trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
14.3.2006
Phong Uyên
Đổi mới - bảo thủ: bên tám lạng, bên nửa cân
 
Càng đến gần ngày khai mạc Đại Hội X tôi càng phân vân: thứ nhất, việc lấy ý kiến nhân dân về bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội là thành thật hay vẫn chỉ là thủ đoạn khoa trương tuyên truyền như mọi lần trước?; thứ hai, thật trong Đảng có hai phái bảo thủ và đổi mới không, và phái nào sẽ nắm ưu thế, hay bên tám lạng bên nửa cân (cân ta 16 lạng)?

Có người cho rằng lấy ý kiến nhân dân chỉ để dàn cảnh: ta có câu "Nói một đường làm một nẻo". Với Đảng, có thể đổi lại "nói một đường ý một nẻo". Đọc bản Dự thảo, câu nào cũng rất đẹp khó mà "chê". Nhưng "ý" thì chỉ nằm trong một vài cụm từ, như “xã hội chủ nghĩa” hay "Đảng lãnh đạo" (điều 4 Hiến pháp) và "ý Đảng" phải được học tập và tán đồng chứ không được quyền phê phán. Như vậy, hỏi ý kiến dân cũng bằng thừa. Nếu Đảng thật sự muốn biết ý dân, chỉ cần hỏi dân có nên bỏ hay giữ điều 4 Hiến pháp là đủ.

Cũng có những nhận xét ngược lại là bản Dự thảo, trái với ý đồ của Đảng, đã biến thành một diễn đàn cho xu hướng đổi mới, được phát tán bởi những phương tiện truyền thông toàn cầu như Internet, đài RFA, đài BBC, v.v... Những ý nghĩ có tính cách phê phán, bài bác của các bậc lão thành cách mạng, những nhân vật cao cấp đã ở trong chính quyền hay thân cận chính quyền như GS. Trần Văn Hà thuộc Mặt trận Tổ quốc, cựu đại sứ Nguyễn Trung, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, v.v…, và của những nhân vật ly khai hay chống đối có tiếng tăm, của công luận quốc tế, chính kiến của Việt kiều... đã đẩy phái bảo thủ mà đại diện là Ban Tư tưởng Văn hoá vào thế thụ động, phải bảo vệ nội dung của bản Dự thảo và không thể tiếp tục dùng nó để dàn cảnh đại hội như mọi lần trước được.

Có hay không hai phe bảo thủ, đổi mới? Có thể nói, tới nay đó chỉ là hai xu hướng. Cũng vì phạm vi chỉ thu hẹp trong Bộ Chính trị nên ranh giới giữa hai xu hướng vẫn còn chưa rõ ràng, tùy thuộc sự trao đi đổi lại giữa các nhân vật trong Bộ Chính trị như từ trước tới nay. Tuy vậy, dưới sự đòi hỏi bức thiết của xã hội và kinh tế, cần phải có biện pháp cấp thời chống tham nhũng và một chút ít dân chủ và pháp quyền, cũng như vấn đề trong nội bộ Đảng phải chia định chức quyền phe này, phe kia trong Bộ Chính trị tương lai, nên đã có rất nhiều triệu chứng là từ nay tới Đại hội X sẽ hình thành một cách rõ ràng hơn hai phe: Bảo thủ và đổi mới.

Về thành phần mỗi phe:

Theo sự nhận định của tôi, phe bảo thủ gồm có những thành phần sau đây: Ban Tư tưởng - Văn hóa, Khoa giáo, Bộ Chính trị, các tướng lãnh chỉ huy quân đội, công an, và các tập đoàn kinh doanh của quân đội, công an, hải quan, biên phòng, các Bí thư tỉnh ủy.

Hậu thuẫn cho họ là những thế lực ngầm nằm trong kinh tế quốc doanh, hợp doanh, tập đoàn, và cả một hệ thống hành chính, công an từ phường, xã trở lên.

