trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
17.11.2007
Bình Nguyên Định
Trao đổi cùng Đoàn Tiểu Long về học thuyết kinh tế chính trị của Marx
 
Tôi tình cờ biết talawas cách đây không lâu và nhận ra đó là một diễn đàn, trong đó lĩnh vực kinh tế xã hội được nhiều người quan tâm và đăng bài tranh luận. Có lẽ đây là điều kiện tốt để chúng ta bổ sung thêm vốn kiến thức hạn hẹp của mình. Loạt bài của tác giả Đoàn Tiểu Long rất có ấn tượng đối với tôi vì sự nhiệt tình mà tôi cảm nhận được trong đó. Ngoài ra nó còn làm cho tôi sáng tỏ thêm đôi điều về học thuyết kinh tế chính trị Marx mà trước đây tôi quá tù mù. Có lẽ Đoàn Tiểu Long là một trong số ít ỏi những người hiểu được rành rọt lý thuyết này. Tôi nói như thế vì thấy ông dẫn chứng rất nhiều khi lập luận, không như ông nói khiêm tốn rằng mình chỉ hiểu được mới một phần mười tác phẩm của Marx. Trước đây đọc bài “Muốn phê phán Marx thì phải đọc Marx”, tôi muốn trao đổi ngay với ông đôi điều nhưng đến nay mới có dịp, một phần vì theo lời khuyên của ông mà trước tiên cố nhập tâm chút ít lý thuyết của Marx. Khổ nỗi một đầu óc tầm thường khó tiếp thu được nhiều điều cao siêu. May sao ông đã tiếp tục giải đáp thắc mắc trong những bài viết tiếp theo.

Thế nhưng có đôi chỗ trong những bài viết của ông, không rõ là ông sai sót, hay lỗi của biên tập, hay do sự kém cỏi của tôi mà tôi thấy không ổn lắm. Ông viết: Marx tốn bao công sức để chứng minh rằng lao động không có giá trị, vì lao động chính là thước đo giá trị. Nếu Hà Sĩ Phu muốn nói đến cái giá trị do lao động tạo ra, thì Marx cũng đã chỉ rõ: nhà tư bản không trả công cho lao động, hay cho thành quả lao động, mà cho giá trị của sức lao động. Câu trên: “… rằng lao động không có giá trị” là câu khẳng định; còn câu dưới: “… cho giá trị của sức lao động” cũng có nghĩa khẳng định, thì thưa ông, nên hiểu thế nào đây?

Nhưng có lẽ tôi phải hiểu “lao động tạo ra giá trị”, bởi vì ở bài “Chúng ta đều là những người mù mờ cả” ông viết: Bản thân mỏ than, hay quyền khai thác than, không có giá trị, vì không phải là sản phẩm của lao động. Nhưng nó có giá cả. Marx nói rồi: vô khối thứ không có giá trị nhưng vẫn có giá, cao là đằng khác. Danh dự này, lương tâm này v.v... Сâu: “Nhưng nó có giá cả” (xin phép in đậm) thì nên hiểu là những thứ được liệt kê đó có khả năng được biểu hiện bằng tiền (giá-cả) và có khả năng trao đổi; hay là “tất cả đều có giá”? Nếu hiểu theo cách thứ hai thì từ “giá” trơ trọi ở đây có phải là một khái niệm nào khác trong hàng loạt khái niệm như giá trị, giá cả, giá sử dụng, giá trao đổi v.v...? Nếu hiểu theo cách thứ nhất thì tôi e rằng khó chấp nhận. Bởi vì danh dự, lương tâm làm gì có giá-cả (theo định nghĩa của ông (và của Marx): “Giá trị trao đổi đo bằng tiền thì thành giá cả”). Chúng thường được xem là vô giá, nghĩa là giá trị (ý nghĩa) rất cao mà không thể so với một lượng tiền nào cả. Đành phải hiểu theo cách thứ hai rằng tồn tại một khái niệm “giá” để chỉ ý nghĩa của những sự vật đối với đời sống con người mà con người và xã hội nhận thức được. Không biết ông có đồng ý với tôi về điều này không. Và ý nghĩa đó không trùng với giá trị (hàng hóa) do lao động tạo ra. Tạm như vậy.

