© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
15.12.2002
Tạ Duy Anh
Đi tìm nhân vật
tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Chương XI

Hôm sau tôi quyết định làm sáng tỏ sự thật. Việc này chắc không khó. Nếu cô gái đêm qua là nàng thì nàng đến đó làm gì? Ngôi biệt thự bí ẩn ấy nhốt con thú nào trong đó? - tôi tự cho mình quyền được hằn học. Và điều cốt yếu là vì sao nàng chạy trốn tôi? Bởi vì với tôi, nàng đã, đang là một phần cuộc đời?

Thực ra tôi chưa bao giờ tìm hiểu xem công việc chính của nàng ở quán bar Cảm giác thiên đường là gì. Chỉ biết ban ngày nàng thường ngồi ở phòng khách, không có một nét nào của gái gọi. Mụ Cúc rất trọng nể nàng. Cách đối xử của mụ với nàng đượm tình mẫu tử hơn là giữa một bà chủ với người làm thuê.

Tôi cố giữ bình tĩnh khi bước đến trước mặt nàng. Thoạt đầu nàng có vẻ bất ngờ, mừng quýnh. Nhưng chưa đầy một phút sau nàng đã lại trở về với nét mặt buồn buồn, hơi bí ẩn.

- Mấy hôm nay anh sống ra sao? - Nàng dịu dàng hỏi thăm tôi. Ðiều đó khiến tôi thấy rối tung cả lên. Hoặc nàng không hề dính dáng gì đến câu chuyện đêm hôm qua, hoặc nàng có khả năng đóng kịch cực khéo.

- Cảm ơn em, vẫn bình thường.

- Bình thường nghĩa là thế nào?

Nàng ngơ ngác nhìn tôi và cúi xuống:

- Nếu anh không muốn thì em xin lỗi.

Nàng cố kìm một tiếng thở dài. Như chợt nhớ ra tôi bảo:

- Em cứ làm như chúng ta xa nhau lâu lắm rồi ấy.

Nàng không tỏ vẻ ngạc nhiên hay tán đồng, chỉ lặng lẽ nhìn tôi rồi lại nhìn xuống. Tôi thấy sôi sục ý muốn quát vào mặt nàng, rằng tối qua, chả lẽ cô không nghe tiếng gọi thảm thiết của tôi? Chả lẽ mắt tôi mù v.v... Nhưng tôi rất sợ nàng biểu lộ một cái gì đó chứng tỏ nàng không nhận ra tôi thật. Bởi vì tôi vẫn cầu mong mình lầm. Nhưng ý nghĩ chỉ mới nhóm lên đã bị chính vẻ mặt buồn buồn, cử chỉ ân cần của nàng dập tắt lụi. Vả lại, nếu không phải cô ta là nàng thì chả hóa tôi đã tự tố cáo mình coi thường nàng. Ðiều này nguy hiểm hơn hết đến tình cảm giữa chúng tôi. Chưa kể nàng có thể hỏi: "Vậy đêm qua anh làm gì mà đến đó?". Sự giằng xé này khiến tôi vừa hoang mang vừa mệt mỏi.

- Em không đi đâu ra khỏi đây à? - Tôi cài bẫy.

- Anh bảo em nên đi đâu? - Nàng cười bẽ bàng - Khi mà chỉ có một lối hợp với em, ấy là xuống địa ngục.

- Chỗ người bà con nào đó chẳng hạn?

- Em chỉ có một người bà con, ấy là quỷ Satan.

- Như thế không tốt. Anh có cần phải nói với em vì sao anh đến đây không?

- Ðiều đó tự em đã biết. Do một sự lầm lẫn, đúng không?

- Vừa đúng, vừa không đúng. Nếu em cứ khăng khăng bám lấy ý nghĩ đó chính là em đang bất công đấy.

- Trong em không còn tồn tại bất cứ tình cảm nào nữa. Ðã có lần em nói với anh, tất cả đã chết, đã thành tro bụi trong em và nếu điều đó có lỗi với anh thì em chỉ còn chuộc bằng cái chết nữa mà thôi.

Mục tiêu tôi định đạt tới càng bị đẩy ra xa. Nhiều lần tôi muốn hỏi một câu thẳng vào vấn đề "Ðêm qua, vào giờ... em ở đâu?" Nhưng tiếng rít của cánh cổng sắt, như miệng con quái vật lởm chởm răng đã há ra trước, chờ tôi lao vào. Tôi lại chỉ còn một biện pháp hèn hạ là tiếp tục cài bẫy nàng.

Cũng thật lạ, tại sao tôi cứ bị ám ảnh bởi cái cổng sắt? Tại sao tôi muốn được khẳng định chắc chắn đêm qua nàng không hề đến đó. Nàng hoàn toàn có quyền, như có quyền lên xe với ngài quan trọng, hoặc cặp nách với ngài nhỏ thó, tất cả đều diễn ra ngay trước mũi tôi. Và nếu đêm qua nàng không hề đến và mất hút sau chiếc cổng sắt, thì ai dám chắc nàng không ngủ qua đêm với một ngài to cao nào đó. Nhưng ngay cả đêm qua nàng ngủ một lúc với hai thằng đàn ông, cũng không khiến tôi đau đớn bằng việc nàng chạy trốn tôi rồi mất hút vào ngôi biệt thự. Tôi không tự giải thích được điều này.

