trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
7.2.2003
Nam Dao
Xổ bụi
 
Tôi sinh ra dưới một ngôi sao trái nết nên đời có đôi phần vất vả. Nhưng chị Liên, bà chị kết nghĩa của tôi, còn vất vả ít là gấp năm gấp bảy lần. Trái nết nên khó dậy, riết thành trắc nết lêu lổng, mẹ tôi gửi tôi nhà "hai bác" năm tôi mười hai tuổi. Thuở đó, cha tôi đi làm xa, mẹ tôi một mình than khổ ơi là khổ, nhà không có đàn ông! Phần tôi, thật là thú vị. Trên "hai bác" có mấy đứa loai choai cùng tuổi. Rồi mỗi nơi một chốc, mẹ hỏi ở đâu, tôi đáp con ở trên nhà hai bác, bác hỏi đi đâu, tôi thưa con về dưới nhà cha mẹ con. Cứ như thế, cuộc lêu lổng dẫu danh bất chính nhưng ngôn lại thuận.

Hai năm sau ngày tôi làm con nuôi hai bác tôi gặp chị lần đầu. Chị mang đứa con trai bé tí về nhà. Khi ấy tôi mới biết chị cũng là con nuôi và mù mờ nghe chị vào Nam vài ba năm trước cuộc di cư năm 54. Nhà bố mẹ nuôi lúc nào cũng tấp nập khách ra khách vào. Bố nuôi tôi lúc đó là Chủ tịch Hội Ðồng Kiểm Duyệt thời Trần Chánh Thành còn làm Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin trong nền đệ nhất Cộng Hòa của miền Nam. Khách có hai loại. Loại nòi tình chữ nghĩa, làm văn làm báo, nhớ không xuể. Có Ðái Đức Tuấn, Lê Văn Trương. Có Nguyễn Mạnh Côn, đang hoàn thành Ðem tâm tình viết Lịch Sử. Có Vũ Hoàng Chương, Ðỗ Bằng Ðoàn, Bùi Khánh Ðản. Ðám trẻ, Thanh Tâm Tuyền, thỉnh thoảng đến thăm bác Kha, cha anh gần như trú ngụ thường xuyên trong nhà. Rồi Dương Hùng Cường, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Trần Thanh Hiệp...Nhà báo, có Phạm Việt Tuyền, Lý Thắng, Văn Giang. Ký giả, nào Lô Răng, Anh Tám Xạc Ne. Loại chính trị, không ít. Phan Huy Quát, "bác" Quỳnh, Vũ Quốc Thông, thậm chí Trần Kim Tuyến...

Họ đến thế giới "trên gác" nơi bố tôi tiếp khách, xì xào to nhỏ, và thường là im bặt khi bọn trẻ con chúng tôi, thế giới "dưới nhà", bưng nước, rót trà. Họ giả tảng lơ đãng, rít thuốc lào, nhìn như giục như đuổi, và chúng tôi chỉ quay lưng là họ lại tụm đầu vào, lại nghiêm trọng hạ giọng, khi chép miệng, lúc thở dài. Khách về, tôi để ý bố tôi xếp lại giấy tờ hồ sơ vào một cái tủ gỗ, cửa kéo dọc xuống như một bức mành, và khóa lại, tiếng nghe một cái cách, đến là kích thích. Ngày nọ qua ngày kia, sự tò mò khổ còn hơn là cơn ngứa mà không được gãi. Tôi vê kẹo cao-su, nhét vào lỗ khóa, và đi đánh chìa. Ðợi cả nhà đi vắng, tôi mở tủ, ôm chồng hồ sơ ngoài có chữ Mật, leo lên trần nhà tìm một nơi có ánh sáng hắt vào. Năm 58, tôi đã đọc trên những tờ pơ-luya mỏng tanh Con ngựa già của chúa Trịnh, vừa uất ức vừa ngậm ngùi. Tôi đã rưng rưng nước mắt lẩm nhẩm Tôi vẫn đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ. Tôi đã hít cho căng lồng ngực lập đi nhắc lại bút giấy tôi ai cướp giật đi, tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Vâng, tôi đã tiếp cận Nhân Văn-Giai Phẩm như thế, trên trần nhà tranh tối tranh sáng, trong cái nóng hừng hực của mùa hè Sài Gòn. Vài tháng sau, cụ Hoàng văn Chí đem xuất bản Trăm Hoa Ðua Nở trên đất Bắc. Lúc ấy, tôi mới biết rằng tôi đã đọc văn Phùng Cung, thơ Trần Dần và Phùng Quán...Chuyện đánh chìa khóa đọc hồ sơ Mật rồi cũng lộ. Bố nuôi tôi không đánh không mắng, chỉ bảo, giọng buồn buồn "...có những cái tao cho là ở tuổi con, con chưa cần biết" rồi dặn, cứ giữ cái chìa, muốn thì đàng hoàng mở tủ, và đừng bao giờ hành xử như quân bất lương trộm cắp.

Trưa hôm ấy, tôi mang cái chìa khóa ra cầu Bông. Nhìn dòng nước lờ lờ triền sông Thị Nghè, tôi lẳng nó xuống, một lần, và mãi mãi.

*

Chị Liên là một nhân vật tiểu thuyết. Từ Cao Bằng về ở với bố mẹ nuôi tôi lúc đâu cũng mười hai, mười ba tuổi, chị đột nhiên một mình bỏ vào Nam. Vài năm sau, chị lấy anh, giòng dõi đích tôn Phan Thanh Giản, nay là một gia đình đại điền chủ. Thời gặp chị, phải nói, chị là người đàn bà có nhan sắc. Về bản lãnh, vứt ra đường đời từ thơ ấu, chị không cắp sách đến trường, cứ than, chị thất học, cậu ạ! Nhưng những điều chị học, không có trường dạy. Cực kỳ thông mẫn, chị cảm nhận một cách lạ lùng những mảnh đời oan trái. Năm tôi mười lăm, tôi nghe chị hỏi "Tại sao sinh ra? Tại sao rồi chết đi... Phi lý!" Ðó là câu hỏi rất "hiện sinh" đầu những năm 60. Rồi chị quậy cuộc hiện sinh không thương tiếc, không giới hạn, ràng buộc. Chữ Tây chỉ bonjour bonsoir giắt bụng, chị leo máy bay đi Thụy Sĩ. Không có Visa, chị vẫn trốn sang Pháp, đến bằng được kinh kỳ nơi có cà phê Les Deux Margot ở St-Germain, xem cái bàn Jean P Sartre vẫn ngồi nó hình dáng ra làm sao? Mà lỡ gặp người ta ở đấy? Có thể lắm chứ! Cuộc hàn huyên của triết gia Tây phương đắt giá với cô công chúa dị thường Giao Chỉ. Không thể phi lý hơn thế được sao?

Dĩ nhiên, chị yêu tiểu thuyết. Chị ái mộ văn nhân. Trên hai mươi năm qua, chị sống ở Cali, nhưng cứ gần đây một hai năm chị lại về Sài Gòn, về Hà Nội. Mỗi lần chị gọi điện thoại, và tôi lại xin chị, chị về đến 47 Lý Quốc Sư, thăm anh Hoàng Cầm hộ em. Lần nào chị cũng vui vẻ nhận lời. Mỗi lần chị qua lại Mỹ, chị chịu khó mang theo từng chai rượu làng Vân anh Cầm gửi cho tôi, lắm khi giữ cả năm mới có dịp trao tận tay, tươi cười bảo, quà của ông anh cậu. Cứ mỗi lần như vậy, tôi rưng rưng ngậm ngùi. Một phần là vì anh Cầm, một phần vì tấm lòng chị đã cưu mang thêm một tình bạn giữa hai người đàn ông, một già tuổi đã hôn hoàng, một trẻ thì cũng đang chập choạng lớp xế trưa. Cưu mang, bất cứ cái gì đi thì cũng nặng!

Thế nhưng lần cuối, tôi cũng nhắc lại bằng ấy lời. Chị ngập ngừng, rồi nhỏ nhẹ, lần này chị chẳng chiều cậu được. Tôi ngạc nhiên, gặng hỏi. Chị nói quanh, rồi lát sau, bảo chị gửi cho cậu quyển sách. Ðọc rồi cậu sẽ hiểu.

Ðó là quyển Ghi 1954 - 1960, của Trần Dần. [1]

*

Tôi gặp Trần Dần khoảng tháng 11 năm 81. Ðó là thuở tôi gồng mình chống lại tan vỡ của những huyễn tưởng. Bắt đầu, từ giải phóng đất nước, đến xây dựng một xã hội công bằng. Rồi từng bước một nhích vào thế giới hiện đại, đỡ nghèo, đỡ khổ, và nhất là băng bó cho lành vết thương nội chiến. Nhưng phía dưới những con nắng là bọt xà phòng cả. Bọt xà phòng phản chiếu hình ảnh những trại cải tạo. Học tập một tuần, một rồi ba tháng, và nay đã sáu năm. Những đứa em gái tôi tuổi hai mươi lấm lét uống thuốc ngừa thai sẵn sàng vượt biển. Các em ơi, sao vậy? Bảy phần chết, ba phần sống, không sợ à? Cướp biển hãm hiếp, giết chóc. Trời nổi cơn, sóng cuộn, nước nhận người vào đáy đại dương. Vả lại, cứ như nhà thơ kia hát, " (nếu em?) có vết bẩn trong hồn, vết nhơ trên má. Thì tình yêu Tổ Quốc chữa cho lành" (thơ Chế Lan Viên). Nhưng ai có cái quyền phán xét bảo vết này bẩn, vết kia là nhơ, hả Trời! Tình yêu Tổ Quốc không nhốt ai để chữa cho lành, kẻ đi nhốt nhởn nhơ hô mình nhân đạo chỉ mong cải tạo đám lầm lối lạc đường, người ở tù ấm ức khẩu hiệu hòa hợp hòa giải dân tộc nghe như tiếng gọi hồn oan.

