Bình luận

28.09.2007

Phan Xuân Lâm

Ai có tội với những người đã mất?

Hai mươi bảy tiếng đồng hồ sau thảm hoạ Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết "có mặt tại hiện trường" và "chủ trì một cuộc họp với lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ", theo tin của báo Tuổi Trẻ. Đọc tường thuật về lời "chỉ đạo" của ông, tôi không tin vào mắt mình. Báo Tuổi Trẻ cho biết: "Với Ban quản lý Dự án và Nhà thầu, Chủ tịch nước đề nghị, phải đẩy nhanh tiến độ công trình, không vì chuyện sập cầu mà làm chậm tiến độ thi công, đảm bảo thông xe vào cuối năm 2008. Chủ tịch nhấn mạnh: ‘Nếu để trễ một ngày là có tội với những người đã mất’."

Mô hình cầu Cần Thơ, dự định hoàn thành tháng 12.2008
Đúng 3 năm sau ngày khởi công xây dựng cây cầu hoành tráng nhất Việt Nam và Đông Nam Á (lễ động thổ diễn ra ngày 25.9.2004), tai nạn cũng lớn nhất trong lịch sử cầu đường Việt Nam đã xảy ra. Điều đáng chú ý là trong khi giới lãnh đạo các cấp liên quan tỏ ra hoàn toàn bất ngờ thì dư luận trong dân chúng đi theo hướng ngược lại. Trong hai ngày qua, 100 % những người dân bình thường mà tôi hỏi ý kiến đều cho rằng với cách làm ăn chụp giật, gian dối, vơ vét, tham nhũng, thành tích chủ nghĩa đang hoành hành tại Việt Nam hiện nay thì sớm muộn một tai hoạ như vậy nhất định sẽ phải xảy ra. Thảm hoạ Cần Thơ chỉ là mặt nổi của tảng băng và là cảnh báo cho những tai hoạ còn có thể lớn hơn.

Bất chấp thông tin về việc nhà thầu Nhật Bản là đối tác chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công khu vực xảy ra tai nạn, dư luận trong dân chúng không mảy may đặt một dấu hỏi nào với phía Nhật. Vì sao? Vì sự tin tưởng của họ vào các phẩm chất của người Nhật. Họ không tin phía Nhật lại làm việc cẩu thả. Họ không tin phía Nhật kém chuyên môn và kĩ thuật. Vậy không Nhật thì ai? Thiên tai chăng?

Nguyên nhân và trách nhiệm trong vụ này chưa được làm sáng tỏ, nhưng nếu thật lòng thì không ai trong chúng ta không bất giác nghĩ ngay đến những "tiêu cực" tràn ngập trong mọi khu vực của nền "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" Việt Nam, đặc biệt trong các công trình "trọng điểm quốc gia" như trường hợp Tượng đài Điện Biên Phủ hay Sân Vận động Mỹ Đình… (Cũng vào ngày xảy ra tai nạn tại Cần Thơ, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng năm 2007. Việt Nam không nhích lên được một phân nào trong điểm số chung. Sau năm 2005 xếp thứ 114 trên 159 nước, năm 2006 xếp thứ 118 trên 163 nước, năm nay chúng ta xếp thứ 123 trên 179 nước.) Niềm tin của dân chúng đối với năng lực và sự công minh, liêm chính của các giới lãnh đạo vốn đã không lấy gì làm lớn, những ngày này lại càng lung lay hơn. Những câu hỏi đầy cảnh giác và lo ngại đã vang lên khắp nơi: Nhật kí thi công đâu rồi? Hồ sơ thi công đâu rồi? Vì sao cho đến giờ phút này những chứng cứ quan trọng như vậy đều không được đưa ra? Không khéo sẽ có kẻ sản xuất ngay một bộ hồ sơ giả, sáng tác ngay một nhật kí giả, sẽ lắm thứ bị phi tang…

