trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
22.9.2005
Hoàng Khởi Phong
Một vì sao Nhân Văn vừa tắt
 
Phùng Quán (1933-1995)


1.

Năm 1954, khi vết dao chém đứt ngang mình đất nước còn đang đổ máu, tổ quốc của chúng ta bị chia thành hai miền thù hận, và toàn thể dân tộc bị đẩy vào thế một mất một còn. Trong bối cảnh lịch sử đó hầu như miền Nam của những người Việt Nam không cộng sản, dưới sự cai trị không mấy sáng suốt của Đệ nhất Cộng hòa, có một nhãn quan thiếu nghiêm chỉnh với mọi sinh hoạt của miền Bắc, phóng ra hết đợt “Tố cộng” này đến đợt khác, bất cứ cái gì khởi đi từ miền Bắc đều không đáng quan tâm, đều bị bịt kín. Thậm chí quay lưng lại với những sai lầm độc ác của chính quyền miền Bắc trong các đợt cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, tiêu diệt cường hào diễn ra trên đất Bắc.

Lẽ ra miền Nam phải hỗ trợ cho các cuộc tranh đấu của những người cầm bút bên kia vĩ tuyến 17, khi những người này gióng lên tiếng nói bất khuất của họ ngay từ năm 1956, trong một số sách báo xuất bản vào thời điểm này. Mãi cho tới năm 1959, khi những nhà văn đích thực của miền Bắc đã bị chính quyền cộng sản đàn áp, người thì chết, kẻ thì sống dở, đến độ tiếng ta thán ngút trời mây; chính quyền cộng sản phải trấn an dân chúng bằng những đợt “sửa sai” phát động trên toàn miền Bắc, thì trong Nam học giả Hoàng Văn Chí, sau một thời gian dài quan sát, thu thập tài liệu cho xuất bản một tác phẩm viết về các cuộc tranh đấu của giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc. Đó là quyển Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Công trình biên khảo này hoàn toàn có tính cách cá nhân, không hề được sự hỗ trợ của chính quyền miền Nam. Mãi tới lúc đó những người ham đọc sách, thích suy nghĩ và quan sát chính trị và lịch sử ở miền Nam mới có dịp thấy được một phần những sự kiện đang xẩy ra bên kia vĩ tuyến 17, bên kia vết thương chém ngang mình tổ quốc, một vết thương không bao giờ lành cho dù lịch sử có trôi đi thêm vài trăm năm nữa. Bởi vì vết thương nơi con sông Bến Hải chỉ là vết thương lập lại, làm rộng thêm miệng một vết thương cũ, kéo dài ba thế kỷ, nơi hai bờ sông Gianh trong thời Trịnh Nguyễn.

Trước khi tác phẩm biên khảo Trăm hoa đua nở trên đất Bắc ra đời, tên tuổi của Phùng Quán chỉ được biết tới trên đất Bắc. Khi miền Nam biết tới ông, chính là lúc ông đang sống không sống được, chết chẳng chết cho. Học giả Hoàng Văn Chí giới thiệu Phùng Quán như sau:

“Phùng Quán năm nay (năm 1959) 25 tuổi, là một thanh niên nghèo. Trước đi bộ đội, sau được giới thiệu về trường dự bị đại học để học thêm. Về Hà Nội anh lại tiếp tục công tác văn nghệ trong quân đội.

Anh viết theo lối hiện thực xã hội và được coi là Triệu Tử Long trong nhóm đối lập. Những bài thơ của anh được dư luận gọi là những “bom nguyên tử”.

Chúng tôi trích đăng bài Chống tham ô lãng phí đăng trong Giai phẩm mùa Thu, tháng 10. 1956 và bài Lời mẹ dặn đăng trong tờ Văn, tháng 9. 1957.

Anh không đòi hỏi gì hơn là quét sạch những rác rưởi trong xã hội và yêu cầu các nhà văn phảI trung thành với tâm hồn mình: “Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Anh bị khủng bố chỉ vì dám nói như vậy.

Phùng Quán bị đưa đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản thú tội này nhà thơ trẻ tuổi thú nhận rằng sau khi nhóm Nhân văn Giai phẩm bị giải tán thì suốt ngày chỉ chơi với con bú dù. Các bạn hỏi tại sao thích nuôi bú dù, Phùng Quán trả lời: “Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù.”

