trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
30.11.2007
Arthur Koestler
Vị thần không còn thiêng
Cao Hùng Lynh dịch
 
Về Arthur Koestler: Sự lôi cuốn có tính chất tôn giáo của chủ nghĩa cộng sản mà Crane Brinton đã mô tả qua “Chủ nghĩa Marx: một dạng tôn giáo” cũng được thể hiện trong một số câu chuyện gần đây do các nhà văn cộng sản thuật lại; họ là những người đã từ bỏ niềm tin trước đây và bị vỡ mộng về các vị thần linh Marx và Lenin. Một số các nhà văn như thế - cả nam lẫn nữ - đã cho xuất bản nhiều câu chuyện mà trong đó, đảng cộng sản thoạt đầu tỏ ra xứng đáng với sự cống hiến của họ, nhưng sau đó đã dần dần đi ngược lại tất cả những khuynh hướng tốt đẹp của họ. Arthur Koestler là một trong những nhà tư tưởng sáng suốt nhất và đồng thời cũng là một trong các nhà văn có tài nhất trong nhóm các tác giả đương đại quan trọng này.

Koestler sinh ở Budapest vào năm 1905. Cha của ông là người Hungary và mẹ là người Áo. Cho đến Đệ nhất Thế chiến, gia đình ông thuộc vào loại giàu có, phong lưu, nhưng vào tháng chín năm 1914, tài sản của gia đình ông, giống như của bao gia đình trung lưu khác ở Âu châu, bị mất sạch. Thân phụ ông không bao giờ tìm lại được cảnh sung túc xưa sau sự kiện này, và vào năm 1919, gia đình ông chuyển đến sống ở Vienna trong hoàn cảnh túng quẫn. Trong những năm tháng này, Koestler có được đôi chút hiểu biết về tình hình căng thẳng và những ưu tư của xã hội. Ngày ba mươi mốt tháng mười hai năm 1931, ông gia nhập đảng cộng sản. Sau đó, ông sống một năm ở Nga và chứng kiến một bộ mặt mới lạ của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1936, ông đến Tây Ban Nha trong vai trò thông tín viên của một tờ báo cộng sản, Năm 1938, bị thất vọng trước những điều ông biết được về chủ nghĩa cộng sản trong cả hai phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn, ông ra khỏi đảng. Sau đó, ông sang Anh quốc sinh sống, và trong những năm gần đây, ông dành trọn tâm lực của mình cho việc trước tác và diễn thuyết.

Như ông giải thích trong một bài viết có tính cách tự truyện, được in trong tuyển tập The God that failed (Vị thần không còn thiêng) (1949) của Richard Crossman, Koestler đã không còn tin vào hệ thống tư bản chủ nghĩa khi gia đình ông ở Hungary bị khánh tận trong thời gian diễn ra cuộc Đệ nhất Thế chiến; ông cũng đã không còn tin vào nước Đức trước khi Hitler xuất hiện; rồi dần dần ông không còn tin tưởng vào khả năng chống Hitler của Đảng Cộng sản Đức, và cuối cùng không còn chút hy vọng gì vào đảng cộng sản, ngay cả Đảng Cộng sản Nga. Koestler đã kể câu chuyện này trong nhiều dịp và bằng nhiều cách khác nhau. Đoạn trích từ The God that failed dưới đây được viết theo hình thức tự truyện, kể lại những sự việc ông đã trải qua. Ông cũng đã viết một cuốn tiểu thuyết xuất sắc về chủ nghĩa cộng sản ở Nga, có nhan đề là Darkness at noon (Bóng đêm giữa ban ngày) (1941), một tác phẩm mà vài năm sau đó được Sidney Kingsley chuyển thể kịch bản để đưa lên trình diễn trên sân khấu.

Như đã nói ở trên, Koestler chỉ có một đề tài chính - sự vỡ mộng đối với chủ nghĩa cộng sản – chạy xuyên suốt các tất cả các tác phẩm của ông. Spanish testament (1937) cho thấy các sai lầm của người cộng sản trong cuộc xung đột giữa họ với nước Pháp vào giai đoạn Cách mạng Tây Ban Nha; cuốn sách được độc giả khắp nơi đón nhận, The yogi and the commissar (1945), là một tác phẩm phê phán có tính chất châm biếm về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của những người cộng sản trung kiên; Insight and outlook (1949) bày tỏ một cách trực tiếp hơn về triết lý của Koestler. Ngày nay, chắc là không một tác giả nổi tiếng nào khác có thể mang lại cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về các nguyên lý căn bản của triết lý về đời sống của cộng sản và các nhược điểm cốt lõi của nó.
Người dịch
Niềm tin không nảy sinh từ sự biện luận hợp lẽ. Người ta không thể yêu một người phụ nữ, hoặc tin theo một tôn giáo, chỉ vì sự tin tưởng mang tính chất thuận lý. Lý trí có thể biện minh cho một hành động tin tưởng – nhưng chỉ sau khi người ta đã thực hiện và dấn thân vào hành động đó. Sự thuyết phục có thể đóng một vai trò nào đó trong việc làm biến chuyển lý tưởng của con người, nhưng đó chỉ là vai trò đưa một diễn biến đã hình thành từ lâu trong những lãnh vực mà chưa hề hiện hữu sự thuyết phục đến một đỉnh điểm tròn đầy và có ý thức. Niềm tin không thể do chiếm đoạt mà có; nó chỉ lớn dần như cây cối. Ngọn của nó hướng lên trời xanh; gốc rễ của nó ăn sâu vào dĩ vãng và được nuôi dưỡng bằng nguồn sinh lực ẩn tàng do tiền nhân để lại.

Đứng từ quan điểm của nhà tâm lý học, có sự khác biệt nhỏ giữa niềm tin có tính cách mạng và niềm tin có tính bảo thủ. Mọi niềm tin đích thực đều mang tính chất không nhân nhượng, cực đoan và đòi hỏi sự tuyệt đối; vì thế, người bảo thủ luôn luôn là kẻ cuồng tín cách mạng một khi xung đột với xã hội giả dối, với những kẻ làm bại hoại niềm tin. Và ngược lại, tưởng quốc của người cách mạng, cái mà nhìn bề ngoài là một sự đoạn tuyệt với quá khứ, luôn luôn có khuôn mẫu từ một hình ảnh về thiên đàng đã mất, hoặc về một thời đại hoàng kim huyền thoại nào đó. Cái xã hội cộng sản không còn giai cấp – theo Marx và Engels - là sự hồi sinh, tại giai đoạn cuối cùng của vòng trôn ốc biện chứng, của xã hội cộng sản nguyên thủy, cái đã xuất hiện vào giai đoạn đầu của vòng trôn ốc ấy. Do đó, mọi niềm tin đích thực đều đưa đến một cuộc nổi loạn chống lại hiện trạng xã hội của người tin, đồng thời tạo ra sự phóng hiện vào tương lai một lý tưởng có nguồn gốc từ dĩ vãng. Tất cả những tưởng quốc đều được nuôi dưỡng bằng nguồn dưỡng chất huyền thoại; các phác đồ của nhà kiến tạo xã hội đều chỉ là những phiên bản được tu chính từ các bản phác đồ cổ xưa.

Sùng bái tưởng quốc và sự nổi loạn chống lại một xã hội băng hoại, vì thế, là hai thái cực gây ra tình trạng căng thẳng của tất cả những tín điều đầy tính chất gây hấn. Câu hỏi cái nào trong số hai thái cực ấy tạo nên trào lưu hiện hành – sự hấp dẫn bởi lý tưởng hoặc sự căm ghét hiện trạng xã hội – là một câu hỏi cũ về con gà và quả trứng. Đối với nhà tâm thần học, cả sự sùng bái tưởng quốc lẫn sự nổi loạn chống lại hiện trạng xã hội đều là các triệu chứng của căn bệnh khó thích nghi với xã hội. Còn đối với nhà cải cách xã hội, thì cả hai là biểu hiện của một thái độ hợp lý và lành mạnh. Nhà tâm thần học thường có khuynh hướng quên rằng thích nghi với một xã hội bất bình thường sẽ tạo ra những cá nhân bất bình thường. Cũng vậy, nhà cải cách dễ quên rằng hận thù, ngay cả sự hận thù một cách khách quan, không sản sinh công bằng và bác ái, những thứ mà một xã hội không tưởng cần phải dựa vào.

