trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
21.8.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
"Viết bằng máu của cả triệu con người"
Christian Neef và Matthias Schepp thực hiện phỏng vấn
Trần Kh. dịch
 
Cuộc trò chuyện với tuần báo Đức Tấm gương (Der Spiegel) tháng 7 năm 2007 là cuộc phỏng vấn quan trọng gần đây nhất với văn hào A. I. Solzhenitsyn. Một số bản dịch hoặc trích dịch bài phỏng vấn này từ tiếng Anh đã được công bố trên báo chí tiếng Việt, sau khi ông qua đời ngày 03.8.2008. Dưới đây, chúng tôi xin đăng nguyên văn bản dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Ảnh trong bài của tuần báo Tấm gương.
talawas
Văn hào Solzhenitsyn 2007
SPIEGEL: Aleksandr Isayevich, chúng tôi đến gặp ông giữa lúc ông đang bận rộn với công việc. Ở cái tuổi 88 mà xem chừng ý thức trách nhiệm của ông vẫn không hề suy suyển, mặc dầu sức khỏe không còn cho phép ông đi lại thoải mái trong nhà. Ông lấy từ đâu ra cái nghị lực này?

Solzhenitsyn: Đấy là cái thôi thúc nội tâm, hình thành từ lúc tôi ra đời. Tôi luôn cảm thấy sung sướng khi được dâng hiến mình cho công việc, công việc và đấu tranh.

SPIEGEL: Chỉ nội ở đây chúng tôi đã thấy có đến bốn chiếc bàn làm việc. Trong cuốn sách mới nhất của ông sẽ được phát hành tại Đức vào tháng Chín tới (Những năm ở Mỹ của tôi - ND), ông hồi tưởng lại rằng có khi ông viết cả trong lúc đang đi dạo rừng.

Solzhenitsyn: Hồi còn ở trong tù, tôi cũng đã từng sử dụng bức tường đá như là bàn viết. Tôi viết vội vàng bằng bút chì lên những mảnh giấy nhỏ, rồi cố gắng nhập tâm những gì mình đã viết và sau đó thì hủy những tờ giấy ấy đi.

SPIEGEL: Và cái nghị lực này cũng chưa bao giờ rời bỏ ông ngay cả trong những giờ phút tuyệt vọng nhất?

Solzhenitsyn: Mọi chuyện đến như chúng phải đến. Và cuối cùng đôi khi cũng nảy sinh ra vài điều tốt lành.

Tù nhân Solzhenitsyn 1950
SPIEGEL: Hẳn là ông đã không có những suy nghĩ như thế vào tháng Hai năm 1945, lúc đại úy Solzhenitsyn bị mật vụ quân đội bắt giam ở Đông Phổ vì đã viết những bức thư với lời lẽ báng bổ Josef Stalin. Việc này đã khiến ông phải ngồi tù tám năm trời.

Solzhenitsyn: Chuyện này xảy ra ở phía nam thành phố Wormditt. Chúng tôi vừa mới thoát khỏi vòng vây của quân Đức và hành quân về hướng Königsberg. Đúng lúc ấy thì họ bắt tôi. Nhưng niềm lạc quan đã chẳng bao giờ rời bỏ tôi. Cũng như niềm tin đã thúc đẩy tôi bước tiếp.

SPIEGEL: Thưa đấy là những niềm tin nào?

Solzhenitsyn: Những niềm tin này dĩ nhiên là đã phát triển cùng với năm tháng. Nhưng tôi đã luôn tin tưởng vào những gì mình đang làm, và tôi chưa từng làm điều gì trái với lương tâm của mình.

SPIEGEL: Cách đây 13 năm, lúc ông rời bỏ cảnh sống lưu vong để hồi hương, ông đã cảm thấy thất vọng vì những diễn biến ở nước Nga mới. Ông từ chối giải thưởng nhà nước mà Mikhail Gorbachev muốn trao tặng ông, tương tự như thế ông cũng đã khước từ dự định của Boris Yeltsin muốn vinh danh ông bằng một huân chương quốc gia. Bây giờ thì ông lại chấp nhận giải thưởng quốc gia Nga từ Vladimir Putin - một cựu sĩ quan của cơ quan mật vụ đã từng đàn áp dã man và hành hạ nhà văn Solzhenitsyn. Phải giải thích điều này như thế nào?

Solzhenitsyn: Đúng là vào năm 1990 người ta muốn tặng tôi một giải thưởng cho cuốn Quần đảo Gulag. Nhưng không phải do quyết định của Gorbachev mà là do Hội đồng Bộ trưởng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Xô viết Nga, lúc bấy giờ còn là một thành phần của Liên Xô. Tôi đã từ chối. Tôi không thể nào chấp nhận một kiểu vinh danh cá nhân cho một cuốn sách đã được viết bằng máu của cả triệu con người. Năm 1998, một trong những thời điểm tồi tệ nhất trên bình diện quốc gia, cuốn sách Nước Nga trong cơn sụp đổ của tôi đã xuất hiện. Lúc bấy giờ đích thân Yeltsin đã muốn trao tặng tôi huân chương quốc gia cao quí nhất. Tôi đã trả lời rằng tôi không thể nhận sự vinh danh của một chính quyền đã đẩy nước Nga đến bên bờ vực của sự phá sản. Còn giải thưởng quốc gia mà tôi vừa mới nhận đây không phải là của tổng thống, mà là do đề nghị của một nhóm chuyên gia có uy tín, trong đó có những nhà nhiên cứu Nga và những nhà làm văn hóa danh tiếng, đấy là những con người có được sự kính trọng tuyệt đối trong lãnh vực của họ. Tổng thống Putin với tư cách là nhân vật số một của quốc gia đã trao cho tôi giải thưởng này nhân dịp lễ Quốc khánh. Lúc nhận giải thưởng tôi đã phát biểu niềm hy vọng rằng những kinh nghiệm cay đắng của nước Nga - đấy cũng là những điều mà tôi dùng suốt cả cuộc đời mình để nghiên cứu và đánh giá - sẽ che chở cho chúng tôi trước những tai họa mới.