- Anh sống thế nào? - Bất ngờ nàng hỏi.

- Vẫn một mình, tẻ nhạt và cô độc.

- Ðiều đó em không quan tâm...

Tôi bực tức cắt ngang lời nàng:

- Vậy em quan tâm đến cái gì ở tôi? Ðến sự nghèo khổ, khờ dại, luôn luôn bị hất ra ngoài, sống không có tương lai? Bệnh tật? Nỗi buồn đau? Hay là cái gì khác? Em nói đi! Tất cả những thứ đó có ý nghĩa gì với em không?

Có tiếng bánh xe lăn lạo xạo ngay sát lề đường. Tiếng mở và đóng cửa xe vô cùng êm ái. Nàng cắn răng vào môi, nhìn tôi bằng cặp mắt rực lửa như muốn hỏi: "Sao anh không hỏi tôi sắp đi đâu? Anh không muốn biết sự thật cuộc đời sao?" Nàng nói với ai đó ở phía ngoài: "Tôi ra ngay đây". Nàng quay sang tôi, chìa tay ra:

- Anh có còn muốn đến để thấy em sống ra sao nữa không?

*

Tôi không còn tâm trí đâu để làm bất cứ việc gì. Tự dưng tôi cảm thấy mình bị rơi đến đáy của nỗi cô đơn.

Giống như mọi khi tôi chỉ còn biết trở về nhà, đóng chặt cửa lại, tự vò nát tim mình. Tôi cố quên đi tất cả, cố dối lòng mình. Thực ra, nàng chả là gì cả, chả hơn gì một gái gọi, có chăng là gái gọi cao cấp.

Nhưng điều đó chỉ càng chứng tỏ tôi không thể quên được nàng và lòng tôi càng như cắt bởi những nhát dao của sự thật, hoặc ít ra tôi tin đấy là sự thật. Mồm con quái vật ấy, một khi đã nhai nuốt nàng, nó sẽ biến nàng thành một người khác, không có tim, thích hủy hoại đồng loại. Chính vì thế tôi cứ bám lấy hy vọng tất cả chỉ là do tôi tưởng ra. ở đời có thiếu gì người giống nhau, nhiều khi đến kinh ngạc. Ngay tâm trạng cũng dễ khiến mắt ta mất khả năng nhận biết chính xác. Khi nhớ nhung một người nào đó, ta thường thấy rất nhiều người hao hao giống họ. Có lẽ không chỉ họ có vài đặc điểm giống nhau, mà do lúc đó ta khao khát được gặp họ nhiều hơn, mà gán bừa nét của người ta mong cho một ai đó.

Tôi cố nhớ lại một vài chuyện nhằm tìm ra lý lẽ bác bỏ mối nghi ngờ của tôi. Chẳng hạn một lần, đang phóng xe, chợt có tiếng cười ở ngay phía bên tai. Tôi quay sang và tim thót lại, chân tay run lập cập đến nỗi suýt lao vào người đi đường. Tôi nhìn thấy một gã đàn ông giống y hệt một thằng bạn đã chết từ nhiều năm của tôi. Nó giống đến nỗi tôi nghĩ ngay đến thằng bạn mình đội mồ sống lại và suýt kêu lên. Vài chục giây sau, khi tôi kịp nhớ ra không thể có điều đó, tim tôi vẫn như bị bóp nghẹt. Tại sao mình không vui sướng mà lại sợ chết khiếp? Tôi không giải thích được tâm trạng tôi lúc đó. Về sau có thời gian suy ngẫm tôi nhận ra rằng, không có gì ghê sợ hơn sự sống lại được cảm giác hoàn toàn qua thân xác. Bởi vì cái chết đồng thời cũng là bản tuyên ngôn công trạng, ghi tạc anh ta vào thời gian và ký ức và nó không thể bị xúc phạm.

Hoặc một chuyện khác cũng đưa tôi tới chỗ buồn ủ ê. Hồi nhỏ tôi học ở một trường huyện. Hết giờ tôi lại ra cổng trường chơi. Ở đó có mấy cây phượng già, thân oằn oại bởi thời gian còn lá thì lơ thơ như một cái đầu hói. Suốt bốn mùa bác thợ chữa xe đạp ngồi ở tư thế cúi gập xuống, đầu gối quá tai cặm cụi với những chiếc xe đạp cà khổ. Hình ảnh bác thợ già, vài cây phượng xơ xác cùng với cái không gian gần như đứng im đến nỗi thời gian cũng không buồn dịch chuyển... đã ăn sâu vào ký ức tôi. Mỗi khi nhớ lại tôi thấy bảng lảng một nỗi u hoài pha chút buồn bã. Nó cho tôi cảm giác sâu hun hút khi nhìn về quá khứ.

