trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
6.4.2006
Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội
(Mấy suy nghĩ về số phận lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học)
 1   2   3 
 
13.

Nền văn minh mới của loài người, với hai nền tảng kết hợp hữu cơ với nhau: lực lượng sản xuất mới và nhận thức khoa học mới, đang cung cấp những điều kiện mới và đưa ra những đòi hỏi mới về tổ chức xã hội. Nhưng đó chỉ mới là những điều kiện và những đòi hỏi khách quan, chưa thể trở thành những hiện thực đầy đủ với tư cách một hình thái xã hội mới trong lịch sử loài người. Trong lịch sử, bất cứ hình thái xã hội mới nào cũng là sự kết hợp các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan (thực tiễn của con người). Nó chỉ có thể ra đời dưới dạng phủ định biện chứng từ trong hình thái xã hội trước đó. Do đó, hình thái xã hội mới phải là hành vi chủ quan của con người dựa trên những điều kiện và những đòi hỏi khách quan. Và, dưới dạng phủ định biện chứng, nó phải thoát thai từ những hình thái xã hội hiện có - xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa (được tổ chức theo học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học với những biến dạng và biến chất của nó).

Trước khi xem xét hai loại xã hội ấy có thể đi tới hình thái xã hội mới như thế nào (theo phương trình biện chứng: khẳng định - phủ định - phủ định của phủ định), xin nêu mấy đặc trưng có thể có của hình thái xã hội mới từ những phân tích nói trên. (hãy khoan đặt tên cho hình thái xã hội mới có thể có ấy, mà trước hết nêu ra một số đặc trưng chủ yếu của nó).

Thứ nhất, kỹ thuật và công nghệ sản xuất phát triển ở trình độ cao, luôn luôn tự hoàn thiện và có những bước nhảy do chính lôgic phát triển của khoa học và công nghệ qui định; do đó tạo ra những năng suất lao động xã hội rất cao, đủ sức thỏa mãn những nhu cầu xã hội và cá nhân ngày càng phát triển và đổi mới, thu hẹp dần “vương quốc tất yếu” và mở rộng dần “vương quốc tự do”, lao động sản xuất kết hợp hữu cơ với lao động sáng tạo thành một thể thống nhất, bằng cách đó biến lao động thành nhu cầu phát triển của chính con người;

Thứ hai, chế độ sở hữu là một tổng thể đa dạng, kết hợp sở hữu cộng đồng trong những lĩnh vực bảo toàn và phát triển của cộng đông, bảo vệ môi trường sinh thái, với sở hữu cá nhân dưới mọi hình thức (sở hữu tư nhân, sở hữu hợp tác của các cá nhân v.v...) trong những lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người;

Thứ ba, bảo đảm các quyền con người, các quyền tự do dân chủ của cá nhân, lấy sự phát triển tự do của cá nhân làm điều kiện và tiền đề cho sự phát triển tự do của xã hội; thực hiện chế độ tự quản xã hội ở tất cả các cấp quản lý xã hội, thống nhất các quyền và các nghĩa vụ công dân trong nhà nước pháp quyền, theo nguyên tắc “nhà nước cho xã hội và công dân”;

Thứ tư, đời sống tinh thần và văn hóa phát triển cao, dựa trên tính đa nguyên, sự dung thứ và tôn trọng lẫn nhau của các hệ tư tưởng, các tín ngưỡng, các học thuyết, các trường phái khác nhau; những giá trị đạo đức và tinh thần của loài người và của mỗi cộng đồng dân tộc được tôn trọng và phát huy; xóa bỏ những cơ sở và những biểu hiện của bạo lực giữa các cá nhân và các cộng đồng khác nhau.

Có thể thêm những đặc trưng khác, nhưng trong những giới hạn có thể có để tránh những ngoại suy có tính không tưởng.

Nói khái quát, đó là một hình thái xã hội tự phát triển, nhân bản và đa nguyên.

