trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
19.3.2007
Vũ Tú Nam
Những ngày thử thách
(trích hồi ký)
 
5/11/1954: Đọc bản thảo Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, viết rất khá, thấy tin ở khả năng cậu ấy. Trước đây mình có thành kiến với chàng trai nói giọng Huế, ỏn ẻn vì có phần yếu đuối…

… Trần Dần yêu T.C, cuối cùng phải thôi. Dần nói: “Suốt đời tao estimer T.C, tao đau lắm!” Rồi Dần thắc mắc với Hoàng Xuân Tùy [1] về chuyện đi làm phim Điện Biên Phủ, và nói: “Cán bộ văn nghệ là con nuôi, cán bộ chính trị là con đẻ”. Từ đó mà đi đến khẩu hiệu “trả văn nghệ về cho văn nghệ” một cách quá khích.

21/2/1955: Từ hôm ở Liên Minh [2] về Phát Diệm. Các đồng chí bầu mình vào chi ủy. Dần và Nguyễn Anh Chấn không thoải mái. Từ Bích Hoàng nói: “Anarchie totale” (vô chính phủ hoàn toàn) Tạp chí Văn nghệ Quân đội chưa được ra, chuẩn bị họp ngành Văn trong quân đội tháng tư.

5/3/1955: Tối qua, tranh luận về thơ Tố Hữu ở Cửa Đông, anh Nguyễn Chí Thanh tới, Hương [3] tới, Nguyệt Tú tới, anh em đông lắm, cả Hồ Dzếnh. Hoàng Yến trình bày vấn đề “khả năng hiện thực trong thơ Tố Hữu – Tố Hữu có tiêu biểu cho thời đại không?” Trần Dần, Lê Đạt nói bốc nhất. Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh ngồi ghi mà không nói gì. Tố Hữu không tới, Xuân Diệu không tới.

7/3/1955: Chiều thứ bảy, mình và Dần,… xin phép không họp chi bộ để đi thảo luận về Vượt Côn Đảo. Ông Tú Mỡ hoàn toàn khen. Mình nói lại rằng Vượt Côn Đảo có những nhược điểm. Anh em bộ đội nói nhiều nhất. Ra về, mình dồn anh Lưu Trọng Lư rằng lãnh đạo cần phải thay đổi, quan liêu và trì trệ quá.

14/3/1955: Tranh luận về Vượt Côn Đảo lần ba ở trường Nguyễn Trãi, vì CLB Đoàn kết mắc bận. Họp tới 11 h, vẫn găng hai ý kiến. Trần Dần phê phán: “Nhân vật trong Vượt Côn Đảo là người cụt đầu, không óc không tim” (?!). Ông Hoài Thanh phát biểu trân trọng về cuốn sách. Lê Đạt rất bốc.

16/3/1955: Trưa qua, mình bị ngất ở hố xí, nhờ hơi nước đái mà tỉnh lại được.

Cả buổi sáng qua, mình và Hoàng, Hoàng Yến họp rút kinh nghiệm về tranh luận Vượt Côn Đảo. Phùng Quán đã về. Nhiều lời xầm xì không lành mạnh.

Dần hay úp người khác khi tranh luận. Nó có khuynh hướng vô chính phủ và thoát ly thực tế, tả khuynh. Phùng Quán thì bấp bênh, dễ lung lay.

29/3/1955: Anh Võ Hồng Cương [4] kiểm duyệt bỏ bài “Hãy nhìn thẳng vào sự thực” của mình. Bực lắm – Mình đã gửi bài ấy và thư khiếu nại đến một số anh. Dần la lên: “Répression policiere!” (đàn áp kiểu cảnh sát) và nói: “Tao nhiều amertume lắm” (nhiều cay đắng lắm).

4/4/1955: Anh Cương quyết định không cho họp mặt văn thơ, không cho in bài phê bình thơ Việt BắcSinh hoạt Văn nghệ, phê phán chúng mình đủ thứ bệnh: tự kiêu, tự do, hưởng lạc… (!?) Buồn quá. Hoàng và Dần nói: “Trên đang serrer la vis (xiết chặt ốc) đây. Nếu không họp thì xin đi đơn vị để viết”.

