© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.11.2002
Tạ Duy Anh
Đi tìm nhân vật
tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Chương V


Hôm sau tôi không trở lại phố G như kế hoạch bởi một sự kiện gây chấn động dư luận: Bạn vong niên của tôi, tiến sĩ N, đồng thời là nhà văn (như sau này tôi biết thêm) đã tự sát sau khi giết chết người vợ trẻ kém anh hơn chục tuổi. Tôi sẽ còn nguyền rủa tôi vì biết tin quá chậm. Khi tôi có mặt thì hiện trường đã được thu dọn và đành tìm hiểu sự việc qua bản báo cáo, giám định của cơ quan điều tra.

Vào quãng 4 giờ sáng, mọi người trong khu tập thể nghe thấy có tiếng phụ nữ thét lên rồi tắt lịm ngay. Khi mọi người, tất nhiên là sau vài giờ, phá được cửa vào thì thấy tiến sĩ N ngồi gục trên ghế, trước mặt là cuốn Kinh Thánh - một cuốn sách mà ông vẫn nguyền rủa khi còn sống vì "sự bịa đặt trắng trợn" - như lời ông vẫn nói. Ông tự sát bằng một viên thuốc kịch độc. Vợ ông bị đập bằng búa vào trán, nằm như ngủ - ngoại trừ vết tím đen - trên giường, tấm chăn mỏng kéo đến cổ. Ðiều đó chứng tỏ tiến sĩ N đã đặt vợ nằm ngay ngắn rồi mới đến bên bàn giở cuốn Kinh Thánh ra đọc và uống thuốc độc.

Ngay lập tức cả một câu chuyện lâm li bi thảm được dệt lên quanh cái chết kỳ lạ kia. Ða số mọi người cho rằng vợ tiến sĩ N có quan hệ bí mật với một người đàn ông nào đó và một trí thức danh giá như tiến sĩ N thì tất nhiên thà chết còn hơn bị làm nhục.

Rất ít người biết mối quan hệ thân thiết giữa tiến sĩ N và tôi. (Giả sử tôi nói ra điều này sẽ bị đủ thứ nhạo báng, cho rằng tôi làm sang bởi không có lý do gì để tiến sĩ N, một người nổi tiếng, đầy uy danh lại hạ mình chơi với một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi. Ðiều này có thể khiến tôi lao đao bởi sự chế giễu. Vì thế tôi quyết định im lặng). Tôi là kẻ không được ai biết đến trong đám tang vợ chồng ông. Lặng lẽ đưa ông tới nơi an nghỉ, tôi trở về nhà trong một trạng thái mệt mỏi, hoang mang, đầy nghi hoặc và vô cùng chán nản. Tôi tự đặt ra vô số giả thiết rồi lại tự phủ nhận bởi nó bị chính những hồi ức về ông của tôi, chống lại.

Có thể nói tiến sĩ N là một người hoàn hảo, nghĩa là rất khó tìm ra một điểm gì có thể chê trách ông. Ông là hình mẫu lý tưởng của một con người tự mình làm nên sự nghiệp, một nhà khoa học tận tụy, một công chức mẫn cán, một người đàn ông điềm đạm và đức độ. Ông biết nương theo thời thế để sống và hiến mình cho sự nghiệp chung - một cách đánh giá phổ biến và chính xác. Mãi năm bốn mươi tuổi ông mới lập gia đình, với một người sùng mộ ông nguyện hy sinh đời mình cho ông. Chỉ duy nhất một điều làm ông phiền muộn là họ vẫn chưa có con.

Tiến sĩ N đảm nhiệm một lúc khá nhiều công việc và khi nhận thêm chức vụ nào đó ông đều tỏ ra mừng rỡ. Tuy luôn nghĩ những điều cao siêu, nhưng tiến sĩ N cũng là người rất cụ thể, tỉ mỉ, chắc chắn chăm lo cho tổ ấm. Từng khoản thu nhập, từng khoản chi tiêu, các kế hoạch mua sắm... đều được ông quan tâm một cách hào hứng. Trước một món tiền thù lao, tiền biếu... ông đều đếm kỹ, lọc tờ mới bỏ riêng ra một chỗ. Ông ăn uống theo thực đơn, ngủ nghỉ theo giờ. Ngay cả việc chăn gối ông cũng có lịch, không bao giờ để những cơn ngẫu hứng chi phối. Ông biết ghìm niềm vui, nén nỗi buồn để giữ cho huyết áp không tăng giảm đột ngột. Trong cuộc sống ông không thiếu những mẹo nhỏ để làm cấp trên vừa lòng; không thiếu sự khôn khéo đẩy trách nhiệm cho người khác; không thiếu khả năng giả bộ ngây ngô, đãng trí khi cần biết chi tiết một chuyện nào đó liên quan đến lương bổng, nhà cửa, đi nước ngoài, làm đề tài khoa học, tránh trả lời thẳng cấp trên những gì đưa tới sự mạo hiểm, từ chối công việc không có lợi hoặc được cái này mất cái khác... Ông cũng biết để dành sự nói dối. Chưa bao giờ và chưa khi nào ông hấp tấp khi đưa ra những ý kiến mang tính chất cá nhân. Với các chủ trương, chính sách, phương châm ứng xử của ông là chân lý hóa nó. Với cấp trên ông luôn luôn biết dốt hơn để được nghe họ dạy bảo. Một chi tiết điển hình cho tính cách ông là, khi bắt tay người khác ông đều dùng tay kia vuốt mu bàn tay khách, tỏ ý quý trọng. Một bận có vị thủ trưởng đến thăm ông. Trước đó ông bỏ công tìm hiểu và biết ông ta dốt đặc các loại văn hóa cổ. Vì thế hôm đó giá sách của ông chỉ toàn sách chính trị khiến vị khách của ông có thể tự tin rút cuốn này, cuốn khác tranh thủ giảng giải. Tóm lại, với vẻ bề ngoài, ông là đại diện mẫu mực cho tầng lớp của ông. Ðó là những con người trung thành với truyền thống ái quốc theo kiểu Nho gia?

Thế mà một người như ông, lại có những giây phút bị kích động đến mức cầm búa giết vợ thì thật phi logic. Nó gợi người ta nhớ tới nhân vật bị quỷ cám dỗ của nhà văn "quỷ ám" - như chính lời của ông mỗi khi bực bội nhắc đến Doxtôiépxki.

Với riêng tôi, mọi việc đều có chiều hướng rơi vào ngõ cụt, tựa như cảm giác đi vào con đường hầm mà mỗi khoảng tối vừa là sự mở ra, vừa là sự khép lại.

*

Ðây là lần thứ hai tôi rơi vào tâm trạng này. Lần đầu tiên chính là khi tôi thử lội ngược về quá khứ để cố lần ra đầu mối của tấn bi kịch trong đó cụ nội, ông nội, bố tôi - và cứ theo logic ấy - sẽ bao gồm cả tôi bị đẩy ra sân khấu. Tôi lờ mờ cảm thấy có một sự trục trặc gì đó từ phía lịch sử khiến chúng tôi bị cuốn vào một cuộc chơi tàn khốc, trong đó tất cả biến thành những kẻ bị săn đuổi. Nhưng hồi đó, thay vì tìm được bằng chứng lịch sử, tôi thấy mình bị tước hết vũ khí để chống lại nỗi cô đơn. Tôi, giống như kẻ bị chọc mù, càng đi càng lạc sâu vào khu rừng rậm huyền bí.

Cuối cùng còn lại trong tôi chỉ là một vài hồi ức đau buồn càng làm đậm đặc thêm khoảng tối đen ngòm trong con đường hầm định mệnh, mà ở đó tôi hy vọng tìm ra lối thoát.

Cha tôi bị vu cáo chính trị - hồi đó người ta thà tin kẻ vu cáo còn hơn để lọt một kẻ có tư tưởng bất mãn. Ông có đủ tiêu chuẩn để thành một tên nguy hiểm: biết cả tiếng Pháp lẫn chữ Nho, trên kệ sách có Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tân Ước và những bài thuyết pháp của Phật. Chính những thứ này trở thành vật chứng chống lại ông tại một cuộc xét hỏi do gã mắt toét tiến hành. Gã ăn mặc bẩn thỉu, chiếc cổ màu da trâu gợn lên từng bờ ghét, biểu tượng của những lương tâm trong sạch và đáng tin hồi đó. Gã có cặp mắt màu da đồng, khi nhìn như tỏa ra những tia sáng lạnh lẽo khiến người khác phải rùng mình. Thoạt đầu gã ra lệnh xử tử những cuốn sách, thứ mà bọn chó má nghĩ ra để ru ngủ nhân quần! Ðích thân gã xé nát từng trang rồi xéo lên một cách hả hê.

Như sau này tôi may mắn đọc trộm được chút ít trong cuốn sổ của cha tôi, tại đó, ông không kể lại chi tiết cuộc xét hỏi, mà chỉ cho biết hôm đó ông thấy mình minh mẫn lạ thường. Ông như bừng ngộ một điều gì đó trước đấy vẫn mù mịt trong trí não. Ðiều bừng ngộ ấy cho ông biết rằng, ông đang ở trong tay lũ quỷ sứ và chỉ có hai cách lựa chọn: Bán linh hồn để giữ thể xác hoặc ngược lại.

Tôi không biết cha tôi chọn cách nào. Chỉ biết rằng khi ông trở về với mẹ con tôi, ông như người bị hút kiệt sinh lực. Những ngày tháng cuối đời cha tôi chỉ ở trong căn buồng vừa đủ sáng để ông viết lách - trong đó có cái điều tôi vừa kể - đau đớn đến cực độ. Ông cấm tôi bén mảng đến gần cửa buồng. Cũng nhờ những lần tò mò ấy tôi mới biết cha phải vật lộn ghê gớm như thế nào để chống lại cái chết. Cha thấy nó từng khắc một, kiên nhẫn, lạnh lùng như một tên đầu sai của số phận, chờ từng phút để đem cha đi.

