Bản dịch cuốn sách bestseller
Mật mã Da Vinci (tác giả Dan Brown) của dịch giả Đỗ Thu Hà, Nxb Văn hóa Thông tin 2005, là một thảm họa dịch thuật.
Cầm cuốn sách từng bán chạy trên 40 quốc gia, tôi khấp khởi chờ đợi niềm vui được thưởng thức một tác phẩm bậc thầy, dĩ nhiên là trong loại của nó. Tôi không chờ đợi một loạt những cảm xúc tiêu cực nối tiếp nhau, cảm xúc sau mạnh mẽ và tiêu cực hơn cảm xúc trước, sẽ dâng lên trong tôi.
Tôi đã đi từ ngỡ ngàng, thất vọng, đến kinh hoàng, phẫn nộ. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn một pha trong chuỗi cảm xúc ấy: nỗi kinh hoàng.
Sự kém cỏi về ngôn ngữ, sự kém hiểu biết về văn hóa, tôn giáo, lịch sử..., sự cẩu thả, lười biếng của người dịch, cách làm việc tắc trách, chụp giựt, vô sỉ của những ai đã cho ra cuốn sách này khiến tôi kinh hoàng.
Tìm ra một lỗi từ nho nhỏ cho tới trầm trọng trong bản dịch này là rất dễ. Tìm cho ra một trang hoàn toàn sạch (nghĩa là không có lỗi nào) là việc khó hơn nhiều, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và kỳ công.
Các lỗi này có thể chia làm ít nhất bốn loại (dĩ nhiên là theo cách phân loại riêng, hoàn toàn mang tính chủ quan và kinh nghiệm của tôi):
- Sai vì kém tiếng Anh ở cấp sơ đẳng;
- Sai vì kém tiếng Việt ở cấp sơ đẳng;
- Sai vì kém kiến thức tôn giáo, lịch sử, văn hóa...;
- Bỏ hẳn nhiều đoạn.
Như đã nói, liệt kê ra cho hết các lỗi trong bản dịch này là một việc quá sức. Tôi chỉ truy một số lỗi theo lối “kiểm tra ngẫu nhiên” (random check), nghĩa là lật ra một số đoạn, một số trang bất kỳ, rồi “soi” tất cả các lỗi trong đó. Và, như đã nói, việc này rất dễ, vì lỗi rất nhiều, nói một cách hình tượng thì “quờ tay một cái là đầy một vốc”.
Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin nêu làm ví dụ lần lượt cho từng loại lỗi khác nhau.
1. Sai vì kém tiếng Anh ở cấp sơ đẳng
“Men seeking spiritual wholeness came to the Temple to visit priestesses – or hierodules –
with whom they made love” (
The Da Vinci Code, chương 74, trang 411)
được dịch thành:
“... người đàn ông tìm kiếm sự trọn vẹn về tinh thần đến Đền thờ để viếng thăm những
thầy tư tế hoặc
người hầu trong đền
cùng với người mà họ yêu...” (
Mật mã Da Vinci, trang 373)
Một học sinh phổ thông khá tiếng Anh cũng có thể dịch
with whom they made love trong câu này là:
để làm tình với họ, tức làm tình với các
priestesses hoặc
hierodules. Nhưng khi
priestesses và
hierodules (giống cái) được dịch thành
thầy tư tế và
người hầu thì người đọc tiếng Việt không biết họ là phụ nữ, mà nhiều phần coi họ là đàn ông. Phải chăng vì không thể để đàn ông làm tình với đàn ông nên dịch giả bẻ thành
cùng những người họ yêu chăng?
Dịch giả đã nghĩ gì khi dịch như vậy? Hay là chẳng nghĩ gì? Hay dịch giả làm vậy là xuất phát từ một quan niệm riêng về dịch - chẳng hạn phỏng dịch, không nệ vào bản gốc? Có thể vậy chăng? Nếu vậy, dịch giả cần phải làm rõ; cần phải đối thoại.