Một chế độ đã đào luyện cho thanh niên một tâm trạng như vậy đủ làm cho chúng ta suy nghĩ về chân giá trị của chế độ đó vậy”.

Trăm hoa đua nở trên đất Bắc đưa ra hai bài thơ của Phùng Quán. Một trong hai bài thơ này, bài Lời mẹ dặn có thể nói không còn là thơ như chúng ta hằng mong đợi ở thơ. Đó là một bản tuyên ngôn cho nhân phẩm, dưới dạng thi ca. Bản tuyên ngôn giản dị đến độ đọc xong chúng ta cảm nhận được trong hơi thơ của Phùng Quán có hơi thở của cuộc đời ông, và không phải chỉ là hơi thở của một mình ông, đó là hơi thở của cả một xã hội đang dồn dập gấp gáp vì thiếu khí trời để thở. Khi đọc thơ ông, tôi có cảm giác bắt gặp hình ảnh những con cá mắc cạn, hai cái mang nhấp nháy liên hồi, và càng quẫy động càng tiến dần đến cái chết.

Ông vốn là người nhiệt thành yêu nước, từ khi còn niên thiếu đã là liên lạc viên cho các mặt trận, rồi từ đó bước một bước Phù Đổng trở thành một người lính, chân thành bảo vệ tổ quốc chống quân cướp nước. Ông lao mình vào tên đạn của quân thù những mong rằng cuộc chiến đấu mà ông góp phần sẽ mang lại tự do, cùng cơm no o ấm cho đồng bào ông. Nào ngờ khi bóng quân thù mất đi, ông bỗng đối đầu với một chế độ cai trị còn hà khắc hơn cả quân xâm lược. Do đó trong thi ca của ông, người ta gặp lại anh lính tiền phong ngày nào, viết những dòng thơ như nhắm bắn thẳng vào quân thù trước mặt.

Chỉ với hai bài thơ, Phùng Quán đã hiện nguyên hình một anh lính thiện xạ trong thi ca. Cái đích bây giờ không phải là quân xâm lược mà là cả một guồng máy cai trị nặng nề và kệch cỡm. Trong Trăng hoàng cung, tác phẩm mới nhất của ông, do nhà Thanh Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, ông viết:

...Từ năm 24 tuổi cho tới năm 56 tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sinh sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn nhơ, lăng nhục trước công luận.

Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép sắt cũng gẫy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dậy tôi dũng khí bền gan.

Nếu cần đi trở lại
Tôi lại đi đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây...


2.

Nhà văn Phùng Quán sinh năm 1933. Năm 1954, sau hơn 80 năm dùng súng đạn cai trị nước Việt, khi người Pháp phải xuống tầu về nước ông 21 tuổi. Ông tự giới thiệu trong lời khai từ của Trăng hoàng cung như sau:

... Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện
những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, lý lịch của đời tôi...

Năm 1957, cao điểm của phong trào Nhân Văn, ông 24 tuổi. Trước đó một năm, Phùng Quán viết bài thơ
Chống tham ô lãng phí, ngay lập tức ông trở thành “cái đích” của những “cái đích” do chính ông chọn. Tuy nhiên trong năm 1956 đó, lời kêu gọi “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng” (Trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở) của Hồ Chí Minh chưa kịp ráo miệng, nên những “cái đích” của Phùng Quán nhịn ông một mũi giáo. Năm 1957, ông xả một đường gươm khốc liệt Lời mẹ dặn đúng vào lúc những “cái đích” của ông bắt đầu phản công. Trong thời điểm một mất một còn này, lẽ ra cần có một đạo quân mới mong đánh đổ được những con người trì trệ, quan liêu, máy móc thì nhóm Nhân Văn quanh đi quẩn lại có được một quân số không quá một trung đội. Vài chục người, ném vào một trận chiến mà bên kia là cả một đạo quân nghiêng nước. Thật là một trận chiến không cân xứng. Thế là đem trứng chọi đá, thế là trù dập bắt đầu.

