|
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (ảnh của Nguyễn Hoàng Nam) |
Phan Nhiên Hạo (PNH): Ba mươi năm kể từ 1975, anh vẫn sống đời sống của một người làm văn chương toàn thời gian: sáng tác và làm báo (tạp chí Văn và Việt Mercury). Cuộc sống của một người làm văn nghệ hải ngoại như anh có những vui, buồn, phần thưởng tinh thần và khó khăn gì?
Nguyễn Xuân Hoàng (NXH): Tôi không nghĩ là tôi đã sống 30 năm của một người làm văn chương toàn thời gian đâu. Sau 1975, tôi mất hết 10 năm lang thang ở Sài Gòn, Rạch Giá, U Minh, Nha Trang, Ðà Lạt, không định hướng, cũng có viết lách đôi khi nhưng cái chính là làm những chuyện không ăn nhập gì đến chuyện chữ nghĩa: lái xe ủi đất, làm ruộng, lơ xe đò, đốn cây làm than, và... ở tù, mãi đến 1985 tôi mới đến được Mỹ.
Và trong những ngày đầu ở đây tôi làm nghề đi rải flyers cho mấy tay địa ốc. Như vậy nếu nói đúng tôi chỉ có chưa đầy 20 năm sống lại đời làm báo viết văn. Những ngày ở trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, tôi không hề có ý nghĩ là mình sẽ có thể / muốn / cầm bút trở lại, nói gì chuyện làm báo. Ở Virginia chừng nửa năm, anh Mai Thảo ở Nam California gọi điện thoại bảo xuống Quận Cam chơi một chuyến thăm bạn bè. Tại đây, trong một bữa cơm đón người ở trại tị nạn mới qua tại quán Doanh Doanh của Thái Tú Hạp trên Los Angeles, anh Ðỗ Ngọc Yến chủ nhiệm nhật báo Người Việt, chắc là được anh Mai Thảo nhắc nhở - nói với tôi “thôi về Người Việt đi, bạn bè cả”. Tôi gặp Nguyễn Ðức Quang, nhạc sĩ du ca ở đây.
Tôi làm nhật báo Người Việt, sau đó cùng lúc làm nguyệt san Thế Kỷ 21 [từ số ra mắt cùng với Lê Ðình Ðiểu], còn tạp chí Văn thì từ tháng Chín 1996 và Việt Mercury từ tháng 11. 1998 [số ra mắt 29/01/1999]. Làm báo tin tức thời sự như một thứ nghề, cũng giống như làm thợ mộc thợ nề, làm technician vậy. Tuy nhiên đó là thời gian tôi cầm bút trở lại. Tôi viết không nhiều. Làm báo giết ráo làm văn. Khi anh Mai Thảo bệnh, giao cho tôi tờ Văn, tôi đang là tổng thư ký tờ Người Việt. Làm hai tờ báo một lúc, khủng khiếp, tôi không hiểu tại sao mình làm được? Làm báo Văn là một niềm vui và cũng là một nỗi khổ. Tờ báo nuốt hết thì giờ của tôi sau khi ở toà soạn Người Việt về, nó không nuôi nổi một người sống hết mình với nó đã đành, mà ngược lại nó bắt người làm ra nó phải nuôi nó. Khi tôi vào làm tờ Việt Mercury, may mắn hơn, đời sống thường ngày đã nhẹ, nhưng việc nuôi tờ Văn thì vẫn tiếp tục. Ðấy là tôi chỉ nói phần vật chất, tôi chưa nói chuyện bài vở, chuyện độc giả, chuyện đóng gói, bỏ bì đem ra bưu điện cho mỗi số báo, chuyện đau nhói của một ngưòi làm báo văn học. Khó khăn thì nhiều thứ lắm. Còn phần thưởng tinh thần hả? Ðó là tôi tìm lại được bạn bè cũ, và quen biết thêm bạn bè mới. Ðó là mỗi khi tờ báo ra, cầm tờ báo trên tay, tuy không còn ngửi được mùi mực in như ở Sài Gòn ngày nào, nhưng sao lòng vẫn bồi hồi. Bao giờ tôi cũng trân trọng những người viết mới. Cứ mỗi lần đọc được một sáng tác mới của một người viết mới tôi nghĩ chắc tờ báo vẫn còn có người đọc. Ðời sống vẫn không ngừng chảy.
PNH: Có ý kiến cho rằng văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975, anh có nghĩ điều này hiện còn đúng với văn chương hải ngoại không? Anh thấy những chuyển động nào đáng kể trong văn chương hải ngoại, sự hình thành những người viết mới đáng chú ý ba mươi năm qua?
