trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
26.10.2007
Ngô Quốc Đông
Tăng học phí là tăng chất lượng giáo dục?
 
Học phí là khoản “tiền cứng” người học phải chi trả. Nhưng với “khoản cứng” ấy thôi thì người học đã không phải nhọc nhằn. Học phí theo nghĩa rộng còn được hiểu là “tất cả chi phí cho việc học”. Nếu như vậy thì nhiều lắm! Nó bao gồm cả tiền sách, tiền quỹ lớp, quỹ đoàn, quỹ phụ huynh, tiền lễ tết thầy cô, thù lao đọc tiểu luận tốt nghiệp, và cả chạy trường, chạy khoa, chạy điểm… Rõ ràng đằng sau “khoản cứng” thì học phí bao gồm “khoản mềm”, luôn là gánh nặng với tất cả các gia đình có mức sống trung bình hiện nay, ấy là chưa nói tới những gia đình có mức sống thấp.

Hiện nay ngành giáo dục đang xây dựng Đề án tăng học phí ở bậc đại học (tức tăng khoản cứng). Dự kiến tháng 09-2008 học phí mới sẽ có hiệu lực để thực thi trong năm học 2008-2009. Theo đó, học phí các trường đại học công lập sẽ tăng gấp đôi để bù đắp chi phí thường xuyên và trả lương giáo viên. Hiện tại, mức học phí ở các trường đại học công lập cao nhất là 180.000 đồng/tháng. Theo Đề án mức này có thể sẽ cao gấp đôi trong năm học tới. Tất nhiên theo tính toán sẽ có khoảng 20% hộ dân được miễn, giảm học phí.

Về mục đích chung ai cũng rõ tăng học phí là nhằm hướng tới bảo đảm nguồn tài chính tối thiếu cho chất lượng đào tạo. Thực chất đây là giải pháp nhằm xác định các tỷ lệ chia sẻ chi phí giữa nhà nước, người học và cộng đồng. Không có nhà nước nào trên thế giới bao cấp hoàn toàn cho giáo dục. Phải chăng do nhà nước không thể bao cấp cho giáo dục nên phải đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực cho xã hội trong đó có việc tăng học phí?

Ở các nước giàu, phần đóng góp cho giáo dục của người dân chỉ bằng 20% thu nhập, ở nước ta tỷ lệ này đã vượt 40% - một con số không hề khiêm tốn chút nào. Nhưng một câu hỏi xã hội đặt ra là: Tăng học phí chất lượng giáo dục có tăng lên không? Phải chăng vì thiếu tiền nên chất lượng giáo dục sút kém, do đó cần tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục. Không hẳn vậy, đây là điều cần thảo luận. Có ý kiến cho rằng dù nhà nước có tăng lên tới 30%-40% [1] ngân sách cho giáo dục mà không thay đổi “phong cách làm giáo dục” thì những vấn đề bức xúc của giáo dục vẫn còn đó. Vì vậy hãy bàn về phương pháp tư duy trước khi thực hiện. Gần đây truyền hình có nêu những điều bất cập như không biết đọc vẫn lên lớp, ngồi nhầm lớp v.v…, chẳng phải đó là những nỗi buồn giáo dục đó sao?

Cốt lõi của giáo dục là chất lượng, hiệu quảcông bằng xã hội. Cả ba yếu tố trên đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố thuộc về “nguồn lực con người.” Chỉ với nguồn lực vật chất mới mà không thay đổi “tư duy cũ” ta chỉ cải thiện được những “tác nhân cho giáo dục”, nhưng chưa chú ý đến “nhân tố con người.” Hiểu một cách tương ứng, có thêm phòng học đẹp, gia tăng điều kiện vật chất, thêm nhiều máy móc thiết bị, tức là thêm những yếu tố kỹ thuật hoàn toàn mới nhưng nếu con người sử dụng nó cho giáo dục hầu hết “vẫn cũ” (trình độ chuyên môn của giáo viên, năng lực ngoại ngữ, vi tính, nghiệp vụ sư phạm…) thì thực tế cũng không phát huy hết công năng của các tác nhân hỗ trợ cho giáo dục.

