trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
25.12.2007
Phạm Hải Vũ
Gã chủ thầu xây dựng và lý thuyết giá trị của Marx – phần II
 
Lý thuyết giá trị của Marx chỉ là một học thuyết kinh tế cổ điển không còn được kinh tế học hiện đại chấp nhận, đó là quan điểm của tôi khi viết bài "Phê phán lý thuyết giá trị lao động của Marx". Ông Đoàn Tiểu Long, ngược lại cho rằng lý thuyết giá trị của Marx vẫn còn nguyên giá trị. Trong bài viết phản biện, ông Đoàn Tiểu Long sử dụng rất nhiều ví dụ để chứng minh cho lập luận của mình nhưng một phần lớn giải thích của ông đều chẳng phải marxist, mà toàn là lời giải của kinh tế học bị ông ngụy tạo và dán nhãn marxist lên trên. Phần còn lại là lời giải của Marx đã bị kinh tế học chứng minh là sai, nhưng bị ông lờ đi, cho nên những người không biết cứ tưởng ông cung cấp cho họ lời giải đúng (hay họ biết mà không muốn nói). Tôi buộc lòng phải chỉ rõ sự "ăn gian" này của ông để các bạn đọc khác không bị hoa mắt bởi vầng hào quang được ông gọi là lý thuyết giá trị marxist này.

Xin chỉ đi sâu vào các ví dụ mà ông nhắc đến trong bài "Gã chủ thầu xây dựng và học thuyết giá trị của Marx".


Ví dụ 1: Giá của một bức tranh thế nào là cá biệt

Trước câu hỏi giá của một bức tranh thế nào là cá biệt của Nguyễn Nguyễn, ông Đoàn Tiểu Long đưa ra một loạt câu hỏi để đánh lạc hướng người đọc, để rồi cuối cùng… không trả lời, và phê là người hỏi chẳng có kiến thức gì (chuyện bình thường, marxist mà).

Nếu như Marx đúng, thì giá trị của bức tranh là do lao động trung bình xã hội quyết định, thế thì cần gì phải biết đến ai là người vẽ, họa sĩ thành danh hay không thành danh, bán lúc ông ta còn sống hay đã chết… Nếu như quan tâm đến những vấn đề này thì hóa ra giá trị của bức tranh là do lao động cá biệt của họa sĩ quyết định, chứ xã hội có vai trò gì ở đây? Nhất là nếu ông họa sĩ chết rồi thì giá trị của bức tranh liệu có tăng thêm được tí nào không mà giá của nó lại tăng vọt? Cho nên nếu không ủng hộ Marx thì thôi, đã ủng hộ thì phải đến nơi đến chốn. Nếu ông bảo tranh ảnh nghệ thuật là các trường hợp cá biệt (vì không sản xuất quy mô được) thì mặc dù có thể không đồng ý với ông nhưng ít nhất thì mọi người còn thấy là ông nhất quán trong lập luận, đằng này ông ủng hộ Marx nửa vời, chỗ nào ổn thì ông giơ ra cho xem, chỗ nào không ổn thì ông lại biến báo mập mờ, bảo là sẽ có các quy luật khác tác động.

Ông Đoàn Tiểu Long bảo, phải biết người vẽ, người mua, người bán, địa điểm bán, lại phải biết "Những bức có giá như thế này trở lên chiếm bao nhiêu phần trăm trong thị trường hội hoạ"… Chủ trương của ông Đoàn Tiểu Long là muốn biết cá biệt hay không, ta đem giá tiền (cái dao động) ra so sánh với giá trị - cái vốn được xác định bằng giá tiền (trung bình xã hội, nên ít dao động). Xin thưa là những thông tin ông hỏi như trên chỉ cho ra giá tiền của bức tranh thôi, chứ không cho ra giá trị, thế thì ông định lấy cái gì so sánh với giá tiền bây giờ? Ông phê phán học thuyết kinh tế cận biên nhưng học thuyết này có cách trả lời khác, tôi thấy có lý hơn nhiều, vậy xin trả lời ngay ông Nguyễn Nguyễn:

Giá trị là do xã hội quyết định với tư cách là tập hợp những người sử dụng. Cái giá tiền mà ông Đoàn Tiểu Long muốn đo bằng trung bình xã hội và lấy làm đại diện cho giá trị kia, chẳng qua chỉ là một trạng thái cân bằng của cung cầu trên thị trường. Khi ông so một sản phẩm bất kỳ với cân bằng thị trường thì sản phẩm đó chắc chắn là cá biệt. Việc giá tiền của nó sát với giá thị trường hay không chẳng qua chỉ là do các yếu tố cung cầu quyết định. Nếu các yếu tố cung cầu bị thay đổi, ví dụ có rất nhiều họa sĩ khác cũng vẽ tranh rất đẹp (hoặc rất xấu) chẳng hạn, thì giá trị và giá tiền của bức tranh sẽ rời xa điểm cân bằng ngay lập tức, vì một cân bằng mới đã hình thành. Cái dao động không phải là giá trị bức tranh, mà thực ra chính là cân bằng của thị trường. Cá biệt hay không cá biệt rõ ràng hoàn toàn chẳng tỷ lệ thuận với lao động mà họa sĩ bỏ vào tranh tí nào, nó chỉ phụ thuộc vào vị trí tương đối giữa bức tranh đem bán với cân bằng thị trường mà thôi. Cùng một bức tranh có thể trở thành "cá biệt" hay không là do nó được bán trong những điều kiện thị trường khác nhau. Đừng quên là thị trường tranh tuy tồn tại thật, nhưng bức họa mà ông muốn mua là duy nhất, cho nên đừng tin vào quy luật giá trị của Marx làm gì, nếu ông thích và có đủ tiền thì cứ mua thôi.