Thế nhưng ý nghĩa sự vật mà con người nhận thức được có đặc điểm gì? Tôi đoan chắc rằng không thể hiểu theo nghĩa hẹp là những sự vật đó chỉ mang lại sự thỏa mãn nhu cầu nhất định cho con người, mà phải hiểu có chứa đựng trong chúng mối quan hệ xã hội mang tính lịch sử nhất định. Danh dự, lương tâm là những thứ như thế. Có thể ông sẽ nói rằng khái niệm giá trị ở đây chỉ đối với hàng hóa mà thôi. Marx đã định nghĩa: hàng hóa là sản phẩm nằm trong quan hệ trao đổi. Nếu nó nằm ngoài quan hệ trao đổi thì nó cũng như danh dự, lương tâm hay bao thứ khác, chỉ có giá mà thôi. Còn nếu nằm trong quan hệ trao đổi thì sản phẩm đó đã thể hiện giá trị trao đổi rồi, nghĩa là có giá-cả rồi. Hay sản phẩm còn tồn tại ở một trạng thái nào khác nữa?

Vậy nếu định nghĩa: “Giá trị, đó là những quan hệ xã hội mang tính lịch sử” liệu có sự trùng lặp với khái niệm “giá” ở đây không? Hay là cần có một phân giới cho chúng? Chẳng hạn: Giá trị, đó là những quan hệ xã hội mang tính lịch sử xét trên phương diện sở hữu. Còn giá là những quan hệ xã hội chung chung? Nói vậy thôi, cần phải tôn trọng những gì Marx viết. Bởi thật ra đầu tiên Marx định nghĩa giá trị thông qua một hình thái cơ bản: “giá trị, đó là lao động trừu tượng của con người kết tinh trong hàng hóa”. Sau khi lập luận rằng có tồn tại một mâu thuẫn giữa giá trị và giá trị sử dụng trong hàng hóa tiềm năng, nghĩa là lượng hàng hóa dôi dư trong quá trình tạo ra giá trị sử dụng, Marx đi đến một kết luận mới: giá trị, đó là quan hệ giữa hai nhà sản xuất trên khía cạnh lao động trừu tượng kết tinh trong hàng hóa.

Ai đọc Marx cũng hiểu như chính ông hiểu rằng: Giá trị được quyết định không phải bằng chi phí lao động cá biệt của người sản xuất, mà bằng chi phí lao động xã hội cần thiết. Đó là lượng lao động trung bình cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình và cường độ trung bình.

Và hầu như ai cũng chấp nhận điều đó. Mỗi một điều mà ai cũng phân vân (trong số đó có Hà Sĩ Phu) là làm thế nào để xác định lượng lao động trung bình cần thiết kia. Ông viện dẫn rằng do thị trường quyết định: cứ mang ra thị trường trao đổi, thông qua vô số giao dịch giữa người mua và người bán sẽ hình thành nên cái giá trị trao đổi của hàng hoá, thì tôi đã không còn thấy cái thước đo mầu nhiệm của lao động đâu nữa. Thay vào đó là phương cách của học thuyết ích dụng biên tế về giá trị để xác định giá cả hàng hóa, sau đó lấy giá cả này để đo ngược lại thời gian lao động cần thiết. Đấy chính là vấn đề mà các nhà nghiên cứu kinh tế thế giới đem ra tranh cãi từ lâu lắm rồi, chứ không đợi đến bây giờ chúng ta mới đề cập đến. Và những năm đầu của thế kỷ trước A. Marshall đã đề ra học thuyết cung cầu, tổng hợp những ưu điểm của các học thuyết trước đó để giải thích nguồn gốc giá trị hàng hóa. Tất nhiên đó cũng chưa phải là học thuyết tối ưu để nhận thấy bản chất thực của giá trị, nhưng nó đã dung hòa gần như là hai thái cực của nhận thức. Ở đây tôi muốn nói rằng chúng ta quá cực đoan và phi khoa học trong khi xem xét vấn đề này. Giống như yêu ai thì có xấu cũng nói là đẹp, mà ghét ai thì có đẹp cũng cho là xấu.

