Vừa rồi, chúng tôi mới được đọc hai bài viết trên talawas các ngày 28.8 và 29.8 về cái tít sách
Utopia - Địa đàng trần gian do NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam xuất bản, trong đó
giáo sư Cao Xuân Hạo chê cái tiểu đề
Địa đàng trần gian là "không dung thứ được", "không thể nào chấp nhận được" và
dịch giả Trịnh Lữ, ngoài việc nhất trí là cái tít kia "không thể chấp nhận được" còn chê cái cái bìa sách là "rẻ", thiết kế "thiếu chuyên nghiệp", rồi "cửa quyền trong biên tập"... Chưa hết, trên báo
Lao Động liên tiếp trong các số 244 ngày 4.9 và số 249 ngày 10.9.2006, giáo sư Cao Xuân Hạo tiếp tục viết bài nói cái tiểu đề trên là "một lỗi quái đản", và là một "lỗi kếch xù" trong công tác biên tập... Với ngần ấy ý kiến, chê bai và bài bác, liên quan đến nhiều người trong NXB Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam, chúng tôi đành viết bài này, với cái tít mượn từ một tít phim, để nói lại cho rõ sự việc.
I. Về bài viết của giáo sư Cao Xuân Hạo
Toàn bộ
bài viết của giáo sư Cao Xuân Hạo chỉ gói gọn lại trong một điểm là theo ông cái tiểu đề
Địa đàng trần gian là "không dung thứ được" bởi vì nó bị trùng ngữ, vì "hai chữ
trần gian đã hoàn toàn rõ nghĩa trong chữ
địa (đối lập với
thiên) rồi". Vì, theo lời ông, nói "địa đàng trần gian" thì chẳng khác nào nói "ánh nắng mặt trời", "bóng Nguyệt của chị Hằng"... - là những lỗi khó tưởng tượng nổi ở một người có tư duy bình thường. Cho nên, theo ông, "dù có dễ tính đến mấy", bốn cái chữ kia "cũng không thể nào chấp nhận được".
Đại ý bài của giáo sư Cao Xuân Hạo là như vậy. Còn lại, việc ông trình bày chữ Hy Lạp, hay mào đầu về bản dịch tác phẩm của Thomas More mà ông chỉ mới thấy tít nhưng chưa được đọc nhưng vẫn phải viết bài, hoặc gợi ý cách dịch lại tít sách, hoặc nói rằng ông đã tra và nhờ tra từ điển, hoặc giải thích về cách đọc trại
địa đàng,
địa đường... chỉ là câu chuyện ngoài lề, trong đó có nhiều chi tiết chúng tôi cho là không chính xác, như:
- Ông nói đã "tra và nhờ tra nhiều cuốn tự điển và từ điển... mà không thấy ở đâu có địa đàng hay địa đường cả". Chúng tôi không hiểu ông "đã tra" và "nhờ tra" như thế nào, nhưng trừ cái từ địa đường mà ông nghĩ ra thì chắc là khó tìm thật, còn địa đàng thì trừ phi ông cực kỳ quan liêu, hoặc người ông "nhờ tra" không tận tâm, chứ chúng tôi thấy những từ điển sau đây từ điển nào mà chẳng có nhắc đến địa đàng: Dictionarium Latino-Anamiticum, J.L. Taberd, (Marshman, 1838, tr. 224); Dictionarium Latino- Annamiticum, M.H. Ravier (Ninh Phú, 1880, tr. 834); Petit Dictionnaire Français-Annamite, Trương Vĩnh Ký (Imprimerie de la mission à Tân Định, 1884, tr. 883); Dictionnaire Franco-Tonkinois, P.G Vallot, (Hanoi, Schneider, 1898, tr. 257); Dictionnaire Annamite-Français, Génibrel, (Imprimerie de la mission à Tân Định, 1898, tr. 212); Dictionnaire Annamite-Français, Victor Barbier (IDEO, 1922, tr. 196); Dictionnaire Annamite-Chinois-Français, Gustave Hue (Imprimerie Trung Hòa, 1936, tr. 264); Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Français, E. Gouin (IDEO, 1952, tr. 417); Việt Pháp từ điển, Đào Đăng Vỹ (Khai Trí, 1964, tr. 296)...