Thực vậy, nếu tăng học phí với mục đích gia tăng chất lượng kỹ thuật trong khi chúng ta không có chiến lược đào tạo lại đội ngũ giảng dạy thì “sản phẩm giáo dục cuối cùng” vẫn không đảm bảo được tiêu chí chất lượnghiệu quả. (Theo con số của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có khoảng 37% cử nhân, kỹ sư tìm được việc làm khi ra trường, còn lại là thất nghiệp). [2] Người ta không khỏi thấy một nghịch lý nơi đây. Ngày trước với cơ chế cũ, nhà nước bao cấp hoàn toàn cho giáo dục và đã đào tạo ra một lớp giáo sư, tiến sĩ, kĩ sư, cử nhân với chất lượng tốt. Họ đã đóng một vai trò tích cực cho nền giáo dục nước nhà nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Còn ngày nay, với cơ chế mới, con người mới, kỹ thuật mới nhưng chất lượng sản phẩm giáo dục một số ngành học xem ra không bằng từ thời cơ chế cũ. Ta thấy rõ điều này khi phải chứng kiến hiện tượng “học giả bằng thật, tiến sĩ giấy…”. Như vậy, sản phẩm giáo dục kém đâu phải vì thiếu tiền. Từ năm 1998 đến 2007, đầu tư của nhà nước cho giáo dục tăng 6 lần (từ 11.754 tỷ đồng lên 67.000 tỷ đồng [3] ). Vấn đề nằm ở đâu? Nhiều lắm! Có lẽ chúng ta phải bắt đầu trả lời những câu hỏi nhỏ của một vấn đề lớn đại loại như: Đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách giáo dục chưa? Đã thực sự tạo ra công bằng trong giáo dục giữa nông thôn, đô thị và các vùng miền chưa? Tiêu chí cơ bản nào của một giáo viên đạt chuẩn? Trường chuyên có thực sự cần thiết? Đào tạo và sử dụng nhân tài thế nào…

Rõ ràng yếu tố học phí là hết sức cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế xã hội mới hiện nay. Nhưng quá tập trung vào chuyện “chia sẻ”, đóng góp vào ngân sách mà quên đi vấn đề cốt tử của giáo dục “nhân tố con người” thì dù với cơ chế mới, chính sách mới, chúng ta cũng dễ bị lạc hậu so với cộng đồng thế giới. Ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục nước nhà” đáng được suy nghĩ: “… Nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa (…) Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước bỏ học phí ở cấp đại học. Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, không lý gì ta lại chủ trương tăng học phí tràn lan.” [4]

Những suy luận trên cho thấy, nếu tăng học phí chúng ta phải có một lộ trình tỉnh táo, khoa học, có tầm chiến lược trong việc sử dụng vốn thu từ học phí đó. Một số ý kiến đáng chú ý hiện nay là: tăng học phí chỉ nên theo xu hướng nhu cầu xã hội khác nhau. Có nghĩa là đối với người có khả năng, rất có thể họ chấp nhận đóng góp nhiều hơn để được một chất lượng học tập cao hơn. Học phí sẽ tăng ở khu vực đó. Còn với giáo dục đại trà, cần thiết phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động. Thực tế cho thấy năm học 2007-2008, cả nước có 7 trường đại học được phép tuyển sinh ngoài ngân sách. Vì đây là những trường “top” nên với mức học phí cao gấp 3-4 lần so với hệ chính quy nhưng nhiều sinh viên vẫn chấp nhận học, cho dù họ trúng tuyển nguyện vọng 2 ở các trường công lập khác. Ta được biết ở Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, học phí sinh viên phải đóng là 980.000đ/tháng. Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Dược học phí là trên 700.000đ/tháng ….

Đất nước đang biến chuyển từng ngày. Cuộc sống hiện đại khiến con người càng phải nỗ lực khẳng định để tồn tại. Thời đại của khoa học công nghệ và toàn cầu hoá sẽ đẩy lùi kinh tế thủ công và thay vào đó là kinh tế tri thức. Chất xám sẽ trở thành sức lao động để sinh ra những sản phẩm hàng hoá có giá trị cao. Điều đó cũng có nghĩa là cội nguồn của phát triển đều bắt nguồn từ giáo dục. Trong tình hình đó, phải làm sao cho người dân lao động không phải quá nặng lòng khi cho con em họ được đi học.

© 2007 talawas



[1]Xem ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy trên Thời báo kinh tế Việt Nam, số cuối tuần (240), ngày 05-06, tháng 10, năm 2007.
[2]Xem Website: http://www.scribd.com/doc/24777/NGHE-NGHIEP hoặc http://vietbao.vn/xahoi/37/45206533/124.
[3]Xem ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy trên Thời báo kinh tế Việt Nam, số cuối tuần (240), ngày 05-06, tháng 10, năm 2007.
[4]Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục nước nhà” là tiêu đề bài viết về giáo dục mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho báo chí cả nước ngày 06/09/2007. Những người quan tâm có thể tìm đọc ở nhiều báo khác nhau. Trong bài viết này, tôi trích từ bài của Đại tướng đăng trên tạp chí Văn Hiến, số 09/2007, tr. 9.