Ghê rợn hơn, chính quyền non trẻ (từ 1945, hay 55, sao cứ vẫn non trẻ?), "vừa học vừa làm, sai thì sửa...", mà có sai thì, chẳng phải "cấp trên" mà do "cấp dưới " không (hoặc chưa) thông nghị quyết (thường rất chung chung). Ðảng dẫm lên chân nhà nước, cơ quan nào cũng có một vị đảng ủy, từ cấp Bộ trở xuống. Tôi có "làm việc" với một vị Trưởng ban Ngoại Giao của Ðảng, nghĩa là ngang cơ và lắm khi còn quan trọng hơn Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thời bấy giờ. Ðó là Ðảng, mà Ðảng thì phải vận động quần chúng, nhất là quần chúng như tôi, nhân sĩ ngờ nghệch sống xa quê hương. Ôm vai tôi (để gần quần chúng), vị ấy bảo, "Chú là tiến sĩ kinh tế thật đấy, lại chuyên môn về tài nguyên, nhưng chú chưa biết cái này đâu!" Ghé vào tai tôi, ông thì thào "Chú biết không, dầu lửa của ta ở thềm lục địa ấy mà. Này nhé, trữ lượng ở Trung Ðông ai cũng bảo là lớn nhất thế giới, phải không?" Tôi gật đầu, ông xiết tay, mắt tóe lửa, say sưa " ...thế mà nó chỉ như con tem! So với trữ lượng của ta thì là lấy tem dán lên đít con voi!" Ông phá lên cười, nước bọt bắn vào mặt tôi, răng vàng xịt khói thuốc lào Vĩnh Bảo. Một tay vẫn xiết vai tôi, tay kia ông quơ cái điếu cầy (rất quần chúng), hồn nhiên phán, thế thì còn sợ cái "đếch" gì! Vâng thưa anh, mừng thật. Chúng nó (bọn đế quốc, dĩ nhiên) mù cả, đi sờ voi mà chẳng biết đâu vào đâu. Chỉ có ta mới biết chỗ nào là đít con voi, dán tem lên mông, và đợi voi ỉa ra dầu. Dầu thô, màu đo đỏ, công nông ra phết. Lỡ có mùi, ừ thì "cũng tốt thôi"!

Ðít voi trên bong bóng bọt xà phòng cho phép tiến mạnh, tiến nhanh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa mà không qua giai đoạn tư bản, chỉ hai mươi, ba mươi năm ta sẽ kịp, và tất nhiên là vượt bọn Mỹ. Người người hồ hởi, nhắc đi nhắc lại, vẽ vời ra viễn tượng một tương lai rực rỡ. Nhưng tôi không thể nói như thế khi gặp anh Dần. Tôi không nói gì cả. Buổi trưa hôm ấy, nắng hanh và trời lên cao đến không còn đó. Anh dựa lưng vào tường nơi quán nước cửa nhà Dương Tường, nâng chiếc điếu cầy rít sòng sọc, miệng chiêu ngụm nước chè, mắt nhắm, đầu khẽ ngật ra đằng sau. Khò khè ho khan, anh mở mắt ra rồi lại nhắm lại. Tường vỗ vai tôi, nhón nhén bảo, cậu này cũng là bạn của Nguyễn Hữu Hiệu đấy. Lúc ấy anh mới mở mắt nhìn tôi tròng trọc. Cặp mắt anh sáng, sáng lạ lùng. Và long lanh rừng rực đam mê, ánh đỏ lè, như mắt cọp. Từ đấy, nghĩ đến anh, tôi cứ liên tưởng đến một con cọp. Một con cọp ngủ ngày, thình lình thức dậy, quắc mắt. Kỷ niệm leo lên trần nhà trên hai mươi năm về trước bỗng ùa về. "Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc. Ðất hôm nay tầm tã mưa phùn. Bỗng nhói ngang lưng máu nhỏ xuống bùn. Lưng tôi có tên nào chém trộm? A, cái lưỡi dao cùn. Không đứt được mà đau!"

Anh lửng lơ, "Có tin gì của Hiệu không?". "Dạ, Hiệu đã đi Mỹ! Nghe đâu gập cả Henry Miller, tác giả sách Hiệu đã dịch...". Anh mỉm cười, cái cười méo mó vui buồn, lại nhắm mắt lại. Con cọp nhắm mắt nhưng không ngủ, chòm râu bạc thỉnh thoảng lại nhếch lên như từ phản xạ. Khuôn mặt anh tạc đá, thứ nham thạch lạnh mặt trên, bốc lửa phía dưới. Gò má u lên nhô thành một khối hoạn nạn, liệu dưới sâu còn một hỏa sơn nào âm ỉ chực phun ra chất bỏng cuộc đời? Anh xua tay, quán nước không phải là chỗ nói. Người ta thuở đó có thói quen thầm thì với nhau, ghé vào tai, và thường là cứ ngoái lại, nhìn ra sau, miệng rì rầm như khấn vái những điều làm như ma quỉ đang rình mò đợi lỡ lời nói to là xẻo lưỡi.

Vào độ cuối đông, Hà Nội thu mình khép gió. Những tàn cây trụi lá co ro trơ xương chống đỡ cơn may hiu hắt lạnh, mênh mang nhớ, rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi lại vụt mất, chập chờn kéo hiện tại nhập vào một tiền kiếp không thể ngày một tiêu ma dấu vết. Trần Dần chống gậy, lao chao bước, vứt lại một "thôi nhé", đi không quay đầu lại. Tấm áo cánh trắng xóa ngõ Phan Huy Chú, chiếc mũ len sùm sụp, anh một mình lê cho về đến phố Vũ Lợi, chẳng gần, cũng chẳng xa, để vào lòng tôi một nỗi man mác.

A, cái lưỡi dao cùn, không đứt được mà đau!

Tôi chạnh nghĩ đến đợt anh bị "quân kỷ". Ba tháng tù. Chị Khuê đang có mang cháu đầu lòng. "Tổ chức" không vun vào việc "xây dựng". Chị công giáo, gia đình lại di cư vào Nam hết. Anh viết đơn xin giải ngũ. Và đơn xin ra khỏi Ðảng. Trong lao lung, anh ngẫm, tại sao? Tại sao đám quan lại văn nghệ hò nhau đánh bài "Nhất định thắng". Có phải ta đầu hàng giai cấp? Hay là năm trước, ta đã cùng Hoàng Cầm, Ðỗ Nhuận, Tử Phác... đệ trình "Ðề nghị cho một chính sách văn hoá" yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về văn nghệ sĩ... Hay là trước đấy, ta quá nặng lời phê bình "Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu ". Ta bảo, một, thơ Tố Hữu không có cách nhìn mới nào rõ rệt. Hùa với Lê Ðạt, ta cũng nhận xét rằng Tố Hữu nói những chuyện mới mà không hiện tại, lại đẩy lùi vào quá khứ. Hai, là thơ lười biếng, chính trị công thức, kiểu "cụ Hồ sáng soi", hoặc "Chúng bay chỉ một đường ra. Một là tiêu diệt hai là tù binh", chỗ nào có hay thì lập lại Nguyễn Du, Tản Ðà, ca dao. Ba, cách nhìn Tố Hữu thật nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai, người ấy nhỏ đi. Nhìn lãnh tụ, hình thức gượng gạo "Chòm râu mát rượi hòa bình", sau lại biến ra đạo sĩ nhàn tản "ung dung yên ngựa bên đường nói reo". Sau cùng, cách nhìn Tố Hữu bao phủ lên vấn đề một cái buồn yếu đuối, và "chất tiểu tư sản là cái chính của tập thơ Việt Bắc". Trời ơi, Tố Hữu là ủy viên Trung Ương phụ trách Văn Hóa Văn Nghệ! Thế thời...

Thế thời, thế thời phải thế, cái kiếp phải lột quần đánh trên sân Văn Miếu, có khác gì Ngô thời Nhậm xưa. Ðêm thăm thẳm. Tôi thui thủi mơ mòng. Ván cờ, tốt chúng qua sông, lơ láo nhập cung, lách ca lách cách những chân lý mới, như tính tổ chức, tính giai cấp, quần chúng... rồi lủng củng nào những chính sách, những quan hệ...tít mù quay như chiếc đèn cù. Tôi, con pháo tịt ngòi, ngửng đầu tìm lửa, sờ soạng một ván chiêm bao, tay lại quơ vào lưỡi dao cạo.

Trần Dần cứa cổ.
Ôi, không đứt được mà đau! A, cái lưỡi dao cùn.

*

Lưỡi dao cùn để lại một vết sẹo. Vết thương trông tưởng lành, nhưng ba mươi năm máu nhiễu vào trong, giọt rơi tí tách đánh nhịp tháng năm một trái tim bị chấn thương đời. Trần Dần thở phào, "Không có gì chống lại được với cái kim đồng hồ". Tôi nghe, im lặng. Những buổi đến với anh, thật khác khi thăm Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Ðặng Ðình Hưng, Văn Cao. Có "rượu", anh chỉ nhấp. Không ham vui, ăn ít nói ít, mắt trừng trừng, anh thỉnh thoảng câu đực câu cái, đôi khi đúng một chữ. Thường, tôi dựa xe đạp cạnh cái cửa sổ có chấn song, ngồi đối diện anh, nơi có chút ánh sáng hắt vào, trước cái khay có để ấm chè, cái điếu cày và một ngọn đèn hoa kỳ le lói cháy.

