trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
24.11.2007
Phạm Toàn
Sai về phương pháp! Có thể có động cơ xấu!
 
Mấy hôm nay, thấy ồn ào về một hai bài báo “test nhanh” nghiên cứu sinh và tiến sĩ. Một người bạn than phiền có hai cô “nhà báo” (không nhớ tên vì anh quên không hỏi tên hai cô) đến trường gặp anh, nói năng qua loa vài câu chuyện, sau đó có ngay một bài “phỏng vấn” không đưa duyệt trước khi đăng, chủ ý rõ ràng là muốn qua đó mà “vạch mặt” những ai tương tự như anh là đồ tiến sĩ giấy.

Bạn bảo tôi tìm đọc và hỏi xem tôi nghĩ gì về mấy bài báo đó. Liệu những “test nhanh” đó có đủ “phơi bày” trình độ tiến sĩ của ta không? Tôi nghĩ không khó gì mà không thể có ngay mấy ý kiến như sau, xin viết ra mong các bạn cùng tham khảo.


1. Tầm tiến sĩ

Việc “test nhanh” không phải là chuyện mới mẻ. “Test nhanh” đủ sức cho kết quả nhanh trên số lượng lớn đối tượng được test. Song, “test nhanh” nghiên cứu sinh và tiến sĩ rồi rút ra kết luận tiến sĩ Việt Nam đương thời là tiến sĩ giấy có lẽ là một cách làm vội vã vì sai về phương pháp. Vì sao? Vì ta có thể thấy những câu hỏi “nhanh” đưa ra cho các nghiên cứu sinh và tiến sĩ trả lời đều không đúng tầm câu hỏi đặt ra cho tầng lớp đó. Đó chỉ là những câu hỏi chi tiết mà bất kỳ ai – xin nhấn mạnh: bất kỳ ai – dù là chuyên gia giỏi của một lĩnh vực, cũng có thể do quên hoặc nhầm, hoặc có khi vì không quan tâm (bạn tôi không nhớ số điện thoại chính căn hộ anh sống), nên câu trả lời có thể sai sót, không phản ánh đúng trình độ người được hỏi; nên coi đó là chuyện thường tình, không nên nâng lên thành trình độ tiến sĩ.

Vậy câu hỏi đặt ra là: thế nào mới đúng với trình độ (cái tầm) của bậc tiến sĩ? Đây là vấn đề sẽ liên quan tới phương pháp điều tra. Phương pháp điều tra sẽ sai và cho kết quả sai nếu không đứng cao hơn (hoặc ít ra cũng ngang bằng) cái tầm của đối tượng được điều tra.

Tầm của trình độ tiến sĩ nằm trong cách nghiên cứu và sau đó nằm trong luận án của người nghiên cứu sinh đó (trong đó đã có tính cả tác động của đề tài nghiên cứu đến cuộc sống thực). Cách nghiên cứu và sau đó sự thể hiện kết quả trên luận án phải bộc lộ rõ năng lực đi sâu vào một chuyên ngành, đồng thời nó phải có tầm đổi mới về lý thuyết và nhất là có sự thay đổi tích cực (hoặc độc đáo thì tốt nhất) về phương pháp nghiên cứu. Đánh giá một trình độ tiến sĩ trước hết là ở tầm đổi mới về lý thuyết đã. Dĩ nhiên có thể có câu hỏi: lý thuyết đâu mà lắm thế? Nên ở đây cần giới hạn lại: sự đóng góp mang tính “lý thuyết” có thể giới hạn ở chi tiết có tính lý thuyết hoặc vấn đề mang tính lý thuyết.

Song cái mới của một nghiên cứu tầm tiến sĩ cũng còn được thấy rất rõ trong cách nghiên cứu để tìm ra cái đóng góp mới về lý thuyết kia. Điều mới mẻ đó chính là sự đóng góp riêng của nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhờ đó mà anh/chị ta có thể nhận học vi cao kia.