Ví dụ 2: Hợp đồng của Ronaldinho với Barca

Ông Đoàn Tiểu Long nói "khi Barca ký hợp đồng với Ro thì họ đã mua sức lao động của Ro. Nhưng sức lao động đó chưa là cái gì nếu Ro còn chưa chơi bóng. Ro chỉ sản xuất ra giá trị cho các ông chủ ngành bóng đá khi Ro ra sân chạy trối chết, để làm ra hàng hoá là một trận cầu. Theo quan điểm của Marx, lao động của Ro là lao động sản xuất, sản xuất ra giá trị thặng dư cho các ông chủ."

Xin thưa với ông Đoàn Tiểu Long là tư duy của các tay tư bản chủ sở hữu Barca khác với tư duy tay chủ thầu xây dựng của ông nhiều lắm. Khi Barca mua Ronaldino, lý do đương nhiên là để Ro chơi bóng, hay nói như ông là để Ro tạo ra lao động sản xuất. Tuy nhiên cái mà Barca thực sự mua không phải là lao động mà Ro sẽ tạo ra khi anh ta biểu diễn trên sân, mà là hình ảnh của cầu thủ đã từng hay nhất thế giới. Đương nhiên để gìn giữ hình ảnh này thì anh ta tiếp tục phải chơi bóng hay, nhưng giữa hai thứ chẳng có chút xíu quan hệ gì nhìn từ lăng kính kinh tế học. Giá trị mà Ronaldino đem lại cho Barca là hàng triệu vé xem bóng đá bán cho khán giả vào sân, hàng chục triệu đôla bán đồ lưu niệm, hàng trăm hợp đồng bản quyền truyền hình. Ro có thể chỉ chơi 60, 70 phút, nhưng các ông chủ Barca có thể đã hài lòng rồi vì thu nhập của câu lạc bộ đã tăng thêm gấp 2, 3 lần, hoàn toàn nhờ vào hình ảnh của anh. Trong trường hợp này Ro có chạy hùng hục thêm 20, 30 phút nữa cũng chẳng tăng thêm được một xu nào cho câu lạc bộ, cho nên nói giá trị chỉ được tạo ra khi Ro thực sự lao động rõ là nói nhăng nói bậy. Ngược lại nếu Ro và các đồng đội chơi trọn cả 90 phút nhưng Barca vẫn liên tiếp thua trận thì số giờ lao động mà cả tập thể cầu thủ này tạo ra chẳng làm tăng thêm giá trị câu lạc bộ một mảy may nào. Càng "lao động" trên sân, họ chỉ càng thấy cổ phiếu Barca mất giá vùn vụt trên thị trường. Lúc đấy chỉ e giá trị của Ro sẽ rớt thảm hại mà thôi.


Ví dụ 3: bán 100 m3 cát trên một bờ sông chẳng thuộc quyền sở hữu của ai

Chẳng hiểu ông Đoàn Tiểu Long sống trong thế giới nào mà ông lại có thể tìm thấy một bờ sông chẳng thuộc sở hữu của ai. Trên thế giới này cái gì có giá trị thì người ta đều tìm cách sở hữu hết, lấy đâu ra một bờ sông không có sở hữu mà làm ví dụ. Vừa rồi Nga có đưa tàu thủy đến Bắc Cực để cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên miền đất băng này. Mỹ và Cộng đồng châu Âu cực lực phản đối. Ai đúng, ai sai tôi chẳng quan tâm, chỉ xin tiết lộ với độc giả rằng dưới những lớp băng cực bắc ấy là những mỏ dầu mới phát hiện. Trong bối cảnh dầu lửa thế giới tăng giá vùn vụt, ta hiểu ngay vì sao các cường quốc khác lại phản ứng động thái cắm cờ của Nga như vậy. Một ví dụ khác mới ngay đây là việc Trung Quốc đòi lấy Trường Sa và Hoàng Sa của chúng ta. Nếu nói mấy hòn đảo hoang này không có giá trị thì vì sao người ta lại nhăm nhe nhòm ngó đến vậy. Còn chúng ta, vì sao chúng ta lại không cho họ cho toàn tình hóa hiếu đôi bên. Nói như thế để thấy rằng nhận thức sai lầm về giá trị có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên tôi không phải là loại người "mauvaise foi", nên tôi giả thiết là ông Đoàn Tiểu Long muốn nói về một thời kỳ mà quyền sở hữu còn chưa được định đoạt rõ ràng. Locke đã nói đến thời kỳ đó và ý tưởng của ông là con người sử dụng lao động để đánh dấu quyền sở hữu của mình. Marx cũng tán thành quan điểm này và ông cho rằng lao động chính là nguồn gốc của sở hữu. Tuy lao động là tiền đề tiên khởi của việc sở hữu, nó chẳng mảy may quyết định giá trị chút nào. Xin lấy một ví dụ:

