trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
6.10.2005
La Thành
Sự nghèo đói tự cưỡng bức của tư tưởng chính trị ở Việt Nam
3 kì
 1   2 
 
Phần I – Những nhà cai trị bần hàn


Nên nhớ rằng, ở đâu có sự tập trung quyền hành vào tay một thiểu số, ở đó – hoàn toàn thường xuyên – những kẻ có tâm tính găng-xtơ sẽ thâu tóm quyền kiểm soát. Lịch sử đã chứng thực điều này. Mọi quyền lực đều suy đồi; quyền lực tuyệt đối sẽ suy đồi tuyệt đối. [1]
John Emerich Edward Dalberg Acton [2]



Ba bài toán nan giải

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, cuộc sống đời thường có hàng trăm, hàng ngàn biểu hiện độc đáo mà chắc hẳn sẽ khiến công dân ở nhiều quốc gia khác trên thế giới phải lấy làm lạ lẫm. Một đồng nghiệp trong nước vừa gửi thư cho tôi, nói rằng từ nửa năm nay, khắp nơi người ta chỉ làm việc cầm chừng, để chờ… Đại hội Mười. Sự kiện chính trị này còn sáu, bảy tháng nữa mới diễn ra, nhưng nó đã và đang chi phối sinh hoạt của toàn xã hội trên nhiều phương diện. Ở các đảng bộ, người ta đang lo sơ kết, tổng kết, tổ chức các đại hội lần lượt từ cấp cơ sở trở lên. Một bộ phận cán bộ đảng viên thì lo tranh đấu trong các vòng bầu bán để mong lọt vào danh sách đại biểu đi dự đại hội cấp trên, nhắm tới những mục tiêu khác nhau: để được quyền phát biểu hoặc tham luận, để được can dự vào những quyết định chính sự và nhân sự ở cấp cao hơn, hoặc chỉ đơn giản là để chứng tỏ một bản năng sinh tồn… Ở cấp trung ương, bộ máy nhà-nước—đảng đang hoạt động ráo riết; mọi gắng gượng đang được dồn vào việc tìm đáp án cho ba bài toán nan giải nhất: xác định nhân sự cho các vị trí lãnh đạo, giải toả các mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đảng, và hoạch định đường lối chính trị.

Về nhân sự lãnh đạo, một quốc gia có kích thước nhân khẩu trên tám mươi triệu người, với một di sản tuềnh toàng, một vốn liếng thê thảm trong mọi phạm trù cần thiết cho tiến bộ và phát triển, hẳn đang khẩn thiết trông mong (ít nhất một) nhà lãnh đạo có được những phẩm chất: có uy tín lớn bởi nhân cách, biết đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên sự hiển đạt của bản thân mình và gia đình mình; có tri thức, minh mẫn, có óc thực tế song đồng thời cũng có viễn kiến và hoài bão; quả đoán và can đảm, biết khơi dậy trong nhân dân ý thức quốc gia và dân tộc đang cạn kiệt, trả lại cho xã hội Việt Nam niềm tin vào những giá trị tốt đẹp đã bị đánh cắp. Tuy nhiên, bài toán nhân sự với cách hiểu hoàn toàn cổ điển như vậy dường như không thể có lời giải trong nội bộ bộ phận trung ương hiện nay của đảng cầm quyền. Dễ dàng hình dung rằng guồng máy tổ chức của đảng toàn trị sẽ lại giở ra cuốn vở cũ, đánh tráo bài toán nhân sự cho quốc gia bằng một bài toán nhỏ mọn hơn nhiều: nhân sự cho sự tồn vong của đảng cộng sản. Và thế là bây giờ, câu chuyện nhân sự lãnh đạo đảng trở thành một câu hỏi multichoice lúc nào cũng đã sẵn sàng vài dăm cái đáp án gần giống nhau, và theo thông lệ lâu nay, đáp án được chọn chung cuộc sẽ là một cái tên gần như vô danh đối với tuyệt đại bộ phận dân chúng và hoàn toàn vô danh đối với thế giới bên ngoài, một thứ bù nhìn nhợt nhạt, một kiểu nhân cách hoạn quan – vô cảm cả với tiếng rên xiết thống khổ của kẻ cùng đinh, cả với tiếng reo hí hưởng lạc của đám quý tộc. Và đảng sẽ lại tiếp tục sống, thách thức lương tri của cả thế giới và cười nhạo lên liêm sỉ của quốc gia.

