trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
23.10.2008
Lê Diễn Đức
Đế chế Putin thời dầu hạ giá
 
Trong hai tuần qua, Hoa Kỳ, nhóm các quốc gia phát triển nhất thế giới G7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), 27 nước thành viên của Liên hiệp châu Âu đã có những quyết định quan trọng và gần như thống nhất nhau về chiến lược hành động nhằm cứu vãn kinh tế thế giới trước khủng hoảng tài chính.

Thế nhưng, số tiền khổng lồ được bơm vào dòng chảy tiền tệ hầu giữ cho hệ thống tài chính không bị rối loạn - 700 tỷ $ (Hoa Kỳ); 45 tỷ $ (Nhật Bản); 50 tỷ £ (Anh Quốc); 100 tỷ € (Áo); 470 tỷ € (Đức) và hàng chục tỷ của nhiều các ngân hàng các nước khác - vẫn chưa cho thấy sự yên ổn nào trong sinh hoạt của thị trường chứng khoán và tín dụng. Ta có cảm tưởng các sàn chứng khoán trên thế giới đang như một gã trong tình trạng say rượu, lâng lâng lội bộ về nhà nằm trên đèo cao. Bất kỳ một tin vui, buồn nào từ Phố Wall bên kia bờ Đại Tây dương đều như cơn gió thổi hắt vào mặt làm anh ta chợt tỉnh, rồi cố gắng leo lên, có khi ngồi lại suy tính hoặc quyết định đi trở xuống cho an toàn, rồi lại leo lên…


Túi ông chủ khi giá hàng biến động

Vào ngày 11 tháng 7 năm 2008, khi dầu mỏ đạt giá kỷ lục với hơn 150 $ / thùng, các ông chủ của tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới GAZPROM tại Moskva đã tuyên bố với báo chí nước ngoài rằng, trị giá cổ phiếu của GAZPROM trong đầu thập kỷ tới sẽ đạt tới 1 ngàn tỷ $. Thứ trưởng Bộ Thương mại Nga cảnh báo mọi người một tương lai không xa với 200 $ / thùng.

Sự lạc quan của các nhà doanh nghiệp Nga không kéo dài được bao lâu. Từ thời điểm đó đến nay, mới chỉ trong vòng 4 tháng, giá dầu đã giảm đi hơn một nửa, vào ngày thứ Năm (16/10/2008) đã xuống dưới cả mức tâm lý 70$ / thùng. Chỉ với thông tin này, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nga sụt đi 10%.

Giá trị của GAZPROM đi theo chiều của lực hút trái đất, lần đầu tiên từ năm 2006 nằm dưới 100 tỷ $, vào ngày thứ Năm chỉ còn 98,5 tỷ $ và giảm thêm 10% trong ngày tiếp theo. Đơn giản một điều, khi giá dầu giảm thì đương nhiên khí đốt mà GAZPROM đang bán (với giá cao chọc trời) sẽ sụt đi nhanh chóng.

Kể từ khi cầm quyền, Putin đã tăng cao mức thuế xuất khẩu đánh vào các công ty dầu khí của Nga. Số tiền này chỉ trong vòng mấy năm qua đã làm cho dự trữ ngoại tệ của Nga đạt mức gần 600 tỷ $, giúp nhà nước Nga thanh toán được các khoản nợ nước ngoài và tăng ngân sách trợ cấp xã hội, tạo được cảm tình lớn đối với dân chúng. Tập đoàn Jukos của Khodorkovsky bị phá sản là chính vì lý do này: không có nguồn thu từ xuất khẩu, Jukos không thể chi trả cho nhà nước khoản thuế bất ngờ.

Trong tháng 9 vừa rồi, để trợ cứu các công ty dầu khí, Nga đã hạ thuế xuất khẩu, giúp họ tiết kiệm được 5,5 tỷ $. Nhưng cũng chỉ như làn gió nhẹ giữa sa mạc nóng bức.