Tôi kể, đêm qua tôi chiêm bao. Nhìn đồng hồ, chiếc kim dạ quang quay ngược chiều đẩy mọi sự về phía đằng sau. Hoảng hốt, tôi chồm dậy, nhìn lên tường. Chiếc đồng hồ treo cũng vậy. Nó câm, không cứ tích ta tích tắc, nhưng kim cũng quay ngược, mỗi lúc mỗi nhanh. Tôi tung cửa lao ra đường. Hà Nội giữa trưa không một bóng người. Ven theo hồ, tôi cắm cổ chạy về phía Bưu Ðiện. Nhìn lên cái đồng hồ lừng lững ngất ngưởng, tôi nhướng mắt, ô hay, hai cái kim đồng hồ quay, cũng ngược, và quay mỗi lúc một nhanh, như chong chóng. Cứ thế này, tôi thầm nhủ, chắc trở lại thời nhà Tiền Lê trong một khắc. Ðúng thế thật, mặt đất chao nghiêng, tiếng người ơi ới thứ thổ ngữ tôi không thật hiểu. Thêm dăm phút, tôi chắc mẩm, chắc là đến thời Hồng Bàng mất. Nhưng hai chiếc kim bỗng tuột ra, bay lên, mỗi lúc một cao, tít tắp cuối trời. Mặt đồng hồ trơ ra. Mấy giờ rồi? Tôi nhìn xuống cườm tay. Hai chiếc kim dạ quang trên chiếc đồng hồ tay của tôi cũng biến đâu mất. Ghé nó cạnh tai, tôi lắng nghe. Tích tắc, tích tắc. Nó vẫn sống. Nhưng chiều quay đẩy thời gian về đằng sau hay kéo ta lên phía trước? Tôi réo lên hỏi. Tiếng tôi kêu lạc lõng. Mặt hồ Hoàn Kiếm lăn tăn bọt. Tôi chắc là Rùa thần sắp lên. Tôi đợi. Thình lình một bọn người áo vàng ập đến túm lấy lưng, hò nhau, nó đây, bắt được nó rồi. Tôi vùng vẫy. Tại sao? Tôi làm gì mà bắt. Tôi sợ. Phía dưới cơ thể bỗng nóng lên, rồi uớt nhơm nhớp ... Tôi hét cho đến khi tỉnh dậy.

Anh Dần nghe, nhếch mép, được, viết nó ra. Tôi không đáp. Kim quay ngược, lúc này là đến kỷ Hồng Bàng rồi. Anh thì thào, thời "vỡ kỷ", mảnh văng tứ phía. Anh nhắm mắt. Cọp ngủ ngày, chiêm bao cái chiêm bao của cọp. Tôi khẽ khàng đứng lên. Anh mở mắt. Thì ra cọp giả ngủ, đang rình. Rình một tứ thơ chăng? Anh đọc hai câu thơ tặng tôi :

Tôi đã hát những lạc quan không hát
Bây giờ tôi hát lạc quan đen


*

Năm 82, Hoàng Cầm viết trên tập "Về Kinh Bắc" anh tặng tôi "...là một năm đầy hạnh phúc và cũng đầy oan nghiệt".

Hạnh phúc? Tôi muốn hát lạc quan xanh. Nhưng hiện thực màu tro nghiệt ngã. Phản chiến, bị chính quyền Thiệu cấm về miền Nam, rồi Canada trục xuất... nhưng tôi chưa hề bi quan, tôi vẫn giữ trong tôi một ngọn lửa. Phải chấm dứt chiến tranh đã. Rồi về để xây dựng, bắt đầu lại, tất cả. Nghĩa là từ từng người, với từng người . Hàn gắn cho nhau những vết thương chưa đóng miệng, cùng nhau xua những cơn ác mộng vẫn rình đêm về để đánh úp, và chân thành nói với nhau bằng lẽ phải, với con tim. Nhưng về, tôi chỉ thấy sự sợ, sự nghĩ một đằng nói một nẻo, sự có hai ba nhân cách trong một con người. Và con người tư riêng hình như bị cắt khỏi con người xã hội, cái thằng lúc nào cũng phải đối phó, phải tranh thủ, phải ngụy trang bằng nụ cười và ém dao dưới áo đề phòng mọi kẻ khác, già cho đến trẻ, từ hàng xóm đến cán bộ cùng cơ quan. Hồng Ðăng, nhạc sĩ nghèo, xoay thế nào mời tôi được bữa cơm có một phần tư con gà luộc. Gọi bọn cháu, con Ly và thằng Phương, chúng đáp "...chúng cháu ăn cả rồi!" Cuối bữa, dọn bát đĩa đi rửa. Tôi thấy Phương lúi húi ra bươi đất gốc cây cuối vườn. Làm gì vậy cháu? Nó lấm lét "...cháu chôn xương gà! Không thì hàng xóm họ biết...".

Hạnh phúc cũng có, nhưng phải may. Tôi gặp và kết bạn được với những người đáng yêu và đáng tin. Ðầu tiên là Hồng Ðăng, rồi từ Hồng Ðăng, tôi gặp các anh Nhân Văn-Giai Phẩm. Thuở ấy, Tạ Trọng Hiệp ở Paris tiễn tôi ra phi trường Charles de Gaule đi chuyến bay Air France về Sài Gòn. Anh dặn dò giao tiếp phải cẩn thận. Anh kể kinh nghiệm của anh. Ðinh Trọng Hiếu, cũng đã từng về nước, cười khuyên phải "khép lại mà đi" ( marcher les fesses serrées ), dạng háng ra là phiền. Thì tôi cũng biết vậy. Nhưng làm sao đây? Nếu không đánh cho tan cái sự sợ, người đâm thành ngợm cả, thì tiền đồ một xã hội đa phần hóa ngợm sẽ ra sao? Mới vừa giao tiếp với Nhân Văn-Giai Phẩm, đã có người đến "nhắn", quan hệ không được tốt. Tôi đáp, dạ, xin cứ cho tôi một danh sách những người không nên quan hệ, tôi sẽ tuân thủ. Thách thức như vậy, quả là tôi là một người không biết điều. Không biết điều, nhưng tôi biết sợ. Như đứa bé sợ ma trong bóng đêm giữa nghĩa địa hoang vu, chống lại cái sự sợ không có cách gì khác là vừa đái, vừa hát, hát càng to càng đỡ sợ. Cứ thế, tôi đã hát những lạc quan không hát.

Tôi đã hát, với Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Văn Cao. Và rồi với các anh. Có "Gấu chợ", giữa bề bộn khăn, màn, giấy vệ sinh, xà phòng. Ở một căn nhà phía dưới là tạp hóa trên phố Hải Thượng Lãn Ông, Lê Ðạt gấu (với các vị chức trách), nhưng mẫn cảm và trí tuệ. Anh đùa bảo, cậu cứ về chơi, mang cho chúng tớ một ít không khí để thở, thế là "đóng góp" rồi. Tôi đọc những bài thơ gom lại trong Bóng Chữ xưa làm tôi ngỡ ngàng. Có "Phượng bặt hơi", nhà khu Trung Tự, thuở ấy vừa mới có tin con trai "sắp" được giải Chopin. Ðặng Ðình Hưng dán trên tường một Bến Lạ những thơ. Bến lạ và đẹp, lạ như phong cách hào hoa của anh, và đẹp nghiêng ngả xa vắng những giấc mơ nửa chừng, cũng của anh, mang mang day dứt. Có "Hạc nội", lâng lâng một nỗi mây ngàn, rượu Ðình Bảng mang ngâm mơ, ngâm mận. Phần anh, anh cũng ngâm, ngâm thơ. Giọng ngâm của anh nửa như hát cung văn, nửa như than van khóc lóc, tức tửi nghẹn ngào. Còn thơ, là thơ Hoàng Cầm của Về Kinh Bắc, của Men Ðá Vàng, với những Cây tam cúc, Quả vườn ổi, Lá diêu bông. Có "Én trái mùa", mang chút hơi xuân ngơ ngác sót lại buổi đầu đông, se sẽ buồn, se sẽ hát, se sẽ nhớ. Dương Tường dịu dàng, quí bạn, hấp háy nhìn làm vẻ vô tư qua cặp kính cận dầy bằng nửa gang tay. Và các chị, Thúy của Ðạt, Khuê của Dần, Yến của Cầm. Lấy nhau, họ đều có vấn đề với tổ chức vì "quan hệ xã hội phức tạp" cả. Trường hợp Trinh và Tường, chắc không. Còn Ðặng Ðình Hưng, anh ở một mình, chuyện riêng tư với vợ là bà Thái Thị Liên, anh không nhắc. Có nhắc, anh nhắc Ðặng Thái Sơn, ôm vai tôi, dặn ra ngoài nhớ tìm cháu, chú cháu gặp nhau cho tôi vui.

Thuở ấy, Cọp ngày đang loay hoay với Lễ Zâng Sao, với các Tư mã, Tư mã gãy, Tư mã ổi... và nỗi buồn "vỡ kỷ" cùng những hạt bụi anh xổ vào bao la. Xổ bụi, đó là cách trối trăn với đồng loại. Bóng anh hắt hiu khập khiễng cuối ngõ, khiến gió cũng chẳng nỡ lòng thổi, nắng chẳng nỡ lòng lên. Nỗi ấy, có tên bơ vơ. Tôi đọc Cổng Tỉnh những ngày cuối năm 81 :

...Có phố nào xanh
Hoa lay hàng dậu tím ?
Có phố mờ chờ tha thiết tự ngày xưa
Ðể tôi phải bơ vơ
Bơ vơ ?
Tôi ?
...Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tím
Cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô
...Cô đơn lòng ngõ rỗng trăng chênh
Cô đơn sân ga tầu chạy tốc hành
Không đỗ lại các cuộc đời xé lẻ...

