trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
28.10.2008
Phạm Hoàng Quân
Bàn về địa danh Thất Châu Dương trong bài viết “Quan hệ thương mại Trung – Việt những năm đầu nhà Nguyễn” của Lương Chí Minh
 
I. Cơ sở bàn luận

Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – số 317, tháng 10-2008) đăng hai bài viết của hai tác giả Trung Quốc: 1. “Quan hệ thương mại Trung – Việt những năm đầu nhà Nguyễn” của Lương Chí Minh (trang 48, 49, 50); 2. “Ý thức về biển của vua Minh Mệnh” của Vu Hướng Đông (trang 55, 56, 57), [Vu Hướng Đông là đồng tác giả với Đới Khả Lai, có bài “Vấn đề Phủ biên tạp lục và cái gọi là Hoàng Sa - Trường Sa”, xem bài viết “Bàn về quyển sách Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế của Nguyễn Q. Thắng” của Phạm Hoàng Quân trên talawas ngày 23-19-2008, và tạp chí Nghiên cứu phát triển - số 4 (69) năm 2008, từ trang 102 đến trang 106, phần mở rộng].

Tạp chí Xưa & Nay không đưa một thông tin nào về các tác giả, kể cả quốc tịch. Chúng tôi căn cứ cách hành văn và nguồn tham khảo của hai tác giả nêu trên để nhận định rằng: Lương Chí Minh và Vu Hướng Đông là hai nhà Việt Nam học người Trung Quốc. Bài viết của mỗi vị không quá 2000 chữ, ở góc độ nghiên cứu khoa học thuộc loại tầm thường.

Bài viết này nhằm nói về ý đồ nghiên cứu của ông Lương Chí Minh, ý đồ của ông Lương cũng tầm thường như tổng thể luận văn mà ông viết ra, tuy nhiên, buộc phải đưa ra công luận để các nhà Việt Nam học người Trung Quốc về sau có ý thức rõ ràng về tính chất và mục đích nghiên cứu, chúng tôi trích một đoạn hoàn chỉnh trong bài viết của ông Lương Chí Minh có biểu hiện như đã nêu và sẽ luận bàn trên đoạn văn này:

Vào thế kỷ XIX, cảng Đà Nẵng thay chân cảng Hội An, hai cảng mới được khai thác là Gia Định và Hà Tiên cũng ngày càng nổi lên. Lúc bấy giờ đường mậu dịch trên biển giữa hai nước Trung- Việt chủ yếu có ba ngả: một con đường từ Liêm Châu (Bắc Hải tỉnh Quảng Tây) đến cảng Hải Phòng miền Bắc, hành trình chỉ cần một đến hai ngày; một con đường từ Quảng Châu đến Đà Nẵng của Huế, nếu xuôi gió chỉ cần năm sáu ngày thì có thể đến được; một con đường từ Hạ Môn đến Hội An tỉnh Quảng Nam, hành trình hơi dài, phải đi qua Thất Châu Dương (quần đảo Nam Sa) ở biển Nam Hải. (Tạp chí Xưa & Nay đd., trang 49)


II. Bàn về đoạn văn của ông Lương Chí Minh

Con đường thứ ba mà ông Lương nêu ra (từ Hạ Môn đến Hội An) mang những yếu tố nhận định về các địa danh, sẽ là vấn đề chính để bàn luận. Trong đoạn văn này, điều thấy rõ thuộc về kiến thức địa lý phổ thông, lẽ ra chúng tôi không nên tốn công phí mực, vì rằng nếu Thất Châu Dương là quần đảo Nam Sa như ông Lương nghĩ thì từ cảng Hạ Môn (Phúc Kiến) đi đến cảng Hội An (Quảng Nam), duy chỉ có những nhà buôn bị điên mới đi xuống tận “quần đảo Nam Sa” để rồi quay ngược trở lên Hội An, tăng hành trình lên gấp 4 lần!