Cha tôi bắt đầu mê sảng và ngày một nhiều. Ông thường rú lên như bị con ác thú dồn đến cùng đường, chuẩn bị móc mắt, moi tim gan ông. Sau mỗi bận như thế ông thở dữ dội, vật vã một mình trong đêm tối. Ông nói lảm nhảm những điều rất lạ rồi gào lên nguyền rủa số phận. Chỉ khi mẹ tôi rón rén trở dậy vào với cha thì cơn đau của ông mới dịu đi đôi chút. Cha nói gì đó với mẹ và một lần như thế tôi biết rằng cha vẫn gửi đi đâu đó những lá thư - do mẹ tôi bí mật đem ra bưu điện - và đang chờ hồi âm. Nỗi chờ đợi của cha khắc khoải trong tuyệt vọng rồi lại lóe lên chút hy vọng. Vì thế ông có vẻ vẫn chưa muốn chấp nhận định mệnh khi ông luôn luôn hướng ra cửa.

Một bận tôi thấy cha thì thầm hỏi mẹ:

- Ðã thấy ai về chưa?

Mẹ tôi đáp:

- Chắc là sắp!

Tôi tự hỏi: Không biết người cha mong là ai? Có thể ông ta có phép mầu gì chăng. Sau đó cái điệp khúc "Ðã thấy ai về chưa?" thường được cha kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại cùng với những cái nuốt khan. Cho tới tận lúc qua đời người mà cha tôi chờ đợi vẫn biệt vô âm tín. Nhưng cha tôi vẫn ngóng ra cửa, vẫn hy vọng được gọi. Tôi vẫn bị cấm vào phòng cha - mặc dù tôi luôn tìm cơ hội để cưỡng lại - nơi giờ đây cha không còn sợ bị rượt đuổi nữa. Thay vì lo sợ cho cha, cha lo sợ cho số phận tôi và vì thế lúc hấp hối ông còn cố hỏi mẹ: "Chả lẽ đến giờ vẫn không ai nghe thấy lời tôi?". Mẹ tôi phải nói dối: "Có chứ! Chỉ nay mai thôi!".

Mẹ tôi thực hiện nghiêm túc lời cha, nghĩa là không cho tôi biết mảy may những bí ẩn có liên quan đến tôi. Sau khi cha tôi qua đời, những gì ông để lại mẹ đều cất cẩn thận và không bao giờ - cho đến khi mẹ đưa tôi rời làng đi nơi khác - tôi biết gì thêm ngoài những lời xì xào của mọi người, trong đó có một chi tiết tôi biết chắc chắn: Cha tôi chết đơn độc, trong bóng tối, mặt hướng ra cửa. Ông đã gọi nhưng không một ai nghe thấy.

*

Giống như một người bị ném vào đêm tối mịt mùng, tôi chỉ còn cách bám vào sợi dây nối giữa tiến sĩ N và tôi, đó là những kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ vẫn là cái ngày đầu tiên chúng tôi đến với nhau, bắt đầu một tình bạn vong niên.

Tôi là người thích sống lánh mình - có thể do mặc cảm cô đơn thời niên thiếu - nên rất ngại những cuộc tụ họp. ở xứ ta, dường như không tụ họp để cùng đem một kẻ nào đó ra "ăn sống nuốt tươi" chẳng khác nào người Pháp không uống rượu vang, người Tây Ban Nha không xem đấu bò, người Anh ra đường không đội mũ phớt. Mỗi dân tộc có một thói quen đáng kính để người ta phân biệt họ với người xứ khác. Thích bàn tán những chuyện cao siêu, tiện thể hạ bệ một kẻ có đầu óc lập dị là khoái cảm, đồng thời tạo ra một phần tính cách của người xứ ta. Khoái cảm này có căn nguyên lịch sử: Nỗi uất ức vì phải dùng lại những thứ của người khác. Nó cắm rễ vào đời sống tinh thần cộng đồng và vì thế không thích thì chỉ còn cách lặng lẽ tránh đi.

Vậy mà tôi không sao từ chối được lời mời viết một bài tham luận cho cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia, với chủ đề: Sự uyển chuyển trong tính cách của người Việt. Chấp nhận của tôi có lý do riêng liên quan đến người chủ trì hội nghị, giáo sư M. Ông là người hồn hậu, không giấu giếm ý định giữ chân viện trưởng khi thấy ông viện trưởng đương nhiệm gặp một vài vấn đề rắc rối. Ông muốn cuộc hội thảo này gây được tiếng vang, mặc dù, như ông nói - ông thật đáng kính về sự thật thà! - đàn gảy tai trâu mà thôi.

Bài viết của tôi có tựa đề: Ðọc lại bốn truyện cổ tích được đem ra dạy trẻ con. Ðể cho nhiều vị giáo sư, tiến sĩ - trộm vía các vị - chưa đọc bốn truyện trên khỏi rơi vào tình trạng nghe chay, tôi chép lại nội dung của từng truyện một, vì thật may là nó không tốn nhiều thì giờ lắm.

Truyện thứ nhất : Rùa chạy thi với thỏ.

Truyện thứ hai : Trí khôn của ta đây.

Truyện thứ ba : Tấm Cám.

Truyện thứ tư : Mỵ Châu - Trọng Thủy. (1)

Trong truyện đầu chúng ta dạy con em sự khôn lỏi bằng cách nói dối. Kẻ bị đem chế giễu là kẻ trung thực. Nói theo cách ngày nay thì nó được khái quát hóa bằng câu "Thật thà là cha thằng dại".

ở truyện thứ hai - tôi dừng lại để thăm dò cử tọa. Ða số các vị đều chuyển từ bực tức, do họ cho rằng tôi biến họ thành lũ trẻ đến để nghe tôi đọc truyện cổ tích, sang thái độ cảnh giác - ở truyện thứ hai - tôi tiếp - sự khôn lỏi đã được đẩy lên thành trí khôn và để đạt được nó thì phải lừa dối. Lừa dối trở thành phương tiện để đạt mục đích và nó được sự cổ vũ của sự dốt nát. Liên minh này, như các vị thấy, khá là bền vững trong lịch sử. Muốn duy trì, nó buộc phải bưng bít sự thật và kẻ nào hoài nghi chân lý do nó ban phát, kẻ đó lập tức lên giàn hỏa thiêu. Chúng ta có ngay bằng chứng sống động ở truyện thứ ba. ở truyện này, mối liên kết có vẻ có lý do hơn. Nhưng khi lý do đó bị vượt qua thì nó trở về y như mối liên kết ở truyện thứ hai: Con người bị chi phối bởi một thiết chế quyền lực. Giống như cỗ đại bác bị đứt xích trong tác phẩm của V. Hugo, tàn phá không còn là ý muốn riêng tư của nó nữa. ở truyện này cái thiện bị nhân danh và trở thành thảm hại trước cái ác. Ngoài ra ta thấy chúng như những tóm tắt của lịch sử mà người dẫn chuyện có thể tùy ý thêm bớt, thỏa mãn sự ngẫu hứng. Và tôi vẽ ra một sơ đồ hóa thân như sau:

Con rùa Người thợ cày Cô Tấm.

Ðồng minh của nó là:

Những mô đá Con trâu Nhà vua.

Phía bên kia là:

Con Thỏ Con Hổ Cô Cám.

Kẻ chiến thắng ở cuộc chiến này là quỷ và sự lừa dối.

Bây giờ tôi bàn đến truyện cuối cùng. Tôi cho rằng cuối cùng thì cái hạt nhân minh triết trong tư tưởng của người Việt đã lóe sáng. Một khi nó lóe sáng thì mọi thiết chế quyền lực sụp đổ, mọi mưu toan độc ác, lừa dối... đều vô nghĩa, hiển hiện một viên minh châu đã cứu chuộc mọi lầm lỗi, ngu muội. ở đó chỉ còn lại chân lý tối thượng, biểu hiện ra bằng tình yêu. Và những chiếc lông ngỗng không phải là kẻ chỉ điểm, không phải là minh họa cho sự khờ dại mà nó đánh dấu con đường đi đến sự vĩnh cửu.

Tôi kết luận: ở chỗ nào con người cảm nhận rõ sự thất bại của đời sống hữu hạn với hằng hà các mối ràng buộc, các thiết chế... thì ở đó văn hóa tỏa sáng.

Khi tôi kết thúc bản tham luận, theo thói quen, tôi vỗ tay và đó là tiếng vỗ tay duy nhất. Tôi thấy các cử tọa quay sang nhau bàn tán và tôi bị biến thành thằng phi lịch sử, kẻ vong ân, đứa qua mặt các cụ.

Những đòn hội chợ nện vào tôi chỉ thực sự bắt đầu vào ngày hôm sau, được khơi lên bằng một bài báo, trong đó tôi bị gán cho chẵn 10 tội. Nghe nói có vị bị lên cơn xuyễn, thề sẽ băm tôi ra làm trăm mảnh. Có vị ước mình đừng là trí thức mà là đồ tể, sẽ móc mắt tôi trước đám đông. Có cả một bài viết, chép tay nhân bản, có cái tựa đề: Thằng Quý hiếp cô Tấm bà con ơi! Trong đó tôi bị quy tội làm nhục một hình tượng bất hủ là người đàn bà. Theo tác giả: Bác nông dân, con rùa, con trâu... sẽ kéo lịch sử nước ta đi vào cõi vinh quang, là hình ảnh tượng trưng của một nhân dân cần cù, thông minh, quật khởi... nay một tên vô danh, vong ân... dám xét lại lý lịch cũng như hành vi của họ. Hắn đáng tội gì đây?