Đó không phải là một xã hội lý tưởng, mà là một nấc thang trên con đường tự giải phóng và tự hoàn thiện của con người. Bản thân nó không tránh được những mâu thuẫn nội tại và những xung đột gay gắt, thậm chí cả những khủng hoảng nguy hiểm chưa lường trước khi đứng trước những nguy cơ từ bên ngoài và từ bên trong có thể đe dọa sự tồn tại và phát triển của con người (kể cả loài người nói chung). Ngay trong lòng nó, có thể nảy sinh những xu hướng đi ngược với sự phát triển lịch sử tự nhiên của nó, có khi bắt nguồn từ những hình thái xã hội trước đó:

  • Xu hưóng kỹ trị, coi sự phát triển của kỹ thuật là giá trị cao nhất và là cứu cánh của sự phát triển;

  • Xu hướng tự nhiên nguyên thủy, coi việc quay trở lại với những lối sống ban đầu của con người là phương tiện và cứu cánh;

  • Xu hướng chuyên chế gắn liền với xu hướng vô chính phủ;

  • Xu hướng san bằng mọi đặc thù địa phương và cá nhân gắn liền với xu hướng ích kỷ địa phương và cá nhân;
...vân vân và vân vân...

Những hiện tượng thoái hóa về nhân cách, phi nhân tính và độc quyền vẫn có thể xuất hiện ở những mức độ không thể coi thường. Và cả trong mối quan hệ với tự nhiên, vẫn có thể xẩy ra những hiện tượng vi phạm cân bằng sinh thái do những tính toán sai lầm gây ra. Và, cuối cùng, những ảo tưởng vạn năng của con người đối với tự nhiên và đối với chính bản thân con người, vi tư cách một bộ phận của tự nhiên, cũng có thể dẫn tới những nguy cơ không nhỏ.


14.

Hình thái xã hội tương lai ấy không phải là hình thái xã hội chủ nghĩa, dù có thêm những tính từ “phát triển”, “hoàn thiện”, “có bộ mặt dân chủ và nhân đạo”, v.v... Và do đó, cũng không thể gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản” đã xuất hiện từ nhận thức và hiện thực trong quá khứ, như đã nói trên đây.

Trong bối cảnh thế giới hiện đại, khi loài người tiến bước vào nền văn minh mới với triển vọng mở ra một hình thái xã hội mới, thì những khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản” trở nên không thích hợp nữa. Trong đời sống hiện thực, những khái niệm ấy chưa mất hết giá trị của chúng, nhưng đứng về mặt triển vọng lịch sử mà xét, chúng đã bị vượt qua. Đây chắc chắn là điểm gây “choáng” mạnh nhất đối với những ai đã từng coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng của mình (trong đó có cả bản thân người viết những dòng này). Nhưng hãy thật tỉnh táo về nhận thức lý luận, đừng để cho bất cứ một khái niệm lịch sử nào đông cứng lại và không thể bị thay thế bằng những khái niệm khác, một khi đời sống hiện thực đòi hỏi phải làm như thế, dù rằng điều đó có gây ra những xúc cảm đau đớn như thế nào chăng nữa.

Sở dĩ không gọi hình thái xã hội mới trong tương lai có thể nhìn thấy của loài người (vào giữa thế kỷ XXI, chẳng hạn) là “chủ nghĩa xã hội” coi như một giai đoạn cần thiết để tiến lên “xã hội cộng sản”, là vì những khái niệm ấy không đủ sức chứa đựng những nội dung cơ bản của hình thái xã hội mới. Một số điểm nội dung của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chủ yếu những nội dung mang tính lý tưởng của chúng, vẫn có thể tồn tại trong khái niệm hình thái xã hội mới, nhưng nhiều điểm nội dung của chúng không còn thích hợp với khái niệm này nữa.

  1. Khái niệm “chủ nghĩa xã hội” lấy “cái xã hội” (le social) làm điểm xuất phát và nền tảng tổ chức xã hội. Điều đó có nghĩa là gì?

    • Sở hữu xã hội giữ vai trò thống trị và phổ biến trong toàn xã hội. Khái niệm này bắt nguồn từ trạng thái xã hội hóa sản xuất và lao động dưới những hình thức sản xuất đại công nghiệp. Dù sở hữu xã hội được hiểu một cách khác nhau (Nhà nước, tập thể...), thì tính xã hội của nó vẫn là thuộc tính chủ yếu và có thể nói là duy nhất. Trong “chủ nghĩa xã hội”, không thể tồn tại “sở hữu tư nhân” đã đành, mà cũng không có cả “sở hữu cá nhân” về tư liệu sản xuất. Còn hình thái xã hội mới dựa trên nền văn minh mới thì chấp nhận những chế độ sở hữu khác nhau, cả xã hội lẫn cá nhân (tư nhân), trong những quan hệ qua lại hữu cơ của chúng;