Vấn đề chính được đặt ra là:
  1. Thất Châu Dương có phải là tên gọi hồi đời Thanh đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) không?
  2. Nếu ông Lương viết nhầm (hoặc do lỗi kỹ thuật) nên thay vì đối chiếu Thất Châu Dương là “quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam) mà sai thành “quần đảo Nam Sa” thì có hợp lý không?
  3. Thất Châu Dương thật sự ở đâu?
Chúng tôi lần lượt bàn xét từng vấn đề.


1. Xét thư tịch đời Thanh trong phạm vi các dữ liệu có liên quan đến địa danh vùng Nam Hải, tức là ứng với bối cảnh bài viết của ông Lương Chí Minh, điển hình có thể căn cứ vào một sách của tư nhân đầu đời Thanh và một sách quan phương cuối đời Thanh.

Trần Luân Quýnh trong Hải quốc văn kiến lục (1730) phần Nam Dương ký ghi nhận hải danh Thất Châu Dương trong ngữ cảnh mô tả hải trình từ Hạ Môn đến Quảng Nam. Họ Trần viết: “Thất Châu Dương tại Quỳnh đảo Vạn Châu chi Đông Nam phàm vãng Nam Dương giả, tất kinh chi sở.” [1] [Thất Châu Dương ở về phía đông nam Vạn Châu đảo Quỳnh Châu, hễ đi Nam Dương thì phải qua nơi này.] Cách mô tả của họ Trần rõ ràng là muốn ám chỉ hải danh [Thất Châu Dương có nghĩa là “biển Thất Châu”], không phải chỉ đảo danh, vì chỉ nêu phương hướng mà không nêu khoảng cách từ Vạn Châu [nay là huyện Vạn Ninh – Hải Nam] đến một địa điểm cụ thể đại diện cho nhóm Thất Châu. Trong khi đối với những địa điểm cụ thể trong đoạn văn trước câu đang dẫn, được ghi nhận khá rõ về khoảng cách, như từ Hạ Môn đến Quảng Nam hành trình mất 72 canh giờ, mỗi canh giờ trung bình đi được 60 lý. [2] Một điều cần lưu ý thêm trong ghi chép của họ Trần là dương diện Thất Châu Dương không rộng lắm, “đi Nam Dương thì phải đi qua Thất Châu Dương” hàm nghĩa rằng hải phận Thất Châu Dương chỉ gần đến hoặc đến nơi được gọi là “Nam Dương”, mà theo quy ước của Trần Luân Quýnh, “Nam Dương chư quốc” gồm các nước An Nam, Chiêm Thành, Giản Phố Trại…

Một sách khác có ghi nhận địa danh Thất Châu Dương là Quỳnh Châu phủ chí, sách này thuộc loại của quan chức hành chính biên soạn, nếu ở thời hiện tại thì có tên là Hải Nam tỉnh chí [Géographic Physique, Économique et Historique de la Province de Hainan]. Bản chúng tôi dựa vào do Long Bân bổ san năm Quang Tự thứ 16 (1891) trên cơ sở bản của Bạch Minh Nghị tục tu năm Đạo Quang Tân sửu (1841) từ bản của Tiêu Ứng [3] Thực soạn năm Càn Long thứ 39 (1774)… [4] Quỳnh Châu phủ chí, quyển 4 (thượng), mục Di địa sơn xuyên, phần Văn Xương huyện, chép: “Thất Châu Dương sơn tại huyện Đông bách dư lý đại hải trung thất phong liên trĩ dữ Đồng Cổ sơn tương thuộc câu hữu thạch môn thượng hữu sơn hạ hữu tuyền hàng hải giả giai ư thử tiều cấp”. [Núi Thất Châu Dương ở phía Đông, cách huyện (Văn Xương) hơn 100 lý, nằm giữa biển lớn, 7 ngọn liền lạc một dãy, cùng với núi Đồng Cổ làm thành cổng đá, trên là núi, dưới là suối, người đi biển có thể ghé lấy củi lấy nước.] Đoạn văn này xác định khá cụ thể vị trí các đảo có tổng danh là “Thất Châu Sơn” (ở ngoài khơi biển Thất Châu Dương, cách huyện Văn Xương 50 km về hướng Đông), đồng thời, con số 7 ngọn núi phù hợp với tên gọi Thất Châu Sơn theo quy ước định danh lấy đặc điểm số tự làm cơ sở. Như vậy, dương diện mang hải danh Thất Châu Dương là vùng biển quanh Thất Châu Sơn, ghi chép của Trần Luân Quýnh và các quan chức hành chính suốt triều Thanh phối hợp tương đồng. Không gian mang hải danh Thất Châu Dương không thể đến quần đảo Trường Sa. Gắn ghép bừa bãi “Thất Châu Dương (quần đảo Nam Sa) ở biển Nam Hải” như Lương Chí Minh thì rõ ràng biểu lộ sự yếu kém quá mức.