Nếu vào thời kỳ chưa có sở hữu đầy đủ đó, có một ông nông dân A mua 100 m3 cát xây nhà của ông "chủ thầu xây dựng" B với giá 10 con bò, thì liệu ta có thể coi tỷ lệ 100 : 10 này là tỷ lệ trao đổi của xã hội dựa trên lao động được chăng? Hãy xét một giả thiết mà ta không thể bỏ qua: chẳng phải lao động nuôi 10 con bò của ông A được xã hội đánh giá tương đương với lao động để xúc 100 m3 cát của ông B, đơn giản chỉ vì ông B đã chiếm mất đống cát gần nhà mà ông A có thể đến xúc tự do, cho nên ông A buộc phải mua với tỷ lệ 100 : 10. Để xúc 100 m3 cát, ông A có thể chỉ cần 100h lao động, còn để nuôi 10 con bò phải cần đến tận 150h nhưng ông A vẫn phải chấp nhận "thiệt thòi", bởi vì ông ta có nhu cầu mà không có cát. Dễ gì mà tìm được một đống cát khác không có sở hữu để xúc, mà có xúc được thì cũng phải mất công mang về nhà, và vì đống cát này xa hơn nhiều nên sẽ tốn hơn 150h lao động. Kết quả là tỷ lệ 100 : 10 chẳng phản ánh mảy may tỷ lệ lao động xã hội chút nào. Marx nói rằng tỷ lệ trao đổi phản ánh tương quan quyền lực giữa người với người.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có thêm một ông C đề nghị bán 100m3 cát với giá 8 con bò thay vì 10 con. Lý thuyết cận biên cho rằng ông A tất sẽ phải chấp nhận đề nghị của C. Mô hình cận biên giả thiết nếu có X người bán và Y người mua (X, Y vô cùng lớn) tham gia vào việc mua bán thì cân bằng trên thị trường sẽ rơi vào điểm mà cả người bán và người mua đều không ai có thể ép giá được nữa, thuật ngữ kinh tế học gọi người bán là price taker thay vì price maker. Giá tiền trong trường hợp này sẽ bị hạ xuống đến mức tối đa có thể và nói như ông Đoàn Tiểu Long là mức tương đương với lao động mà người xúc cát phải bỏ ra. Đây là lời giải bài toán mà ông Đoàn Tiểu Long lấy từ kinh tế học để gọi là marxist, rất tiếc nó chỉ là bản copy thiếu của lời giải tổng quan bằng kinh tế học. Đã không chép nguyên bài giải thì thôi, ông Đoàn Tiểu Long lại còn có những đoạn chú thích làm lạc hướng người đọc, ví dụ như lý thuyết trò chơi vốn là một lý thuyết bổ khuyết cho kinh tế học vi mô hiện đại cũng được ông lôi vào để biểu dương Marx.

Bất cứ ai đã học kinh tế học vi mô đều biết trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá bán không thể hạ xuống thấp dưới điểm hòa vốn được. Tại điểm hòa vốn [1] , doanh nghiệp bán sản phẩm với mức giá tương đương với chi phí cận biên để làm ra sản phẩm. Nói cách khác, giá bán hòa vốn là giá bán mà tại đó doanh nghiệp đã khấu hao hết chi phí cố định và mỗi một sản phẩm làm thêm chỉ có giá tương đương với chi phí biến đổi mà thôi. Trong ví dụ xúc cát, đúng là nếu có cạnh tranh hoàn hảo thì giá của cát sẽ tương đương với lao động bỏ ra để xúc cát, tuy nhiên đây chỉ là một trường hợp đặc biệt vì chi phí biến đổi trong trường hợp này chính là lao động cần thiết để xúc cát. Ông Đoàn Tiểu Long đã khéo chọn ví dụ này để bênh Marx, bởi vì nếu ông chọn bất kỳ một ví dụ nào mà chi phí biến đổi không chỉ bao gồm lao động mà còn có cả nguyên vật liệu, thì người ta sẽ thấy là ông sai lè ngay lập tức. Thậm chí ngay cả trong ví dụ xúc cát ông cũng đã sai rồi, nếu ông sử dụng cát này để xây nhà. Bởi vì ông đã cố tình coi cát không có giá trị, cho nên chi phí biến đổi bị ông tính bằng giá trị của cát + lao động xúc cát = 0 + lao động = lao động. Trong cuộc sống thật, giá trị của cát rất thấp nên các bạn đọc có thể không nhận ra sự ngụy biện này. Bây giờ chỉ cần thay cát bằng vàng thì sẽ rõ ngay là lời giải này đúng hay không đúng. Xin được trở lại ví dụ này lát nữa.

Nếu thế giới này mà hoạt động trên quy luật giá trị của Marx thì thứ nhất chẳng ai còn ham muốn sở hữu, thứ hai chẳng còn ai muốn tích lũy tư bản, vì nếu trao đổi luôn được thực hiện trên cơ sở lao động trực tiếp bỏ ra thì người ta sở hữu tư bản để làm cái gì.


