trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
11.9.2008
Nguyá»…n Thanh Giang
Quyết không khuất phục!
 
Tôi đang đọc lại Tam Quốc diễn nghĩa đến hồi Gia Cát Lượng khéo chối từ Lỗ Túc / Triệu Tử Long lừa mẹo lấy Quế Dương thì một cụ lão thành đưa cho mấy bản Tin tham khảo nội bộ (của Thông tấn xã Việt Nam) có mấy bài nói về việc Trung Quốc dự định đánh Việt Nam (?). Trước khi phát biểu cảm tưởng về mấy bản tin trên mạng Sina.com của Tàu ấy, tôi xin chép lại đây nguyên văn đoạn truyện vừa đọc để “ôn cố tri tân”.

“Chu Du thấy Khổng Minh lấy được Nam Quận, lại nghe tin mất cả Kinh Châu, Tương Dương rồi, trách nào chẳng tức? Du tức quá, uất lên, nằm ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Các tướng khuyên giải hai ba lần. Du nói:

– Nếu không giết được Gia Cát Lượng đi, thì làm sao ta hả dạ được? Trình Phổ hãy gíúp ta, đánh lấy lại Nam Quận cho Đông Ngô.

Đang nói chuyện thì Lỗ Túc đến. Du nói:

– Ta muốn cất quân quyết một trận sống mái với Lưu Bị và Gia Cát Lượng để đoạt lại thành trì, Tử Kính giúp ta một tay.

Túc nói:

– Không nên! Hiện nay ta với Tào Tháo còn đang kình địch, chưa biết được thua thế nào. Vả lại chúa công cũng chưa hạ được Hợp Phi. Ta với Huyền Đức không nên thôn tính lẫn nhau, quân Tào thừa cơ kéo đến thì nguy lắm. Huống chi, Huyền Đức lại quen thân với Tào Tháo. Nếu ta làm quá, hắn tất dâng thành trì cho Tào Tháo, hợp sức lại đánh Đông Ngô, thì làm thế nào?”

Đó là chuyện mấy ông tướng Tàu xưa khuyên chủ tướng của họ. Còn ngày nay, hãy xem họ đang thèm khát điên cuồng đến mức nào, đáng coi chừng đến mức nào, và ta phải làm gì?


Biển Đông: nguồn lợi sống còn. Việt Nam: con đường tiến tới

Trước hết, xin giải thích ý nghĩa vế thứ hai của tiêu đề này.

Số là, trong cuộc gặp mặt giữa đại biểu bốn đảng cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên, rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam Châu Á.” Quyết liệt và hung hăng một cách vĩ đại hơn, trong cuộc hội đàm với Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông còn tuyên bố thẳng thừng: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Châu Á.” (Tất nhiên cả đạo quân biển người ấy phải ào ạt quét qua Việt Nam.)

Ấy thế mà, thật kỳ lạ, chính ở nước ta từng đã có những người lãnh đạo rất ủng hộ ý đồ xâm lăng này của Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương mở rộng ngày 24 tháng 8 năm 2004 do Bộ trưởng Phạm Văn Trà chủ trì có những đoạn sau:

“Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ xác định việc tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự và chi phối quân sự nhằm: [...] hạn chế và tiến tới triệt tiêu ý đồ lôi kéo Đông Á và Đông Nam Á vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc”, “Mục tiêu của Mỹ không phải là biến Việt Nam thành một thị trường để góp phần điều tiết nền kinh tế Mỹ, mà là xây dựng Việt Nam thành một khu vực điều tiết nhập siêu Trung - Mỹ, một hàng rào kinh tế ngăn ngừa sự phát triển của Trung Quốc xuống Đông Nam Á.”

Có vẻ như Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngày đó còn dưới quyền lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Văn Trà, chỉ lo ngăn chặn Hoa Kỳ để mong được Trung Quốc thôn tính Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hơn là lo bảo vệ Tổ quốc mình. Cho nên, bức xúc quá, lúc ấy tôi đã phải thảng thốt viết bài “Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình. Cảnh báo nguy cơ mất nước.

Bây giờ bàn về cái quyền lợi sống còn của Trung Quốc – Biển Đông.

