© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.12.2002
Tạ Duy Anh
Đi tìm nhân vật
tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Chương IX

Nơi tôi chọn đầu tiên khi trở lại phố G là cửa hiệu bán đồ lót Hơn cả sự gợi cảm. Tôi muốn thử tìm vận may một lần nữa. Vẫn cô chủ quán hôm nọ nhưng rõ ràng cô không nhận ra tôi. Thấy tôi nhìn một cách lơ đễnh, cô mỉm cười đưa đón:

- Anh xem hàng đi. Chắc là anh mua tặng bà chị em.

Mặc dù biết cô chủ quán không để tâm đến vụ thằng bé đánh giầy, tôi vẫn cứ hỏi lại câu hỏi cách đây mấy hôm.

- Trong thời gian độ một tuần trở lại đây cô có biết vụ thằng bé đánh giầy bị đâm chết ở chỗ kia không?

Cô chủ quán đang giới thiệu hàng, ngừng ngay lại:

- Ồ, cách đây mấy tháng cũng có một người hỏi em đúng cái câu anh hỏi.

- Cách... những mấy tháng?

- Có thể là mấy tuần thì đúng hơn.

- Cô cố nhớ lại xem.

- Hoặc là tuần trước gì đó, đại loại em cảm thấy lâu rồi.

Tôi vừa thấy buồn cười vừa ngao ngán nhưng vẫn hỏi thêm:

- Cô nhớ chính xác có một gã chứ?

- Sao lại không? Hôm đó hình như vào buổi chiều, anh ta trông... khả nghi lắm.

- Hắn có nói hắn làm nghề gì không?

- Em đoán hắn là đồng bọn với kẻ giết thằng bé đánh giầy.

- Sao cô lại đoán thế?

- Trông mặt hắn ghê chết đi được. Nó gian giảo, tăm tối lắm. Cái cách hắn nói năng, nhìn ngó... cứ khuất tất thế nào ấy.

Lại vẫn tiếng e hèm của gã đàn ông ngồi ở buồng phía trong. Nhớ lời cô chủ quán nước hôm nọ, tôi hỏi:

- Ðức ông chồng đấy à?

- Anh đừng lo. Chồng em không quan tâm đến bất cứ cái gì ngoài công việc của anh ấy đâu. à, hôm đó chồng em cũng có mặt, để em hỏi anh ấy xem - cô gọi với vào trong - Mình này, mình có nhớ cái gã mặt chó lài cách đây lâu lâu rồi vào cửa hàng của mình hỏi về cái chết của thằng bé đánh giầy không?

- E hèm...

- Anh thấy chưa. Anh em mình muốn làm gì, lão ấy cũng mặc. À, thế chị em gầy hay béo, cao hay thấp?

Tôi vờ ngó qua mấy sấp hàng cô chủ quán lôi ở trong tủ ra.

- Thế cái hắn hôm đó, về sau thế nào?

- Hắn ta cứ quanh quẩn không chịu mua hàng mà cũng không chịu đi. Em bảo hắn ra chỗ khác mà hỏi, hắn tảng lờ không nghe thấy. Cuối cùng em phải nói bốp vào mặt hắn rằng: "Ðây là nơi làm ăn, không liên quan gì đến chuyện giầy dép" hắn mới biến. Bán hàng mà gặp loại như hắn thì còn hơn gặp con hủi.

- Nhưng mà cô có biết hoặc nghe gì về chuyện "giầy dép" ấy không?

- E hèm... E hèm.

- Ngày nào chúng nó chẳng kéo đàn kéo lũ qua đây. Giả dụ có đứa nào bị đâm chết cũng khó mà biết được. Nhưng mà anh hỏi để làm gì?

- Tôi đang đi tìm hung thủ!

Nét mặt cô chủ quán hơi tái đi, giọng nói trở nên xun xoe:

- Chết chửa, đại nhân vào nhà mà tụi em cứ như mù ấy. Vậy thì em cam đoan hung thủ là cái gã hôm nọ rồi. Gã đi nghe động tĩnh đấy mà. Trời ơi, tiếc là hôm ấy em chưa biết anh. Em nhìn nó đậm đậm người, mắt ti hí, mặt bóng nhẫy lên. Anh cứ thấy thằng nào như vậy thì phôn cho em đến nhận mặt - Chợt cô hướng ra cửa, tôi nhìn theo và thấy hai bố con ông ăn mày đang chìa mũ ra - Mới sáng ngày ra - giọng cô the thé - cút ngay đi chỗ khác.

- Làm ơn nhón tay, bố con cháu...

- Tôi nói ông có nghe không? Hả...

Tiếng e hèm vang lên, sau đó là một giọng trầm trầm, thản nhiên đến lạnh xương sống:

- Thả con Bốp ra! Thả con Bốp ra...

Trong khi cô chủ quán quay vào, tôi cầm tờ bạc lẻ đặt vào mũ lão già rồi đẩy lão cùng đi ra đường.

- Hắn đấy! - Tôi tự bảo mình.


*

Tôi vào quán nước trà của một bà cụ, mặt mũi phúc hậu, thật thà ngồi trên vỉa hè. Tôi tự kéo ghế ngồi xuống. Bà cụ đưa nước cho tôi.

- Chú ở phố nào? - Bà cụ bắt chuyện.

- Cháu ở cách đây xa lắm, vùng giáp ranh ngoại thành.

- Thế thì chú phải cẩn thận. Ở đây bọn lừa đảo nhiều lắm đấy.

- Vâng, cảm ơn cụ, cháu sẽ lưu ý nhưng cũng còn tùy người mà chúng để ý.

- Mới tháng trước có một thằng cha, nom mặt rõ tử tế, cứ lân la khắp nơi hỏi cái thằng bé đánh giầy nào đó. Thật đến thánh cũng bị lừa chứ đừng nói người.

- Chuyện thế nào hả cụ?

- À, vì chú ở nơi khác, không biết là phải, chứ chuyện ấy ầm cả lên khắp khu phố này. Tôi bảo con cháu tôi, phải cảnh giác bất cứ thằng nào nom trắng trẻo, thư sinh, lân la muốn làm quen. Ðể tôi kể tiếp cho chú nghe. Là tôi đang nói cái thằng hôm nọ. Trông người ra dáng lắm chú ạ. Mặt mũi, mồm miệng, tai mắt... đều đường đường chính chính. Thế mà hóa ra là thằng lừa đảo.

- Hắn lừa gì ạ? - Tôi thấy tim đập mạnh.