Vâng, Vladimir Putin đã từng là một viên chức mật vụ, đúng như các ông nói, nhưng ông ta chưa từng là một quan chức điều tra của KGB cũng như không phải là một viên chức đứng đầu cai quản Gulag. Những cơ quan tình báo chuyên trách những điệp vụ đối ngoại thường chẳng bao giờ bị chỉ trích ở một nước nào, thậm chí còn được vinh danh tại một số nước. Cũng như chẳng có ai lên tiếng phê phán George Bush (cha) vì những hoạt động quá khứ của ông ấy trong bộ phận lãnh đạo của CIA.

SPIEGEL: Suốt cuộc đời mình ông đã kêu gọi quyền lực nhà nước phải có hành vi sám hối đối với hàng triệu nạn nhân của Gulag và những cuộc khủng bố thời cộng sản. Thế những lời kêu gọi của ông có thực sự được lắng nghe hay không?

Solzhenitsyn: Dần dần tôi đã quen với việc là những phát biểu công khai có tính sám hối của các nhân vật chính trị là những điều sau chót mà hôm nay người ta có thể chờ đợi ở họ.

SPIEGEL: Thế là chúng ta đã quay trở lại đề tài Putin. Vị tổng thống của nước Nga hiện nay đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô như là một thảm họa địa-chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Ông ấy bảo rằng nên chấm dứt cái màn nhìn lại quá khứ đầy tính tự hành hạ; rằng - "từ bên ngoài" - người ta đang tìm cách gán ghép cho nước Nga cái "cảm giác tội lỗi" một cách bất hợp lý. Phải chăng đấy là những điều mà nhiều người thích nghe, nhất là những kẻ đang muốn quên phứt những gì đã xảy ra trong thời Xô-viết?

Solzhenitsyn: Không phải là ông ấy không có lý khi nhắc đến yếu tố "từ bên ngoài": Các ông thấy đấy, khắp nơi trên thế giới người ta lo sợ việc Hoa Kỳ đang tìm cách thực thi vai trò độc quyền của mình như là một cường quốc thống lĩnh thế giới - bằng cả cái giá mà nước Nga phải trả. Về chuyện "nhìn lại quá khứ đầy tính tự hành hạ" thì tôi có thể nói như thế này: Tiếc rằng cho tới nay người ta thường đánh đồng hai khái niệm "Xô-viết" và "Nga". Từ những năm 70 tôi đã lập luận chống lại điều này. Thế nhưng tất cả: các nước phương Tây, các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng như các nước Cộng hòa Xô-viết cũ đã sử dụng hai khái niệm này một cách thiếu thận trọng.

Thế hệ các chính trị gia già của những nước cộng sản cũ thì hoàn toàn chẳng biết hối hận. Và lớp chính khách mới xuất hiện thì thường dùng Moskva của thời hiện tại như là một đích nhắm thuận tiện cho những cáo buộc và đòi hỏi của họ. Cứ như thể họ đã tự giải phóng lấy mình một cách anh dũng và hiện đang xây dựng một cuộc sống mới, trong lúc Moskva thì trước sau vẫn còn cộng sản.

Tôi hy vọng rằng cái thái độ thiếu lành mạnh này sẽ mau chóng thuộc về quá khứ. Tất cả những dân tộc đã từng bị đày đọa đớn đau bởi chủ nghĩa cộng sản nên nhận ra rằng chính thứ chủ nghĩa này là nguyên nhân thực thụ cho những kinh nghiệm cay đắng của lịch sử nước họ.

SPIEGEL: Kể cả dân tộc Nga.

Solzhenitsyn: Vâng, nếu tất cả chúng tôi có thể nhìn lại quá khứ của mình một cách tỉnh táo thì tôi tin rằng những hoài tưởng có tính tiếc nuối một số hoàn cảnh của thời Xô-viết cũ đã chấm dứt từ lâu tại nước chúng tôi. Và các nước Đông Âu cũng như các nước Cộng hòa Xô-viết cũ sẽ khắc phục được cái thái độ đầy bản năng xem con đường chọn lựa có tính lịch sử của nước Nga như là nguồn gốc của mọi tai ương. Thật khó có thể chấp nhận chuyện những hành động tàn bạo cá nhân của một số lãnh tụ cụ thể hoặc tội ác của một thể chế chính trị nhất định được diễn dịch thành tội lỗi của dân tộc Nga và đất nước họ, hoặc giả chúng có nguồn gốc là cái tâm thần bệnh hoạn của dân tộc Nga, như vẫn thường hay được lý giải ở phương Tây. Các chế độ cộng sản này đã đứng vững được là chính bởi đã có những cuộc khủng bố sắt máu diễn ra trên đất Nga. Chỉ có những tội lỗi được nhận diện bởi tự bản thân mới có thể là điều bảo đảm cho một sự hồi phục quốc gia. Những chỉ trích liên tục đến từ bên ngoài thường chỉ mang lại phản tác dụng.

SPIEGEL: Để nhận ra được những tội lỗi đã gây ra thì người ta phải có đầy đủ thông tin về chính quá khứ của mình. Các nhà sử học than rằng cơ quan lưu trữ văn thư ở Moskva không còn được tiếp cận dễ dàng như vào những năm 90.