8/4/1955: Đêm 7-4, phê bình thơ Việt Bắc ở 51 Trần Hưng Đạo đến 12 h khuya. Dần tâm sự khi anh đi xe đạp có hai bộ đội theo dõi (?). Tối vào nhà bạn, lúc ra Dần bị bộ đội giữ mấy tiếng. Mình báo cáo sự việc với chi ủy. Trần Việt nói: Dần vào 69 Quán Thánh, nhà Hoàng Cơ Bình cũ, nên có thể bị theo dõi.

Anh Thao dứt khoát không cho in bài “Hãy nhìn thẳng vào sự thực” của mình, dù đã sửa. Thôi cũng được. Chán rồi.

Đồng chí Vương Gia Khương được điều về phụ trách Phòng Văn nghệ Quân đội, có lẽ sợ sa vào “hang cọp” nên mãi không thấy về.

15/4/1955: Đêm qua, thảo luận về thơ Việt Bắc đến 12 h đêm. Hoàng Yến, Trần Dần, Hoàng Cầm nói gay gắt. Trương Tửu tranh luận rất phản khoa học. Huy Cận ngồi im. Tạ Hữu Thiện nói nhiều suy diễn, ví dụ cho đoạn nào là giống Kiều… Hoàng Cầm dẫn thơ Hồ Xuân Hương để chứng minh “chất sống” và “hồn thơ” của nữ thi sĩ.

21/4/1955: Mấy buổi chiều họp kiểm điểm về đấu tranh chính sách (cho văn nghệ). Dần bỏ buổi họp, văng tục chửi đồng chí Cương. Anh em đã thấy cần và có thể phân biệt đúng sai. Tự thấy khuyết điểm của mình là hữu khuynh, không tích cực giúp đỡ Dần.

26/4/1955: Trong anh em, có không khí buồn buồn. Mình đề đạt chính sách do động cơ tốt, kết quả chỉ bị khuyết điểm và mất thì giờ! Hoàng muốn xin đi Bắc Giang viết một tháng.

Chi ủy quyết định Dần chưa được đi nghỉ vội, và phê bình mình là “chưa dứt khoát nhận rõ sai lầm về đề đạt chính sách” và “lãnh đạo theo đuôi”.

9/5/1955: Học Nghị quyết T.Ư. lần thứ 7, thấy rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, anh em thành ra chia rẽ, mất đoàn kết.

14/5/1955: Văn Cao thích bài “Người hay bóng” của mình. Nhưng mình nghe từ anh Cương đã ra lệnh thu hồi, mặc dầu chính anh đã duyệt!

Trần Dần, Hoàng Tích Linh chính thức xin giải ngũ. Chấn, Trúc Lâm, Cao Nhị, Hoàng Cầm… cũng không yên. Thật là vấn đề lớn. Anh Cương, anh Khương không thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề. Thứ ba này, anh Cương hẹn nói chuyện với Dần lần cuối cùng.

16/5/1955: Trần Dần viết đơn chính thức xin ra khỏi bộ đội và ra Đảng. Hoàng Tích Linh vẫn xin ra khỏi bộ đội.

27/5/1955: Theo quyết định của Liên chi và Tổng cục, cả Phòng Văn nghệ và một số cán bộ văn công đoàn tập trung học tập kiểm điểm những khuyết điểm chung quanh việc “đấu tranh chính sách”. Dần và Chấn (Tử Phác) có ấn tượng là bị cô lập, đối phó, truy dồn.

Có mấy anh em ở đơn vị viết phê bình “Người hay bóng”, có ý kiến đúng và chưa đúng. Cần trả lời và nhận lỗi.

13/6/1955: Tất cả các tổ Đảng ở Cục Tuyên huấn đã phê phán lá thư xin ra khỏi Đảng và quân đội của Trần Dần là chống đối, phá hoại tổ chức Đảng…

Mình viết thư mời Dần về sinh hoạt chi bộ chiều nay. Hoàng mang thư đi ba lần mới gặp. Dần mặc quần đùi áo cổ vuông, gày, có vẻ chán chường lắm, hứa sẽ về.