Từ ngày ra đời cách nay ba phần tư thế kỷ – được biết là trên một sân bóng ở nước ngoài, với các đại biểu phải giả vờ vào sân dự khán trận đấu để họp mặt [3] –, lịch sử tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn là lịch sử của những cuộc tương tranh khi âm thầm, lúc khốc liệt giữa các nhân vật lãnh đạo và/hoặc giữa các phân bộ của đảng. Mặc cho trong suốt nửa thế kỷ đảng cầm quyền, các sử quan của chế độ đã ra sức nhào nặn lại những sự kiện và thời biểu, hàng loạt những cứ liệu và nhân chứng đã chỉ ra rằng, ít nhất là trong mười năm đầu hoạt động của đảng, Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là nhân vật số một; chỉ từ sau sự thảm bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, kéo theo một loạt tổn thất về nhân sự cao cấp của đảng, ông mới bắt đầu thâu tóm được vai trò mà sau này đã đưa ông lên địa vị lãnh tụ tối cao [4] : một kết cuộc nhờ bởi cả sự già dặn chính trường lẫn may mắn số phận. Nhưng ông cũng chỉ thực sự sắp đặt chính sự của đảng được khoảng hai mươi năm. Từ sau Đại hội Ba cho đến Đại hội Sáu, một thời đoạn cũng chừng hai chục năm dư, chiếc loa đạo diễn sân khấu chính trị của đảng lần lượt lọt vào tay Lê Duẩn, rồi Lê Đức Thọ, để rồi từ sau Đại hội Sáu đến nay, lại hai mươi năm nữa, những kẻ hết ra thủ vai diễn xuất lại đứng sau rèm nhiếp chính là cặp bài trùng Lê Đức Anh – Đỗ Mười… Có thể nói, nếu con đường vinh thăng của đảng đi qua những cuộc chiến tranh đẫm máu thì con đường vinh thăng của các nhà lãnh đạo đảng đi qua những vụ án nội bộ đẫm nước mắt và cũng không ít máu, nhiều khi. Với tổng kết này, người ta sẽ không ngạc nhiên lắm nữa trước một series án tích đã ồn ã từ gần hai năm nay, chủ yếu trên không gian ảo. Những vở diễn trên sân khấu vẫn như cũ, khác chăng chỉ là một số diễn viên mới vào vai cùng một vài tiểu tiết trong kịch bản mà thôi. Song không ngạc nhiên không có nghĩa là vô cảm. Người ta cảm thấy chua chát cho một vị tướng lừng danh nhưng đã cam chịu làm nạn nhân của thói đố kỵ cho hai thế hệ lãnh đạo đảng. Nhưng trên hết và hơn cả, người ta phải đau xót và căm giận trước cảnh rường mối quốc gia bị giày xéo, bị báng bổ bởi những trò hề hạ cấp của một tên cai phu đồn điền ô trọc câu kết với một gã vô sản lưu manh mạt hạng để triệt loại đối thủ chính trị và soán đoạt quyền bính.