Solzhenitsyn: Đấy là một vấn đề không đơn giản. Không thể phủ nhận là nước Nga đã chứng kiến một cuộc cách mạng về văn khố trong vòng 20 năm qua. Các nhà nghiên cứu đã có thể tiếp cận với hàng ngàn kho hồ sơ và văn thư lưu trữ. Họ có thể nghiên cứu hàng trăm ngàn tài liệu mà trước kia bị khép kín đối với họ. Hàng trăm công trình nghiên cứu đã được công bố. Những nhân vật có ảnh hưởng như nhà sử học quân sự Dmitrij Volkogonov và cựu thành viên Bộ Chính trị Alexander Yakovlev thậm chí còn được sử dụng những tài liệu mà con dấu "mật" hiện nay vẫn chưa được xóa bỏ. Xã hội phải biết ơn họ vì những công bố ấy. Những năm vừa qua thì không ai được tham khảo những hồ sơ được xem là tuyệt mật này nữa. Tiếc rằng cái tiến trình cho phép mở từng bước những tư liệu này diễn ra chậm hơn nhiều như chúng ta mong muốn.

Tuy nhiên hiện nay người ta vẫn được phép sử dụng những hồ sơ của cơ quan Văn khố Quốc gia Liên bang Nga, nơi lưu trữ văn thư quan trọng và phong phú nhất của nước chúng tôi, như vào những năm 90. Thời bấy giờ Cơ quan Mật vụ quốc nội Liên bang Nga (FSB) đã chuyển giao cho văn khố này hàng trăm ngàn hồ sơ tòa án và điều tra, và những trang hồ sơ này thì trước sau vẫn có thể được tham khảo tự do, từ người dân thường cho đến các nhà nghiên cứu. Trong hai năm 2004 và 2005 cơ quan Văn khố Quốc gia Liên bang Nga đã công bố bộ sách 7 tập có tên Lịch sử Gulag thời Stalin. Tôi đã làm việc với các tác giả và có thể xác nhận rằng đấy là một công trình hoàn thiện và đáng tin cậy. Hiện nay bộ sách này vẫn được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau.

SPIEGEL: Chỉ tiếc rằng những hồ sơ cá nhân của các nhân vật thuộc hàng nomenklatura của Bộ Nội vụ và cơ quan mật vụ vẫn tiếp tục bị giữ kín. Aleksandr Isayevich, đã 90 năm trôi qua kể từ ngày nước Nga bị rúng động thoạt tiên là bởi cuộc Cách mạng tháng Hai, rồi đến cuộc Cách mạng tháng Mười. Cách đây vài tháng, trong một bài viết dài ông đã lại khẳng định luận điểm cho rằng chủ nghĩa cộng sản ở Nga không hẳn xuất hiện trực tiếp từ chế độ cũ, mà chính là chính quyền tư sản Alexander Kerensky của năm 1917 đã tạo cơ hội lật đổ cho những người cộng sản. Theo đó Lenin chỉ là một nhân vật tình cờ, nhờ có sự trợ giúp của người Đức mới có thể quay trở về Nga và giành lấy chính quyền về tay mình. Liệu chúng tôi có hiểu đúng những gì ông đã viết hay không?

Solzhenitsyn: Không. Chỉ có những cá nhân nổi trội mới biết chớp lấy thời cơ. Lenin và Trotsky là những chính trị gia ranh mãnh và khao khát hành động. Họ đã tận dụng tình trạng bối rối của chính quyền Kerensky. Trước hơn hết tôi muốn chỉnh các ông ở một điểm: cái gọi là cuộc Cách mạng tháng Mười chỉ là một huyền thoại mà những người Bolshevik dựng nên sau chiến thắng của họ, và các giới nhận mình thuộc trào lưu tiến bộ ở phương Tây đã chấp nhận cái huyền thoại này.

Ngày 25 tháng 10 năm 1917 đã xảy ra một vụ đảo chính bạo động ở Petrograd. Vụ lật đổ này có kế koạch tính toán cho một ngày trời, về phương thức đã được chuẩn bị một cách xuất sắc bởi chính Trotsky. Vào thời điểm ấy Lenin buộc phải ẩn mình vì vẫn còn đang bị kết tội làm phản. Cái mà ngày nay người ta gọi là cuộc Cách mạng Nga 1917 thực ra là cuộc Cách mạng tháng Hai. Nguyên do phát sinh cuộc cách mạng này là do tình trạng tồi tệ tồn tại ở Nga lúc bấy giờ, và bản thân tôi cũng chưa bao giờ khẳng định một điều gì khác. Cuộc Cách mạng tháng Hai có gốc rễ sâu xa, như tôi đã chỉ ra trong bộ tiểu thuyết lịch sử Bánh xe đỏ của tôi. Trước hơn hết đấy là sự bộc phát mối thù hận đã bị dồn nén lâu ngày giữa tầng lớp học thức và những kẻ cai trị. Chính mối hiềm khích này đã khiến cho mọi thỏa hiệp là bất khả. Trách nhiệm chính dĩ nhiên là nằm ở bộ máy quyền lực. Lúc đắm tàu thì ai là kẻ phải gánh trách nhiệm nếu không phải là thuyền trưởng? Tiền đề cho cuộc Cách mạng tháng Hai xuất phát từ chính chế độ Nga hoàng lúc bấy giờ.

Nhưng không vì thế mà có thể suy ra rằng Lenin chỉ là một nhân vật tình cờ hoặc sự ủng hộ tài chánh của vua Đức Wilhelm là không đóng một vai trò nào. Còn ở chính bản thân cuộc lật đổ tháng Mười thì không có một chút gì có thể giải thích được bằng cái bản chất Nga - ngược lại là khác: cuộc lật đổ này đã bẻ gãy cột sống của nước Nga. Bằng chứng rõ ràng nhất cho điều này là cuộc khủng bố đỏ xảy ra sau đấy, là việc các lãnh đạo cách mạng đã sẵn sàng nhấn chìm nước Nga trong máu và nước mắt của nó.