Lại nữa:
“The London Philharmonic in 1855” (
The Da Vinci Code, chương 95, trang 511)
được dịch thành:
... “London
nhạc giao hưởng năm 1885... (
Mật mã Da Vinci, trang 458)
Philharmonic là Nhạc giao hưởng ư?
Và đây nữa:
“... the book of Jeremiah - the king of Sheshach, the city of Sheshach, the people of Sheshach” (chương 77, trang 422,
The Da Vinci Code)
được dịch thành:
“cuốn sách của Tememiah (sic) - vị vua của Sheshach, thành phố
của Sheshach...” (bỏ mất ý “people of Sheshach”) (trang 383,
Mật mã Da Vinci).
Cũng theo một “phương pháp” đó, đoạn dưới, “the city of Babel” được dịch thành “thành phố
của Babel”. Cứ theo đó thì Sheshach và Babel là những
nhân vật lịch sử, và các nhân vật này từng sở hữu một thành phố. Và, từ đó suy ra, “tower of Babel” là “tháp của
ông Babel”. Đúng không nhỉ? Bạn đọc có thể tìm đâu ra sử liệu về việc này không?
2. Sai vì kém tiếng Việt ở cấp sơ đẳng, hoặc gọi cho đúng tên là coi thường tiếng Việt
Riêng về loại này, tôi cho rằng chỉ cần một ví dụ sau là đủ:
“He laughed. ‘Vous n’êtes pas Américaine?’
Sophie shook her head. ‘Parisienne’”. (
The Da Vinci Code, chương 54, trang 307, tiếng Pháp trong nguyên bản).
được dịch thành:
“Ông ta mỉm cười, ‘Cô đến từ nước Mĩ phải không?’
Sophie lắc đầu. ‘Từ Paris’”. (
Mật mã Da Vinci, trang 275).
Bạn hãy đọc kỹ lại mẩu thoại tiếng Việt trên đây.
Phải chăng tiếng Việt không thể nói “Cô là người Mỹ phải không?”
Phải chăng đó không phải là cách nói của một người Việt bình thường, ngôn ngữ chưa bị ảnh hưởng lối nói kệch cỡm của truyền thông đại chúng?
Phải chăng nói như vậy không đúng ngữ pháp bằng, không tự nhiên, không chuẩn tắc, không “thuần Việt” bằng “Cô đến từ nước Mĩ phải không?”
Phải chăng câu tiếng Pháp “Vous n’êtes pas Américaine” không phải là “Cô có phải người Mĩ không”, “Cô là người Mỹ à?”, dịch sát nghĩa?
Phải chăng, Sophie (cùng với Robert Langdon và Leigh Teabing) đang ngồi tại Paris, nhưng Sophie cần phải trả lời “(Đến) từ Paris” thì mới hợp lẽ? Cô ta từ Paris đến Paris?
Phải chăng “Parisienne” không thể và không nên dịch ra tiếng Việt “(Tôi là) dân Paris”?
Tùy bạn đọc phán xét.
3. Sai vì kém kiến thức tôn giáo, lịch sử, văn hóa...
“... And virtually all the elements of the Catholic ritual – the mitre, the altar, the doxology and
communion, the act of
god-eating – were taken directly from earlier pagan mystery religions” (
The Da Vinci Code, chương 55, trang 314);
“Và dần dần tất cả các yếu tố trong các nghi lễ của Ky tô giáo như mũ tế, bàn thờ chính, bài thánh ca,
cách cư xử cũng như
nghệ thuật chọn đồ ăn cho Chúa, cũng đều được rút ra từ những nghi lễ huyền bí của những người dị giáo ấy”. (
Mật mã Da Vinci, tr. 282);
Trong một đoạn văn ngắn gồm 3 dòng (cả tiếng Anh và tiếng Việt) này, có không dưới ba lỗi, càng về sau càng trầm trọng. Các lỗi này thuộc ít nhất ba trong các loại lỗi trên: lỗi vì kém tiếng Anh, lỗi vì kém hiểu biết – hay lười tìm hiểu - về tôn giáo, và lỗi coi thường tiếng Việt, không quan tâm đến việc tìm cách diễn đạt chính xác, súc tích, trong sáng và tự nhiên nhất, trong tiếng Việt.