Về Nguyễn Anh Chấn, tổ chức đã quyết định đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng để kiểm điểm.

21/6/1955: Thế là liền trong một tuần, thứ 2 và thứ 7 vừa qua, chi bộ đã khai trừ Trần Dần và Nguyễn Anh Chấn. Họp chi bộ xong, Dần lồng lộn như con hổ trong cũi, nói với mình: “Lý luận chi bộ cùn lắm rồi, hết lý lẽ rồi!”

Sau cuộc họp, Chí (bảo vệ) nơi trạm gác thu giấy đỏ (giấy ra vào doanh trại) của Dần.

Trở vào phòng, Dần hậm hực: “Chúng nó định tiêu diệt tao, tao sẽ tuyệt thực, chỉ nhịn ăn 10 ngày là chết!”. Rút cuộc Dần vẫn ăn.

Dần được bố trí ở riêng, ở “nhà xanh” với bác Tể, cấp dưỡng. Bác Tể nói: “Tôi căm thù khuyết điểm của anh ấy, nhưng tôi không ghét cái xác thịt của anh ấy”.

Sau khi bị khai trừ, Nguyễn Anh Chấn than thở: “Thế là đi đứt mấy năm quân đội, 8 năm trong Đảng!”

Mình bị chỉ định làm trưởng ban Văn, gồm: Bích Lân, Từ Bích Hoàng, Hà Mậu Nhai, Phùng Quán, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Ngọc Tự và Đông, Trung (dịch). Anh Cao sang tờ Sinh hoạt Văn nghệ.

10/4/1956: (Sau khi đi cải cách ruộng đất về)

Hôm nọ sang báo Văn nghệ, Thi cho xem bài phê phán Giai phẩm, mình góp một số ý kiến cho Thi chữa. Thi nói muốn lấy vợ mà không biết lấy ai. M. Riffaud đã ở Algerie, sau khi đi Việt Nam về.

Nhận công việc phó cho Văn Phác, mình đã được phân công phụ trách: báo, văn thơ, xuất bản và nghiên cứu học nghiệp vụ, công tác nội bộ.

30/4/1956: Về cuốn Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Thanh nói: “Cần đề phòng chủ nghĩa duy mỹ, nhìn cái gì cũng thấy đẹp…”.

Anh Cương nói về quyết định chưa chính thức chức “phó phòng” của mình. Văn Phác muốn giữ mình lại. Khổ quá, mình chỉ muốn làm một người viết bình thường mà thôi.

3/7/1956: Tối qua lần đầu rủ Phùng Quán đi chơi Bách thảo. Hai đứa ngồi trên ghế đá. Quán muốn ra khỏi quân đội, đi nông trường hoặc công trường nào đó. Mình tôn trọng ý kiến riêng. Mình nói Quán cái tâm hồn yếm thế, tự đánh giá thiếu tính khách quan, thoát ly thực tế.

Ngọc Tự hay trù Dần, Chấn và Quán về những sinh hoạt lặt vặt. Hà Mậu Nhai và Toàn (họa sĩ) đã to tiếng gây lộn với Quán.

1/8/1956: Nhận bài thơ “Những con người máy” của Lê Vinh Quốc. Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ ra công khai. Sớm nay bắt đầu học lý luận văn nghệ ở 1 Bà Triệu.

23/8/1956: Một số anh em Trúc Lâm, Quế Lâm, Mai Hanh… kéo nhau đến lớp học, mạt sát mình thậm tệ, gọi là “ác bá”, “dưới chế độ Vũ Cao, Vũ Tú Nam” (!) nói là “nịnh trên chèn dưới” v.v…

Chiều qua, họp toàn thể Đảng viên văn nghệ ở 6 Lê Thánh Tông, các đồng chí Tố Hữu và Hà Huy Giáp dự. Thi báo cáo, nhắc đến có một tổ đề nghị “rút tên Tú Nam và Hoài Thanh ra khỏi ban trù bị Đại hội Văn nghệ”. Anh Nguyễn Tuân và Hương nói cần chú ý một số ý kiến "đục nước béo cò". Tội nghiệp anh Hoài Thanh (“tổ chức cũ”) ngồi im không nói gì.