Tôi thấm câu anh hỏi "Tôi có thời cay đắng, nào kịp cay đắng đâu? Sao đã cho tôi những phố xào xạc? Sao đã ghi tôi vào mép sổ buồn rầu?" Anh hỏi, nhưng hỏi ai? Ai đáp? Mà dẫu có đáp, tin được gì

Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp
Những canh gà báo trượt rạng đông
Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngoé
Khi xe tăng chửa đi cấy đi cày
Như một lũ tội nhân cần cải tạo
Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo
Còn quay tít trên kiếp người hạ giá...

(Hãy đi mãi, Văn, 1957)

Bài thơ này anh viết, hai mươi bốn năm sau tôi mới được đọc. A, thì ra hai mươi bốn năm chẳng thay đổi được gì à? Phạm Thị Hoài ghi đây là chương kết của Trường ca Ði! Ðây Việt Bắc. Năm 90, Trường ca được xuất bản ở Hà Nội với tên Bài thơ Việt Bắc, song toàn bộ chương Hãy đi mãi bị cắt bỏ. Trên tập thơ tác giả đem tặng người "biên tập" cho mình, anh Dần viết :

Gửi Vân Long,
Người biên tập lại Ði! Ðây Việt Bắc!
Thông minh và công phu!
Song tôi vẫn phản đối mọi kiểm duyệt...

(Ghi, trang 451)


*

Hai tuần sau khi nhận được Ghi chị Liên gửi, tôi đọc kỹ, và rất kỹ những trang, những đoạn chị đánh dấu, khi thì bằng bút bi đỏ, khi thì bút "phớt" vàng. Tôi điện thoại cho chị.
- A, cậu đấy à ( giọng chị làm ra vui )...
- Cám ơn chị, em đã nhận được tập sách chị gửi!...
- Cậu đọc chơi cho vui thôi...
- Không em đọc thật, chứ không đọc chơi. Nhất là những chỗ chị có đánh dấu...
Chị nói quấy quá :
- Ừ, chị có cái tật gạch xanh, gạch đỏ vào sách. Lẽ ra phải mua gửi cậu quyển sách mới, đằng này...
Tôi ngắt :
- Thế mới quí! Em vừa đọc được sách, vừa đọc được cả tâm tình người đã đọc sách trước em, mà lại là chị...
- Thế cậu thấy thế nào?
- Buồn...
- Chị cũng buồn!
- Nhưng em tin rằng một phần nào, em buồn như chị buồn. Còn một phần em buồn, chắc khác với nỗi buồn của chị...

Chị Liên ngạc nhiên, hỏi giống là giống thế nào, khác thì khác thế nào? Tôi nhẩn nha, gợi cho chị nói. Dĩ nhiên, chị lập lại, bằng lời, những nét gạch đỏ, gạch vàng trên những trang Ghi của Trần Dần. Thì ra, chị ấm ức, những người chị coi là thần tượng, đã "đầu hàng".

Ngày 8.01.1958, Trần Dần ghi "Một ngón tay, Nhân Văn cũng không có! Non năm nay, họ đã nằm ẹp cả xuống, vắt tay lên trán, suy nghĩ như các nhà hiền triết cả rồi... Họ đang tranh nhau đi vào con đường cầu an... Tôi biết họ chỉ duy nhất một điều, là mong "Thánh Ðế hồi tâm". Nhưng hình như thánh đế bị bọn quan hoạn lừa phỉnh... Bơm to, vu cáo, ton hót lừa trên, dối dưới, các thứ thủ đoạn, tinh vi thì không tinh vi gì đâu. Song không hiểu sao con mắt Ðảng, con mắt to thế mà chưa nhìn thấy chuyện?" (Ghi, trang 187 - 88).

Ðó là thời Hội Nhà Văn bị đánh. Hội thành lập tháng 4 - 57 sau Ðại Hội lần II, trong đó Tổng bí thư Trường Chinh công khai đập Nhân Văn-Giai Phẩm, sau khi Nhân Văn ra được năm số và Giai Phẩm ba số. Tô Hoài làm tổng thư ký Hội, xuất bản báo Văn do Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng phụ trách. Khi đó, guồng máy quyền lực đã thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chỉ đạo bởi Nguyễn Ðình Thi (và đằng sau là Tố Hữu, phụ trách công tác Văn hóa- Văn nghệ của Trung Ương đảng). Bối cảnh chính trị là thời hậu Cải cách ruộng đất. Chân rết "Xứ ủy Bắc bộ", đứng đầu là Trường Chinh, đang từng bước mất chân đứng với Lê Duẩn, "Xứ uỷ Trung bộ" (và ảnh hưởng không ít đến Nam bộ), đang xông vào hất cẳng, lợi dụng những sai lầm "tả khuynh" của Cải cách ruộng đất. Hội Nhà Văn (đàng sau là Xứ ủy Bắc bộ?) bị Hội Liên Hiệp tấn công, gán cho là cánh tay nối dài của Nhân Văn-Giai Phẩm. Văn, có Lời mẹ dặn của Phùng Quán, Hãy đi mãi của Trần Dần, sống được bảy tháng, cho đến đầu năm 1958 khi đăng trong số 36 Ông năm chuội của Phan Khôi thì bị đình bản.

Không khí thời gian đó là không khí khủng bố. Một số nhà văn thấp thỏm sẽ phải ra "biên chế", tham dự những lớp "đấu tranh tư tưởng" và cuối cùng Hội Liên Hiệp tổng kết cuộc đấu tranh thắng lợi với Nhân Văn-Giai Phẩm vào tháng 6 - 58. Tháng 7, Nguyễn Ðình Thi thành Tổng thư ký Hội Nhà Văn, thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm. Trần Dần bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, sau phải đi lao động cải tạo tại công trường Chí Linh cùng Lê Ðạt, Tử Phác, Ðặng Ðình Hưng, vv...

Hai tháng trước đó, con người nói chung, và nhà văn "phản cách mạng" nói riêng, hoàn toàn "mất giá" dưới tất cả những thứ áp lực, từ miếng ăn đến tư tưởng. Thậm chí, tội kết có cả tội làm gián điệp, tội âm mưu lật đổ Trung ương bằng phương pháp hòa bình (thì ra diễn biến hòa bình thời nay cũng chỉ là lập lại một "truyền thống"!) Ðó là trường hợp của Nguyễn Hữu Ðang và Thụy An (Ghi, trang 254). Phùng Cung có những phản ứng không khoan nhượng, khi học tập "hỗn" đến bị đuổi khỏi lớp (Ghi, trang 253), chửi "mẹ nó, nhục lắm. Mình xin về nhà có được không nhỉ?" Trần Dần khuyên, rằng nên "đầu hàng", "họ" là "chân lý", không nên xin ra khỏi biên chế, lúc này việc cũng có thể bị coi là một sự tiến công của "tư tưởng thù địch". Tháng 5 - 58, Hội Nhà Văn "để cho" nhà văn tự kiểm thảo sáng tác. Ai cũng phải tự phê. Về mình, Trần Dần tự kết tội là "...giặc - bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ và đầu óc làm phản, v.v..." , và rồi anh dí dỏm "...tôi sáng tác thêm vaì chữ để miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể". (Ghi, trang 257).

Trong không khí khủng khoảng tâm thần tập thể, cá nhân thành một con kiến, không có tư thế chống đỡ gì khi bị "đưa" lên mũi nhọn, và đàn áp tinh vi là làm thế nào "chia để trị", tìm ra những mâu thuẫn, buộc nhau vào cái thế anh nọ "đổ vấy", "tố điêu" anh kia. Hoàng Cầm lắm tội, nghiện thuốc phiện, lại bị ra tòa về việc chung sống với chị Yến, thú với Văn Cao "mình dát, bị đánh quá, mụ đi như "con đồng", họ hỏi đâu thì cứ phun ra tuồn tuột, không nghĩ gì cả nữa" (Ghi, trang 265). Văn Cao, chắc có Tiến Quân Ca là cái lá chắn, bảo "Tao chỉ có tội chống Tố Hữu, chứ tao có chống Ðảng đâu?". Trần Dần tổng kết "...tình hình nay là một thứ hỗn tạp mới :

- chủ nghĩa xét lại, khuynh hướng bôi đen đang bị đánh tan tác,
- bên sự đầu hàng thực sự đó đây có kẻ trá hàng,
- chủ nghĩa giáo điều, khuynh hướng bôi hồâng đang nhăm nhe ngóc dậy. Ðó đây có ló mặt chủ nghĩa cơ hội, thính mũi và vô tài.

Văn học đang có cái nguy cơ hạ giá trị, nguy cơ ca ngợi một chiều, chạy theo sự cần thiết trước mắt, nguy cơ bôi bác và nhất là nguy cơ tràn ngập tác phẩm xoàng, phỉnh nịnh đảng. Còn cái nguy cơ xét lại đã bị đẩy lùi tới cái mức không thể nào phản công lại dù dưới hình thức tinh vi nào. Có chăng, chỉ là lẩn lút nổ bằng mồm dăm quả mìn muỗi còn vương sót lại trên chiến trường, không tài nào thu dọn hết! Có vậy thôi!".Vì thế, Trần Dần nghĩ, thì thôi, cải tạo chân thực, nhưng không chủ nghĩa cơ hội, lập công giả dối, hay buông tay thả mặc. Anh vẫn tin "chủ nghĩa nhân đạo không cho phép đè nén, lăng nhục ai, dù người đó có tội nặng... Dùng sự sỉ nhục để cải tạo người ta, không thể là một phương pháp cách mạng : vì nó hết sức phản khoa học, phản trí thức..." (Ghi, trang 268-269).