Những nhân vật cột trụ phần nhiều cùng một thế hệ mà tôi gọi là thế hệ 54 tiếp thu Hà Nội, tuổi chừng 70-75, trưởng thành sau thời kháng chiến chống Pháp nên không có thành tích kháng chiến. "Sự nghiệp" chỉ bắt đầu từ chính sách tố khổ cải cách ruộng đất, diệt tư sản thành thị, đàn áp trí thức trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm, thực thi chính sách tập trung bao cấp, cải tạo, học tập sau 75 giải phóng miền Nam...

Phe đổi mới gồm những thành phần trí thức, những nhà kinh doanh, và trong số có chức quyền thì phần nhiều là trẻ hơn phe bảo thủ, có học, đa số người miền Nam, con em cán bộ tập kết hay nằm vùng, trưởng thành và hoạt động khoảng năm 60-65 khi phát động giải phóng miền Nam, khoảng tuổi 60-65, còn liên hệ với người miền Nam trước đây, có lối sống, tư duy cởi mở hơn về chính trị cũng như về kinh tế.

Những điểm tương đồng của hai phe:

Về tư duy và lý tưởng, không có gì khắc biệt cả: cả hai phe đều không có và cũng chả cần tư duy, lý tưởng gì cả, đúng như La Thành đã phân tích trên talawas về sự nghèo đói về tư duy của Đảng. Nhưng phe bảo thủ luôn luôn khẳng định trung thành với những giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và nấp sau chúng như một thứ bình phong để trù dập những ai có tư duy khác.

Về cơ cấu chính trị, hai phe vẫn muốn duy trì chế độ độc đảng nắm quyền.

Những điểm khác biệt:

Qua những bài góp ý kiến về bản Dự thảo của GS. Trần Văn Hà, Nguyễn Trung, TS. Lê Đăng Doanh, những nhân vật mà tôi cho là tiêu biểu một phần nào xu hướng đổi mới, có thể hình dung những điểm khác biệt giữa hai phe như sau:

Trong những văn kiện về chủ nghĩa, về cương lĩnh Đảng, phe đổi mới có thể giới hạn hay loại bỏ những cụm từ mà Ban Tư tưởng - Văn hóa đã "gài" vào để bắt phải coi như là những nguyên lý không được phản bác và phải tuân theo cái lý luận một chiều cuả Đảng. Thí dụ: khái niệm dân chủ không cần phải móc cái đuôi “vô sản , kinh tế không cần cái đuôi “định hướng XHCN.

Về hệ thống quyền hành, phe đổi mới sẽ một phần nào theo ý người dân mà tách bỏ lần lần chế độ toàn trị, cho Quốc hội một vị trí độc lập hơn về lập pháp và giám sát, cũng như thay đổi thể thức bầu cử, ứng cử để đi đến nhiều thành phần trong Quốc hội. Về tư pháp, cũng tạo điều kiện cho nó thoát khỏi vòng cương toả của Đảng, điều kiện cần thiết để chống tham nhũng. Về hành chính, cho phép người dân lựa chọn qua bầu cử, ít nhất cũng phải ở cấp phường, xã để tránh nạn cường hào và đặt chương trình đào tạo một tầng lớp công chức hành chính độc lập với quyền hành chính trị.

Lẽ tất nhiên là giới văn nghệ sĩ, trí thức được phổ biến những học thuyết kinh tế, chính trị khác chủ nghĩa Marx. Báo chí, truyền thông, thoát khỏi vòng cương toả của Ban Tư tưởng - Văn hóa, Khoa giáo. Tính cách bắt buộc phải học, phải thi những bộ môn chính trị cấp đại học được giảm đi một phần nào.