Vì lẽ đó, mỗi trong số hai quan điểm trên của nhà xã hội học và nhà tâm thần học đều chỉ phản ánh một nửa sự thật. Quả thực là lịch sử của hầu hết các cuộc cách mạng và cải cách đều bộc lộ mối xung đột căng thẳng với gia đình hoặc với xã hội. Nhưng để diễn giải Marx, điều này cho thấy rằng một xã hội hấp hối thường tạo ra cho chính nó những kẻ đào huyệt bệnh hoạn.

Ngoài ra, quả thực là khi đối diện với nỗi bất công khiến mọi người phải căm phẫn, thì thái độ đáng tôn trọng duy nhất là chống lại và để việc cân nhắc suy gẫm vào dịp khác. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử và so sánh các mục tiêu cao cả, mà nhân danh chúng, những cuộc cách mạng đã được phát động, với các kết cục đáng tiếc mà những cuộc cách mạng ấy đưa đến, thì chúng ta đã nhiều lần chứng kiến một nền văn minh bị băng hoại đã làm hư hỏng đứa con cách mạng của chính nó như thế nào.

Ráp hai nửa sự thật của nhà xã hội học và nhà tâm thần học lại với nhau, chúng ta có thể kết luận rằng nếu sự nhạy cảm thái quá đối với tình trạng bất công xã hội và sự sùng bái tưởng quốc điên cuồng là biểu hiện của chứng khó thích nghi có tính cách dễ bị kích động, thì xã hội có thể đi đến một tình trạng suy tàn, trong đó kẻ nổi loạn bị kích động sẽ đem lại nhiều niềm vui cho thiên đường hơn là kẻ thừa hành bình tĩnh, người ra lệnh dìm chết những con heo trước ánh mắt vô vọng của những con người đang chết đói. Trên thực tế, đây là tình trạng của nền văn minh của chúng ta khi - tháng mười hai năm 1931 - tôi được hai mươi sáu tuổi, và là thời điểm tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đức.

Tôi thay đổi lý tưởng bởi vì hoàn cảnh của tôi đã chín muồi cho điều đó, đồng thời bởi vì tôi đã sống trong một xã hội đang phân rã và khao khát niềm tin. Nhưng ngày mà tôi được cấp thẻ đảng chỉ là thời điểm cao trào của một quá trình khởi đầu từ rất lâu trước khi tôi biết về những con heo bị dìm chết và nghe về danh tiếng của Marx và Lenin. Gốc rễ của sự kiện này bắt nguồn từ thuở ấu thơ; và mặc dầu mỗi người trong số chúng tôi, những kẻ đồng chí hướng của “Thập kỷ hồng” [1] , đều có những cội nguồn riêng biệt, nhưng nói chung, tất cả đều là sản phẩm của một giai đoạn và một khung cảnh văn hoá giống nhau. Chính tính đơn nhất nằm tiềm tàng bên dưới sự đa dạng này khiến tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình xứng đáng được thuật lại.

Tôi chào đời vào năm 1905 tại thành phố Budapest. Gia đình tôi đã sống ở nơi này cho đến năm 1919 thì chuyển đến Vienna. Trước khi cuộc đệ nhất Thế chiến bùng nổ, chúng tôi, một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu Âu châu, đã có một cuộc sống khá giàu sang: cha tôi là người đại diện tại Hungary cho một số hãng dệt lâu đời của người Anh và người Đức. Tháng chín năm 1914, giống như bao gia đình khác, cuộc sống ấy bất ngờ chấm dứt; cha tôi không bao giờ tìm lại được chỗ đứng như vậy nữa. Ông bắt đầu lao vào một số công việc kinh doanh rủi ro, mà cứ càng to lớn thì ông lại càng đánh mất sự tự tin trong một thế giới đầy biến động. Ông mở một xưởng sản xuất chất phóng xạ; đầu tư vào một số phát minh kỳ dị (chẳng hạn như bóng đèn điện vĩnh cửu, phòng ngủ tự sưởi ấm, và những thứ đại loại như thế); để rồi cuối cùng mất hết vốn liếng vì sự lạm phát của nước Áo vào đầu những năm 1920. Tôi ra ngoài để kiếm sống năm hai mươi mốt tuổi, và kể từ đó trở thành người chu cấp tài chánh cho cha mẹ tôi.

Năm chín tuổi, khi giai đoạn sung sướng của gia đình trung lưu chúng tôi bị sụp đổ, tôi trở nên có ý thức về tình trạng khó khăn tài chánh. Vì còn quá nhỏ, cho nên tôi tiếp tục được cha mẹ chìu chuộng; nhưng khi biết rõ về hoàn cảnh khốn khó của gia đình và bị tình thương dành cho cha tôi giằng xé, một người cha có tâm tính bao dung, và phần nào đó hồn nhiên như trẻ thơ, lòng tôi cứ nhói đau và có mặc cảm tội lỗi mỗi khi cha mẹ mua sách vở và đồ chơi cho tôi. Tâm trạng này sau đó cứ tiếp diễn, khi mà mỗi bộ quần áo tôi mua cho tôi đều đồng nghĩa với việc cha tôi ít có cơ hội trở về nhà. Cùng lúc đó, trong tôi bắt đầu dậy lên lòng căm ghét kẻ giàu có, không phải vì họ có đủ tiền để mua sắm mọi thứ (sự ghen tỵ đóng một vai trò nhỏ hơn rất nhiều so với mọi người thường nghĩ trong sự xung đột xã hội), nhưng là vì họ có thể làm như thế mà không hề có mặc cảm tội lỗi. Thế là tôi bắt đầu hình thành rất chi tiết một dự đoán cá nhân cho cấu trúc xã hội.

Dĩ nhiên, đó là một cách thức phức tạp để có được một lương thức xã hội. Tuy nhiên, chính vì bản chất không thể tách rời của sự xung đột ấy, cho nên niềm tin xuất phát từ đó đã trở thành thành phần khăng khít trong bản chất tôi. Trong nhiều năm, nó đã không kết tinh thành một tín điều chính trị; mà thoạt đầu, nó chỉ có hình thức của một thái độ đa cảm và ủy mị. Mọi sự tiếp xúc với những kẻ nghèo khó hơn đều khiến tôi không thể chịu đựng nổi - thằng bé đi học không có găng tay khiến các ngón tay sưng đỏ, người buôn chuyến cùng với cha tôi trước đây buộc phải hạ mình đi xin ăn - tất cả những điều ấy cứ làm nặng thêm vào gánh nặng tội lỗi trên lưng tôi. Nhà phân tích sẽ không gặp khó khăn trong việc cho thấy rằng gốc rễ của phức cảm tội lỗi này còn sâu hơn cả sự khủng hoảng ngân sách chi tiêu gia đình của chúng ta; nhưng nếu ông ta đào sâu hơn thế nữa, xuyên qua nhiều tầng lớp riêng biệt của trường hợp này, ông ta sẽ chạm phải cái khuôn mẫu nguyên khai đã sản sinh ra hàng triệu khúc biến tấu riêng biệt cho cùng một chủ đề – “Chao ôi, họ chỉ hát ca theo các thanh âm của chiếc hạc cầm để làm lễ ban phước cho chính họ, chứ không hề khổ đau trước những tai ách của mọi người.”