Nếu ta đồng ý như vậy, thì mấy câu hỏi “test nhanh” của những người đi phỏng vấn (và đăng trên VieTimes) [1] chưa đủ tầm để đánh giá một tiến sĩ là thật hay là tiến sĩ không đúng tầm. Ngay cả VieTimes cũng hiểu sai cả khái niệm cơ bản, nhầm một cách ngớ ngẩn giữa “độc đáo” với “nguồn” [2] . Chưa kể là bản thân những người đi phỏng vấn đó nếu bị hỏi ngược trở lại thì cũng có thể bị lừa vào ngõ cụt vì những câu hỏi không đầu không đuôi. Chắc chắn họ cũng chỉ có thể đưa ra những câu trả lời sai hoặc không đúng hoặc lúng túng, và họ cũng sẽ rơi vào tình trạng các tiến sĩ đã bị họ bao vây và phơi xác ngoài chiến địa trước nụ cười gằn của những người cứ nghĩ rằng hễ vặn vẹo được một tiến sĩ tức là mình cao hơn một tiến sĩ.


2. Điều tra gì và thế nào?

Nếu những câu hỏi “test nhanh” bị coi là chưa đủ tầm để đánh giá trình độ thật của nghiên cứu sinh và tiến sĩ, thì ta nên làm theo cách gì nếu vẫn muốn tiến hành công việc đánh giá đó?

Nghĩ rằng, khi đó các vị nên tiến hành mổ xẻ hai mặt của vấn đề: công việc đào tạo tiến sĩ và công việc sử dụng năng lực tiến sĩ. Công việc mổ xẻ phân tích đó hết sức hệ trọng, liên quan đến cả một hệ thống quan điểm và thể chế, nên không thể và càng không nên tiến hành dựa vào những “test nhanh” tuỳ tiện và cẩu thả. Công việc mổ xẻ đó sẽ phải tiến hành bằng những công trình nghiên cứu đàng hoàng – và có thể biết trước rằng ta hoàn toàn có thể tìm được những số liệu thực chứng thuộc cả hai mặt đào tạo tiến sĩ và sử dụng tiến sĩ. Những người điều tra có thể đi tìm số liệu từ những căn cứ sau, mà đây chỉ là vài gợi ý:

Trước hết, nói về cách đào tạo, nhiều chuyên gia có nhận xét như sau: việc đào tạo tiến sĩ hiện nay không tiến hành bằng những công trình nghiên cứu mà mới dừng lại ở việc chữa luận văn cho nghiên cứu sinh. Nếu có ai muốn nghiên cứu vấn đề thì hãy đi tìm số liệu để kiểm tra xem nhận xét mang tính giả thiết như vậy có xác đáng không. Để làm điều này, chỉ cần thống kê ngẫu nhiên là đã có thể thấy phương pháp đào tạo tiến sĩ đã diễn ra như thế nào. Phải đi từ cái gốc là công việc đào tạo đó, để đứng từ bề cao đào tạo tiến sĩ mà đánh giá công việc, chứ không đứng từ tầm thấp của những chi tiết râu ria lặt vặt chưa hẳn là những “tri thức” cần cho nghiên cứu sinh và tiến sĩ.

Cùng với cách đào tạo là việc sử dụng phẩm chất bậc tiến sĩ. Không cần chờ tới sau khi lĩnh bằng, mà cả hai phương diện này (đào tạo và sử dụng) đều thể hiện ra từ bất cứ khâu nào, và ta có thể có được những số liệu đủ tin cậy ít nhất trên những mặt sau:
  • nhằm trả lời về tiến trình nghiên cứu: công việc đã được tiến hành thật hay không thật?
  • nhằm trả lời về phương pháp nghiên cứu: công việc được tiến hành mới mẻ hay không mới mẻ?
  • nhằm trả lời về kết quả cuối cùng: tác động tới đời sống có ích lợi thật tới đâu và luận văn viết ra phản ánh một độ tin cậy và có sức hấp dẫn tới đâu?
Những yếu tố thật, mới mẻ, ích lợi, tin cậy, hấp dẫn… là những điều không cần giải thích thêm trong một bài phát biểu ngắn.