Trước đòn hội chợ, trước những bậc trích dẫn cao thủ, tôi chỉ còn cách im lặng. Tuy thế không khỏi có lúc tôi thấy bị cô độc. Tôi thường - những lúc ấy - một mình tìm đến quán cà phê vào loại hẻo lánh nhất thành phố, để được yên tĩnh suy nghĩ những điều không thể không suy nghĩ. Chính ở đó, vào một hôm tiến sĩ N, sau khi tin chắc rằng không có ai biết ông, đã chủ động làm quen với tôi. Ông bảo rằng ông đã mất khá nhiều thời gian để tìm được đến đây. Chúng tôi uống cà phê và lặng lẽ thăm dò nhau. Cuối cùng ông, với ánh mắt xa xăm nói:

- Chu Quý này, cậu đã xem bộ phim Bạch Tuộc chưa? Mình muốn cậu lưu ý đến một câu trong đó, đại thể: "Lịch sử là những gì người ta tin, hơn là những gì diễn ra".

Ngay lập tức ông im lặng, cảm thấy hối hận vì đã nói với tôi cái điều có lẽ giữ trong lòng thì hơn. Tôi không trả lời ông, chỉ nhắc lại: "Bộ phim ấy còn có tên là Một mình chống lại Mafia. Tôi thích cái tên đó hơn".

- Vì nó hợp với hoàn cảnh của cậu, đúng không?

Nhưng ngay cả những ngày sau chúng tôi vẫn không ai chủ động phá bức tường ngăn vô hình giữa chúng tôi, được dựng lên chủ yếu do tuổi tác, quan niệm, chính kiến. Bỗng một hôm ông tỏ ra rất có hứng. Ông gọi thêm hai ly cô-nhắc nhỏ và thú nhận: Tự dưng tôi như thấy mình thoát ra khỏi một tấm lưới nào đó, không còn cảm giác sợ hãi nữa. Nào, chúc mừng cậu!

- Về cái gì? - Tôi tò mò và cảnh giác nhìn ông. Ông nuốt hớp rượu đầy khoái thú, chậm rãi nói:

- Tôi suy nghĩ rất nhiều về những ý kiến của cậu được nói ra một cách mạo muội trong cuộc hội thảo hôm nọ. Tôi không bàn đến khía cạnh học thuật hoặc sự phát hiện của cậu về tính cách người Việt. Về mặt đó, chỉ cần cậu đọc cuốn tục ngữ, ca dao Việt Nam cậu sẽ thấy. Có thể khái quát một cách hơi thô thiển thế này. Ðể khẳng định một cái gì đó, người Anh bảo: có; người Ðức bảo: chắc chắn như vậy, không thể khác được; người Mỹ - dân tộc phi lịch sử - bảo: hiển nhiên rồi; người Trung Quốc bảo: luật Giời đã định thế rồi. Còn người Việt Nam mình, trước hết hãy xem thiên hạ nói gì mới trả lời: Ðể còn xem xem đã? Tôi ít thấy dân tộc nào dung hòa các mặt đối lập giỏi như dân tộc Việt. Nhưng tôi nói để vui thôi. Cái tôi thèm khát ở cậu là tinh thần tự do. Tôi không bao giờ có cái tinh thần ấy. Cậu tưởng tôi không từng suy nghĩ như cậu ư? Tôi từng tìm và khẳng định có một mối liên hệ giữa mô đá, con rùa, bác thợ cày, con trâu, cô Tấm với các thiết chế quyền lực từng chi phối lịch sử. Chẳng hạn theo tôi, Cải cách ruộng đất là một dị bản của truyện Tấm Cám, đúng hơn là một chương nối dài. Và như vậy, những vận đen của lịch sử có điểm bám rễ rất sâu - Nói đến đây ông ngước nhìn lên trời - Ôi, giá như tôi có thể tự do như mây, như gió...

Ông thở dài và lại thu mình vào chiếc vỏ của người cầu an. Bây giờ ông chỉ còn việc là tìm cách xoá đi trong tâm trí tôi những điều ông vừa nói vượt khỏi hệ thống mà ông chấp nhận như một định mệnh. Phương pháp của ông nhiều khi rất đáng thương hại. Chẳng hạn ông nói lung tung về một vấn đề gì đó để chứng tỏ những điều ông nói là không đáng tin, hoặc tự dưng ông ra sức ca ngợi một nhân vật nào đó mà cái tên cùng với vị thế của ông ta đủ đảm bảo cho người ca ngợi một lập trường chính trị.

Thường thường những buổi như vậy chúng tôi chia tay khá tẻ nhạt và ngượng ngập. Ông gật đầu chào tôi rồi quay đi, cắm cúi bước.

Có một dạo tiến sĩ N không muốn tìm tôi. Cũng là dạo ông có nhiều bài viết, nhiều cuộc đăng đàn được giới phê bình tán thưởng. Ông viết trôi chảy, cẩn thận, viện dẫn nhiều tên tuổi kinh điển ở những chỗ cần bộc lộ quan điểm của mình. Ðó là cái cách khôn ngoan nhất để biến một bài viết vô giá trị về mặt tư tưởng, học thuật, thành một món hàng có giá trị cao về vật chất.

Khi chúng tôi nối lại các cuộc gặp gỡ, do thói quen và tưởng đó là cách xóa đi những rào chắn, tôi nói là có đọc một số bài viết của ông. Tiến sĩ N nhìn tôi như nhìn một thằng khốn nạn, không kìm nổi sự giận dữ:

- Cục cứt! Cục cứt! Cục cứt!... - Anh uống nước đi. - Nói rồi ông húp chén nước nóng loạp xoạp, ho tưởng vỡ lồng ngực.

Hôm đó, suốt từ đầu đến cuối chúng tôi chỉ im lặng ngắm bầu trời ban đêm trong mảnh sân nhỏ của ông. Khi ra về ông tiễn tôi xa hơn, lần tìm tay tôi, bóp thật mạnh và không muốn buông ra, giọng ông trầm xuống.

- Tôi cô đơn quá! Cậu thứ lỗi...

Những đêm sau mối quan tâm của chúng tôi vẫn là những vì sao lạnh giá trên bầu trời. Chúng tôi đều không biết mình tìm gì ở đó. Thỉnh thoảng vợ ông lặng lẽ, nhẹ nhàng đến ngồi xuống cạnh ông và cả hai chúng tôi đều chợt tỉnh ngộ, cảm thấy mình rất vớ vẩn. Chị không đẹp nhưng mặn duyên, giọng nói khá ấn tượng. Tiến sĩ N, khi có vợ ở bên, tỏ ra là một người thích đùa. Ông thường làm vợ ông và tôi cười bằng những sự giả ngố rất đáng yêu. Ðáp lại vợ ông ân cần quan tâm đến chúng tôi như một chị bảo mẫu săn sóc hai đứa trẻ. Bao giờ sự có mặt của chị cũng khiến tôi vừa an lòng, vừa khao khát cuộc sống gia đình. Vì thế mọi giả thuyết, dù chỉ lóe lên trong đầu tôi về sự kiện dường như không thể hiểu nổi liên quan đến cái chết của vợ chồng tiến sĩ N, giống như một sự xúc phạm đến vong linh họ. Tôi tự thấy xấu hổ và đành rẽ vào ngõ cụt còn hơn để cho ý nghĩ đi xa hơn.

Tôi tiếp tục nhớ thêm được một vài chi tiết khác lạ về tiến sĩ N. Chẳng hạn có lần, sau khi từ nhà ông X nào đó trở về, ông đến thẳng chỗ tôi, rửa tay, lau mặt, khạc nhổ rất kỹ rồi bằng nét mặt cau có ông nói về một câu chuyện ngụ ngôn đại ý, nếu ném ngọc cho một con lợn sẽ bị nó thờ ơ hơn là ném một miếng thịt thiu! Rồi bất chợt ông hỏi tôi: Thế là thế nào hả cậu?

Tôi hỏi lại:

- Cái gì thế là thế nào?

Ông ớ người ra:

- à, tôi không hỏi cậu - ông gục xuống như người kiệt sức.

Một bận khác, có lẽ là gần đây nhất, chúng tôi rủ nhau đi ăn tối. Ông ăn ngốn ngấu, uống ừng ực, dao và nĩa vung lên. Tôi ý tứ vun thức ăn lại để ông xúc cho dễ. Khi đứng dậy ông mới hỏi:

- Mình không ngờ cậu xơi cũng khá thật. Có ngon miệng không? Tớ ăn gì mà căng hết cả bụng đây này.

Tôi bảo ông để tôi đưa về, liền bị ông quát:

- Cậu là một tên độc tài, nham hiểm. Sao cậu không để mặc mẹ tôi. Tôi thích làm gì thì làm, cậu nghe chưa? Tôi nhổ đây này.

Ông kiễng chân, nhún mình nhổ "choẹt" một cái. Viên nước bọt văng ra, bay theo hình cầu vồng (và quả là miệng ông loáng lên một chiếc cầu vồng do bụi nước bọt tạo thành), rơi vào giữa dãy bàn bày toàn cốc pha lê do một nhân vật quan trọng đặt trước. Thật may là không ai nhìn thấy.

...

Ðâu là đầu sợi dây dẫn đến việc ông cầm búa, ngắm nghía cẩn thận, nhằm vào giữa vầng trán thiên thần nhỏ - như ông vẫn âu yếm gọi vợ - và bổ xuống?

Tôi hoàn toàn mất hướng.


Chương VI

Nhiều năm sau này, khi câu chuyện về tiến sĩ N và tội ác do ông gây ra đã được nhiều người - ở nhiều ngành nghệ thuật - khai thác triệt để (trong đó có một nhà văn trở nên rất nổi tiếng, cuốn tiểu thuyết của anh ta được dịch ra nhiều ngoại ngữ) và khi tôi đã chuyển ngành, tình cờ một lần bới trong đống sách giấy cũ của bà buôn lông gà lông vịt, tôi tìm thấy cuốn sổ tay của tiến sĩ N. Tôi nhận ra nó là của ông nhờ một đoạn cảm tưởng ông viết sau khi gặp tôi lần đầu ở quán cà phê. Tôi bèn xin bà chủ đem về trong sự ngạc nhiên của bà (có lẽ do bà thấy mặt tôi tái đi). Tôi chỉ không hiểu là ngần ấy năm cuốn sổ nằm ở đâu và tại sao nó trở thành giấy lộn? Nhờ những gì đọc được mà lần đầu tiên tôi hiểu nguyên nhân tấn thảm kịch mà ông vừa là thủ phạm gây ra, vừa là nạn nhân của nó. Ðể tôn trọng độc giả - đỡ phải phỏng đoán qua lời kể của người khác, đa phần đã bị xuyên tạc do vô tình hoặc cố ý - tôi xin chép nguyên văn lời tự thú của ông - Nếu có thể gọi khác được thì xin mách cho tôi.