- Cả dẫy phố bị nó lừa hết. Ðầu tiên là con mẹ bán đồ lót đàn bà ở ngã tư kia kìa. Vợ chồng đều ở quán mà để nó xách mất hòm tiền hàng lúc nào không biết. Ðến khi phát hiện ra thì chỉ còn tơ hơ nhìn nhau, cắn cảu như chó với mèo, suýt nữa thì thằng chồng nó giã cho con vợ một mẻ. Rồi đến ông lão bán đồ điện tử cao cấp. Ông cụ mắt kém, thấy nó vào hỏi về thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết thì cứ tưởng công an đi điều tra, bám lấy kể lể. Thôi, nó cho bốc hơi ngay hai cái máy gì đó, nhỏ bằng bao thuốc mà bảo những mấy triệu đồng một cái. Sau đó đến con mẹ bán hàng nước, cũng cúng nó mấy trăm ngàn đồng. Nhưng mà đau nhất là con mẹ Quỳnh, chủ tiệm vàng. Nó nói dối nó là nhà báo, thế là tồng tộc lôi hết giấy tờ, văn tự ngôi nhà đang kiện tụng tranh chấp với thằng em chồng ra đưa cho nó. Nó mới nhét vào cặp bảo mang về nghiên cứu. Mất biến luôn. Thấy bảo nó bán lại cho thằng em chồng, lấy mấy cây vàng.

- Chuyện lâu chưa hả cụ?

- Cũng chưa lâu lắm. Chú uống nước đi. Bây giờ ở đây, chỉ cần nghe thấy thằng nào hỏi về vụ giết thằng bé đánh giầy là hô hoán lên tóm ngay. Loại đó đem tùng xẻo cũng còn là nhẹ.

- Nhưng mà chuyện thằng bé đánh giầy bị giết chết có thật không?

- Chú này cũng chả hơn gì chúng tôi. Ðáng lẽ phải đoán ngay nó là thằng lừa đảo, bởi vì hỏi thế thì có khác gì hỏi nhà thổ có đĩ không? Ngày nào chả có chuyện giết chóc. Vả lại vụ đó xảy ra từ đời tám hoánh nào rồi.

- Nghĩa là cụ cũng có biết...?

- Cứ loáng thoáng, chứ đầu óc đâu hả chú! Nghe mọi người phì pheo, nhưng mà chưa hết chuyện này đã lại có chuyện khác. Chẳng hạn như chuyện tôi vừa kể đang xôn xao ở khu phố này. Ngày mai chú đến lại có chuyện khác. Nhớ làm sao xuể được.

- Có ai trông thấy mặt thằng cha lừa cả phố ấykhông hả cụ?

- Thì khi nó tếch rồi mới biết mình bị lừa, chỉ cố nhớ lại, đại loại trắng trẻo, trông trí thức, cao ráo lắm. Cho nên ở đời chả thể tin vào mắt mình được.

Tôi xoay xoay chén trà, đầu óc trở nên mông lung. Hay là có một kẻ nào đó như vậy thật? Và nếu hắn ta không phải là tôi - Tuy nhiên đến giờ thì tôi không chắc chắn mình không phải là hắn, thì là một kẻ mặt mũi ra sao?

- Có thể hỏi ai ở dãy phố này về hắn hả cụ?

- Chú định làm gì nó?

- Cháu cũng chưa biết.

- Tôi khuyên chú thây kệ người ta. Chú có gia đình chưa?

Tôi nói là tôi vẫn ở một mình. Bà cụ "à" lên một tiếng:

- Thảo nào chú mới thích mua việc. Chú cứ có vợ con đi, nó bíu vào thì quay như chong chóng ấy, thời gian đâu mà quan tâm đến chuyện thiên hạ.

- Thế nếu một lúc nào đó cái thằng lừa đảo ấy nó quay lại?

- Nó tha cho thì được chứ làm sao mà biết nó là ai, ai là nó.

Tôi thở dài. Bà cụ an ủi:

- Cứ cẩn thận chú ạ. Tôi trông chú hiền lành, tử tế tôi phải bảo để chú biết mà phòng thân.

- Cảm ơn cụ - Tôi mỉm cười, mặc dù vô cùng buồn nản, chào bà cụ phúc hậu rồi đến thẳng quán giải khát hôm trước. Cô chủ quán đang ngồi đọc sách và chỉ liếc qua tôi cũng biết ngay cô cầm làm dáng là chính. Cô kéo lại váy nhưng chính là cách tốt nhất bắt tôi nhìn vào cặp chân trắng nõn của cô.

- Mời anh ngồi ạ!

- Cảm ơn cô.

- Anh dùng gì ạ?

- Cô cho một chai khoáng mặn.

- Vâng, có ngay.

Sau khi rót nước ra cốc, cô chủ quán ngồi trở về chỗ cũ nhưng không đọc sách nữa. Cô có vẻ đang rất thèm nói chuyện.

- Cô có cái quán đẹp quá.

- Chắc là anh vào lần đầu. Hy vọng mỗi khi qua đây anh đừng quên có một chỗ "đẹp quá" như anh vừa nói.

- Tôi sẽ nhớ. Chỉ phải cái, nghe nói ở đây nhiều bọn lừa đảo đến làm ăn lắm hả cô?

- Em đang định dặn anh đây. Anh phải cẩn thận khi tiếp xúc với người lạ. Càng những thằng nom như trí thức càng phải cảnh giác.

- Vậy thì biết ai là ngay ai là gian bây giờ?

- Ðúng là khó thật. Tháng trước cả phố này bị một thằng cha, nom sạch sẽ lắm, nó lừa cho một mẻ.

- Thằng cha nào mà to gan thế?

- Nếu biết nó là đứa nào thì ngay em chân yếu tay mềm em cũng dám băm cho nó một nhát.

- Có bị mất nhiều không?

- Ðể xem nào? Con bạn em có quầy hàng bán đồ lót mất hòm tiền hàng, ít cũng hai chục triệu. Ông chủ bán đồ điện tử bị nó thôi miên, có mấy ngàn đô cứ tồng tộc đưa cho nó. Bà chủ tiệm vàng thì nó lừa lấy hết giấy tờ văn bằng chứng chỉ... coi như nướng mấy chục vé. Thế rồi một con bé chuyên đi lừa người khác ở quán chị Cúc cũng bị nó lừa... Còn vài người nữa ngại không dám khai báo.

- May mà nó chưa sờ đến nhà mình - Tôi chia sẻ niềm may mắn với cô chủ quán.

- Ðúng là còn hơn cả sự may mắn - Cô hào hứng nói, cảm nhận chút hạnh phúc của người thoát nạn - Bởi vì nó đã vào đây rồi, cũng ngồi đúng chỗ anh đang ngồi, gọi một cốc sinh tố. Em mải mê làm nên không kịp để ý kỹ hắn. Chỉ nhớ mang máng hắn cũng khá trắng trẻo, không có tí gì bợn lên để nghĩ hắn là kẻ lừa đảo, thậm chí nếu gặp hắn còn dễ có thiện cảm là khác. Em còn nói chuyện với hắn cơ mà, y như em với anh bây giờ.