    • Một khi trong xã hội chỉ tồn tại chế độ sở hữu xã hội, thì dù có nhấn mạnh đến “cái cá nhân”, dù có “sắp xếp” mối quan hệ giữa cái “cá nhân” một cách “biện chứng” đến đâu đi nữa, “cái xã hội’ vẫn giữ địa vị hàng đầu, ưu tiên, còn “cái cá nhân” vẫn bị đẩy xuống hàng thứ hai. Bản thân tên gọi “chủ nghĩa xã hội” đã lấy “cái xã hội” làm tiền đề và cơ sở rồi. Trong khi đó, hình thái xã hội mới lại lấy các cá nhân trong các quan hệ xã hội của chúng làm điểm xuất phát và nền tảng, ít ra cũng đặt “cái cá nhân” và “cái xã hội” trong quan hệ ngang nhau, phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy nhau, cái này không đè bẹp cái kia;

    • Từ điểm xuất phát và nền tảng tổ chức xã hội là “cái xã hội”, mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội vẫn là “cái xã hội”, nhiều lắm cũng chỉ “dung thứ” cho “cái cá nhân” đến một mức độ nhất định, chứ không thể lấy “cái cá nhân” làm cứu cánh, dù rằng về lý thuyết có thể nói tới (và cũng đang nói tới) điều này. Trong khi đó, “cái cá nhân” được coi là “cứu cánh” của hình thái xã hội mới.

  2. Khái niệm “chủ nghĩa cộng sản”, cũng tương tự như thế, chỉ đẩy tới cùng những nội dung của chủ nghĩa xã hội. (Nhân đây, xin nói rằng, trong một số tiếng châu Á - như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam - thuật ngữ này được dịch không đúng. Không phải là “chủ nghĩa cộng sản” [tức không phải chỉ tính tới tập trung tài sản xã hội thành của chung] mà đúng ra là “chủ nghĩa cộng đồng”). Dù có nói tới “chủ nghĩa cộng sản văn minh” để phân biệt và đối lập với “chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy”, thì “cái cộng đồng” vẫn giữ địa vị thống trị, chi phối.
Trong một số trường hợp, việc tiếp tục sử dụng khái niệm “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa cộng sản” là có thể hiểu được trong một thời gian nhất định (sẽ nói trong một đoạn sau), nhưng thật ra những khái niệm này, nhất là khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, trong những trường hợp ấy cũng đang dần dần mất đi nội hàm ban đầu của chúng, mà chủ yếu chỉ còn có ý nghĩa tâm lý - xã hội.

Ngay hiện nay, ở một số nước Đông Âu, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” đã bị loại ra khỏi tên quốc gia, khỏi hiến pháp. Điều đó có thể cắt nghĩa một phần bằng thái độ phủ nhận chủ nghĩa xã hội trong các tầng lớp quần chúng nhân dân đông đảo (kể cả trong những tầng lớp lao động) do những thực tế đáng buồn của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đem lại cho họ trong hơn bốn mươi năm vừa qua. Nhưng không phải chỉ có thế. Điều đó cũng có thể được cắt nghĩa bằng sự phủ nhận khái niệm “chủ nghĩa xã hội” ở một bộ phận xã hội, chủ yếu là những nhà trí thức có tầm nhìn rộng lớn, như trường hợp viện sĩ Sakharôv dự thảo hiến pháp mới của Liên Xô trước khi ông mất, do nhận thấy khái niệm ấy không có triển vọng về mặt khoa học.


15.

Hình thái xã hội mới, phù hợp với trình độ văn minh mới của loài người, chưa xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh, thậm chí cũng chưa hình thành thật rõ nét ở bất cứ đâu. Nhưng những yếu tố này hay những yếu tố khác của nó thì đã hình thành từ trong các chế độ xã hội hiện có - tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, các chế độ hiện có, ở những mức độ khác nhau, đang chứa đựng những khả năng chuyển sang hình thái xã hội mới. Và sự chuyển biến này đối với những nước có trình độ phát triển kinh tế cao - hiểu theo nghĩa đã trở thành những nước công nghiệp - là có tính chất trực tiếp. Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây không cần phải chuyển thành xã hội chủ nghĩa để tiến tới hình thái xã hội mới. Cũng vậy, các nước xã hội chủ nghĩa không cần phải quay trở lại chủ nghĩa tư bản để tiến tới hình thái đó. Những trường hợp khác, chủ yếu là các nước đang phát triển, chưa đạt tới trình độ một nước công nghiệp, tình hình có thể khác. Ở đây, còn phải trải qua nhiều bước chuẩn bị cho bước chuyển căn bản đó, nhưng thời gian của những bước chuyển ấy không nhất thiết phải là hàng thế kỷ như sự vận động lịch sử trước đây, mà sẽ chịu tác động của “lực gia tốc” trong thời đại mới.