Thế rồi gần 30 năm sau, ở nơi tôi công tác, một hôm vào ban trưa, tôi cảm thấy như gặp lại đúng cái khung cảnh ngày xưa. Cũng bác thợ già, mặt nhăn nheo, gấp nếp; cũng những chiếc giẻ cáu bẩn với hòm đồ nghề cũ kỹ, cũng mấy cây phượng cỗi gập mình sát đất, lơ thơ lá và - điều khiến tôi buồn - là cũng cái không gian mà trong đó mọi thứ, kể cả thời gian đều như bị phủ một lớp bụi màu xam xám, không hề động cựa. Nó giống như chiếc lồng nhốt tôi bằng bốn bức tường trong suốt. Những mảnh kỷ niệm cũng không màu nằm vương vãi ở đó suốt ngần ấy năm, vẫn không suy suyển. Thế mà bao nhiêu là khát vọng, bao nhiêu là mơ ước... từng cháy đỏ nơi chân trời, tàn rơi lả tả...

Tôi cảm thấy có cái gì cứ gặm nhấm tâm hồn mình, một tâm hồn bị hoen gỉ, rêu mốc bởi nỗi buồn tù đọng và những ký ức ẩm ướt.

Cứ thế, tôi miên man lạc vào biển sương mù quá khứ và thiếp đi trong cảm giác bị thời gian nhấn chìm xuống tận đáy.

*

Cái ý nghĩ "thực ra tôi có phải là tôi không" bám chặt lấy tôi như một điều phi lý nhất cứ tồn tại. Có thể khung cảnh đã khác nhưng tôi vẫn nguyên vẹn của mấy chục năm trước, chỉ bị thời gian phủ dầy hơn? Có thể thằng bạn tôi còn lưu lại hình ảnh ở một ngăn nào đó trong ký ức tôi và đúng lúc ấy nó tuột ra ngoài ý muốn. Tôi vội nắm lấy chiếc phao cứu sinh này khi giải thích trường hợp của nàng. Có thể đúng giây phút ấy hình ảnh nàng bật lên, chi phối toàn bộ hệ thống ngoại quan khiến tôi thấy nàng hiện diện khắp nơi và mắt tôi - như một công cụ chụp ảnh thô sơ, máy móc và hay lầm lẫn - đã ghi lại một cách không phân tích.

Toàn bộ những lý lẽ của tôi chả khác gì việc tôi giãy giụa thoát khỏi một chiếc hố mà sự thật tôi đang đi tìm nằm ở dưới đáy.

Tôi quyết định phải hành động. Trước hết tôi cần phải trở lại đúng cái nơi tôi gặp nàng (hoặc một người giống nàng) đêm hôm qua. Có thể tại đó tôi sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn mặc dù tôi không biết mình sẽ tìm lại được gì.

Ðể loại bỏ yếu tố có thể nảy sinh bất ngờ, tôi lặp lại y nguyên hành trình cũ, một hành trình giờ đây tôi mới thấy nó hoàn toàn ngẫu hứng. Thật may là trí nhớ của tôi không đến nỗi quá tồi, giúp tôi nhớ lại hầu hết những điểm mốc quan trọng để khẳng định đó là con đường thuộc hành trình đêm qua. Cuối cùng tôi tới được con đường mà tôi tin chắc qua ba khúc ngoặt nữa sẽ tới nơi có tòa biệt thự bí ẩn kia. Tôi thấy khoan khoái một cách khó diễn tả. "Ta đã đi được phần cơ bản con đường phải đi. Từ đây đến đó chẳng còn một cản trở gì nữa".

Nhưng điều nằm ngoài dự kiến của tôi đã xảy ra: Chỉ trong chớp mắt người và xe ùn tắc lại và tôi bị chôn chân ở giữa biển người. Ðủ thứ âm thanh kinh dị vang lên. Không gian đặc quánh mùi khói xe, mùi dầu mỡ, mùi người - mùi không khí bị chín nẫu... Mỗi khi có sự dịch chuyển thì tôi có cảm giác đó là do con đường lùi lại.

Tôi thấy vai đau điếng bèn cau có quay lại. Người vừa vỗ vai tôi, mặt đang nở giãn ra vội co ngay lại khi nhìn vào mặt tôi.

- ấy chết, xin lỗi người anh em, tôi cứ tưởng... Sao gáy các bố giống nhau đến thế.

Tôi vội hỏi:

- Ông tưởng lầm tôi với ai?

- Với bạn tôi. Tên hắn là...

- Thế bạn ông làm gì?

- Riêng nghề nghiệp của hắn thì tôi không biết. Có thể nó là một loại "bố già". Nhưng mà điều đó với tôi đếch quan trọng.

- Tôi giống bạn anh ở cái gáy à?

- Vâng. Gáy ông cũng mập mạp, nhiều mỡ như gáy thằng bạn tôi. Chả hiểu các bố làm ăn thế nào mà để lên mỡ gáy?... Thiếu mẹ gì chỗ xả! - Anh ta nhìn ra bốn phía - Mẹ kiếp, chỉ thấy gáy là gáy...