Hai mươi năm sau khi viết những dòng chữ trên, anh đúng một nửa, sai một nửa. Văn học (miền Bắc) hạ giá không phải là nguy cơ mà là một hiện thực, rất não lòng. Còn xã hội. Con người. Ðiều anh tin là một huyễn hão: chủ nghĩa nhân đạo đẻ thiếu tháng trên những văn kiện và nghị quyết, tã lót máu me, và tiếng khóc đứa bé đẻ non lịm đi chẳng khác gì một tiếng mèo văng vẳng trong đêm vô vọng.

*

- Chị ạ, quyền lực dọa dẫm bằng cắt cái miếng ăn, cấm không được lấy người mình yêu, bắt phê, tự phê, kiểm thảo tư tưởng, rồi chiêu dụ, lấy người nọ đánh kẻ kia... Hóa ra, ở đằng sau, có thể nào vẫn hai thế lực "đàng trong" và "đàng ngoài" húc nhau, Nhân Văn-Giai Phẩm chỉ là con muỗi tế thần? Thành thử, khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống...
Chị Liên ngắt :
- Sống! Sống thế nào, mới quan trọng!
- Một mặt lý tưởng, mặt khác lại có phần ngây thơ nên khi vạch cái mặt trái của Cải cách ruộng đất, bêu cái tính cơ hội cuả bọn quan lại bàn giấy, phải chăng phe Lê Duẩn "đàng trong" ngầm ủng hộ Nhân Văn-Giai Phẩm để phá phe Trường Chinh "đàng ngoài"? Nhưng đến khi một thế lực đã chiếm được tiên cơ, họ phải giữ quyền lực, và họ co lại hệt như "đàng ngoài", quay đánh vào tính "vô chính phủ" của những kẻ đã phản kháng... Lịch sử lập lại tấn tuồng nhàm chán nhiều lần. Hệt như sau này, Mao dùng Hồng vệ binh nắm được quyền lực, rồi cũng chính Mao ra tay diệt Hồng vệ binh. Dưới lớp son khẩu hiệu, quyền lực thời tàn dư phong kiến chỉ có thể mang thuộc tính của những ông Thành Hoàng giơ roi cầm vọt, và dùng hàng đàn chó, hàng đàn cừu, loại sai đi cắn và loại dễ bảo... Cọp ngày, Gấu chợ, Hạc nội, Phượng bặt hơi là ... hàng mỹ thuật xa xỉ trong một xã hội phải "cào bằng", ngôn ngữ quá độ phải đậm đà tính cày sâu cuốc bẫm tiêu biểu nền nông nghiệp mang truyền thống cha ông. Truyền thống, nghĩa là cứ con trâu đi trước cái cày theo sau, trên những thửa ruộng bón bằng phân tự mãn chèn vào là hò hét vinh quang đến độ bệnh hoạn.
Chị Liên xen vào, giọng cao lên :
- Nhưng cậu nói thế nào thì nói... Ai cũng phải biết chết. Chị thì chị chết chứ không chịu nhục! Tôi khựng lại. Quả bà chị tôi đủ cái gan chết chứ không chịu nhục. Chị bỏ nhà đi giang hồ từ tuổi ấu thơ, lặn lội, đấu tranh và thành người bằng ý chí nghị lực, giữa những lựa chọn trắng - đen, sai - đúng, thật - giả lúc nào cũng rình rập thách đố.
Tôi thở dài, tay sờ lên cổ:
- Vâng... anh Dần đã cứa cổ bằng dao cạo một lần, khi chị Khuê có mang cháu đầu lòng. Nếu anh ấy chết được lần ấy, bỏ vợ bỏ con, thế có gọi là " biết " chết không? Chết như vậy, cứu vớt được ai và thay đổi được gì?
Chị Liên im lặng. Ở đầu dây, tựa hồ một tiếng nấc. A, cái lưỡi dao cùn, không đứt được mà đau...
- Cứ giả dụ cái lưỡi dao ấy không cùn. Nó rạch toang cần cổ, máu nhiễu xuống có vòi, anh dẫy lên, hét, kiểu Nguyễn Văn Trỗi, chính chúng bay là giặc, chẳng hạn! Miền Nam sẽ tung hô anh, kẻ chết vì tự do và chính nghĩa, đặt anh lên hàng thánh tử vì đạo! Còn Miền Bắc, chắc giới văn nghệ sĩ lặng đi, và sợ, trở nên dễ "cải tạo" đến độ không hô vẫn theo, không dạy vẫn ngoan, đánh đĩ "thoải mái"! Ðấy, chết thì như thế! Còn sống thế nào? Trời sinh làm giặc bút, thì viết. Muốn mỗi con chữ là một tiếng gào thất thanh, không thể viết gì ngoài cái thống khổ, sự ruồng bỏ, phản bội... O ép vật chất may còn qua được, nhưng tinh thần thì, ôi thôi! Ðầu những năm 60, Hoàng Cầm viết được Về Kinh Bắc. Trần Dần hoàn thành Cổng Tỉnh, rồi Ðêm núm sen. Những Bóng Chữ của Lê Ðạt và Bến Lạ của Ðặng Ðình Hưng không biết có phải cũng từ những ngày ấy không?
Chị Liên vẫn im lặng. Tiếng điện thoại viễn liên vo ve như muỗi ngày. Tôi tiếp:
- Vậy giả dụ tất cả những lưỡi dao không cùn, nó cắt, xoẹt một cái, đứt cổ và chúng ta có thêm dăm vị á thánh, anh hùng, chết vì cái nọ cái kia. Nhưng đổi lại chúng ta mất đi những tác phẩm đã cứu vớt phần nào được ba mươi năm văn nghệ bị trói khuỷu, tay ê buốt mãi đâm mang cái hình dạng tê liệt thương tật của cả một tập thể "những nhà văn" chỉ giỏi ê a "chống Mỹ cứu nước", hát bài hát hy sinh, anh dũng... để tiếp tay gây ra một cuộc hủy diệt, số tử vong lên đến số triệu đếm đủ ngón một bàn tay... Không, trăm phần không. Không ai có cái quyền bắt người khác làm anh hùng! Và cái chết, dẫu chết thế nào, vì cái gì cao đẹp đến đâu chăng nữa, cũng không thể đánh đổi lấy sự sống. Nhất lại là sống để tiếp tục nhả tơ nuôi đời.

Như anh Dần, 1961, nhả tiểu thuyết Ðêm Núm Sen. Năm 1963, Jờ Joạcx (thơ). Năm 1964, Mùa Sạch (thơ). 1965 là thời gian sung sức, hai tác phẩm Một Ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết) và Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết). Năm 1967, Con Trắng (thơ hồi ký). Năm của Tết Mậu Thân 1968, 177 Cảnh (hùng ca lụa). Không biết sao anh đợi 6 năm sau, đến 1974 mới ra Ðộng đất tâm thần (nhật ký thơ). Rồi 1978, Thơ không lời - Mây không lời (thơ, họa). Liền sau đó là 1979 với Bộ tam Thiên Thanh - 77 - Ngày Ngày, 1980 với Bộ tam 36 - Thở dài - Tư Mã dâng sao. Ba năm sau, anh bệnh. Nhưng đến 1987, anh viết Thơ Mini. Anh viết, cứ viết. Biết bao giờ in? Há chi! Không cần, viết là nghiệp. Cứ thế, anh viết gần ba mươi năm. Một mình. Không độc giả! Rồi năm 88, Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm... được phục hồi hội tịch Hội Nhà Văn. Tác Phẩm Mới xuất bản Bài thơ Việt Bắc (bỏ chương Hãy Ði Mãi, đã nói trên). Sau là Cổng Tỉnh năm 94, được trao giải thưởng năm 95. Anh mất năm 97. Ðến 98, tập Mùa Sạch được nhà xuất bảnVăn Học cho ra mắt. Trả lời Nguyễn Quang Lập, hỏi qua thời Nhân Văn, anh tự thấy anh được cái gì nhiều nhất? Trần Dần đáp, được cái hoạn nạn. Do được cái hoạn nạn nên được không dưới ba chục tác phẩm trong ba mươi năm.

Ðó là thời anh đi Huế gặp anh em làm báo Sông Hương. Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi, sau khi anh nhận "hội tịch":
- Thưa anh, con người sống ai cũng cần có nhân cách, nhà văn lại càng phải có nhân cách. Theo anh, nhân cách nhà văn quan trọng nhất ở chỗ nào?
Trần Dần đáp :
- Nhân cách nhà văn chính là văn cách của anh ta...
(Ghi, trang 439)
Sau đó, Trần Dần vào Sài Gòn. Và đó là dịp tôi gặp anh lần cuối.

*

Gặp những người tôi gắn bó, lần nào tôi cũng tự nhủ, ai biết đâu những bất trắc và tình cờ, với thời gian thì không chừng lần nào cũng có thể là lần cuối. Ðó là cách tôi sửa soạn tâm thế sẵn sàng nhếch mép cười trước mọi được - thua, mất - còn, đời người ai cũng có. Lần gặp các anh sau dịp Tết Dương Lịch năm 82 cũng vậy.

Chúng tôi "hội sao" ở nhà Dương Tường một buổi xế chiều. Gió mùa Ðông bắc vi vút qua những cành bàng trơ lá dọc con lộ Lý Thường Kiệt, đẩy cái se se băng giá ngấm qua những chiếc áo len mỏng mảnh chụp xuống con người khiến dáng dấp co ro tội nghiệp đến xót lòng. Các "Tư Mã" lục tục, người trước, kẻ sau, gặp thì cười, nhưng là cái cười của những cuộc chia tay ai cũng tránh nói thành lời. Quà cho tôi là những bài thơ các anh chép tặng. Thơ Ðặng Ðình Hưng thơm mùi ổi, bốn câu. Thơ Lê Ðạt, dập dờn bóng chữ, bốn câu. Thơ Hoàng Cầm, thê thiết quan họ, bốn câu. Thơ Dương Tường, gập gềnh lyrique, tám câu. Riêng Trần Dần, bốn trang thơ, viết chữ như kiến bò ngang bò dọc, rồi vẽ vẽ, viết viết, đọc trên, mũi tên chỉ xuống, sang trang mũi tên lại bay lộn về. Ghim vào tim với những nỗi đau "vỡ kỷ", những hạt bụi "xổ" vào bao la, với nhân duyên và những sợi tơ hồng đứt đoạn trong niềm đau "mạt kỷ" thuở lễ Zâng sao...