SPIEGEL: Với tác phẩm hai tập Hai trăm năm chung sống ông đã tìm cách phá bỏ những cấm kỵ của lịch sử về mối quan hệ giữa người Nga và người Do Thái - Đấy là cuốn sách đã gây bối rối ở phương Tây. Thí dụ như việc ông đã mô tả người Do Thái như là "lực lượng tiên phong, được nặn ra bởi tư bản thế giới", như là những kẻ đi đầu trong việc phá đổ trật tự tư sản. Có thực sự là qua việc nghiên cứu các nguồn tài liệu của mình, ông đã rút ra được cái kết luận rằng - hơn ai hết - người Do Thái phải chịu trách nhiệm đạo đức cho cuộc thí nghiệm Xô-viết đã thất bại hay không?

Solzhenitsyn: Tôi đã muốn tránh chính cái điều mà câu hỏi của các ông muốn dẫn tới: tôi không đòi hỏi một ai đo đếm phần tội lỗi hoặc so sánh trách nhiệm đạo đức của dân tộc này với dân tộc khác. Tôi chỉ yêu cầu người ta phải ý thức rõ về con đường đã đi của mình.

Trong cuốn sách của tôi, các ông có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của mình: "Mỗi dân tộc phải nhận lãnh trách nhiệm đạo đức cho quá khứ của mình - kể cả những thời điểm hổ nhục nhất. Bằng cách nào ta có thể làm điều này? Các dân tộc phải tìm cách hiểu được rằng: Tại sao người ta đã cho phép những điều ấy xảy ra? Lỗi của chúng ta nằm ở đâu? Liệu điều này rồi có tái diễn không? Chính là trong cái tinh thần này mà dân Do Thái phải sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm cho những gã sát nhân đội danh cách mạng cùng đám người sẵn sàng theo đuôi phục tùng họ, và làm điều này không phải là trước mắt của các dân tộc khác, mà là trước chính bản thân mình, trước lương tâm của mình, và trước Thượng đế. Tương tự như người Nga phải nhận lãnh trách nhiệm cho những cuộc thảm sát người Do Thái, cho những đám nông dân độc ác kéo đi đe dọa đốt phá và cướp bóc, cho những binh lính cách mạng thiểu năng và những thủy thủ đã hoành hành như một bầy thú hoang.

SPIEGEL: Đối với chúng tôi, cuốn sách có tác động mạnh nhất là cuốn Quần đảo Gulag. Nó đã chỉ ra từ bên trong tính cách bất nhân của nền độc tài Xô-viết. Hôm nay, nhìn lui trở lại, liệu người ta có thể đánh giá được phần đóng góp của cuốn sách này vào sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản hay không?

Solzhenitsyn: Câu hỏi này các ông không nên đặt ra cho tôi - những đánh giá kiểu này không phải là chuyện của tác giả.

SPIEGEL: Chúng tôi xin trích dẫn ý mà Aleksandr Solzhenitzyn đã từng phát biểu: Kinh nghiệm đen tối của thế kỷ 20 là những gì mà nước Nga - trong một nghĩa nào đó - phải nếm trải thay cho nhân loại. Liệu người Nga đã có khả năng rút ra một bài học nhất định nào đấy từ hai cuộc cách mạng và những hệ quả của chúng hay không?

Solzhenitsyn: Tôi có cảm tưởng là họ đã bắt đầu làm chuyện này. Hiện nay đã xuất hiện nhiều bài viết và phim ảnh về lịch sử nước Nga thế kỷ 20, dĩ nhiên là với những chất lượng khác nhau. Nhưng nhu cầu này càng ngày càng tăng - đấy là điều thấy rõ. Mới đây kênh truyền hình nhà nước có tên "Nước Nga" đã cho truyền đi những sự thật kinh hoàng và dã man trong những trại tù thời Stalin dưới hình thức một bộ phim truyền hình nhiều tập, dựng theo tác phẩm của Valam Shalamov ...

SPIEGEL: ... và chính ông ấy cũng đã bị cầm tù 18 năm trong Gulag.

Solzhenitsyn: Tôi cũng rất ngạc nhiên và bị ấn tượng sâu sắc bởi sự nhiệt tình, mức độ và thời gian kéo dài của cuộc tranh luận đã nổ ra, sau khi bài viết của tôi về cuộc Cách mạng tháng Hai ở Nga xuất hiện. Tôi rất vui khi nghe được nhiều ý kiến khác nhau và có những người không đồng ý với tôi, bởi việc này đã chứng tỏ rằng, rốt cuộc người ta đã thật sự muốn hiểu chính quá khứ của mình. Nếu không thì chẳng thể nào có được một con đường chín chắn dẫn vào tương lai.

SPIEGEL: Dựa theo những phát biểu mới nhất của ông về sự phát triển hiện nay thì phải hiểu là ông cho rằng nước Nga đang dần dần kiếm ra con đường đúng đắn cho mình. Ông đánh giá như thế nào thời gian nước Nga nằm dưới sự lãnh đạo của Putin - so sánh với hai vị tiền nhiệm của ông ấy là Gorbachev và Yeltsin?

Solzhenitsyn: Điều gây ngạc nhiên trong phong cách lãnh đạo của Gorbachev là tính ngây thơ chính trị, sự thiếu kinh nghiệm và vô trách nhiệm đối với đất nước của ông ấy. Đấy không phải là sự thực thi quyền lực mà là sự từ khước quyền lực một cách thậm vô nghĩa. Với sự phấn khích của phương Tây, ông ta nghĩ rằng cách hành xử của mình là đúng đắn. Tuy nhiên người ta phải nhìn nhận rằng Gorbachev chứ không phải Yeltsin - như được khẳng định ở nhiều nơi - là vị tổng thống đầu tiên đã mang lại cho dân tộc tôi tự do ngôn luận và tự do đi lại.