- Bạn anh... từ thuở bé à? - Tôi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh vô hình.

- Hắn gốc nơi khác, chuyển đến làng tôi sau khi bố chết. Hai thằng tôi chơi với nhau từ hồi mười tuổi.

- Sau đó?

- Sau đó hắn đi lang thang, thấy bảo ra thành phố. Một lần tình cờ tôi thấy hắn trên tivi, trong một cuộc họp khá long trọng, chắc hắn cũng có vai vế gì đó.

Tôi thấy nóng bừng mặt. Gần như là hắn đang nói về tiểu sử của tôi.

- Sau đó anh có gặp lại hắn không?

- Có, tình cờ thôi, nhưng cũng vài năm. Chả rõ. Bố ai mà nhớ được. Chỉ biết là sau lần gặp hắn qua tivi. Có những việc xảy ra hôm kia, tuần trước mà nhiều khi cứ ngỡ từ ngày xưa. Trong khi có lúc mình vẫn toát mồ hôi vì tưởng cô giáo vừa gọi lên bảng, đúng vào hôm bỏ học ở nhà trốn đi với bạn gái - Anh ta cười hô hố - ông có thấy thế bao giờ không?

Tôi gật đầu cốt để có sự đồng cảm. Tôi đang nặn óc nhớ xem cách đây vài năm mình có lên tivi và sau đó gặp một thằng bạn cũ nào không?

- Bạn ông là người thế nào?

- Có một tí thánh thần, một tí súc vật, một tí người, một tí quỷ, một tí sâu bọ... mỗi thứ một tí. Hình như hắn vẫn chưa chịu lấy vợ. Này ông, bao giờ thì ra khỏi được chỗ này?

Tôi không trả lời anh ta mà lén nhìn lại tôi, cả bên trong lẫn bên ngoài. Quả là tôi có tất cả những "tí" anh ta vừa liệt kê. Tôi cảm thấy tôi vừa là tôi, vừa là "cái gã nào đó giống tôi cái gáy" mà anh ta đang kể. Không kiểm soát nổi ý nghĩ, tôi hỏi anh ta một câu mà phải sau đó khá lâu tôi mới nhận ra nó vô lý như thế nào.

- Này, ông thấy tôi có khác tôi không?

Hắn cười cợt đáp luôn:

- Vẫn thế!

- Nếu tôi đúng là bạn ông thì sao? - Tôi nhìn anh ta như bị cáo nhìn một nhân chứng. Ðến lượt tôi cảm thấy anh ta chính là bạn tôi, có thể từ kiếp trước.

- Chả dám! Mặc dù ngay bây giờ nếu ông muốn tôi có thể mời ông đi đánh chén, cùng kiếm một con ca-ve xào khô xào ướt... rồi sau đó bai luôn.

Cả tôi và anh ta cùng cười ngất. Khi anh ta ngửa cổ lên tôi nhìn thấy một vết sẹo bằng con sâu chạy chéo dưới cổ lên cằm. Tôi cố nặn óc nhớ lại xem và thấy hình như tôi có thằng bạn hồi nhỏ, do nghịch dại mà bị que nứa cắm vào cằm, để lại vết sẹo. Cũng có thể đó chính là thằng bạn đã chết mà hồi học nghề hắn bị ngã và đâm vào chiếc cọc... Tôi cảm thấy bất cứ thằng bạn nào của tôi khi nhìn kỹ cũng có một cái sẹo.

- Này ông bạn, chúng ta gặp nhau bao giờ chưa? - Tôi hỏi.

Anh ta nghiêm túc nhìn vào mặt tôi.

- Lạy giời hình như chưa, mà cũng có thể rồi. Theo ông thì gặp chưa?

Anh ta lại ngửa cổ cười, trong khi tôi tiếp tục rút các ngăn ký ức xem có thấy thằng bạn nào của tôi mỗi khi nói lại ngửa cổ cười hay không?

Biển người giãn dần ra và mặt đường lùi lại ngày một nhanh. Tôi chỉ cảm giác mình đang bị cuốn đi nhưng so với anh bạn đồng hành thì ngày một tụt lại. Khi tôi nhớ ra nơi mình cần đến thì trước mặt tôi là một dãy những biệt thự giống nhau như in, đặc biệt là cái cổng sắt. Tôi không thể xác định được nàng (hoặc một người giống như nàng) bị nuốt mất bởi miệng con quái vật nào. Tôi thẫn thờ đứng nhìn những cánh cổng im lìm, tâm trạng như bị ấn bẹp xuống. Tôi lủi thủi bỏ đi, cô độc và buồn nản. Khi tôi dừng lại để chọn đường thì trước mặt tôi lại hiện ra vẫn những ngôi biệt thự ấy. Chúng vẫn giống hệt nhau, im lìm như những con quái vật đang nằm chờ đến đêm mới há miệng ra tác oai tác quái.