Với diện tích 3,5 triệu km2, có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu mỏ, 15 nghìn tỷ mét khối khí thiên nhiên, biển Đông được xem là vùng Vịnh thứ hai của thế giới. Hơn 200 công ty dầu khí của nhiều nước đã và đang tham gia tìm kiếm, thăm dò, khai thác, và đã khoan hơn 1000 giếng khoan tại quần đảo Trường Sa. Tại đây, Việt Nam đã khai thác được hơn 100 triệu tấn dầu, 1500 tỷ mét khối khí, thu được hơn 25 tỷ USD. Ngoài dầu khí, biển Đông còn có 116 loại khoáng sản khác nhau, trong đó 89 loại khoáng sản đã thăm dò được trữ lượng với 1400 vị trí có thể khai thác.

Cận kề miếng mồi khổng lồ béo bở như vậy mà Trung Quốc lại đói dầu. Trung Quốc đã bắt đầu phải nhập khẩu dầu thô từ 1993, và đến nay, đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô vào loại hàng đầu thế giới. Từ 1993 đến 2002, nhu cầu về dầu lửa của Trung Quốc tăng gần 90%, trong khi sản xuất trong nước tăng chưa đến 15%. Dự tính đến năm 2030, lượng dầu thô tiêu thụ của Trung Quốc sẽ đến 10 triệu thùng ngày, trong khi lượng sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 20% số đó.

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Quá nửa số tầu chở dầu cỡ lớn thế giới đều qua biển Đông. Lượng tầu chở dầu qua biển Đông nhiều gấp 5 lần qua kênh đào Suez, gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Biển Đông cũng là tuyến giao thương đối ngoại quan trọng của Trung Quốc, chẳng những thế, còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc. 88% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua biển Đông, trong đó 48% là từ Trung Đông, 22% từ các nước châu Á - Thái Bình dương, 18% từ châu Phi.

Chế ngự được biển Đông là khống chế được tuyến đường vận chuyển dầu mỏ huyết mạch của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biêt, quần đảo Trường Sa ở vào vị trí xung yếu trên tuyến đường từ Thái Bình dương đi Ấn Độ dương: không chỉ án ngữ tuyến đường vận chuyển trong khu vực biển Đông mà còn có thể khuếch trương ảnh hưởng đến tận eo biển Malacca.


Thèm khát đến cuồng nộ

Thời gian gần đây, trên mạng Sina.com của Trung Quốc xuất hiện một chiến dịch truyền thông rầm rộ với hàng loạt bài viết sặc mùi kích động chiến tranh: “Thu hồi quần đảo Nam Sa quan trọng hơn [thu hồi] đảo Đài Loan”, “Việt Nam gây nên nhiều nỗi lo cho Trung Quốc”, “Trung Quốc và Việt Nam khó tránh khỏi lại đánh nhau ở Trường Sa”, “Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A: đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”, v.v...

Dễ dàng nhận ra rằng, tác giả các bài viết này không chỉ là những trí thức, những nhà văn, nhà báo bình thường mà phải là những nhà chính trị - quân sự, những nhà tư tưởng - văn hóa, những nhà tâm lý chiến...

Họ đặt vấn đề một cách rất rạch ròi:

“Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hồi quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) quan trọng hơn thu hồi Đài Loan. Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội chính của nước ta, sớm muộn cũng sẽ giải quyết, còn vấn đề Nam Sa là vấn đề hiện thực không thể không giải quyết, là vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi biển, là vấn đề chống xâm lược nước ngoài, thu hồi vùng đất đã mất, là vấn đề lớn cần phải giải quyết trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước... Nếu chúng ta thu hồi quần đảo Nam Sa, xây dựng tuyến phòng thủ trên biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), tuyến đường vận chuyển trên biển của chúng ta sẽ bảo đảm, điều này sẽ có lợi cho phát triển kinh tế của đất nước, cũng là bộ phận hợp thành quan trọng của chiến lược biển của chúng ta.”