Hơn nữa, các ghi chép từ khoảng đời Tống cho cho thấy vùng biển quanh đảo Côn Lôn [Palau Kundor] được gọi bằng một tên riêng là Côn Lôn Dương, như Ngô Tự Mục đời Tống đã ghi nhận trong sách Mộng Lương lục, thể thức định danh lấy đảo danh làm chuẩn để gọi hải danh trong trường hợp Côn Lôn tương đồng với cách gọi Thất Châu. Ghi chép của Ngô Tự Mục được kế thừa liên tục qua các sách Chân Lạp phong thổ ký (1297) của Châu Đạt Quan, Đảo di chí lược (1349 - Nguyên) của Uông Đại Uyên, Hải quốc văn kiến lục (đd.)… Mặt khác, từ Thất Châu Dương muốn đến Côn Lôn Dương còn phải băng qua Giao Chỉ Dương, điều này sách vở và địa đồ cổ Trung Quốc ghi nhận không ít. Như vậy, trong không gian các dương diện đó, quần đảo Trường Sa của Việt Nam nếu được các nhà soạn hải chí/ dương chí Trung Quốc ghi nhận, thì cũng chỉ có thể ghi nhận Trường Sa thuộc Giao Chỉ Dương hoặc Côn Lôn Dương chứ không thể thuộc Thất Châu Dương được. Tóm lại, Thất Châu Dương là Thất Châu Dương, không có sự nhập nhằng đảo danh hoặc hải danh này đối với thực thể địa lý mang tên Trường Sa mà ông Lương Chí Minh ngụy định là Nam Sa.


2. Nếu như ông Lương Chí Minh đính chính rằng “Nam Sa là do viết nhầm từ Tây Sa” thì trong trường hợp này, câu văn của ông Lương như sau: “Thất Châu Dương (quần đảo Tây Sa) ở biển Nam Hải”. Cách gắn kết này sẽ giống với các ngụy định của đại đa số tác giả có nghiên cứu về Nam Hải trong vòng hơn 60 năm qua ở Trung Quốc. Đây là các vấn đề còn đang tranh luận, các cứ liệu trong lịch sử của Trung Quốc có nhiều điểm cho thấy mâu thuẫn trong cách ghi nhận địa danh, đảo danh, hải danh. Mặt khác, sử liệu Trung Quốc lại mâu thuẫn với sử liệu Tây phương trong việc định vị tọa độ địa lý đối với thực thể này. Về vấn đề này, chúng tôi xin trích một đoạn trong nghiên cứu của ông Đàm Kỳ Tương [học giả hàng đầu, chuyên trị lĩnh vực lịch sử địa lý Trung Quốc, người chủ biên công trình Trung Quốc lịch sử địa đồ tập (1982), là một học phiệt trong việc hoạch định cương vực, lãnh hải Trung Quốc trên địa đồ].

Trong hơn 70 năm qua, do sự ảnh hưởng từ sách Trung Quốc khôn dư tường chí của Hạ-Chi-Thời quá lớn, các nhà Hán học ngoại quốc như Bá-Hy-Hòa (P. Pelliot), Đằng Điền Phong Bát, các nhà sử địa học trong nước như Phùng Thừa Quân, Hướng Đạt, cho đến vô số các bài báo, luận văn trước và sau giải phóng (1949) đề cập đến lịch sử Nam Hải chư đảo, dựa vào đó [thuyết của Hạ-Chi-Thời] để tạo ra quá nhiều lập luận. Trên thực tế, chúng tuyệt đối rơi vào sai lầm… Địa danh Thất Châu Dương mà Phí Tín và Hạ-Chi-Thời nói đến không thể ứng vào vị trí Tây Sa quần đảo…” (Thất Châu Dương khảo) [5]