God-eating = nghệ thuật chọn đồ ăn cho Chúa. Dịch giả tìm đâu ra khái niệm này vậy?
Tôi tạm dịch lại đoạn trên, những chỗ khác biệt được in đậm; tùy bạn đọc (rất nhiều bạn giỏi tiếng Anh và tiếng Việt và/hoặc thông hiểu Ki tô giáo hơn tôi) so sánh và tự rút ra kết luận:
“Và
hầu như mọi yếu tố trong nghi lễ Kytô giáo như mũ tế, ban thờ,
tụng ca Thiên Chúa và
lễ ban thánh thể, cũng như
nghi thức rước Mình Thánh Chúa (mở ngoặc: người ngoại đạo gọi nôm na là
“ăn bánh Thánh”) đều bắt nguồn trực tiếp từ các nghi lễ
bí nhiệm dị giáo có từ trước đó”.
Tiếp tục:
“... the Church accused the
Templars of secretly performing rituals in which they prayed to a carved stone head...” (
The Da Vinci Code, chương 76, trang 419)
được dịch thành:
“giáo hội đã kết tội
nhà thờ vì đã bí mật tiến hành nghi lễ cầu nguyện trước một cái đầu đá được đẽo...” (
Mật mã Da Vinci, tr. 380)
Templars là “Nhà thờ” ru? “Giáo hội kết tội nhà thờ”? “Giáo hội” và “nhà thờ” là hai thực thể khác nhau và cái này có quyền kết tội cái kia? Có phải “Templars” ở đây chẳng liên quan gì đến “Knights Templar” ở một đoạn ngay trước đó mà bản tiếng Việt đã dịch là “Hiệp sĩ Thánh chiến”?
Để tăng thêm sự hoang mang, đọc tiếp đoạn dưới, ta thấy:
“...
Đền thờ tôn vinh Baphomet bằng cách đi vòng quanh mô hình cái đầu bằng đá của ông ta và hát kinh cầu nguyện”. (
Mật mã Da Vinci, trang 381)
nguyên văn:
“
The Templars honoured Baphomet by encircling a stone replica of his head and chanting prayers”. (
The Da Vinci Code, chương 76, trang 419)
Vậy ra Templars vừa có nghĩa là “nhà thờ” (church) vừa có nghĩa là “đền thờ” (temple) và các nhà thờ/đền thờ này có khả năng đi lại (“đi vòng quanh”) và ca hát (“hát kinh”) như những con người? Thật bí hiểm.
Và đây nữa:
“... the Temple Church survived eight centuries of political turmoil,
the Great Fire of London..” (
The Da Vinci Code, chương 83, trang 453)
được dịch thành:
“nhà thờ (sic) đã tồn tại qua tám thế kỷ hỗn loạn về chính trị,
cuộc khởi nghĩa Ngọn lửa vĩ đại ở London...” (
Mật mã Da Vinci, trang 409)
Chà, từng có một cuộc khởi nghĩa như vậy à? Nếu vậy thì cuộc Đại Hỏa hoạn năm 1666 tại London mà sử sách gọi là “The Great Fire of London” là một sự kiện khác trùng tên chăng? Nếu đúng vậy, tôi chân thành mong được dịch giả chỉ giáo.