|
Có rất nhiều cuốn từ điển đề cập đến khái niệm "địa đàng"... |
- Điều giáo sư Cao Xuân Hạo nói "địa đàng thì không thấy có ai đọc thành địa đường cả, vì nghe địa đường sẽ có nhiều người không hiểu là cái gì hết", theo chúng tôi là không chính xác. Địa đàng không thấy có ai đọc thành địa đường bởi vì dân gian họ đã không nói như thế, chứ có phải vì lý do nghe địa đường thì sẽ có nhiều người không hiểu nên dân gian họ mới không nói như vậy đâu? Bởi vì nếu mà dân gian họ đã quyết nói như thế, thì bất kể ai có hiểu hay không hiểu việc đó vẫn cứ xảy ra. Điều ông lý giải nói trên, theo chúng tôi, không hề có quan hệ nhân-quả.
- Tiếp theo, ông nói rằng "cách đọc nhất quán hầu như bắt buộc ấy cho thấy rằng chữ đàng trong địa đàng sở dĩ vẫn hiểu được như một khu vườn "cực lạc" là do nó đã lây nhiễm ý nghĩa của chữ thiên đàng - một hiện tượng khá phổ biến trong ngôn ngữ học lịch sử, mà nguồn gốc chủ yếu là sự ngộ nhận của những người ít học [...] Vậy thì địa đàng được một số người Việt (trong đó có dịch giả) hiểu là cõi cực lạc ở trần gian." Theo ý ông, chữ đàng trong địa đàng (là chữ được "người Việt bày ra để dịch chữ Eden", theo lời ông) không liên can gì đến chữ thiên đàng cả, mà chủ yếu là do nhiều người, vì ít học, nên mới bị lây nhiễm đàng đàng gì đó, thành ra cứ tưởng đàng này (địa đàng) là có ý của đàng kia (thiên đàng)... Theo chúng tôi, ông sai nhiều ở đây. Vì trong thực tế, căn cứ vào các từ điển chúng tôi tra, các bậc tiền bối của chúng ta đã dùng cái từ địa đàng hoặc vườn địa đàng để dịch thuật ngữ paradis terrestre/ paradisus terrestris, hoặc chỉ paradis/paradisus thôi. Do đó, cái đàng trong địa đàng với đàng trong thiên đàng, thì đều xuất phát từ paradis (tiếng Pháp), hay paradisus (tiếng La-tinh) tức là thiên đàng, vườn cực lạc, vườn diệu quang, và cả địa đàng nữa. Và do đó, đàng này nó có họ với đàng kia thật, ở chính từ thiên đàng, chứ không phải đơn giản là một số ít dân gian họ đã bị lây nhiễm từ cái vườn Eden. Dù Eden cũng chính là vườn địa đàng. Và ở đây, theo suy luận của ông, thì cái người bày đặt dịch Eden thành "vườn địa đàng" cũng là bị lây nhiễm nốt.
Trở lại với chính điểm trùng ngữ
Địa đàng trần gian của giáo sư Cao Xuân Hạo.
Địa đàng (hoặc
vườn địa đàng) trong hầu hết các từ điển cái, quan trọng, được liệt kê nói trên đều tương đương với khái niệm
Paradisus hoặc
paradisus terrestris trong tiếng La-tinh, và với
Paradis hoặc
Paradis terrestre, trong tiếng Pháp, tức là đều trỏ rõ là
thiên đàng. Điều này là hiển nhiên, khi trong cuốn từ điển phổ thông
Le Petit Larousse Illustré 2005 trong mục từ
Paradis còn chua rõ: "
Paradis terreste ou paradis: jardin de délices où Dieu plaça Adam et Eve, dans la Gènese" (tr. 784). Tình hình cũng tương tự như vậy với cuốn
Dictionnaire de la langue française, ấn bản 2003, của Émile Littré: "
Le paradis terrestre, ou, simplement, le paradis, jardin où Dieu mit Adam dès qu'il l'eut créé" (tr. 4447). Như vậy, nếu chúng tôi không lầm,
địa đàng hoặc
vườn địa đàng chính là thuật ngữ Việt được đặt ra để dịch
Paradis/paradisus và
Paradis terrestre/ paradisus terrestris, chỉ một chốn thiên đường nơi Adam và Eva từng có mặt, cũng chính là vườn Eden. Và là
địa chính là lối dịch chữ-đối-chữ của
terrestris/terrestre, chứ
địa đã không còn hoàn toàn là đối lập với
thiên như là trong Hán ngữ nữa như giáo sư Cao Xuân Hạo nhận định. Vì thế nói là
địa đàng/vườn địa đàng không phải là nói một cái thiên đàng ở dưới đất như ý ông ngụ (nơi những người ít học); mà nó hướng đến một chốn thiên đàng (đã mất) của con người...