Theo nhật báo Kommiersant tuần qua, Thủ tướng Putin hứa sẽ chi thêm 9 tỷ $ tiền mặt cho các tập đoàn dầu khí lớn nhất. GAZPROM, trước đó ít lâu khẳng định chưa cần tới giúp đỡ của nhà nước, nay cũng sẵn sàng nhận 1 tỷ $ từ số tiền kể trên.

Khủng hoảng tài chính đã và đang gây hậu quả dây chuyền cho tất cả các nước, từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam, với mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào tình trạng kinh tế và cơ cấu tài chính của từng nơi. Riêng nước Nga, tình hình lẽ ra có thể đỡ tệ hại hơn nếu trước đó không phải đối đầu với sự bất ổn tài chính khác từ cuộc chiến Gruzia, khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ào ạt chạy ra khỏi Nga (khoảng 27 tỷ $). Trong hai tuần gần đây nhất, dự trữ ngoại tệ của Nga đã bốc hơi 32 tỷ $, còn kể từ khi bùng nổ cuộc chiến Gruzia, tức từ đầu tháng 8 đến nay – 67 tỷ $ – tức là hơn 1/10. Cần biết rằng, dự trữ ngoại tệ của mỗi quốc gia được giữ dưới nhiều hình thức: tiền mặt, vàng, bạc, trái phiếu hoặc cổ phiếu…

Trong tình hình hiện tại, chính phủ Nga dự tính sẽ phải cần thêm 86 tỷ $ từ nguồn dự trữ để ứng cứu các tập đoàn và thị trường tài chính.


Lòng tham khi tiền rủng rỉnh

Khi tiền rủng rỉnh và quá lạc quan trước mức độ tăng tiến của công ty mình, các ông chủ Nga đã vươn tay ra các thị trường phương Tây. Các tập đoàn lớn của Nga khá manh lãnh. Họ vay vốn từ các ngân hàng phương Tây để phát triển và mua lại các hãng ngoại quốc, thường bằng cách thế chấp các cổ phần của các tập đoàn Nga hoặc của chính hãng mình mua. Khủng hoảng tài chính phát sinh ra vấn nạn nhức nhối: giá cổ phiếu của các công ty phương Tây và Nga đều sụt thảm hại. Các ngân hàng phương Tây đặt các ông chủ Nga trước bài toán không thể không giải: hoặc phải thêm tiền bảo hiểm hoặc bị thu lại các cổ phiếu thế chấp. Với giá hiện hành - tất nhiên!

Một ví dụ nhỏ. Nhà tài phiệt, tỷ phú người Nga - Alisher Usmanov, vay của Dresdner Bank 3,5 tỷ $ để mua 1,5% cổ phần của GAZPROM. Số cổ phần này được thế chấp cho hợp đồng vay, nhưng hiện nay chỉ còn trị giá khoảng 1,5 tỷ $. Do vậy, Usmanov hoặc để ngân hàng Dresdner Bank lấy hết số cổ phần và nợ 2 tỷ $, hoặc phải bỏ thêm vào ngân hàng 2 tỷ Đô để giữ lại.

Moskva đang vướng khúc xương khó nuốt. Nếu không trợ giúp các tập đoàn trả nợ, các cổ phiếu thế chấp sẽ lọt vào các ngân hàng phương Tây, điều này đồng nghĩa với việc một phần quan trọng của kinh tế Nga sẽ nằm ngoài biên giới Nga, trong tay các ông chủ tư bản khác – là điều Kremlin chẳng thích thú chút nào.

Theo tính toán đã được công bố, từ nay đến cuối năm, các tập đoàn Nga phải trả nợ khoảng 40 tỷ $ cho các ngân hàng nước ngoài, trong năm tới 80 tỷ $.

Một điều cũng đáng được lưu ý: chính sách của Moskva trợ cấp các tập đoàn - theo các nhà phân tích kinh tế - không xác định rõ ràng các nguyên tắc, do vậy họ lo ngại một phần số tiền đó có thể sẽ bị chảy vào các tài khoản cá nhân tại những thiên đường miễn thuế thu nhập mà các nhà tài phiệt Nga có mặt đông đảo.


