Bình luận

18.02.2008

Hoàng Hưng

Khát vọng dân chủ lên tiếng trong một đám tang

Vào một ngày đầu xuân Mậu Tý, đám tang người chiến sĩ dân chủ Hoàng Minh Chính đã diễn ra tốt đẹp tại Hà Nội ngoài sự chờ đợi của những người ngưỡng mộ Cụ.

Sự xúc động chân thành, lòng tôn kính hiếm thấy thể hiện trong đám tang, của gia tộc, bạn bè, đồng chí của Cụ và các trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, đến những người dân thường chỉ biết đến tên Cụ bị bôi nhọ qua hệ thống thông tin của chính quyền, là một lời khẳng định: những nhân cách lớn lao, những tâm huyết chân chính đối với dân tộc này không bao giờ bị quên lãng.

Luật sư Trần Lâm đọc điếu văn

Chưa từng bao giờ có thể vang lên giữa thanh thiên bạch nhật tại thủ đô nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những lời khẳng định như thế này về một nhà đối lập chính trị đương thời:

“Cụ đã bị qua ba lần tù đày gần hai mươi năm trời vừa bị giam giữ và quản chế. Song đến nay, thực tế phát triển của xã hội đã chứng minh rằng những luận điểm của Cụ hoàn toàn đúng đắn.

Cuộc đời của Cụ là một chuỗi dài những năm tháng đấu tranh gian khổ, chiến đấu liên tục vì nền độc lập của đất nước. Cụ là một chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho tự do dân chủ hóa đất nước, đến tận hơi thở cuối cùng.

Cụ Hoàng Minh Chính đã đến với chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một thanh niên yêu nước, dũng cảm khát khao vì độc lập cho dân tộc, và Cụ cũng đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một trí thức yêu nước . 

Mọi thứ có thể đổi thay, nhưng trái tim yêu nước, lòng tận tụy vì nhân dân của Cụ Hoàng Minh Chính không bao giờ thay đổi.

Trái tim yêu nước và lòng tận tụy vì nhân dân của Cụ, cũng như tất cả những gì mà cuộc đời cụ đã trải qua, rồi sẽ được ghi vào lịch sử. Cụ xứng đáng được ghi nhận trang trọng trong trang sử của dân tộc Việt Nam. Hậu thế sẽ phán xét công bằng.

Cụ đã sống xứng đáng một kiếp người. Cụ đã thực hiện được lời của người xưa “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” nghĩa là giàu sang không sa đọa, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”.

(Trích điếu văn của luật sư Trần Lâm đọc trong tang lễ Cụ Hoàng Minh Chính)

Đám tang Cụ Hoàng Minh Chính cũng là dịp đầu tiên quy tụ công khai cả đại gia đình dân chủ Việt Nam. Anh Nguyễn Tiến Trung dẫn đầu đoàn thanh niên dân chủ đầu chít khăn trắng như đưa tang người anh cả trong nhà. Anh Nguyễn Vũ Bình là người rước chân dung Cụ đi trước linh cữu trong vị trí của một người con trai (Cụ chỉ có ba người con gái). Tự nguyện đến dự đám tang của Cụ, nhiều người trước đây chỉ dám âm thầm yêu dân chủ, nay biết rằng hình ảnh, tên tuổi của mình sẽ được ghi chắc vào sổ đen của cơ quan an ninh, nhưng ai cũng công nhiên bộc lộ niềm ngưỡng mộ người chiến sĩ dân chủ đầu đàn, tức là công khai bộc lộ lý tưởng dân chủ của mình. Nhiều người chỉ biết nhau trên các mạng thông tin độc lập, nay mới có dịp gặp nhau, thăm hỏi, động viên nhau. Chỉ vài phút thôi, rồi ai đi đường nấy, lại mỗi người một cuộc chiến đấu âm thầm không ít gian khổ hy sinh trong điều kiện, vị trí của mình. Nhưng từ hôm nay, rõ ràng trong lòng họ có một điều gì rất mới mẻ, lớn lao. Họ biết là mình không cô độc.

Đám tang nhân vật biểu tượng cho khát vọng dân chủ cho thấy vào năm 2008 này, khát vọng dân chủ đã đầy ắp trong tim của bộ phận tâm huyết nhất của dân tộc Việt Nam. Vui mừng thay cho dân tộc ta đang tiến vào một kỷ nguyên cải thiện căn bản mức sống vật chất của mình nhưng đồng thời cũng bước vào nguy cơ chủ nghĩa tiêu dùng thực dụng giết chết cái đẹp tâm hồn, nay đã xuất hiện một lý tưởng cao đẹp thực sự gắn bó chúng ta, vượt lên trên tất cả những toan tính nhỏ nhoi, nhiều khi thấp hèn, của cuộc sống áo cơm danh lợi hàng ngày, vượt qua nỗi sợ vô hình truyền đời khiến chúng ta trở nên vô cảm trước cái xấu, cái ác.

Không thể so sánh về quy mô, nhưng về ý nghĩa đối với sự thức tỉnh lý tưởng dân tộc, có thể so sánh đám tang người Chiến sĩ Dân chủ Hoàng Minh Chính năm 2008 với đám tang nhà Chí sĩ Yêu nước Phan Chu Trinh năm 1926.

(Ảnh trong bài đều của tác giả.)

© 2008 talawas