Bình luận

01.07.2007

Hoàng Hưng

“Tự thu hồi” - một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan

Thời gian gần đây, lâu lâu trong giới văn chương tại Việt Nam lại rộ lên cái tin “Cuốn sách… vừa bị nhà xuất bản… ra lệnh tự thu hồi”. Lý do nêu ra thì đủ kiểu, nhưng chủ yếu là do người “liên kết” (tức công ty kinh doanh tư nhân tổ chức bản thảo và bỏ tiền in ấn, lo phát hành) không thực hiện đúng nguyên tắc “liên kết”, thí dụ như không đưa cho nhà xuất bản duyệt cái bìa mà cứ đem in (trường hợp cuốn Dự báo phi thời tiết của 5 cô nhà thơ “Ngựa trời” có cái bìa Trịnh Cung vẽ một cái linga dài thoòng), không cắt bỏ những đoạn “phản cảm” trong sách theo yêu cầu của biên tập (như cuốn I am đàn bà của Y Ban) v.v… Ai cũng biết, lý do thực sự của những vụ “nhà xuất bản tự thu hồi” đều là do nội dung của cuốn sách không vừa ý “các cơ quan chức năng” như Cục An ninh Văn hoá Tư tưởng (Bộ Công an), Cục Xuất bản (Bộ Văn hoá) và lệnh thu hồi thực sự là ban ra từ những chỗ đó.

Trường hợp “tự thu hồi” mới nhất vừa xảy ra là đối với cuốn truyện Cọng rêu dưới đáy ao của Võ Văn Trực (NXB Hội Nhà văn, in xong và nộp lưu chiểu quí 2/2007). Sau khi sách phát hành được gần một tháng, NXB mới có lệnh “tự thu hồi”. Lý do: bìa sách in sai tên Nhà xuất bản. Trong cuốn sách mà tôi nhờ mua được sau khi đã có lệnh thu hồi, dòng tên nhà xuất bản trên bìa đã bị bôi đen hoàn toàn. Những người thạo tin cho biết đó là dòng chữ “NXB Văn học”, và lý do in sai là bởi công ty tư nhân liên kết (Công ty Võ Thị) trước đó đã đưa bản thảo cuốn sách cho NXB nói trên để xin phép xuất bản, và nhanh nhảu in ngay cái bìa trước khi có được giấy phép. Rồi vì lý do nào đó (có thể NXB Văn học nhạy cảm cao, nên đã không dám cấp phép cho cuốn sách), công ty Võ Thị vội chuyển bản thảo qua NXB Hội Nhà văn, rồi khi được phép của NXB này, họ đã “quên” sửa cái dòng chữ trên bìa!

Chỉ cần đọc qua cuốn sách chưa đầy 200 trang của Võ Văn Trực, người ta hiểu ngay bản chất của lý do nó bị thu hồi. Thậm chí chỉ cần đọc lời giới thiệu đàng sau cuốn sách:

“Trước đây, với cuốn Chuyện làng ngày ấy, Võ Văn Trực đã cất tiếng kêu cứu về làng quê mình bị tàn phá. Qua cuốn sách này, tác giả đã chứng minh một chân lý: phá hoại văn hoá sẽ dẫn đến phá hoại lương tâm và con người dễ trở nên độc ác.

Trong Cọng rêu dưới đáy ao, một lần nữa, tác giả lại cất tiếng kêu cứu. Võ Quang Hiền, nhân vật chính trong truyện, đã hăm hở hiến cả tuổi xanh tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Kháng chiến thành công, rời quân ngũ về làng, Hiền ghi vào nhật ký: “Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”.

Nhưng nào có được yên thân. Cọng rêu bị sóng dồi lên dập xuống xơ xác. Hiền chỉ nuôi một ước mơ bình thường: góp sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng gia đình và làng xóm yên vui sau chín năm chinh chiến. Nhưng vì chính sách sai lầm và sự hẹp hòi, đố kỵ, dù nỗ lực đến mấy, Hiền cũng phải hứng chịu từ thất bại này đến thất bại khác. Cuối cùng, Hiền đành bó tay, kết thúc cuộc đời trong nghèo khổ và bệnh tật.

Rất tiếc là nhân vật Võ Quang Hiền đã mất trước thời Đổi mới. Nhưng sự thất bại khốn khổ của ông vẫn luôn là bài học phản biện đối với bất kỳ ai nắm vận mệnh của nhân dân. Nếu đề ra những chính sách sai lầm, sẽ đẩy số phận của nhiều con người và có thể của cộng đồng vào chân tường và bao người phải chịu đựng những bi kịch khủng khiếp.” (Lời giới thiệu của công ty Võ Thị - tôi tô đậm những lời này)

Phải chăng chính lời giới thiệu trên đã khiến các nhà quản lý xốn con mắt, nên làm áp lực buộc nhà xuất bản phải “tự thu hồi” cuốn sách? Bởi, tuy rằng đã cẩn thận bày tỏ “rất tiếc… trước thời kỳ đổi mới”, tức là muốn nói đây là câu chuyện thuộc về quá khứ, sai lầm của chính sách là thuộc về quá khứ rồi, chứ còn thời này(sau Đổi mới) thì tốt đẹp lắm, lời giới thiệu vẫn công khai cảnh báo khả năng những người “nắm vận mệnh của nhân dân” “đề ra những chính sách sai lầm” có thể “đẩy cộng đồng vào chân tường”. Và đó chính là cảm nghĩ của tôi (tôi tin là những người khác cũng vậy) khi đọc Cọng rêu dưới đáy ao. Một cảm nghĩ tích cực, một lời nhắn gửi đầy trách nhiệm đối với đất nước, nhưng lại thật khó chịu trong con mắt những người “bảo hoàng hơn vua”.

Ít lâu nay, có thể ghi nhận sự thay đổi của nhà chức trách trong cách đối xử với các cuốn sách “có vấn đề”. Hầu như không còn thấy những lệnh thô bạo, trắng trợn chà đạp luật pháp và lương tri như đốt sách, nghiền sách thành bột, ban ra từ những cấp rất cao. Đó là một bước thắng lợi của tinh thần dân chủ ngày càng lên cao trong xã hội, mà trực tiếp là phản ứng thẳng thắn của những người có tâm huyết với nền văn hoá nước nhà trên các diễn đàn trong, ngoài nước. Thay vào đó là chiêu thức “tự thu hồi của các nhà xuất bản”.

Có điều, tôi thực sự không hiểu chiêu thức trên có lợi gì cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” một khi lệnh thu hồi chẳng bao giờ khả thi mà chỉ giúp cho các cuốn sách bị thu hồi được săn tìm và một số người in sách lậu vớ bở, còn nhà nước tiếp tục mang tiếng là hẹp hòi, thiếu dân chủ trong lĩnh vực văn hoá? Nó có gì khá giống cái dòng… (toà báo tự ý đục bỏ) nhan nhản trong báo chí chế độ Sài Gòn một thời tồn tại Nha Kiểm duyệt.

Xem ra việc ép nhà xuất bản tự thu hồi sách là một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan của nhà quản lý văn hoá. Thoái thì sợ các nhà văn, các nhà xuất bản hiểu lầm là "đã cởi trói" và "làm tới"; tiến thì chẳng thể nào thẳng cánh như trước, mà lại hóa ra quảng cáo không công cho sách "có vấn đề".

Con đường để nhà quản lý văn hoá thoát khỏi tình thế kia thật ra rất đơn giản: hãy thật lòng "cởi trói" cho người viết, để họ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước pháp luật.

© 2007 talawas