Riêng về học thuyết của Marx, theo tôi không phải là không có những khiếm khuyết. Hẳn là ông sẽ đồng ý với tôi rằng nhận thức của con người cao hơn hẳn những loài động vật cấp cao khác nhờ khả năng tư duy của lý trí, nghĩa là không chỉ bằng những cơ quan cảm giác để nhìn, nghe, ngửi, động chạm v.v…Nhưng tư duy phải dựa trên nguyên tắc logic, các khái niệm đều phải có phân định giới hạn thành các phạm trù, nếu không thì lĩnh vực của các khái niệm đang xem xét sẽ trở thành một mớ tri thức bùng nhùng. Sự thiếu logic trong phép biện chứng của Marx thấy rõ trong định nghĩa về giá trị. Vì, nếu: lao động tạo ra giá trị, và giá trị là quan hệ xã hội thì suy ra: lao động tạo ra quan hệ xã hội. Lao động không thể tạo ra quan hệ xã hội mà chỉ có quan hệ xã hội tạo ra hình thức lao động. Đúng hơn, nếu nói, vì hình thức lao động bị chi phối bởi quan hệ xã hội cho nên giá trị cũng chứa đựng quan hệ (hoặc mang tính) xã hội.

Theo tôi, muốn xem xét giá trị thì trước hết phải cho nó một định nghĩa, sau đó phải giới hạn nó trong một phạm trù nhất định. Nếu cái giá trị do lao động tạo ra không thể phân biệt được với “giá” (mà tôi đã dẫn chứng) theo nội dung của chúng thì ta không thể kết luận: Bản thân mỏ than, hay quyền khai thác than, không có giá trị, vì không phải là sản phẩm của lao động. Ở đây giá trị do lao động tạo ra chỉ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh tế. Vai trò đó trong học thuyết kinh tế chính trị Marx thể hiện một cách khiên cưỡng, áp đặt.

Ông viết: Nói đến lý thuyết lao động về giá trị thì nhất thiết phải nắm vững khái niệm lao động – là cái mà nhiều người hiểu rất lơ mơ. Xin ông chỉ cho biết Marx đã định nghĩa lao động thế nào. Tôi nghĩ là ông sẽ không bao giờ có được cái định nghĩa chủ đạo nào của Marx ở đây. Tôi tạm trình ra một số câu viết có liên quan đến lao động trong tuyển tập Marx-Engels để tiện tham khảo:

Lao động chỉ là sự thể hiện hoạt động của con người trong khuôn khổ dị biệt (dị biệt – sự tách biệt sự vật, đặc tính, hiện tượng ra khỏi chủ thể của nó - chú thích của tôi)”.

Một trong những sai lầm to lớn nhất là nói về một thứ lao động tự do, lao động nhân bản, lao động (mang tính) xã hội, lao động không có tư hữu. Lao động theo đúng bản chất của nó là hoạt động không tự do, không nhân bản, không (mang tính) xã hội và quyết định nên tư hữu.” (T42, tr. 242)

“… Lao động như là yếu tố tạo nên giá trị sử dụng, như là lao động ích lợi… là sự cần thiết tự nhiên vĩnh cửu, không có nó… đã không làm cho chính đời sống con người có khả năng.” (T. 23, tr. 51)

F. Engels viết thêm:

"Lao động bắt đầu từ khi con người chế tạo công cụ… lao động tạo ra con người…Chỉ có một phần phụ và không đáng kể của công việc (mang tính) kinh tế là có thể biểu hiện bằng kilogram." (T. 20, tr. 486, 491, 624)

Theo thiển ý, có lẽ ông cũng chẳng xác định được bản chất của lao động, theo Marx, là gì.

Không biết ông hiểu như thế nào khi đọc Marx, và đòi người khác phải hiểu Marx một cách xác đáng như ông muốn. Riêng tôi, tôi không phủ nhận sạch những gì Marx viết, vì trong đó không ít những suy luận đáng suy ngẫm với khuôn khổ của nó. Và với một sự cảm phục của người đi xem ảo thuật, ảo thuật ngôn từ. Và tôi nghĩ chính vì sự bí hiểm của màn ảo thuật đấy đã lôi cuốn hàng triệu người xem và ra sức phỏng đoán phép biến hóa của nó, thậm chí còn thử áp dụng nó cho đời sống thực với mục đích nhận được điều tốt đẹp. Một kiểu áp dụng đã xảy ra trong lịch sử loài người, trong lĩnh vực quản lý kinh tế mà đúng như ông nói: “Người ta hay coi lao động trực tiếp làm ra của cải mới là lao động sản xuất, còn lao động của kế toán, nhân viên văn phòng, bảo vệ v.v… là phi sản xuất, là lao động gián tiếp. Đó là quan điểm phiến diện.” Thế nhưng thật đáng tiếc, kiểu phân loại khái niệm lao động đó đã được thực hiện mấy chục năm ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, dẫn đến một loạt khó khăn trong thu thập số liệu kinh tế, phản ánh sai những quá trình kinh tế. Bởi vì sao? Bởi vì Marx chỉ đưa ra những lập luận mang nặng tính triết học, quá trừu tượng mà không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cần thiết (có lẽ không có được) cho đời sống kinh tế thực tại.