Trong Cát bụi chân ai in cuối năm 1993, tác phẩm mới nhất của Tô Hoài, một trong những “cái đích” của Phùng Quán thời 24 tuổi, Tô Hoài hồi tưởng lại giai đoạn kinh hoàng này và tiết lộ cho người đọc những chi
tiết không một ai biết được: Có người quá sợ nuốt dao cạo tự tử. Hay một hoạ sĩ được chọn làm tiểu đội trưởng trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Để tránh né cảnh mình phải đứng ra tổ chức những buổi đấu tố, lăng nhục con người, họa sĩ này đã giả vờ đi lạc trong rừng hai ngày đêm. Khi tìm được thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống như bị ma ám, mồm miệng đầy đất cát. Tô Hoài cũng cho biết đã gặp Phùng Cung, một nhân vật xung kích khác của nhóm Nhân Văn. Cách mô tả của Tô Hoài cho thấy Phùng Cung như một bóng ma, mới được móc từ huyệt ra, lôi từ bãi tha ma về, toàn thân là một tổng hợp của mọi thứ bệnh gây nên do đói, nghèo, bệnh hoạn...

Tôi không có ý so sánh kích thước văn chương giữa Phùng Quán và Phùng Cung, nhưng quả thật Lời mẹ dặn đau hơn Con ngựa già của Chúa Trịnh. Thành thử một bài thơ viết từ năm 24 tuổi đã khiến ông bị trù
dập, lăng nhục, tước đoạt quyền sống trong ba mươi hai năm trường, tới năm ông 56 tuổi.

Suốt ba mươi hai năm không được sống như một con người, Phùng Quán không bao giờ vì những áp lực mà uốn cho cong cái lưng thật thẳng của ông. Ông không thể đầu hàng, ông không thể thỏa hiệp bởi một lý do giản dị: ông là tác giả những dòng thơ, tuyệt không bóng bẩy, không kêu, không rỗng, chỉ giản dị nhưng quyết liệt với bất cứ ai làm cho đời sống của dân chúng trở nên tồi tệ. Tôi xin ghi lại đây toàn bài thơ Lời mẹ dặn của ông:


Phùng Quán
Lời mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối Mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không Mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi - Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói.

Người làm xiếc đi giây thật khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Năm nay tôi hai mươi nhăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.

Với những người yêu thi ca bóng bẩy, lãng mạn thì có thể những dòng thơ trên chưa chắc đã hay, nhưng không một ai có thể phủ nhận kích thước của những dòng thơ này lớn. Không hề dùng những từ ngữ có tính bác học, ai đọc cũng thấm vào hồn, cũng lậm vào máu. Khi viết những dòng thơ này, Phùng Quán đã tuyên chiến với bọn giả hình đầy dẫy trong xã hội miền Bắc. Tất nhiên ông cũng tuyên chiến với bọn giả hình trong miền Nam, bọn giả hình trong hiện tại và trong tương lai vậy.

Bản chất của Phùng Quán là một người lính quật cường, bất khuất. Ông vùng vẫy trong nghịch cảnh, ông không chịu đầu hàng dù cho toàn thể nhóm Nhân Văn đã tan thành những con người tiều tụy, trở thành những mảnh đời vất vưởng không nơi ăn chốn ở. Nguyễn Hữu Đang, một trí tuệ lớn, một kẻ sĩ thứ thật vào ở trong một cái chuồng lợn. Những tên tuổi như Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Sĩ Ngọc, Văn Cao... tan tác trong một sớm một chiều. Đó chỉ là danh tính của những người đã nổi lên trên mặt tầng, còn biết bao người đã ngã quỵ trong tăm tối như Tô Hoài cho biết trong Cát bụi chân ai.

Theo tiết lộ của Văn Xương, một người bạn cũng dân bộ đội phục viên như Phùng Quán, và đã dậy Phùng Quán nghề “câu cá“ độ nhật, khi cái bẫy đời đã ập xuống đầu ông: Những năm Phùng Quán 27, 28 tuổi mặt ông lúc nào cũng dàu dàu, nhầu nát, quân phục bạc mầu, gương mặt xanh xao hốc hác, ánh mắt buồn rầu u uẩn. Ông thường mua một bát cơm và một bát canh, với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì. Câu cá hợp lệ phải mua vé hai đồng câu suốt ngày, nếu ngày nào không có cá cắn câu thì mất cả chì lẫn chài, do đó Phùng Quán đi theo phường câu trộm. Thời gian này ông hay đọc thơ của Essenin, đặc biệt là những câu:

Những số phận khác thường
sinh ra thường định trước
Tôi không thành nhà thơ thì cũng thành
trộm cướp...