Tôi quyết định đến gõ cửa ông Bân. Từ sau hôm cùng tôi trở về quê cũ của tôi ra, ông Bân đóng cửa suốt ngày không muốn bị ai quấy rầy. Chỉ riêng tôi được ông cho đặc ân đến thăm ông mà không cần báo trước. Thường chúng tôi chỉ được vài câu là làm phật ý nhau. Có hôm tôi kể cả câu chuyện dài nhưng khi xong ông mới ngơ ngác hỏi: "Cậu nói gì nhỉ" rồi nằn nì yêu cầu tôi kể lại. Tôi cũng bỏ qua nhiều câu chuyện của ông trong đó hình như có một chuyện rất lâm li. Tôi gõ cửa và chờ khá lâu. Khi cửa mở ra tôi hơi lùi lại vì tưởng mình vào nhầm nhà: Không tí gì để tôi khẳng định trước mặt tôi là ông Bân. Ông hoàn toàn bị rút hết thần khí, mặt mũi trở nên nhợt nhạt. Ông nhìn tôi, hoàn toàn trống rỗng như nhìn một kẻ xa lạ. Ông lạnh lùng hỏi tôi:

- Cậu đến có việc gì không?

Tôi cảm thấy không còn chút sức lực và hứng thú nào để có thể kể với ông về sự việc tôi gặp phải mấy hôm vừa qua. Tuy thế tôi cũng nói vắn tắt cuộc gặp gỡ của tôi với một gã không quen biết trên đường và nghe gã kể về người bạn gã mà tôi cam đoan chính là tôi. Ông Bân ngồi nghe mà tâm trí ông để cả ở trên trời. Lát sau ông hỏi:

- Cậu vẫn tiếp tục săn tìm những cái chết đấy chứ. Tiện đây tôi lưu ý cậu rằng, sự thối rữa thân xác là sự dâng tặng Chúa một cách toàn tâm nhất linh hồn của mình.

- Tôi không quan tâm đến điều đó.

- Vậy cậu quan tâm đến cái gì? Hả! Và thực ra cậu là ai mới được chứ? Có phải cậu đi tìm cái chết của chính cậu không? Hay điều đó cũng chỉ như một sự che đậy?

Tôi sợ hãi khi phải nhìn vào bộ mặt ông Bân lúc ấy. Nó không còn là cái mặt người nữa. Mắt ông như sắp lồi ra còn miệng ông đỏ lòm. Khi nói lưỡi ông đùn đầy cả hàm ếch.

- Ðừng chống lại sự thối rữa, vô ích! vô ích! - Ông Bân vẫn tiếp tục hằn học. Nếu có luân hồi thì tôi khuyên cả cậu cả tôi nên trở thành cái thùng rác, đựng chính những thứ rác rưởi do mình tạo ra. Cậu thì có bộ sưu tập kinh tởm còn tôi là những trang giấy chùi đít không đáng. Tôi bỏ ra cả đời đi tìm nhân vật còn cậu thì gom đống chúng lại vào một hố chôn tập thể. Cậu cứ chờ đấy, tôi sắp có quà cho cậu. Tôi tin đó sẽ là món quà có ý nghĩa với cậu bởi vì đó chính là cái chết của tôi. Tôi sẽ tặng cậu cái chết của tôi như một tặng vật ghi dấu tình bạn của chúng ta.

Tôi cảm thấy toàn thân ông đang bốc mùi, trong đó hàng triệu con giòi đang ăn tiệc trên cơ thể ông, bắt đầu từ hai hốc mắt.

Chỉ ít hôm sau cái lần tôi gặp ông, ông bỏ đi lang thang và chết như một kẻ đầu đường xó chợ, ở một bãi đất hoang, vào ban đêm.


Chương XII

Khi trở lại phố G tôi nhận ngay ra gã thanh niên nháy mắt với tôi sau khi tỉnh dậy bởi cú đấm trời giáng của gã bán thuốc rong. Gã còn trẻ, đầu tóc nghiêm chỉnh, trông khá điển trai và đứng đắn.

- Ông bạn đây rồi - Gã reo lên và chạy lại phía tôi một cách suồng sã.

- Chào anh bạn - Tôi đáp lễ - anh bạn có vẻ như chờ ai ở đây.

- Ðại loại thế - gã nháy mắt, tay dùng chiếc thước nhỏ đập đập vào giầy. Còn ông?

- Ðại loại cũng thế - Tôi đáp ỡm ờ.

Gã cười váng.

Tôi cười váng.

- Hay nhỉ! - gã nói.

- Hay nhỉ! - tôi đáp.

Gã hỏi:

- Hình như ông định hỏi tôi cái gì?

Tôi cười thầm: "Ðừng tinh quái thế, anh bạn. Tôi biết cái bẫy của anh bạn rồi!". Tôi đáp:

- Tôi định hỏi cái gì nhỉ? à, tôi định hỏi "có phải anh định hỏi tôi cái gì?"

Gã nghiêng tai:

- Há? Tôi a? Tôi định hỏi cái gì nhỉ?

Tôi cười:

- Có thế chứ!

Gã hỏi:

- Cái gì có thế chứ?

- Anh phải biết cái gì có thế chứ, chứ!