Vì thế, khi xúc cảm trước một xung đột cá nhân, tôi đã đủ trưởng thành để đón nhận sức ép khi biết rằng lúa mì bị thiêu rụi, hoa quả bị hủy hoại và heo bị dìm chết trong những năm khủng hoảng kinh tế là nhằm để giữ cho giá cả không bị sụt giảm, và để các nhà tư bản béo tốt có thể hát ca theo các thanh âm của hạc cầm, trong khi Âu châu đang run rẩy từng cơn dưới gót giày rách nát của những kẻ tuần hành chống lại đói kém và cha tôi phải giấu đôi tay áo sờn dưới gầm bàn. Đôi tay áo sờn và những con heo bị dìm chết đã hoà trộn vào nhau để biến thành một sự bùng vỡ cảm xúc. Chúng tôi hát vang bài Quốc tế ca, nhưng ca từ của bài hát dường như là những ca từ cũ hơn: “Khốn nạn thay cho kẻ chăn chiên là kẻ chỉ biết nuôi mình và không nuôi bày chiên của họ.”

Trong các khía cạnh khác, câu chuyện sẽ trở nên có tính chất đặc thù hơn. Một bộ phận đáng kể giai cấp trung lưu ở trung Âu, giống như chúng tôi, bị phá sản vì nạn lạm phát của những năm 1920. Đó chính là bước khởi đầu của sự suy tàn của Âu châu. Sự tan rã của tầng lớp trung lưu này đã mở màn cho quá trình phân cực vô cùng nguy hiểm, cái mà vẫn còn đang diễn ra cho đến tận ngày nay. Người tư sản bị bần cùng hoá trở thành kẻ nổi loạn thuộc tả phái hoặc hữu phái. Những ai không chịu thừa nhận rằng họ đã bị đẩy xuống tầng lớp dưới, những ai vẫn còn bám lấy vỏ bọc trâm anh phế thiệt mà giờ đây đã trống rỗng thì đều gia nhập Đảng Quốc xã và tìm được sự an ủi bằng cách đổ lỗi cho người Do-thái và điện Versailles. Nhiều người không có được niềm an ủi đó; họ sống lạc lõng như đàn ruồi mùa đông khổng lồ đang mệt mỏi bám trên những khung cửa sổ ảm đạm của ngôi nhà Âu châu – thành viên của một giai cấp đã bị lịch sử xoá sổ.

Do hoàn cảnh riêng, cho nên tôi đã chín chắn để cải đổi lý tưởng; và cũng do hoàn cảnh riêng mà hàng ngàn thành viên khác của tầng lớp trí thức và trung lưu thuộc thế hệ tôi đã chín chắn để đón nhận điều đó; tuy nhiên, dẫu các hoàn cảnh này có khác nhau đến mức nào chăng nữa, chúng đều có một mẫu số chung, đó là: sự băng hoại nhanh chóng các giá trị tinh thần, của nếp sống trước năm 1914 ở một Âu châu hậu chiến, và sự cám dỗ của các khám phá mới xuất phát từ phương Đông.

Tôi gia nhập đảng cộng sản năm 1931, vào đầu thời kỳ lạc quan ngắn ngủi, một thời kỳ phục hưng tinh thần mà sau đó được gọi là “Thập kỷ hồng.” Những vì sao sáng của buổi đầu bội phản đó gồm có những Barbusse, Romain Rolland, Gide và Malreaux của nước Pháp; Picastor, Becher, Renn, Brecht, Eisler, Saghers của nước Đức; Auden, Isherwood, Spender của nước Anh; Dos Passos, Upton Sinclair, Steinbeck của nước Mỹ. (Dĩ nhiên, không phải tất cả họ đều là đảng viên đảng cộng sản.) Bầu không khí văn hoá lúc đó tràn ngập các cuộc hội họp của những nhà văn cấp tiến, các nhà hát thể nghiệm, các ủy ban bảo vệ hoà bình và chống Phát-xít, các hội đoàn giao lưu văn hoá với Liên Xô, các bộ phim của Nga, và các tạp chí avant-garde. Nó thực sự như thể là thế giới phương Tây, khi bị chấn động bởi hậu quả chiến tranh, bị nạn lạm phát, khủng hoảng kinh tế, tình trạng thất nghiệp và sự thiếu vắng niềm tin quấy nhiễu, cuối cùng sẽ

Xóa sạch khỏi đầu mọi thứ rác rưởi
Phục hồi sức mạnh ý chí đã mất
Tập họp chúng lại để chúng có thể tung hoành trên quả đất này
Đến khi nào dựng lại được sự công chính cho con người.
(Auden)

Vì sao mới của thành Bethlehem đã mọc ở phương Đông; và với cái giá khiêm nhường, công ty lữ hành quốc tế của Nga đã sẵn sàng cho bạn xem qua hình ảnh cô đọng về miền đất hứa.

Thời gian đó, tôi sống ở Berlin. Trong suốt năm năm, tôi làm việc cho tổ hợp báo chí Ullstein – lúc đầu là thông tín viên ngoại quốc ở Palestine và Trung Đông, sau đó ở Paris. Cuối cùng, vào năm 1930, tôi tham gia ban biên tập tại trụ sở của Ullstein ở Berlin.

Việc tôi được thuyên chuyển từ Paris về Berlin là nhờ vào bài báo tôi viết vào dịp giải Nobel vật lý được trao cho hoàng thân Broglie [2] . Các ông chủ của tôi nhận định rằng tôi có khả năng phổ biến khoa học (tôi từng là sinh viên khoa học ở Vienna), nên đã cho tôi làm biên tập viên khoa học của tờ Vossiche, đồng thời làm cố vấn về các vấn đề khoa học cho các tờ báo còn lại của tổ hợp Ullstein. Tôi đến Berlin vào cái ngày định mệnh 14 tháng chín năm 1930 – ngày bầu cử quốc hội Đức, trong đó Đảng Quốc xã, bằng một bước nhảy mạnh mẽ, đã gia tăng số lượng đại biểu từ 4 lên đến 107. Đảng Cộng sản cũng đạt được sự gia tăng đáng kể; các đảng dân chủ đứng trung lập đều bị tiêu diệt. Đó chính là sự bắt đầu suy tàn của chính phủ Weimar [3] ; tình thế lúc bấy giờ có thể được hình dung qua nhan đề cuốn sách bán chạy nhất của Knickerbocker: Germany---Fascist or Soviet? (Nước Đức---Phát-xít hay Xôviết?) Rõ ràng là không có sự lựa chọn thứ ba.

Tôi vẫn làm công việc của mình, viết các bài báo về electron, nhiễm sắc thể, phản lực cơ, người Neanderthal [4] , tinh vân xoắn ốc và vũ trụ; nhưng áp lực của các biến cố đang diễn ra nhanh chóng gia tăng. Với con số một phần ba những người làm công ăn lương bị thất nghiệp, nước Đức đang nằm trong tình trạng nội chiến ngấm ngầm, và nếu như không sẵn sàng để bị cơn bão lớn đang đến gần thổi tung như một nạn nhân thụ động, thì nó buộc phải chia phe. Đảng của Stresemann [5] đã chết. Đảng Quốc xã đang theo đuổi chính sách thoả hiệp mang tính cơ hội. Nhờ quá trình thanh lọc kỹ càng, Đảng Cộng sản, được sự hậu thuẫn của Liên bang Xôviết hùng mạnh, dường như là lực lượng duy nhất có thể kháng cự sự lao tới của bầy người nguyên thủy có huy hiệu chữ vạn. Nhưng không phải nhờ vào quá trình thanh lọc mà tôi trở thành người cộng sản. Khi quá chán nản với electron và cơ học sóng, tôi bắt đầu, lần đầu tiên, đọc Marx, Engels và Lenin một cách sốt sắng. Cho tới khi đọc xong FeuerbachState and Revolution, một điều gì đó nảy ra trong đầu óc khiến tôi bị choáng váng như gặp phải một cơn chấn động tâm thần. Cách nói “một người vừa được tái sinh” chỉ là một lối mô tả nghèo nàn về trạng thái phấn khích tinh thần mà chỉ có người vừa cải đổi lý tưởng mới cảm nhận được (bất chấp niềm tin mà anh ta vừa cải đổi). Tia sáng mới lạ ấy dường như đã soi rọi khắp đầu óc; toàn bộ vũ trụ rời rạc bỗng ăn khớp với nhau như thể các mẩu hình trong trò chơi xếp hình chợt liền lạc chỉ bằng một lần sắp xếp. Bây giờ đã có câu trả lời cho mọi câu hỏi, mọi điều do dự và mâu thuẫn đều đã thuộc về dĩ vãng khổ đau - một dĩ vãng đã xa xăm, một dĩ vãng mà người ta đã sống với sự dốt nát tối tăm trong một thế giới vô vị, nhạt nhẽo của những kẻ không hiểu biết. Kể từ đây, không điều gì có thể gây phiền não cho trạng thái an bình và tự tại của người vừa cải đổi lý tưởng - ngoại trừ nỗi sợ đánh mất niềm tin một lần nữa, để rồi sau đó đánh mất điều làm cho cuộc sống trở nên đáng sống, và rơi trở lại cái thế giới tăm tối, nơi mà luôn có những đôi môi đang thở than và những hàm răng nghiến chặt. Điều này có lẽ đã giải thích tại sao người cộng sản, khi nhìn bằng mắt và suy nghĩ bằng đầu, vẫn có thể hành xử một cách thuần thành và chủ quan vào năm 1949. Trong mọi thời đại và đối với mọi tôn giáo, chỉ có một thiểu số nào đó mới có khả năng chuốc lấy sự rút phép thông công và chịu mổ bụng tự sát nhân danh một chân lý trừu tượng.