NXH: Nói văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975 có thể đúng trong những năm đầu khi những ngưòi cầm bút lẻ loi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ. Thế nhưng đã 30 năm qua từ tờ Văn Học của Võ Phiến, Lê Tất Ðiều rồi Nguyễn Mộng Giác và giờ đây, năm 2005 là Cao Xuân Huy, đến tờ Văn của Mai Thảo nay chuyển sang tôi từ 1996, và Hợp Lưu của Khánh Trường giữa sóng gió bước đầu giờ chuyển qua Phùng Nguyễn, rồi Trần Vũ - Ðặng Hiền; tạp chí Thơ của Khế Iêm một mình một ngựa nay chuyển qua Ðỗ Kh. Ðó là chưa kể tờ Nhân Văn của Thượng Văn, Văn Uyển của Trần Nghi Hoàng ở San Jose, tờ Việt của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc, Chủ Ðề của Nguyễn Trung Hối, Phố Văn của Nguyễn Xuân Thiệp, Gió Văn, Sông Văn..., tôi nghĩ là đã có chuyển động. Những cuốn hồi ký trong thập niên 80 đã gần như biến mất vào đầu thập niên 90. Lý luận phê bình trước kia trong nước và sau này ở hải ngoại đã được tạp chí Việt của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn bổ khuyết một cách mạnh mẽ và phong phú. Nhiều người viết đến với văn chương như Trần Vũ, Phùng Nguyễn, Mai Ninh, Miêng, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quí Ðức, Ðinh Linh..., đã và đang mang đến cho văn học hải ngoại một hơi thở mới. Thật ra còn nhiều nữa mà tôi kể không hết. Còn nếu phải kể những người không sáng tác bằng tiếng Việt thì làm sao quên được Linda Lê, Kim Lefèvre ở Pháp, lê thị diễm thúy, Monique Trương, Andrew Lâm, Andrew Phạm ở Mỹ...
PNH: Tôi nghĩ văn chương miền Nam trước 1975 là một nền văn chương rất sinh động và gồm nhiều tác giả xuất sắc. Vì lý do chính trị, ở trong nước người ta vẫn chưa chính thức công nhận nền văn chương này, những người viết trẻ thì thường có thái độ hãnh tiến, vội vã phủ nhận người đi trước mà không đọc họ kỹ (cũng có thể vì không có sách để đọc). Là người trong cuộc, sau ba mươi năm, nhìn lại văn chương miền Nam trước 1975, anh đánh giá nó thế nào?
NXH: Tôi biết là tôi sẽ thiếu khách quan khi tôi nhìn lại nền văn học miền Nam trước 75. Tại sao? Bởi vì tôi lớn lên trong không khí đó, chiến tranh không chỉ ở mặt trận, chiến tranh còn ở thành phố. Sáng tác của họ không thoát ra khỏi chiến tranh. Ngay cả âm nhạc cũng vậy. Họ tiếp nhận nhanh những chuyển động của văn học thế giới. Tiểu thuyết Mới ở Pháp đến Sài Gòn rất sớm. Hồi chúng tôi còn học đại học Đà Lạt, anh Hoàng Ngọc Biên đã giới thiệu Michel Butor, Nathalie Sarraute, Alain Robbe-Grillet. Văn chương của Jean-Paul Sartre, Albert Camus, thơ Jacques Prévert, triết của Martin Heidegger, Karl Jaspers cũng du nhập vào miền Nam. Chúng tôi cũng có thơ và truyện của Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðình Toàn, Nhã Ca, Huỳnh Phan Anh, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần thị NgH.,... Một trong những khuôn mặt được chú ý trong thời gian đó không thể không nhắc đến là Phạm Công Thiện. Về phê bình lúc đó có Ðặng Tiến ở Pháp và Cao Huy Khanh trong nước. Ngoài ra còn có cả Ðỗ Long Vân từ Pháp về nữa. Ðó là chưa kể những tờ như Trình Bầy, Hành Trình, Tin Văn... khá là “phản chiến” và vẫn tồn tại.
Phong phú và đa dạng là những tĩnh từ có thể gán cho văn học miền Nam trước 1975.
PNH: Anh từng làm thư ký tòa sọan tạp chí Văn ở Sài Gòn trước đây, anh có thể nói đôi điều về sinh hoạt văn chương thời đó được không? Anh nhớ nhất kỷ niệm nào?
NXH: À, thời đó chuyện văn chương mới ấm áp làm sao. Báo chưa ra hay báo đã ra, sáng nào cũng gặp nhau ở quán Cái Chùa [La Pagode] trên đường Tự Do [nay là đường Ðồng Khởi] bên ly cà phê và những điếu thuốc lá. Khi thì nói về chủ đề số báo của tờ X. hay bài viết của A trên tờ Y, về cuốn sách mới in của Z. hay bài điểm sách của tay B., về cái truyện sắp viết, cuốn sách mới đọc, bài thơ mới làm. Nhưng cũng có khi nói về những thứ gì khác không phải văn chương, về tình hình chính trị, về người bạn vừa gặp nhau tuần trước mới hôm qua bỗng được tin vừa tử trận. Buổi tối không ra quán ăn nhô ra bờ sông Sài Gòn
Point des blageurs thì cũng tới Chợ Ðủi, bên những ly bia, nói năng ba trợn hay nghiêm túc, hết chai này đến chai khác với người bạn ngày mai ra trận, không biết còn có ngày gặp nhau không, sau đó luôn luôn phóng xe chạy hết tốc độ vì đã quá giờ giới nghiêm.