- Ông vui tính lắm.

- Tôi vui tính à? Ngộ nhỡ tôi đang buồn thì sao?

- Ồ, còn tôi thì đang buồn.

- Ðại loại thế!

- Ðại loại thế! Ông hỏi tôi câu gì đi.

- Anh bạn muốn tôi hỏi câu gì?

- Ông muốn tôi muốn ông hỏi câu gì?

Cả tôi và gã lại cùng cười ngất:

- Ðại loại thế! - Chúng tôi đồng thanh.

- Tôi nom ông quen lắm - Gã thăm dò.

- Vậy thì anh là người quen của tôi rồi.

- Có thế chứ!

- Có thế chứ!

- Hình như tôi chờ ông thì phải? - Gã đột ngột hỏi.

- Anh hỏi ai thế?

- À... tôi không lầm đâu.

- Tôi cũng không lầm đâu.

- Ông vẫn chưa hỏi tôi?

- Tôi vẫn chưa nghe anh hỏi.

- Tôi chờ ông đây.

- Tôi chờ ai đây?

- Ông chờ ai? - Gã hỏi như xoáy.

- Anh nghĩ tôi chờ ai?

Gã nháy mắt:

- Ðại loại thế! Ông hỏi tôi cái gì nhỉ?

- Tôi hỏi rồi à? Tôi hỏi anh cái gì nhỉ?

- Tôi đang chờ đây.

- Tôi đang chờ đây.

- Oẳn-tù-tì nhé - gã đề nghị.

- Thì oẳn-tù-tì.

- Nào, hai ba! Oẳn-tù-tì ra cái gì ra cái này.

Cả tôi và gã cùng giơ quả đấm. Gã nhìn xoáy vào tay tôi.

- Ông đang nắm cái gì trong tay?

- Còn anh?

- Lại vậy. Hai ba?

Lần này chúng tôi chĩa vào nhau mũi dùi.

- Ông thích đập bằng búa hay đâm bằng dùi?

- Anh thạo dùng búa hay dùng dùi?

- Lại nhé!

- Lại thì lại.

- Oẳn-tù-tì... ra cái gì, ra cái này.

Tôi xòe tay ra còn gã thu tay lại, mắt lại xoáy vào bàn tay tôi.

- Anh không xuất chiêu à?

- Tôi thua - Gã đáp một cách mãn nguyện.

- Nhưng mặt anh lại bảo anh thắng.

- Ông thấy mặt tôi thế nào?

- Nó cứ như không phải của anh.

- Mặt ông cũng thế. Nó luôn luôn không phải là của ông.

- Vậy nó là của ai?

- Tôi chưa nói hết: Nhưng nó lại thường xuyên là của ông.

- Luôn luôn khác với thường xuyên ở chỗ nào?

- Theo ông nó khác ở chỗ nào?

- Tôi hỏi anh cơ mà.

- Nhưng tôi mới là người hỏi - Nó khác nhau ở chỗ đó đấy. Rồi ông xem. Hôm nay tôi thua.

Gã bỏ đi như một kẻ không mong gì hơn ở cuộc sống này.(1)

*

Sẩm tối tôi vác bộ mặt không phải của mình đến chỗ nàng. Câu đầu tiên nàng hỏi tôi:

- Tối hôm kia anh đi đâu?

Tôi nhìn nàng như nhìn vào cõi mù mịt bởi vì đó chính là câu hỏi tôi muốn hỏi nàng nhưng sau bao nhiêu vòng vo vẫn không đủ can đảm. Giờ đây chính nàng lại hỏi tôi câu hỏi định mệnh đó. Tôi đáp một cách thăm dò:

- Tối hôm kia... em biết là anh đi đâu à?

- Nếu em biết thì em đã chả phải hỏi.

Tôi có cảm tưởng nàng đã lại nhanh chóng chuồi khỏi tầm tay tôi, rút vào cái vỏ kiên cố mà tôi luôn luôn chờn vờn bên ngoài. Tôi cố bám theo:

- Em biết mà! Tối hôm kia, em biết mà - Tôi nhìn nàng như cầu xin nàng đừng tiếp tục cuộc ẩn náu nữa - Anh biết là em biết tối hôm kia anh ở đâu mà.

- Anh làm em rối hết cả lên đây này. Anh biết em biết, là biết thế nào?

- Tối hôm kia - tôi nóng cả gan - tối hôm kia, tối hôm kia...

- Thôi đi anh. Nếu em hỏi tháng trước hoặc năm ngoái anh đi đâu thì anh cũng khăng khăng là em biết? Lạ thật. Em hỏi anh đâu để phải trả lời.

- Ðúng, em phải trả lời - tôi đáp lạnh lùng - em phải trả lời tối hôm kia anh ở đâu...

- Anh sống ra sao? - Nàng gạt câu chuyện sang hướng khác.

- Vẫn thế, trừ tối hôm kia.

Nàng buồn bã nhìn đi chỗ khác.

- Ðừng nhắc đến tối hôm kia nữa cho em nhờ. Em xin anh đấy.