Trên cơ sở nhận định

“Môi trường chung quanh Trung Quốc hiện nay tương đối ổn định. Phía Đông, đã hòa dịu quan hệ với Nhật Bản; phía Bắc đã cùng Nga hoàn thành việc ký kết hiệp định biên giới; phía Tây Tạng đã bố trí lực lượng mạnh hình thành sự răn đe đối với Ấn Độ; quan hệ với Đài Loan cũng đang phát triển một cách lý tính, khi cần thiết sẽ dùng Đài Loan để kiềm chế Nhật Bản,”

họ cho rằng phải

“Đánh Việt Nam để nâng cao ý chí của quân đội Trung Quốc, để cho người Hàn Quốc thấy quân đội Trung Quốc liệu có phải là đội quân chỉ ở tầm thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Hai như người Hàn Quốc nghĩ hay không? Để cho các chuyên gia quân sự Mỹ thấy quân đội Trung Quốc liệu có phải là đội quân không có ý chí chiến đấu như họ đánh giá hay không? Để cho Nhật Bản thấy nếu không ngồi xuống đàm phán thì Trung Quốc cũng có thể tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ lợi ích của mình. Cuộc chiến tranh này đáng đánh, có thể đánh được. Phải nhằm thẳng vào Việt Nam đánh mạnh...”

Họ quả quyết rằng:

“Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía nam.”

Trên cơ sở phân tích “Địa hình Việt Nam rất đặc thù, ví von một cách thông tục thì Việt Nam giống như một con rắn nước kỳ quái nằm ở cực đông của bán đảo Trung Nam [1] , họ vạch kế hoạch tác chiến cụ thể:

“Làm thế nào chế phục được Việt Nam – ‘con rắn kỳ quái’ này? Điều chủ yếu được quyết định bởi việc làm thế nào nhanh chóng chặt đứt đầu rắn. Tục ngữ Trung Quốc có câu ‘đánh rắn phải đánh vào đốt sống thứ 7’, vị trí đốt thứ 7 là chỗ hiểm của rắn. Chúng ta chú ý thấy rằng khu vực ven biển miền Trung Việt Nam có một địa phương gọi là Thanh Hoá. Khu vực này là mũi cực nam của đồng bằng sông Hồng, là cửa đi ra biển của sông Mã. Từ Thanh Hoá hướng về phía nam và đông-nam, địa hình đột nhiên thu hẹp lại giống như cổ con rắn, chia cắt Việt Nam thành hai phần hoàn toàn khác nhau... Vị trí địa lý của Thanh Hoá rất giống tuyến đường độc đạo chiến lược Cẩm Châu của nước ta. Cho nên, Thanh Hoá chính là yết hầu khống chế đầu rắn phía bắc của Việt Nam. Bóp nghẹt yết hầu này có nghĩa là bóp nghẹt ‘đốt sống thứ 7’ của con rắn. Thanh Hoá có địa thế thấp, đồng thời cũng là bình nguyên rộng bằng phẳng, rất thích hợp với việc tiến hành đổ bộ với quy mô lớn. (Tiếc rằng họ quên không kể Thanh Hóa quê tôi là quê hương của Lê Lợi.) Nếu vận dụng phương pháp đổ bộ, thì có thể nhanh chóng đưa nhiều lực lượng thiết giáp vào chiến trường. Như vậy xe tăng một khi đổ bộ lên bờ sẽ tránh gặp phải địa hình núi non, tận dụng ưu thế địa hình đồng bằng, nhanh chóng tiến về Hà Nội.” “Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt một bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị - quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ của địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển.”

Họ không ngần ngại toan tính đến cả chiến tranh hủy diệt trên cơ sở sử dụng “những con sông xuất phát từ lục địa Trung Quốc có thể lợi dụng để lập chiến tranh môi sinh, tạo các bệnh dịch cho toàn bộ Bắc Việt Nam”

Tờ báo Văn Hối ở Hồng Kông, được coi như cơ quan ngôn luận bán chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đặc khu hành chính này, hôm 31 tháng 7 vừa qua đã hô hào: “Trung Quốc cần giảng cho Việt Nam một bài học về thế nào là đồng thuận.” Họ hối thúc phải chớp ngay thời cơ: “Hiện nay nguy cơ kinh tế Việt Nam là cơ hội cuối cùng (mà Trung Quốc chờ đợi) đã xuất hiện.”


Sự mê muội ý thức hệ và lòng tin khờ dại

Cơn cuồng nộ ăn sống nuốt tươi Việt Nam thêm một lần bộc phát dữ dội thực ra đã ấp ủ trường cửu trong lòng những người Trung Quốc mang tư tưởng Đại Hán. Trong tập sách Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản năm 1939, Mao Trạch Đông đã từng viết:

“Các nước đế quốc, sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận; Anh chiếm Miến Điện, Ấn Độ, Butan, Hương Cảng; Pháp chiếm An Nam.”

Trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 8 năm 1965, Mao Trạch Đông một lần nữa lại khẳng định:

“Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Singapore và Malaysia... Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản,... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy.”

Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từng giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ không phải vì nền độc lập thống nhất của Việt Nam mà chỉ để sử dụng ta như một con bài.

Tại Hội nghị Geneva năm 1953, Chu Ân Lai đã thỏa thuận với Mandès France rằng Việt Nam có hai chính phủ, hai vùng kiểm soát, hình thành giải pháp khung chia tách Việt Nam. Kết thúc Hội nghị này, tại tiệc chiêu đãi, Chu Ân Lai coi bốn đoàn có vị trí ngang nhau: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền Bảo Đại, Vương quốc Lào, Vương quốc Kampuchea. Trung Quốc muốn xé lẻ Việt Nam ra để trực tiếp nắm các bên.

Trong khi họ ra sức phấn đấu vì lý tưởng Đại Hán thì các nhà lãnh đạo Đảng Lao động trước đây / Đảng Cộng sản hiện nay của Việt Nam cứ mãi ngộ nhận lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong sáng và lòng vị tha vô tư của họ trong việc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ để rồi sẵn sàng xả thân vì họ. Ngộ nhận rằng vì lý tưởng cộng sản nên Trung Quốc sẽ bảo vệ Polpot cộng sản bằng mọi giá nên khi đàm phán giải quyết vấn đề Kampuchea, phía Việt Nam đã đề xuất “giải pháp đỏ” nhằm lấy lòng họ mặc dù biết rằng thực hiện “giải pháp đỏ”, Việt Nam sẽ phải trả giá, sẽ bị quốc tế tẩy chay. Thế mà rồi “giải pháp đỏ” lại đã bị chính phía Trung Quốc bác bỏ. Đại diện Trung Quốc nói: “Đúng là trong bốn bên Kampuchea, xét về lực lượng quân sự và tổ chức thì hai đảng cộng sản là mạnh nhất. Họ có vai trò nhiều hơn. Song chỗ chúng tôi không đồng ý là giải pháp này chỉ tranh thủ hai phái cộng sản, trong khi còn có các lực lượng khác là phái Sihanouk và phái Son San...”

Trong khi Trung Quốc đã đi đêm với Mỹ để tranh thủ Mỹ cho công cuộc “Bốn hiện đại hóa” của họ, thì đầu tháng 11 năm 1991, sau hơn một thập kỷ tuyệt giao do cuộc chiến Trung - Việt đẫm máu hồi tháng 2 năm 1979, Tổng Bí thư Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc lại hăm hở đề xuất xiết chặt tình đồng chí để “cùng nhau bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc”. Chua chát sao, Tổng bí thư Việt Nam chỉ được đáp lại bằng một đối sách hờ hững “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu” (thân mà không gần, sơ mà không xa, đấu/cạnh tranh mà không đánh nhau).

Quá mê muội ý thức hệ và đặt niềm tin khờ dại vào Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam không chỉ lầm lẫn mà còn bị lừa quá nhiều.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, khi Trung Quốc ra tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý kể từ đất liền của họ, ngoại trừ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, quốc tế không ai công nhận. Riêng Việt Nam lại quá sốt sắng. Chỉ mười ngày sau đó, ngày 14 tháng 9, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được lệnh, với tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, đã ký văn bản thừa nhận lãnh hải Trung Quốc bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa.

Sử sách Việt Nam, qua Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư (1630–1653) và qua An Nam lộ toàn tập của Đỗ Bá Công Đạo, đã từng ghi các chi tiết về địa lý của Hoàng Sa. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613–1615) và có thể trước đó nữa, ta đã thành lập các đội Hoàng Sa để dò tìm khoáng sản. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726–1784), qua tham khảo sổ ghi chép của đội Đức Hầu, cho biết năm 1702, ta đã khai thác được 30 thỏi bạc, năm 1704 được 5100 cân thiếc, năm 1706 được 126 thỏi bạc ở Hoàng Sa. Năm 1925, đoàn khảo sát địa chất dưới quyền lãnh đạo của Tiến sĩ A. Krempf – giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương – đã xác định rằng Hoàng Sa nằm trong cấu trúc địa chất của dải Trường Sơn kéo dài ra biển. Ông kết luận: “Về phương diện địa chất, Hoàng Sa đúng là một phần của Việt Nam”

Cho đến sau Cách mạng tháng Tám, trong “Biểu đối chiếu tên cũ và tên mới đối với các đảo ở Nam Hải” ta vẫn ghi rõ tên 172 đảo của mình.