Tóm lại, cũng như đổi mới kinh tế cách đây 20 năm, chỉ là lập lại nền kinh tế đa phần đã có từ trước, đổi mới chính trị qui hẹp ở những điều kể trên cũng chỉ là giành lại những đòi hỏi tối thiểu mà ngay người dân miền Nam ngày trước cũng đã ít nhiều tranh thủ được, cũng như ít nhất là công dân của hơn một nửa trong số 198 nước trên toàn cầu hưởng được.

Lý do sự chống đối của phe bảo thủ:

Theo những tin tức nhận được gần đây thì phe bảo thủ đang dùng Ban Tư tưởng - Văn hoá và công an để ngăn chặn phổ biến những đòi hỏi kể trên, tuy những đòi hỏi đó không có khả năng làm lung lay chế độ được. Lý do của sự phản ứng đó chỉ nằm trong một chữ "Bảo vệ quyền lợi". Phải hiểu quyền trong chế độ toàn trị quan trọng gấp bội quyền trong chế độ độc tài vì dính liền với lợi. Chế độ độc tài cần quyền để có lợi, chế độ tư bản cần lợi để lũng đoạn quyền, chế độ toàn trị là có cả hai = tư bản + độc tài. Có thể nói quyền lợilẽ sống của cả một hệ thống trong chế độ đi từ chú công an khu vực đến chóp bu. Hai mươi năm đổi mới kinh tế đã làm Đảng mất nguồn lợi nằm trong chế độ tập trung bao cấp, Đảng lấy lại được một phần nhờ cấu kết với gian thương để ăn của nhũng lạm. Nếu phải chia sẻ quyền, phái bảo thủ sẽ mất cái nguồn lợi khổng lồ đó.

Những biện pháp đang thực thi có tính cách đàn áp của phe bảo thủ:

Ban Tư Tưởng - Văn hóa Trung ương chỉ là một thứ công an tư tưởng: kiểm soát trí thức, chọn lọc, qui định, loại bỏ sinh viên, cán bộ các cấp các ngành. Để đạt mục đích đó, gần đây Ban Tư Tưởng - Văn hóa Trung ương đã bắt Bộ Giáo dục Đào tạo, các Học viện, phải tăng cường học và thi những bộ môn chính trị khiến số giờ học những bộ môn đó chiếm 1/3 chương trình đại cương ở đại học.

Theo lệnh của Ban Tư tưởng Văn hoá, các cơ quan truyền thông phải khẩn trương tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin và nhất là tán dương tinh thần Mácxít, coi Đảng là hậu duệ của chủ nghĩa Marx chính thống dù bất cứ một người thức giả nào cũng biết đó là chủ nghĩa giả tạo. Mục đích của phe bảo thủ là dùng danh hiệu chủ nghĩa Marx để áp đảo giới trí thức, văn nghệ: những ai bài bác Marx là đụng tới Bác, Đảng.

Ông Nguyễn Đức Bình, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa, Khoa giáo, trong bài góp ý bản Dự thảo, khẳng định những điều bất di bất dịch trong tư duy của Đảng, và nhất là cấm phê phán chủ nghĩa Marx, đồng thời bác bỏ đề nghị cho phép đảng viên kinh doanh, không phải vì ông muốn giữ bản chất thuần túy vô sản của Đảng mà thật ra chỉ không muốn phải chia quyền chia lợi với thành phần kinh doanh mà phe đổi mới nếu chiếm được ưu thế sẽ kết nạp vô Đảng, như ở Trung Quốc với lý thuyết ba đại diện của Giang Trạch Dân. Ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ chính trị, nhân vật có tiếng trong phe bảo thủ, phái cán bộ đi dự các buổi hội thảo về bản Dự thảo với mục đích khống chế những ý kiến khác với dự thảo.

Huy động công an hăm doạ, trấn áp những phần tử chống đối và tăng cường khắc nghiệt lao tù với những người đang ở trong tù, như bác sĩ Phạm Hồng Sơn; bắt dằn mặt Hoà thượng Quảng Độ, và mới có tin tức khắc bắt lại Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn trong một quán Internet ngày 27.2.06.