Ví dụ 4: Anh chủ thầu xây dựng tính giá trị bằng công lao động

Đây là một ví dụ mà ông Đoàn Tiểu Long đã có nhã ý dành cho tôi nên tôi không thể không trả lời ông chu đáo. Trước hết ông nói là người ta có thể cộng bàn ghế với tủ lạnh ngon, ví dụ "trong mắt kết toán viên: tủ cộng bàn cộng ghế bằng 500$". Ông quên mất một đoạn chú thích cho độc giả là chẳng có ai cộng tủ với bàn ghế trực tiếp cả, muốn cộng người ta phải quy ra USD và kết quả 500$ đấy không phải là do tủ cộng với bàn ghế mà là USD cộng với USD. Khi tôi nói không thể cộng giờ lao động với nhau được là ý muốn nói không thể coi giờ lao động là đơn vị, chúng khác nhau như tủ và bàn ghế. Nếu muốn lấy lao động làm đơn vị thay tiền tệ, thì đơn vị đấy phải thống nhất. Nếu như đã chọn giờ lao động làm đơn vị, mà mỗi lần kế toán lại phải quy ra tiền, thì đẻ ra đơn vị mới làm gì cho phức tạp. Cứ dùng tiền tệ có phải là nhanh không. Bài toán cộng tủ với bàn ra 500$ cách đây hơn 200 năm (1780) đã có một người Pháp tên là François Quesnay làm rồi, Marx chẳng qua chỉ viết lại trong Tư bản luận những gì ông ta thấy tiền nhân đã sử dụng thôi, xin đừng vơ vào cho Marx cái lý thuyết kế toán quốc dân ấy.

Không biết tay chủ thầu xây dựng quen ông Đoàn Tiểu Long kia làm gì, nhưng nếu như hắn sống cùng tôi trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh đàng hoàng, thì tôi sẽ trả lời hắn như sau "OK, chú làm cho anh một cái báo giá, anh nhìn qua thị trường một phát rồi sẽ trả lời chú ngay". Đảm bảo là trong báo giá, tích số 260h lao động x 60 ngàn công một giờ mà hắn gạ gẫm tôi sẽ phải hạ xuống ngay. Sau khi cầm báo giá mới, tôi sẽ nói tiếp với hắn thế này "Đây nhé, làm một nhát hợp đồng. Anh khoán cho chú ngần này tiền để làm, sau 2 tháng phải xong, sớm thì có thưởng, muộn thì chịu phạt." Lúc đấy ông Đoàn Tiểu Long sẽ có thể trực tiếp đến công trường để nghiên cứu xem có đúng là một giờ lao động của thợ chính bằng hai giờ lao động của thợ phụ và bằng 2 x 60 000 như hắn nói không? Hay là cả thợ chính và thợ phụ đều làm việc quần quật quá 10 tiếng một ngày, và nếu trễ hẹn thì thợ chính cũng nhào vữa như thợ phụ, và thợ phụ có khi cũng xây trát như thợ chính.

Đương nhiên tôi không có ý định nói là nếu 1 công thợ chính không chính xác bằng 2 công thợ phụ thì ông sai. Tôi chỉ muốn nói là ví dụ tay chủ thầu xây dựng của ông chẳng mảy may đại diện cho lý thuyết giá trị tẹo nào hết. Bởi vì ông muốn chứng minh là người ta có thể kế toán bằng giờ lao động ngon lành cho nên ông cố tình không nhận thấy là khái niệm công thợ chính và công thợ phụ chỉ là những khái niệm trung gian trước khi quy ra tiền mà thôi. Một khi cái gốc rốt ráo là tiền bị cố định thì những khái niệm công thợ của ông sẽ đều bị biến dạng ngay lập tức. Ông Đoàn Tiểu Long cho rằng ta có thể đo lao động phức tạp bằng bội số của lao động đơn giản và đưa ra ví dụ giờ lao động của luật sư và của oshin. Ông cố tình không nhìn thấy là cái tỷ lệ bội ấy hoàn toàn là do đánh giá xã hội trên kết quả công việc mà thành. Nói cách khác, muốn có cái tỷ lệ ấy, người ta phải chia lương luật sư cho lương oshin, tức là tiền chia cho tiền. Chỉ có nhờ sử dụng một đơn vị tiền tệ thống nhất mà người ta mới có thể quy đổi một công thợ chính bằng hai công thợ phụ và tỷ lệ 1 : 2 này cũng dao động lên xuống tùy thời điểm chứ không phải là một tỷ lệ cố định. Nếu tiền biến mất, thì tỷ lệ này cũng sẽ biến mất theo, và cả xã hội sẽ rơi vào đại khủng hoảng vì rối loạn giá trị. Sự điên đảo vì mất điểm tựa quy đổi ấy, xã hội Việt Nam đã sống thử rồi, vậy tôi xin để cho độc giả cho ý kiến xem tem phiếu và tiền, cái nào đo giá trị chính xác hơn, khỏi cần phải ghé qua các công ty xem bảng lương làm gì cho mệt.

Viết đến đoạn này tôi xin được phép chỉ ra sự thiếu nhất quán trong lập luận của ông Đoàn Tiểu Long vì cuối bài viết của ông, tôi đọc được: "Suy cho cùng, người ta chủ yếu muốn biết tỷ lệ trao đổi giữa các hàng hoá là bao nhiêu, muốn thế chỉ cần nhìn vào giá của chúng là biết, cũng như người ta chủ yếu chỉ cần biết nhiệt độ của một vật là cao hay thấp so với nước sôi chẳng hạn để mà dè chừng. Đo một cách gián tiếp là đủ." Nếu thế thì giá trị chỉ là một thứ khái niệm rỗng à? Mà như thế thì hóa ra tôi với ông cùng phe, chúng ta cùng cho rằng tiền là thứ không thể thiếu và là thước đo chính xác nhất, giờ lao động chỉ là kết quả thứ yếu suy ra từ việc đo giá trị bằng tiền. Tội nghiệp cho Marx, tưởng được bênh vực mà hóa ra lại bị phủ nhận. Cả lý thuyết giá trị của Marx đều dựa trên thước đo giá trị - lao động, cái mà Marx cho rằng ưu việt hơn thước đo tiền tệ, cái hồn của tiền tệ. Nhờ vào thước đo này mà Marx nhận ra giá trị là cái bất biến, không phụ thuộc vào giá cả; nhờ vào thước đo này mà Marx nhận ra bóc lột, khủng hoảng chu kỳ, những cái mà thước đo tiền tệ không giải quyết nổi. Nếu ông Đoàn Tiểu Long cho rằng muốn biết tỷ lệ trao đổi ra sao chỉ cần nhìn vào giá là đủ, bởi vì đo gián tiếp cũng chính xác thì rõ ông cùng phe với tôi quá rồi, còn bênh Marx thế nào được nữa. Đo bằng tiền mà chính xác thì ông không thể là đệ tử của Marx được. Giá dầu trên thế giới đang leo thang vùn vụt, vậy có nghĩa là giá trị dầu lửa đang tăng vọt vì người ta phải tốn nhiều lao động hơn để hút dầu lên chăng?