Tiếc rằng, các bản đồ do Cục Bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam in năm 1960, các bản đồ thế giới do Cục Đồ bản trực thuộc Thủ tướng Chính phủ in năm 1972 và do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1974 đều đã ghi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc!!!


“Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Những binh sĩ Trung Quốc trẻ ngày nay có thể không nhớ những Bạch Đằng, Đống Đa, Chương Dương, Hàm Tử... Có thể không biết 30 vạn quân Tống đã bị đánh cho tan tác, tơi bời chỉ bởi 10 vạn quân Việt dưới triều nhà Lý; không biết trong cuộc xâm lăng năm 1285, quân Nguyên đông hơn nửa triệu, còn triều đình nhà Trần, lúc động viên cao nhất cũng chỉ có 30 vạn quân. Nhưng, hẳn họ phải biết trong cuộc chiến hồi tháng 2 năm 1979, những người lãnh đạo đất nước họ đã huy động tới 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc bất ngờ ào ạt tấn công Việt Nam, để rồi 30 ngàn quân trong số đã bị loại khỏi vòng chiến chỉ trong ít ngày.

Hẳn đòn đau vẫn còn ngấm sâu nên các tác giả trên mạng Sina.com cũng còn biết gờm:

“Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có kinh nghiệm chiến tranh phong phú, đặc biệt là kinh nghiệm chiến tranh với các nước lớn quân sự. Cho nên nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam cũng là ‘khúc xương khó nhằn’.”

Về tinh thần quyết chiến thì xin hãy nghe đây:

“Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.”

(Trích Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà về những hành động gây hấn của Trung Cộng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974.)

Và đó mới chỉ biểu thị sức mạnh và ý chí của một nửa nước, trong tình trạng đất nước còn đang chia cắt.

Lại nữa, ngày nay không còn như những thời Lý, Trần, Lê, khi mà chống Trung Quốc, Việt Nam chỉ đơn thương độc mã.

Ngay sau chuyến xuất ngoại để lập đường dây nóng với lãnh đạo Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, tại Washington, trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 24 tháng 6 năm 2008, như một kết quả của chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã vang lên lời cam kết “Hoa Kỳ tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” của Tổng thống Hợp chúng quốc châu Mỹ George W. Bush. Củng cố cho lời tuyên bố này, ngày 7 tháng 8 năm 2008, tại Bangkok, một lần nữa Tổng thống Bush lại xác định:

“Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp và tôi đã tìm cách gỡ rối mối quan hệ này trên bốn nguyên tắc: củng cố liên minh, tìm bạn mới, thắt chặt quan hệ kinh tế, và sau cùng, hợp tác và bảo vệ quyền lợi chung. Bốn nguyên tắc này giúp Hoa Kỳ và đồng minh tại Á châu tạo nên một chính sách căn bản để đối phó với Trung Quốc.

Trước đó, ngày 1 tháng 6 năm 2008, tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh châu Á ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cũng tuyên bố Hoa Kỳ không quên các cam kết của mình đối với an ninh và ổn định tại châu Á.