Trên một Web site Việt ở hải ngoại có một thăm dò ý kiến [5] , câu hỏi là “Bạn nghĩ thế nào về kết cuộc của vụ án Tổng-cục-Hai—Tê-Bốn?”. Ba kết cuộc được dự kiến: (vụ án) “sẽ được giải quyết nội bộ”, “sẽ được giải quyết theo luật pháp” và “sẽ đưa đến khủng hoảng lãnh đạo”. Đa số đã bỏ thăm cho kết cuộc thứ ba. Tuy nhiên, ở đây đã xuất hiện vấn đề về lô-gích: thứ nhất, trong nội hàm của kết cuộc thứ ba không bao hàm ý nghĩa “hướng giải quyết vụ án” như hai kết cuộc đầu; và thứ hai, quan trọng hơn, kết cuộc này không hề loại trừ hai kết cuộc đầu, bởi nó có thể là (trên thực tế, đang là) kết cuộc của nhiều nhân tố khác, ngay cả khi một trong hai kết cuộc đầu đã diễn ra. Thực ra, những người bỏ thăm cho kết cuộc này đã tự động hiểu khác đi: đây là kết cuộc mà vụ án “sẽ không được giải quyết” hoặc “sẽ bị cho chìm tàu”. Thật là xác đáng! Phải như vậy mới phù hợp với tập quán giải quyết những nhiệm vụ tư pháp ở Việt Nam. Chẳng cần giải quyết gì cả, và sẽ chẳng có ai làm gì nhau hết. Hơn một năm về trước, sự vụ quả có làm tăng nhiệt độ tí ti một số Web site tiếng Việt ở hải ngoại, nhưng giờ thì cũng nguội rồi. Vả lại, trong tám mươi hai triệu người Việt ở quốc nội, sáu mươi mốt triệu nông dân chưa từng và cũng còn khuya mới biết cầm chuột lướt Web. Ba phần tư của hăm mốt triệu thị dân còn lại cũng đồng đẳng với nhà nông về văn hoá Web. Con số phần tư còn lại, trừ đi quá nửa chỉ vào Internet để chatdownload phim ảnh, nhạc số cùng software miễn phí, hỏi có mấy ai đủ nhiệt huyết và không ngần ngại trước những nhiêu khê của kỹ thuật vượt tường lửa để lưu tâm đến vụ án tởm lợm kia? Những kẻ phạm pháp, kẻ thì đã hạ cánh lên đệm nhung, kẻ thì đã nhận thêm sao trên lon tướng, quan thầy của chúng thì vẫn tiếp tục kiểm soát gần một nửa số uỷ viên Bộ chính trị của đảng trong khi nửa còn lại thì hèn đớn và bất lực. Còn dân chúng ư? Đằng nào thì niềm tin vào sự quang minh chính đại của chế độ cũng đã mất cắp từ lâu lắm rồi.

Những tranh cãi về đường lối chính trị trong nội bộ đảng đương quyền cũng đầy bế tắc. Bài toán đặt ra là làm sao đẩy nhanh tốc độ phát triển nhưng vẫn duy trì được quyền thống trị của đảng, chính xác hơn là quyền lực toàn trị của “bộ phận đã được lựa chọn” của nó. Đây là một bài toán không được thiết lập đúng đắn bởi nó không có lời giải từ những dữ kiện hiện nay và yêu cầu đặt ra. Để duy trì chế độ toàn trị, đảng phải tiếp tục đề cao chủ nghĩa Marx-Lenin và “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một bộ công cụ lý thuyết và huyền thoại biện hộ cho tính chính đáng của chế độ. Nhưng để phát triển nhanh chóng và ổn định, đảng lại không thể không thay đổi triệt để học thuyết kinh tế, thay đổi cơ chế tuyển chọn và sử dụng nhân lực, thay đổi cơ cấu tổ chức hệ thống công quyền, thay đổi nền luật pháp, thay đổi những yếu tố phản phát triển trong văn hoá và giáo dục, v. v…, tóm lại là phải thay đổi hệ thống chính trị.

Đam mê quyền lực toàn trị như một con nghiện đam mê chất trắng, tập đoàn thống trị trong đảng cộng sản không thể tự từ bỏ những khái niệm, mệnh đề và huyền thoại nhạt nhàm đang tàn huỷ quốc gia, dân tộc, tàn huỷ cơ đồ của chính nó. Không phải sự nghèo túng vật chất, mà chính sự u tối tinh thần mới là nguyên nhân của thói nghiện ngập. Mặc cho những tự huênh hoang muôn thuở về tài ba “sáng tạo” của đảng toàn trị đang rệu rã này, hồ sơ lịch sử về đường lối chính trị của nó đã chỉ ra rằng: tài cán duy nhất của các ban lãnh đạo của nó qua các thời kỳ chỉ là tài bắt chước và sao chép.


Đường lối chính trị: sự sao chép không mệt mỏi!

Hội nghị 12 của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản họp hồi tháng Bảy đã kết thúc trong sự ngao ngán của nhiều người, kể cả đảng viên cộng sản lẫn người dân bình thường. Người ta ngao ngán bởi sự nghèo nàn về lượng thông tin và sự cũ kỹ của hệ thuật ngữ trong các văn kiện vừa được thông qua, điều đã làm cụt hứng khá nhiều kỳ vọng và đồn đoán trước đó về một sự thay đổi – những kỳ vọng không xuất phát từ sự ngây thơ, mà xuất phát từ những tâm nguyện đã bức bách từ lâu. Tuy nhiên, người viết bài này lại nhìn thấy đằng sau sự nhàm tẻ kia nhiều thông tin hơn người ta tưởng.