Sự tương đương giữa
paradis và
paradis terrestre (sang tiếng Việt tức
thiên đàng và
địa đàng) này cũng được chứng tỏ rất rõ trong cuốn
Dictionnaire Annamite-Français, (Imprimerie de la mission à Tân Định, 1898) - cuốn từ điển Việt-Pháp lẫy lừng của Génibrel. Trong đó, theo Génibrel,
địa đàng chính là
paradis, chứ học giả này không băn khoăn với yếu tố đất đai
terrestre hay
địa gì hết. Vì vậy, theo chúng tôi, kể cả căn cứ nghiêm ngặt vào thuật ngữ, thì dịch là
Địa đàng trần gian cũng không có sai quấy gì về mặt khoa học, vì thực sự yếu tố
địa trong
địa đàng, nó không hiện hữu hoàn hảo, không sống động thật sự, mà phần nhiều chỉ là một cái vỏ từ mà thôi. Cho nên khi
địa đàng kết hợp với
trần gian [1] , theo chúng tôi, sẽ không xảy ra hiện tượng trùng ngữ lặp nghĩa khủng khiếp đến mức "không thể dung thứ được" nào cả.
Ngoài ra, theo chúng tôi, thực tế cho thấy
địa đàng lâu nay đã được hiểu và dùng theo nghĩa
thiên đàng khá nhiều, văn liệu đủ
[2] . Đó là chưa kể,
địa và
trần gian không phải là không thể bổ sung cho nhau được, vì chúng xuất xứ khác nhau. Và nếu ai đó vẫn băn khoăn quá về yếu tố đất đai của chữ
địa đàng, thì chúng tôi xin gợi ý rằng chỉ nên coi đó là một sự điệp nghĩa mà thôi; hoặc là một trùng nghĩa giả, quá tinh tế để để ý.
Vả lại, theo chúng tôi, bất kỳ ai cũng có thể nói: "Đây thật là một chốn địa đàng trên dương thế/cõi trần/dương gian/trần gian này!" mà không ngại bị trùng ý lặp nghĩa gì cả. Đây là một câu hết sức bình thường đối với tục thức (conscience ordinaire). Do đó, tục thức của chúng tôi cũng thấy rằng
địa đàng trần gian là một ngữ hoàn toàn chấp nhận được. Trong văn liệu, có vô số những ví dụ về sự trùng lắp khá rõ rệt mà chắc chắn là không phải chỉ có riêng chúng tôi thấy hoàn toàn mãn ý khi đọc chúng:
Thí dụ, trong
Nho giáo, phần "Lễ ký" nói về đức Khổng Tử, khi sắp mất, Ngài tự thán với học trò là Tử Cống, ông Trần Trọng Kim đã dịch: "Núi Thái Sơn có lẽ đổ chăng? Cây lương mộc có lẽ nát chăng?
Người Triết nhân có lẽ nguy chăng?" (tr. 28, bản in của Trung tâm học liệu, Sài Gòn cũ, 1971). Cũng đoạn này, trong
Sử ký, phần "Khổng Tử thế gia", dịch giả Phan Ngọc đã dịch: "Núi Thái Sơn sắp đổ, cột trụ nhà sắp gãy,
kẻ triết nhân sắp tàn" (tr. 249, Văn Học, 1988); hay như câu thơ "
Bất thình lình bỗng trong bàn mất vui" (
Nhị Độ Mai)... Theo chúng tôi, trường hợp ông Trần Trọng Kim dịch là "
Người Triết nhân" thậm chí còn có nét nghĩa tự cảm thương, khiến người ta thêm xúc động... Tuy nhiên, may mà ông Trần Trọng Kim không sống trong thời này, cái thời của ông người ta trứ tác và dịch thuật hẳn là còn tự do và thuần phác hơn rất nhiều, còn thời này, khi mà tiếng Việt đã có những gác-đuy-co (garde du corps) như thế này rồi, thì chẳng có gì đảm bảo là ông sẽ tránh được nạn búa rìu.