Gần đây nhất, hôm 20 tháng 8, trong buổi họp báo sau một năm đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong khi các tàu đánh cá mang hỏa tiễn Trung Quốc lởn vởn quanh khu vực mà trước đây công ty BP của Anh thăm dò dầu khí theo hợp đồng với Việt Nam, Đại sứ Michael Michalak đã thêm một lần dằn lại lời tuyên bố kim cương trên kia một cách đầy dụng ý: “Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Trở lại với chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 6 năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào dịp đó Petro Vietnam đã ký kết hợp đồng thăm do khai thác dầu khí trên cả một dải biển Đông ngoài khơi từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam với công ty Exxon Mobil của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã phản đối như vẫn được trông đợi, nhưng hôm 28 tháng 7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản bác ý đồ gây áp lực của Trung Quốc đối với Exxon Mobil. Đối với những lô thềm lục địa mà trước đây, công ty BP của Anh đã từng tiến hành thăm dò dầu khí rồi phải ngừng lại khi bị Trung Quốc phản đối, báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa nam Buổi sáng) cho biết trong mấy tuần gần đây, các nguồn tin từ những công ty dầu khí quốc tế của Anh, Pháp, Nga như BP, Total, Gazprom đều mạnh mẽ xác nhận là sẽ thúc đẩy sự thực hiện những hợp đồng đã có và sẽ ký với Việt Nam.

Trong khi những người Trung Quốc theo chủ nghĩa Đại Hán cực đoan đang hối thúc nhau hãy tận dụng thời cơ lực lượng quân sự Việt Nam – đặc biệt là hải quân – đang còn yếu thế hơn so với họ, đồng thời đang rối ren, lúng túng trước nhiều khó khăn kinh tế - xã hội, để “giải quyết sớm vấn đề Việt Nam” thì phải chăng, họ không nghe biết rằng ở Hoa Kỳ, giới chiến lược gia đã sẵn có một lượng định rằng nếu trước sau Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng sẽ đụng độ nhau trên chiến trường [trong thế kỷ này], thì đụng độ sớm có lợi hơn là nấn ná dành thời cơ cho Trung Quốc giàu mạnh lên. Trong tính toán chiến lược đó, việc Trung Quốc khởi binh đánh Việt Nam sẽ trao cho Hoa Kỳ cơ hội ngàn năm có một để ra tay hủy diệt tiềm năng quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đẩy lùi một đại hiểm họa đang treo trước mắt nhân loại.

Tựu trung, cả những trang sử truyền thống, cả những bằng chứng pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, cả trạng thái hiện tại của tinh thần dân tộc cùng lòng người trên thế giới đều bảo đảm cho chúng ta hoàn toàn có thể đương đầu và đánh bại ý đồ xâm lăng của Trung Quốc, nếu họ động binh như đang doạ dẫm.

Tuy nhiên, không thể không tính đến một khả năng xấu nếu lại tái xuất hiện ở thời hiện đại một Lê Chiêu Thống phản phúc trải thảm đỏ đón quân xâm lược vào, để cậy nhờ chúng bảo vệ ngai vàng cho mình, bán rẻ Tổ quốc và hy sinh xương máu của nhân dân. Song le, ngay cả trong tình huống đó, cuộc kháng chiến cũng sẽ chỉ thêm phần cam go hơn chứ quyết không thể thất bại: mọi kẻ xâm lược chưa từng và sẽ không bao giờ xây dựng được trên đất nước chúng ta một ngụy quyền ổn định lâu dài. Nếu Liên Xô trước đây từng gặp khó khăn ở Afghanistan, Hoa Kỳ gặp khó khăn ở Iraq một phần thì tại đây, ở Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đương đầu với trăm nghìn phần nguy khốn hơn.

Sức mạnh của Trung Quốc và sự quỷ quyệt của những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng ở Trung Quốc rất đáng gờm. Một sách lược mềm mỏng, nhường nhịn nhằm củng cố và duy trì cho được mối bang giao hữu hảo giữa hai nước là lựa chọn cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính họ điên cuồng lựa chọn “nhất chiến, an thiên hạ” (“đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”) thì người Việt Nam sẽ đành lại một phen “đánh một trận sạch không kình ngạc”, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Nội, 2 tháng 9 năm 2008

© 2008 talawas



[1]bán đảo Trung Nam: cách Trung Quốc gọi bán đảo Trung - Ấn (tiếng Anh: Indochina hoặc Indochinese Peninsula). Hiện nay, khái niệm này có hai nghĩa. Trong nghĩa hẹp, nó đồng nhất với khái niệm bán đảo Đông Dương như thường dùng ở Việt Nam, chỉ vùng lãnh thổ của ba quốc gia Việt Nam, Kampuchea và Lào. Trong nghĩa rộng hơn, nó bao gồm bán đảo Đông Dương cộng với Myanmar, Thái Lan, Tây Malaysia và Singapore. (Chú thích của talawas.)