Trước kia Phùng Quán chê bia, cho là đắng, giờ đây ông nốc rượu cuốc lủi tì tì. Vì không được phép viết dưới tên mình, trong suốt ba mươi hai năm trời mầy mò trong tăm tối, để có thể sống được ông đã “viết chui” hơn năm chục quyển sách dầy mỏng, dưới hàng chục bút hiệu. Ông cũng câu trộm hơn 4 tấn cá. Ông
được các bạn văn cùng thời vẽ chân dung ông thật giản dị: “Cá trộm - Rượu chịu - Văn chui”


3.

Tôi có cảm giác không ổn, khi đọc lời giới thiệu tác phẩm Trăng hoàng cung của Phùng Quán do nhà xuất bản Thanh Văn ấn hành. Người viết lời giới thiệu dường như chỉ nhìn những dòng thơ trong tác phẩm này như những bài thơ tình thuần túy.

Tôi nghĩ có một cách hiểu Nàng Thơ của Phùng Quán khác hơn. Cả cuộc đời ông là một bài thơ hùng tráng, lẫm liệt, quật cường. Nàng Thơ của ông chính là cuộc đời, cho dù cuộc đời đối với ông có tệ bạc, phũ phàng thế nào chăng nữa, ông vẫn chiến đấu, vẫn làm thơ cho cuộc đời tươi tốt hơn. Giản dị mà nói thì toàn bộ tác phẩm ngắn gồm thơ trộn lẫn với văn này là một thí dụ điển hình cho thành ngữ: “Ý tại, ngôn ngoại”. Cho dù có một mối tình thật sự của Phùng Quán với một giai nhân nào đó, cho dù ngôn ngữ thi ca của ông
trong tác phẩm này đầy những “anh” và “em”, tôi vẫn không tin đây là những bài thơ tình thuần túy. Tôi tin tưởng mãnh liệt vào điều này bởi vì trong Khai từ của cuốn sách do chính ông viết, tôi đọc được những điều sau đây:

Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
...........................

Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào tìm mạch thơ giữa thiên nhiên.

Tôi đã sống suốt ba năm trong cái lán lợp tranh nứa, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ lên đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được cái giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống cùng một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.

Mưa lũ không ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người. Trong ba năm thì có hai người bạn lặn lội tìm đến thăm. Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học; Đỗ Quốc Thuấn, một bạn làm thơ trẻ.

Trước mặt lán, sát bờ suối, tôi đào cái huyệt rộng một mét, dài hai mét, sâu mét rưỡi. Tôi nguyền nếu không tìm thấy Thơ, tôi sẽ lăn xuống đó...

Đàn mối đất phù sa
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ một tuần vùi hết...

Tôi chưa được đọc một tác phẩm nào trọn vẹn của ông ngoài Trăng hoàng cung. Theo cách nhìn rất chủ quan của tôi thì cuốn sách này không phải là một cuốn sách hay. Có lẽ lần đầu gặp thơ Phùng Quán trong Lời mẹ dặn tạo cho tôi ấn tượng quá lớn. Khi đó tôi hai mươi tuổi, nhìn cuộc đời giản dị và lý tưởng. Những lời thơ tôi đọc trong tuổi thanh xuân đó đã chỉ hướng phần nào cho cuộc đời tôi sau này. Vả lại hình ảnh Phùng Quán mà tôi mang trong đầu là hình ảnh của một “kẻ sĩ” trong thế trận bối thủy. Ông tựa lưng vào bờ sông, đánh những đường gươm chí tử cho bản thân ông và cho cuộc đời. Trước mặt ông, hàng hàng lớp lớp những con người, tiêu máu xương dân chúng như tiêu bạc giả đang ùn ùn kéo tới. Thế mà ông vẫn sống còn, cho dù sống như cánh cò trắng phau, bay qua nền trời chiều chập tối.

Trong các tác phẩm xuất hiện dưới tên Phùng Quán, người ta hay nhắc tới Vượt Côn ĐảoTuổi thơ dữ dội, tôi chưa có dịp đọc hai tác phẩm này, nhưng cũng qua bài viết của Văn Xương, đăng trên báo Người Hà Nội, tôi nghĩ Tuổi thơ dữ dội gồm một bộ ba cuốn có thể là một tác phẩm hay. Nhân vật chính của tác phẩm này, một cậu bé liên lạc viên 13, 14 tuổi, bị nghi ngờ là Việt gian. Cuối cùng khi đã bị đạn, thương tích đầy thân thể, vẫn cố gắng liên lạc về với anh trung đoàn trưởng, chỉ để thều thào trước khi chết: ”... Anh ơi! Em không phải là Việt gian, em là Vệ Quốc quân...” Tôi tin chắc nhân vật chính này có mang phần nào hình ảnh của chính Phùng Quán. Ông từng là liên lạc viên trong thời niên thiếu.