Trước hết, cần khẳng định lại rằng đảng cộng sản Việt Nam cùng với các nhà lãnh đạo của nó chưa bao giờ là tác giả bản quyền xịn của một luận đề tư tưởng nào. Trong suốt lịch sử tồn tại của đảng này cho đến gần đây, mọi văn kiện chính thức truyền thông đường lối chính trị cũng như những biểu hiện thực tiễn của nó đều là sự copycopy một cách cơ giới và giáo điều, một cách mê mải và sùng tín – các luận điểm xta-lin-nít đã được khúc xạ thêm một lần qua lăng kính của chủ nghĩa Mao. Có một dạo, sau năm bảy lăm, cố tổng bí thư Lê Duẩn từng ngất ngư tâm đắc với học thuyết “xây dựng chế độ làm chủ tập thể”, xem như một biến dị local của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam mà ông tự nhận mình là tác giả. Nhưng ngay sau đó, người ta nhanh chóng nhận ra rằng tư tưởng làm chủ tập thể chỉ là một khảo dị của tư tưởng chủ thể (juche) của nhà lãnh đạo Bắc Cao-ly Kim Il Sung, một phiên bản của Stalin ở Đông Á. Những thay đổi chậm chạp và nửa vời trong vòng hai thập niên gần đây ở Việt Nam cũng không hơn gì một sự copy. Và để có cái mẫu mà copy, đảng cộng sản Việt Nam phải luôn luôn duy trì vị trí là con trâu chậm nhất trong đàn trâu các đảng cộng sản. Đổi mới chỉ là một synonym của perestroykagăigé (“cải-cứa”, âm quan thoại của cải cách), nhưng là một synonym có nội hàm rộng hơn, nên nó ngu ngơ và nhập nhằng hơn hai thuật ngữ đàn anh kia của nó ở Liên Xô cũ và Trung Hoa; nó được sử dụng để làm lu mờ đi một trong những chủ đề nhạy cảm nhất nằm trong nội hàm của nó là cải cách chính trị. Theo dõi sự tiếp cận trong thời gian của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam với những khái niệm này, người ta thấy đó là một quá trình tiếp thu hoàn toàn cưỡng bức, phi tự giác.

Perestroyka được Mikhail Gorbachev khởi xướng năm 1985, nhưng những ý tưởng đầu tiên của nó đã được đề xuất dưới thời Nikita Khrushchev vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, sau khi Stalin chết. Những năm 60 này, đảng cộng sản Việt Nam về hùa với nước Tầu của họ Mao, phê phán Liên Xô đi theo đường lối xét lại, chủ trương thi đua hoà bình với chủ nghĩa tư bản. Sau cái chết của Mao năm 1976, Đặng Tiểu Bình và các cộng sự đã mau chóng tuyên bố chính sách mở cửa với thế giới – thực chất là mở cửa với phương Tây –, thực thi chủ trương bốn hiện đại hoá [6] Trung Quốc. Những địa khu kinh tế đặc biệt ở nước này đã được thành lập ngay từ năm 1979 [7] . Thời gian này, cho đến 1986, những mâu thuẫn với các nhà lãnh đạo Trung cộng và với lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot do Bắc Kinh kiểm soát, biểu hiện qua những xung đột biên giới ở phía tây nam và phía bắc, đã đẩy ban lãnh đạo Việt Nam sang hẳn hàng ngũ khối Liên Xô – Đông Âu, lúc đó đang chìm đắm trở lại vào chủ nghĩa bảo thủ dưới gậy chỉ huy của Leonid Brezhnev và Mikhail Suslov, sau cú nửa đường đứt gánh của Khrushchev vào năm 1964. Sau khi nộp đơn xin gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế và được trao quy chế thành viên chính thức (năm 1978) của định chế này – một định chế sẽ đi vào lịch sử sau đó 13 năm –, Việt Nam quay sang dè bỉu những nỗ lực cải cách của Trung Quốc; các phương tiện truyền thông của Việt Nam đã từng chính thức tuyên bố Trung Quốc “phản bội chủ nghĩa Marx–Lenin, phản bội chủ nghĩa quốc tế vô sản.” (Trước đó, trong chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc từng là quốc gia đứng đầu bảng về viện trợ kinh tế và quân sự cho chế độ Hà Nội.) Tham gia khối SEV [8] , Việt Nam đã xuất khẩu sang các nền kinh tế Liên Xô và Đông Âu “mặt hàng” chủ yếu là sức lao động.