Yeltsin thì cũng vô trách nhiệm không kém, có khác chăng chỉ là trên các lãnh vực khác. Ông ta đã vội vã tìm cách tư hữu hóa tài sản quốc gia và đã để cho tài sản đất nước bị ăn cướp một cách tự do không kềm hãm, đấy là những tài sản lớn với con số hàng tỷ Đô-la. Để biết mình sẽ chắc chắn nhận được sự ủng hộ của các "vương hầu" địa phương, ông ta đã trực tiếp biến họ trở thành những kẻ ly khai, cho thông qua những quyết định cho phép xé nước Nga ra làm nhiều mảnh. Qua đó nước Nga đã bị tước đi vai trò lịch sử và vị trí xứng đáng của nó trên trường quốc tế. Và điều này nhận được sự cổ vũ ầm ĩ ở phương Tây.

SPIEGEL: Còn Putin thì sao?

Solzhenitsyn: Putin thừa hưởng một đất nước đã bị ăn cướp đến độ kiệt quệ và hoàn toàn mất quân bình, với một khối dân chúng mà phần lớn là nghèo khó và xuống tinh thần. Ông ấy đã cố gắng làm những điều có thể làm, và điều khả thi ở đây chỉ còn là việc từng bước xây dựng trở lại. Những nỗ lực này không được nhận ra ngay và dĩ nhiên lại càng không được khen ngợi. Liệu các ông có thể nêu ra được một thí dụ lịch sử mà trong đấy những cố gắng nhằm tái tạo lại một ban lãnh đạo nhà nước vững mạnh được hồ hởi ghi nhận từ bên ngoài?

SPIEGEL: Một nước Nga ổn định cũng là điều nằm trong sự quan tâm của phương Tây - hiện nay đấy là một nhận thức phổ biến. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên trước hơn cả là điều này: Khi bàn về một mô hình nhà nước đúng đắn cho nước Nga, ông luôn là người tranh đấu cho lối quản lý tự trị của công dân Nga - ông đã đặt mô hình này đối diện với hình thức dân chủ Tây phương. Những gì mà chúng tôi thấy sau bảy năm lãnh đạo của Putin lại là một kết quả ngược lại: Tổng thống nắm trọn quyền, tất cả mọi thứ đều phải theo ý ông ấy.

Solzhenitsyn: Đúng thế, tôi đã kêu đòi trong quá khứ và hiện nay vẫn còn đòi hỏi tiếp rằng nước Nga cần có một hình thức quản lý tự trị địa phương. Tôi hoàn toàn không hề muốn đặt giải pháp này đối nghịch với mô hình dân chủ phương Tây. Mà là ngược lại. Tôi muốn thuyết phục dân tôi bằng những thí dụ của các hình thức tự quản rất hữu hiệu ở Thụy Sĩ và New England, những thứ mà tôi đã tận mắt chứng kiến. Nhưng dường như các ông đã lẫn lộn qua câu hỏi của mình hình thức tự trị địa phương, chỉ thực hiện được ở tầng dưới cùng - nơi mà người ta biết rõ người quản lý do họ bầu ra -, với thứ cấu trúc quyền lực địa phương của vài chục vị tỉnh trưởng, đấy chính là những kẻ đã cấu kết với quyền lực trung ương Moskva để dẹp tan từ trong trứng nước những mô hình tự quản địa phương dưới thời Yeltsin.

Ngày nay tôi vẫn còn thấy không vui về việc lối quản lý tự trị địa phương đã phát triển quá chậm và lúng túng tại nước tôi. Thế nhưng cũng đã có một số bước tiến. Trong thời Yeltsin thì người ta đã tìm cách ngăn chặn tất cả mọi khả năng tự quản này bằng luật lệ. Bây giờ thì nhà nước đã sẵn sàng để cho dân chúng có nhiều quyền tự quyết định hơn ngay tại địa phương của mình. Tiếc rằng điều này chưa trở thành hệ thống.

SPIEGEL: Đấy là điều mà chúng tôi khó có thể lĩnh hội được. Những tiếng nói phê phán hầu như chẳng được quan tâm ở xứ này. Lực lượng đối lập thì hầu như cũng chẳng thấy.

Solzhenitsyn: Đối lập hiển nhiên là điều cần thiết mà tất cả những ai mong muốn có một nước Nga phát triển lành mạnh cũng đều mong đợi. Như dưới thời Yeltsin thì thực ra chỉ có những người cộng sản là đối lập thực sự. Khi các ông bảo hiện nay hầu như không có một lực lượng đối lập thì hắn là các ông đã liên tưởng đến những đảng phái dân chủ xuất hiện trong những năm 90. Nhưng người ta nên nhìn sự việc không thiên kiến: trong những năm 90 đời sống người dân càng ngày càng khó khăn, tiêu chuẩn sống đã bị giảm đi rõ rệt đối với ba phần tư tổng số các gia đình Nga - tất cả đều xảy ra dười "ngọn cờ dân chủ". Thử hỏi như thế còn có ai ngạc nhiên khi sau đó người ta tránh xa những ngọn cờ này? Các vị lãnh đạo của các đảng phái này cho đến nay vẫn không có thể thống nhất với nhau về các chân bộ trưởng trong một nội các ảo. Quả là điều đáng tiếc khi tại Nga trước sau vẫn chưa hình thành một lớp đối lập có tính xây dựng, minh bạch và mạnh về số lượng. Có lẽ cần phải có thêm thời gian để các định chế dân chủ chín muồi.