- Cô có nhớ hắn nói gì không?

- Thoạt đầu hắn bảo hắn đi mua tặng vợ vài món đồ của phụ nữ. Sau đó hắn hỏi về một thằng bé đánh giầy nào đó bị giết chết. Tất nhiên như sau này mới biết là hắn bịa ra để kiếm cớ. Rồi hắn hỏi toàn những chuyện không đâu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình ngu, cũng cứ trả lời hắn. Phàm những thằng tốt mã mà cứ hỏi linh tinh thế là đích thị đi lừa đảo.

- Cô vừa nói hắn hỏi về vụ thằng bé đánh giầy bị đâm chết, hắn quan tâm đến chuyện đó làm gì nhỉ?

- Ðã bảo là hắn bịa chuyện mà lại.

- Nhưng nếu tôi không lầm thì hình như có chuyện đó đấy chứ?

- Chuyện gì ạ?

- Chuyện thằng bé đánh giầy bị đâm chết ấy.

- Thì nó biết thừa những chuyện như thế ở đâu mà chả có. Có khác gì nó hỏi có phải ở đây vừa xảy ra chuyện cướp giật không.

- Thế cô có biết chuyện ấy không?

- Chuyện gì ạ?

- Chuyện thằng cha lừa đảo ấy hỏi đi hỏi lại, đại loại, không xét đến hắn, có thằng bé nào bị đâm chết làm nghề đánh giầy không?

- Có. Ðã bảo chuyện như vậy sẵn lắm.

- Tức là hắn cũng có biết?

- Ồ, nó đi lừa đảo, nó cũng phải tìm hiểu chứ anh.

- Hắn đến đây, tức là ngồi ở chỗ tôi đang ngồi đây, lâu chưa?

- Khá lâu rồi.

- Thế chuyện thằng bé nào đó... hắn hỏi để kiếm cớ?

- Chuyện đó nếu không tháng trước, thì cũng tuần trước nữa.

Tôi cúi xuống, cố giấu một tiếng thở dài. Ngày mai tôi trở lại đây, rất có thể nghe mọi người kể: "Cách đây... có một thằng cha đi tìm thằng cha điều tra về cái chết của thằng bé đánh giầy nào đó chết từ năm ngoái. Thằng cha hỏi về chuyện thằng bé đánh giầy thì lừa cả phố, còn thằng cha hỏi về thằng cha kia... thì chính là x, y, z... vừa trốn tù, đội mồ sống lại hoặc là một tên sát nhân chuyên nghiệp v.v..." Và cứ thế tôi sẽ không còn biết chính tôi là ai và đang sống ở thời nào nữa.

Nhưng mà tôi là ai nhỉ? Hay tôi chính là cái thằng cha đi hỏi về cái chết của thằng bé đánh giầy? Tự dưng tôi rất muốn đi tìm hắn để xem hắn có phải là tôi không? Hay tôi là hắn từ lúc nào mà tôi không biết? Hay tôi đã không còn là tôi từ đời tám hoánh nào rồi? Vậy thì tôi là ai? Là hắn hay là một tôi khác? Câu hỏi này thoạt đầu khiến tôi cười phá lên bởi tính ngớ ngẩn của nó. Nhưng nó cứ dần dần trở nên là một câu hỏi nghiêm túc! Tôi là ai? Tôi phải bằng mọi cách biết tôi là ai. Khi đó vấn đề thằng bé đánh giầy cũng sẽ được sáng tỏ. Bởi vì biết đâu chính nó, chuyện nó bị đâm chết chỉ là do hắn phịa ra để kiếm cớ.

Tôi trở nên không kiểm soát nổi ý nghĩ của chính mình, trong đó mối nghi ngờ tôi không phải là tôi cứ ngày một tăng lên. Có lúc nó làm tôi quay cuồng, muốn hét lên thật to câu hỏi: Tôi là ai? Là tôi? Là hắn? Hay không phải là tôi?


*

Mệt mỏi, hoang mang, lo âu, chán nản... ngần ấy thứ bao vây lấy tôi. Tôi cảm thấy mỗi cá nhân giống như một mã số, một ký hiệu... luôn luôn có nguy cơ bị biến dạng, bị nhiễu, bị sai lạc về tín hiệu hoặc mất hút mà không ai cần biết lý do.

Gần trưa tôi tạt vào một quán ăn, định bụng tìm một chỗ nào đó ngồi uống tiêu sầu. Gần như bàn nào cũng chật kín và tôi nhận ra những bộ mặt quen thuộc. Họ quen thuộc không phải do tôi biết rõ về họ, mà ngược lại, với tôi họ là những ẩn số vĩnh cửu. Chẳng qua là do tôi phải thấy họ quá nhiều: Qua tivi, báo chí, những cuộc gặp mặt, hội thảo, mít tinh... Tóm lại do tôi thấy họ ở khắp nơi. Hình như toàn bộ guồng máy khổng lồ bao gồm: quyền lực, mafia, giá cả... được vận hành bởi những con người này. Bàn số một là bàn của mấy ông vua ô tô bãi rác; bàn số ba thâu tóm toàn bộ những xác chết đưa ra từ các bệnh viện; bàn số bốn đang thảo luận giảm giá khách sạn. Ngài X ngồi ở bàn số hai, ngài Y ngồi ở bàn số bốn, ngài S bữa nay có vẻ không được khỏe...

Tìm mãi cuối cùng tôi tìm được một chỗ ngồi gần lối toa-lét. Mấy gã bồi, tự cho mình cái giá được và chỉ quen hầu các nhân vật quan trọng, khó chịu nhìn tôi.

Tất cả cùng đang ra sức gào lên một điều gì đó, mặc dù không ai nghe trọn vẹn nội dung. Tôi ngồi cạnh bàn của các ông chủ thầu xây dựng và sau đây là câu chuyện của họ.

- Chuyến này tôi sẽ bóp cho thằng Hùng lòi mắt ra.

- Món sò ở đây được lắm.

- Toa-lét ở phía nào?

- Hầy! Huých! Bồi... tặc tặc tặc.

- Bọn chó, ăn cả nước lẫn cái.

- Tôi sẽ nhường cho ông ba hợp đồng nếu... à không, anh cả hiểu sai ý tôi. Ðể tôi nói cho có trình tự...

- Bồi đâu, bia lạnh!

- Thêm cho ngọc dương...