Hạ-Chi-Thời tức Richard Louis (1868 - ?), giáo sĩ Gia Tô, người Pháp, từng giảng học tại Đại học Chấn Đán – Thượng Hải, năm 1905 xuất bản Trung Quốc khôn dư tường chí, trong sách này Richard Louis đã định vị sai vị trí Thất Châu Dương, cho rằng ứng với Paracel Island, học giới Trung Quốc đã dựa vào kết quả đó mà ứng dụng, suy diễn cho đến tận nay (2008), mặc dù bài viết của Đàm Kỳ Tương (phủ định vấn đề Hạ-Chi-Thời đặt ra) đã công bố từ năm 1979. Tuy nhiên, vì tần suất xuất hiện đảo/ hải danh Thất Châu trong cổ thư Trung Quốc khá cao, học giới Trung Quốc lại có bệnh biểu diễn sử liệu nên các đồng nghiệp của ông Lương cứ cố quy kết Thất Châu Dương là Tây Sa để tỏ rõ chủ quyền có chứng cứ hùng hậu. Lâm Kim Chi trong một bài viết công bố năm 1981 đã thống kê được gần 30 lần xuất hiện địa danh Thất Châu Dương chỉ riêng trong thư tịch và các địa đồ đời Thanh, và họ Lâm cũng mạnh dạn cho rằng Thất Châu Dương tức cổ danh của Tây Sa. [6] Tuy nhiên, đi vào việc phân tích các dữ liệu trong cổ thư để phế trừ các ngụy định cho rằng Thất Châu Dương là Tây Sa của đông đảo các nhà nghiên cứu Trung Quốc chuyên trị lịch sử địa lý Nam Hải chư đảo chưa thuộc chủ trương của bài viết này.


3. Thất Châu Dương thực sự ở đâu?

Thất Châu Dương về mặt ngữ nghĩa là danh xưng dùng để chỉ vùng biển – biển Thất Châu.

Thất Châu (bảy hòn đảo) là Địa danh hệ Đảo danh loại Số tự danh trong quy ước phân loại địa danh học Trung Quốc, về tính chất tổng quan, Thất Châu [hoặc có khi gọi Thất Châu Sơn] có thể nhiều hơn con số 7 hòn đảo, tuy nhiên phải có 7 hòn đảo nổi bật được xem là chủ thể.


Thất Châu DươngThất Châu Sơn là hai khái niệm địa danh tương liên, nên không thể cách nhau quá xa, nói cách khác, Thất Châu Dương lấy Thất Châu Sơn làm chuẩn.

Địa danh Thất Châu Dương và Thất Châu Sơn được ghi chép từ đời Tống qua sách Mộng Lương lục và tiếp theo là các sách Chân Lạp phong thổ ký, Đảo di chí lược, Nguyên sử, Tinh sai thắng lãm, Đông Tây dương khảo, Hải quốc văn kiến lục, Quảng Đông thông chí, Quỳnh Châu phủ chí… Phần nhiều các sách này đã được đề cập ở vấn đề 1. và 2., ở đây chỉ lược tả để gia cố vài chi tiết trong việc định vị và hoàn cảnh địa lý Thất Châu Sơn – cơ sở duy nhất để hình thành hải danh Thất Châu Dương.