4. Bỏ hẳn nhiều đoạn
Vâng; không hiểu vì lý do gì, dịch giả và/hoặc ban biên tập bỏ hẳn nhiều đoạn trong nguyên tác. Đơn cử, một đoạn dài của chương 80 bản gốc
The Da Vinci Code, từ “(Teabing glanced at his servant, ‘I’m going to have you stay on board) until we return...” (trang 434) cho đến ‘Either that,‘ Sophie said, ‘or he is too deep into this to admit his error” (435) đã bị lược bỏ hẳn trong bản tiếng Việt. Trong đoạn này có một tình tiết gay cấn ảnh hưởng đến diễn biến tiếp theo của câu chuyện: viên phi công lái chuyên cơ chở các nhân vật chính nhận được chỉ thị từ sân bay trên mặt đất tại London rằng, vì lý do kỹ thuật, máy bay không được hạ cánh ở nhà chứa máy bay riêng mà phải đáp thẳng xuống bãi đậu.
Người đọc bản tiếng Việt không khỏi cảm thấy có cái gì đó “thiêu thiếu” ở đây. Có phải dịch giả và/hoặc người biên tập cho rằng ở chỗ này tác giả đã viết một đoạn thừa thãi, không cần thiết, không đáng mặt nhà văn bestseller, và đã giúp ông hoàn thiện văn bản bằng cách lược bỏ? Nhà xuất bản có những dịch giả và/hoặc biên tập viên tầm cỡ quốc tế như vậy sao? Cứ cho là vậy, thì khi cắt bỏ nguyên tác, nhà xuất bản có trao đổi và xin phép tác giả không? Độc giả có quyền được biết điều đó.
Tôi không đơn độc
Chắc chắn tôi không phải là người duy nhất không thể im lặng trước sự tồi tệ đến không thể chấp nhận của bản dịch
Mật mã Da Vinci. Tôi đã nhận được thư của một người bạn với những nhận xét như sau mà tôi không có cách nào khác hơn là đồng ý:
“Cuốn sách chắc được dịch tập thể cho nhanh và rẻ, nhiều danh từ được dịch mỗi chỗ một kiểu, tỷ như The Priory of Sion: đầu tiên được dịch là "Tu viện của những người Do Thái", lúc sau "Hội Tu Viện", lúc khác lại "Tu viện Sion" hoặc "Hội tu viện Sion". Các lỗi kiểu này đầy rẫy trong sách. Ngoài ra những câu ngớ ngẩn như "một cơ thể hồng hào và dạ con được mang thai" hoặc những từ buồn cười như kiểu "đường nối siêu tốc" (hyperlink), "từ CHÌA khoá" (keyword) - chương 92, "Ngài MONSIEUR Saunière" hay "hai cây CPU" (two tower CPUs), "ấn phanh" (foot off the break), "chiếc chìa khoá bằng vàng hoạt động nhờ tia laze" (the gold laser-pocked key - trang 208, "hầu tước máy" (robotic knight) - trang 504... thì nhiều vô kể, cốt người đọc có đủ khiếu hài hước để đọc hết cuốn sách hay không mà thôi”.
Lời cuối
Đặng Thị Huệ, biên tập viên Nxb Văn hóa Thông tin, cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn yên tâm về bản dịch của chị Đỗ Thu Hà" (
eVăn, thứ tư 5/10/2005). Bà Huệ có thể “hoàn toàn yên tâm”; tôi thì không; hoàn toàn không. Rất nhiều độc giả thì không. Tác giả lại càng không, nếu ông đọc được tiếng Việt. Đó là điều chắc chắn.
Cái danh hiệu Tiến sĩ ngôn ngữ học của bà Đỗ Thu Hà - dịch giả - tuyệt đối không không cần thiết cho độc giả. Nó chỉ cần cho người làm sách, như một thứ bảo chứng mà họ cần. Nhưng, một khi bản dịch dứt khoát là một bản dịch tồi, mọi sự bảo chứng là vô dụng và vô giá trị.