Nói cho vui chút thôi chứ tôi nghĩ đây là một vấn đề hết sức nghiêm chỉnh. Tôi cho rằng Marx đã sử dụng một khái niệm lao động hết sức mơ hồ, vì thế tôi viết, khái niệm lao động của Marx khép kín trong sự trìu tượng của triết học và không giải quyết được các vấn đề cụ thể. Marx cho rằng muốn biết giá trị, ta cần phải quan sát giá cả trong rất nhiều giao dịch để tìm ra mức trung bình xã hội. Nếu thể hiện bằng hàm số ta có thể ký hiệu như sau:

(1) Giá trị = E (giá trị trao đổi), với E là kỳ vọng toán học

Nhìn vào hàm số này ta có thể thấy giá trị là cái trọng tâm, bất cứ một giá trị trao đổi nào cũng có một độ lệch nhất định so với giá trị. Do đâu Marx nói giá trị trao đổi xoay quanh giá trị.

Sau đó Marx lại nói, lao động tạo nên giá trị, do đó giữa giá trị và lao động có một mối quan hệ:

(2) Lao động = f (Giá trị) [2] , với f là một hàm số thể hiện quan hệ phụ thuộc

Sau cùng Marx nói, giá trị của lao động (hay sức lao động, bởi vì lao động không có giá) phụ thuộc vào giá trị trao đổi. Thế này nhé, một giờ lao động của công nhân đơn giản là 60 000. Một giờ lao động của công nhân cao cấp là 120 000. Nhờ có tiền, tức là có giá trị trao đổi, mà ta biết được giá trị của sức lao động. Tức là

Lao động = G (giá trị trao đổi). Với G cũng là một hàm số thể hiện quan hệ phụ thuộc. Hàm số này có thể được viết lại như sau:

(3) Giá trị trao đổi = g (Lao động), với g thể hiện mối tương ứng 1/G

Hệ 3 phương trình (1), (2), (3) cho ta một kết quả như sau :

Giá trị trao đổi = g (Lao động) = g(f(Giá trị) = g(f(E(giá trị trao đổi))).

Hay nói cách khác

(4) Giá trị trao đổi = M (Giá trị trao đổi), với M là một hàm số thể hiện sự phụ thuộc thứ 4 ngoài g, f và G.

Nói bằng ngôn ngữ thông thường, phương trình (4) cho biết muốn đi tìm giá trị trao đổi ta phải biết giá trị trao đổi. Muốn đi tìm x, ta phải biết x. Khổ nỗi nếu đã biết x rồi thì còn đi tìm cái gì nữa.

Nghịch lý toán học trên chỉ ra ngay lập tức những điểm thiếu thuyết phục trong ví dụ giá trị của bãi cát không chủ sở hữu trên bờ sông của ông Đoàn Tiểu Long. Xin được thay đổi một chút các thông số của bài toán này. Giả sử ta không xúc cát mà là đãi vàng và bãi vàng này là sở hữu chung, ai làm người ấy hưởng không có ai bóc lột ai. Ông Đoàn Tiểu Long cho rằng giá trị của vàng chính là giá trị của lao động khi người ta xúc nó lên để bán. Muốn biết giá trị của lao động này là bao nhiêu người ta lại dùng tiền công (như trong ví dụ thầu xây dựng) mà tiền thì chẳng qua chỉ là một hàng hóa đặc biệt đứng ra làm nhiệm vụ trao đổi. Giả dụ muốn đãi 1 lạng vàng tôi cần 100 ngày lao động tương đương với sinh hoạt sống của tôi trong 100 ngày, tương đương 3 chỉ vàng. Nếu theo ý kiến của ông Đoàn Tiểu Long thì hóa ra giá trị 1 lạng vàng tìm được tương đương với lao động bỏ ra để đãi vàng tức là 3 chỉ vàng à? Ở đây chẳng có thặng dư, cũng chẳng có bóc lột, chỉ có một nghịch lý là 1 lạng không thể bằng 3 chỉ mà thôi.

Tôi xin giúp ông trả lời nghịch lý này như sau: Vàng dưới đất cũng đã có giá trị rồi và giá trị 1 lạng vàng trong lòng đất ấy tương đương với 7 chỉ trong lưu thông. Khi đào nó lên, ông tốn thêm 3 chỉ nữa, vậy là vừa khít. Tuy nhiên tôi biết ông không tin lý thuyết cận biên nên tôi chỉ dám gợi ý vậy thôi. Biết đâu ông lại có lời giải khác, đánh đổ được các lý thuyết kinh tế học hiện đại.