Sáng nay, chi bộ ta họp hai tiếng, rất sôi nổi, để Hoàng sang gặp Thi hội ý lại tình hình. Thật sự là mình bị kẹt giữa cấp trên và anh em. Mình đâu có muốn!

4/9/1956: Mới họp chi bộ bốn ngày liền, anh em thắc mắc về phê bình lãnh đạo suốt ba ngày. Mình, Lương Ngọc Trác, Cao, Hoàng bị một số người gọi là “thủ đoạn cơ hội”. Mình tự thấy có khuyết điểm, nhưng không khí truy ép, thành kiến với “tổ chức cũ” rất nặng nề. Trần Du buộc tội Vũ Cao là như con dơi, “phi cầm phi thú” (!), sau đó Du lại hối vì quá lời. Không khí chẳng khác gì cải cách ruộng đất.

Hôm sau, mình tự rời bàn làm việc sang ban Văn, dứt khoát không làm phó Phòng Văn nghệ nữa.

Sớm nay họp Liên chi và Cục, đồng chí Cương nói: “Vấn đề đồng chí Tú Nam và Lương Ngọc Trác còn nghi vấn, chưa thể kết luận được” (!) Sau khi gặp Dần, anh Cương nói Dần đồng ý mọi điểm của cuộc họp chi bộ, chỉ đòi xét lại việc Tú Nam và Trác còn nghi vấn.

Họp tổ Đảng, Bích Lâm xin rút khỏi chi ủy và bí thư. Hoàng cũng xin rút khỏi chi ủy, đề nghị xét lại việc đề bạt và khen thưởng Hoàng. Trần Công viết một bài trên báo Văn nghệ phê phán Phòng Văn nghệ Quân đội, và dọa sẽ viết nữa để tố cáo một số cá nhân.

Lương Ngọc Trác rất khổ tâm. Văn Chung đề nghị rút Trác không cho đi học Liên Xô, thay vào đó là Tử Phác, Trác buồn, định hoãn cưới T.C; T.C vẫn bị điều đi học tập huấn, và không ai chú ý tới Dần đã từng yêu T.C.

17/9/1956: Thày đau dạ dày, vào nằm bệnh viện Phủ Doãn. Giai phẩm kùa Thu, báo Thời mớiHà Nội mới hàng ngày liên tiếp phê phán sự lãnh đạo của Đảng.

20/9/1956: Báo Nhân văn ra số đầu. Bài “Con người Trần Dần” và bài thơ của Lê Đạt gây nhiều chú ý. Quán thi trượt vào Đại học Tổng hợp.

11h55’ đêm 3/10/1956 (29/8/âm lịch): Thày mất, sau khi mổ dạ dày! Chắc chắn là do sơ suất khi chăm sóc.

15/10/1956: Báo Nhân dân đã đăng lời phát biểu của Cục Tuyên huấn về vụ Trần Dần (Trả lời báo Nhân văn). Xuân Thiêm đã trả lời bài Trần Công viết sai sự thật. Hồ Phương phê bình Nhân văn là "lừa dối quần chúng”.

31/10/1956: Đồng chí Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư. Hồ Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư.

Mình xin sang báo, để đi viết. Đêm nay, chi bộ họp, kết nạp bốn đồng chí mới: Thanh Tịnh, Hoàng Việt, Thanh Tâm (họa sĩ) và Tuế (văn thư).

7/11/1956: Vụ “phản loạn” ở Hung đã bị dẹp tan. Mình lại bị chỉ định làm tổ trưởng học tập nghị quyết T.Ư. cho tổ Đảng viên cán bộ trung, sơ cấp…

21/1/1957: Chiều thứ bảy và chiều nay, họp chi bộ đấu tranh nội bộ về vấn đề đoàn kết, nhất trí. Nhiều ý kiến phê bình Hoàng Yến, Vũ Sắc, Phác Văn. Hoàng Yến phản ứng, nói sẽ không làm ở ban Văn nữa.

Tạ Hữu Thiện làm bài thơ dài “Hỡi các đóa hoa xương hoa thịt!”, kêu gọi nhà sử học Trần Huy Liệu ra ghi chép thời đại. Thiện thường chắp tay sau đít, lầm rầm ngâm thơ, và gật gù: “Lớn lắm! Lớn lắm!”.