Trên kia có nói tới sự vận động theo phương trình biện chứng của lịch sử: chủ nghĩa tư bản (khẳng định) - chủ nghĩa xã hội (phủ định) - hình thái xã hội mới (phủ định của phủ định). Thật ra, cách nói ấy cũng không chính xác. Sự vận động biện chứng ấy sẽ không diễn ra bằng những “lát cắt lịch sử” rành rọt và kế tiếp nhau như vậy, hết “lát cắt” này dến “lát cắt” khác. Sự vận động biện chứng ấy cần được hiểu theo một cách khác. Những yếu tố phủ định nằm ngay trong hình thái khẳng định, để rồi trải qua phủ định của phủ định và chuyển thành hình thái khác, cao hơn. Chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó, không phải được hiểu là sự phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa với điều kiện bắt buộc phải trở thành một hình thái riêng, sau đó lại bị phủ định để trở thành hình thái xã hội mới. Ngược lại, chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không phải bị hình thái tư bản chủ nghĩa phủ định, để sau đó lại bị hình thái xã hội mới phủ định. Sự vận động biện chứng diễn ra đối với cả hai chế độ hiện có, tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là, ngay trong lòng mỗi chế độ ấy (ở một trình độ phát triển nhất định) đều có những yếu tố phủ định để rồi bị phủ định một lần nữa bởi hình thái xã hội mới.

Từ quan niệm đó, hãy xét xem sự chuyển biến căn bản của mỗi hình thái xã hội hiện có sang hình thái xã hội mới sẽ có thể diễn ra như thế nào (tất nhiên, đây chỉ là những dự cảm trên những nét lớn).


16.

Trước hết, chế độ tư bản chủ nghĩa. Nói cụ thể và chính xác hơn, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đang bước vào nền văn minh mới của loài người.

Ở đây đã có một số tiền đề vật chất, kinh tế, xã hội, chính trị và tư tưởng cho sự chuyển biến ấy. (Trong đề cương này, không phân tích quá trình tiến hóa của chủ nghĩa tư bản từ cổ điển lên hiện đại, mà coi chủ nghĩa tư bản hiện đại là căn cứ xuất phát).

  • Về cơ sở vật chất (sản xuất vật chất của xã hội), chủ nghĩa tư bản hiện đại đang chuyển sang thời đại hậu công nghiệp theo những làn sóng kế tiếp nhau của cách mạng khoa học và công nghệ. Trình độ trưởng thành về cơ sở vật chất của nó chính là tiền đề vật chất, là cơ sở vật chất, của hình thái xã hội mới.

  • Về kinh tế, một số quá trình mới đang diễn ra là tiền đề kinh tế cho hình thái xã hội mới, trong đó nổi bật lên hai quá trình: quốc tế hóa, toàn cầu hóa các quan hệ kinh tế và “nhỏ hóa”, “cá nhân hóa” các quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Đó là hai quá trình ngược chiều - một quá trình có xu hướng vĩ mô hóa, quá trình kia có xu hướng vi mô hóa - nhưng đều nằm trong sự tiến hóa của loài người về mặt đời sống kinh tế, và đều đáp ứng với yêu cầu của con người với tư cách loài (tộc loại) và với tư cách cá thể (cá nhân). Về quá trình thứ nhất, người ta đã biết tới nhiều, nhưng về quá trình thứ hai, người ta chưa biết mấy vì nó chỉ mới bắt đầu và vì những định kiến có tính chất hệ tư tưởng.