Từ sau thời Hồ Chí Minh cho đến nay, sự thiếu vắng một nhân vật xuất chúng trong ban lãnh đạo đã khiến cho cơ chế ra quyết định của Bộ chính trị đảng cộng sản – cơ quan hoạch định chính sách tối cao trên thực tế của chế độ – ngày càng in đậm dấu ấn của chủ nghĩa bè phái. Sự chia rẽ luôn luôn tồn tại ngay cả trong nhóm nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thành phần Bộ chính trị. Và vì ở đây luôn luôn không có ai là nhà tư tưởng cả, nên sự phân chia phe phái luôn luôn chỉ phản ánh sự khác biệt trong năng lực lĩnh hội những luồng tư tưởng đã được nhập khẩu từ bên ngoài. Liên quan đến chính sách phát triển, thời còn nền kinh tế bao cấp – nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung kiểu Stalin – trước thập kỷ 80 đã từng xuất hiện xung đột chính kiến giữa những người bảo vệ tuyệt đối chủ nghĩa tập trung kế hoạch hoá, đại biểu là Nguyễn Duy Trinh, và những người chống lại sự “kế hoạch hoá mọi thứ”, đại diện là Nguyễn Lam [9] . Sự đình đốn thê thảm của nền kinh tế Việt Nam vào đầu thập niên 80 đã đặt chủ nghĩa giáo điều của ban lãnh đạo cộng sản trước những thách thức cải cách. Nhưng nền chính trị Hà Nội, phát huy truyền thống “kiên định lập trường” của nó trong quá khứ, đã không hề tự giác chấp nhận thách thức đó: phải đợi đến khi luồng gió perestroyka từ Moskva thổi đến, nó mới bắt đầu nhúc nhích. Và thế là trong nội bộ Bộ chính trị đã xuất hiện cuộc đấu khẩu giữa một bên là quan điểm cải cách ôn hoà – một thứ chủ nghĩa bảo thủ cải lương –, đại diện là Nguyễn Văn Linh và một bên là tư tưởng canh tân triệt để, đại biểu là Trần Xuân Bách [10] . Quy luật kết thúc của những vòng tranh cãi này là: sự thắng thế luôn luôn nghiêng về chủ nghĩa bảo thủ, tư tưởng cải cách thường chỉ giành được một số thoả hiệp ít ỏi.

Đối với đa số tuyệt đối trong Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, sự tồn vong của đảng – tức là sự tồn vong của chính Bộ chính trị – quan trọng hơn sự hưng vong của quốc gia. Những thoả hiệp cải cách cũng là kết quả của những con tính bức bách để giữ thăng bằng cho thể chế. Những chuyển dịch dân chủ hoá mạnh mẽ ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm cuối thập kỷ 80, những mắt xích đầu tiên của chủ nghĩa toàn trị cộng sản liên tiếp bị chặt đứt ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary… cùng sự dỡ bỏ Bức Tường Berlin vào năm 1989 đã củng cố những quyết tâm “duy trì kỷ luật” của phái bảo thủ: Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương, do những hoạt động của ông truyền bá tư tưởng đa nguyên hoá nền chính trị đất nước. Tháng Sáu năm 1991, đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội toàn quốc lần thứ Bẩy, đưa một trong những nhân vật bảo thủ và ít được đào tạo nhất trong Bộ chính trị là Đỗ Mười lên cương vị tổng bí thư đảng. Tuy nhiên, cải cách đã không thể dừng lại: nền kinh tế tổng khủng hoảng của Việt Nam, bắt đầu trượt dốc từ cuối thập kỷ 70, đang ở dưới đáy vực. Tân tổng bí thư Đỗ Mười bay sang Moskva để tham khảo tình hình và xin hoãn nợ – những khoản nợ hàng tiêu dùng và trang thiết bị quân sự tổng cộng khoảng 11 tỷ rúp, bị phía Liên Xô yêu cầu phải tính theo giá của rúp vàng khả chuyển, mỗi rúp vàng xấp xỉ 1 đô-la. Tổng bí thư Việt Nam được Gorbachev tiếp kiến một cách sơ sài và lạnh nhạt.