- Nhưng... nếu em biết, cái ngôi nhà bí ẩn ấy, anh không muốn bị chôn sống bởi nó.

- Ngôi nhà nào?

- Em phải biết nó là ngôi nhà nào, em biết rõ nó mà.

- Anh biết gì về nó thì nói đi. Rút cuộc anh muốn gì ở em?

- Muốn em nói về nó.

- Về cái gì?

- Về ngôi nhà, về tối hôm kia, về hắn. Hắn là ai? - Tôi nhớ tới khoảng sâu hun hút phía sau cổng ngôi biệt thự.

- Hắn?

- Phải, chính hắn. Hắn có quyền gì mà chơi xỏ anh, chất thêm nỗi buồn lên cuộc đời anh.

- Anh đang nói về ai thế?

- Em biết anh đang nói về ai mà...

- Vậy thì là ai?

Tôi lại chỉ biết trả lời: "là hắn". Bởi vì đó là toàn bộ những gì tôi biết về kẻ tình địch của tôi. Nàng nhìn tôi độ lượng và quả là tôi tin vào vẻ buồn bã của nàng hơn những phán đoán của tôi. Nhưng còn tòa biệt thự? Tôi phải biết phía trong nó có cái gì. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đó. Vì thế hôm sau tôi quyết định trở lại nơi xảy ra sự kiện đêm hôm kia mặc dù tới giờ đã là hôm kìa. Khi tôi đinh ninh rằng mình đang đứng trước ngôi biệt thự tôi cần thì tôi thấy anh ta - tức gã thanh niên tôi gặp trên phố G - đã như đang nheo mắt chờ tôi. Gã nhìn tôi đi như ngắm trước chỗ để ra đòn chặt một nhát đứt ngang người tôi và thế là xong.

Gã dựa vào hàng lan can của bức tường, đưa một tay lên làm ống nhòm, chĩa về phía tôi. Chờ tôi đến thật gần, gã bỏ tay xuống và nói thản nhiên:

- Tôi đang chờ ông đây.

- Anh bạn chờ tôi? ở đây?

- Không chờ ông thì tôi còn biết làm gì nữa chứ. Chúng ta có duyên gặp nhau thật đấy.

Tôi định nói với gã tôi đến đây vì một việc không liên quan gì tới gã cả. Nhưng gã đã nói tiếp:

- Ông có cặp mắt của con cáo, cặp giò của con hươu, tôi rất thích những người như vậy. Họ làm cho mình luôn luôn phải mệt lử theo họ.

- Anh bạn cũng thế. Tôi có cảm giác anh bạn nhìn qua được đêm tối - Tôi muốn ví mắt gã như mắt cú vọ.

- Thật à? - Gã hỏi hồn nhiên - ông thấy ở tôi khả năng cú vọ ấy à?

Gã cười ầm lên.

- Ðại loại thế!

- Hay lắm. Ông có việc gì ở đây?

- Anh bạn làm gì ở đây? - Tôi đánh trống lảng.

- Ông nghĩ tôi làm gì ở đây? - Gã hỏi lại.

- Tôi đoán thế thôi...

- Ông đoán thôi à?

- Có đúng tôi đã đoán không nhỉ?

- Tôi cam đoan ông có đoán.

- Tôi đoán gì nhỉ?

- Ông đoán cái điều ông muốn biết.

- à, đại loại thế!

- Thôi, cho qua chuyện đoán. Ông làm gì thì làm đi.

- Anh bạn muốn tôi làm gì?

- Ông muốn làm gì?

- Tôi muốn làm gì ư? Làm gì nhỉ?

- Làm cái việc mà vì thế ông đến đây.

- Tôi đến đây vì tôi biết anh bạn ở đây.

- Vì sao ông biết tôi ở đây?

- Tôi biết anh ở đây vì tôi đến đây.

- Ông biết tôi là ai à? - Mắt gã chợt lóe sáng.

Tôi cảm thấy có một luồng điện phóng ra từ cặp mắt gã, chạy dọc cột sống tôi. Gã nhắc lại:

- Ông biết tôi là ai à?

- Anh bạn là ai?

- Ông nghĩ rằng tôi là ai?

- Anh bạn nghĩ tôi nghĩ anh là ai?

- Chả lẽ tôi biết tôi là ai?

- Tôi nghĩ anh bạn biết anh bạn là ai.

- Ông nghĩ thế thật à?

- Tôi nghĩ hình như tôi chẳng nghĩ gì cả.

- Thời tiết đẹp quá!

- Nắng nhạt trong khi lại không nóng - Tôi phụ họa.

- Thời tiết miễn chê! - Gã nhấn mạnh điều mình nhận xét - ông nói đúng. Nắng nhạt trong khi lại không nóng.

- Không nóng nhưng vẫn có nắng.

- Vấn đề bắt đầu hay rồi đây.

- Tôi cho rằng anh nói đúng.

- Tôi nói gì nhỉ?

- Vấn đề bắt đầu...

- À, phải. Ông từng đến đây à? - Mắt gã lại ánh lên.