Chỉ thấy tiếng sôi réo như một chiếc đài mất sóng. Tôi thầm nghĩ, nếu ghi âm những cuộc đối thoại này gửi cho những người ngoài hành tinh, như một tín hiệu thông báo ở trái đất có sự sống, thì họ tha hồ mà phỏng đoán: Một bọn thú đang tranh nhau ăn? Một phiên chợ? Một cuộc tự sát tập thể? Một cuộc cưỡng hiếp hoặc đơn giản hơn là những kẻ đui mù bị nhốt chung trong căn hầm nào đó? Họ sẽ đi đến kết luận: Sự sống ở trái đất đang ở vào giai đoạn quần hôn, hang hốc, ăn thịt sống, chưa có tiếng nói như một ngôn ngữ xã hội; một bầy giun dế; một lũ chuột v.v...

Một tốp khách mới xuất hiện và chỉ cần xem cung cách gã chủ lụt cụt chạy ra, khum người xuống bắt tay một ngài nhỏ thó, đủ thấy họ quan trọng như thế nào. Tim tôi tưởng đứng lại khi tôi nhận ra người bên cạnh ngài, một phụ nữ xinh đẹp, chính là Thảo Miên, người mà tôi đang định sau đây sẽ đi tìm. Trông nàng lạc lõng như một con bồ câu giữa bầy diều hâu. Ngài nhỏ thó đặt tay lên vai nàng và họ đi lên lầu trên. Không kịp định thần có lẽ tôi đã lao bổ theo gọi tên nàng. Thay cho việc đó, tôi gọi thanh toán và lảo đảo bước ra ngoài. Tôi nghe có tiếng thì thào từ phía sau:

- Hắn là ai nhỉ?

Về nhà tôi đóng cửa viết một bài báo có tựa đề: Chuyện ở phố G. Tôi mô tả lại nỗi hoang mang của những người dân ở khu phố G trước sự xuất hiện của một kẻ lừa đảo. Thủ đoạn quen thuộc của hắn là giả danh người đi điều tra về cái chết của một thằng bé đánh giầy nào đó. Lợi dụng những sơ hở của người nhẹ dạ, cho đến nay hắn đã lừa hầu hết những người có cửa hiệu bán đồ đắt giá ở phố G. Chẳng hạn như chị... chủ cửa hiệu Hơn cả sự gợi cảm, cô... chủ quán giải khát, ông... chủ cửa hiệu đồ điện tử, đặc biệt là bà Q - chủ tiệm vàng, người bị lừa nhiều nhất. Hắn xuất hiện vào buổi sáng. Một vài người nhận dạng hắn như sau: Cao khoảng 1 m 70, da trắng, mũi to và cao, trán vuông, mắt dài, mồm cười khá tươi, có một nốt ruồi ở dái tai... Tóm lại hắn có hình thức khá hấp dẫn, trong tay luôn luôn cầm một cuốn sổ.

Tôi kết luận: Ðây là một vụ việc không lạ nhưng có nhiều tình tiết bí ẩn bởi đi kèm với nó là cái chết của một thằng bé đánh giầy nào đó.

Tôi viết say sưa, một mạch, hầu như không cần phải sửa chữa. Xong tôi đọc lại và hơi bực tức bởi cái thằng cha lừa đảo nào đó có những đặc điểm y hệt tôi, các chỉ số kích thước trùng khít với của tôi.

Tôi ghi một cái tên ngẫu nhiên nghĩ ra ở cuối bài.

Sau khi đưa thẳng đến tòa soạn và được tổng biên tập ghi vào lề: dùng ngay, tôi sống trong tâm trạng phấn khích của người vừa làm xong một công việc đáng kể. Tôi ngâm nga hai câu thơ bật ra từ hôm tôi gặp nàng:

Nàng ở cuối phố G, nơi ta mệt mỏi dừng chân

Sau khi đi xuyên qua cả thiên đường địa ngục.

Hoàn toàn tin chắc tôi và hắn chỉ là hai kẻ có nét giống nhau, tôi gọi điện thông báo cho nàng và nói "đó là một phát hiện quan trọng". Tôi quên khuấy nàng vừa đi với ngài nhỏ thó, nói rằng tôi rất nhớ nàng, muốn gặp riêng nàng ở một chỗ nào đó.

Nàng hẹn tôi 8 giờ tối, trước cửa hiệu Bướm Xanh. Tôi không lạ chỗ đó.


Chương X

Tôi đã có trong tay bí quyết để kiểm tra xem tôi có còn là tôi nữa hay không? Theo lời hẹn của nàng, tôi đến trước cửa hiệu Bướm Xanh sớm 15 phút. Ðó là một khuôn viên nhỏ nhìn ra hồ, đích thị là nơi để người ta hò hẹn. Tôi chọn một chỗ có đèn chiếu sáng - nghĩa là người đi ngoài đường có thể nhìn rõ mặt tôi - và đứng tựa lưng vào tường, mắt nhìn ngước lên. Mọi người đi lại nhộn nhịp, nói chuyện râm ran, hờn dỗi hoặc cấu chí... ngay trước mắt tôi nhưng không hề khiến tôi bận tâm. Tôi tạm thời hóa đá và nàng sẽ chạm tay phù phép cho tôi trở lại làm người.

Thoạt đầu có vài người nhìn tôi dò xét rồi lại quay về với câu chuyện của họ. Rồi có ai đó dừng lại hồi lâu, rồi có vài người dừng lại và họ thì thào nói với nhau gì đó. Tôi đoán là họ nói về tôi:

- Anh ta làm sao thế nhỉ?

- Không động đậy gì cả.

- Mắt vẫn mở.

- Gã chiêm tinh đấy.

- Gã ngủ đứng thì có.

- Khéo chết cứng rồi cũng nên.

- Chắc người yêu bỏ đi.

- Một thằng điên.

Thoạt đầu chỉ có vài người. Rồi chỉ trong chốc lát đám đông bắt đầu hình thành, vón cục trước mặt tôi.

- Nhất định có chuyện gì với hắn.

- Giội cho hắn gáo nước lạnh.

Tôi mặc kệ. Mọi sự đã bị đẩy quá đi, ngoài ý muốn của tôi vì thế tôi chỉ còn cách tiếp tục hóa đá. Vả lại rất có thể tôi không phải là tôi. Vậy thì việc quái gì phải bận tâm. Tuy nhiên từ thú vị, tôi chuyển dần sang sợ hãi. Càng sợ hãi tôi càng có cảm giác bị đông cứng lại. Và tôi chỉ còn chờ chính nàng sẽ là người giải thoát cho tôi.