Lúc đó tờ Văn nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, con đường có nhiều nhà in báo, đặc biệt nhà phát hành Sống Mới. Ông Nguyễn Ðình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn có nhà in riêng, in cho ít nhất ba tờ tạp chí: Văn, Tuổi Ngọc của Duyên Anh và Vấn Ðề của nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan. Hai tờ Tuổi Ngọc và Vấn Ðề đều đặt toà soạn trên tầng hai và tầng ba của toà soạn Văn.
Thời đó báo có toà soạn đâu ra đấy chứ không như bây giờ ở hải ngoại “hình như” không tờ báo văn học nào có toà soạn đúng nghĩa của nó: toà soạn trong ga-ra hay trong phòng khách; điện thoại nhà cũng là điện thoại toà soạn; người lo cho tờ báo phải lo từ đầu đến đũa: xin bài, đọc bài, lay out bài, gửi nhà in, bỏ báo vào bao thơ, chở báo đến bưu điện, và mặc dù bạn đọc rất ưu ái, người tạm gọi là “chủ báo” phải chạy tiền trả nhà in vì có một khoảng cách đáng buồn giữ thu và chi.
Có quá nhiều kỷ niệm, nhưng một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi là chuyện viết bài cho tờ Vấn Ðề. Hồi đó ông Vũ Khắc Khoan khi đến toà soạn phải đi ngang qua Văn để lên tầng trên. Bao giờ gặp mặt tôi ông cũng bảo “H. đưa cho Vấn Ðề một truyện ngắn đi”, và bao giờ tôi cũng hứa “Thế nào cũng sẽ có cho anh mà!”. Hứa vậy thôi, chứ tôi lu bu quá. Mỗi ngày tôi vẫn đi dạy, hết giờ ra thì toà soạn, đọc bài, đọc bản vỗ, sửa bài, viết thư toà soạn, trả lời hộp thư, gọi điện thoại đặt bài cho số đặc biệt..., buổi sáng còn ra Cái Chùa, buổi tối còn tới Chợ Ðủi, thế là quên tiệt.
Một hôm tác gỉa
Thần Tháp Rùa vừa bước vào toà soạn nhìn thấy tôi, ông đứng lại, rút trong túi ra xấp bạc, đặt trước mặt tôi. “Năm ngàn đấy nhé, cậu đưa cái truyện đã hứa cho tôi tuần tới nhé!”. Ông làm tôi bối rối. Ông cười: “Tờ Văn chỉ trả truyện ngắn có ba ngàn, Vấn Ðề trả năm ngàn đấy nhé!”. Và ông lên lầu.
Tôi biết mình không thể ù lì được nữa. Sáng thứ Hai, tôi mang truyện lên lầu đặt trên bàn Vũ Khắc Khoan. Ông chưa tới. Tôi xuống nhà gọi điện thoại rủ Huỳnh Phan Anh ra quán Cái Chùa. Và tôi quên cái truyện mình đã viết cho Vũ Khắc Khoan. Một buổi sáng ông Mai Thảo đến toà soạn, kéo ghế ngồi bên tôi hỏi, cậu viết cái gì thế? Tôi nói có viết gì đâu, đang đọc bài cho số báo tới. “Không, tôi hỏi H. viết cái gì cho tờ Vấn Ðề kia.” “Ồ, một truyện ngắn đó mà!” “H. có biết là tờ Vấn Ðề bị đóng cửa vì cái truyện ngắn gì đó của H. không?”. Tôi không biết. Nhưng ngay buổi chiều hôm đó tôi nhận cái trát hầu toà vì cái truyện ngắn của tôi, có nhắc đến bài hát
Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Ông Phạm Duy không biết điều đó, nhưng nhà văn-bác sĩ Ngô Thế Vinh biết vì sáng hôm sau ra quán Cái Chùa gặp Ngô Thế Vinh ngồi bên ly cà phê cho biết anh cũng nhận được một cái giấy như tôi qua truyện
Mặt trận ở Sài Gòn của anh. Truyện ngắn của tôi viết cho tờ Vấn Ðề có tựa
Cha và anh viết về giai đoạn tản cư thời chiến tranh chống Pháp.
PNH:
Sau vụ hầu tòa đó, chuyện gì xảy ra với anh?