Cuối mùa hè năm 1932, tôi được cấp chiếu khán vào Liên Xô. Tôi có được nó nhờ vào uy thế của giấy mời do Tổ chức Quốc tế của các Nhà văn cách mạng cấp để tôi có thể thăm viếng và viết một cuốn sách về nước Nga. Cuốn sách này sẽ được đặt nhan đề là Soviet land through bourgeois eyes (Đất nước Xôviết qua cách nhìn của người tư sản). Nội dung của nó nói về lý do tại sao ông K., một ký giả tư sản có quan điểm chống Liên Xô mạnh mẽ, lại dần dần thay đổi lý tưởng của mình nhờ vào việc chứng kiến các thành quả của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất, và cuối cùng trở thành đồng chí K.

Tôi đi Liên Xô sáu tháng trước khi Hitler nắm quyền ở Đức, và được giới thiệu với đồng chí Gopner, lúc đó là trưởng Ban Vận động và Tuyên truyền (Agitprop) thuộc EKKI (Ban chấp hành Quốc tế cộng sản) tại Moscow. EKKI cấp cho tôi một lá thư, trong đó yêu cầu tất cả các cấp chính quyền Xôviết giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ “đại diện của Hội nhà văn Vô sản Cách mạng Đức” của mình.

Tại Liên Xô, lá thư loại này có uy thế như một sắc lệnh. Nó giúp tôi có thể đi khắp nơi mà không hề bị cản trở và không cần có người dẫn đường, đồng thời có thể mua được vé xe lửa mà không phải xếp hàng, được nghỉ tại nhà khách chính phủ và được ăn uống tại các nhà hàng dành cho cán bộ nhà nước. Ngoài ra, nó còn giúp tôi có thể nợ một số chi phí cho chuyến đi của mình, khoảng vài ngàn rúp khi kết thúc thời gian lưu ngụ. Mọi chuyện diễn ra như sau.

Khi tới Tiflis, tôi liền đến Liên đoàn Nhà văn địa phương, nơi tôi xuất trình thư giới thiệu của Quốc tế Cộng sản. Sau đó, viên thư ký của liên đoàn khoản đãi một bữa tiệc và thu xếp các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị và giới trí thức của thành phố, đồng thời cắt cử một người chăm sóc tôi, rồi đưa tôi đến tiếp xúc với biên tập viên của tạp chí văn nghệ địa phương và giám đốc của một nhà xuất bản nhà nước của Cộng hòa Xôviết Georgia. Biên tập viên của tờ tạp chí tuyên bố rằng nhiều năm qua, ông hết sức mong muốn được in truyện của tôi. Tôi liền đưa ông một truyện ngắn đã được xuất bản cách đây không lâu ở Đức; và ngay ngày hôm đó, một chi phiếu hai hay ba ngàn rúp đã được gửi đến khánh sạn của tôi. Viên giám đốc nhà xuất bản nhà nước xin được ưu tiên xuất bản quyển sách mà tôi sắp viết. Tôi đồng ý và ký vào mẫu hợp đồng in sẵn và sau đó được nhận một chi phiếu khác với số tiền bốn ngàn rúp. (Lương của người lao động bình thường vào thời điểm đó là 130 rúp một tháng). Thế là tôi bán truyện ngắn ấy cho tám, chín tạp chí văn nghệ từ Leningrad cho đến Tashkent, đồng thời bán bản quyền dịch cuốn sách chưa viết của tôi sang tiếng Nga, Đức, Ukraine, Georgia và Armenia; tất cả các khoản tiền trả trước đó gom góp lại cũng được một gia tài nho nhỏ. Vì nhận được sự cổ võ trịnh trọng khi tôi làm điều này, và vì các nhà văn khác đều cũng làm như thế, cho nên tôi đã hết lòng xác nhận rằng Liên Xô là thiên đường của nhà văn, và không nơi nào trên thế giới có thể trả tiền và kính trọng người nghệ sĩ sáng tạo nhiều hơn nơi này. Khi đó, không bao giờ tôi có ý nghĩ rằng những hợp đồng và tiền mặt trả trước ấy được trao cho tôi không phải xuất phát từ danh tiếng văn chương của tôi, mà là vì nhiều lý do khác.

Vào thời điểm đó, tôi chưa xuất bản một quyển sách nào cả; tôi hoàn toàn là người vô danh đối với những kẻ trả tiền cho truyện ngắn mà họ chưa hề đọc và cho cuốn sách chưa được viết. Họ là những cán bộ hành xử theo chỉ thị của cấp trên. Trong một đất nước mà công tác xuất bản đều thuộc quyền quản lý của nhà nước, thì biên tập viên, nhà xuất bản và phê bình gia văn học sẽ trở thành một bộ phận của cơ quan nhà nước. Căn cứ vào chỉ thị nhận được mà họ sẽ tạo ra hoặc xoá bỏ một nhà văn: nhà xuất bản có thể in một số lượng khổng lồ cho cuốn sách mới, hoặc nghiền nát mọi tác phẩm trước đây của anh ta; nhà phê bình có thể gọi anh ta là một Tolstoy mới hoặc là một kẻ lang thang vô lại, hoặc có khi là cả hai, chỉ trong vòng vài tháng.