Nếu chịu bỏ công sức ra đọc kỹ các lý thuyết cận biên một chút, ông sẽ thấy họ giải bài toán này rất uyển chuyển. Giá trị chính là giá trị trao đổi và chỉ phụ thuộc vào nhu cầu và sự khan hiếm mà thôi. Đương nhiên cách giải bài toán mà tôi muốn nói không phải hệ phương trình của Walras chỉ có một phía cầu, mà là hệ phương trình của Pareto tính đến cả cung lẫn cầu. (Chuyện này xin được khất đến lần khác giải thích cụ thể.)

Cung = F (sản phẩm)
Cầu = G (sản phẩm)

Giá trị sản phẩm là nghiệm số của phương trình F = G, với điều kiện là tiền tệ phải đứng riêng ra không tham gia vào quá trình bị tiêu thụ như các hàng hóa thông thường.

Điều kiện căn bản nhất là giá trị phải không được phụ thuộc vào lao động, mà phụ thuộc vào sự tương quan giữa các nhu cầu và khả năng cung cấp. Ngược lại chính lao động phụ thuộc vào giá trị. Bài toán cơ bản nhất của kinh tế học do đó luôn là việc sử dụng tối ưu các nguồn lực trong sự khan hiếm của chúng. Nhiều người cho rằng Marx không quan tâm đến sự khan hiếm các nguồn tài nguyên, điều này tuy như thế mà không phải là thế - Marx làm gì mà không biết tài nguyên khan hiếm. Tuy nhiên tôi không thể bênh Marx ở đây, cũng xin dành một dịp khác vậy. Xin quay trở lại với bài toán cung cầu, ta chỉ có thể giải thích nghịch lý toán học (4) như sau:

Giá trị mà Marx muốn nói đến ở đây là tương quan các mối quan hệ xã hội. Điều đấy có nghĩa là giá trị sản phẩm theo Marx cũng được xác định bằng hệ phương trình cung cầu như lý thuyết cận biên (các tư tưởng vĩ đại giống nhau chăng?) Điểm khác biệt là ở chỗ cung cầu trong lý thuyết cận biên là các trạng thái tức thời của thị trường, còn cung cầu trong kinh tế chính trị của Marx là trạng thái ổn định của xã hội, nói bằng ngôn ngữ của Marx là trung bình xã hội, còn nói bằng ngôn ngữ kinh tế học là cung cầu trong dài hạn [3] (vì ổn định hơn ngắn hạn). Xã hội của Marx là xã hội được đại diện bởi phương thức sản xuất. Mỗi xã hội có một phương thức sản xuất riêng và có những công cụ sản xuất riêng. Trong xã hội mà người ta phải mất 10h để đào 1 gram vàng, 10h để làm một cái xe thì tỷ lệ trao đổi là 1 : 1. Nếu nhờ các khả năng sản xuất mới trong 10h người ta làm được 10 cái xe thì trong xã hội mới tỷ lệ mới sẽ là 1 : 10. Nghịch lý toán học của phương trình (4), cả kinh tế học lẫn kinh tế chính trị của Marx đều phải đối mặt, và phải được viết lại đúng như sau:

(5) Giá trị trao đổi cá biệt = M (Giá trị trao đổi, tính trên cơ sở xã hội)

Theo phương trình trên, giá trị trao đổi cá biệt phụ thuộc vào giá trị trao đổi tính trên cơ sở trung bình xã hội hay dài hạn (từ đây xin gọi tắt là giá-trị-xã-hội) Nếu lật ngược phương trình ta sẽ thấy giá-trị-xã-hội phụ thuộc vào giá trị trao đổi cá biệt, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là muốn đi tìm giá-trị-xã-hội, ta phải quan sát các giá trị trao đổi cá biệt. Đến đây không có vấn đề gì cả. Vấn đề bắt đầu ở chỗ các giá trị trao đổi cá biệt luôn biến động, do đó kết quả là giá-trị-xã-hội phụ thuộc vào nó cũng dao động. Học thuyết cận biên chấp nhận điều này, họ nói rằng giá tiền chính là giá trị và cũng là giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi của xã hội, hay cân bằng thị trường, dao động vì nó phụ thuộc vào giá trị trao đổi cá biệt.

Trong khi đó, kinh tế chính trị của Marx phủ nhận điều này. Marx cho rằng giá trị trao đổi chỉ phụ thuộc vào điều kiện sản xuất. Nói cách khác ông cho rằng giá tiền không phản ánh đúng giá trị thật, bởi vì ngoài chuyện phụ thuộc vào điều kiện sản xuất (phương thức và công cụ) giá tiền còn phụ thuộc vào thị trường (có nghĩa là cung và cầu). Thế nhưng phương trình trên chỉ ra rõ ràng rằng giá-trị-xã-hội chỉ phụ thuộc vào các giá trị trao đổi cá biệt. Điều đấy có nghĩa là khi có một giao dịch cá biệt diễn ra, giá-trị-xã-hội buộc phải tính đến sự thay đổi này. Thế thì làm sao nói là nó cố định được.