  • Về xã hội, rõ ràng cũng đang xuất hiện những tiền đề cho hình thái xã hội mới, trước hết trong lĩnh vực lao động xã hội (tính chất lao động, cơ cấu lao động, v.v...). Trình độ phát triển sản xuất hiên đại, dựa trên cơ sở cách mạng khoa học và công nghệ, đang làm biến đổi sâu sắc và căn bản lĩnh vực lao động xã hội. Lao động chân tay bị thu hẹp và xóa bỏ dần, lao động trí óc tăng lên theo cấp số nhân (cả về số lượng lẫn chất lượng). Lao động trực tiếp sản xuất vật chất ngày càng giảm bớt, còn lao động phục vụ và dịch vụ xã hội ngày càng tăng lên. Giai cấp công nhân công nghiệp sẽ không còn chiếm đại đa số trong những người lao động, cũng tức là sẽ không đóng vai trò quyết định trong sản xuất xã hội và, do đó, trong đời sống xã hội, trong tiến bộ xã hội; thay vào đó là đội ngũ những người lao động sáng tạo, quản lý và điều hành (có thể gọi chung là “lao động có chất lượng cao” (travail hautement qualifié).

  • Những biến đổi về cơ sở vật chất, quan hệ kinh tế và xã hội ấy được phản ảnh ở những mức độ khác nhau vào đời sống chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Chế độ dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản, thường bị gọi sai là “dân chủ tư sản”, đang trải qua những thay đổi lớn theo chiều hướng dân chủ hóa cao hơn với chủ nghĩa đa nguyên chính trị, trong đó các đảng truyền thống cũng đang trải qua những biến đổi về nội dung và hình thức, từ các đảng phái tả sang các đảng phái hữu. (Đây chính là điều chủ yếu cắt nghĩa tại sao các đảng cộng sản ở các nước tư bản phương Tây ngày càng bị giảm sút ảnh hưởng và tất yếu phải biến thành các đảng phái tả kiểu mới). Chế độ đa nguyên chính trị ở các nước này, tuy về cơ bản vẫn còn bị các thế lực tư bản chủ nghĩa lũng đoạn, nhưng cũng đang tạo ra những tiền đề tổ chức chính trị của hình thái xã hội mới.

  • Về đời sống văn hóa và tư tưởng, cũng có thể nói như vậy. Ở đây đã và đang hình thành những giá trị văn hóa và tư tưởng tiến bộ mang hai mặt gắn bó với nhau: những giá trị có ý nghĩa toàn nhân loại và những giá trị mang tính độc đáo cá nhân. Chủ nghĩa đa nguyên về văn hóa và tư tưởng tỏ ra có hiệu quả hơn đối với các quá trình sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Ở đây không có “chân lý tối thượng”, “cuối cùng” và mang tính áp đặt.
Tất cả những tiền đề ấy tạo ra mảnh đất thuận lợi để các nước tư bản chủ nghĩa chuyển sang hình thái xã hội mới. Nói cách khác, những yếu tố khác nhau của hình thái xã hội mới đã có sẵn ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại. (Nhớ lại một luận điểm của Stalin: trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa không có những yếu tố có sẵn cho chủ nghĩa xã hội. Một luận điểm rất siêu hình!).

Nhưng sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại sang hình thái xã hội mới chắc chắn sẽ phải diễn ra dưới trạng thái cách mạng. Cách mạng ở đây không phải được hiểu như một hay nhiều hành vi bạo lực, dù rằng không thể loại bỏ khả năng này một cách tuyệt đối, mà như những bước nhảy về chất trong các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ yếu trong lĩnh vực quan hệ sở hữu kinh tế và quyền lực chính trị. Các tập đoàn tư bản lớn, các thế lực chính trị tư bản chủ nghĩa (và cả các mafia) không rời bỏ vị trí của chúng một cách êm thấm. Ý thức sùng bái tư hữu tuyệt đối và phổ biến cũng như chủ nghĩa cá nhân con đẻ của nó (đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân cực đoan) không tự kết thúc một cách dễ dàng. Những cuộc đấu tranh xã hội sẽ diễn ra với những cường độ khác nhau, kể cả những hình thức quyết liệt của quần chúng đông đảo. Những phong trào xã hội (chống bóc lột kinh tế, chống hủy hoại môi trường sinh thái, chống bất bình đẳng nam nữ, chống phân biệt chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, v.v...) sẽ phát triển mạnh mẽ, bao gồm các tầng lớp nhân dân rộng rãi, trong đó trí thức đóng vai trò chủ đạo.

Không thể dự kiến sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng sự kết thúc của nó để nhường chỗ cho hình thái xã hội mới là chắc chắn và, trong một số trường hợp, là có thể nhìn thấy về mặt lịch sử. Một số nước phát triển ở phương Tây hiện nay cũng đã báo trước điều đó (Thụy Điển là một ví dụ).