SPIEGEL: Trong cuộc nói chuyện của chúng ta cách đây bảy năm ông đã chỉ trích rằng trong Quốc hội (Duma) chỉ có một nửa nghị viên là được bầu trực tiếp, và các vị này lại bị thống lĩnh bởi các vị dân biểu thuộc các đảng phải chính trị. Sau những cải cách luật bầu cử dưới thời Putin thì loại nghị viên được bầu trực tiếp cũng chẳng còn. Đấy là một bước thụt lùi!

Solzhenitsyn: Vâng, tôi cho đấy là điều sai lầm. Tôi là người phê phán nhiệt thành và dứt khoát loại chủ nghĩa nghị viện chỉ thuần dựa trên đảng phái và là người ủng hộ loại hệ thống mà trong đó những người đại diện thực thụ của dân có thể được bầu độc lập với chuyện họ thuộc đảng phái nào. Chính họ là những người biết rõ trách nhiệm cá nhân của mình trên địa bàn họ được bầu, và họ có thể bị bãi nhiệm nếu làm việc không tốt. Tôi quan sát và tôn trọng những hội đoàn kinh tế, hiệp hội các hợp tác xã, các liên minh lãnh thổ, các tổ chức giáo dục và nghề nghiệp, nhưng tôi không thể nào hiểu được bản chất của các đảng phái chính trị. Một mối liên kết dựa trên những niềm tin chính trị không nhất thiết căn cơ và bền vững, và thường thì không phải là vô vụ lợi. Leo Trotsky đã nói đích xác trong thời gian vụ lật đổ tháng Mười: "Một đảng phải mà không lấy việc giành chính quyền làm mục tiêu thì chẳng có giá trị gì cả." Điều này có nghĩa là người ta chỉ mong muốn lợi lộc cho mình, trên cái giá phải trả của số dân chúng còn lại. Với một cuộc giành chính quyền bất bạo động thì cũng chẳng khác. Qua hành động bỏ phiếu biểu quyết cho những chương trình có tính nặc danh của đảng, thì người ta đã thay thế bằng việc ấy lối chọn lựa duy nhất đáng tin cậy những người đại diện dân: Chọn lựa một ứng cử viên với một cái tên cụ thể bởi một cử tri cũng có một danh xưng cụ thể. Tất cả ý nghĩa của việc "đại diện thực sự của nhân dân" là nằm ở đấy.

SPIEGEL: Những năm qua, nước Nga đã trở nên giàu có hơn nhờ dầu hỏa và khí đốt, một tầng lớp trung lưu đã hình thành. Tuy thế tương phản xã hội giữa kẻ giàu người nghèo đã trở nên cực lớn ở Nga. Người ta phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

Solzhenitsyn: Tôi cho rằng hố cách biệt giàu nghèo ở Nga hiện nay là một phát triển nguy hiểm mà nhà nước phải mau chóng tìm cách kiểm soát được. Mặc dù nhiều tài sản kếch xù như trong chuyện cổ tích đã được tạo ra bởi các cuộc ăn cướp thô bạo dưới thời Yeltsin, thì chuyện giải thể các tập đoàn lớn hẳn không phải là một giải pháp hợp lý nhất - nhất là khi hiện giờ những chủ nhân ông của các doanh nghiệp này đang thực sự cố gắng làm kinh tế có hiệu quả. Con đường đúng đắn nhất có lẽ là phải tạo cơ hội cho các doanh nghiêp nhỏ và vừa có cơ may tồn tại. Điều này cũng có nghĩa là một công dân - đồng thời cũng là chủ một doanh nghiệp bậc trung - phải được che chở trước nạn quan liêu tùy tiện và tham nhũng. Các tài sản thu được trong việc khai thác tài nguyên quốc gia phải được đưa vào việc phát triển kinh tế, giáo dục và y tế. Ngay ở điểm này chúng tôi cũng phải học để loại trừ được sự biển thủ và phí phạm công quỹ.

SPIEGEL: Nước Nga có cần một "ý tưởng quốc gia"? Người ta có thể hình dung nó như thế nào?

Solzhenitsyn: Khái niệm "ý tưởng quốc gia" không gắn liền với một nội dung có tính khoa học rõ ràng. Người ta có thể đồng ý rằng đấy là hình dung về một nếp sống nhất định mà số đông dân chúng trong nước khao khát. Đấy có thể là một điều hữu ích. Thế nhưng những thứ như thế không nên được nghĩ ra bởi những kẻ cầm quyền, và lại càng không nên để họ áp đặt bằng bạo lực vào đầu óc người dân. Những hình thức như thế đã từng diễn ra sau thế kỷ 18 ở Pháp, lúc thì ở Anh, rồi ở Mỹ, Đức và Ba Lan. Lúc cuộc tranh cãi về "ý tưởng quốc gia" được khơi ra một cách vội vã ở nước Nga hậu cộng sản, tôi đã tìm cách làm dịu nó lại - với lý do rằng sau nhiều tổn thất làm tiêu hao sức lực, chúng tôi nên chấp nhận một nhiệm vụ giản đơn cho một thời gian dài nữa: Đấy là việc cứu lấy tổ quốc đang trên đà đổ vỡ.

SPIEGEL: Tuy thế nước Nga vẫn thường hay có cảm giác bị bên ngoài bỏ rơi. Hiện nay chúng tôi ghi nhận một quan hệ không mấy hào hứng giữa Nga và phương Tây cũng như giữa Nga và châu Âu. Lý do nằm ở đâu? Phương Tây không thông hiểu nước Nga hiện tại ở điểm nào?