*

Tôi không thể hình dung nổi, một ngày nào đó, khi vợ tôi biết sự thật về tôi, nàng sẽ đối xử với tôi ra sao? Khinh bỉ? Căm ghét? Ruồng bỏ?... Nếu chỉ thế thôi thì tôi hoàn toàn chịu đựng được. Cho đến nay nàng chỉ biết tôi như một người đàn ông sống mực thước, có học vị, có chút tiếng tăm, có địa vị xã hội, tuy không cao nhưng đủ để yên ổn, có thể làm chồng nàng. Bản thân tôi tự nhận mình có đủ tiêu chuẩn của một đàn ông lý tưởng dưới con mắt những phụ nữ nghiêm túc. Tôi không nghiện ngập, không ham thích cái gì quá đáng, không phiêu lưu trong quan hệ với đàn bà. Một lần, trong khi cùng nhau ân ái, tôi hỏi vợ tôi:

- Lúc mới gặp nhau, em bị anh thu hút bởi cái gì?

Vợ tôi vốn hiền thục nên thật thà thổ lộ:

- Em nghĩ làm vợ anh em sẽ có một gia đình yên ổn.

Nàng không có gì phải ân hận vì đã lựa chọn tôi. Những ước muốn giản dị của nàng - trừ một đứa con chung với tôi - dường như đều toại nguyện. Tôi cảm nhận từ hạnh phúc của nàng thấy điều đó và nàng luôn luôn huy động mọi khả năng để bảo vệ nó. Duy chỉ có một điều khiến nàng đành phải chấp nhận mặc dù không thích: Ðó là thói quen trở dậy vào bốn giờ sáng của tôi. Thói quen này có từ trước khi tôi lấy nàng nhưng tôi không nhớ nó bắt đầu khi nào. Có thể từ sau khi tôi giải ngũ, cũng có thể sớm hơn. Phần nhiều tôi tin là sớm hơn. Tôi chỉ ý thức về thói quen đó sau khi có vợ vì thế thật khó mà nhớ chính xác được. Chỉ biết rằng, hầu như chính xác đến từng phút, bao giờ tôi cũng bắt đầu một ngày vào bốn giờ sáng. Ðấy là lúc đêm chưa qua, ngày chưa tới. Vào giờ ấy các đôi trai gái thường làm tình khi mà cả thiên sứ và ma quỷ, kẻ về thiên đường, kẻ xuống lại địa ngục, đều lục tục ra đi sau một đêm tranh giành nhau quyền sở hữu chân lý, trả lại bãi chiến trường cho con người. Ðấy là thời khắc một cái gì sinh ra và một cái gì chết đi trong vòng luân chuyển của Tạo hóa.

Tôi trở dậy... và nhìn đồng hồ, mặc dù biết chắc là bốn giờ sáng! Thoạt đầu tôi cố gắng nhớ lại những giấc mơ, phần nhiều chúng rất lộn xộn. Từ khi có vợ, tôi làm thêm một việc là rèm màn lại cho nàng. Thời kỳ đầu nàng thường hỏi mà không mở mắt: "Anh lại mất ngủ à?". Về sau khi đã quen, nàng quay mặt vào tường tiếp tục ngủ, coi như không có gì ảnh hưởng đến nàng.

Rời phòng ngủ, tôi rón rén vào phòng làm việc và ngồi xuống ghế. Tôi gặp lại những đồ vật quen thuộc, tuy ít ỏi nhưng cũng đủ tạo cho riêng tôi một thế giới. Từ đây tôi có thể nhìn ra cánh đồng qua một chiếc cửa sổ nhỏ. Nhưng phần nhiều là tôi không thấy gì cả bởi khi đó tôi bắt đầu một cuộc sống khác phi vật chất phi không gian, phi thời gian, chỉ còn lại ký ức với vô số kỷ niệm bao bọc lấy tôi mà tôi càng gạt ra nó càng đầy lên, chảy thành dòng... mang tôi theo sau khi bít kín mọi cánh cửa mở ra xung quanh.

Ðó là một thế giới không có hình bóng, bắt đầu vào bốn giờ sáng.

*

Cho đến nay, trừ những người đã bị thời gian và thời cuộc chôn vùi, may ra (tôi nói may ra bởi nếu ông ta còn sống) chỉ còn một người biết rõ tôi là ai. Người ấy với tôi là anh em sinh đôi. Nhưng ông ta, cứ cho là còn sống, không còn bất cứ cơ hội nào làm cho người khác tin vào điều mình nói. Nghĩa là ông ta bị tước mất tư cách nhân chứng. Vả lại, ngay cả khi tôi xác nhận lời ông ta, cũng không có ý nghĩa, ngoại trừ một trò đùa cho vui. Thời gian đã nhào nặn mỗi chúng tôi thành khác xa so với chính mình. Thực tế chúng tôi bị tách ra từ khi lọt lòng mẹ. Ông ta được chuyển cho một người khác nuôi, còn tôi, theo lệ ra trước làm anh, thì được bố mẹ giữ lại. Việc tách chúng tôi là chủ ý của cha tôi. Sau này, một người bạn của cha tôi bảo rằng ông cụ có thể biết trước thời thế vài chục năm. Ông thấy rõ anh em chúng tôi không thoát được cảnh tao loạn, phải ly tán. Về chuyện đó thì tôi tin vì khi bố tôi bị toán du kích treo cổ, ông nói ngay rằng ông sẽ còn bị treo cổ lần nữa. Sau này quả đúng như thế. Lần treo cổ thứ hai, sợi dây lút qua lớp thịt đã thối vào tận xương, để cha tôi biết rõ tội trạng, do một chị mắt toét vừa bịt mũi vừa đánh vần bản tuyên án. Làm theo di huấn của cha, tôi trốn khỏi nhà để thoát thân trước cơn tao loạn bát nháo, mạng người chẳng khác gì mạng cóc nhái. Hồi đó ông ta - tức em tôi - đang sống trong một gia đình khá giả ở Thái Bình. Chúng tôi gặp nhau và quyết định tống tiền cho tay đội trưởng đội du kích để tôi được hy sinh! Vậy là trong ký ức người dân làng, tôi đã không còn trên đời trong khi không người nào biết em tôi là ai. Vì thế khi ông ta trà trộn theo một đoàn dân công trở về quê, ông ta được mặc nhiên xem là người từ nơi khác đến bạ cư. Thấy bảo những năm đầu ông ta sống vô cùng khốn đốn vì lý lịch không rõ ràng. Nhưng nhờ thế mà ông ta không phải ra trận cầm súng để được chết "vinh quang vì tổ quốc!" Thấy bảo ông ta cắn răng chịu mọi cơ cực, những đối xử bất công, sự khinh miệt... cốt để được ở lại quê cha đất tổ, thờ cúng những người bị đào lên chôn xuống, mồ mả quanh năm hương tàn khói lạnh. Sau đó chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau.

Sau khi "hy sinh" tôi trốn ra Hà Nội và do số phận run rủi, được làm con nuôi một gia đình không có con. Từ đây tôi gia nhập đội thanh niên cảm tử, hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp (mặc dù bí mật) của chính ông bố nuôi. Trong một lần bị vây ráp, bố mẹ nuôi tôi đều hy sinh và tôi nghiễm nhiên trở thành con liệt sĩ, thuộc loại có công lớn với cách mạng. Do tôi đã kịp thay tên đổi họ và do các nhân chứng đều biến mất - vì nhiều lý do - nên tôi toàn quyền "hư cấu" thêm một vài chi tiết để có một bản lý lịch hợp với tiêu chí của thời cuộc, có thể nói là hoàn hảo về mặt trong sáng. Tôi không ngờ mọi việc lại suôn sẻ đến thế. Cứ như có một bàn tay vô hình, đầy quyền năng nào đó sắp đặt từng bước đi của tôi. Sau hiệp định đình chiến, do một ngẫu nhiên, tôi được thay chân một suất đi học ở nước ngoài. Từ đây trở đi con đường tiến thân của tôi hoàn toàn hanh thông. Tôi tốt nghiệp đại học, làm luôn luận án phó tiến sĩ rồi trở về nước như một hạt giống quý.

Không biết bằng cách nào ông ta, cuối cùng, cũng tìm được tôi. Khi đó tôi đang cuộn mình trong chiếc kén hạnh phúc tận hưởng vận may, chỉ thỉnh thoảng lo sợ bị ai đó phát hiện ra nguồn gốc. Ông ta trách tôi ngần ấy năm không định đi tìm ông ta. Tôi không thể nói lý do được. Tôi thấy việc quan trọng hơn là phải làm rõ mối quan hệ đương nhiên giữa chúng tôi.

- Chú thông cảm cho tôi - tôi bảo ông em tôi - bàn tay thời cuộc đã nặn chúng ta thành những người khác xa nhau. Nếu còn giữ tình ruột thịt, mong chú giữ tuyệt mật cho.

- Ðược, đương nhiên là tôi không thể hại bác - ông em tôi nói - Nhưng còn nhớ tình ruột thịt mà tại sao ngần ấy năm bác không đi tìm tôi trong khi bác có điều kiện hơn.

- Thật tình tôi cứ ngỡ là chú khó mà thoát khỏi họ...