Kim đồng hồ chỉ gần đến giờ hẹn. Tôi nhìn ngay ra nàng đang từ xa bước đến. Tóc nàng bỏ xõa, nhấp nhô uốn lượn theo nhịp bước. Từ nàng toát ra một cái gì vô cùng êm dịu, vô cùng tinh khiết, y như một tiên nữ giáng trần trong tưởng tượng của tôi hồi bé. Tim tôi cồn lên, tâm hồn tôi như mặt hồ bị con thiên nga làm xao động. Tôi chỉ muốn lao ra ôm thốc lấy nàng, dìm đầu tôi vào suối tóc của nàng cùng với bầu ngực đầy như trăng giữa tháng. Bất chấp những gì tôi từng biết về nàng, tôi sẽ quỳ xuống nói với nàng rằng, thực ra tôi sống được cho đến hôm nay, sau đủ thứ săn đuổi, đầy ải, đi xuyên qua cả địa ngục chỉ vì biết có nàng ở trên đời. Người tôi chờ đợi từ khi chưa sinh ra là nàng. Nàng sẽ đưa tôi tới miền an lạc không còn thù hận, giết chóc mà chỉ còn ánh sáng và tình yêu. Tôi sẽ miệt mài ngồi khắc những vần thơ ca ngợi nàng lên đá.

Nàng càng tới gần, mặt tôi càng nóng ran còn tim thì muốn phá tan lồng ngực chui ra. Tôi thầm cảm ơn số phận, cảm ơn mọi nỗi tai ương, cảm ơn căn bệnh liệt dương khiến tôi xa lánh đàn bà để hôm nay tự do đến với nàng. Cảm ơn em, cảm ơn cái sa chân vào địa ngục của em, cảm ơn mọi loại kẻ thù của anh, cảm ơn hắn, cảm ơn Mặt Ðen... Tôi nhắm mắt lại để tận hưởng trọn vẹn cái giây phút nàng rẽ mọi người ra, lướt nhanh về phía tôi. Nhưng tôi đã chờ uổng công. Giống như mọi người, nàng lo sợ nhìn tôi. Sau đó có vài chục giây nàng sững người, vẻ mặt cực kỳ căng thẳng. Nàng quay sang hỏi người bên cạnh:

- Anh ta làm sao thế nhỉ?

- Có trời mới biết được.

Vẻ mặt nàng trở nên y hệt như mọi người, nghĩa là tò mò, dửng dưng và rõ nhất là chờ đợi một trò gì đó do tôi sắp gây ra, có thể rất bất ngờ và thú vị.

Ðám đông mỗi lúc một phình ra, người nọ hỏi người kia, người này la mắng người khác, người bên cạnh huých phải người bên cạnh. Từ chỗ lý do của cuộc tụ họp là tôi, đến chỗ mọi người coi việc tranh cãi, ẩu đả nhau là chính. Tôi cũng mất hút nàng. Ðám đông đã nuốt nàng như bầy mối nuốt con mồi yếu đuối. Kể từ khi nàng ngao ngán đưa mắt tìm kiếm tôi trong khi tôi đang đứng phơi mặt ngay trước mắt nàng, thì tôi hiểu rằng, dưới mắt nàng, tôi là một người khác. Tôi không thể trở thành tôi để chạy lại với nàng được nữa. Vả lại cái đám đông này không dễ dàng để cho tôi làm điều đó. Tôi chỉ có giá, có ý nghĩa khi cứ đứng đó làm một kẻ khác. Họ đã quyết định tôi là một gã điên, một kẻ thất tình, một thằng dở hơi, một gã say rượu v.v... Mọi người không bao giờ lại hy sinh một câu chuyện có thể làm quà, có thể mua vui, có thể đem ra nhạo báng... sẽ kể vào những ngày sau và số dị bản sẽ tăng theo cấp số nhân. Ðó là đặc trưng của đám đông. Chỗ này tôi là món chính. Chỗ khác tôi là gia vị. Chỗ khác nữa tôi chỉ còn là cốc nước xúc miệng, hoặc tệ hơn, một mẩu thịt giắt răng không móc ra nhanh sẽ bốc mùi. Giống như sau đám cháy, tất cả phải là tro tàn, tôi trở thành vật hiến tế và về mặt nào đó coi như tôi đã biến mất khỏi cõi đời này.

Ðám đông kéo dài sang hai bên, tràn ra đường, đùn lên trên các nóc nhà... Chưa có cuộc tắc đường nào khủng khiếp như vậy từ trước tới nay. Và câu chuyện đã tự ý xoay sang trăm ngàn hướng khác từ lâu. Không ai còn nhớ đến nguyên nhân gây ra cảnh ùn tắc là tôi. Bởi vì khi đó tôi cũng trở thành một thành viên của đám đông (tôi lợi dụng một cuộc xô đẩy, lủi nhanh vào đám đông) quay lại chiêm ngưỡng kỳ tích do tôi tạo ra. Giờ đây nó đã kịp thành những câu chuyện rùng rợn, bí hiểm, giật gân. Chỗ này là giết người, chỗ kia là tự tử, chỗ khác là trấn lột, hiếp dâm. Thậm chí có chỗ mọi người vô cùng hoang mang nghĩ đến một cuộc đột nhập từ bên ngoài trái đất. Một gã râu ria đang ba hoa về một hiện tượng dị thường.

- Một xác chết tự dưng chạy như bay ra khỏi bệnh viện, đến đứng ở chỗ dưới ngọn đèn kia - Gã chỉ vu vơ bởi chẳng còn ai thấy ngọn đèn nào cả.

- Ðến xác chết còn thế nữa là bệnh nhân còn sống. Chắc nó bị hạch sách nhiều quá đấy.

- Thì bệnh viện với địa ngục là một mà lị.

- Chuyện cứ như bịa ấy - Một người đàn ông ngao ngán thở dài. Gã râu ria sửng cồ, nhoài người ra túm cổ áo ông ta.

- Ông không biết thì câm mồm đi nhé. Ông muốn vỡ mồm thì nói nữa đi. Ai bịa? Làm sao bịa nổi một chuyện như thế - Gã quay sang xung quanh và hướng vào tôi - mọi người ở đây đều tận mắt chứng kiến, vậy mà anh ta bảo tôi bịa. Ông ta chưa biết tôi là ai đâu. Tôi là nhà khoa học nhân văn, mà các ông biết có nhà khoa học nào lại tự bôi nhọ thanh danh của mình, trừ lão viện trưởng của tôi nhưng lão sắp được đề bạt rồi - Gã tiếp tục ba hoa: - Thực ra trên thế giới đã từng có trường hợp người chết bốc mùi, rồi tự dưng chạy được. Tôi nhớ không lầm thì ở Mỹ, Tây Ban Nha hay Camơrun gì đấy... Này ông kia, trật tự. Tất cả trật tự, để yên cho tôi nói...

- Ðấm vỡ mõm thằng khoa học đi!

- Ðấm tôi á? - Gã hỏi một cách ngạc nhiên và tìm xem ai vừa bảo đấm vỡ mõm gã - Ðấm tôi á? Thằng nào mà to gan thế?