Ông đã hoàn tất hơn năm chục tác phẩm dưới dạng “văn chui” với rất nhiều bút hiệu. Tôi không hiểu sau khi ông nằm xuống, những người làm văn học trong nước có bao giờ nghĩ đến những đóng góp âm thầm, như những bào thai phải đẻ non này. Cóp nhặt, tuyển chọn lại những đóng góp có giá trị cao, in thành một
Phùng Quán toàn tập. Phải có một cố gắng nào đó để trả ơn cho một nhà văn, nhà thơ đã vì sự sống còn của một xã hội, một dân tộc mà hứng chịu không biết bao nhiêu là oan khiên, cay đắng. Bị bỏ đói, bị lăng nhục, bị chèn ép đến độ không được sống như một con người. Thế mà ông vẫn không bao giờ oán hận cuộc đời. Ông chỉ thản nhiên sống như một con người.

Tôi không biết Phùng Quán có khi nào đọc Hermann Hesse, nhưng cách ông sống làm cho người đọc ông liên tưởng tới một ý tưởng của nhà văn Đức ấy: “Cho dù có phải đau đớn quằn quại cách mấy đi chăng nữa, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này...”

Nhưng chỉ cần có một bài thơ Lời mẹ dặn mà thôi, ông đã có một chỗ ngồi chắc chắn trong văn học Việt Nam cận đại. Tôi có cảm giác là những đóng góp của ông trên lãnh vực văn học tuy lớn, nhưng hình như không lớn bằng chính cuộc sống của ông.


4.

Hình như các nhà văn, nhà thơ luôn luôn là kẻ tiên tri cho chính mình. Phùng Quán cũng vậy, làm như ông đã nhìn thấy trước cái chết của ông trong một tầm gần. Cách đây chưa đầy một tháng, tôi nhận được số Xuân Văn Học. Cũng như thường lệ hàng năm số báo này là số báo đúp, dầy hơn hai trăm trang, như một quyển sách. Tôi lật qua những trang đầu. Nơi trang mục lục tôi đọc thấy tên Phùng Quán và bài viết Chút nghĩa cũ càng của ông. Lúc đó tôi đang bận làm một công việc gì đó trong tòa soạn Người Việt, nhưng tôi nhớ như in, tôi bỏ dở công việc đang làm, vào thư viện, ngồi một cách nghiêm chỉnh nơi bộ bàn ghế mới mua, còn thơm mùi vải mới. Tôi chọn một thế ngồi ngay ngắn, chăm chú đọc bài viết của một thi sĩ đã làm tôi chấn động trong tuổi thanh xuân. Tôi cũng phải thú thật một điều: Người viết lời giới thiệu cuốn Trăng hoàng cung làm cho tôi lơ là khi đọc tác phẩm này.

Thành thử giữa hai lần đọc Phùng Quán một cách nghiêm chỉnh, có một khoảng cách hơn ba mươi năm. Lần đầu đọc thơ Lời mẹ dặn, tôi 20, và lần này đọc văn Chút nghĩa cũ càng tôi đã 52. Hình như khoảng thời gian 32 năm cũng bằng khoảng thời gian Phùng Quán bị truy nã, trù dập. Ông và tôi có những tiểu dị trong các đại đồng: Ông và tôi cùng mặc quân phục, chỗ khác nhau là ông quân phục miền Bắc và tôi quân phục miền Nam. Ông và tôi cùng bị lưu đầy, tôi lưu đầy ngoài nước, còn ông lưu đầy ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn. Ông và tôi cùng cơm hàng cháo chợ, ông ăn cơm “bụi”, tôi ăn “food to go”. Đó là tôi chưa kể tới ông và tôi cùng viết văn và làm thơ. Ông “văn chui”, còn văn chương của chúng tôi nơi đây, người ta rao bán ê hề như những đồ dùng một lần rồi bỏ.