Một tác giả ngoại quốc trung bình được mời đến thăm Liên Xô đều biết rất ít về điều này; trực giác có thể khiến anh ta đoán ra đôi chút, nhưng sự kiêu ngạo sẽ chóng làm anh ta quên ngay. Những người mà anh ta gặp gỡ tại các tiệc tiếp tân dường như đều thuộc nằm lòng các tác phẩm của anh ta; anh ta chắc phải là kẻ bất bình thường lắm mới cho rằng họ đều đã được đọc tóm tắt các tác phẩm để chuẩn bị cho dịp này. Chẳng những vậy, nhà xuất bản quốc doanh trung ương còn đề nghị anh ta một hợp đồng cho quyển sách kế tiếp với khoản tiền nhuận bút trả trước căn cứ trên số lượng 150.000 bản in sẽ được bán ra. Nếu là người thành thật, anh ta sẽ phải ngượng ngùng nói rằng số lượng bản in này lớn gấp mười lăm lần số lượng bản in mà căn cứ vào đó người ta sẽ trả tiền nhuận bút cho các nhà văn nổi tiếng của Âu châu. Nhưng, viên giám đốc sẽ mỉm cười chỉ ra cho anh ta rõ rằng đó là cách tính toán của nhà xuất bản tư bản. Ở Liên Xô, mọi xí nghiệp xuất bản đều được nhân dân làm chủ, và trung bình mỗi công dân Xôviết sẽ mua sách nhiều hơn công dân Mỹ với tỷ lệ 237,57 phần trăm; cuối kế hoạch năm năm lần thứ hai, chỉ số này sẽ đạt tới con số 365 phần trăm. Do đó, sẽ hết sức tự nhiên khi mà nhà văn Liên Xô, thay vì sống trong những căn gác xép như nhà văn Mỹ, là chủ của căn hộ hai phòng, có nhà vệ sinh riêng, đó là chưa tính đến xe hơi và nhà nghỉ hè ở vùng ngoại ô. Nhà văn - vị khách của chúng ta – hơi tự ái vì bị cho rằng phải sống trong một căn gác xép; nhưng ngay sau đó, anh ta tự trấn an rằng tình cảm tự ái ấy chính là biểu hiện của tính tự phụ tiểu tư sản. Anh ta bèn ký vào hợp đồng và quay về quê hương của mình, nơi mà anh ta sẽ tuyên bố rằng không có nơi nào khác trên thế giới này mà người nghệ sĩ sáng tạo được tôn trọng như thế, vân vân và vân vân… Mặc dù không thể đem đồng rúp về, bởi vì chúng không có giá trị chuyển đổi sang ngoại tệ khác, nhưng anh ta có thể mua một vài tấm thảm Bokhara trang nhã và để số tiền còn lại trong ngân hàng nhà nước ở Moscow; thật là dễ chịu khi có một khoản tiền phòng thân được ký thác ở nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới. Đối với một số trường hợp ngoại lệ, nhà xuất bản nhà nước cũng có thẩm quyền đổi một phần tiền nhuận bút bằng đồng rúp sang tiền của quê hương tác giả và chuyển dần về cho anh ta hàng tháng. Tôi biết hai tác giả Đức nổi tiếng sống lưu vong bên Pháp đã nhận loại chi phiếu nhuận bút hàng tháng này suốt nhiều năm liền, mặc dầu một trong hai vị chưa bao giờ có quyển sách nào được xuất bản ở Nga. Cả hai đều là những phê bình gia sáng suốt và nhiệt thành về sự tha hoá của thể chế dân chủ; không ai trong số họ từng viết một chữ chỉ trích chế độ Xôviết. Tôi không có ý nói họ đã bị mua chuộc; ở đây chúng ta không đề cập đến những âm mưu xấu xa như thế, mà chỉ nói đến sự biện luận của tiềm thức - tức là cái giọng nói tiềm ẩn bên trong, cái giọng nói đang thì thào rằng trong thế giới tư bản, nhà xuất bản là lũ cá mập, những kẻ chẳng hề quan tâm đến những gì anh viết, miễn sao sách của anh bán chạy; trong khi đó, nhà xuất bản Xôviết chính là nhân dân Xôviết, biết phẫn nộ một cách thích đáng đối với bất cứ sự chỉ trích nào về đất nước tự do của họ.

Nước Nga quả thực là thiên đường của người nghệ sĩ – nhưng than ôi, lại là một thiên đường của những trái cấm được những thiên thần đội mũ lưỡi trai canh phòng cẩn mật bằng lưỡi gươm sáng giới.

Tôi ở Liên Xô được một năm và đã dùng phân nửa thời gian đó để đi du lịch, nửa còn lại sống ở Kharkov và Moscow để viết sách. Thực ra bản tiếng Đức của cuốn sách này đã được xuất bản ở Kharkov dưới một nhan đề khác. Theo tôi được biết, bản tiếng Nga, tiếng Armenia, Georgia,… đều không bao giờ ra đời.

Tôi đến thăm nhiều khu kỹ nghệ nằm dọc bờ Volga; sau đó xuôi về phía nam, ngang qua Ukraine và các nước cộng hoà của người Cáp-ca – Georgia, Armenia và Azerbaijan - để đến thành phố Baku; rồi băng qua biển Caspian và các nước cộng hoà trung Á – Turkmenistan và Uzbekistan - để đến vùng biên giới Afghanistan, rồi quay về Moscow. Những điều tôi chứng kiến và trải qua đã xuất hiện như là một cú sốc – nhưng có vẻ như là một cú sốc âm ỉ. Sự giáo dục của Đảng đã trang bị cho tinh thần tôi các công cụ hoá giải những cú sốc phức tạp như thế và các lối biện bác uyển chuyển nhằm làm cho mọi điều được nghe và thấy đều tự động chuyển đổi sao cho vừa vặn với khuôn mẫu đã được định sẵn.

Tôi nói tiếng Nga khá trôi chảy, nhưng, mặc dầu chỉ đi một mình, tôi ít có cơ hội nói chuyện với những người không phải là các cán bộ được chính thức giới thiệu cho tôi; thường dân Xôviết đều biết rằng bị trông thấy nói chuyện với người ngoại quốc là một việc hết sức tai hại, tương tự như tiếp xúc với người mắc chứng phong cùi vậy. Những người đã trò chuyện với tôi, trong nhà hàng và trên toa xe lửa, đều dùng lối nói rập khuôn theo kiểu của mấy bài xã luận đăng trên báo Pravda (Sự Thật); người ta có thể nghĩ rằng họ đang nhai lại các mẩu đàm thoại trong mấy cuốn cẩm nang ngôn ngữ dành cho du khách. Tôi bày tỏ sự tán thành đối với tất cả những việc này: đó là một dấu hiệu lành mạnh của kỷ luật cách mạng và sự cảnh giác của người Bolshevik. Tôi đã chứng kiến những thiệt hại do nạn đói năm 1932 – 1933 gây ra ở Ukraine: từng đoàn người rách rưới kéo nhau đi ăn xin ở các nhà ga xe lửa, những người đàn bà nhấc các đứa con đói khát của họ lên khung cửa sổ của toa xe - những đứa trẻ chân tay khẳng khiu, đầu to và tái nhợt, bụng trương phù trông giống như các thai nhi đã chết ngâm trong bình phọoc-môn; những cụ già với các ngón chân lòi ra khỏi đôi giày rách nát và sưng tấy vì giá rét. Người ta nói với tôi rằng những người này là những phú nông đã chống lại chính sách tập thể hoá đất đai, và tôi chấp nhận lời giải thích ấy; họ là kẻ thù của nhân dân, những kẻ thích đi ăn xin hơn là lao động. Người hầu phòng của khách sạn Regina ở Kharkov đã ngất xỉu vì đói trong khi đang dọn phòng cho tôi; viên quản đốc khách sạn giải thích cô ta ở quê lên và vì một trở ngại kỹ thuật nào đó, cho nên chưa nhận được thẻ ăn; tôi chấp nhận lý do trở ngại kỹ thuật ấy.