Cũng không thể khẳng định sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại sang hình thái xã hội mới là một con đường thẳng, không có những khúc quanh và những bước giật lùi. Có thể xẩy ra những “thời kỳ phản động” ở nước này hay nước khác, nhưng những thời kỳ như vậy sẽ không kéo dài nhiều thập kỷ như trước đây. Nói chung, chủ nghĩa tư bản hiện đại sẽ chuyển sang hình thái xã hội mới qua các cuộc đấu tranh ngay trong bản thân nó giữa các lực lượng xã hội khác nhau, đối lập nhau, theo hướng dân chủ hóa và nhân đạo hóa.


17.

Vấn đề chuyển sang hình thái xã hội mới ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện có là vấn đề phức tạp hơn nhiều. Đối với các nước này, đó là một con đường vòng, tốn nhiều thời gian và phải trả nhiều phí tổn hơn. Bởi vì, như trên đã nói, với hình thức “chủ nghĩa xã hội Nhà nước”, các nước này đã tách khỏi “con đường lớn” của nền văn minh loài người trong một thời gian khá dài, do đó, phải mất một thời gian cũng khá dài nữa để trở lại với những thành tựu mà văn minh loài người đã đạt được (kinh tế thị trường, chế độ dân chủ, những giá trị tinh thần toàn nhân loại...). Quá trình này không thể không kết hợp với một quá trình khác cũng đòi hỏi không ít thời gian để chuyển sang nền văn minh mới của loài người mà các nước phát triển phương Tây đang bước vào. Hai quá trình này phải nhập chung lại làm một, được tiến hành đồng thời. Ở đây, một yêu cầu tất yếu được đặt ra: tiến bước theo những nhịp độ gia tốc. Nhưng dù có đạt được những nhịp độ ấy, cũng không thể quan niệm thời gian chuyển biến ấy sẽ ngắn. Sự chuyển biến sang hình thái xã hội mới ở đây phải tính bằng nhiều thập kỷ.

Vấn đề tuyệt nhiên không phải là quay trở lại quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Bởi vì, không những chủ nghĩa tư bản dưới mọi hình thức của nó, kể cả hình thức hiện đại, đã lỗi thời về mặt lịch sử, mà vì ngay trong bản thân các nước xã hội chủ nghĩa cũng có một số tiền đề nhất dịnh cho sự chuyển biến này. Những tiền đề ấy không nhiều và không cao như ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, nhưng không phải không có.

Về cơ sở vật chất, nói chung các nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn nằm trong trạng thái văn minh công nghiệp, nhưng cũng đã có những chuẩn bị nhất định về tri thức khoa học và phương tiện vật chất cho văn minh hậu công nghiệp, tin học.

Về mặt xã hội, cũng đã hình thành một số yếu tố cho sự chuyển biến này: một đội ngũ trí thức đông đảo, trong đó có không ít những người đạt tới tầm cỡ thế giới; một số cơ chế phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội và bảo hiểm xã hội đã được thiết lập khá vững chắc, dù vẫn còn có những bất hợp lý và biến dạng...

Về mặt chính trị, tình trạng mất dân chủ của “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” đã loại bỏ sự tham gia của quần chúng vào đời sống chính trị, làm cho các cá nhân công dân bị tách khỏi các quá trình quản lý Nhà nước và xã hội một cách phổ biến, nhưng chính nó, khi bị khủng hoảng sâu sắc và gay gắt, lại tạo thành mặt đối lập của nó: từ “phải chính trị hóa”, các công dân nói chung chuyển sang “chính trị hóa”. Như vậy, những tiền đề chính trị của hình thái xã hội mới, trong đó các cá nhân công dân tham gia đời sống chính trị một cách trực tiếp lại được tạo ra ở một trình độ khá cao.

Về mặt tinh thần và tư tưởng, có thể nói chủ nghĩa xã hội, bất chấp những biến dạng và biến chất của nó, đã và đang nuôi dưỡng những giá trị công bằng xã hội ở một chiều sâu không thể lay chuyển được. Chính những lý tưởng xã hội chủ nghĩa - những giá trị tinh thần cao nhất của chủ nghĩa xã hội đã ăn sâu vào ý thức của quần chúng nói chung, của các cá nhân nói riêng - có thể chuyển thành một sức mạnh xã hội, “sức mạnh vật chất” như Mác nói. Và có thể coi đó là tiền đề quan trọng nhất để chuyển sang hình thái xã hội mới. Tất nhiên, về mặt này, cũng phải làm những sự “thanh lọc” hết sức khó khăn để loại bỏ thứ “chủ nghĩa tập thể thô thiển”, “chủ nghĩa bình quân”... khỏi ý thức xã hội.