Mọi người giãn ra, co lại, xô đẩy chí tử trong khi gã nhân văn vẫn phanh ngực chờ ai đó đấm. Tôi lủi nhanh ra ngoài. Ðến được một lối nhỏ có thể thoát sang phố bên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi không chịu trách nhiệm về vụ ùn tắc vì tôi không phải là tôi - điều đó thì giờ đây tôi tin chắc. Vừa cắm cúi bước tôi vừa nghĩ: Hay ta là hắn? Trong khi đó mấy chiếc xe cứu hỏa đang rú còi chạy như bay từ nơi khác đến. Từng tốp cảnh sát, cả nổi lẫn chìm... được nhả ra từ những chiếc xe đặc chủng. Tôi hỏi một trật tự viên đang huơ huơ chiếc dùi cui loang lổ như rắn cạp nong.

- Có chuyện gì thế hả anh?

Gã toan vụt cho tôi một cái nhưng dừng lại được, mắt trợn trừng:

- Ông bàng quan quá đấy! Có một người tự thiêu gây cháy một cửa hiệu. Tiên sư bố thằng chó! Không hiểu sao dạo này lắm người chán sống thế?

À, thế ra mình vừa tự thiêu - Tôi thầm nghĩ và lủi thủi đi về nhà.


*

Tôi càng tin chắc tôi đã không còn là tôi khi hôm sau tôi đến Cảm giác thiên đường tìm nàng. Không còn ai, kể cả thằng Mực mà tôi tin hắn có năng khiếu săn người bẩm sinh nhớ thằng tôi hôm nọ. Nàng trách tôi sai hẹn. Nàng bảo vì giữ lời với tôi mà nàng suýt chết bẹp. Tôi vờ ngạc nhiên hỏi lý do thì rất hồn nhiên nàng kể rằng, khi nàng đến trước hiệu Bướm Xanh chỉ thấy một gã đứng như Chúa chịu nạn, bị bao vây bởi một đám đông gây ra cuộc ùn tắc kinh khủng chưa từng thấy. Ðể chứng minh, nàng lấy cho tôi tờ báo có đăng bài về "một hiện tượng kỳ dị". Cạnh đó là bài trao đổi với nhà khoa học nhân văn K, cũng có mặt khi xảy ra hiện tượng sẽ còn tốn nhiều giấy mực kia. Nhờ tấm ảnh - có lẽ lúc nào gã cũng thủ sẵn trong túi nên mới kịp đưa cho bản báo - mà tôi nhận ra gã râu ria tối qua.

- Gã nom thế nào? - Tôi ra vẻ sốt sắng hỏi.

Nàng nghiêm khắc nhìn tôi:

- Vậy là rõ ràng anh không hề đến đó.

Tôi đành nhận lỗi:

- Vì thế hôm nay anh phải tìm em để thanh minh. Thực ra anh rất nhớ lời hẹn, nhớ em nhưng lúc gần đi thì sếp gọi. Em hiểu sếp gọi là gì rồi chứ?

Nàng không nói gì nhưng có vẻ đã nguôi ngoai.

- Em kể đi, sự việc thế nào? Nom gã có giống anh không?

- Giống - nàng lườm tôi - Chỉ có điều mặt anh ta ít lưu manh hơn anh.

Tôi cười lấp đi. Nàng cũng cười và tâm hồn tôi lại cồn lên từng đợt sóng.

- Sao gã lại chọn đúng điểm hẹn của anh và em nhỉ?

- Em không biết - Nàng thoáng nghĩ ngợi - Có thể là gã cũng như em, không dễ gì nói ra được tâm sự của mình.

Nàng cúi đầu nhìn xuống.

Tôi gọi đồ uống để lấy cớ ngồi với nàng. Trong khi không hiểu nàng đang nghĩ gì, tôi lấy hết can đảm nói nhanh:

- Em rất quan trọng với anh. Anh không thể nói được tình cảm của mình. Từ ngày mai, hôm nào anh cũng đến đây, ngồi ở đúng bàn này.

- Ðể làm gì? - Nàng buồn bã hỏi. Khi buồn nàng càng có một vẻ quyến rũ đặc biệt.

- Anh không biết. Nhưng anh sẽ chết mất nếu không ngày ngày được gặp em.

- Cứ như giấc mơ hồi bé của em ấy - Nàng cười một cách khổ sở - Hồi bé em thường mơ đến Hoàng tử. Giờ đây anh làm em nhớ thời thơ ấu quá.

- Anh cũng thế - Tôi nói và nhìn nàng một cách tha thiết - Anh từng sống dưới địa ngục, từng vấy bùn, từng chết đi sống lại...

- Ðừng bắt em phải tin vào bất cứ điều gì! - Nàng định đứng dậy nhưng bị tôi giữ lại - Anh không biết gì về em đâu.

- Anh chỉ cần biết chính em đã cho anh sức mạnh và tin rằng không có sự chờ đợi nào vô nghĩa cả?

- Anh ư? Anh chờ đợi ai, chờ đợi điều gì?

- Anh đã chờ, em có hiểu không? - Tôi nói bằng tất cả sự chân thật của lòng mình - Anh đã chờ đến cái ngày gặp em.

- Ở địa ngục? - Nàng lạnh lùng hỏi.

- Không! Ở giữa cái nơi cả anh và em đều xứng đáng được hưởng một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó.

- Anh làm em buồn quá - Nàng quay mặt đi - Em cũng từng khao khát một cuộc sống giản dị, được làm vợ, làm mẹ, được hạnh phúc và được đau khổ. Nhưng tất cả đã cháy thành tro, đã chết đen thui từ sau cái đêm kinh khủng đó...

- Nhưng nó sẽ sống lại - Tôi xoay nàng về phía mình - Nó sẽ sống lại. Em có tin không, nó sẽ sống lại... nếu em cũng cầu mong cùng anh.

Nàng đau đớn ôm mặt và lần này đứng phắt dậy:

- Em chết từ lâu rồi! Ðừng bắt một xác chết phải cười nói, nhảy múa, nó chỉ thêm kinh tởm thôi.


*

Từ chỗ nàng ra, tôi bước uể oải bằng cái tâm trạng của kẻ bị tan nát cõi lòng. Tôi ngồi bệt xuống một vạt cỏ. Ngay lập tức gã bán thuốc rong sán lại, chào hàng bằng thứ giọng phù thủy:

- Ðây là thuốc dành cho những người bị vợ coi thường, đây là thuốc cho những người muốn gây đau khổ cho chị em. Ông anh dùng loại nào?

- Nhưng mà tao chết rồi! - Tôi bảo gã.

- Ông anh mà chết thì tất cả đàn bà khóc hết nước mắt.

Tôi hỏi gã:

- Mày có thuốc biến tóc đen thành bạc trắng chỉ trong ít phút không?