Nhưng chúng tôi cũng băn khoăn tự hỏi đời sống của một ngôn ngữ thực sự là thế nào, là được sống và phát triển bởi dân gian, bởi đại đa số, đôi khi bất chấp cả từ nguyên và ngữ pháp, hay là được giới hạn bởi những cuốn từ điển của nhà ngôn ngữ học? Và vì thế khi tivi nói "sai", đài nói "sai", báo chí viết "sai", học sinh viết "sai", và mọi người cứ đồng lòng "sai"... thì rút cục nhà ngôn ngữ học có công nhận hay cập nhật hay đặt thêm phích cho từ cho ngữ hay không, hay là vẫn nghiến răng phẫn nộ?
Trở lại với câu chuyện, theo chúng tôi, việc đặt tít sách, đứng từ quan niệm xuất bản, đôi khi người ta có thể đặt một tên khác đi hoàn toàn, với mục đích để cuốn sách có được sự tiếp cận tốt nhất đối với độc giả của nó, chứ không phải bám sát vào cái đầu đề để dịch. Nhà văn Pháp gốc Hoa Đới Tư Kiệt mà Nhã Nam đã xuất bản cuốn
Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, khi sang Việt Nam, có kể cho chúng tôi nghe trường hợp cuốn
Complexe de Di (tạm dịch là
Mặc cảm của Di) được giải Femina năm 2003 của ông khi xuất bản bằng tiếng Anh đã có một cái tên khác hẳn là
Mr Muo's Travelling Couch, chẳng liên quan gì đến mặc cảm hay phức cảm gì cả vì nhà xuất bản họ không muốn độc giả có ấn tượng rằng đây là một cuốn sách thiên về phân tâm học.
Vì thế, trừ phi cái tít đặt sai tiếng Việt, còn lại thì nó do nhà xuất bản quyết định, và trong nhiều trường hợp, khi nó không vừa ý một ai đó, thì cũng phải chịu, vì nhà xuất bản có những lý do riêng của họ.
II. Về bài viết của dịch giả Trịnh Lữ
Nội dung chính
bài viết của dịch giả Trịnh Lữ, chúng tôi đã trao đổi ít nhất cũng đã vài lần với ông (chúng tôi cũng đã báo trước cho ông về cái tít sách
Utopia - Địa đàng trần gian rồi). Nay chúng tôi xin nói lại một lần nữa cho rõ ràng.
- Chúng tôi đã trao đổi nhiều lần với ông rồi, và vì lần này chính dịch giả đã viết bài hẳn hoi, nên chúng tôi xin nhận lỗi với dịch giả về việc sơ suất không thông báo chính thức với ông việc đổi tên cái tít phụ cuốn Utopia - Địa đàng trần gian được cấp phép xuất bản tại NXB Hội Nhà văn.
- Ngược lại với ý của ông, chúng tôi không cho rằng cái đầu đề Địa đàng trần gian là "không thể chấp nhận được". Với chúng tôi, Địa đàng trần gian là một cái tít bình thường, dù đây chỉ là cái tít đầu tiên để đăng ký xin giấy phép xuất bản cuốn sách, và về sau thì không thay đổi nữa, bởi các NXB Việt Nam rất ngại thay đổi tít sách vì sợ bị hiểu lầm là sách "đội mũ", xin cuốn này để thực chất là in cuốn kia [3] ... Theo ý kiến của chúng tôi, cái tên Địa đàng trần gian liên hệ với xứ Utopia - vương quốc lý tưởng của Thomas More hơn là Nhân gian ảo mộng của dịch giả. Nhân gian ảo mộng chỉ là suy diễn chủ quan của cá nhân dịch giả, chứ nó ít ý nghĩa khách quan hơn, do đó theo ý chúng tôi sẽ có nhiều nguy cơ khó được độc giả chấp nhận hơn so với Địa đàng trần gian. Vả lại, theo chúng tôi, Nhân gian ảo mộng còn có cảm giác hơi bị "sến".