NXH: Tôi vẫn làm việc và viết lách bình thường. Anh Ngô Thế Vinh cũng vậy.
PNH:
Anh có thể nói thêm về tạp chí Văn và các báo văn nghệ thời đó?
NXH: Thực ra văn chương thời đó tập trung vào một số tạp chí văn học ở Sài Gòn. Sáng Tạo ra đời vào những năm 54 - sau khi hiệp định Genève được ký kết - với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, về sau có Dương Nghiễm Mậu, tờ Bách Khoa với Lê Ngộ Châu, Võ Phiến, tờ Hiện Ðại với Nguyên Sa, tờ Thế Kỷ với Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch, tờ Văn với Trần Phong Giao, tờ Khởi Hành với Viên Linh, tờ Văn Học với Dương Kiền, tờ Giữ Thơm Quê Mẹ với Nhất Hạnh, tờ Ðại Học ở Huế với Nguyễn Văn Trung, tờ Trình Bầy với nhóm Thế Nguyên, Diễm Châu... Thú thật với anh là tôi không chắc mình nhớ hết và nhớ đúng. Ba mươi năm rồi còn gì!
Tôi chỉ nhớ tờ Văn lúc đó in trên 10.000 bản và tiêu thụ mạnh nhất ở miền Trung hơn là ở Sài Gòn, mặc dù ở Sài Gòn sinh viên khá đông, chưa kể trường Ðại học Văn Khoa và Ðại học Sư phạm. Thành thật mà nói, với số dân khoảng 24 triệu người - tính riêng miền Nam - mà chỉ in có 10.000 bản thì không thể xem là nhiều, nhưng nên nhớ đây là báo văn chương chứ không phải báo tin tức, con số đó phải coi là đáng kể trong một đất nước chiến tranh. Tôi không rõ các tờ khác thế nào, chứ riêng tờ Văn, lúc nào bài vở cũng có sẵn, có thể làm được từ ba đến năm số. Từ đầu năm đã có thể lên lịch những số đặc biệt cho 12 tháng trong năm. Và tùy theo tình hình thời sự văn học thay đổi đột xuất sẽ có những số đặc biệt khác. Người viết đông đảo và sự đóng góp của họ cũng nồng nhiệt. Tờ báo được bạn đọc đón nhận khi vừa phát hành. Nhiều người lính hành quân ở miền Trung hay miền cao nguyên trong những làng mạc xa xôi cho biết họ có mang theo Văn trong ba-lô.
PNH: Chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn, anh nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay?
NXH: Tôi muốn hỏi lại anh, nhà văn có thể đóng một vai trò nào trong cuộc sống chúng ta? Có người nói, văn chương ở một khía cạnh nào có tác động trên đời sống xã hội. Như
Căn lều của chú Tom (Uncle Tom’s Cabin) của Harriet Beecher Stowe góp phần vào sự thay đổi tâm lý kỳ thị màu da của người Mỹ da trắng. Nhưng liệu đó có phải là một định đề không?
Ở Việt Nam, tôi nghĩ mặc dù chiến tranh chấm dứt đã 30 năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn. Liệu văn học có lấp được cái hố cạn mà khó qua đó không? Tôi không hiểu những người viết trong nước ra sao, và các bạn tôi những người cầm bút hải ngoại suy nghĩ thế nào, riêng cá nhân tôi tôi biết mình là một ngưòi viết không hạnh phúc vì cái hố cạn đó.
PNH: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh đang làm gì, ở đâu, tâm trạng lúc đó thế nào?
Hôm đó từ nhà tôi đạp xe chạy lang thang trong thành phố đầy người chạy ngược xuôi, bọn tự động mang băng đỏ hôi của, lái xe jeep chạy bạt mạng, súng chĩa lên trời cướp bóc giựt dọc, bàn ghế quần áo, giấy má sách báo tung ra đường phố... Tôi đạp xe như một người mất hồn, cứ thế từ con đường này qua con đường khác, tôi thấy nhà cửa phố xá trở nên xa lạ như lần đầu tiên tôi đến. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng một người gọi tên tôi. Tôi dừng xe ngó qua bên kia đường. Tác giả
Mùa hè đỏ lửa Phan Nhật Nam hỏi, “Cậu đi đâu vậy?” Tôi hỏi lại: “Sao bây giờ còn ở đây?” Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, không ai trả lời ai. Dưới chân chúng tôi là những cuốn sổ thông hành nằm như rác. Những người mang thẻ này chắc chắn là những người thường có cơ hội đi ngoại quốc, chắc họ đã bỏ chạy hay đã xuống tàu, lên máy bay. Lúc đó đâu khoảng 10 giờ sáng. Con đường hai chúng tôi đứng mang tên Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận.
PNH: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
© 2005 talawas