Từ những điều nói trên, có thể rút ra ba kết luận sau đây, rõ ràng, dứt khoát, đơn nghĩa:
- Bản dịch đã được thực hiện bởi một (hay một nhóm?) dịch giả mà đặc trưng xuyên suốt là kém năng lực, thiếu hiểu biết, cẩu thả, lười biếng, vô trách nhiệm, thiếu tự trọng.
- Bản dịch đã hoàn toàn không được biên tập, hay đã được “biên tập” sơ sịa, qua quít, lấy lệ.
- Lý do hết sức đơn giản: tung sách ra càng nhanh càng tốt, để thu tiền càng sớm càng tốt.
Điều đó cho thấy, các nhà xuất bản của chúng ta có thể đã bắt đầu biết chơi đúng luật quốc tế (xin bản quyền) nhưng vẫn không thể nào nuốt trôi bài học về cách làm ăn của quốc tế, cách làm ăn chuyên nghiệp, hoàn thiện sản phẩm đến từng câu chữ.
Những bản dịch như vậy phải bị ngăn chặn và loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống văn học. Và, cùng với nó, cung cách của một số kẻ làm sách - quấy quá, chụp giật, chỉ biết có doanh thu, bất chấp công luận, bất chấp danh dự, cung cách đó phải bị loại trừ khỏi đời sống văn học.
Đó là một mong muốn lành mạnh, chính đáng, nhưng liệu có ngây thơ? Tôi thành thật không tin rằng sau khi đọc bài viết này, Nxb Văn hóa Thông tin (và những người làm sách tương tự) sẽ suy ngẫm lại và thay đổi triệt để cách làm của mình, theo hướng tôn trọng độc giả, tôn trọng tác giả, và tôn trọng bản thân, với tư cách những kẻ làm văn hóa. Ngược lại, tôi tin rằng điều duy nhất họ quan tâm là bài viết này - thật mỉa mai - có khi lại là một món tiếp thị vô tình và không công, để bạn đọc càng quan tâm hơn - và mua nhiều hơn - cuốn sách của họ.
Tuy nhiên, vạn nhất nếu có thể trông mong vào một chút tính hướng thiện và lòng tự trọng còn lại ở họ, thì việc đầu tiên họ cần làm, dứt khoát phải làm, ngay bây giờ, là xin lỗi độc giả, xin lỗi tác giả, hủy bỏ lập tức bản dịch đã có, tổ chức dịch lại, với những dịch giả có năng lực, có tâm huyết, và có tự trọng.
Nếu họ không làm vậy, nếu họ không muốn làm vậy, nếu họ cho rằng không nhất thiết phải làm vậy, nếu họ cho rằng có những việc khác quan trọng hơn làm một việc như vậy, ấy là họ mặc nhiên tự định nghĩa mình là những kẻ làm sách bất lương.
Thói bất lương đang lan tràn và được coi là bình thường trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: y tế,
giáo dục, xây dựng, thể thao, công quyền... Văn hóa, lẽ ra là thành trì cuối cùng của phẩm giá tinh
thần, cũng đang bị thao túng và xói mòn bởi thói bất lương.
Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn.
Không nghi ngờ gì nữa,
Mật mã Da Vinci là một thảm họa dịch thuật. Và nếu chúng ta không làm gì
để ngăn chặn những thảm họa dịch thuật kế tiếp, nếu chúng ta vẫn tiếp tục xuê xoa, cười xòa, cho
qua, coi đó là chuyện thường tình ở xứ sở này, nếu chúng ta mất khả năng nghĩ đến việc lớp hậu sinh
sẽ nhìn chúng ta như thế nào qua việc chúng ta làm, đó sẽ là thảm họa dân tộc.
Chúng ta đã để xảy ra một thảm họa dịch thuật. Còn thảm họa dân tộc - sự mất khả năng xấu hổ, mất khả năng nhìn thẳng vào thực trạng của văn hóa, và hành động dứt khoát để thay đổi nó -, liệu chúng ta có muốn ngăn chặn và làm tất cả những gì cần làm để ngăn chặn không?
© 2005 talawas