trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
25.10.2006
Nguyễn Duy Bình
Feu le débat!
 
Những bài tranh luận nảy lửa giữa Margeret Nguyễn, Từ Huy, Cao Việt Dũng rồi Đào Trung Đạo xung quanh những lỗi dịch này, lỗi dịch nọ có lẽ đã đến đỉnh điểm của nó khi Đào Trung Đạo kết thúc bằng những chữ viết hoa to tướng ADIEU DÉNINITIF. Chính cái lời chào VĨNH BIỆT này đã đập vào mắt tôi, khiến tôi phải đọc đi đọc lại những lời «trách nhân» của tác giả để xem thử thái độ trách cứ này có xứng với cái sai của Margaret Nguyễn không.


1.

Câu của Kristeva: «De telle sorte qu’il m’arrive parfois, en rentrant de New York, après le feu des débats autour de mon travail de représentante de la french theory, de me prendre moi-même pour une intellectuelle… française. Comme il m’arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l’idée de m’installer définitivement à l’étranger.».

Trước tiên, tôi cảm thấy mọi người (Từ Huy, Margaret Nguyễn, Đào Trung Đạo) dịch «travail» là công trình là hiểu sai ý của Kristeva. «Mon travail de représentante de french theory», theo thiển ý của tôi, nên được hiểu là «công việc của tôi với tư cách là một người đại diện French theory», chứ không chỉ một công trình nào cụ thể. Câu dịch của Đào Trung Đạo tỏ ra rất lủng củng: «Trong lúc rời New York trở về, sau khi đã dự những cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh công trình của tôi được coi như của một đại diện phái nữ của french theory, đến nỗi đôi khi tôi toan tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp. Cũng vậy, cứ mỗi khi sự bài ngoại của cái xứ già nua này làm tôi bị thương tổn, là tôi lại muốn ngả theo ý tưởng sang ngoại quốc ở luôn cho rồi.» Chữ «đến nỗi» trong câu này không đúng tiếng Việt vì không đúng chỗ. Trong tiếng Việt, «đến nỗi» phải đứng sau một hành động hoặc một đặc tính nào đó. Ví dụ: «Tôi chán đến nỗi không thèm gì hết». Tôi đề nghị dịch câu này như sau: «Đến nỗi mà, đôi khi, trên đường từ New York trở về, sau những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh công việc của tôi với tư cách là một người đại diện French theory, tôi tự cho mình là một trí thức… Pháp. Cũng như đôi khi, mỗi lần sự bài ngoại của xứ sở già nua này làm tôi bị tổn thương, tôi đã mon men ý định ở hẳn ở nước ngoài». Ý của Kristeva là: Ở Mỹ, người ta coi bà là đại diện cho trường phái Pháp (vô hình trung xem bà là người Pháp) cho nên có lúc bà tự nhận mình là người Pháp. Nhưng ở Pháp có tư tưởng bài ngoại nên bà lại ve vuốt ý định ở hẳn ở nước ngoài. Hiểu như thế để thấy lòng trắc ẩn của Kristeva, sự khủng hoảng về danh tính (crise identitaire) của bà, vốn là một người nước ngoài nhập quốc tịch Pháp.


2.

Kristeva viết: «C’est alors que René Girard, qui m’avait entendue présenter Bakhtine au séminaire de Roland Barthes, m’a invitée à partir enseigner à l’université de Baltimore.»

Theo tôi, câu dịch của Margaret Nguyen («Chính lúc đó René Girard mời tôi về giảng dạy tại đại học Baltimore, ông đã từng nghe tôi giới thiệu về Bakhtine trong xê-mi-ne của Roland Barthes.») không sai mà Đào Trung Đạo lại đề nghị dịch chưa sát. «Alors» ở đây có nghĩa là «lúc ấy» hoặc «vì thế». «C’est… que» là cách nói nhấn mạnh, thường được dịch là «chính… là (mà»). Ví dụ: «C’est lui qui a écrit ça.» (Chính anh ta là người viết câu đó). Như thế câu này có thể dịch là «Đúng lúc đó René Girard, người đã từng nghe tôi giới thiệu về Bakhtine trong một buổi xê-mi-ne của Roland Barthes, đã mời tôi đến dạy học ở trường Đại học Baltimore».


3.

Việc Đào Trung Đạo bỏ cụm từ «une parole à rebours de la rhétorique» mà không dịch thể hiện phần nào nếu không phải là sự cẩu thả thì cũng sự bất lực trước cụm từ rất quan trọng này vì tự nó đã là một câu rồi. Sau cụm từ đó, «une parole déplacée» chỉ đóng vai trò như một đồng vị ngữ (apposition), tức là bổ nghĩa cho «une parole à rebours de la rhétorique» (Tạm dịch: «một lời nói đi ngược với phép tu từ thông thường»). Ngoài ra, theo tôi, «une parole déplacée» được Đào Trung Đạo dịch là «một tiếng nói vô xứ» là chưa chuẩn. Thực ra, theo Linda Lê, tiếng nói (la parole) ấy có «xứ» (la place) của nó đấy chứ (Elle se place au Cœur de la douleur (nó nằm ngay Trung tâm của nỗi đau)). Đúng hơn phải dịch thành «một lời nói không đúng chỗ».


4.

Chỉ là một người biết tiếng Pháp bình thường, hơn nữa thuộc thế hệ sau năm 1975, một mặt tôi thấy bài viết của Margaret Nguyễn tựa đề «Cộng đồng Pháp ngữ Việt Nam, lạc quan hay bi quan?» là hơi bi quan. Bởi lẽ, những người có những bản dịch được đăng trên mạng chưa hẳn là đại diện cho cả thế hệ Pháp ngữ ở Việt Nam. Tôi biết có những người tiếng Pháp rất giỏi nhưng họ không dịch, hoặc không thèm dịch. Hơn nữa, giỏi tiếng Pháp chưa chắc đã dịch giỏi. Cần phải có thêm kiến thức và trình độ tiếng Việt. Nhưng tôi nhận thấy rằng những người đã cho công bố công trình dịch của họ, hoặc qua mạng, hoặc qua các nhà xuất bản, phải chịu trách nhiệm trước bản dịch của họ và trước công chúng độc giả. Những bài viết «dọn vườn dịch thuật» tự nó không phải là những bài phê bình dịch thuật vì phê bình dịch thuật không bao giờ đưa ra những «nhận xét về giá trị» (jugement de valeur) mà chỉ đánh giá về cách dịch (stratégies de traduction) mà thôi. Mà khi dọn vườn thì sẽ không tránh khỏi việc «quét nhà ra rác», quét lá vàng mà đụng phải lá xanh.

Aix-en-Provence, ngày 23 tháng 10 năm 2006

© 2006 talawas