Để hiểu Marx cần phải đi tìm lời giải thích nằm ngoài kinh tế học. Marx cho rằng xã hội có những thuộc tính ỳ mà nhờ đó nó ổn định. Cả Marx và Engels đều là những nhà xã hội học vĩ đại và sau khi nghiên cứu xã hội họ cho rằng thang giá trị là một biểu hiện đại diện cho tính ổn định này của xã hội. Giá cả có thể lên xuống nhưng không vì thế mà xã hội bị chao đảo (đương nhiên lên xuống cũng phải vừa phải thôi). Khi giá một sản phẩm tăng hay giảm, nó chỉ là biểu hiện của một sự kiện cá biệt. Đoàn tàu xã hội vẫn lăn bánh đều vì cái quyết định sự trọng ổn của đoàn tàu này là phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất chứ không phải giá cả. Giá cả lên xuống thì đoàn tàu chỉ bị lắc lư chút ít mà thôi và quan hệ xã hội về nguyên tắc sẽ ổn định lại những cú lắc lư này trong dài hạn. Chủ nghĩa tư bản sẽ tự tiêu vong vì nó không cho phép cơ chế ổn định mỗi cú lắc này xảy ra. Thay vì trao đổi trên cơ sở lao động, chủ tư bản đi tìm kiếm lợi nhuận và cưỡng ép tiêu dùng. Khủng hoảng sản xuất thừa là hậu quả trầm trọng của sự tích lũy các bất ổn xã hội. Đoàn tàu chưa kịp tìm sự ổn định nhờ quan hệ xã hội, thì có một nhúm người ngồi trong lại xô thêm nhiều cú hích khác để thủ lợi, do đó trước sau nó cũng sẽ trật bánh.

Tuy nhiên lập luận này bị bế tắc vì Marx mới chỉ nghiên cứu sự chuyển dịch của xã hội từ nấc thang này sang nấc thang khác (những cú nhảy cóc) chứ không đi vào chi tiết xem giữa hai nấc thang xã hội, những biến chuyển vi tế gì đã xảy ra. Nói cách khác, Marx mới chỉ nghiên cứu đoàn tàu tại các ga đỗ khác nhau và suy ra nguyên lý vận hành của nó trên đường đi, chứ không nghiên cứu thật sự các biến chuyển giữa hai ga. Những biến chuyển vi tế ấy được kinh tế học thể hiện trong phương trình (5) nhưng Marx không nhìn thấy điều đấy (mặc dù lập luận của ông dẫn đến điều đó).

Marx lập luận rằng giá trị phụ thuộc vào tương quan giữa các phương thức sản xuất, do đó khi các công nghệ mới ra đời và làm thay đổi các mối tương quan sản xuất, ta phải thấy là giá trị cũng sẽ bị thay đổi. Tuy nhiên vào thời đại của Marx, xin nhắc lại những điều tôi đã viết trong bài phê phán lý thuyết giá trị của Marx, công nghệ thay đổi rất chậm và người ta chỉ tập trung vào khai thác lao động, cho nên Marx chỉ nhìn thấy được là giá trị bất biến, còn giá cả biến đổi. Giá trị xác định dựa trên phương trình (5) dao động rất ít, và người ta có cảm tưởng quan hệ sản xuất xã hội ổn định hơn so với giá cả, tưởng rằng đoàn tàu chỉ có thể dịch chuyển vô cùng chậm. Marx hài lòng cho rằng thang giá trị là do xã hội định đoạt và chính xác hơn thang giá cả nhiều lần. Ngày hôm nay với sự ra đời của các công nghệ mới, tương quan sản xuất có những biến động sâu sắc, trong khi đấy giá cả lại trở nên ổn định hơn nhiều nhờ vào sự tự do lưu thông hàng hóa, tư bản (bãi bỏ thuế quan) và thông tin (sự ra đời của Internet). Một chiếc đồng hồ Rolex bán tại Mỹ hay bán tại châu Âu hầu như chỉ khác nhau chi phí vận chuyển mà thôi. Trong khi đấy thì các sản phẩm mới ra đời không ngừng, nhờ các chiến lược phân biệt sản phẩm (product differentiation). Hai mẫu ô-tô khác màu nhau, một cái đỏ một cái đen, có thể chênh nhau giá bán vài trăm USD, không lẽ lại là vì sản xuất sơn đỏ khó hơn sản xuất sơn đen, hay là vì phun mầu đỏ cần nhiều lao động hơn màu đen, thưa ông Đoàn Tiểu Long? Chính ông cũng nói, muốn biết giá trị phải nhìn giá cả, thế thì làm sao ông bênh Marx được nữa, và tôi cũng không thể hiểu rốt cục chính kiến của ông là thế nào.

Cuối cùng xin được khép lại bài phản biện bất đắc dĩ này bằng lý thuyết giá trị của Ricardo. Ông Đoàn Tiểu Long có bình luận 3 dòng rằng cái gì gì Ricardo còn kiên định hơn cả Smith v.v., và sau đó làm như thể Marx và Ricardo cùng nhau chia sẻ học thuyết giá trị lao động. Đúng là Marx đã nối tiếp tư tưởng của Ricardo để phát triển lý thuyết này, nhưng những sai lầm của Marx thì Ricarrdo không hề mắc phải. Bằng chứng là lý thuyết thặng dư địa tô nổi tiếng của Ricardo vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Để các bạn đọc ngoài lĩnh vực có thể theo dõi và bình luận, xin được giới thiệu cụ thể:

Cái mà Ricardo gọi là thặng dư địa tô (land rent) tương ứng với đóng góp của thiên nhiên vào giá trị, điều mà Marx phủ nhận. Thặng dư địa tô được xác định như sau: giả sử ông A có hai mảnh đất cách nhà cùng một khoảng cách nhưng độ màu mỡ khác nhau. Điều này có nghĩa là với cùng một công sức lao động bỏ ra, ông A sẽ có thu hoạch khác nhau trên hai mảnh đất. Giả sử ông ta phải làm việc 200h trên mảnh đất thứ nhất để có thu hoạch, thì ông ta phải làm 300h trên mảnh đất thứ hai để có kết quả tương tự. 100h lao động chênh lệch này chính là cái mà độ màu mỡ trên mảnh đất thứ nhất đem lại cho người chủ của nó. Để thu được cùng một kết quả, người ta sẽ tiết kiệm được 100h lao động (và do đó tạo ra giá trị tương đương 100h) nếu biết chọn mảnh đất thứ nhất thay vì mảnh thứ 2. Nhân loại luôn chọn đất đai màu mỡ để canh tác, trước khi buộc phải canh tác đất ít màu mỡ hơn vì nhu cầu lương thực. Cái mà Ricardo gọi là land rent tương ứng với phần giá trị tạo ra nhờ tiết kiệm thời gian lao động, thu được khi canh tác giữa mảnh đất cuối cùng – cằn cỗi nhất – và mảnh đất cằn cỗi thứ nhì được canh tác ngay trước nó. Lý thuyết này là bằng chứng cho thấy Ricardo hoàn toàn ý thức được giá trị nằm ngay trong thiên nhiên, và vấn đề là con người có biết dùng lao động để khai thác cái tiềm năng giá trị này không mà thôi. Thế mà ông Đoàn Tiểu Long lại dám khẳng định là với Ricardo, chẳng có gì tạo ra giá trị ngoài lao động. Ông nói thế oan cho Ricardo quá.

Tôi xin được kết thúc bài viết tại đây. Mục đích viết bài quả thật bất đắc dĩ, vì thấy các lý thuyết kinh tế học bị phê phán quá đáng. Cái làm tôi bất ngờ nhất là lập luận thiếu nhất quán và chính kiến mập mờ của ông Đoàn Tiểu Long. Một ví dụ mà ông lôi tôi ra phê phán là ví dụ thịt bò và cỏ. Ông chê tôi thiển cận vì thịt bò và cỏ đều chứa chung các nguyên tố C, N, H, O. Vậy thì cuối cùng trong mắt ông thịt bò có phải là cỏ không? Ông thoái thác không trả lời các câu hỏi này, bởi vì đã có các ông Bùi Văn Nam Sơn, Phan Huy Đường, Lữ Phương sẽ định nghĩa giúp thế nào là lao động trừu tượng. Tôi có đọc bài viết của ông Lữ Phương về lao động, bài viết rất tuyệt vời nhưng cuối cùng thì sau khi đọc xong tôi vẫn chẳng thấy giữa các lao động con người có điểm chung gì để có thể cộng chúng với nhau mà đo giá trị được. Lao động vật hóa rõ ràng chỉ là một khái niệm siêu hình mà thôi.

Những người muốn hiểu kinh tế học cần phải chấp nhận một thực tế là không có một chân lý nào vĩnh viễn đúng (những khoa học khác chắc cũng vậy nhưng tôi không dám khẳng định bừa). Các lý thuyết kinh tế chẳng qua chỉ là bản sao thực tế tồn tại trong đầu chúng ta mà thôi, do đó khi ta nói một lý thuyết đúng hay sai có nghĩa là ta muốn xem nó phản ánh chính xác đến đâu thế giới thật. Ông Đoàn Tiểu Long hỏi tôi cơ học Newton và lý thuyết của Keynes có đúng trong mọi trường hợp không, câu hỏi này tôi xin không trả lời, mời ông đọc lại Popper. Lý thuyết giá trị của Marx gặp phải quá nhiều hạn chế khi giải thích thế giới của chúng ta ngày hôm nay, vì thế tôi nói nó sai. Giống như một chiếc tivi cũ lâu năm không dùng, nay bật lên màn hình bị nhiễu loạn thì tôi nói nó hỏng. Hỏng thì phải nói là hỏng, không thể nói khác được. Hỏng nhưng không có nghĩa là phải vứt ngay vào sọt rác. Trong tivi hỏng có vàng, và trong lý thuyết giá trị của Marx cũng có vàng, cần phải biết chắt lọc lấy số vàng ấy. Nếu có ai muốn sửa sang lại tivi cũ để dùng thì tùy, hoặc giả có ai tài năng dựa trên mẫu tivi hỏng ấy để làm ra một mẫu mới xịn hơn thì càng tốt hơn nữa. Tuy nhiên vào thời điểm hiện giờ chưa có mẫu mới nào ra đời từ cái mẫu cũ ấy, tôi lại không biết sửa, cho nên chỉ biết nói là nó hỏng vậy.

© 2007 talawas



[1]Điểm hòa vốn (breakeven point) được xác định bằng cả giá (p) và số lượng (q), ở đây chỉ nói đến giá.
[2]Nói cho đúng với ngôn ngữ thống kê là Lao động = f (giá trị) + ε. Với ε là sai số phép đo, bị tôi loại đi cho giản tiện.
[3]Chữ dài hạn ở đây không hoàn toàn cùng ngữ nghĩa như trong các giáo trình kinh tế học mà chỉ muốn nói đến tính ổn định.