Cả từ một năm rưỡi nay đã phổ biến bản báo cáo của Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương trong các đơn vị quân đội, phóng đại âm mưu diễn biến hoà bình, rằng Mỹ đang tăng cường sử dụng bọn cấp tiến phản động xét lại, đánh phá Đảng và quân đội, tập trung phá hoại Đại hội X. Như vậy là ai có ý kiến khác bản Dự thảo đều bị qui là thuộc những thành phần phản động trên, và quân đội đã được cảnh giác nếu cần sẽ thẳng tay triệt hạ những phần tử đó ngay trong quân đội.

Những phản ứng của phe đổi mới:

Ban Tư tưởng - Văn hoá, công an, quân đội là ba cơ chế thể hiện của quyền hành, đều nằm trong tay phe bảo thủ. Phe đổi mới chỉ có một vũ khí duy nhất là đòi thực hiện điều lệ ngăn những người đã quá 65 tuổi không được ứng cử vào Bộ Chính trị nữa. Như vậy là loại được một phần thế hệ 54 tiếp thu Hà Nội, dành một ít chức quyền cho thế hệ 75 giải phóng miền Nam.

Cũng phải kể là phe đổi mới có một hậu thuẫn tinh thần rất lớn và mỗi ngày mỗi tăng trưởng ở mọi tầng lớp nhân dân. Việt kiều cũng có thể tin cậy mà về đầu tư kinh doanh. Đồng thời có đổi mới chính trị để đi tới tam quyền phân lập mới chống được tham nhũng, mới phát huy được tiềm năng phát triển kinh tế và khả năng hội nhập nhanh chóng với các nước Đông Nam Á. Cũng đừng quên áp lực của Mỹ qua triển vọng được gia nhập WTO và sự mặc cả với Mỹ cho chuyến thăm Việt Nam tháng 11 này của Bush, cũng như áp lực mỗi ngày một mạnh của các Tổ chức Nhân quyền Mỹ và quốc tế.

Để kết luận, có thể bây giờ còn bên tám lạng, bên nửa cân, nhưng chắc chỉ một thời gian rất ngắn cán cân sẽ nghiêng về bên đổi mới. Tuy vậy, trong tương lai gần, không thể thành hình một lực lượng chính trị nào có thể đưa tới một chế độ dân chủ như ở Âu Tây được. Sẽ vẫn là Đảng nắm chính quyền, nhưng tên Đảng có thể đổi như đã đổi nhiều lần rồi. Ý kiến rất xác đáng của ông Trần Văn Hà là lấy lại quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, tái lập lại Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội hay nhập hai đảng vào với nhau. Như vậy là trung thành với tư tưởng của Bác Hồ, phái bảo thủ không thể bắt bẻ được. Có người còn cho ý kiến là lấy lại cờ giải phóng miền Nam để tỏ lòng ưu ái với những người kháng chiến miền Nam và cũng để khỏi trùng với cờ Tàu. Một Đảng cầm quyền nhưng sẽ biến chuyển lần lần để đi đến đa nguyên trong Quốc hội với sự thành hình của một, hai đảng (tùy sự lựa chọn thể thức bầu cử), tuy không đủ đa số để nắm quyền nhưng giữ được vai trò giám sát, phê bình chỉ trích đảng cầm quyền với sự hỗ trợ của báo chí, ngôn luận. Lẽ tất nhiên là lập pháp, hành pháp phải được biệt lập. Đó là mô hình tiến triển của các nước chung quanh, như Nhật sau Thế chiến thứ hai, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ... Và Việt Nam cũng sẽ phải hội nhập vào để thoát khỏi tư duy, quỹ đạo và mô hình Trung Quốc mà cả ngàn năm, mang tiếng là độc lập nhưng các triều đại vẫn không thoát khỏi.


© 2006 talawas