là cơ chế hợp tác được các bên hợp tác thành lập để giải quyết các vấn đề giữa hai bên. Các vấn đề này thường chỉ liên quan đến việc hợp tác giữa hai bên, như vấn đề nối kết giao thông song phương, xây dựng và nối kết cửa khẩu biên giới, quan hệ kinh tế mậu dịch song phương. ở đây phần nhiều là sự hợp tác giữa hai nước có chủ quyền. Trong khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, chính quyền địa phương Trung Quốc phải tuân thủ sự chỉ đạo của phương châm ngoại giao quốc gia, trong khuôn khổ của các hiệp định (hiệp ước) quốc tế mà Trung Quốc ký kết với các nước khác, chú trọng tập trung lấy xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế mậu dịch song phương ở tầng nấc khá thấp là chính, lấy cơ chế hợp tác kinh tế mậu dịch có tính hành chính, cấp tỉnh làm hình thức chủ yếu. Chính quyển địa phương có thể theo sự uỷ quyền của các ngành hữu quan chính phủ trung ương hoặc trong phạm vi quyền hạn của mình thay mặt quốc gia triển khai những sự hợp tác kinh tế mậu dịch này, xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế mậu dịch với các quốc gia xung quanh.



[1]Giáo sư Cổ Tiểu Tùng là Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây. Bài viết này đăng trên tạp chí Ðông Nam Á tung hoành.
[2]Dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng năm 2007” đăng trong tập Kỷ yếu về Diễn đàn này do Đại học Sư phạm Quảng Tây phát hành năm 2007.
[3]Phát biểu của Phó Thống đốc ADB Lin den (phiên âm từ chữ Hán) tại phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế Vành đai Vịnh Bắc Bộ lần đầu tiên tại Nam Ninh ngày 20/7/2006.
[4]Phát biểu của Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi tại Hội chợ-triển lãm Trung Quốc-ASEAN.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam, Kinh tế quốc tế tham khảo, chủ nhật 02/3/08 tr. 4-14.