Nhưng có một việc nữa cũng nên tiến hành: hãy điều tra những công việc người tiến sĩ đã làm sau khi nhận học vị cao quý. Công việc này phải thể hiện ít nhất ở hai bậc: lượng hoá bằng số liệu xem người có học vị đã làm gì, đúng nghề hay trái nghề, có thành tích gì; sau đó cũng có thể xét định tính qua khảo sát những công trình tổng kết của những vị đó (nhất là tác phẩm bằng văn viết và đào tạo người kế tiếp). Vì sao? Vì các vị xưa kia là tân khoa nay đã thành lão làng của một đề tài giúp ích cho đời. Họ phải làm việc và họ phải tổng kết công việc theo tầm cỡ của một bậc tiến sĩ: giúp đời bằng thành tựu lý luận và thực tiễn. Họ phải làm việc và họ phải nối dài lý tưởng khoa học của mình vào tương lai. Hãy đánh giá vào chỗ khó đó ở tầm trí tuệ tiến sĩ và cũng phải là trí tuệ tiến sĩ trong đời sống thực, chứ đừng moi móc vào chỗ dễ sờ là một vài kiến thức vô bổ và vô duyên nơi phòng trà hoặc khi vác bộ ria đi la cà ở cửa hàng bia bọt.


3. Động cơ

Một việc làm vật chất, cụ thể nhìn bề ngoài có vẻ tốt song vẫn có thể mang động cơ tốt hoặc xấu. Thí dụ dễ thấy nhất: tặng quà là một hành động vật chất cụ thể. Nhưng có thứ quà tặng vì yêu quý, lại cũng có thứ quà tặng để nịnh và chạy tội (xin hỏi ông Lương Cao Khải), và có thứ quà tặng để xỏ xiên (trường hợp Nguyễn Khuyến mắt loà bị kẻ tiểu nhân tặng hoa trà màu thật đẹp). Đó mới chỉ là ba kiểu động cơ dễ thấy.

Khi viết một bài điều tra, tối kỵ nêu tên tuổi đích danh đương sự. Tại sao? Đó không phải là vì ta muốn giữ bí mật hộ đương sự. Mà lý do cao quý hơn thế nhiều: khi ta làm một bản điều tra, đó là ta đau đáu vì một vấn đề chung nên khi đó các tên tuổi cá nhân thảy đều không còn cần thiết nữa. Đi điều tra (chưa kể là điều tra không đúng phương pháp nữa) rồi nêu tên tuổi đương sự lên mặt báo (mà không thông qua đương sự) là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm cả luật báo chí, thậm chí còn là sử dụng tài sản công cộng để làm việc không vì cái chung (một dạng ăn cắp tinh vi chưa bị lật tẩy).

Mục báo VieTimes mới ra đời ít lâu nay nhưng đã làm vài ba việc hấp tấp (động cơ gì xin các tác giả tự hiểu). Nguyên một việc các “nhà báo” không chịu công khai danh tính đã thành điều đáng ngờ vực về động cơ rồi. Thế rồi có việc hấp tấp thứ nhất là vụ Vương Trí Nhàn (sau khi bị dư luận lên án đã bóc bài “phỏng vấn” đi mà không hề xin lỗi công khai), gần đây lại dính vào vụ hấp tấp tiếp theo nhân danh cái chung để bêu xấu tên tuổi một số nhà văn hoá đương thời. Việc lo lắng cho hai mươi nghìn tiến sĩ sắp chào đời là đúng; nhưng đừng dùng việc lo toan cao cả đó vào việc đánh trộm người lương thiện.

Những ai có trách nhiệm cần rút kinh nghiệm.

© 2007 talawas


[1]http://vietimes.com.vn/vn/chuyende/3996/index.viet
và http://vietimes.com.vn/vn/chuyende/4001/index.viet
[2]Thuật ngữ original research phải dịch cho đúng là “nghiên cứu có tính chất độc đáo” chứ không được phép dịch là “nghiên cứu nguồn” như các nhà báo trên VieTimes dịch.
(http://vietimes.com.vn/vn/bandocvatoasoan/4026/index.viet)