Ông em tôi ngửa cổ cười:

- Khi bác đã mong cho tôi chết thì dù tôi có sống nhăn ra đó cũng là chết rồi. Cái lý của bác lạnh tình lắm.

- Tùy chú thôi! - Tôi bảo - Nhưng tôi và chú, mỗi người đã có số phận riêng, không thể nào lại có "chung" nguồn gốc được. Mà giả sử chính tôi nói ra cũng không ai tin. Chỉ cần chú biết cho cái khó của tôi là được.

- Bác nghĩ đơn giản thế? - Ông em tôi nói bằng thứ giọng xa vắng. Bố thì bị treo cổ hai lần, không biết giờ vong hồn lang thang về đâu? Cơ nghiệp thì tan nát hết - Ông ta nuốt nước mắt - Bác có biết vì cái gì mà tôi đến nông nỗi này không? Vì tôi nghĩ sẽ đến ngày gặp lại bác. Thôi thì tất cả do số phận. Nhưng còn lương tâm nữa chứ.

- Vậy chú muốn tôi phải làm thế nào? Hay chú muốn tôi thú nhận mình là một kẻ giả mạo để... - Chú không thể hình dung nổi đâu - Nó còn kinh sợ hơn cả việc bị treo cổ hai lần. Chú phải đứng ở vị trí của tôi như hiện nay, tức là có cha mẹ hy sinh, có công lớn, nên tôi không chỉ thừa hưởng mà còn có nghĩa vụ tôn vinh danh dự của các cụ, mới thấy tôi sống đâu phải do tôi muốn. Tôi chỉ là con rối bị thời thế giật dây thôi chú ạ.

Ông ta đang ngồi nghe bỗng cười ầm lên, cười như điên như dại khiến tôi mất hết cả bình tĩnh.

- Chú đừng làm tôi sợ.

Ông em tôi hỏi:

- Bác sợ cái gì?

- Phải biết sợ mới thành người được chú ạ. Có cả ngàn thứ đáng sợ: Tai mắt ở đời - tôi nói da diết - toàn loại tai mắt rắn độc cả đấy! Kinh khủng lắm chú ơi. Rồi còn mật vụ, cảnh sát, guồng máy quyền lực luôn luôn đói khát. Nó có thể nghiền nát tôi và chú thành một thứ bùn rồi nếu cần nặn lại thành chó, thành chuột, thành bọ chét, thành giun dế... Chú có ở cạnh con quái vật ấy đâu mà biết nó đáng sợ như thế nào. Chúng ta chỉ là bánh xe, là đinh ốc thôi, bất cứ lúc nào cũng có thể ra sọt rác hoặc vào lò nung để đúc lưỡi cày, đúc nòng súng. Nhưng đấy là chân lý đang ngự trị, liệu tôi và chú có thể thay đổi được gì? Chú có hiểu điều tôi nói không?

- Tôi có được học hành gì đâu mà hiểu - ông ta tỏ ra cay đắng - toàn bộ kiến thức của tôi chỉ đủ cho tôi gí buồi vào những thứ bác vừa kể.

- Chú cứ gí buồi đi, vào giữa mặt tôi đây này. Nhưng xin chú - tôi quỳ xuống - xin chú, vì tình con người mà buông tha cho tôi.

Ông em tôi ngồi im, mắt khép hờ khiến tôi kêu lên:

- Tôi sợ quá! Tôi sợ! - Tôi hét to - Tôi sợ! Chú có nghe tôi nói gì không?

- Tôi có nghe - ông ta cười khẩy - tôi nghe thấy tiếng hú hét hoan lạc của ma quỷ. Tôi về đây. Tôi thấy phải sống như anh, tôi thà chết còn hơn.

- Thế là chú hiểu ra rồi đấy - tôi run lập cập chìa tay ra - Thôi nhé, cứ thế nhé! Coi như tôi đã chết từ hồi đó. Nếu thân thể tôi chưa thối rữa là do tôi đã được đầu thai trở lại. Chúng ta là anh em từ kiếp trước và sẽ là anh em ở kiếp sau. Còn kiếp này...

Tôi bỏ đi, không dám quay lại để xem ông ta đi về hướng nào. Hôm sau tôi nghe tin có một gã nhà quê nằm chết trên hè phố. Tôi không dám hỏi kỹ xem người chết là ai. Tôi vừa sợ người đó là em tôi nhưng vừa mong không phải là người khác! Thôi thì tùy thuộc vào số giời - tôi tự an ủi mình. Nhưng chỉ ít tháng sau, như một kẻ tâm thần (dưới mắt mọi người thì tôi đích thị là một kẻ tâm thần hoặc mắc chứng hoang tưởng) tôi nộp đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Tôi được bổ sung vào một đơn vị bộ binh, chỉ nhờ ngẫu nhiên mà không chết để ba năm sau lại được điều trở ra với nhiệm vụ: Ði nước ngoài làm luận án tiến sĩ.

*

Không một ai hồi đó hiểu được động cơ nhập ngũ của tôi. Tôi quyết định tìm kiếm một cái chết. Có người sẽ hỏi, kiếm cái chết thì khó gì, ở đâu mà chả được? Vâng, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng ngay cả khi thấy không nên sống, thì việc cầm dao đâm vào cổ, cắt động mạch hoặc trầm mình, treo cổ, uống thuốc độc... vẫn khác xa với việc bị kẻ thù bắn cho nát bét trên chiến trường, hoặc đơn giản chỉ là do một con bọ cạp đốt chết lúc ngủ trên đường hành quân. Ðấy là cái chết được khoác danh nghĩa. Nhưng từ sâu xa chính là do tôi sợ chết. Thà lao vào chỗ chết mà không chết - cơ hội này không phải hoàn toàn vô vọng - tôi có thể sống yên ổn với lời biện hộ chắc chắn: Tôi từng muốn chết để sám hối trước lương tâm mình nhưng trời không cho chết. Cái tình cảm phức tạp này trong tôi, không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng trong suy nghĩ thì lại rất rõ ràng, mạch lạc.

Lý do đưa tôi đến quyết định làm sửng sốt giới đồng nghiệp lúc ấy, chính là những ám ảnh sau khi chia tay với em tôi. Ðêm nào tôi cũng mơ thấy cha tôi, sợi dây vẫn lòng thòng ở cổ. Ông hiền từ và lo âu vuốt ve anh em tôi. Hình ảnh này, khi tỉnh dậy, thường nhập ngay vào với hình ảnh - do tôi tưởng tượng ra - về người đàn ông, rất có thể chính là em tôi, do bị sốc sau khi gặp tôi - nằm chết co quắp trên hè phố. Tôi sống trong một tâm trạng lạ lùng: Luôn luôn sợ hãi có người khui ra nguồn gốc của mình nhưng lại mong sớm được sòng phẳng với sự thật, cho dù phải giam cầm, đầy ải hoặc chết mục xương ở một xó rừng nào đó. Bởi vì quả là chết có lẽ đỡ khổ hơn là phải sống như tôi. Phải tìm cái chết là quyết tâm của tôi. Nhưng tôi vẫn cần cái chết đem lại ảo tưởng "vì một cái gì đó" và nó chỉ có ở chiến trường.

Trong thời gian luyện tập, tôi luôn hỏi viên đại đội trưởng: "Bao giờ thì được đánh nhau". Tâm trạng này y hệt như kẻ tử tù chờ ngày ra pháp trường. Y rất muốn biết ngày giờ vì y hy vọng nó còn xa hoặc, nhờ một biến cố nào đó, nó không có trong kế hoạch. Nhưng mọi người lại cảm nhận từ tinh thần hăng hái của tôi theo một nghĩa khác. Thói thường vẫn thế. Khi một kẻ đầy lòng quả cảm (tôi được coi như vậy) thì không nên nướng anh ta ngay, bởi vì nướng lúc nào xong lúc ấy và bao nhiêu cho vừa miệng con quái vật chiến tranh. Thay vì đưa ngay tôi ra mặt trận, tôi được giữ lại, bồi dưỡng thành cán bộ nòng cốt. Bạn đồng ngũ của tôi lớp tân binh ấy, vừa đủ một miếng cho trận đầu, hết sạch, coi như họ chưa hề có mặt trên đời. Trong khi đó tôi theo học một lớp địch vận và được điều về bộ phận tuyên huấn, khá an toàn. Công việc của tôi là nghiên cứu tâm lý binh sĩ, thảo ra những lời kêu gọi địch bỏ ngũ và tìm cách chuyển chúng đến tận trận địa địch. Công việc này thực ra rất đơn giản.

Thế rồi xảy ra một chuyện khiến cuộc đời tôi thay đổi thêm một lần nữa. Trong số những người từ chiến trường trở ra và họ đều phải qua chỗ chúng tôi, có một viên sĩ quan khá thư sinh. Không ai hình dung nổi cậu ta sinh ra để ôm súng và từng trải qua những cuộc tắm máu ở chiến trường. Suốt những ngày nghỉ lại, cậu ta hầu như không mở miệng trừ trường hợp bắt buộc. Cậu không tiếp xúc với ai, ngay cả khi ăn mặt cậu cũng cúi gằm xuống. Dường như thể phách cậu ta vẫn chia lìa, xác ở đây nhưng hồn còn thất lạc đâu đó trong những khu rừng chết chóc.