Xã hội Xô-viết khi đó đang tiến những bước chóng vánh ra khỏi nền chuyên chế. Từ tháng Hai năm 1990, điều 6 của bản hiến pháp Liên Xô – quy định “đảng cộng sản Liên Xô là hạt nhân của hệ thống chính trị, là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt toàn bộ xã hội Xô-viết”, tương tự điều 4 trong bản hiến pháp Việt Nam hiện nay – đã được bãi bỏ. Những cuộc bầu cử tự do được thực hiện ở khắp các chủ thể thành viên của Liên bang Xô-viết. Ba chủ thể cộng hoà vùng Baltic – Lithuania, Estonia và Latvia – lần lượt tuyên bố ly khai khỏi cơ cấu liên bang. Ngày 19 tháng Tám năm 1991, trong một cố gắng tuyệt vọng, một nhóm những nhân vật bảo thủ trung kiên nhất trong đảng cộng sản vội vã tiến hành một cuộc đảo chính phi pháp, quản thúc Gorbachev và ban bố tình trạng khẩn cấp. Không được sự hưởng ứng của cả quân đội lẫn dân chúng đã quá chán ghét chế độ toàn trị, cuộc đảo chính mau chóng thất bại chỉ trong ba ngày. Những kẻ cầm đầu đảo chính bị bắt, đảng cộng sản Liên Xô bị giải tán. Ngày 25 tháng Mười Hai năm 1991, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô, và ngày hôm sau đó, 26 tháng Mười Hai, Xô-viết Tối cao Liên Xô thông qua nghị quyết cuối cùng của nó trong một phiên họp thưa thớt: nghị quyết giải thể nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới.

Đối với Việt Nam, sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết đã có lợi cho cải cách. Những cái đầu cứng rắn nhất trong Bộ chính trị Hà Nội đã một phen hoảng hốt. Trong rất nhiều mất mát của nó xung quanh sự kiện lịch sử này, đảng cộng sản Việt Nam đã mất đi cái think tank lớn nhất để nó tham khảo đường lối trong suốt lịch sử tồn tại của mình cho đến thời điểm đó. Không còn con đường nào khác, nó ngoảnh cổ trở lại hướng Bắc Kinh. Đỗ Mười lên đường đi Trung Quốc trong một lịch trình thăm thú dông dài. Ở Bắc Kinh, mặc dù được tiếp đón không mấy vồn vã, ông vẫn lao đến ôm hôn Giang Trạch Dân, không một chút tự trọng. Khi những cuộn băng hình ghi lại chuyến đi được phát lại trên ti-vi Hà Nội, nhiều người đã không khỏi sượng sùng trước cảnh tổng bí thư Việt Nam hăm hở ngã vào vòng tay cả đến một viên bí thư huyện uỷ của Trung Quốc, khiến một quan chức tháp tùng phải giữ tay ông kéo lại…

Từ sau thời điểm thay thù đổi bạn đó, sự sao chép những dòng tư tưởng nước ngoài của đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp diễn một cách ngoạn mục. Những gì mà báo chí Việt Nam từng dè bỉu và công kích mười năm về trước thì nay được các chuyên viên lý luận của đảng cộng sản Việt Nam đem về nghiên cứu với tinh thần “thực sự cầu thị[11] , theo một câu châm ngôn nổi tiếng của Mao. Tuy nhiên, những viên thư lại cần mẫn của chế độ, thêm một lần nữa, đã không thể làm được gì khác hơn là chuyển ngữ những khái niệm và thuật ngữ đã có sẵn trong các văn kiện đầy ắp chữ vuông để chế bản thành những nghị quyết của đảng mình. Và thế là khái niệm “nền kinh tế hàng hoá kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa, với cơ chế kết hợp giữa kế hoạch hoá kinh tế và điều tiết thông qua thị trường” – được đại hội toàn quốc đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ Mười Ba (họp tháng Mười năm 1987) thông qua – đã được chuyển thành “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, được điều tiết phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của nhà nước” trong bản dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam, được đưa ra thảo luận trước Đại hội Chín của đảng. Còn khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xuất hiện trong bản nghị quyết được thông qua tại Đại hội Chín đảng cộng sản Việt Nam (tháng Tư năm 2001) thì chỉ khác khái niệm “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng Trung Quốc” – trong nghị quyết đại hội Mười Bốn (tháng Mười năm 1992) đảng cộng sản Trung Quốc – bởi cụm định ngữ sau cùng [12] !