Điều sai lầm quan trọng nhất trong luận thuyết của Marx, theo tôi, không phải là những khái niệm về giá trị, về lao động, về phương thức sản xuất, về mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, mà chính là về con người.

Con người trong luận thuyết của Marx là viên gạch đầu tiên cho nền móng ngôi nhà đó. Theo Marx, con người “là bản chất, là cơ sở của hoạt động nhân bản và của mọi quan hệ nhân bản…” (T. 2, tr.102), nhưng không phải là “một thực thể trừu tượng ở đâu đó bên ngoài thế giới (T. 1, tr. 414)” mà là một cá thể sống cùng với những cá thể khác. “Các cá thể luôn luôn và trong mọi tình huống đều (hành động) xuất phát từ bản thân, nhưng bởi họ không phải là duy nhất với nghĩa là họ không cần đến sự liên kết nào với nhau… mà họ cần phải sống trong những mối quan hệ qua lại với nhau” (T.3, tr. 434). Nói cách khác, từ đầu họ đã là những thực thể (mang tính) xã hội. Con người “thật sự bắt đầu (hoạt động) từ khi chiếm hữu cho mình những vật thể của thế giới bên ngoài như là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của chính mình…” (T. 19, tr. 378).

Xuất phát từ bản thân được Marx xem như là dấu hiệu của tính cá thể của mỗi con người, nó đối lập với tính xã hội của chính con người đó. Cách thức tự phân biệt mình với những cá thể khác thể hiện cái gọi là hoạt động sống tự do của con người. Marx gọi đó là tự do sáng tạo. Như vậy tự do sáng tạo, theo Marx, là điểm cơ bản nhất của con người. Con người tự do từ lúc mới sinh ra. Con người không bao giờ chống lại tự do của mình. Và thậm chí, con người còn “nhận thấy ở người khác cách thực hiện tự do của mình” (T. 1, tr. 401).

Marx lại tìm ra trong tự do sáng tạo hai đặc điểm đối xứng nữa, đó là: 1) cách thức tái tạo sự tồn tại (mang tính) vật lí của cá thể thông qua sinh sản và tìm kiếm phương tiện để tồn tại; 2) cách thức tái tạo quan hệ xã hội thông qua tạo nên bản thân hay tạo nên cá thể khác như thực thể xã hội.

Từ đặc điểm thứ hai của tự do sáng tạo nảy sinh ra một hoạt động khác của con người, đó là lao động. Theo Marx, ban đầu chưa thể phân biệt được lao động với tự do sáng tạo. Nhưng khi chuyển hình thức sản xuất từ săn bắn hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt thì lao động của mỗi cá thể đã thể hiện tính xã hội. Lí do mà Marx đưa ra là phương tiện để tồn tại trong thiên nhiên không phải là sung túc. Vì thế trong đặc điểm thứ nhất của tự do sáng tạo mục đích tồn tại đơn thuần đã nhường vị trí quan trọng cho mục đích tìm kiếm phương tiện tồn tại, từ đó tác động đến đặc điểm thứ hai của tự do sáng tạo – tái tạo quan hệ xã hội. Điều quan trọng mà theo Marx, lao động là hình thức hoạt động dị biệt đối với tự do sáng tạo. Khi con người bắt ý chí của mình phục tùng lao động, cũng có nghĩa là khi lao động bắt con người khuất phục. Và khi xuất hiện lao động dị biệt cũng là khi xuất hiện tư hữu. Vì thế sản phẩm của lao động cũng mang tính dị biệt, nó bắt đầu thống trị con người và cuộc sống con người.