Hai lần đọc ông tôi có hai cảm giác khác nhau. Lần đầu là máu chẩy bừng bừng trong huyết quản, lần này là một chút hiu quạnh trong lòng. Thơ của ông ngày trước cho tôi những phẫn nộ, tưởng như sắp xăn tay áo xông về phía trước. Văn của ông bây giờ cho tôi những đau xót bồng bềnh, như những đám mây trắng nõn trên trời. Chút nghĩa cũ càng ông viết về cái chết của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, một thi sĩ lớn của văn học thời tiền chiến. Tất nhiên trước khi viết về cái chết của tác giả Mầu thời gian, ông duyệt qua những chông chênh cay đắng trong những năm tháng cuối đời Đoàn Phú Tứ. Nào có khác gì đoạn đời của chính ông mấy năm gần đây. Mỗi người khổ một cách khác, đau một cách khác, nhưng sống thì cùng chết dở như nhau. Tôi trích ra đây một đoạn ngắn Phùng Quán viết về Đoàn Phú Tứ, nhưng có lẽ ông cũng viết cho chính ông:

...Nhà thơ ngồi trên cái hòm gỗ thông xập xệ. Bức phản gỗ được dọn dẹp quang một góc làm bàn viết. Cạnh các tác phẩm của Ra-bơ-le, Stăng-đan, Íp-xen... mà ông đang dịch thuật theo một hợp đồng nào đó, là mùng mền cũ nát ám khói, những cái gối đen đúa mồ hôi, chiếc chiếu rách xơ cuộn tròn, một chai rượu sắp cạn đến đáy, vài cái chén sứt quai... Tóc ông ngả mầu bạc cổ, dợn sóng, đuôi tóc xoăn mềm mại lòa xòa quanh gáy, ria mép hơi vểnh lên, chòm râu nhọn được xén tỉa cẩn thận, làm tôn thêm vẻ đẹp thanh tú, quý phái của gương mặt ông. Nom ông như một đại công tước Nga, thời Sa Hoàng đang chơi trò giả trang. Tôi thường ngắm gương mặt ông và thầm nghĩ: Đó là một vẻ đẹp bền vững của thời gian, sự nghèo đói, túng quẫn không sao tàn phá nổi. Và tôi chợt hiểu tại sao vợ ông, chị Khiêm, kém ông những hai mươi tuổi, khá xinh đẹp, con nhà gia thế đã yêu ông say đắm, bỏ cửa bỏ nhà để theo ông...

Nhưng rồi năm tháng và cuộc sống cùng quẫn đói nghèo đã làm lụi tàn đi tất cả... Lụi tàn tình yêu, lụi tàn hy vọng, lụi tàn mộng mơ...

Chỉ một đoạn văn ngắn, người đọc bắt gặp không biết bao nhiêu là hình ảnh, trộn với tình cảm, cộng với xót xa, hòa với khổ đau của Phùng Quán dành cho Đoàn Phú Tứ và dành cho chính Phùng Quán. Thế nhưng văn phong lạnh lùng, thản nhiên, cam chịu, không có vẻ gì là quỵ lụy, phân bua mà kỳ diệu thay người đọc còn bắt gặp được cái nồng, ấm, dịu dàng, thương yêu giữa hai người bạn.

Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy dung nhan ông, nhưng cảm giác về ông thì thật là gần gụi. Trong khi đó nơi tôi đang sống, đang lăn lộn với đời có những người tôi biết mặt, quen tên, thỉnh thoảng có bắt tay mà tôi thấy hình như xa hàng vạn dặm. Càng ngày tôi càng đọc được nhiều tài liệu nói về những nhà văn đích thực của miền Bắc. Bốn chục năm trước là những Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Lê Đạt... và bây giờ là những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Văn Thủy... Tất nhiên tôi đang nói tới những người cầm bút ngoài miền Bắc, nên không thể liệt kê những tên tuổi như Doãn Quốc Sĩ vốn là nhà văn của miền Nam, mặc dầu Doãn Quốc Sĩ là người miền Bắc. Chao ôi! cái chữ Bắc, Nam này mỗi lần nghe thấy là một lần tôi phải nhìn trước ngó sau. Thiệt ra Nam và Bắc nếu có, chỉ nằm trong tấm lòng của mỗi con người.