Nếu đem so sánh với những tiền đề chuyển sang hình thái xã hội mới ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa những tiền đề ấy có yếu hơn - và yếu hơn nhiều - về cơ sở vật chất, kinh tế và về các thể chế dân chủ, nhưng lại có thể mạnh hơn về ý thức chính trị và xã hội của quần chúng, với tư cách tập hợp các cá nhân công dân. Và trong lịch sử vẫn thường xẩy ra những trường hợp các nước đi sau về trình độ phát triển ở những mặt nào đó lại có thể vượt lên nhanh chóng bằng những biến đổi cách mạng, trong khi các nước có trình độ phát triển cao hơn vẫn còn chịu tác động của “lực ỳ”. Tình trạng kém phát triển hơn không phải là một định mệnh.

Điều này không có nghĩa là các nước xã hội chủ nghĩa có thể chuyển sang hình thái xã hội mới một cách dễ dàng. Không, sự chuyển biến này diễn ra, như thực tế đang chứng tỏ, một cách đau đớn và quyết liệt. Nếu ở các nước tư bản phát triển, sự chuyển sang hình thái xã hội mới vấp phải sức chống đối của những thế lực thống trị phản động, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa, tình hình cũng như thế, nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Những thế lực thống trị cũ trong xã hội theo “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” - có thể gọi chung đó là một tầng lớp quan liêu, thậm chí một giai cấp quan liêu, mang tính độc tôn, do đó cũng mang ý thức độc tôn, chỉ có thể so sánh với đẳng cấp quí tộc trước kia - sẽ chống phá quá trình chuyển sang hình thái xã hội mới với đủ thứ vũ khí trong tay, từ những tổ chức cảnh sát và quân đội còn nắm được để đe dọa tinh thần quần chúng, sự lũng đoạn tư tưởng đối với những bộ phận khá lớn trong xã hội, và bản thân những bộ phận quần chúng ấy, do ngập sâu vào sự tha hóa mà “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” tạo ra bằng các hình thức bao cấp, cũng trở thành “cơ sở xã hội” cho thế lực thống trị quan liêu cũ. Dù bắt đầu bằng cách nào, sự chuyển biến này chỉ có thể thực hiện được bằng sức mạnh của đông đảo quần chúng trong xã hội, một sức mạnh phải đạt tới trình độ áp đo và tự giác cao.


18.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, sự chuyển tiếp sang hình thái xã hội mới phải trải qua một “giai đoạn quá độ”, nếu có thể gọi như vậy. Trong giai đoạn này, những vận động “đổi mới chủ nghĩa xã hội” được tiến hành dưới những hình thức khác nhau (đổi mới, cải tổ, cải cách). Mục tiêu của những vận động này thường được nêu lên như để đem lại “bộ mặt mới” cho chủ nghĩa xã hội; những từ ngữ thường dùng là “chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ”... Và thuật ngữ được chấp nhận một cách khá phổ biến là “chủ nghĩa xã hội dân chủ” để đối lập với “chủ nghĩa xã hội Nhà nước, quan liêu, toàn trị ”. Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội dân chủ” cũng được chính thức đưa ra trong tuyên ngôn mới đây của Quốc tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, có thể coi “giai đoạn quá độ” này là giai đoạn “chủ nghĩa xã hội dân chủ”.

“Chủ nghĩa xã hội dân chủ” vẫn tự coi là đi theo chủ nghĩa xã hội, được thực hiện trong khuôn khổ chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là khái niệm “chủ nghĩa xã hội” vẫn là khái niệm gốc. Điều đó có thể cắt nghĩa bằng hai lý do.

Thứ nhất, đối với không ít người mác-xít, tư duy triết học xã hội vẫn còn dừng lại ở học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học” được đề ra từ giữa thế kỷ trước (thế kỷ XIX), tuy có những “điều chỉnh”, “bổ sung” nhất định cho phù hợp với hiện thực mới. Những tiếng nói mang xu hướng xem xét lại một cách triệt để và từ bỏ học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học” mới chỉ là những tiếng nói lẻ tẻ, đơn độc trong những người mác-xít. (ngay trong khi viết những dòng này, tôi vừa đọc một bài viết ngắn rất thú vị của một nhà xã hội học theo xu hướng mới này: Vadim Bielotserkovski ở Munich, trong Nouvelles de Moscou số 52, 1989). Phải mất một thời gian không phải là ít xu hướng này mới có thể phát triển thành một trào lưu mới (hoặc bị cuộc sống bác bỏ, ai biết được!).