Ôi tài hoa, bao nhiêu đây quanh tôi là tài hoa. Và tài hoa, khốn khổ thay cũng là hoạn nạn, bao nhiêu là hoạn nạn. Tôi thầm hỏi, này sông này núi, ai trấn ai yểm gì mà cái đất nước này cứ phải chôn sâu vùi chặt những đứa con ưu tú nhất ? Cớ sao những gì là tinh hoa trí tuệ cứ muôn đời phải chống trả với cái vung tay thô bạo của thứ quyền lực nhất thời?

Năm 82, Hoàng Cầm lại bị bắt. Tội danh là bán rượu chui! Oan nghiệt ló mặt nhìn bằng cặp mắt những con chuột nhắt chui ra lúc đêm đổ xuống thế gian. Bán rượu chui đâu phải chỉ một Hoàng Cầm? Lẽ nào là vì anh giao du với tôi, Việt kiều, tức là người nước ngoài (ngoài nước?). Thời gian đó tôi ở Paris. Tin anh bị bắt tôi đọc trong tờ Le Monde giữa một tiệm ăn Việt Nam khu Quartier Latin. Nước mắt tôi ứa ra, không cầm lại được. Tôi bắt Métro trạm St Michel, nhìn xế qua là bồn nước có những con sư tử há miệng phun có vòi. Có lẽ dáng điệu tôi lúc ấy thảm thương lắm. Ðến độ một người da đen nghèo khổ vỗ vai, một kẻ sans abri có lẽ, đưa cho tôi điếu thuốc anh đang hút dở. A, con người với nhau. Thật may, cũng có chút tình! Tôi lẳng lặng rít một hơi, rồi trả lại. Sau Hoàng Cầm, còn ai nữa? Trần Dần, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt... Tôi lại còn giao du cả với Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái ... toàn thuộc diện Nhân Văn xưa có vấn đề... Tối hôm đó, tôi ghép thơ các Tư Mã tặng, để báo đền chút tình tri ngộ. Tiện đây tôi xin chép lại :

Một chùm sao nhấp nháy những âu lo
Về tụ lại lễ Zâng Sao giữa hạ
Nơi đã đặt tên và chỗ định số dăm chàng Tư mã
Nhễ nhại trăng khuya nhiễu xuống ngân hà

Thuở Bích Câu vọng câu tao ngộ
Chuyển tần số lòng những ánh sao sa
Chở đá đến một vùng chưa tiếng nói
Ðốt lửa lòng lên đuổi mù sa

Ai khép gió giữa hai mùa vội vã
Trời quê hương xao xác một canh gà
Tiếng chó sủa
Tiếng huýt sáo một người đi chơi đêm về đánh thức
Mắt lũ ánh buồn kẻ ở xa

Bờ ao mẹ nắng trở mình, sáo tắm
Rỉa cánh gầy xổ bụi giữa bao la
in đợi nhé mùa chim mây vỡ tổ
Ðầu ăng ten sẽ lại tin nhà

Khâu lý lịch chữ, Lễ Zâng Sao, Tư Mã, nhấp nháy âu lo là clignetitude, chữ Trần Dần bịa. Tiếng huýt sáo, mắt lũ ánh buồn là Dương Tường. Mùa vội vãbờ ao mẹ, Ðặng Ðình Hưng, từ "bao giờ về trong khoanh một cái ao - ngồi giặt áo cả ngày". Nắng trở mình, khép gió, chữ Hoàng Cầm. Rỉa cánh, xổ bụi, lại Trần Dần. Mùa chim mây vỡ tổ, và ăng ten, là chữ Lê Ðạt. Những chữ này lý lịch như thế chẳng hiểu chúng có được ba đời bần cố nông hay không?

*

Về Hà Nội hè năm 88, tôi sững sờ, không biết là buồn hay vui khi nạn nhân Nhân Văn-Giai Phẩm đều "được", và đều "nhận", phục hồi hộ tịch. Văn Cao trước đấy được Huân chương hạng tư, hân hoan càvát vét-tông đi chụp ảnh, với Hải - Không quân, vì là tác giả của những bài hát biểu trưng những binh chủng này. Ðó là cái rớt sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh "cởi trói" văn nghệ sĩ năm 87 và Trung Ương thông qua nghị quyết do Trần Ðộ, Trưởng banVăn hoá Văn Nghệ, soạn thảo. Nhưng chỉ năm sau Ðổi Mới đã khựng lại. Trần Ðộ mất chức. Linh thụt lùi và Ðỗ Mười xông lên. Tôi trách Văn Cao. Tôi bảo, tiếng tăm anh chỉ mất đi chứ thêm được gì với cái Huân chương đó. Anh giả say, mắng tôi là quân khiêu khích -agent provocateur - rồi giơ tay dọa đánh. Thái Bá Vân, chuyên gia và là nhà phê bình Mỹ Thuật có ở đó, đứng dậy chìa mặt cho Văn Cao, kêu, anh muốn đánh thì cứ đánh tôi. Thao, con trưởng anh, cũng nhổm lên, bảo tôi chú đừng chấp bố cháu. Không đóng được kịch đánh (trước một khán giả có thể là kẻ đi theo "bảo vệ" (!) tôi), anh đành đuổi vậy. Thật ngộ nghĩnh, chị Băng vợ anh can thiệp. Xấu gì ở Văn Cao cũng đổ cho "bà" Băng là sai. Hôm ấy, hành xử rất tư cách, chị quát anh. Phần tôi, tôi xin với bạn bè có mặt là quên đi, để giữ "huyền thoại" Văn Cao. Bởi huyền thoại cũng cần: có tí gì để hãnh diện, để vênh vang, cũng là một cách giữ cho mình tồn tại giữa một cơn hỗn mang đạo lý.

Gặp nạn nhân vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, tôi bớt gay gắt, nhưng cũng chẳng giấu gì cách mình suy nghĩ. Không khác với trường hợp Văn Cao, tôi nghĩ nhận hội tịch là phá đi một cái huyền thoại, không phải về những con người, nhưng là huyền thoại về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, ngọn lửa dẫu ai có giang tay dập sao vẫn cứ âm ỉ ba mươi năm nay trong lòng người. Vâng, tôi nói thế, dẫu các anh có thể không vui. Phần Trần Dần, anh buồn, im lặng. Con cọp ngày khật khừ, nhướng lên, ánh mắt không rừng rực như cọp nhớ rừng. Với thời gian, anh thành cọp nhà, cọp phố Vũ Lợi, cọp chống gậy đi dọc Yết Kiêu, đến Trần Hưng Ðạo rẽ trái, và lững thững bước về phía Bờ Hồ. Vài ngày sau anh bay ra Huế.

Chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn giữa một buổi trưa nắng gắt. Anh đợi, ngồi rià một cái quán bên đường. Vẫn cái tư thế cọp ngồi chống mắt nhìn đời, chập chùng xe qua xe lại nhả khói khét mùi xăng nhớt. Cọp nheo mắt chóa nắng lừng lững chống gậy đứng lên. Lần ấy là lần đầu anh vào miền Nam. A, cái lưỡi dao cùn. Nó chẳng phải chỉ cứa cổ người . Nó chém ngang lưng Tổ Quốc. Không đứt được thật, miền Nam vẫn đó. Nhưng mà đau, nỗi đau còn đó, lưng rướm máu, nay vết sẹo mới tấy da non, xin chớ ai động mạnh. Chúng tôi lại hẹn hò.

Tối hôm sau, liên hoan trên gác ba nhà Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Duy mới đi Liên Xô và Ðông Âu về, đang đánh tiết canh vịt dưới bếp. Ðã hẹn, nhưng sao mãi chưa thấy Trịnh Công Sơn. Khoảng bảy giờ, có tiếng chân, tiếng người. Sơn đi trước, Lữ Quỳnh đang xốc Bùi Giáng theo sau. A, hay thật là hay. Con đười ươi Tề Thiên tối nay gặp cọp ngày. Năm 24 tuổi và đầu một đời thơ, Giáng hạ bút Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt. Ồ thưa em ta thấy mộng không thường. Năm xấp xỉ 20, Dần "chôn tiền chiến", và trong Dạ Ðài, bản tuyên ngôn Tượng Trưng, anh gầm :
Không thể rung cảm chúng ta nữa cái văn chương cổ tích chỉ có một chiều chỉ nhắc gợi một cõi đất một tâm tình...Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy...Bọn lãng mạn, sau khi chùi xong nước mắt lại lảm nhảm nói chuyện những nàng tiên.
...Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đương kể những câu chuyện cổ tích cho người đứng tuổi nghe. Phải gây nên cả hai không khí hoang đường và hiện thực...Chúng ta cũng không thể tách lập được hẳn thực hư, và chia đôi địa trấn bằng một bờ sao rõ rệt...Làm sao mà giải quyết được sự mâu thuẫn phi thường đó ?
Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê đồ. Chúng ta chỉ có thể dung hợp được thực và hư bằng hình tượng...Thế nên chúng tôi - thi sĩ tượng trưng - chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa.