Những tài liệu đã đọc khiến cho tôi cảm thấy tôi phải làm việc nhiều hơn nữa, bởi vì những nhà văn, nhà thơ đích thực trong nước hầu như đã làm được nhiều việc đáng kể, đã mô tả gần đủ xã hội họ đang sống. Để làm được điều này, trong gần nửa thế kỷ qua có nhiều nhà văn trước khi ngã xuống đã bị sỉ nhục, bị đầy ải, bị trấn áp, đè nén... Trong khi ở ngoài này dường như nhà văn chúng ta chỉ mới chạm được tới vành ngoài của sự thật. Chúng ta có quá nhiều điều để viết mà hình như chúng ta chưa... muốn viết. Nếu như sự thật có hai mặt, thì mặt bên trong dường như đã được vẽ lại gần đầy đủ, trong khi mặt ngoài ở phía chúng ta thì chỉ mới có đựoc vài nét phác họa sơ khởi.

Tin Phùng Quán mất đến với tôi thật ngỡ ngàng. Những cơn mưa bão bất thường của California tưởng như kéo dài bất tận. Tôi mang số Xuân Văn Học ra đọc lại bài viết của ông. Chữ và nghĩa còn rành rành, giấy còn thơm mùi mực. Tôi gọi điện thoại cho Kỳ Hùng, một người có duyên với ông hơn tôi, vừa mới gặp ông không đầy một tháng. Té ra anh đã biết trước tôi vài tiếng đồng hồ. Anh hứa cho tôi mượn tấm hình anh chụp Phùng Quán cách ngày ông mất không đầy một tháng. Anh lội mưa mang hai tấm hình tới tôi. Một tấm ảnh Phùng Quán đang đọc thơ, tấm còn lại đang hút điếu cầy. Trong ảnh Phùng Quán già hơn tuổi thật nhiều. Ông thua Hoàng Cầm, Văn Cao cả chục tuổi, thế mà trong ảnh ông có vẻ già hơn Văn Cao, hom hem hơn Hoàng Cầm.

Kỳ Hùng cho tôi biết khi anh gặp Phùng Quán thì cái bụng của ông đã to chướng lên. Với những người bị bệnh xơ gan cổ chướng như Phùng Quán, mà bụng bắt đầu to là bắt đầu có chuyện. Thế nhưng ông trấn áp những cơn tàn phá thể xác bằng một vẻ thản nhiên như không có gì. Ông vẫn cười nói tự nhiên, vẫn rượu, bia, thuốc lào, thuốc lá. Vẫn thức khuya, chong đôi mắt nhìn thấu bóng đêm, ngắm bóng mình trên vách. Tất nhiên ông hiểu bệnh trạng ông hơn ai hết, nên ông an nhiên chờ. Ông đã sống đời một người lính bảo vệ tổ quốc. Ông đã sống đời một nhà thơ, viết những bài thơ hệt như bản tuyên ngôn của những người cầm bút chống lại bạo quyền. Ông đã sống đời một nhà văn, dùng ngòi bút mình chấm vào Sự Thật, và chấp nhận bất cứ một hậu quả nào. Sống tới ba con người trong một thể xác như thế, mà kéo dài sự góp mặt với đời sống, dưới một chế độ cai trị lạnh lùng, khắc nghiệt của miền Bắc được hơn 60 năm, thì quả là một kỷ lục.

Mà lạ một điều, những con người phải đối phó với nhiều nghịch cảnh như ông thì lại hay sống dai. Cho tới nay những ngôi sao Nhân Văn còn nhiều. Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Văn Cao... vẫn còn là những chứng nhân cho một giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam cận đại. Phùng Quán là tay xung kích trẻ tuổi nhất của toàn nhóm Nhân Văn. Ông vội về làm chi, trong khi các nhà văn lớn tuổi hơn ông, ngoài 70, thân thể chỉ còn da với xương, nhưng đứng thật thẳng trên đôi chân, và cái cổ tuy có gầy gò, khẳng khiu nhưng không bao giờ chịu gục xuống.