Thứ hai, từ gần hai thế kỷ nay, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một di sản tinh thần thấm sâu vào ý thức của các tầng lớp lao động nghèo khổ, hơn nữa, một bộ phận những người trí thức tiến bộ cũng coi nó là một giá trị tinh thần của tiến bộ xã hội, thậm chí là giá trị tinh thần cao nhất. Vì thế, nó mang một sức mạnh tâm lý - đạo đức rất lớn. Đặc biệt, ở các nước xã hội chủ nghĩa, nó trở thành lý tưởng và lẽ sống của số đông. Trừ bỏ giá trị tinh thần, giá trị tâm lý - đạo đức ấy không phải là một quá trình chóng vánh. ở đây quá trình ấy thường trải qua những bước kế tiếp nhau, theo lôgic của sự tự thể nghiệm. Lúc đầu coi những tật xấu dưới chủ nghĩa xã hội như là tàn dư của các chế độ xã hội cũ. Sau đó, như là hậu quả của những hư hỏng cá nhân của một số nhân vật lãnh đạo (“tệ sùng bái cá nhân”). Sau đó nữa coi đó là sự phá sản của một mô hình sai lầm của chủ nghĩa xã hội (“chủ nghiã xã hội Nhà nước”). Cuối cùng, từ bỏ “chủ nghĩa xã hội khoa học” nói riêng và chủ nghĩa xã hội nói chung, ngay ở những cơ sở lý thuyết của nó, nhưng đó là bước gay go nhất về mặt ý thức xã hội.

Vì hai lý do ấy, có thể chấp nhận “chủ nghĩa xã hội dân chủ” như một khái niệm cần thiết, nói đúng hơn, như một khái niệm chuẩn bị cho sự từ bỏ khái niêm “chủ nghĩa xã hội” khi “chủ nghĩa xã hội dân chủ” chuyển sang hình thái xã hội mới.

Nhưng đứng về mặt lý luận có thể coi “chủ nghĩa xã hội dân chủ” chính là giai đoạn tự phủ định của chủ nghĩa xã hội. Vì với nội dung nhân đạo, dân chủ, tự phát triển, tự hoàn thiện, nhất là với nội dung đa nguyên trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thì đó không còn là “chủ nghĩa xã hội” theo nguyên nghĩa. Không nhận rõ điểm này, thì những vận động “đổi mới”, “cải tổ”, “cải cách” đang được tiến hành ở các nước xã hội chủ nghĩa lại vẫn chỉ là quay về với điểm xuất phát trừu tượng và lại lâm vào ngõ cụt.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, cũng đã có một số người bắt đầu nhìn ra điều này và đã bắt đầu phát biểu công khai quan diểm của mình dưới những hình thức khác nhau. Không thể coi những tiếng nói ấy là “chống chủ nghĩa xã hội” theo cách nhìn quen thuộc. Nhưng rõ ràng những ý kiến ấy cũng chưa đủ sức thuyết phục vì “độ mỏng” về lý luận của nó.


19.

Trong đề cương này, khi nói tới “hình thái xã hội mới” trong giai đoạn văn minh mới của loài người, hình thái đó chưa được đặt tên. Và cũng không nên đặt tên trước cho nó để tránh tình trạng trói nó vào những “nguyên tắc” nào đó, khiến nó chóng xơ cứng và lại rơi vào số phận của chủ nghĩa xã hội như lịch sử cho thấy. (Có lẽ trong các chế độ xã hội của loài người đã tồn tại cho đến nay, chỉ có một chế độ xã hội được đặt tên trước: chế độ xã hội chủ nghĩa).

Một lý do nữa không kém phần quan trọng: không nên hiểu hình thái xã hội mới như một hình thái đơn nhất. Phải hiểu đó là nhiều hình thái khác nhau, có một số đặc trưng giống nhau nhưng lại có nhiều phương thức tồn tại và phát triển khác nhau. Xã hội loài người tương lai là một cộng đồng đa nguyên của các hình thái xã hội khác nhau.

Viết từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Giêng 1990

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.