Tôi không thể không chú ý đến tình trạng lạc hậu trong đời sống của người Nga vùng trung Á; sự thờ ơ của đám đông trên đường phố, trên xe điện và tại nhà ga xe lửa; các điều kiện nhà ở không thể tin được, những thứ đã làm cho tất cả các thị trấn công nghiệp biến thành khu ổ chuột khổng lồ (hai hoặc ba cặp vợ chồng sống chung với nhau trong một căn phòng được ngăn bằng các tấm vải treo trên sợi dây phơi đồ); các khẩu phần chết đói do hợp tác xã phân phát; hoặc sự việc giá một ký bơ ở chợ đen bằng một tháng lương công nhân, giá một đôi giày bằng hai tháng lương. Mức sống rất thấp, nhưng dưới chế độ Sa hoàng, còn thấp hơn như thế. Giai cấp lao động ở các nước tư bản sống thoải mái hơn ở Liên Xô, nhưng đó là sự so sánh cứng nhắc: bởi vì có chỗ thì mức sống không ngừng gia tăng, có chỗ thì không ngừng xuống thấp. Cuối kế hoạch năm năm lần thứ hai, hai mức sống tăng và giảm ấy sẽ được cân bằng; cho đến lúc đó, mọi sự so sánh đều sai lạc và không tốt cho đời sống tinh thần của nhân dân Xôviết. Do đó, tôi không chỉ chấp nhận nạn đói như là một biến cố không thể tránh khỏi, mà còn là thừa nhận sự cần thiết trong việc ngăn cấm người nước ngoài, báo chí, sách vở nước ngoài và việc phổ biến hình ảnh méo mó và lố bịch của cuộc sống trong thế giới tư bản. Thoạt đầu, tôi tức giận khi được hỏi, sau buổi nói chuyện, các câu hỏi như thế này: “Khi anh rời bỏ các hoạt động báo chí tư sản, người ta có rút lại thẻ ăn của anh và có bị đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức không?” “Số lượng trung bình các gia đình thuộc giai cấp lao động ở Pháp bị chết đói trong một ngày (a) ở khu vực nông thôn, (b) ở khu vực thành thị là bao nhiêu?” “Nhờ vào đâu mà các đồng chí của chúng ta ở phương Tây đã thành công trong việc tạm thời ngăn chặn được cuộc chiến tranh can thiệp mà giới tư bản tài phiệt đang chuẩn bị với sự trợ giúp của những tên “phát-xít xã hội,” những kẻ phản bội giai cấp lao động?” Nhưng sau một lúc, tôi thấy chúng hoàn toàn tự nhiên. Luôn luôn có một phần nhỏ sự thật trong chúng – dĩ nhiên, phần nhỏ ấy đã được cường điệu và đơn giản hoá căn cứ theo các thủ thuật tuyên truyền; nhưng sự tuyên truyền là điều tối cần thiết cho sự tồn vong của một Liên Xô bị bao vây bởi một thế giới thù nghịch.

Lời nói dối cần thiết, sự vu khống cần thiết; sự doạ dẫm cần thiết đối với quần chúng để bảo vệ họ khỏi những lỗi lầm thiển cận; sự thủ tiêu cần thiết các phe nhóm đối lập và các giai cấp thù nghịch; sự hy sinh cần thiết một thế hệ vì lợi ích của thế hệ sau - tất cả những điều này nghe có vẻ tàn độc; tuy nhiên, chúng lại được dễ dàng thừa nhận khi mà con người ta trôi theo con đường duy nhất của niềm tin. Những chuyện này đều đã từng xảy ra trước đây, xảy ra trong lịch sử của các giáo hội thời trung cổ, xảy ra ở thành Byzantium, xảy ra trong những nơi hoạt động của các giáo phái huyền bí; nhưng thật khó giải thích được cái thế giới tinh thần của kẻ nghiện ngập cho người ngoại cuộc, những người chưa bao giờ bước vào vòng tròn đầy ma lực và chưa bao giờ chơi trò croquet ở khu giải trí Wonderland.

Mùa thu năm 1933, tôi rời nước Nga Xôviết; tuy nhiên, tôi vẫn ở lại với đảng cộng sản thêm bốn năm rưỡi nữa, cho đến đầu mùa xuân năm 1938. Niềm tin của tôi giờ đã chao đảo dữ dội, nhưng nhờ vào các công cụ giảm sốc mềm dẻo mà tôi đã nói phía trên, cho nên tôi chậm nhận thức được sự nguy hại. Một số biến cố bên ngoài, cộng với những lập luận biện minh bên trong đã giúp tôi tiếp tục bước tới, đồng thời trì hoãn sự sụp đổ hoàn toàn.

Trong thời gian tôi ở Nga, Hitler đã nắm được quyền lực ở Đức; cho nên, mùa thu năm 1933, tôi cùng với một số bằng hữu sống lưu vong ở Paris. Toàn bộ “khối đỏ”, trừ những người bị Gestapo bắt giữ, bây giờ đều tề tựu nơi đây, trong các khách sạn nhỏ ở khu vực tả ngạn sông Seine. Năm năm tiếp theo, đối với tôi, là những năm tháng đói kém do các hoạt động chính trị cuồng nhiệt mang lại. Nhân vật quan trọng của các hoạt động đó là Willi Münzenberg, trưởng ban Vận động và Tuyên truyền của cộng sản tây Âu và Đức quốc. Ông là người có vóc dáng thấp và rắn chắc, xuất thân từ giai cấp vô sản, có sức lôi cuốn và nét duyên dáng của một kẻ có khả năng lãnh đạo. Ông ly khai Quốc tế Cộng sản vào năm 1938, sau tôi sáu tháng, và bị giết chết vào mùa hè năm 1940 trong một hoàn cảnh khủng khiếp và bí ẩn; thường thì trong những trường hợp như thế, người ta không khám phá ra kẻ sát nhân và chỉ tìm thấy những manh mối gián tiếp; tất cả những manh mối này đều chỉ về một hướng, giống như kim của chiếc la bàn chỉ về một cực.

Ngày mười tám, tháng bảy, năm 1936, tướng Franco thực hiện cuộc đảo chánh. Tôi đến gặp Willi để yêu cầu ông giúp tôi gia nhập quân đội cộng hoà Tây Ban Nha, trước khi các lữ đoàn quốc tế được thành lập. Tôi đem theo sổ thông hành Hungary. Willi nhìn nó một cách lơ đãng; vì là một nhà tuyên truyền kỳ cựu, cho nên ông không còn quan tâm đến các nhà văn đang lãng phí thời gian vào việc đào chiến hào. Thẻ ký giả - với tư cách là thông tín viên tại Paris của tờ Pester Lloyd – của tôi được kẹp trong thẻ thông hành. Tôi chưa bao giờ viết chữ nào cho tờ Pester Lloyd, nhưng tất cả những người Hungary xa xứ có lòng tự trọng đều được cấp một thẻ ký giả của một tờ báo nào đó ở Budapest, để có thể thỉnh thoảng xem phim hoặc coi kịch miễn phí. Đôi mắt Willi đột nhiên sáng lên; ông vừa nảy ra một ý tưởng.

“Sao anh không làm một chuyến đến tổng hành dinh của Franco để lấy tin cho tờ Pester Lloyd?” – ông đề nghị. “Hungary là một quốc gia nửa phát-xít; họ sẽ mở rộng vòng tay đón anh.”

Tôi cũng nghĩ đây là một ý kiến hay, nhưng vẫn còn một số trở ngại. Thứ nhất là tờ Pester Lloyd sẽ không bao giờ đồng ý việc phái tôi đến đó; nhưng tại sao lại phải thông báo cho họ về chuyến đi của tôi? Trong tình trạng rối ren của một cuộc nội chiến, không ai thèm chuốc lấy phiền toái trong việc kiểm tra tư cách chính đáng của tôi. Thứ hai, các thông tín viên nước ngoài khác có thể nghĩ điều này có vẻ ám muội khi mà họ không tin rằng một tờ báo nghèo ở Hungary lại có thể gởi một thông tín viên đặc biệt đến Tây Ban Nha. Điểm này cũng có thể vượt qua, Tôi có nhiều bạn bè làm việc cho tờ News Chronicle của Luân-đôn; tờ này chống Franco kịch liệt, vì thế không có cơ hội phái một đội ngũ thông tín viên chính thức đến lãnh thổ của phe phiến loạn; cho nên vị biên tập viên tin tức ngoại quốc đã sẵn sàng đồng ý rằng tôi sẽ đóng vai trò như là thông tín viên đặc biệt của ông ta, miễn là đến được Tây Ban Nha của Franco.

Vậy là tôi đến Seville qua ngả Lisbon, nhưng thời gian lưu trú của tôi rất ngắn. Vào ngày thứ hai tại Seville, khi đó là nơi đặt tổng hành dinh của Franco, tôi bị nhận diện và bị cáo giác là cộng sản; nhưng nhờ tình hình vô cùng hỗn loạn của Tây Ban Nha mà tôi đã kịp thời thoát khỏi nơi này bằng ngã Gibraltar. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã kịp trông thấy phi công và máy bay Đức hiện diện trong quân đội Franco; tôi cho đăng các sự kiện này trên tờ News Chronicle và trong một tờ truyền đơn, và vì đó mà tôi phải gánh chịu sự thù nghịch đặc biệt của chế độ Franco. Do vậy, khi tôi bị binh sĩ của Franco bắt được sáu tháng sau đó, với tư cách là thông tín viên của quân đội cộng hoà, tôi tin chắc rằng bị bắn chết mà không trải qua cuộc điều tra sơ bộ nào là điều tốt nhất mà tôi có thể hy vọng.