- Về thiết kế bìa, chúng tôi không mắc phải lỗi là đặt dịch giả Trịnh Lữ vẽ bìa sau đó không dùng mà không thông báo với ông. Về cuốn này, khi dịch giả đưa bản thảo thì ông cũng đưa luôn cái bìa tự thiết kế. Nhưng thật sự lúc đó thì chúng tôi đã có bìa của chúng tôi rồi, và bìa sách là thứ do nhà xuất bản quyết định. Tuy nhiên, do suy nghĩ đơn giản là dịch giả đã mất công làm bìa, nên chúng tôi sử dụng trong trang bìa giả (tr. 3) của cuốn sách, chẳng ngờ là lại khiến dịch giả phật ý hơn... Với chúng tôi, bìa của dịch giả với cái gọi là impossible objects đó, dù gì thì gì, vẫn là khô cứng, dễ khiến người ta tưởng là giáo trình hình học... Còn cái bìa mà chúng tôi chọn sử dụng, thì có thể với dịch giả là không hay, là "rẻ", là "du kí trẻ con"... thì với chúng tôi nó cũng hấp dẫn hơn, vì nó vẽ trực tiếp cái xứ sở lạ lẫm kia, với bảng hiệu "Utopia" khá vui tươi... Tóm lại, trong trường hợp này, dù dịch giả có không thích, chúng tôi cũng phải chấp nhận.
Sau khi đã nêu những ý kiến của mình, dịch giả ở phần kết có nói tới cái gọi là "tình trạng cửa quyền trong biên tập và thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế sách ở ta". Chúng tôi không biết ông muốn ám chỉ tới đơn vị làm xuất bản nào. Nhưng với tất cả những kiến giải mà chúng tôi đã trình bày ở trên, chúng tôi cũng xin khẳng định Nhã Nam chưa bao giờ đi theo con đường đó. Kể cả trong thiết kế lẫn trong biên tập. Ngoài ra, kể cả với sách ở nơi mà xuất bản đã đạt đến một trình độ rất cao là châu Âu, chúng tôi vẫn gặp lỗi biên tập, lỗi chính tả. Không có cuốn sách hoàn hảo. Sách ở Việt Nam cũng vậy. Vấn đề là mức độ cho phép có đủ để làm cơ sở kết luận về chất lượng của một xuất bản phẩm hay không. Vậy nên cần nhất ở đây là một cái nhìn tổng thể. Chúng tôi tin rằng ai có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhà xuất bản sẽ hiểu điều này.
Xuất bản là một công việc cần một sự hợp tác tập thể, chặt chẽ... Với câu chuyện xung quanh một cái tít sách này, chúng tôi cũng mong rằng chúng tôi sẽ rút được kinh nghiệm một cách sâu sắc.
Hà Nội ngày 11.9.2006
© 2006 talawas
[1]Trần gian là một từ Hán Việt "xịn": trần: bụi; gian: trong khoảng; chỉ cõi nhân gian/trần thế/thế gian/thế giới. Theo Theurel trong
Dictionarium Anamitico-Latinum (Ninh Phú, 1877), thì
trần gian hay
trần thế chính là
mundus (tr. 490). Còn với
Dictionnaire Annamite Français 1898 của Génibrel thì
trần gian là
le monde (tr. 875)
... Mundus và
monde đều là hai từ chỉ thế giới, thế gian, hay là cõi nhân gian của con người, chứ không có yếu tố nào liên quan đến đất đai như
terrestre/terrestris cả.
[2]Thí dụ, xin hãy tìm kiếm bằng từ khoá "
địa đàng" trên Google.
[3]Cho đến nay, một số cuốn sách của Nhã Nam vẫn bị tình trạng này, khi xin phép xuất bản, có khi chỉ là một cái tên tạm dịch, nhưng đã được Cục Xuất bản cấp phép rồi, thì một số NXB không muốn thay đổi nữa... Còn nếu không, thì lại phải đăng ký xin lại, rất mất thời gian, trước đây thì gần như không thể, vì có một số cuốn sách, kể cả mấy cuốn dịch giả Trịnh Lữ dịch như
Cuộc đời của Pi,
Con nhân mã ở trong vườn, mất hơn một năm trong việc xin giấy phép và biên tập.