Bình luận

10.09.2007

Hoàng Hưng

Từ lá thư ngỏ của một nhà báo gửi Thủ tướng

Chuyện “khiếu kiện đông người” (có người gọi là “biểu tình trật tự”) kéo dài của bà con nông dân tại TPHCM và Hà Nội chưa thể nói là kết thúc, với vấn đề mới phát sinh là một số nhà hoạt động dân chủ bị nhà nước Việt Nam tố cáo là kích động gây rối, chứng tỏ đây là vấn đề còn phải suy nghĩ và giải quyết dài dài, trong bối cảnh tốc độ và phạm vi đô thị hoá ngày càng lớn rộng. Nhà nước đã nghĩ nhiều biện pháp rồi mà vẫn không giải quyết được căn cơ. Vậy thì “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mấy chục triệu cái đầu người Việt trưởng thành không thể không tự đặt trách nhiệm suy nghĩ và đóng góp ý kiến của mình cho nhà nước.

Tôi vừa tình cờ đọc được lá thư ngỏ của một nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này. Thư đề ngày 17/7/2007, tức là một ngày trước khi công an giải tán đám đông khiếu kiện tại TPHCM, đưa họ về các địa phương chờ giải quyết. Tôi tin rằng ở nhiều nước khác, lá thư tâm huyết này đã được phúc đáp, nhưng ở nước ta, cho đến hôm nay tác giả thư còn chưa biết nó đã đến được tay Thủ tướng hay chưa!

Ông là Lê Phú Khải, một nhà báo có trên 20 năm thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tác giả của hàng trăm bài báo viết về vùng này, trong đó có bài báo động việc tranh chấp ruộng đất ở Nam Bộ trên báo Quân đội Nhân dân và đề xuất giải pháp về vấn đề này trên báo Nhân dân ngay từ cuối những năm 1980. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách viềt về ĐBSCL. Mối quan tâm tha thiết của nhà báo Lê Phú Khải với đời sống người nông dân vùng này khiến cho ông, mặc dù đã nghỉ hưu mấy năm rồi, vẫn bất chấp nhiều trở ngại phiền phức, theo dõi sát sao để tìm hiểu nguyên nhân khiếu kiện về ruộng đất diễn ra tại Văn phòng 2 Quốc hội ở TPHCM trong thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7/2007.

Bức thư rất đáng lưu ý vì nó thẳng thắn nêu lên nhận định cá nhân của một nhà báo tự do về nguyên nhân khiếu kiện.

Trước nhất, ông Khải tuyên bố “bất đồng với báo cáo và đánh giá của ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền”:

“Về nguyên nhân của khiếu kiện theo ông Truyền có 4 điều: ‘Chính sách của nhà nước còn bất cập, có địa phương chưa đề cao đúng mức trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại của công dân, việc phối hợp trong giải quyết khiếu kiện giữa cơ quan chức năng chưa tốt, chưa có chế tài mạnh đối với các đối tượng cầm đầu khích động người dân đi khiếu kiện bất chấp pháp luật.’” (Báo SGGP 16/7/2007)

Ông Khải nhận xét: “Một vấn đề lớn, đã kéo dài nhiều năm mà cơ quan Thanh tra Chính phủ đứng đầu là ông Truyền chỉ nêu nguyên nhân bằng những từ ngữ vô cùng chung chung, với những khái niệm rất trừu tượng có thể lắp ghép vào bất cứ sự kiện nào như ‘bất cập’, ‘chưa đề cao đúng mức’, ‘chưa tốt’ thì thật là hoàn toàn vô bổ, nó nói lên tất cả sự hời hợt, thiếu trách nhiệm và bản lĩnh của một Tổng Thanh tra cấp Chính phủ. Duy chỉ có một nhận định mạnh mẽ, dứt khoát: ‘chưa có chế tài mạnh với các đối tượng cầm đầu khích động người dân đi khiếu kiện…’. Với chính quyền trong tay, dùng biện pháp chuyên chính với các nguyên nhân bất lợi từ phía khách quan là quá dễ. Nhưng tìm cho ra, gọi đúng tên những nguyên nhân chủ quan để tìm cách chữa trị từ gốc mới là điều khó.”

Là một chuyên gia về ĐBSCL, nhà báo Lê Phú Khải thừa nhận đây là “căn bệnh nan y về ruộng đất”. Điều thú vị là bằng dẫn chứng thuyết phục, ông chỉ ra: “Vấn đề ruộng đất ở ĐBSCL không chỉ đơn giản là vấn đề dân sinh, vấn đề cơm áo; nó còn liên quan đến tâm lý, đạo đức, phong tục tập quán của một vùng đất mà con người có những quan niệm sống khác với các vùng nông thôn khác trong cả nước, cần phải được tôn trọng.” “Nhiều khi bà con đi khiếu kiện không phải chỉ vì lý do cơm áo mà vì thấy bất bình, thấy thiếu công bằng”. Nói cách khác, không thể cố tình giản đơn hoá việc khiếu kiện vào vấn đề “của cái bụng”, mà phải thấy gốc của nó là chuyện dân chủ, nhân quyền không được tôn trọng, tức là chuyện “con tim, khối óc”, và bao trùm lên là chuyện “cơ chế, đường lối”. Tránh né chuyện này thì không thể giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.

