11.12.2007
Hoàng Hưng
Khi lòng yêu nước không bị áp đặt
Ngày hôm qua, 9 tháng 12 năm 2007, một ngày nóng bất thường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nóng thời tiết, và nóng của lòng người. Hàng trăm sinh viên và cả người lớn tuổi, trong đó có những nhà báo và một số văn nghệ sĩ tự do, đã sôi nổi bày tỏ lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trước Lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối hành động bá quyền của Bắc Kinh chính thức hoá việc chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuộc đời hơn 50 năm sống dưới chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một
cuộc biểu tình tự phát của người dân. Người “tổ chức” cuộc biểu tình là các blogger đã truyền đi trên internet lời kêu gọi từ mấy hôm trước. Và bất chấp những ý kiến cảnh cáo răn đe, rằng kẻ kêu gọi là phần tử phản động, rằng tham gia biểu tình là chống lại đường lối giải quyết mâu thuẫn bằng con đường chính thống của nhà nước, là bị “bọn dân chủ” lợi dụng để chống chính quyền… cuộc biểu tình đã diễn ra suốt ba tiếng đồng hồ ở trung tâm thành phố trước sự chứng kiến của đông đảo lực luợng an ninh mà không có sự cố gì xảy ra – về phía người biểu tình không có quá khích, bạo động, không có đả kích chính quyền, cờ đỏ sao vàng tung bay và các bài ca cách mạng ầm vang; về phía chính quyền, các lực luợng an ninh chỉ giữ trật tự và kỉểm soát cuộc biểu tình trong phạm vi mục tiêu của nó, vị đại diện chính quyền cuối cùng xuất hiện thuyết phục mọi người vào bên trong một hội trường để đối thoại. Cuộc biểu tình đầy “lửa”, khác hoàn toàn với những cuộc “biểu tình” nhạt nhẽo, miễn cưỡng, vô hồn do nhà nước tổ chức thông qua các cơ quan đoàn thể mà ta từng chứng kiến.
Ở Hà Nội tình hình cũng tương tự, và số lượng người biểu tình còn lớn hơn nữa.
Tất nhiên, vì đây là cuộc biểu tình chống ngoại xâm, một chính nghĩa không ai có thể nghi ngờ, nên nhà cầm quyền đã “ngó lơ” (hoặc âm thầm đồng tình), khác hẳn về bản chất với những cuộc tập trung có nội dung đấu tranh với chính những sai phạm của nhà nước các cấp. Song cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 năm 2007 vừa qua là một dấu mốc rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.
Thứ nhất, nó cho thấy sức mạnh của thông tin nhân dân thời Internet (với con số 4-5 triệu blogger và 15–16 triệu người truy cập mạng) đã qua mặt cả hệ thống báo chí bị sự điều khiển quá chặt chẽ của nhà nước trong việc tổ chức quần chúng và thông tin nhanh nhạy. Ngay ngày hôm sau cuộc biểu tình, trong khi các báo nhất loạt chỉ đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao thanh minh cho nhà nước, thì mọi người đọc được trên mạng nhiều bài viết và hình ảnh sống động về cuộc biểu tình của các “nhà báo nhân dân”.
Thứ hai, nó cho thấy lòng yêu nước, ý thức chính trị, ý thức công dân của thanh niên và người dân nói chung không hề yếu kém như một số người bi quan. Rõ ràng là khi lòng yêu nước xuất phát từ đáy con tim chúng ta, không bị ai dắt mũi, ra lệnh, áp đặt, thì nó thực sự trở thành sức mạnh. Người dân thờ ơ với chính trị chỉ là do cái chính trị ấy không hợp với lòng dân, cái chính trị của ai đó độc quyền làm với danh nghĩa người dân.
Thứ ba, nó chứng tỏ việc biểu tình của quần chúng là hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, hợp tình, và chẳng có gì đáng quan ngại. Qua việc này, nhà nước chắc có thể được một bài học về sự tin tưởng vào nhân dân và về sự tôn trọng quyền của nhân dân được thể hiện nguyện vọng bằng mọi phương tiện, mọi biện pháp ôn hoà.
© 2007 talawas