Tôi bị nhốt bốn tháng trong hai nhà giam Málaga và Seville ở Tây Ban Nha. Giai đoạn giam cầm cô độc này càng khiến tôi tin rằng mình sẽ bị bắn. Tháng sáu năm 1937, nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh quốc, khi tôi bất ngờ được phóng thích, tóc tôi vẫn không bạc, dung mạo tôi cũng không đổi thay nhiều và nỗi ám ảnh tôn giáo trong tôi cũng chưa nảy nở; nhưng tôi đã bắt đầu làm quen với một loại thực tế khác, cái mà đã làm biến đổi quan điểm và các giá trị của tôi, đồng thời làm biến đổi chúng một cách sâu sắc và vô thức đến độ trong suốt những ngày tự do đầu tiên, tôi không hề nhận thức được sự biến đổi đó. Những trải nghiệm đưa đến sự thay đổi này chính là nỗi sợ hãi, lòng xót thương và một yếu tố thứ ba nữa, một yếu tố rất khó mô tả: Sợ, không phải sợ chết, mà là sợ bị hành hạ, bị nhục mạ và các hình thức khó chịu hơn của sự chết -- bạn cùng tập thể dục ngoài hành lang nhà tù của tôi, Garcia Atadell đã bị treo cổ ngay sau khi tôi được tự do; lòng xót thương dành cho những người nông dân bé nhỏ vùng Andalusia và Catalonia, những người mà tôi nghe họ khóc và gọi mẹ của mình khi bị dẫn ra ngoài vào ban đêm để đối diện với tiểu đội hành quyết; và cuối cùng, một tình trạng tâm thức thường được nhắc đến bằng những ngôn ngữ lấy từ kho từ vựng của chủ nghĩa huyền bí, những gì mà sẽ tự biểu hiện vào các khoảnh khắc không hề được trông chờ và mang đến một trạng thái an bình bên trong mà tôi chưa bao giờ biết đến trước đây, cũng như cho tới bây giờ.

Bài học rút ra được từ loại kinh nghiệm này, khi được viết thành lời, luôn luôn xuất hiện dưới một lớp áo nhàm chán của những chuyện cũ rích: rằng con người là một thực thể cụ thể, nhân loại là một điều trừu tượng; rằng con người không thể bị đối xử như những con số trong các phép tính của các bài toán chính trị; rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện chỉ được áp dụng trong những phạm vi rất hạn hẹp nào đó; rằng đạo đức không phải là một chức năng của lợi ích xã hội và bác ái không phải là tình cảm tiểu tư sản, mà là những hấp lực giữ cho nền văn minh chuyển động đúng quỹ đạo của nó. Không gì xuẩn động bằng việc phát biểu bằng lời về một sự hiểu biết mà bản chất của nó không thể phát biểu bằng lời; tuy nhiên, mỗi câu nói tầm thường trên đây lại không thích hợp với tín điều cộng sản mà tôi từng tin theo.

Nếu câu chuyện này là hư cấu, thì nó phải kết thúc ở đây; nhân vật chính, sau khi đã trải qua một sự cải hoá tâm linh, giã biệt các đồng chí ngày hôm qua của anh ta để đi con đường của chính mình với nụ cười thanh thản trên môi. Nhưng khi tôi được phóng thích, tôi không hề biết rằng trước đó tôi đã thôi không còn là người cộng sản nữa. Việc đầu tiên tôi làm sau khi hiến binh đưa tôi qua biên giới tại Gibraltar là gởi điện tín về cho đảng cộng sản. Bức điện tín bắt đầu bằng dòng chữ “Seid umschlungen, Millionen” – “Xin ôm chặt lấy anh hàng triệu lần”. Và lạ lùng hơn, tôi viết thêm “đã được chữa khỏi chứng đau bụng” – “chứng đau bụng” là cách nói của chúng tôi để bày tỏ những mối lo ngại về đường lối của Đảng.

Đó là một niềm hạnh phúc ngắn ngủi. Tôi trải qua ba tháng lặng lẽ với bạn bè ở nước Anh, viết một cuốn sách về Tây Ban Nha, rồi sau một chuyến đi ngắn hạn đến vùng Trung Đông để đưa tin cho tờ News Chronicle, một tờ báo không có quan điểm va chạm với Đảng, sự mâu thuẫn lại bắt đầu trỗi dậy. Chẳng có gì đáng xúc động về chuyện đó. Tôi thực hiện một chuyến thuyết trình khắp nước Anh cho Hội Phổ biến Sách Khuynh Tả (Left Book Club); bất cứ khi nào có người, trong những cử toạ phần lớn là cộng sản, đòi hỏi cung cấp các chi tiết về các hoạt động phản bội của đảng POUM (đảng Công nhân thống nhất Mác-xít) - một nhóm tả phái độc lập theo học thuyết Trotskyist ở Tây Ban Nha – tôi đều đáp rằng chính sách của họ có thể không có lợi cho chính nghĩa, nhưng chắc chắn họ không phải là kẻ phản bội. Và thật là kỳ lạ, tôi vẫn không bị trừng phạt về điều đó; Đảng Cộng sản Anh nổi tiếng là thiếu nghiêm khắc trong việc lên án các biểu hiện chệch hướng đối với những thành phần cấp cao.

Sau đó, tôi nhận được tin rằng, trong các cuộc thanh trừng rộng khắp của nước Nga, anh rể và hai trong số những người bạn thân thiết nhất của tôi đã bị bắt. Anh rể tôi, Ernst Ascher, là bác sĩ làm việc trong một bệnh viện nhà nước ở khu vực cộng hoà tự trị Đức-Volga [6] . Mặc dầu là đảng viên Đảng Cộng sản Đức, ông vẫn là một kẻ ngây thơ và không quan tâm đến chính trị. Người ta kết tội ông, như sau đó tôi được biết, là kẻ phá hoại, đã tiêm vi trùng giang mai vào bệnh nhân, làm thối chí của nhân dân bằng cách nói rằng những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục là những căn bệnh nan y, và điểm buộc tội thứ ba tất nhiên phải là ông là gián điệp của ngoại bang. Không ai còn biết được tin tức về ông kể từ ngày ông bị bắt cách đây mười hai năm.

Hai người bạn bị bắt của tôi là Alex Weissberg và Eva, vợ của anh. Alex là nhà vật lý học, được tuyển dụng vào làm việc cho Viện Vật lý và Kỹ thuật Ukraine; tôi quen biết cả hai vợ chồng được nhiều năm và từng sống chung với họ ở Kharkov. Anh bị bắt năm 1937 vì bị cáo buộc (theo như tôi biết sau này) đã thuê hai mươi tên cướp phục kích Stalin và Kaganovitch trong chuyến đi săn ở Cáp-ca. Anh từ chối ký tên vào bản nhận tội, và bị giam ba năm trong nhiều nhà tù khác nhau, rồi thì, sau khi hiệp ước bất tương xâm giữa Nga và Đức được ký kết, anh bị cơ quan mật vụ Liên Xô giao nộp cho Gestapo vào năm 1940, tại Brest Litovsk, cùng với một trăm đảng viên các Đảng Cộng sản Hungary, Đức và Áo khác. Anh thoát khỏi cơ quan mật vụ Gestapo, tham gia vào cuộc nổi dậy Warsaw [7] , và viết một cuốn sách mà không lâu sau đã đến tay của các độc giả Anh ngữ.