Một hôm, đang nửa đêm cậu ta ngồi dậy bỏ súng ra lau dầu và ngắm nghía vật giết người ấy từng li từng tí. Ngắm chán cậu ta lắp vào, tần ngần nghĩ đi đâu đó rồi lại tháo ra. Thấy lạ, tôi lặng lẽ trở dậy đến bên cậu ta, định bụng bắt chuyện nhưng không sao khiến được cậu ta chú ý. Chỉ có một lần, đáp lại cái nhìn tò mò, cậu ta nhìn tôi bằng cái nhìn trống rỗng rồi lại tiếp tục tháo lắp. Sau đó cậu ta ngồi lựa những viên đạn mới nhất, dùng vải cọ cho chúng vàng óng lên. Cậu ta đếm từng viên, nhét vào hộp rồi lại bỏ ra đếm, y như đứa trẻ lần đầu biết đếm. Tôi không đủ kiên nhẫn ngồi nhìn cậu ta làm trò ngớ ngẩn, bỏ đi ngủ. "Thằng dở hơi" - Tôi thầm nghĩ và ngủ thiếp đi. Tất cả diễn ra rất nhanh: Thoạt đầu có tiếng súng nổ. Chúng tôi chồm dậy và anh bạn nọ nằm ngửa, hơi vẹo sang trái, là vật chúng tôi nom thấy đầu tiên. Một đống óc lẫn máu đùn ra đỏ rực. Hàm cậu ta toác một miếng, bắn vào chiếc đĩa đựng thức ăn và suýt nữa thì cậu trực nhật tưởng miếng thịt hộp. "Mẹ kiếp! - Sau này cậu ta kể lại - thật phí của giời vì thằng bé đẹp quá! Lúc thay quần cho cu cậu, tớ còn lay lay vào chim nó, y như đầu chim sẻ ấy".

Mọi người bị xốc dậy, ngáp ngắn ngáp dài. Bọn lính trận lầu bầu chửi kẻ tự sát thiếu lịch sự, đáng lẽ hắn phải chờ đến sáng hãy giở quẻ có phải đỡ khổ người khác. ờ thì không thích sống, cứ việc chết, nào có ai cấm. Chả chết trước rồi cũng chết sau chứ chạy đằng nào.

Mọi việc chôn cất được tiến hành nhanh chóng và ngay tức khắc chẳng còn ai nhớ đến viên sĩ quan trẻ. Mỗi người đã có việc của họ. Riêng tôi, do vài thứ của người chết để lại mà công việc liên quan đến anh ta còn dây dưa tới hôm sau. Tôi phải kiểm tra, kê biên từng thứ một. Cũng chẳng có gì nhiều ngoài mấy thứ đồ sinh hoạt cá nhân và một cuốn sổ tay nhàu nát, còn cả dòng đề tặng quê mùa của cô thôn nữ nào đó. Tôi lật qua chỉ thấy kín đặc chữ, loại chữ nhỏ như kiến, giây bẩn lem nhem. Tôi xếp nó lẫn vào đống đồ rồi gói tất cả lại quẳng vào kho. Mọi việc của tôi cũng xong ở đấy nếu không vì tò mò, tôi lấy lại cuốn sổ, đút vào túi đem về nhà. Chờ lúc thư thả, vắng vẻ tôi mới giở ra đọc:

Ngày...

Ðêm nay mình sẽ tham gia trận đánh đầu tiên trong cuộc đời lính tráng. Mục tiêu mà quân ta tập kích là một doanh trại lính ngụy. Mình cảm thấy sợ. Có thể mọi việc với mình sẽ kết thúc vào đêm nay. Chỉ mới nghĩ đến ngày mai không còn được thấy trời xanh nữa, mình thấy nghẹt thở. Mà sao xung quanh im ắng thế. Mọi người đi lại, chuẩn bị súng ống, bỏ sách ra đọc, viết lách, nhai lương khô... nhưng tất cả diễn ra y hệt như một đoạn phim câm. Tự dưng mình nhớ nhà quá, thèm được nghe trâu cọ sừng, thèm được ngửi mùi rơm oải và...

Thằng Thắng Ðen cũng đang nằm ngửa, nhấm nhấm cọng cỏ, im lặng nhìn trời. Chợt nó lật nghiêng quay sang phía mình, nói nhỏ:

- Quyết này, bây giờ mà được đ. một cái, chả may bị bọn ngụy xơi tái cũng đỡ tiếc. Mẹ kiếp! Thèm chết đi được. Chim đẹp thế này - nó moi của quý của nó ra mân mê - mà chưa được đâm thủng bụng đứa con gái nào có phí không chứ?

- Mày vẫn còn ao ước được cơ à? Tao thấy nó teo mẹ mất rồi.

- Tối nay mà quân ta thắng thế nào tao cũng quơ lấy một con vợ ngụy. Tao sẽ bảo nó: Một là để yên cho anh làm, hai là đòm! Em chọn súng thịt hay súng sắt? Hớ hớ...

Nó lăn lộn, đầy khoái cảm. Trong khi đó mình nhắm mắt cố thử làm quen với trạng thái chết. Nếu bị xuyên bởi một viên đạn, cảm giác thế nào nhỉ? Phụp? Sợt? Thoạt đầu là mát lạnh, sau đó bỏng rát - Mình đã đọc mô tả này ở đâu đó? Nhưng nếu bị một quả đạn pháo làm tan xác, chả hiểu mình có còn kịp cảm giác không. Tốt nhất, nếu đến số thì xin được tan xác...

Mình nhớ T da diết. Sau này nếu còn được trở về gặp T mình cũng không thể mô tả được nỗi nhớ mà mình trải qua lúc này. Thời gian trôi qua thật tàn khốc. Bóng tối trùm lên như tên đồ tể trùm tấm vải đen lên đầu bọn tử tù. Mình nhận được lệnh bò lên áp sát mục tiêu. Ðêm thứ Bảy, vợ con bọn lính ngụy ra thăm chồng nên chúng rượu chè, nhảy nhót đến khuya. Giờ này chỉ còn lại im lặng, cái im lặng của sự chết chóc. Tự dưng mình chạnh lòng nghĩ: Bọn chúng cũng là người. Thằng nào chả mừng quýnh khi vợ con ra thăm. Giờ này từng đôi một đang siết chặt nhau như là lần cuối cùng, như là ngày mai sẽ không còn được gặp nhau nữa. Vậy mà mình sắp chụp cái chết xuống hạnh phúc ngắn ngủi của chúng. Ðồ chó đẻ! Làm nhanh lên, ít ra cho nó xong đi rồi hẵng chết! Ðúng lúc ấy mình nhận được mệnh lệnh phát hỏa. Mình không được phép mềm lòng, dù chỉ một giây. Chiến tranh là cơ hội giết người tốt nhất. Khi đạn đã lên nòng rồi thì nó phải tìm ai đó để găm vào mới hợp logic. Mình phải tưởng tượng ra những kẻ mình sắp giết là bọn quỷ. Ngón tay trỏ của mình đã bắt đầu tê cứng và nó sẽ cho mình ảo giác là mình không điều khiển được nó. Mọi sự do nó quyết định. Vì thế nếu có một phiên tòa ở thượng giới, thì họ chỉ có thể xét xử ngón tay trỏ của mình mà thôi. Ai đó từng bảo rằng, không có đàn ông sẽ không có chiến tranh. Mình sẽ cải chính chỉ cần bọn đàn ông đừng có ngón tay trỏ. Tại sao lại gọi là ngón tay trỏ. Nó dùng để trỏ đường cho ai đó. Nó là vật cụ thể hóa ý nghĩ, ý tưởng đầu tiên. Nhưng ở chiến trường phải gọi nó là ngón tay giết người mới đúng.

Có ai đó hô lên như gầm. Mình chỉ còn cảm thấy hẫng hụt trong cảm giác bị trôi đi, sau đó là một vầng lửa ngoạn mục nở bung ra. "Ðẹp quá"! Chà, cứ y như một trò chơi có đốt pháo. Tiếp theo là hàng chục vầng lửa khác chụp lên đầu những bóng người đang chạy hỗn loạn. Mình nhớ đến trò nghịch thời bé: Tẩm dầu vào lũ chuột rồi châm lửa đốt. Chúng chạy cuống cuồng, đâm lung tung trong tiếng cười nắc nẻ của cả bọn. Cảnh tượng diễn ra trước mắt mình y như bọn chuột bị tẩm dầu. Những cơ thể bốc cháy chạy nháo nhào, bị đạn quét theo một cách đầy hứng chí của người bắn. Tiếng chúng rống lên, vào lúc khác chắc phải động lòng lắm. Nhưng vào lúc ấy chỉ càng kích động máu hiếu sát. Ðã thế cho chúng mày rống một mẻ. Lửa vẫn chụp xuống. Cả thung lũng biến thành chiếc chảo rang ngô.

Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe "thụt" một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ.

Khi chạy qua dãy lán lụp xụp mình thấy thằng Thắng Ðen nằm chổng mông lên trời, nửa bụng dưới bay mất. Mình nhìn thấy đoạn ruột và bỗng nhiên bật cười: "Ðồ dái ngựa!". Mình không nghĩ hắn lại chết mà chưa kịp sử dụng "chiến lợi phẩm" là bọn vợ ngụy.

Toàn bộ mục tiêu bị san phẳng. Trời sáng dần. Bộ đội được lệnh tập kết. Phía đông ánh bình minh vẫn sán lạn như muôn thuở, như chiến tranh, khói đạn chưa hề xảy ra với cái thung lũng này. Bọn mình điểm quân trong một cái sân nhỏ, bốn bề ngổn ngang gạch ngói, sắt thép. Bọn lính cũ đã đang chén giò hộp ngon lành. Mình nhìn thấy thì tự dưng muốn nôn thốc nôn tháo.

Chợt từ trong hốc một bức tường đổ, thằng bé chừng hai tuổi lổm ngổm bò ra. Nó nhằm hướng bọn mình ngồi. Nhưng khi va đầu vào chiếc báng súng ai đó đẩy ra trêu nó, thằng bé quay trở lại. Nó bò thẳng lên một ụ gạch, đầu húc vào một thanh sắt, ngã nhào xuống.

- Ðỡ nó một tí! Ðỡ nó một tí!

Ai đó nâng nó dậy nhưng nó hoàn toàn không còn tri giác. Vì thế chân tay nó bơi vào không khí, y như người máy. Khi đặt xuống, nó lại bò tiếp. Từ chỗ thương xót, mọi người thấy có nó đâm ra lại vui, giống như khi ta thả con cua vào cái chậu. Nó sẽ bò đến khi nào mệt thì thôi. Nhưng hình như thằng bé không biết mệt. Nó bò không biết dừng, chỉ khi nào đụng chướng ngại vật mới quay lại.