Với nhận định như thế, Marx cho rằng xóa bỏ tư hữu, một khi con người đã làm chủ được trình độ sản xuất và không phụ thuộc vào phương tiện sống, nghĩa là phát triển toàn diện, là điều kiện để con người quay lại với tự do sáng tạo, là đạt đến đỉnh cao của sự phát triển.

Ở đây nhận thấy rằng nếu con người hoạt động xuất phát từ bản thân (rõ hơn là nhu cầu của bản thân) thì từ lúc sinh ra con người đã là một thực thể không tự do bởi chính các nhu cầu đó. Nhu cầu ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn là nghĩa tiêu thụ. Nhu cầu là động cơ cho mọi hành vi và hành vi chỉ là sự thể hiện nhu cầu ra ngoài một cách có lựa chọn. Bởi khả năng tự đáp ứng nhu cầu là có hạn nên con người ngay từ lúc sinh ra đã cần đến sự hỗ trợ của các cá thể khác, nghĩa là phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội, chịu tác động của chúng. Tính chất tự do sáng tạo trong trường hợp này xem như là một trong những nhu cầu cơ bản mà thôi, và nó có thể đối lập với các nhu cầu khác trong quá trình sống của một cá thể. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu khoa học kinh tế từ trước tới nay đều đề cập đến nhu cầu nhưng đều dừng lại ở tính chất đa dạng và vô hạn của nó. Phân tích sâu sắc nhu cầu có thể tìm thấy trong các nghiên cứu của Bentham, Hermann, Jеvоns. Tuy nhiên người ta thường đánh đồng nhu cầu nói chung với nhu cầu tiêu thụ trong khoa học kinh tế. Ở đây cần khẳng định một điều: nhu cầu con người chính là điểm xuất phát của mọi hiện tượng và quá trình kinh tế - xã hội, và chính nhu cầu nói lên sự phụ thuộc, chứ không phải tự do, của con người.

Gợi lại điều này có thể trái với quan điểm của A. Marshall trong tác phẩm “Những nguyên tắc của khoa học kinh tế” khi ông cho rằng “Việc nghiên cứu vấn đề tiêu thụ (hiểu như là nhu cầu) sâu sắc hơn phải nằm sau mọi phân tích kinh tế cơ bản. Dẫu rằng sự bắt đầu nghiên cứu nó có thể thuộc về lĩnh vực khoa học kinh tế” (Chương 2: Quan hệ giữa nhu cầu và hoạt động), thế nhưng sau khi đọc Marx tôi nhận thấy rằng nhu cầu cần được xem xét trở lại đúng với vai trò của nó.

Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ có ý gợi mở một vấn đề. Còn giải quyết nó đòi hỏi phải có một nỗ lực rất lớn và nghiêm túc. Tuy nhiên tôi không có ý đồ phá vỡ ngôi nhà mà Marx đã xây bằng cách rút một viên gạch móng của nó. Dù sao quan điểm của tôi cũng vẫn là một nhận định mà thôi. Và phải công nhận rằng kinh tế chính trị Marx vẫn là ngôi nhà tri thức đẹp, đồ sộ, tuy là không ở được nhưng nó chỉ cho ta biết cách xây ngôi nhà khác phù hợp hơn.

Có thể chúng tôi chỉ hiểu bề mặt của phạm trù giá trị trong học thuyết Marx mà không hiểu được tính triết học của nó chăng? Xin ông giảng thêm cho. Rất thành thật xin lỗi ông vì sự chậm hiểu của tôi. Nhưng để trao đổi được suông sẻ cùng ông thì phải hiểu nhau như ông đã từng nói và mong được trao đổi thêm cùng ông.

Tài liệu tham khảo
  • Маркс К. , Эльгенс Ф. Сочинения. 2-е изд. Т.1-46
  • Маркс К. Капитал. Т.1-3.
  • Маршалл, А. Принципы экономической науки: в 2 т./ А. Маршалл. М.: издательская группа “Прогресс” “Универс”, 1993. – Т.1. – 416 с.
  • Милль Дж. С. Основы политической экономии, М., Прогресс, 1983 — 1984 гг.
  • Джевонс Р. Теория политической экономии М., Прогресс 1987 г.
Russia 08-10-2007

© 2007 talawas