Eva, vợ của Alex, là thợ làm đồ gốm; chị bị bắt trước Alex một năm, và ban đầu bị buộc tội vẽ chữ vạn trên mẫu tách trà mà chị đã thiết kế để sản xuất hàng loạt; sau đó, bị cáo buộc đã giấu hai khẩu súng lục dưới giường ngủ, những khẩu súng dùng vào mục đích ám sát Stalin tại kỳ đại hội Đảng sau đó. Chị đã ở mười tám tháng trong trại giam Lubianka, nơi cơ quan mật vụ Liên Xô cố gắng dàn dựng một hồ sơ mô tả chị như là một kẻ phạm tội đã biết ăn năn, nhằm phục vụ cho phiên xử Bukharin mang tính chất tuyên truyền. Chị đã cắt mạch máu để tự sát, nhưng được cứu sống và được phóng thích sau đó nhờ sự can thiệp bất thường của viên lãnh sự Áo quốc ở Moscow, người tình cờ trở thành bạn của mẹ chị.

Tôi gặp Eva sau khi chị được trả tự do và bị trục xuất khỏi nước Nga vào mùa xuân năm 1938. Những điều chị nếm trải trong các nhà tù của Nga, và đặc biệt là những kinh nghiệm của chị về các biện pháp lấy cung của cơ quan mật vụ Liên Xô, đã là một phần tư liệu mà tôi dùng để viết tác phẩm Darkness at Noon. Tôi hứa với chị tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể cứu Alex. Albert Einstein cũng đã can thiệp vào sự kiện này; cho nên tôi viết một bức điện tín với lời lẽ hết sức cẩn trọng cho Stalin, trong đó tôi có được chữ ký của ba nhà vật lý học người Pháp từng được trao giả Nobel: Perrin, Langevin và Joliot-Currie. Bức điện tín - bản sao của nó cũng đã được gởi đến luật sư Vishinsky – yêu cầu rằng các cáo buộc chống lại Weissberg, nếu có, phải được công bố, đồng thời anh phải được hưởng một phiên xử công khai. Đặc biệt là mặc dầu cả Langevin lẫn Joliot-Curie đều là những người có cảm tình với Liên Xô và không lâu sau đã trở thành đảng viên cộng sản, nhưng rõ ràng họ không đánh giá cao các biện pháp xét xử của hệ thống tư pháp Liên Xô - họ chưa bao giờ nghe đến cái tên Alex trước đây, và chỉ biết đôi chút về tôi, những ngay lập tức họ cho rằng Alex vô tội.

Bài học của câu chuyện này là Joliot-Curie, và các nhà Mác-xít nổi tiếng còn lại của chúng tôi, đều không thể làm ngơ trước những diễn biến ở Nga. Họ biết tường tận về các trường hợp, trong đó nhiều đồng nghiệp với họ, nhiều viên chức trung thành của Liên Xô đã bị bắt giữ vì những cáo buộc lố bịch, đã bị giam cầm nhiều năm mà không qua một phiên toà xét xử nào, và sau đó còn bị giao nộp cho Gestapo. Ngoài ra, họ còn biết rằng tất cả các trường hợp này đều không phải là các trường hợp ngoại lệ; họ có trong tay nhiều bản báo cáo khả tín về việc hàng trăm trường hợp tương tự đã xảy đến cho giới khoa bảng ở Nga và cho các nhà văn, nhà báo và nhiều trí thức khác, dù là cộng sản hay có cảm tình với cộng sản. Ít nhất, mỗi chúng tôi đều có một người bạn đã bỏ mạng trong các trại cưỡng bức lao động ở vùng địa cực, hoặc bị bắn chết với tội danh gián điệp, hoặc bị thủ tiêu không để lại một dấu vết. Tiếng nói của chúng tôi có thể vang lên với tất cả nỗi căm phẫn chính đáng để lên án những điều nhơ nhuốc của thủ tục công lý trong các nền dân chủ tiện nghi của chúng tôi; nhưng chúng tôi lại câm lặng khi mà các đồng chí của mình, không hề được xét xử, không hề bị bị kết án, đã bị thủ tiêu trong nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất của con người. Mỗi trong số chúng tôi đều mang trong lòng một nỗi nhục nhã; một nỗi nhục sâu thẳm như đáy bể và cao ngất như trời xanh. Không một thời đại nào và không một đất nước nào mà có nhiều nhà cách mạng bị giết chết và bị biến thành nô lệ như ở nước Liên Xô.

Mùa xuân năm 1938, tôi có một buổi nói chuyện về đề tài Tây Ban Nha ở Hội Nhà văn Đức Tị nạn chính trị (German Émigré Writers’ Association) ở Paris. Trước buổi nói chuyện, một đại diện của đảng cộng sản yêu cầu tôi đưa vào bài nói chuyện của mình một đoạn lên án Đảng POUM là một đảng hoạt động cho Franco; tôi từ chối. Y liền nhún vai và hỏi tôi có muốn đưa cho y xem toàn văn bài nói chuyện của tôi và “thảo luận về nó một cách thân tình” hay không. Tôi từ chối. Buổi nói chuyện diễn ra tại trụ sở của Hội Kỹ nghệ Pháp quốc ở quảng trường St. Germain des Prés, trước một cử toạ gồm hai, ba trăm trí thức tị nạn, mà một nửa trong số đó là cộng sản. Tôi biết đây là lần xuất hiện chính thức cuối cùng của tôi với tư cách đảng viên của đảng cộng sản. Đề tài của bài nói chuyện bàn về hiện trạng Tây Ban Nha, trong đó không hề có một từ phê bình đảng cộng sản hay phê bình Liên Xô. Nhưng có ba câu mà đối với người bình thường, thì chúng là những câu nói nhạt nhẽo, vô vị; nhưng đối với người cộng sản, thì chúng là một sự tuyên chiến. Câu đầu tiên: “Không một phong trào, một đảng phái hay một cá nhân nào có thể tự cho rằng mình là kẻ không thể sai lầm.” Câu thứ hai: “Nhân nhượng với kẻ thù thì cũng ngu xuẩn như hành quyết bạn bè, những người theo đuổi cùng một cứu cánh với quý vị, nhưng bằng một con đường khác.” Câu thứ ba là câu trích dẫn Thomas Mann: “Một sự thật có hại vẫn tốt hơn lời nói dối có lợi.”

Thế là xong. Khi tôi kết thúc bài nói chuyện, một nửa cử tọa không cộng sản vỗ tay; trong khi, một nửa kia - những người cộng sản - ngồi khoanh tay trong sự im lặng nặng nề. Điều này không phải là hành động được thi hành theo mệnh lệnh, mà như là một phản ứng tự nhiên trước những điều không có gì mới lạ, nhưng lại hết sức tai hại. Có lẽ bạn cũng đã nói với một cử tọa phát-xít rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, bất chấp chủng tộc và tín ngưỡng.

Vài ngày sau đó, tôi viết một lá thư xin ra khỏi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Pink Decade: phong trào kêu gọi sự đoàn kết của giới khoa học gia, nhà văn và nghệ sĩ để chống lại chủ nghĩa Phát-xít của những năm 1930
[2]Louis-Victor de Broglie (1892–1987): nhà vật lý học người Pháp, được trao giải Nobel vật lý năm 1929 vì đã khám phá bản chất sóng của các electron.
[3]Chính phủ của nước Đức giai đoạn 1919–1933; sở dĩ có tên như thế là vì vào năm 1919, quốc hội Đức nhóm họp ở Weimar để thiết lập một nền cộng ho à và đưa ra bản hiến pháp mới.
[4]Một chủng tộc đã tuyệt chủng, từng sinh sống ở Âu châu, bắc Phi và tây Á vào đầu thời kỳ đồ đá.
[5]Gustav Stresemann (1878–1929): chính trị gia người Đức.
[6] Thành lập sau cách mạng tháng Mười, là khu vực tự trị của người Đức sống ở lưu vực sông Volga.
[7]Cuộc nổi dậy của người Do-thái trong các khu tập trung Do-thái ở Warsaw, thủ đô nước Ba-lan, thời kỳ bị Đức quốc xã chiếm đóng.
Nguồn: The God That Failed, Richard Crossman biên soạn, Harper&Brothers xuất bản, 1949