- Tôi đang ở đây - Tôi đáp.

- Ông đang ở đây. Tôi biết - Gã khẳng định.

- Chúng ta đang ở đây.

- Chúng ta? Ô, ông tinh thật đấy. Vậy mà tôi không nhận ra điều đó.

Lúc đó cánh cổng mở ra. Gã bảo tôi:

- Họ mở cho ông đấy.

- Họ mở cho anh bạn thì sao?

- Tôi biết họ mở cho ông mà...

- Anh bạn biết họ mở cho tôi?

- Bởi vì tôi vẫn thường đi từ trong ấy ra - Gã khiến tôi sởn tóc gáy - Tôi vừa ở trong ấy ra.

- Anh vừa ở trong ấy ra?

- Tôi nghĩ điều đó có cơ sở.

- Có gì ở trong ấy? - Tôi nhớ đến mục đích chính của việc tôi đến đây.

- Ông có vẻ xúc động lắm. - Gã nhận xét. Ông rất muốn biết có gì ở trong ấy, tôi biết.

- Anh bạn biết gì?

- Tôi biết cái điều ông muốn biết: Có gì ở trong ấy...

- Ðúng, tôi hỏi anh bạn điều ấy.

- Ông sắp vào và ông sắp biết. Còn tôi thì không.

- Nhưng ông vẫn thường ở trong ấy ra?

- Kẻ đi ra làm sao biết những cái chỉ nhìn thấy khi đi vào?

- Vậy đây là đâu? - Tôi trấn tĩnh hỏi.

- Ông lại quá xúc động. Ông muốn biết lắm phải không?

- Tôi hoàn toàn thật lòng.

- Tôi biết chứ. Vì thế mà tôi trả lời ông đây, cũng hoàn toàn thật lòng: Là nơi mà ông nóng lòng muốn biết có cái gì trong ấy. Ðại loại thế!

- Nhưng bây giờ thì tôi không muốn biết nữa...

- ồ không, ông vào đi!

- Cảm ơn anh!

- Ông vào đi, vào đi.

- Tôi sẽ vào khi thấy cần.

- Ông vào đi, vào đi, vào đi.

Gã chìa tay ra:

- Chúc ông may mắn!

- Anh bạn đi đâu? - Tôi luống cuống hỏi.

- Tôi về chỗ của tôi.

- Anh bạn đừng đi - tôi van vỉ gã.

- Tôi phải về chỗ của tôi.

- Tôi xin anh bạn nán lại với tôi thêm một lát nữa.

- Chán ông bỏ mẹ! Gã nổi cáu - Chúng ta sẽ còn gặp nhau, rồi ông xem.

Lần này gã cương quyết bỏ đi. Còn lại một mình, tôi thầm nghĩ: Thà cứ vờn nhau với một con thú dữ còn hơn chỉ có một mình với chiếc cổng kia. Tôi tò mò nhìn ngắm nó từng li từng tí, để tin chắc đêm đó nàng biến ở đúng cái chỗ gã đàn ông, nai nịt gọn gàng, đứng im như pho tượng. Thấy tôi cứ loanh quanh ngó nghiêng, gã chỉ khẽ đu đưa cặp mắt. Nàng biến mất ở đúng chỗ đó - Tôi thầm nghĩ để kích thích tính can đảm, để tôi nhớ ra mục đích của việc đến đây. Vừa như canh chừng một con thú có thể xồ ra, tôi vừa quyết tâm tiến lên. Tôi hỏi:

- Này bác... canh cổng, đây là đâu?

Gã đảo mắt:

- Ông hỏi làm gì?

- Tôi muốn biết có cái gì ở trong ấy.

- Ông muốn biết để làm gì?

- Ðể... để... - tôi thấy mồ hôi rỉ ra cổ, nách và bẹn, buồn buồn, xon xót - để biết đây là đâu.

Gã mặt người bất ngờ cười. Nom gã cười còn hãi hùng hơn lúc gã cáu. Gã cười rung cả bụng.

- Là nơi mà ông vào thì đừng hòng ra còn đã ra thì đừng hòng vào.

Gã lại cười một cách khoái trá, tự thưởng cho câu nói hài hước của mình. Chờ lúc gã cúi xuống ho, tôi lén quay gót và phải khi tôi dừng lại thở, tôi mới biết là mình vừa chạy bán sống bán chết. Tôi đưa khăn lau mặt và tưởng mình vừa nằm mơ: Lại vẫn như hôm nào, trước mặt tôi là một dãy biệt thự giống nhau và cái nào cũng có thể là nơi nàng từng bị nó nuốt chửng trong cái đêm định mệnh ấy.

Giống như mọi khi, tôi chỉ còn cách đi về nhà.




(1) Bạn đọc có thể hình dung đến một cuộc rượt đuổi trong đấu trường hình tròn. Kẻ bị rượt đuổi càng tỏ ra khôn ngoan lại càng khờ khạo, càng muốn chạy trốn càng cứ phải bám lấy kẻ rượt đuổi mình (chú thích của người biên tập)