- Ông anh là người hay ma mà vui tính thế? Người ta chữa hói đầu, nhuộm tóc cho nó đen, còn ông anh thì lại muốn già sớm.

- Tao muốn tí nữa thành một lão già.

- Thế thì lương tâm nhà lang không cho em làm. Mặc dù cái thứ lương tâm ấy bây giờ hiếm lắm. Lang sói thì sẵn.

- Thế mày có còn cái tí hiếm ấy không?

- May cho ông anh vì từ sáng đến giờ em chỉ toàn lừa đảo. Người ta chỉ thật lòng sau khi lừa đảo thôi.

Tôi cười như điên. Gã bán thuốc nhìn tôi một lát rồi cũng cười như điên. Nhờ thế mọi người xúm lại và gã tranh thủ bán được mấy lọ thuốc chữa hôi nách.

- Ông anh cho em lộc rồi đó.

Tôi hỏi nó:

- Mày đã gặp tao bao giờ chưa?

Nó nhìn nghiêng nhìn ngửa một lát rồi bảo:

- Cái mặt này thì chưa, nhưng cái thân này thì quen lắm.

- Mày nói thế là thế nào?

- Bởi vì em hãi nhìn vào mặt người khác lắm, đa phần chỉ thấy họ từ bụng trở xuống. Rặt một bụng cứt và mỡ, cái nào cũng giống cái nào.

Tôi dịu giọng:

- Tao hỏi thật, mày cũng phải nói thật: Mày đã thấy một người nào giống như tao mà không phải là tao chưa?

- Chỗ nào chả gặp. Nhan nhản, đầy đường đầy chợ, băm không hết...

- Mày nói láo! - Tôi thét lên.

- Ô, hỏi thì nói, sao ông anh sợ sự thật thế.

- Tao đang ở đây, trước mặt mày, là duy nhất, là độc bản, làm gì còn có một thằng tao nào khác - Tôi thấy hoang mang.

- Ồ, hóa ra ông anh còn thật thà hơn em. Em nói ngụ ý, theo kiểu văn chương, mọi người hao hao nhau ở chỗ mặt hầm hố, mắt cú vọ, cáu giận thì ngầu lên như vũng bùn, giọng nói thì đều một kiểu nhai nuốt thiên hạ, chẳng ai biết đến ai, lúc nào cũng hau háu thèm gái và tiền...

- Mày biết tao là ai không?

Nó gí sát mắt vào mặt tôi.

- Là ai? - Tôi gầm gừ.

- Chịu! - Gã lắc đầu - Càng nhìn càng thấy cóc là ai cả.

- Mày có biết thằng đang lừa đảo cả khu phố G này không? Cái thằng cứ la cà hỏi về cái chết của thằng bé đánh giầy nào đó.

Gã moi mẩu báo ra, chăm chú đọc:

- Cao 1,70 m, da trắng, mũi to và cao, trán vuông, mắt dài, mồm cười khá tươi, có một nốt ruồi ở dái tai - Gã đọc đến chỗ nào lại liếc tôi và mặt gã cứ tái dần đi. Hình như gã còn tìm một cái gì đó ở tôi cho khớp nốt như mô tả.

- Ông anh có cuốn sổ nào không?

- Tao đang hỏi mày cơ mà.

- Ông anh mà có cuốn sổ cầm ở tay nữa thì hôm nay em vớ bẫm. Em đang đi tìm chính cái thằng cha ấy đây.

- Mày tìm hắn để làm gì?

- Trước để bái phục hắn, làm ăn khá thế. Có một thằng bé đánh giầy mà đủ làm mồi câu cả phố. Sau đó em tóm cổ nó đem nộp công an để lĩnh thưởng. Bản nhận dạng này công an phát cho em đấy.

Tôi sững sờ cả người rồi không kìm được cười ầm lên.

- Mày tin có một thằng cha như thế đi lừa đảo cả khu phố G à? Mày không thấy nó đang ở trước mặt mày à?

Tôi vỗ ngực bồm bộp. Gã bán thuốc chuyển sang sợ hãi, nói lắp bắp:

- Thôi, em chuyện tếu cho vui chứ biết tin vào cái gì bây giờ - gã lấm lét nhìn tôi. Bây giờ chuyện thật là bịa còn chuyện bịa thì là thật. Em cũng chịu không biết chuyện nào mình bịa, chuyện nào có thật. Ðại loại bịa mãi thành thật. Còn thật mà kể mãi thì thành bịa.

- Nhưng phải có cái gì không bịa chứ?

- Ông anh cho em thấy ngay thứ ấy đi.

- Chẳng hạn cái mặt tao, cái mặt mày?

- Mặt ông anh thì còn phải xét, chứ mặt em thì bịa một trăm phần trăm. Làm gì còn của thật. Vả lại chỉ đáng tin vào cái gì bịa ra thôi.

- Vậy thì để tao phải đấm vỡ cái mặt bịa của mày mới được.

- Thì em bịa nó ra chỉ để ăn đấm thôi mà. Ðúng ra vì ăn đấm mãi nên không còn của thật nữa. Ông anh thưởng cho em vài trái đi. Sau đó cho em thử vào cái mặt gin của ông anh nhé. - rồi gã ê a đọc: Chúng ta sống một đời giun dế; Những giấc mơ dính bết nhớt sên và bảo tôi: Quốc hồn đấy ông anh ạ.

Tôi nhìn chăm chăm vào mặt gã rồi sờ mặt tôi và cảm thấy gã nói đúng. Có thể cái mặt tôi cũng chỉ là cái mặt bịa? Rất có thể hàng trăm hàng ngàn cái bộ mặt ta nhìn thấy hàng ngày đều là mặt bịa. Nhưng nếu mặt nàng cũng không phải là mặt thật thì tôi sẵn sàng đạp đổ tan tành tất cả.

- Làm đi ông anh! - Gã bán thuốc rong chìa mặt ra chờ đợi.

Tôi giang tay tát gã một cái nghe đánh "bốp" và tưởng tay mình nát vụn ra. Mẹ kiếp, mặt gã đích thị là mặt sắt! Gã đưa tay sờ má như thể xem mặt mình còn không và bảo tôi:

- Bây giờ đến lượt em.

Tôi chống tay vào nách, vươn cổ ra. Nếu là mặt bịa thì tay mày sẽ nát bét - Tôi đắc ý nghĩ - Sau đó tôi thấy một vầng pháo hoa bung lên trước mắt tôi với cảm giác bị sét đánh hoặc một cái gì khủng khiếp vừa giáng xuống. Tôi thấy mặt mình bay mất và tất cả trở nên hoàn toàn tĩnh lặng. Khi tỉnh dậy, quả thật tôi thấy mặt mình chỉ có thể đúc bằng gang. Nó nặng đến nỗi tôi không cất đầu lên được. Có một gã lạ mặt nhìn tôi từ xa, thị giác gã dồn cả vào tôi khiến tôi thấy gai gai và nhận thấy ngay gã đang đắn đo gì đó (sau này chúng tôi còn gặp lại nhau).