Bởi thế, hưởng ứng lời Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “giao cho các bộ ngành liên quan phối hợp nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, khắc phục những bất cập giữa chính sách, pháp luật và thực tiễn, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân”, nhà báo Lê Phú Khải đã đề xuất với Thủ tướng một sáng kiến còn mở rộng hơn, đó là tổ chức “một hội thảo ở cấp quốc gia” qui tụ những nhà nghiên cứu, những cán bộ tâm huyết với nông dân, những nhà lãnh đạo từng trải… để cùng với các ngành liên quan “phối hợp nghiên cứu hoàn thiện cơ chế”.

Thực ra, có một hình thức “hội thảo thường trực” rất dễ thực hiện mà lại thu hút rộng rãi trí tuệ toàn dân, đó chính là báo chí. Đáng buồn là thời gian qua báo chí đã tỏ ra vô cùng tiêu cực, bị động trước tình trạng khiếu kiện của nông dân. Nhà báo Lê Phú Khải vạch rõ tình hình này trong thư gửi Thủ tướng: “Lâu nay các cơ quan báo chí bị loại ra khỏi quyền được thông tin về những khiếu kiện ruộng đất. Theo tôi, những chủ trương như thế đã không còn hợp thời trước một ‘thế giới phẳng’ đã hình thành. Lương tâm và trách nhiệm của các nhà báo sẽ bị tổn thương nếu những sự kiện quan trọng của đất nước họ không được tham dự với sự tin cậy của nhân dân.”

Hãy thử hình dung một kịch bản khác cho tình hình khiếu kiện vừa qua: Nếu ngay từ những ngày đầu xảy ra tập trung khiếu kiện, các nhà báo có tâm huyết, bản lĩnh và hiểu biết về nông dân và nông thôn như nhà báo Lê Phú Khải được quyền đến tận nơi nghiên cứu, điều tra và phản ánh lên mặt báo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người khiếu kiện, kể cả tình trạng lợi dụng khích động của kẻ xấu nếu có, và kiến nghị biện pháp giải quyết, thì lãnh đạo cấp cao có ngay thông tin từ những bài báo “trung thực, nhanh nhạy”, thấy ngay tầm quan trọng và nguy cơ diễn biến xấu của hiện tượng, kịp thời có biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý và hiệu quả.

Như thế, chỉ trong vòng mươi ngày việc đã tạm yên, chắc chắn sẽ không có những chuyện mất lòng người và đáng xấu hổ như phải khóa nhà vệ sinh, ngăn cản tiếp tế mì tôm… để đối phó với dân, sẽ không có những chuyện rắc rối với các nhà sư phát chẩn, và những kẻ xấu (nếu có) dù muốn cũng chẳng có cơ hội làm ăn.

Tâm sự của nhà báo Lê Phú Khải chắc chắn cũng là của tất cả các nhà báo đầy tinh thần xây dựng đất nước. Của các trí thức, văn nghệ sĩ [1] . Và của cả bao người dân biết suy nghĩ. Hãy đọc những dòng sau đây của một bạn đọc bình thường ở ĐBSCL góp ý với báo Tuổi Trẻ để biết trình độ “dân trí” bây giờ ra sao: “Hãy dành đất nhiều hơn nữa cho độc giả (dù già hay trẻ) góp ý, tranh luận, phản biện trên mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, kể cả chính trị - thường được xem là nhạy cảm. Tuổi Trẻ phải hiểu được nhu cầu ‘cần biết và cần nói’ của người dân, nhất là của giới trẻ. Vậy còn chờ gì nữa mà Tuổi Trẻ không tạo điều kiện làm cầu nối cho người dân nói lên chính kiến của mình.” (Tuổi Trẻ ngày 7/9/2007)

Vậy mà trong lời phát biểu của ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với báo giới về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” (theo VietNamNet ngày 4/9/2007), ta không đọc được một câu nào đề cập chức năng vô cùng quan trọng ấy của báo chí.

Một câu hỏi phải được xem xét nghiêm túc: Liệu việc kiểm soát báo chí theo kiểu duy ý chí có là hành động “tự tước vũ khí” trong cuộc chiến tranh thông tin khốc liệt thời “thế giới phẳng”?

© 2007 talawas



[1]Nó còn một mặt thứ hai và ngược lại nữa, quan trọng và cần thiết không kém, cũng có thể hiệu quả không kém: nó còn phải là tiếng nói của đời sống, tức là của dân, đến với lãnh đạo, để lãnh đạo có thể hiểu dân, hiểu đời sống, điều không hề dễ và tất nhiên không bao giờ và không ai được chủ quan. Lãnh đạo giỏi trước hết là lãnh đạo hiểu đời sống. Có nhiều kênh để hiểu được thực tiễn vô cùng phức tạp, thường bị che lấp của đời sống. Báo chí là một trong những kênh quan trọng nhất. Nghĩa là báo chí còn có một đối tượng nữa mà ta thường hay "quên": lãnh đạo. Góp phần giữ cho lãnh đạo không xa cuộc sống thực, thậm chí đôi khi cần giật mình vì những ngóc ngách nhiêu khê bị che lấp của đời sống. Tôi cho đó cũng là một trách nhiệm lớn của báo chí trước xã hội, trước nhân dân và trước lãnh đạo.
Tất nhiên đây là điều rất khó, thậm chí hiểm nguy đối với người cầm bút. Sở dĩ người đọc quí Tuổi Trẻ, coi tờ báo là tiếng nói của mình, tôi cho còn là vì điều đó nữa. Người đọc hiểu khó khăn trong sự dấn thân của Tuổi Trẻ, cảm phục tinh thần trách nhiệm công dân cao, lòng dũng cảm Tuổi Trẻ. (Nguyên Ngọc, Tuổi Trẻ 5/9/2007)