Thế ra anh cũng mộng không thường! Anh bổ những nhát cuốc đào mồ "tiền chiến" : ...cái thi ca cổ rích, cái thi ca tĩnh của tiền nhân ngâm vịnh, của bọn lãng mạn chẳng làm chúng ta quên, vì chẳng có thể đẩy đưa chúng ta theo những nhịp điệu bồng bềnh của bản thanh âm hoàn vũ. Thế nên chúng tôi - thi sĩ tượng trưng - chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng linh động. Và với anh, nghĩa là một bài thơ...không được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng có một quan năng tách bạch của chúng ta - dù quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc và đột nhiên, vì thơ đã không cần lý luận.

Chẳng biết đười ươi Tề Thiên đã đọc Dạ Ðài hay chưa? Chỉ thấy đười ươi huyếch miệng cười khan và sáp lại, mắt hấp háy. Cọp bất động, nhưng nhìn đười ươi chằm chằm. Anh em xếp cho đười ươi ngồi trước mặt cọp. Sơn tươi tỉnh "...anh Giáng, hứa không được phá nghen!" Móm mém, Giáng cười, tiếng cười trong vắt hồn nhiên. Chưa đụng vào đũa, Giáng bi bô chỉ trỏ vào Dần, và nói, tay vung lên, miệng say sưa. Chẳng ai hiểu gì! Vì anh nói một thứ tiếng lai tiếng Ðức, tiếng Anh, tiếng Pháp, nghĩa là thứ tiếng riêng của Bùi Giáng, lộn nhộn đủ loại ngữ ngôn. Lạ thật, Dần gật gù. Thình lình, Giáng đứng lên ghế, tiếp tục nói, như diễn thuyết. Sơn ra bên cạnh, kéo Giáng ngồi xuống, nhắc "...phá quá cha nội! Hứa gì quên rồi ư...". Giáng cười khì khì, giả ngồi yên. Sơn vừa về chỗ, Giáng lại đứng dậy. Con đười ươi Tề Thiên nghiêng ngả, kêu chí choét, lại nói. Lúc ấy Dần giơ tay. Giáng ngừng ngay, mắt trố lên nhìn. Con cọp giọng trìu mến thốt "...người ta bảo Bùi Giáng giả điên!" Giáng lại kêu chí choét, như giục, còn gì nữa? Dần im lặng. Giáng vùng đứng lên ghế, rồi giả xiêu giả vẹo. Lữ Quỳnh phải chạy lại đỡ. Con đười ươi Tề Thiên cứ thế, diễn màn độc thoại, nhưng vô ngôn, có lẽ dành riêng cho cọp. Lữ Quỳnh và tôi, mỗi người một bên, dìu Giáng xuống thang, ra đường gọi xe xích lô. Ðẩy Giáng lên, chúng tôi trả tiền xe. Vừa quay lại thì Giáng đã nhảy tót xuống xích lô, tay chìa ra, miệng kì kèo ".. "tau" không đi xe, mi chia "tau" một nửa tiền xe hỉ!". Rồi Giáng lẩn trong bóng đêm trên đường xưa là Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vạt áo bà ba trắng vụt biến vụt hiện như một linh hồn lạc lõng. Lữ Quỳnh kể, người nghe lo cho Giáng. Sơn cười "...già ấy tỉnh, khôn thấy mồ tổ, đừng lo!".

Hai bữa sau, tôi lại lên đường. Nhưng sao chưa đi mà đã nhớ! Lại tự nhủ, lần cuối, nhưng miệng cứ hẹn sẽ gặp lại, còn gặp lại, dẫu trời mang mang, đất mang mang, vì đại dương bây giờ, lời Nguyễn Tuân, chỉ còn là cái ao ếch một đêm mưa.

Từ trụ sở báo Văn Nghệ số 43 Ðồng Khởi, Nguyễn Duy, Hồng Ðăng và tôi ghé lên căn gác nơi Trần Dần nghỉ trưa nhà Hồng Văn, một nhà báo hưu non, đang ở tạm. Trần Dần nằm, mắt nhắm nghiền, tay vẫn nắm chiếc gậy hôm nọ tôi xin anh. Khi đó, anh nói "...Bửu Chỉ mới cho" và tôi đành "thế thì anh giữ làm kỷ niệm!". Nhìn anh, tôi thì thào với Ðăng, "...thôi để ông ấy ngủ!", dẫu tôi biết anh chỉ nhắm mắt. Anh thừa biết tôi đến chào anh. Nhưng cả anh lẫn tôi, chúng ta nào có ai biết đấy là lần cuối.

Tám năm sau, tôi ghé Bolsa gặp Trịnh Cung. Câu đầu Cung nói, là "Anh Dần mới mất, mình vừa nhận được tin!" Về nhà Hoàng Khởi Phong, tôi dìm nỗi đau xé lòng trên phiến máy điện toán, viết về con cọp ngày vừa chia tay cả phố thị lẫn rừng xanh. Bản viết đó, rõ ràng tôi gõ "save", nhưng nó lại trôi tuột vào hư không vì máy hỏng. Hoàng Khởi Phong loay hoay chữa nhưng vô phương. Dẫu có "Save", ai làm thế nào cứu vãn được cái mất mát chính, là anh. Vâng, mất mát đó vô cùng lớn cho tất cả những kẻ lòng còn gắn bó với chữ nghĩa và quê hương.

*

Một chuỗi biến cố kể từ cuộc đàn áp ở Thiên An Môn đến sự sụp đổ bức tường Bá Linh khiến tôi lại chẳng được visa để "qui cố hương" thăm hỏi các anh sau năm 90. Thế là Ðặng Ðình Hưng đi. Rồi Bùi Xuân Phái, Văn Cao. Và Trần Dần năm 97. Nghe tin Lê Ðạt "được" qua Paris, tôi vội bay đến hàn huyên. Chúng tôi có vài ngày với nhau nơi nhà một người bạn nhà văn Ðỗ Kk. đã mượn cho ở. Sáng nào chúng tôi cũng ra uống cà phê trên St-Germain. Nhìn ra phía trước là Métro Odéon, quay về phía sau, sao chúng tôi vẫn lại chỉ thấy Bờ Hồ trong cơn mưa bụi. Lê Ðạt bảo "...Dần mất thế là hơn nửa năm rồi! Nhanh thật, cứ như mới hôm qua...". Vâng, mới hôm qua. Những cái mặt đồng hồ trơ trẽn không kim trong giấc mơ ở Hà Nội ngày nào lại hiển hiện trước mắt tôi. Ở Paris, kim đồng hồ là một hiện thực. Vòng quay của kim một chiều, và chiều đó là chiều quay đánh dấu những tiến bộ trong một số địa hạt nhất định. Như khoa học. Kỹ thuật. Như công, thương nghiệp. Dưới một mức, là quyền con người. Nhưng dẫu sao, nó cũng nhích lên, trong một thế giới thông tin mở, không chập chạp, ù lì, chai cứng đến độ mất hết sức sống. Lê Ðạt nhắc kỷ niệm xưa, giọng tiếc nuối "...Dần nó có tư cách "chưởng môn"! Còn mình thì không, cứ bông lơn ba lăng nhăng...". Tôi lại hình dung ra con cọp ngày, mắt rừng rực, quyết liệt tuyên ngôn, rằng cái kho chữ là tài sản quí nhất của một dân tộc. Anh nhếch mép, râu rung rinh đùa hỏi tôi, cái môn kinh tế học của cậu nó có dạy thế không? Không hả, anh cười, thế thì "hỏng". Những phút ấy thật hiếm. Ðùa xong, anh lại trầm ngâm.

Tôi hỏi Lê Ðạt, đã đến lúc anh viết về Nhân Văn-Giai Phẩm như những chứng nhân và nạn nhân chưa? Ðạt bảo, Hoàng Cầm nói và thu cát xét, dễ có đến cả chục cuộn băng. Còn mình, anh cười, mình chưa ghi chép gì cả. Tôi bàn, viết về Nhân Văn-Giai Phẩm là viết về một giai đoạn và một tinh thần văn học. Anh gật gù, thế cậu thấy cái gì gọi là tinh thần Nhân Văn? Câu anh hỏi, tôi chưa đáp, khất đến hôm nay. Xin thưa gọn: tính nhân bản cộng với tinh thần sáng tạo. Và như phương tiện vận chuyển xã hội đến lý tưởng mà chung quyết là hạnh phúc con người, văn chương hành động dấn thân, can đảm phê phán hiện thực. Tệ quan liêu, chủ nghĩa tô hồng cơ hội, và bản chất phi nhân giữa thập kỷ 50 là đối tượng. Nghĩ kỹ lại, đến nay là thiên niên kỷ thứ 21, tình hình xã hội cũng chưa khác là bao, thậm chí so với thời đã qua thì nhiều vấn đề cấp bách hơn, trong đó sự mất niềm tin vào tương lai đến độ tuyệt vọng là căn bệnh ung thư bộ não đã vào giai đoạn cuối cùng.