- Nếu có chiếc thang thoai thoải, tớ cam đoan nó sẽ bò lên tận trời cho mà xem.

- Bò lại đây, nhóc. Lại đây tao cho chén thịt hộp.

Không ai nghĩ nó là một thằng bé hai tuổi, một con người. Nó là vật sót lại sau cuộc chiến, thuộc về phía bên kia, chỉ đáng làm trò chơi và thật may là nó mất trí.

Giờ tập kết đã hết. Tất cả lại rút về rừng, trước khi máy bay Mỹ đến xóa nốt những gì còn sót lại. Mọi người đứng lên và ai đó, như nhớ ra, hỏi:

- Thế còn thằng nhóc?

- Làm quái gì được. Nó có còn biết gì đâu.

- Chả lẽ để nó cứ lổm ngổm thế kia à?

- Anh em cứ đi trước đi - thằng Thiết chống súng xuống đất, đứng nhìn thằng bé.

- Cậu định làm gì nó? - Mình hỏi.

- Tớ làm gì thì liên quan gì đến cậu. Ði đi!

- Nhưng cậu định làm gì? - Mình nhắc lại, giọng kiên quyết.

- Nếu cậu muốn biết thì xem đây - Thằng Thiết cởi đoạn dây dù ra - Tớ sẽ buộc nó vào gốc cây kia cùng với toàn bộ số thức ăn của tớ, tùy giời quyết định. Hoặc nó sẽ gặp được người từ hành tinh khác, hoặc lát nữa bọn Mẽo đến nướng nó bằng bom xăng. Nào, đừng oán tao nhé.

- Dừng lại! - Mình hét lên.

- Mẹ cậu! - thằng Thiết quay sang mình - Chiến trường chứ có phải công viên đâu. Cậu làm gì được giúp nó thì ra mà ôm lấy.

Mình đớ người ra, không nghĩ được bất cứ điều gì. thằng Thiết không phải không có lý nhưng ngay cả ý nghĩ ấy cũng cực kỳ phi lý, phi lý đến phát điên phát khùng.

- Ra mà ôm lấy! - thằng Thiết tiếp tục mỉa - Cậu tưởng thế là cậu nhân đạo chắc. Lui ra!

Bỗng nhiên mình rơi vào một trạng thái gần như mất lý trí. Mình thấy căm ghét một cái gì đó kinh khủng mà không hiểu được vì sao. Mình không kịp nghĩ gì cả, chạy tới túm chiếc đai quần dính lại trên bụng thằng bé, hướng về phía chiếc ao bèo.

- Tũm!

Một mảng bèo giãn ra rồi khép lại ngay, sầu lên một đám bọt. Thằng Thiết kéo lê khẩu súng, đầu gục xuống.

Mình lặng lẽ bước, đầu óc âm u. Thằng Thiết lùi lại, vỗ vào vai mình:

- Cậu tưởng tớ là quỷ chắc mà không có tim. Nhưng bọn mình làm gì được trong hoàn cảnh này. Có phép tiên cũng chịu. Sẽ chẳng mống nào trong bọn mình thoát chết để có thể đem nó theo. Bọn Mẽo có tài liếm chảo lắm. Cậu hãy hình dung trước sau cũng chỉ còn một mình nó với rừng rậm, đêm tối, hồn ma. Khi đó nó phải đối mặt với thú dữ, liệu nó ơn hay oán cậu? Cái cần quan tâm nhất với tớ và cậu là đừng có phát điên.

Mình vẫn câm như hến.

Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận.

*

Tôi gấp cuốn sổ lại, không thể nào đọc tiếp được nữa. Không phải tôi ghê sợ những sự thật tàn khốc của chiến tranh mà cảm thấy có cái gì giống nhau về mặt tâm trạng giữa tôi và anh chàng vừa tự sát. Tôi không phải đang đi tìm ý nghĩa đích thực của đời mình - như người ta nói rất hay về gian khổ - mà tìm một nơi để ẩn náu, để chạy trốn quá khứ. Tại sao tôi không làm giống như anh chàng kia nhỉ? Ðó là lối thoát ngắn nhất, tuyệt đối nhất, đồng thời ít khốn khổ nhất. ồ, có gì đâu. Mọi việc chỉ độ một giây và tôi sẽ không kịp cảm thấy gì hết. Ðột nhiên tôi như người đang đi trong đường hầm lởm chởm đá sắc, bỗng thấy hiện ra một vệt sáng chói chang. Tôi đã có đủ kinh nghiệm để không chần chừ. Tôi lập tức tìm khẩu súng của chính anh ta vẫn được giữ ở chỗ tôi. Nó có vẻ rất có duyên trong việc giúp người ta tự hạ mình.

Tôi lấy ba viên đạn, lắp vào băng rồi bí mật ra phía bờ suối. Tôi chọn một tảng đá, ngồi ở tư thế thật vững. Tôi đặt miệng súng vào yết hầu, chỉnh lại thật chắc chắn, sao cho viên đạn sẽ xuyên sang gáy, rồi tìm cách lùa ngón chân cái vào cò súng...

- Hoàn toàn chính xác! - Tiếng viên sĩ quan tham mưu phụ trách tôi reo lên ngay sau lưng. Vì chưa lồng được ngón chân vào nên tôi rụt vội lại, túm ngang khẩu súng. Viên sĩ quan tham mưu đã kịp nhảy sang tảng đá tôi đang ngồi.

- Ông nghĩ đúng như tôi nghĩ - viên sĩ quan đầy mãn nguyện vì dù sao tôi cũng là người phát hiện thứ hai - Anh chàng chỉ có một cách tự sát duy nhất như ông vừa thể hiện.

Thoạt đầu tôi không hiểu. Sau đó tôi vỡ lẽ ra và cố cười gượng:

- Quả là chỉ có cách đó.

Viên chỉ huy tỏ ra từng trải:

- Cậu ta chưa giàu vốn sống lắm, lại thiếu trí tưởng tượng nên mới chọn cách chết ít chất thơ một cách thảm hại như vậy. Chết mà để người khác kinh không dám nhìn thì kém quá. Nếu là tôi thì tôi đã có cách chết hay hơn.

- Chẳng hạn? - Tôi tò mò.

- ấy, đó là sáng kiến độc quyền, không thể nói được.

Tôi tìm cách phi tang ba viên đạn, trong đó có một viên đã lên nòng. Sau đó cả tôi và viên chỉ huy cùng hồ hởi ra về. Thế là thêm một lần nữa tôi không chết được. Thay vào việc tôi nằng nặc đòi ra chiến trường, tôi được điều động trở về tuyến sau. Tại đây tình cờ tôi đỡ được một vị tướng khỏi thụt xuống hố và ông thưởng công tôi - như cái cách hay nhất thời ấy - là ghi tên tuổi, phiên hiệu, trình độ học vấn... vào cuốn sổ công tác của ông. Rồi, như một sự trớ trêu của số phận, tôi được điều ra Bắc. Tại đây tôi chỉ còn phải ký vào bản thủ tục: Trở về nơi công tác cũ để có điều kiện cống hiến hết khả năng.

*

Tôi không biết mình viết lại những dòng này cho ai và để làm gì? Chỉ biết rằng đó là cách duy nhất giúp tôi đoạn tuyệt với phương pháp từng thất bại nhiều lần: Tìm một cái chết. Tôi không nghĩ mình đã gột rửa được lương tâm mình. Tôi không còn đủ cơ hội để làm điều đó. Nhưng ít ra tôi cảm thấy mình đã có cái để chống lại sự kính trọng mà người đời mù quáng dành cho tôi. Bởi vì sự kính trọng ấy, chính là hình phạt khủng khiếp nhất giáng lên đời tôi. Chính nó đã tước của tôi khả năng cuối cùng nói ra sự thật.

Tôi biết có nhiều người như tôi, không được quyền nói ra sự thật của đời mình. Bởi vì xóa bỏ trong ký ức người khác một thần tượng, còn báng bổ hơn cả việc lừa dối họ. Họ cần sự lừa dối như kẻ giữa sa mạc cần ảo ảnh về một con suối. Do đó lịch sử thường không bao giờ đúng như bản thân lịch sử, là vì thế.

Nhưng tôi luôn luôn cảm thấy có một cặp mắt dõi theo tôi một cách im lặng. Chính vì thế mỗi khi tỉnh dậy, bước từ phòng ngủ, tức từ cái thế giới giả hình, vào phòng làm việc của tôi, tôi như kẻ bị kết án lưu đày hết hạn thi hành hình phạt. Bởi vì khi còn lại một mình, tôi luôn luôn có nhu cầu tự thú. Tôi sống với cuộc sống mà tôi có thể trở về với chính tôi. Và bao giờ tôi cũng dằn vặt bởi câu hỏi: Cuộc sống nào mới là cuộc sống thật? Cuộc sống của trước đây một phút hay là cuộc sống khi tôi khép cửa phòng làm việc lại? Quả thật tôi không thể hình dung nổi những gì vừa diễn ra với tôi ít phút trước lại có một ý nghĩa nào đó. Mọi thứ đều được lập trình sẵn. Lúc nào phải ra bộ tươi cười, lúc nào phải vờ buồn khổ? Mọi người chào hỏi nhau, ca tụng nhau, bức hại nhau, cùng uống cà phê với nhau, cùng làm tình với nhau... mà không ai hiểu nhau, bởi vì khi đó họ không phải là họ mà chỉ là một cỗ máy được nạp các dữ kiện phù hợp với đời sống. Chẳng hạn giữa vợ tôi và tôi. Chúng tôi được xem là một cặp đồng điệu. Tôi không tìm được cớ để phàn nàn về nàng. Hàng ngày trước khi đi làm, chúng tôi hôn nhau như chia tay lần cuối. Mỗi tuần hai lần chúng tôi đi nghe nhạc, nghe bình thơ (lạy chúa nếu Ngài bảo đấy là thơ!) hoặc đơn giản chỉ là ra khỏi nhà, để được đi bên nhau ngoài trời, để nàng có cớ hồi tưởng lại thời mới yêu. Buổi tối nàng cấm tôi uống cà phê, thay vào đó là một cốc sữa được nàng chế rất khéo với chiếc lòng đỏ trứng gà. Nàng bắt tôi ăn theo thực đơn do nàng lập ra, trong đó ít nhất một tuần có hai bữa cá để chống sự lão hóa. Và mỗi tuần một lần tôi phải thể hiện bản tính con đực cường tráng với nàng. Khi đã vào cuộc, nàng khiến tôi như khiến một con ngựa, luôn luôn thúc cho nó phải phi nước đại...