"Rút cục thì mặt mình là mặt thật hay bịa?" - Tôi xoa xoa vào chỗ sưng và thấy ngổn ngang bởi ý nghĩ:

- Có thể mình chính là hắn, từng đi lừa đảo chăng?


*

Nỗi băn khoăn này cứ ăn sâu dần, trở thành ý nghĩ hàng ngày của tôi và từ lúc nào, tôi hoàn toàn tin vào nó. Ðúng như gã bán thuốc rong nói - cầu cho công an bắt gã đi! - giờ đây tôi không còn phân biệt việc nào do tôi chủ định làm, việc nào do tôi tưởng tượng ra. Một mặt tôi vẫn tiếp tục đi điều tra về cái chết của thằng bé đánh giầy vì một thôi thúc tôi không tự lý giải được. Có thể đó là cách tôi đi tìm cái tuổi thơ bị sát hại của tôi. Mặt khác tôi không cưỡng nổi ý muốn đi tìm kiếm kẻ điều tra về cái chết của thằng bé đánh giầy? Hai việc này chia đôi thời gian của tôi. Cuối cùng tôi tìm ra một phương pháp làm việc mới: Kết hợp cả hai việc cùng một lúc. Nghĩa là khi hỏi ai đó, tôi cộng lại thành một câu hỏi như sau: "Ông, bà, anh, chị... có biết, cách đây... ở ngã tư phố G, đúng ra chếch lên một đoạn, có một vụ giết người trong đó nạn nhân là thằng bé đánh giầy và tiện thể, có biết thằng cha đi điều tra về cái chết của thằng bé đó không?".

Gần như tất cả đều yêu cầu tôi nói lại, chậm hơn và họ tự tách ra làm hai phần, ngẫm nghĩ một lúc mới "à" lên vỡ lẽ. Nhưng đa phần vỡ lẽ ra thì họ lại quên mất câu hỏi, hoặc một phần câu hỏi và do đó lại phải tiếp tục ngẫm nghĩ để cuối cùng mỉm cười: ý tưởng hay đấy!

Họ không biết là tôi cụt hứng như thế nào? Chưa bao giờ tôi thấy ngôn ngữ kém tác dụng đến thế. Tuy nhiên, muốn một lúc xong hai việc, tôi không được nản lòng. Tôi hình dung khi mọi việc rõ ràng, tôi sẽ có một bài báo trứ danh, làm chất liệu cho một bài báo trứ danh khác. Và cứ thế viết mãi về một chuyện. ý tưởng này khiến tôi giống như một nhà thơ hơn một người đi điều tra, nghĩa là lên cơn hứng đột xuất. Mà khi hứng thì người ta không thể nào một mình ngồi trong căn phòng ẩm mốc được. Người đầu tiên tôi muốn chia sẻ là nàng. Tôi chỉ còn duy nhất một điều răn mình: ở xứ ta, muốn viết lách gì cũng được, miễn là đừng biến thành nghệ thuật.

Ðó là một buổi tối tâm hồn tôi như buồm căng gió, lướt đi một cách êm ái và chỉ muốn bay lên. Tôi thấy tiền đồ của tôi đang mở ra ở phía trước. Xung quanh mọi thứ đều lung linh sắc màu. Mọi người đều trở nên đáng yêu và tôi muốn gào to lên hai câu thơ:

Nàng ở cuối phố G, nơi ta mệt mỏi dừng chân

Sau khi đi xuyên qua cả thiên đường, địa ngục.

Nhưng lạ quá, sao mãi chưa tới thiên đường? Tôi đang ở đâu thế này? Ðịnh tâm lại tôi mới nhớ rằng thực ra tôi quên béng là mình đi đâu lúc ở nhà bước ra, vì thế đáng lẽ rẽ về bên này thì tôi lại rẽ về phía ngược lại. Khi tôi phát hiện ra trục trặc này thì tôi đã ở khá xa nơi tôi muốn đến. Quay lại bây giờ thì quá muộn, không khéo nếm món "trục khuỷu" của thằng Mực.

Còn đang suy nghĩ xem mình nên đi đâu thì tôi thấy một thiếu nữ ăn mặc quý phái, cầm ô, bước cắm cúi trên vỉa hè phía bên kia. Và còn ai khác nữa ngoài nàng? Tim tôi muốn nhảy ngược lên với phát hiện này của tôi. Từ dáng đi, mái tóc cho đến cách cầm ô... làm sao mà lẫn được với ai khác. Tôi tưởng mình nằm mơ vì thế phải một lúc tôi mới lao bổ qua đường.

Nàng vẫn cắm cúi bước, dường như gấp gáp hơn, về phía một khu biệt thự. Tôi gọi đuổi theo:

- Thảo... Miên...!

Nàng sững người giây lát rồi lại cắm cúi bước. Tôi suýt đẩy đổ chiếc cột đèn vì nó chắn lối tôi. Khi tôi đã ở phía bên kia đường thì nàng đã đến trước cổng ngôi biệt thự. Tôi gần như bay trên hè phố bởi vì tôi đã hoàn toàn tin chắc mình không lầm. Tôi thấy chiếc cổng sắt từ từ mở ra, như miệng một con quái vật và ngay tức khắc nàng bị nó nuốt chửng. Tôi lao đến đúng lúc chiếc cổng sắt đã lại kín như bưng, lạnh lùng, sừng sững, bất khả lay chuyển. Hay nàng chỉ là ảo ảnh do mắt tôi tạo ra? Tôi chỉ còn cách đứng nhìn chiếc cổng, uy nghi, bí ẩn, lòng cuộn lên một nỗi căm tức. Tôi trở nên dã man bởi ý nghĩ muốn phá tung ngôi biệt thự này, muốn thấy nó bị lật nhào để xem bên trong nó có cái gì. Tôi gào lên:

- Có ai ở trong ấy không?

Không một tiếng động nhỏ đáp lại. Bỗng tôi thấy sợ, chính là nỗi sợ từng xuất hiện ở tôi: Nó muốn ấn bẹp tôi xuống. Nó là cảm giác bị một con thú lông óng mượt săn đuổi cộng với cảm giác mình có thể biến mất bất cứ lúc nào.

- Ôi thiên thần, thiên thần của anh. Hay em là yêu tinh? Chỉ có yêu tinh mới dám vào vương quốc của quỷ.

Tôi rên rỉ như một con chó bị chủ đuổi ra khỏi nhà.