Trong lúc trò xiếc muôn thuở “Đi tìm trách nhiệm đã mất" diễn ra - mà đỉnh cao của nghệ thuật đi trên dây đầu tiên là tuyên bố của ngài Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về trách nhiệm thuộc về Nhà thầu Nhật Bản (còn Luật Xây dựng lại quy định chính Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư của dự án, mới là người chịu trách nhiệm chính); trong lúc những cơn mưa không có gì khác thường vào mùa này bỗng phải gánh chịu trách nhiệm (cho đúng với câu ca dao "Mất mùa là tại thiên tai / Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta"); trong lúc các báo cáo về số nạn nhân ở cùng một thời điểm vẫn bất nhất (như thể một hai cái xác thêm vào hay bớt đi không có gì quan trọng); trong lúc những hình ảnh cứu hộ đập vào mắt ta để cho ta ý thức hết sức rõ rệt về một Việt Nam tuy đầy tình người và tinh thần tương trợ trong khổ đau, nhưng còn rất thiếu thốn về phương tiện, lạc hậu về kĩ thuật, trì trệ và chồng chéo về tổ chức…, trong những lúc như vậy thì ông Chủ tịch nước không biết cách phát biểu nào tốt hơn là úy lạo và khích lệ bằng một kiểu tu từ cách mạng tuy thuận miệng ông, nhưng khó có thể lọt tai gia đình các nạn nhân và lọt tai dư luận.

Những nạn nhân của thảm hoạ Cần Thơ không phải là những chiến sĩ xung phong ra mặt trận và sẵn sàng ngã xuống vì một lí tưởng cao đẹp như thuở nào. Họ là những người nông dân, công nhân bán sức lao động nhọc nhằn của mình cho một đồng lương ít ỏi và thường xuyên bị trả chậm. Họ chấp nhận làm việc trong một môi trường kém an toàn vì không có một chọn lựa nào khác. Nhiều người trong số họ không có bảo hiểm. Có tội với họ, không ai khác ngoài những người để xảy ra tai nạn này. Khung hình phạt cao nhất của luật pháp Việt Nam dành cho tội vô ý (hay cố ý?) làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương là gì?

Còn lại, không một ai đang và sẽ tiếp tục thi công cầu Cần Thơ phải cảm thấy có tội với các nạn nhân này, dù công trình có chậm một ngày, một năm hay nhiều năm. Thảm hoạ Cần Thơ cũng như những ví dụ nhỡn tiền như Tượng đài Điện Biên Phủ và Sân Vận động Mỹ Đình đã cho thấy tác hại của lối tư duy bằng mọi giá phải "lập thành tích chào mừng" đúng một dịp kỉ niệm nào đó, đúng một thời gian nào đó, đúng một tiến độ nào đó. Thời gian để thi công, nghiệm thu và đưa một công trình quy mô như cầu Cần Thơ vào sử dụng là thời gian mà các yêu cầu chất lượng của công trình đó, cộng với những đặc thù của hoàn cảnh và điều kiện thi công quy định. Đó phải là thời gian do các chuyên viên kĩ thuật ấn định, không thể là thời gian do nguyện vọng của một nhà lãnh đạo chính trị áp đặt. Sự cố sập cầu đương nhiên đặt ra những hoàn cảnh mới. Thậm chí toàn bộ các khu vực thi công khác cũng cần phải tạm ngưng hoạt động để rà soát, còn bản thân hiện trường thì phải cần hàng tháng trời cho việc điều tra và thanh toán hậu quả. Trước khi có một sự đánh giá toàn diện và kĩ lưỡng của các chuyên gia về sự cố này mà ông Chủ tịch nước đã vội "chỉ đạo" theo tinh thần bằng mọi giá phải thông xe vào cuối năm 2008 đúng như kế hoạch định trước, tôi e là nói lấy được, nói mà không suy nghĩ. Và đem các nạn nhân của sự cố này cùng những đau khổ của gia đình họ ra làm áp lực tâm lí, áp lực đạo đức, nhằm đạt được một thành tựu hoành tráng trong con mắt của chính trị, theo tôi là không thể chấp nhận được.

Nếu cầu Cần Thơ quả thật được đưa vào sử dụng đúng kế hoạch cuối năm sau thì hi vọng đó không phải vì lời chỉ đạo của ông Chủ tịch nước. Một lời như thế buông ra thì dễ lắm, nhưng một cây cầu muốn an toàn lâu dài, cho những người làm nên nó và những người sẽ sử dụng nó, thì cần phải xây trên những nền móng vững vàng chứ không được phép xây trên những phát ngôn lung lay của các nhà chính trị. Cầu Cần Thơ sẽ vẫn còn đó, cho nhiều thế hệ con cháu chúng ta, còn ông Chủ tịch nước không thể muôn đời là Chủ tịch nước.

© 2007 talawas