Sau đó là cuộc sống tẻ nhạt với kế hoạch chi tiêu, mua sắm, gửi tiết kiệm, những bài viết đúng khuôn mẫu có trước, những câu trích dẫn vô bổ...

Nhưng với tôi, cái cuộc sống ấy chấm dứt ở 4 giờ sáng. Từ đó đến khi vợ tôi thò cổ vào hỏi: "Sáng nay anh ăn gì", thì ngay cả nàng cũng là kẻ xa lạ. Nàng cùng một bọn với lũ người phi cá tính mà tôi luôn luôn muốn nhổ vào mặt. Nàng là một con vật có vú, có lỗ đái và một lỗ nhỏ khác luôn luôn đói khát một cách kinh tởm. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy cả trăm lần sự cần thiết phải nói thẳng cho nàng biết, thằng tôi trông khá đạo mạo mỗi khi ra khỏi nhà, thằng tôi mà nàng vẫn hôn hít, vuốt ve, nặn bóp khi hứng tình, thằng tôi ngoan ngoãn, tận tụy, luôn luôn cúi đầu trước cấp trên và gắp thức ăn cho vợ... chỉ là thằng tôi bản sao của một thằng tôi bản gốc mà nàng chưa bao giờ sở hữu được. Thằng tôi bản gốc đang chìm vào thế giới của y mới đáng giá, mới có cuộc sống đích thực. So với những gì y đang chiếm lĩnh, thì cuộc sống trước đó giống như cái chết. Thời gian chết chồng đống nơi các công sở, tòa án, viện nghiên cứu, nơi những ban bệ bí mật chuyên săn người, nơi những tòa cao dãy dọc, những công đường có cái vẻ thâm nghiêm và lừa đảo bề ngoài. Mọi ý tưởng chết đông cứng trong triệu triệu cái đầu. Ngôn từ chết, xác phơi khắp nơi, hóa thạch bởi lịch sử. Cái chết hiện hình ngay khi người ta bàn về sự tiến bộ, gào thét dân chủ, cổ vũ bóng đá. Bởi vì làm gì có ai nghe thấy để hiểu rằng, mỗi người đang kêu cứu một cách tuyệt vọng, hướng về phía tự do như con thú trong sa mạc hướng về nguồn nước. Tất cả đang bốc mùi, thối rữa, tan biến thành bụi...

Tôi cảm thấy rất rõ sự bi tráng sâu thẳm của câu hỏi: Tôi là ai? Tôi hiện tồn chỉ là bản sao, vậy bản gốc của tôi có hình dạng ra sao? Nếu tôi không được sinh ra từ một người đàn bà, thì tôi - như một bản thể thường trụ - ở đâu? Bởi vì nếu không phải bố tôi - người bị treo cổ hai lần - giao hợp với mẹ tôi (hoặc ngược lại) thì liệu tôi có phải là tôi bây giờ, như tất cả những gì nó đang mang theo cuộc đời: Lý lịch giả, những mục đích bị đánh tráo... không? Giả sử bố tôi hoặc mẹ tôi tối hôm đó (phải, đúng tối hôm đó) không có hứng do họ cãi nhau về một chuyện chính trị hay tiền nong, thì liệu tôi như tôi bây giờ: Cao 1 m 80, nặng 80 kg, mặt to tai lớn, trán cao nhưng bóng, có nốt ruồi ở mép, chim quá cỡ hơi bị chẻ ở đầu, thích những món bổ thận v.v... có ra đời không? Sẽ là ai - tất nhiên vẫn là bản thể tôi - nếu cuộc giao hợp ấy lùi lại 10 năm, hoặc đơn giản hơn, giữa chừng, vì lý do nào đấy, chẳng hạn bị một con rệp chí vào mông, một trong hai người - giống ấy ở xứ ta sẵn lắm - hoặc như bị một thành viên trong tổ chức cách mạng hoạt động bí mật gõ cửa đe dọa, hoặc v.v... Khiến cuộc giao hợp bị bỏ dở, hoặc tự dưng bố tôi, chỉ do phởn chí, xuất tinh ra ngoài... hoặc v.v... Ðiều đó cho thấy sự ngẫu nhiên là bản chất số phận đầu tiên của con người. Hắn, về nguyên tắc, không thể tự biết mình là ai. Bởi vì, giả dụ, nếu không có bất cứ cuộc giao hợp nào, thì cái thằng tôi có học vấn, có địa vị, có hào quang đầy mình, có khả năng trích dẫn vô song... sẽ ở đâu trong cái vũ trụ này? Có thể tôi chỉ là một tia sáng, một đám bụi, một giọt lỏng trong suốt, phi trọng lượng... như tỉ tỉ vật thể tương tự không biết sướng khổ là gì?

Tôi cảm thấy rất rõ tính vô nghĩa tiềm ẩn trong cuộc đời mỗi con người. Bản thân không một ai trên đời này biết sự thật về họ, thì cuộc sống giống như một sự lừa gạt. Họ luôn luôn thích thú tạo ra cho mình những xiềng gông: Xiềng gông của ham thú quyền lực, danh vọng, thỏa mãn dục tính, hào quang giả đeo lên đầu một cách thành kính, những xúc động dối trá... Chẳng hạn như tôi, ngay cả việc đơn giản nhất là nói một câu như mình nghĩ cũng không làm được.

Tôi rất muốn ngược dòng trở lại quá khứ, nhưng dường như điều đó chẳng hứa hẹn một ý nghĩa nào. Tôi là nhân chứng cho chính tôi, tôi có thể tự bịa ra những gì đủ sức lừa mị tôi và mọi người. Ngày mai, trước 4 giờ sáng, đến phiên tôi làm tình với nàng. Nàng luôn chuẩn bị cho nàng khá kỹ: Bắt tôi ăn hai quả trứng gà với giá sống, không cho tôi thức khuya hoặc làm việc quá sức. Nàng tạo ra sự hòa thuận, êm ấm, gợi ở tôi nỗi khao khát mới nghệ thuật làm sao. Và rồi, ngay cả cách nàng thở hổn hển, nói đứt quãng vào tai tôi... cũng là màn kịch tuyệt khéo để đưa tôi vào vị trí của một gã nô lệ. Nhưng nếu nàng biết được, sau mỗi lần như thế tôi thấy ghê tởm chính bản thân tôi như thế nào và ý muốn khủng khiếp nhất của tôi lúc ấy? Tôi muốn dùng một chiếc búa, như cái cách một đồ tể vẫn làm, đập cho nàng một nhát.

Tôi đột nhiên bị thôi thúc phải làm một cái gì đó phá tan sự vô nghĩa. Tôi ghê tởm những kẻ không hiểu gì về tôi, luôn luôn tỏ lòng sùng mộ. Ðiều đó khiến tôi bị đè thêm bởi những tảng đá, không thể nào sống lại được sau cái chết. Tôi nguyền rủa họ. Tôi nguyền rủa chính bản thân tôi. Tôi sẽ cho họ biết tôi là ai.

*

Và đây là những dòng cuối cùng của tiến sĩ N, căn cứ vào một sự kiện xã hội được ghi trong đó, có thể thấy nó được viết trước khi xảy ra tấn bi kịch như đã kể chỉ một hôm.

Tôi nghe thấy những âm thanh rất lạ, vọng từ bên ngoài vào như một lời giục giã. Ðột nhiên tôi muốn rời khỏi cuộc sống này, như một hành khách muốn rời con tàu toàn toa đen, ẩm mốc và hôi thối, dầy đặc không khí ô nhiễm và độc tố... mà ông ta đã ngồi quá lâu trên một đoạn đường tẻ ngắt bởi chỉ toàn sa mạc, nghĩa địa. Tôi nhìn xuyên qua lớp thời gian và ở đó hiện tại, quá khứ, tương lai, nỗi sợ hãi vẫn bám đuổi tôi... đều biến mất. Tôi cảm nhận một cái gì rất xa, rất sâu, xa hơn cả quá khứ, sâu hơn cả thời gian; ở đó chỉ còn niềm an lạc và tự do.

Ngày mai..., tôi đã thấy phía sau cái ngày mai...

Còn một đoạn nữa nhưng không rõ vì sao nó bị rách hoặc bị xóa đi, khiến ghi chép của tiến sĩ N dừng lại ở đó. Lần đầu tiên tôi đưa ra lời giải thích về hành động và cái chết của ông: Trong ông tồn tại một lúc hai con người: con người của những ràng buộc, tức tiến sĩ N đáng kính, và con người của tự do. Con người nọ trong ông đã giết con người kia và vợ ông, một phụ nữ yêu ông hết mực, chỉ là nạn nhân, vì đã đứng chen vào giữa.

Nhưng hồi đó người ta đã viết khác về ông, song tôi không muốn quý vị tốn thêm thì giờ vàng ngọc. Bởi vì ai mà tin được một người như tiến sĩ N suốt đời chỉ làm được một việc có ý nghĩa: ấy là tự sát!.

(1) Nguyên văn của bốn truyện này được in trong phần phụ lục, ở cuối sách.