Solzhenitsyn: Thú vị nhất đối với tôi là những nguyên nhân tâm lý: cả ở Nga cũng như ở phương Tây người ta đều cảm thấy niềm hy vọng ấp ủ bấy lâu nay không được thỏa ứng trong thực tế. Lúc tôi quay trở về Nga vào năm 1994, tôi đã chứng kiến sự thần tượng hóa phương Tây và các mô hình nhà nước của nhiều nước khác nhau. Nhưng điều này không dựa vào những hiểu biết thực thụ hoặc là một chọn lựa có ý thức, mà đúng hơn đấy chỉ là một phản ứng khước từ tự nhiên thể chế Bolshevik và những tuyên truyền bài bác phương Tây của nó. Nhưng tình trạng này chợt thay đổi sau những cuộc dội bom thô bạo của NATO tại Serbia. Người ta đã không còn tin tưởng triệt để vào phương Tây, và tâm trạng này là phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội Nga. Thêm vào đấy là chuyện khối NATO tìm cách lôi kéo một số nước đã tách ra khỏi Liên Xô đi vào vùng ảnh hưởng của mình, trước hơn hết và cũng đặc biệt đau đớn là thí dụ Ukraine, một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với chúng tôi qua hàng triệu quan hệ gia tộc. Mối quan hệ này bỗng chốc bị cắt đứt bởi một thứ ranh giới liên minh quân sự.

Cho đến bấy giờ phương Tây vẫn được dân chúng ở Nga xem như là một "hiệp sĩ của nền dân chủ". Giờ đây chúng tôi phải thất vọng để nhận ra rằng đường lối chính trị phương Tây trước hơn hết bị dẫn dắt bởi tính thực dụng, và thường là đi kèm với tính vụ lợi và sự trâng tráo. Nhiều người Nga cảm thấy lý tưởng của họ bị sụp đổ. Phương Tây vui mừng vì cuộc Chiến tranh Lạnh nặng nề đã chấm dứt và quan sát trong nhiều năm trời trạng thái vô chính phủ ở một số vùng miền của Nga cũng như việc từ bỏ một số vị trí chiến lược dưới thời Gorbachev và Yeltsin.

Phương Tây nhanh chóng quen với việc nhìn nước Nga như là một nước của thế giới thứ ba và tin rằng nó sẽ mãi mãi ở vị trí này. Khi nước Nga bắt đầu mạnh trở dậy thì phương Tây phản ứng một cách hoảng sợ - có lẽ do ảnh hưởng của những nỗi sợ tiềm ẩn chưa vượt qua được.

SPIEGEL: Phương Tây bỗng cảm thấy bị ám ảnh bởi hình ảnh của một cường quốc Liên Xô cũ.

Solzhenitsyn: Một điều chẳng có lợi cho ai. Nhưng trước đấy phương Tây đã muốn tạo cho mình cái ảo tưởng - hay cứ làm như thể họ thực sự tin tưởng - rằng nước Nga đã trở thành một quốc gia dân chủ trẻ trung, mặc dù thực tế không phải như vậy. Nước Nga rõ ràng chưa phải là một nước dân chủ, nó chỉ mới bắt đầu xây dựng cho mình những trật tự dân chủ. Quả thật là điều chẳng khó khăn gì khi trình ra cho chúng tôi một danh mục dài những lầm lẫn, thiếu sót và vi phạm tiêu chuẩn đã xảy ra tại Nga. Thế nhưng trong cuộc chiến đấu được khởi đầu từ sau ngày 11 tháng 09 năm 2001 và hiện nay vẫn còn tiếp diễn, thì nước Nga đã biểu lộ sự sẵn sàng ủng hộ phương Tây của mình - một cách rõ ràng và không thể hiểu lầm. Thế nhưng phương Tây đã từ chối - chỉ vì một trạng thái tâm lý cố hữu nhất định hoặc do sự thiển cận không lành mạnh. Tại Afghanistan, Hoa Kỳ đã chấp nhận sự trợ giúp của chúng tôi nhưng đồng thời cũng cứ luôn đưa ra thêm nhiều yêu sách mới. Việc châu Âu không vừa ý với Nga dính dáng đến mối quan ngại của họ về vấn đề nguồn năng lượng thật ra là đáng ngờ và không có một cơ sở chính đáng.

Nhưng liệu phương Tây cứ có thể giữ mãi thái độ từ khước của mình trước những hiểm họa mới trên thế giới? Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Forbes vào tháng Tư năm 1994, tôi đã nói rằng: "Nếu người ta chịu nhìn xa vào tương lai, thì cũng có thể sẽ nhận ra một thời điểm mà Hoa Kỳ cùng với châu Âu sẽ cần nước Nga như một đối tác liên minh."

SPIEGEL: Ông đã đọc Goethe, Schiller, Heine bằng nguyên bản và luôn hy vọng nước Đức sẽ là một kiểu cầu nối giữa Nga và phần còn lại của thế giới. Ông có tỉn rằng hôm nay người Đức còn có thể đóng vai trò này hay không?

Solzhenitsyn: Tôi tin điều này. Nước Đức và nước Nga luôn cảm thấy có sự thu hút lẫn nhau, tôi nhìn ra ở đấy có một cái gì đó như là một kiểu duyên tiền định - nếu không thì mối quan hệ này đã chẳng thể nào tồn tại được sau hai cuộc chiến tranh thế giới điên rồ.

SPIEGEL: Nhà thơ hoặc triết gia Đức nào đã có ảnh hưởng mạnh nhất đến ông?

Solzhenitsyn: Schiller và Goethe đã để lại dấu ấn trong thời niên thiếu và thanh niên của tôi. Sau đó thì tôi bị lôi cuốn bởi Schelling. Nền âm nhạc vĩ đại Đức có một giá trị to lớn đối với tôi. Tôi không thể hình dung được cuộc sống của mình mà không có Bach, Beethoven và Schubert.

SPIEGEL: Ngược lại thì các nhà văn hiện nay của Nga rất ít được biết đến ở phương Tây. Ông đánh giá như thế nào vế hiện trạng văn chương Nga?