Ông vội về làm chi, đường trần vẫn còn nhiều điều cần nói. Vẫn theo bài viết của Văn Xương: Ông đã phát thệ ba điều, ông làm được cả ba điều. Nhà văn Việt Nam như thế là nhất, bởi vì ba điều đó thuộc về danh dự của người cầm bút. Thế là ông không còn nợ đời, mà chỉ với một bài thơ Lời mẹ dặn không mà thôi, đời cũng đã nợ ông nhiều lắm. Sao không sống thêm ít năm, xem chừng ra bánh xe lịch sử đang quay, đời sắp trả nợ ông thì ông lại cho đời một cơ hội quỵt. Ông đâu có giầu có gì, nhưng xem chừng vẫn hào phóng như tay lính trẻ trinh sát ngày nào. Đám tang ông diễn ra tại Hà Nội, mặc dù ông viết thơ cho một người bạn văn ở ngoài này là ông muốn được chôn trong mùi thơm của thông Ngự Bình. Theo một nguồn tin tôi đọc được, đám tang ông có 500 người đưa tiễn, một nguồn tin khác cho biết có tới 2000 người. Số người đi đưa như thế nhiều hay ít đối với một nhà văn, nhà thơ có ơn với đời? Tôi không nghĩ Phùng Quán coi điều này là quan trọng. Điều quan trọng với ông chính là ông đã Sống và Chết như thế nào? Và đó cũng là điều những người quan tâm đến văn học trong thời cận đại phải biết: Ông đã sống như một “Nhà văn – Nhà thơ”, và ông đã chết như một “Con Người”.

Trong đám tang ông, người đọc điếu văn hẳn là Hoàng Cầm, chứ còn ai vào đây nữa, bởi vì gần đây khi Hoàng Cầm suy sụp, chính Phùng Quán là một trong những người muốn vực Hoàng Cầm dậy. Phùng Quán đã làm một bài thơ để đẩy lui những mầm suy tàn trong con người Hoàng Cầm, để ươm lại mạch thơ cho bạn và cho chính ông. Ông cũng vẫn là một tiên tri cho cái chết của ông: đằng sau quan tài của ông, không phải chỉ có thân nhân và bằng hữu. Còn có cả những người ông không biết mặt quen tên. Ấy là không kể tới những người xa cách ngàn trùng, muốn về đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng nhưng hoàn cảnh chính trị không cho phép. Tôi tin chắc đằng sau quan tài ông, có một chút nhỏ phần hồn của núi sông, của Đảo Côn Sơn, suối Linh Nham, sông Hương, núi Ngự, hay của những cái hồ mà ông câu trộm cá trong những năm khốn đốn nhất trong cuộc đời. Tôi xin chép lại đây bài thơ của Phùng Quán tặng Hoàng Cầm để chấm dứt bài viết sự ra đi của ông. Để hiểu rằng tại sao người đọc điếu văn trước mộ Phùng Quán phải là Hoàng Cầm, và bên cạnh đó phải là những ngôi sao đã tạo nên vòm trời Nhân Văn ngày nào.


Thơ Phùng Quán tặng thi sĩ Hoàng Cầm

Tôi tin núi tàn!
Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin:
Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp
Tôi tin, nhà thơ anh đã viết:
Cách đây 30 năm
Những vần thơ lẫm liệt!
Tiểu đội anh, những ai còn và ai mất?
Không ai còn ai mất,
Chỉ chết cả mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc,
Giữ vững ngàn thu một giống nòi.
Thế gian có một ngàn con sông,
Và một ngàn nhà thơ lớn.
Nhưng chỉ có một giòng,
May được thơ xưng tụng,
Nhờ đó mà vang vọng,
Nhờ thơ mà vinh danh,
Đó là con sông Đuống,
Con sông của quê anh,
Mà anh xót xa như bàn tay anh ngón rụng.
Tôi có một niềm tin,
Chắc như đanh đóng cột.
Ngày mai anh nhắm mắt,
Đi sau linh cữu anh,
Ngoài bạn hữu gia đình,
Có cả con sông Đuống.
Sông Đuống sẽ mặc đại tang,
Khóc bên bồi bên lở,
Sóng cuộn bờ nức nở,
Ngàn đời chịu tang anh.
Tôi tin núi tàn!
Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh
Lại ngã lòng suy sụp.

Việc Phùng Quán tin vào con sông Đuống sẽ khóc Hoàng Cầm bên lở bên bồi còn có thể hồ nghi, nhưng tôi tin khi nào còn những bà mẹ yêu thơ, dặn dò, dậy dỗ con cái thì ngày đó vẫn còn có người nhớ tới Phùng Quán, người đã làm bài thơ Lời mẹ dặn, và đem tặng những vần thơ này cho đời.

(Viết ngay khi nghe tin Phùng Quán mất ở Hà Nội)

Nguồn: Tạp chí Hợp LÆ°u, 1995. Bản đăng trên talawas có má»™t số sá»­a đổi nhỏ.