Đông Tây dương khảo Quỳnh Châu phủ chí ghi chép gần như tương đồng về vị trí địa lý Thất Châu Sơn/ Thất Châu Dương: “Cách huyện Văn Xương 100 lý (50 km) về phía Đông”, sách Mộng Lương lục cho biết độ sâu của mực nước biển quanh Thất Châu Sơn khoảng 70 trược (hơn 200 m), Chân Lạp phong thổ ký ghi nhận Thất Châu Dương tiếp giáp Giao Chỉ Dương về hướng bắc. Tổng hợp các dữ kiện nêu trên về Thất Châu Dương – cho dù đã qua nhiều triều đại [Tống, Nguyên, Minh, Thanh] – thấy rằng thực thể địa lý mang địa danh này hoàn toàn tương thích với một thực thể địa lý ngày nay có tên là Thất Châu Liệt Đảo. Trên các địa đồ Trung Quốc hiện đại, tỷ lệ khoảng ¼.000.000, có thể được tiêu danh Thất Châu Liệt Đảo, địa đồ tỷ lệ khoảng ½.000.000 có thể tiêu thêm hải danh Thất Châu Dương, khi quan sát có thể lấy cảng Hải Khẩu, khu vực eo biển Quỳnh Châu làm chuẩn, Thất Châu Liệt Đảo cùng vĩ tuyến 20 với cảng Hải Khẩu.
Trên các địa đồ xuất bản ở Đài Loan, Thất Châu Liệt Đảo có khi được tiêu danh là Tháp Á Quần Đảo, tên quốc tế là Taya Island, tọa độ địa lý trong khoảng 190 50’ đến 200N và 1110 10’ đến 1110 20’E.


III. Bàn về ý đồ nghiên cứu của ông Lương Chí Minh

Phần này đáng lẽ thuộc sự tiếp nối của ba vấn đề đã bàn ở phần trên, tuy nhiên, đoạn văn đang bàn trong bài báo đã dẫn là nơi biểu hiện ý đồ bất minh rất rõ nét của ông Lương Chí Minh, và xét ra vấn đề này không thuộc phạm trù kiến thức nên chúng tôi bàn thêm mấy câu.

Giả sử câu văn của ông Lương Chí Minh được viết: “hành trình hơi dài phải đi qua Thất Châu Dương ở biển Nam Hải” [tức đã lược bớt 4 chữ (quần đảo Nam Sa) mà Lương Chí Minh ghi chú thêm cho Thất Châu Dương], câu văn này sẽ mang đúng tinh thần của các trứ tác từ đời Thanh trở về trước, và cũng không sai trong hoàn cảnh không gian ngày nay. Việc chen thêm 4 chữ “quần đảo Nam Sa” đã biến luận văn vốn tầm thường thành ra một sản phẩm của tinh thần ngụy định truyền thống.

Việc biến đúng thành sai, dù với động cơ gì đi nữa, thì người nghiên cứu trung thực vẫn có thể từ khước. Vả lại, việc thảo luận về chủ quyền trong lịch sử của các quần đảo ở biển Nam Hải vẫn có thể tiến hành ở một bối cảnh khoa học khác, đàng hoàng hơn.

© 2008 talawas



[1]Hải quốc văn kiến lục – Thanh, Trần Luân Quýnh soạn. Chu Hiến Văn hiệu điểm. Đài Loan ngân hàng kinh tế nghiên cứu thất xuất bản. Đài Bắc, 1958 (tr.15)
[2]60 lý tương đương 30 km.
[3]Trong một bài viết trước đây (“Tây Sa – Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc”, công bố hồi tháng 12 năm 2007 trên talawas), tôi viết sai tên Tiêu Ứng Thực thành Tiêu Khánh Thực, do lúc ấy đọc một văn bản chữ mờ, nay có bản đối chiếu nên xin đính chính lại cho đúng là Tiêu Ứng Thực. Thành thật xin lỗi bạn đọc và Ban biên tập.
[4]Còn vài bản Quỳnh Châu phủ chí ở các giai đoạn trước nữa, nhưng quy mô kém hơn các bản sau này, tuy nhiên, trên nguyên tắc kế thừa và thâu thập bổ sung hoặc chỉnh sửa các thay đổi về cương giới hành chính, loại sách địa phương chí này của Trung Quốc khá mạch lạc, và mỗi bộ ở từng thời kỳ đều có giá trị nhất định.
[5]Luận văn của Đàm Kỳ Tương chúng tôi tham khảo từ bản in lại trong sách Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên – Trần Sử Kiên chủ biên. Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã. 1987 (tr. 443-452).
[6]Lâm Kim Chi – Thạch Đường Trường Sa địa danh tư liệu tập lục khảo thích – in trong Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập. Trung Hoa thư cục. 1981