29/1/1957: Hăm chín chúc tết. Chiều liên hoan phòng, có mực nướng rượu cam. Đốt pháo. Tạ Hữu Thiện ngâm thơ dài dằng dặc. Anh Cao sốt. Hương đang chờ ngày sinh, có cái gì đó buồn buồn.

2/2/1957: Hương đã sinh con gái đặt tên là Vũ Hương Giang, vào 5h15’ chiều hôm nay, mùng 3 tết, con nặng 3kg.

13/2/1957: Chính Hữu đồng ý để mình sẽ đi viết đến hết tháng 4/1957. Chán ngắt những loại thơ “bản tình ca”, “đường vào tim”, “mắt nhung”, “nô lệ khổng lồ”, “cuộc đời”… Cứ luẩn quẩn mãi “tìm cái mới”.

1/3/1957: Mười ngày Đại hội Văn nghệ. Bác đến. Trong đại hội, Hoàng Tố Nguyên mạt sát Lưu Quý Kỳ về chuyện cấm cải lương ở Nam bộ. Phùng Quán (ăn mặc bộ đội chính quy), cùng Tạ Hữu Thiện, Vũ Anh Khanh, Nguyễn Thành Long… nói nhiều. Nhóm Hoàng Cầm, Trần Dần không nói gì, nhưng đi lại nhiều ở hành lang.

7/3/1957: Bích Lâm cũng đã nghỉ để viết. Lâm kể các món ăn Nam bộ, đến đoạn ổi thái mỏng, dầm nước chua, xâu thành xâu, Lâm nuốt nước bọt và thèm. Lâm nói lần đầu thấy quả mơ của miền Bắc, ăn và ngậm mãi trong mồm. Trước đó, Lâm đọc sách Tự lực Văn đoàn, chỉ thấy quả mơ trên giấy.

6/4/1957: Mấy hôm họp ngành Văn, dự cùng tổ với Dần, Trúc Lâm. Dần đúng mực hơn, và vẫn có nhiều suy nghĩ. Trúc Lâm thì cố chấp, cái cố chấp như của tuổi già.

Mình vẫn chưa thật hiểu hết con người Trần Dần. Nó sai về tư tưởng, quan điểm, chứ không phải về tư cách, nhân phẩm.

Hội nghị thành lập Hội Nhà văn ở Câu lạc bộ Đoàn Kết, nhiều anh em phê phán lãnh đạo và Thi. Rút cuộc, mình lại bị ghi tên vào Ban Chấp hành Hội cùng với Anh Thơ, Xuân Diệu, Hoàng Cầm... Tô Hoài làm Tổng thư ký, bác Nguyễn Công Hoan làm Chủ tịch Hội.

24/4/1957: Chữa xong bản thảo Mùa đông 9h đêm qua.

Nguyễn Đình Thi có vẻ tránh mình. Lâu không trông thấy Trần Công và Quế Lâm. Trúc Lâm thì vẫn tỏ vẻ lãnh đạm với mình.

Mình ghét bọn người độc đoán và bọn khôn ngoan, mị dân.

Chính Hữu dạo này làm trưởng phòng văn nghệ và phó bí thư chi bộ.

7/5/1957: Phùng Quán xin anh em bộ đội Điện Biên được một con khỉ đầu húi cua, một tay què vì đi ăn trộm trứng gà bị dân đánh. Bọn Khang, Khải buộc dây dài cho khỉ leo lên cây bàng ở sau nhà 4 Lý Nam Đế.

17/5/1957: Làm việc (sau nghỉ viết) từ 16/5. Kinh Kha sẽ về phụ trách ban Văn. Mình khỏi phải làm, may quá!

21/5/1957: Tình hình văn nghệ còn nhiều vấn đề, Sài Gòn đã in lại và phát thanh cả sáu số báo Nhân văn đã bị cấm.

18/6/1957: Ốm đã 11 hôm, ba trận nóng trên 40o. Hai đêm vật vã, sốt, đau ngực, không ngủ được.