Tương quan giữa quyền lực và văn hóa trong xã hội có một số thuộc tính khó chối cãi được. Năm 87, ông Nguyễn văn Linh "cởi trói" cho văn nghệ sĩ, thừa nhận hiện thực "bị trói", và trói bằng những vòng kim cô xiết lại nới ra tùy theo nhu cầu chính trị. Ðùng một cái, từ 87 đến 91, liên tiếp một số tác phẩm sáng giá ra đời. Tướng về hưu, Thiên sứ, Những Thiên Ðường mù, Nỗi buồn chiến tranh, Ði về nơi hoang dã, Những mảnh đời đen trắng, Bến không chồng... Và những khuôn mặt mới như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nhật Tuấn... làm nổi lên một không khí sáng tác, mạnh dạn hơn, chất lượng có, và gầy nên được cái hy vọng lấp dần khoảng trống của thứ văn học khẩu hiệu, xoàng xĩnh, có tính dịch vụ tuyên huấn, uỷ lạo, động viên thi công thúc chiến. Rồi cũng đùng một cái, Linh co lại, Ðỗ Mười lên. Ðùng một cái, sáng tác lại khuôn phép ngậm miệng. Và ở giai đoạn bỏ bao cấp xã hội chủ nghĩa quá độ tiến lên (tiểu) tư bản thủ công đỏ và đen, văn hóa trong nước tràn lan trăm chuyện xe cắn chó, chưởng rẻ tiền, tình Hồng Kông, Ðài Loan, Thái Lan... Ðất nước chúng ta có phải chăng đang phá sản ở mọi mặt? Kinh tế tụt hậu, nợ cứ nợ, thế hệ sau (?) trả. Con người hạ giá, xuất khẩu làm tôi mọi khắp nơi, ô-sin vinh quang với nhiệm vụ quốc tế. Còn văn hóa, ta chỉ còn độc cái món thi hoa hậu, hoa hậu từ làng tới huyện, từ huyện tới tỉnh, từ tỉnh tới vùng, từ vùng tới thành phố, rồi từ thành phố đến toàn quốc. Giáo dục, ôi thôi, cả nước "lãng" học nhưng tiến sĩ, phó tiến sĩ nhan nhản đầy đường. Tiếng báo động chục năm vang như tiếng sấm, sấm động nam bang theo cách nói một sứ giả đại quốc đến thăm viếng ta trong huyền thoại Trạng Quỳnh. Nhưng các vị lãnh đạo nay đang hy sinh cho tiền đồ hay hy sinh tiền đồ? Họ kiên quyết ngồi yên, không động đậy, bằng chân như vại, rủng rỉnh ngựa xe. Mặc dầu có 25 triệu (tức là 60% lực lượng lao động) người thất nghiệp, theo thống kê của Ngân Hàng Thế giới năm 2002. Thế thì trăm ngàn ô-sin, triệu gái mãi dâm, là tất yếu, là..."qui luật", thứ qui luật mới.

Chưa bao giờ, tinh thần nhân văn cần như lúc này! Gió ơi, đừng nghe lời khuyên chớ đừng rung cây! Gió hãy lên! Cho cây đổi mùa thay lá. Vì sông mấy khúc nhưng rồi nước cũng chảy, mây mấy tầng nhưng rồi chim cũng bay...

*

Nhà văn Phạm thị Hoài, người biên tập và hiệu đính GHI, nói rõ "Với chúng ta, đó là những văn liệu và tư liệu vô giá về một giai đoạn văn chương và lịch sử cho đến nay vẫn xếp sổ, nếu quả còn có sổ..." Ghi trở nên một hình phạt, Trần Dần viết, nhưng "kết quả của hình phạt với một người lại có thể là quà tặng không ngờ tới bao nhiêu người khác". Ðiều này rất đúng. Nhưng nó đòi hỏi người khác, tức là chúng ta, một cách đọc để hiểu.

Chị tôi, chị Liên, đã đọc. Chị cũng hiểu, là Trần Dần đã từng đầu hàng, Hoàng Cầm thế này, Lê Ðạt thế kia... ai cũng có lúc nhụt chí , yếu xìu, hèn đi, qui thuận và thậm chí đôi khi van lơn chạy "tội". Chị buồn vì đèn tắt, nến tàn và dăm cây nhang cháy đến gốc không còn cái mùi ngất ngây gây mê trên bàn thờ nơi thần tượng vừa sụp đổ. Vâng, nếu là thần tượng, thì có thế thật. Nhưng nạn nhân vụ Nhân Văn-Giai Phẩm là những con người. Và nhất là những nhà văn. Họ có thành thần tượng, là do chúng ta nặn lên cho chính chúng ta. Nhu cầu tế lễ không phải là lạ, từ ngày con người tìm ra lửa, biết tầm quan trọng của quá khứ, và đẻ ra huyền thoại như một trong những phương cách nhằm xác định bản thể mình.

Họ là những nhà văn. Lập lại lời Trần Dần, nhân cách của họ là văn cách. Ðiều sau, đòi hỏi họ có tác phẩm. Chính cái sự rất người là yếu, hèn... đẻ từ hoạn nạn mới cho phép họ viết về cái rất người của những con người. Giả như họ chỉ anh hùng (rơm), kiên cường, móc mắt mình như Thụy An (rồi chết), thì bất quá họ để lại cũng chỉ một hai câu, đại loại kiểu "bay là giặc!", "không thành gì thì thành nhân", hoặc "thà làm quỉ xứ tự do (miền Nam xưa, USA bây giờ?) còn hơn làm vương đất độc tài toàn trị (miền Bắc xưa, Nga mafia bây giờ?)". Trời ơi! Ðất nước ta đã có quá nhiều anh hùng. Họ là những kẻ đã nằm xuống rồi, và cho sống dậy chắc gì họ chẳng không hối tiếc?

Cách đây bốn năm, tôi lại về Hà Nội. Tôi đến thắp hương cho Trần Dần, cho Văn Cao... Như những năm xưa, tôi đến thắp hương cho Nguyễn Tuân, cho Bùi Xuân Phái... Tôi có cảm giác họ vẫn đâu đây, như những người muôn năm cũ, lẩn quẩn trong tâm tư những kẻ nòi tình gắn bó vào chữ, vào nghĩa, và vào cả cái định mệnh khốn khổ của những người làm nghệ thuật nhưng không có tự do. Ðâu đó, tôi nghe tiếng Nguyễn Tuân rủ rỉ, nước mắt tràn trề trên những sợi râu bạc, kêu khẽ ... Sợ! Tôi tồn tại được là vì tôi biết sợ!

Tôi cũng thế, nghĩa là tôi từng sợ, từng hèn, từng yếu,... có lắm lúc buông trôi, nhưng cũng có đôi khi nổi loạn! Và tôi hỏi chị Liên, còn chị? Tôi kể, tôi mơ thấy ông Dần ngồi trên vạch phấn, một bên là thiên đường, một bên là địa ngục. Cạnh ông, một rổ đá, cục nào cục nấy to bằng nắm tay. Ai đi qua, ông cũng chìa cho một cục, miệng bảo "Không từng sợ, không từng hèn... thì cứ ném đá cho tôi chết thêm một lần!"

Làm gì có kẻ chết được hai lần!

Nói đến cái chết. Và chôn. Trong dịp chuyện trò với anh em biên tập Sông Hương, Trần Dần kêu "...Thế hệ trẻ à? Tôi cứ đợi mãi. Nó bị trong vòng vây của văn chương cung đình, tôi sốt ruột đợi lớp trẻ lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến."

Những ai đã chôn Trần Dần? Chưa chôn? Vì anh chưa chết, thế hệ trẻ ơi!

Vài tháng sau khi tôi đọc GHI, một hôm tiếng điện thoại viễn liên reng lên. Cầm máy nghe, lại chị Liên. Chắc chị mới từ Hà Nội bay về Cali. Chị kể chuyện, con cà con kê, rồi bảo, có một món quà bất ngờ cho cậu. Tôi hỏi. Giọng dịu dàng, chị nhỏ nhẹ :
- Chị mang quà anh Hoàng Cầm gửi. Vẫn như mọi bận, một lít rượu làng Vân. Ðể hôm nào chị qua chỗ cậu chị mang sang!

Cám ơn chị, đến thăm anh Cầm là chị đã hiểu. Chị cứ kêu chị thất học, nhưng chỉ học chữ dễ khiến lắm người quên mất nghĩa. Và cái học trường đời, chữ cần một, nghĩa cần đến mười, mới thành người được. Chai làng Vân chị mang qua cho em lần trước vẫn còn một nửa. Tối nay, em sẽ uống, một ly cho chị. Một ly cho những huyền thoại chúng ta cùng nhau gìn giữ, không phải để phong thánh ai rồi nhang đèn điếu đóm, mà là từ đó ta lại khởi đi một cuộc lên đường sáng tạo. Còn lại, em uống để nhớ món quà Nhân Văn trao cho những thế hệ sau.

Rượu làng Vân, rượu tình rượu nghĩa. Cũng những chén rượu đó tôi nhắp môi vào, hai mươi năm trước, nghe anh Cầm nghẹn lời, hạ giọng "...Chỉ mình ta...Ta say ta đạp lùi tinh tú. Ngủ yên rồi đôi cá đòng đong". Trên nền đất nện, một cái bàn mộc, dăm chiếc ghế chân lay, xộc xệch bao nỗi đời nên may mà có rượu chui, thơ chui. Như thơ các anh, những nhà thơ không được có độc giả, sao dám mãi cứ thi gan nhả chữ vào vực thẳm để tiếng vọng xô từ vách đá là tiếng thở dài lẫn trong tiếng nguyền rủa. Thế đấy, nhưng Trần Dần vẫn cười khẩy, thách thức "tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn, trừ tiếng chửi "sống không sáng tạo"".Như rượu làng Vân, cũng phải chui. Quốc lủi, khác rượu quốc doanh ở chỗ nó thật, không dối trá, không lên gân hô khẩu hiệu. Nó thoang thoảng hương nồng chất nếp than, để lại đầu lưỡi buốt bỏng vị cay của hoạn nạn. Uống vào, bỗng dưng sẽ thấy con chữ ở dạng nào cũng đèo trên mình chữ tâm của người viết, chữ tình trong kiếp nhân sinh. Và nhất là trách nhiệm, với mọi người, kể cả những người muôn năm cũ.

18 - 11 - 2002


[1] Trần Dần, Ghi (1954-1960), Biên tập và Hiệu đính : Phạm Thị Hoài, Xuất bản : td memoire, Paris, 2001.
Nguồn: Tạp chí Văn số Xuân, tháng 1.2003 a href="http://www.nhanvan.com/van.htm">http://www.nhanvan.com/van.htm