Xã hộiGiáo dục 16.11.2004
Nguyễn Thế
Cái danh và cái thực của giáo sư, phó giáo sư Việt Nam
Báo chí gần đây đưa tin Hội đồng phong Giáo sư (GS) và Phó giáo sư (PGS) đã phong chức danh này cho 37 GS và 302 PGS. Ðã hơn 20 năm qua, người ta coi GS, PGS là học hàm nhà nước phong cho một người, (như phẩm hàm triều đình ban tặng suốt đời) chứ không phải là một chức danh (tên gọi) của người làm nhiệm vụ giảng dạy có trình độ cao ở đại học (ÐH) và sau ÐH. Do vậy đã có khoảng 75% GS và PGS công tác ở các cơ quan, kể cả hành chính. Không giảng dạy ÐH. Con số GS, PGS của Việt Nam là 6.384 người (trong số này không biết có bao nhiêu người không đọc được một tờ báo nước ngoài chứ chưa nói chuyện giao tiếp với các nhà khoa học nước ngoài hay báo cáo công trình của mình bằng tiếng nước ngoài). Còn số lượng Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ thì Việt Nam có khoảng trên 20 ngàn người. Theo số liệu của Vụ đại học và sau đại học thì từ năm 1976 đến 2004, Bộ GD&ÐT đã cấp 38 bằng Tiến sĩ khoa học, 4.278 Phó tiến sĩ (thời kì chưa đổi tên gọi), Tiến sĩ 3.075 và Thạc sĩ do Bộ cấp là 24.049, Thạc sĩ do trường ÐH cấp từ 1999 là 7.026. Chưa kể mấy ngàn PTS đào tạo ở nước ngoài trước đây được chuyển tên gọi là TS. Người ta ước tính có khoảng trên 21.000 người làm khoa học (gồm GS, PGS, TSKH, TS…). Quy mô đào tạo dự tính từ nay đến năm 2010 sẽ có thêm 38.000 Thạc sĩ và 15.000 TS nữa! Xem những con số GS, PGS, TSKH, TS đó, không người nước ngoài nào lại không thấy nền giáo dục và khoa học nước ta là phát triển hơn nhiều nước trong khu vực và đáng khâm phục!
Nhưng để biết giáo dục và khoa học nước ta có phát triển hay không hãy nhìn vào thực tế đang diễn ra. Một nhận định chính thức rất chừng mực đã viết về nền giáo dục Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng: “Ðiều làm xã hội lo lắng là chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học nhìn chung còn thấp, cách dạy và học nặng về thuộc lòng, rất kém tính sáng tạo và năng lực thực hành, bệnh chạy theo thành tích còn rất nặng. Dư luận xã hội chưa thật yên tâm về nội dung và cách thức tiến hành cải cách giáo dục. Cơ cấu và chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến rõ nét, chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với tiến trình CNH-HÐH đất nước. Những mặt yếu kém tiêu cực trong công tác giáo dục, đào tạo chậm được khắc phục không chỉ làm ảnh hưởng xấu tới lớp trẻ ngày nay mà còn tác động đến các thế hệ nối tiếp…” (Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội kì họp thứ 4 khóa IX tháng 11-03).
Còn khoa học và công nghệ: hãy xem bộ mặt công nghệ, kĩ thuật ở nước ta, hoàn toàn do nhập khẩu từ nước ngoài, có rất ít đề tài, phát minh, sáng tạo được áp dụng trong sản xuất. Ðể cụ thể hơn, theo cách đánh giá của thế giới là xem con số các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học thế giới và số lần trích dẫn nó (citation index). Người ta đánh giá các nhà khoa học trên thế giới theo hai tiêu chí đó. Trong thời gian gần đây, hằng năm các nhà khoa học nước ta (chỉ tính do người Việt Nam làm tại Việt Nam) công bố được khoảng 340 công trình. Từ 1998 đến 2002, Việt Nam đã công bố gần 1500 công trình khoa học tự nhiên, (theo Viện thông tin khoa học Philadelphia, nhà xuất bản Elsevier Science) còn về khoa học xã hội và nhân văn thì hầu hết chỉ là minh hoạ, “nói theo”, hầu như không có công trình nào được đăng trên các tạp chí thế giới (?). Nếu tính bình quân số người làm khoa học và số công trình công bố thì trong một năm mỗi GS, PGS làm được 0, 065 công trình, (nghĩa là khoảng 200 nhà khoa học chỉ có hơn một người có công trình công bố), trong khi đó Thái Lan là 0,20 (có nghĩa là cứ 5 người làm khoa học thì có 1 người công bố công trình ra quốc tế), Malaysia là 0,37 (3 người thì có 1 người có công trình công bố)… Mấy chục ngàn học vị TS và GS, PGS sản xuất ra như vậy, không biết bao nhiêu phần trăm là “tiến sĩ giấy” và những ông “cửu phẩm”, “bát phẩm” ngồi chiếu trên nơi đình trung!