Mua nến nhưng chưa trữ diêm và muối

Khủng hoảng tài chính không chỉ mang lại khó khăn cho riêng các tập đoàn dầu khí Nga. Cùng với giá dầu giảm, kéo xuống theo tiền thu từ thuế xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ không còn tăng, nếu không nói sẽ giảm sút. Trong khi đó, không phải chỉ các tập đoàn dầu khí - chủ chốt của nền kinh tế Nga - khó khăn, mà các ngành công nghiệp khác cũng đang gào lên cứu đói. Tập đoàn AvtoVaz sản xuất xe hơi Lada đang cần vay 1 tỷ $ để duy trì mạng lưới phân phối. Các nhà máy điện đang cần nhà nước trợ giúp 50 tỷ $ cho việc hiện đại hoá trang thiết bị. Nông dân, các nhà đầu tư xây dựng, các tập đoàn siêu thị… đều đang với tay xin tín dụng của ngân hàng.

Trong khi đó, hình ảnh của hệ thống ngân hàng Nga chẳng có gì sáng sủa. Trong tuần vừa qua, tin đồn các ngân hàng tại Ural - khu công nghiệp, kinh tế và khoa học quan trọng của Nga - có thể phá sản, dân chúng xếp hàng dài rút tiền, khiến ngân hàng hết nhẵn tiền mặt, phải ngưng chi trả. Sbierbank, ngân hàng dịch vụ lớn nhất của Nga phải cứu nguy nó bằng cách cho mượn 1,5 tỷ $.

Ngân hàng tư nhân Globecs thoát hiểm phá sản vì được Vniesheconombank mua lại với giá… 200$ và để được Ngân hàng Trung ương Nga cho vay 2 tỷ $! Nhật báo Viedomosti cho hay, Vniesheconombank cũng mua lại ngân hàng Svaiz-bank với giá 200$, cứu nhà tỷ phú A. Usmanov khỏi tiêu tùng 700 triệu $ để trong tài khoản tại ngân hàng này. Tương tự, ngân hàng tư nhân rất lớn KIT Finance hoạt động bằng quỹ hưu trí của GAZPROM trên bờ phá sản, đã được tổ hợp nhà nước gồm Đường sắt Nga và tập đoàn độc quyền xuất khẩu kim cương Alros mua lại. Khá nhiều ngân hàng Nga khác tạm ngưng cho vay tín dụng để tránh bị mất tiền.

Có vẻ như các nhà chính trị / tài phiệt ở Kremlin đang tìm cách cứu nhau. Cũng nên nhắc lại rằng, Thủ tướng Putin sở hữu nhiều cổ phần của GAZPROM và đương kim Tổng thống Nga, Medvedev - người do Putin chỉ định kế nhiệm – trước khi nhậm chức tổng thống là chủ tịch hội đồng quản trị GAZPROM.

Các nhà biên kịch và đạo diễn kinh tế Nga ở Kremlin vẫn đang cố giữ nét mặt bình thường trong cuộc chơi và khẳng định rằng, vấn đề giảm giá dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế Nga. Thế nhưng, người Nga bình thường vẫn nhớ thời Liên Xô cũ, nhà nước cũng đã có nhiều tham vọng với những kế hoạch phát triển to lớn dựa trên tiền đề dầu sẽ giữ giá cao. Nhưng khi giá bị sụt nhanh chóng, các kế hoạch đã bị xếp vào ngăn kéo và gánh nặng hàng ngày đổ xuống vai người dân.

Trong hai tuần gần đây, được biết người Nga đổ xô đi mua các đồ nhu yếu phẩm hàng ngày, kể cả nến phòng khi mất điện. Tuy nhiên chưa thấy ai tích trữ diêm và muối…

Warszawa 18/10/2008

© 2008 talawas