Solzhenitsyn: Những thời đại của các biến chuyển nhanh chóng và tận gốc rễ chưa bao giờ là những thời khắc thực sự tốt cho văn chương. Ở khắp mọi nơi, không phải chỉ những tác phẩm văn học lớn mà cả những tác phẩm có tầm quan trọng tương đối thường là được sáng tác trong những thời kỳ ổn định - bất kể ổn định theo nghĩa tích cực hay tiêu cực. Không phải là điều ngẫu nhiên khi quan tâm của người đọc Nga hiện giờ chủ yếu tập trung vào loại văn chương thực tế, người thật việc thật: hồi ký, tự truyện, văn tài liệu. Nhưng tôi tin rằng cái khuynh hướng chuộng công bằng và đạo đức như là nền tảng của văn học Nga sẽ không bị đánh mất và chúng sẽ giúp chúng tôi soi rọi tinh thần và đào sâu nhận thức.

SPIEGEL: Trong các tác phẩm của ông người ta thấy bàng bạc việc nền tín ngưỡng Chính thống giáo đã ảnh hưởng sâu đậm lên bản sắc Nga. Thẩm quyền đạo đức của Giáo hội Chính thống Nga đóng vai trò nào hiện nay? Chúng tôi có cảm giác dần dần nó lại trở thành như một quốc giáo - như nhiều thế kỷ trước đây - một Giáo hội có quyền công nhận tính chính đáng của những người cai trị ngồi trong điện Cẩm Linh.

Solzhenitsyn: Không phải thế, mà là ngược lại. Người ta phải lấy làm ngạc nhiên khi thấy Giáo hội này - kể từ lúc nó hoàn toàn bị khuất phục bởi nhà nước cộng sản - đã có thể xây dựng trở lại cái vị trí khá độc lập của nó trong những năm tháng ít ỏi vừa qua. Ta không được phép quên những tổn thất kinh hoàng mà Giáo hội Chính thống Nga đã phải gánh chịu trong suốt thế kỷ 20. Hiện nay Giáo hội đã dần dần hồi phục. Và nhà nước trẻ hậu Xô-viết đã bắt đầu biết tôn trọng Giáo hội như là một thực thể tự lực và độc lập. Trong Giáo hội Chính thống Nga, những đề thuyết xã hội được đề ra mạnh mẽ hơn là những chương trình của chính phủ. Trong thời gian vừa rồi, Đức Tổng Giám mục Kyrill - người thể hiện tư thế của Giáo hội rõ rệt nhất - đã đòi hỏi phải thay đổi hệ thống thuế khóa, và đòi hỏi này không đồng xu hướng với những dự tính của chính phủ. Ngài đã phát biểu công khai điều này trên các kênh truyền hình toàn quốc.

Khi nói về việc công nhận tính chính đáng của các người nắm quyền ở điện Cẩm Linh hẳn là các ông đã nghĩ đến chuyện người ta tổ chức lễ tang cầu nguyện cho Yeltsin trong nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moskva khi ông ấy qua đời - chứ không phải là một lễ tang dân sự?

SPIEGEL: Vâng, kể cả việc này.

Solzhenitsyn: Có thể đấy là khả năng duy nhất mà người ta có thể chọn để có thể kìm hãm được cơn giận dữ chưa nguôi của dân chúng lúc bấy giờ và tránh cho nó có cơ hội bộc phát nhân dịp tang lễ. Thế nhưng tôi không thấy một lý do nào để có thể bảo rằng rồi đây hình thức lễ tang Yeltsin cũng sẽ được áp dụng cho các tổng thống Nga khác.

Còn về chuyện quá khứ của đất nước chúng tôi, thì Giáo hội Chính thống Nga đã liên tục tổ chức những buổi cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân bị hành quyết bởi cộng sản - tại Butovo gần Moskva, tại khu đảo Solovetski và ở nhiều nơi khác, đấy là các địa điểm có mồ chôn người tập thể.

SPIEGEL: Vào năm 1987, trong một cuộc nói chuyện với Rudolf Augstein, sáng lập viên báo Der Spiegel của chúng tôi, ông đã có lưu ý rằng thật là khó khăn khi phải phát biểu công khai thái độ riêng tư của mình về tôn giáo. Tín ngưỡng có ý nghĩa nào đối với ông?

Solzhenitsyn: Đối với tôi thì tín ngưỡng là thuộc về những gì nền tảng và căn cơ nhất của đời sống con người.

SPIEGEL: Cái chết có làm cho ông sợ không?

Văn hào Solzhenitsyn tại phòng làm việc ở nhà riêng, ngoại ô Moskva
Solzhenitsyn: Không, đã từ lâu tôi không còn sợ cái chết nữa. Lúc còn trẻ, tôi cứ hay phải nghĩ đến chuyện bố tôi đã mất quá sớm ở cái tuổi 27. Tôi đã từng sợ phải lìa khỏi đời sống này trước khi mình có thể thực hiện được những kế hoạch văn chương. Thế nhưng trong khoảng thời gian giữa tuổi 30 và 40 dần dà tôi đã có được cái tâm thế bình thản trước cái chết. Đối với tôi, đấy là một cột mốc tự nhiên, nhưng nó hoàn toàn không phải là cái mốc để chỉ rằng sự hiện hữu của một cá thể đã chấm dứt.

SPIEGEL: Dầu gì thì chúng tôi cũng xin chúc ông có thêm nhiều năm tháng sáng tạo dồi dào nữa.

Solzhenitsyn: Không, không nhất thiết phải thế đâu. Như vậy là cũng đủ rồi.

SPIEGEL: Aleksandr Isayevich, xin cám ơn ông đã cho chúng tôi có được cuộc trò chuyện này.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Der Spiegel số 30 - Tháng 07 năm 2007 - ("Mit Blut geschrieben" - trang 96-102)