Nói đến chỉ số trích dẫn, phản ánh chất lượng của một số công trình khoa học của Việt Nam, ở trong nước thì như sau: Sinh học phân tử & Di truyền: 0,15; Kinh tế & Kinh doanh: 0,42; Vật lí: 0,50; Sinh học & Sinh hoá: 0,55; Khoa học vật liệu: 0,60; Công nghệ: 0,61; Khoa học máy tính: 0,62; Thực vật và động vật học: 0,63; Hoá học: 0,64; Các khoa học trái đất: 0,66; Sinh thái học & Môi trường: 0,79; Miễn dịch học: 0,82; Toán học: 0,84; Khoa học thần kinh& hành vi: 0,85; Vi sinh học: 0,87; Khoa học nông nghiệp: 0,91; Y học lâm sàng: 1.05; Dược học: 1,34; Các khoa học liên ngành: 2,04. (Số liệu theo báo Tia sáng số 16 tháng 9-2003)
Một mặt khác để đánh giá việc nghiên cứu và giá trị của các công trình của các TS, GS, PGS, là phải xét đến ứng dụng trong công nghệ của các công trình đã công bố đó, số lượng bằng sáng chế (patent) được thế giới công nhận và số tiền thu được do bán những bằng sáng chế đó cho nước ngoài ứng dụng. Có thể thấy Hàn Quốc, trong năm 2001 có đến 43.000 bằng sáng chế và thu được số tiền là 680 triệu USD, Trung Quốc là 3000 bằng sáng chế và thu về 130 triệu USD. Số bằng sáng chế và tiền thu được từ việc bán sáng chế thì trong bao nhiêu năm nay chưa có một cái nào made in Việt Nam! Các báo chí trong nước đã nói nhiều đến tình trạng các luận án, đề tài khoa học “đắp chiếu, phủ bạt”, và những học vị, chức danh chỉ là cái nhãn mác tô điểm cho bộ mặt “học giả” để dễ thăng quan tiến chức.
Phải làm thế nào để thúc đẩy những TS, GS, PGS làm nghiên cứu khoa học, không được “nằm vùng”, có nhiều người cả chục năm không có được một công trình nào công bố trong nước. Khi đào tạo PTS, TS, khi phong PGS, GS đã xuê xoa, gian dối “học giả bằng thật” chỉ cốt để có một địa vị trong bộ máy công quyền chứ không phải để làm khoa học nên số người này không thể nghiên cứu được là một điều tất yếu. Có lẽ đã đến lúc cần có những quy định đào thải những người không đáp ứng được cái chức danh GS, PGS để thúc đẩy họ làm việc khoa học. Các nhà khoa học Mỹ có một châm ngôn PP nổi tiếng là “publish or perish” (nghĩa là công bố công trình hay là chết lụi). Cần đặt ra quy định trong vòng 3 năm, một GS hay PGS nếu không có công trình nào thì chính Hội đồng phong chức danh cho họ trước đây nên xét và tước chức danh đó đi. Hiện nay người ta chỉ thấy họ hay chưng cái học vị, chức danh trên những bài báo xã hội làng nhàng để xếp hạng đăng trên những phóng viên và cộng tác viên không có chức danh như họ. Một Phó tiến sĩ sinh học (đã được đồng loạt đổi tên gọi là Tiến sĩ) được phong PGS rồi GS, rất ít làm KH trong cái bộ môn của mình, đi đến đâu cũng chỉ được người ta tiếp một lần (!), trong một năm đã viết hàng trăm bài báo đủ mọi vấn đề, không liên quan gì đến bộ môn sinh vật, bài nào trên báo cũng đề chức danh GS, phải chăng GS là cái cần câu để có mặt trên tờ báo và quảng cáo cho cái danh của mình?
Nên chăng các báo chí cũng góp phần triệt cái thói “háo danh” của những người này bằng cách khi đăng những bài viết của họ không nên chưng cái chức danh của họ ra, vì lẽ một TS hay GS một chuyên ngành rất hẹp, nói chung không thể nào có kiến thức bằng một chuyên viên cử nhân của một ngành khác, như vậy thì cái học vị TS hay chức danh GS kia có giá trị gì với một bài không phải chuyên ngành của họ. Hoặc các sách báo khi đăng bài của những người này, nếu họ muốn chưng cái học vị hay chức danh, thì nên ghi rõ cả bộ môn khoa học của cái học vị hay chức danh dưới tên bài báo như “GS triết học Mác Lê”, “TS tổ chức Đảng”, “GS lịch sử Đảng”… Chắc rằng nếu ghi rõ như vậy thì cái bệnh háo danh sẽ giảm bớt được khi viết những bài không phải bộ môn khoa học mà họ đã học. Giá trị một bài báo viết là ở nội dung của nó, hãy để cho người đọc nhận ra, không nên gắn thêm cái học vị hay chức danh thêm vào. Một người dù đã có học vị TS hay chức danh GS, khi đảm nhận một công tác trong bộ máy công quyền, viết bài, thì nên ghi các chức vụ công quyền như “Chủ tịch tỉnh X” vì người đó viết bài đó trên cương vị là chủ tịch tỉnh chứ không phải là một nhà khoa học. Chỉ nên ghi học vị, chức danh khoa học trong một công trình khoa học để cho người đọc và các nhà khoa học dễ đánh giá bài viết đó. Riêng đối với người nước ngoài, để tỏ lòng tôn trọng cũng có thể nêu cả học vị, chức danh khoa học trong những bài viết hoặc theo tập quán của nước họ để dễ theo rõi và đánh giá chất lượng bài viết.
© 2004 talawas
|