3/9/1957: Vào nằm y xá Tổng cục Chính trị từ 24/6/1957. Chiều mai, ra viện. Cộng đã nằm 2 tháng 10 ngày.

8/1/1958: Về Hà Nội hôm qua, sau khi nghỉ dài ngày ở Đồ Sơn. Từ ngày 25/9/1957. Nhận lại công tác ở ban Văn. Đã đưa in Mùa đôngNhật ký của đời sống. Không mấy hào hứng.

20/8/1958: Đã họp liên tục 23 ngày, họp các Đảng viên văn nghệ sĩ ở Đại học Nhân dân Thái Hà ấp. Cả Hương và bé Giang cùng "đi học".

Anh Nguyễn Tuân tóc bạc nhiều, áo bông đen bạc, mặt anh như đẽo bằng gỗ, anh phê bình tác phong "nhà quê" của cán bộ Đảng ta. Nguyễn Huy Tưởng sợ "đổ vỡ" nếu đấu tranh tư tưởng. Nguyên Hồng quần ta nâu, áo bông sờn, bít tất, dép da như anh hùng Lương Sơn Bạc. Tế Hanh và Nguyễn Xuân Sanh buồn buồn. Tô Hoài và Thi thành kiến nặng với nhau?

Xem phim Đàn sếu bay qua.

Trong lớp học Nguyễn Huy Tưởng nói: "Thế nào cũng sẽ tả khuynh, quy luật là như vậy". Nguyễn Tuân đùa, dọa Lưu Trọng Lư: "Đến lớp học sau, tôi sẽ là tổ trưởng, ông sẽ là trọng điểm bị phê phán về tư tưởng giáo điều!".

29/3/1958: Đã sửa lần cuối bài viết về Trần Dần, sau khi nghe Dần kiểm điểm ở hội nghị. Hoàng phụ trách đấu tranh với Dần (số phận cứ buộc gặp nhau mãi).

7/4/1958: Văn nghệ Quân đội số 4 có bài về Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, in 15.250 cuốn. Lợi và Vũ Sắc đi cổ động mạnh. Văn Phác, Nguyên Ngọc đi nói chuyện ở các trường tại Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội. Nghe nói Quán hôm qua vào đây, Quán đã đọc báo và bảo: "Các anh phê bình Quán còn nhẹ quá!"

14/4/1958: Lớp học văn nghệ hai hôm nay bế mạc. Ngọc Tự về sẽ lại ở chung phòng với mình. Văn Phác nói có thể sẽ giải tán ban Văn, chia cho nhà xuất bản và VNQĐ, ý muốn mình sang VNQĐ.

14/5/1958: Mình trúng cử ủy viên liên chi ủy. Viết xong bài phê bình Người người lớp lớp của Dần.

23/5/1958: Các anh Vũ Cao, Văn Phác nói bên Hội Nhà văn xin một trong bốn người (Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Chính Hữu, Từ Bích Hoàng) cho báo Văn học. Sau khi cân nhắc, các đồng chí xét mình ra ngoài là thích hợp hơn cả.

18/6/1958: Đã bắt tay vào việc từ đầu tháng, làm số 2 báo Văn học. Mình là thư ký tòa soạn, Thi là chủ nhiệm.

Thế là từ nay công tác ở Hội Nhà văn. Chấm dứt 11 năm là "anh bộ đội"...

Chép lại 25-10-2006



[1]Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Tuyên huấn Quân đội, người phụ trách làm bộ phim Điện Biên Phủ, về sau là Thứ trưởng Bộ Đại học. (Tất cả các chú thích đều của nhà văn Vũ Tú Nam cung cấp theo yêu cầu của talawas.)
[2]Thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định, là quê của Vũ Tú Nam, cũng là quê các nhạc sĩ Văn Cao và Văn Ký.
[3]Tức nhà văn Thanh Hương, vợ nhà văn Vũ Tú Nam.
[4]Cục phó Cục Tuyên huấn Quân đội, phụ trách văn hoá văn nghệ.
Nguồn: Tạp chí Nhà văn số 3/2007. Bản đăng trên talawas có má»™t số chá»— sá»­a lại đúng bản gốc của tác giả, do tác giả cung cấp.