Tờ giấy nhắc bài và những “chân lý phẳng”

Theo lô-gích thông thường, người ta nhìn nhận rằng mỗi nhà lãnh đạo chính trị cũng đồng thời là một nhà tư tưởng trong một chừng mực nhất định. Trong hiện thực xã hội toàn trị, sự nhìn nhận này đã từng và vẫn còn là một ngộ nhận đối với số đông dân chúng, vốn chỉ biết đến giới lãnh đạo đảng cộng sản thông qua bộ máy tuyên truyền.

Một trong các kênh tiếp nhận chủ trương đường lối của đảng toàn trị là trực tiếp nghe lãnh đạo đảng diễn thuyết. Trước những cuộc diễn thuyết như vậy, diễn giả không phải trực tiếp chuẩn bị bài nói của mình. Mỗi uỷ viên Bộ chính trị có ít nhất một thư ký riêng chuyên trách soạn thảo các bài nói hoặc bài viết cho nhà lãnh đạo [13] . Nhiệm vụ của diễn giả trong các buổi thuyết giảng đường lối của mình rất đơn giản: đọc lại chính xác nội dung những trang giấy đã được viết sẵn. Tuy nhiên, không hiếm khi ông ta dời mắt khỏi trang giấy để phát biểu những ý kiến đích thực của riêng mình với cử toạ.

Do nghề nghiệp và do cả tình cờ, tôi đã từng vài lần trực tiếp dự thính những diễn từ của một số chức sắc cao cấp của đảng cộng sản. Thời còn đương nhiệm, cựu tổng bí thư Đỗ Mười có lần đến thăm một đơn vị quân đội. Ông bước lên bục, rút từ túi áo ra một tờ giấy gấp tư và say sưa đọc. Đến đoạn nói về đổi mới, ông dừng lại, buông giấy, chém tay liên hồi vào không khí và kể: “Vừa rồi, tôi cho mời hơn hai mươi doanh nghiệp lớn về họp để tham mưu cho đảng về đổi mới kinh tế. Sau hai ngày họp, mới phát hiện ra chính sách thuế của ta có rất nhiều kẽ hở.” Nghe ông nói, cả hội trường rộ lên tiếng cười. Ở nước Nga, người ta gọi những sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết rồi là những “chân lý phẳng” («плоская истина»). Một cán bộ ngoại giao, là chỗ bà con với tôi, nhận xét: “Ông Mười cứ rời tờ nhắc bài ra là nói nhảm.” Đến nỗi, một lần vào dịp Tết nguyên đán, khi đến thăm đại lão hoà thượng Kim Cương Tử ở chùa Trấn Quốc, được các hoà thượng trong nhà chùa đón tiếp thân tình quanh một bàn trà, tổng Đỗ cũng vẫn phải rút từ túi áo ra một tờ giấy gấp tư và đọc… lời chúc Tết!… Đỗ Mười vốn bệnh thần kinh, ở những buổi ông thuyết giảng, mỗi khi ông nói vo sa đà, người ta bố trí người lên thay ly nước để kéo ông quay trở lại với tập giấy nhắc bài.

Cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng là người có biệt tài phát biểu ra những chân lý phẳng, những cảm kiến tầm phào. Vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi mùng 1 tháng Sáu năm 1998, ông đến dự buổi biểu dương các thiếu nhi tiêu biểu của thủ đô Hà Nội, do báo Nhi Đồng tổ chức tại nhà hát Tuổi Trẻ trên đường Ngô Thì Nhậm. Giữa chừng khi đang đọc bài viết sẵn, ông ngừng lại và giảng: “Các đồng chí nên nhớ rằng á, trẻ em là rất quan trọng!”… Lần khác, trong buổi lễ tuyên dương những học sinh vừa đoạt giải olympic quốc tế năm 2000, ông đọc một bài diễn văn có nội dung huấn thị ngành giáo dục. Đến đoạn “… chúng ta phấn đấu để đến năm hai ngàn hai mươi, nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển,” dường như cảm thấy viễn cảnh mong muốn của đất nước chưa đủ liều lượng để gây ấn tượng, ông thả tờ giấy xuống, nói vo: “Mà tôi muốn nói với các đồng chí rằng á, công nghiệp ở đây phải là công nghiệp hiện đại đấy, chứ không phải công nghiệp vớ vẩn đâu.” Cử toạ, bao gồm rất nhiều trí thức hàng đầu của ngành giáo dục, chỉ kín đáo đưa mắt nhìn nhau. Băng hình phát trên chương trình thời sự của ti-vi ngày hôm đó đã cắt bỏ đi đoạn tổng bí thư nói vo này.

Lê tổng bí thư là người chỉ cầm quyền có nửa nhiệm kỳ. Còn nhớ, vào năm 1998, ngay sau hội nghị trung ương lần thứ 8 (khoá Tám), cuộc hội nghị đã giúp họ Lê đoạt quyền lãnh đạo đảng từ tay Đỗ Mười, tân tổng bí thư Việt Nam đã chủ trì một cuộc họp báo quốc tế để lại nhiều ấn tượng. Có lẽ đó là một lần hiếm hoi, nếu không phải là lần đầu tiên sau nhiều năm, một chức sắc hàng nguyên thủ của Việt Nam trực tiếp chủ trì một hội báo quốc tế, trực tiếp trả lời những câu hỏi của các phóng viên nước ngoài. Khi được phóng viên tờ Kinh tế Trung Quốc, một người Hoa nói rành rẽ tiếng Việt, hỏi “Gần đây, trong các văn kiện và báo chí Việt Nam thường xuất hiện từ nội lực. Đề nghị ngài tổng bí thư giải thích ý nghĩa của khái niệm này,” Lê Khả Phiêu đã lúng túng thực sự. Một người Hoa hỏi một người Việt (có địa vị cao nhất) về một tổ từ tiếng Hán, có trong tất cả các từ điển Hán ngữ hiện đại: một đề thi kiểm tra văn hoá xấc xược và khiêu khích! Đám thư lại mê phim chưởng đã vô tình làm khó vị tân tổng bí thư. Sau khi được Nguyễn Mạnh Cầm và Vũ Khoan đang ngồi kèm hai bên trao đổi chớp nhoáng, tổng bí thư họ Lê bắt đầu trả lời… lằng nhằng, đại ý: nội là bên trong, còn lực là sức lực… Ngày hôm sau, ở các trường đại học, giới trí thức nhận xét về cuộc họp báo: “Đúng là điếc không sợ súng!” Sau lần duy nhất đó, người ta không còn thấy cụ tổng trực tiếp đương đầu với một cuộc họp báo nào như vậy nữa.

Là người quan tâm đến chính trị, tôi hầu như không thấy các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam như tổng bí thư và các uỷ viên Bộ chính trị đảng cộng sản, chủ tịch nước, thủ tướng cho báo chí phỏng vấn trực tiếp theo đúng nghĩa của nhóm từ này. Muốn phỏng vấn các siêu VIP này, nhà báo thường phải gửi trước đến văn phòng một bảng câu hỏi để cho các chuyên viên ở đó rà duyệt và chuẩn bị bài trả lời cho “đương sự”. Tóm lại, những cuộc interview như thế hoàn toàn là những màn kịch đã dày công chuẩn bị của nhiều người.

Công bằng mà nói, trong số các lãnh tụ đảng cộng sản, Hồ Chí Minh có lẽ là người có năng lực nhất về phương diện ngôn ngữ cho đến nay. Cách đây ít lâu, một tờ báo giấy chính thống đã đăng một bài viết, kể lại sự kiện Hồ Chí Minh về thăm một vùng nông thôn và ra đồng cầm dây gầu cùng tát nước với người dân. Chuyện rằng, trong không khí phấn khởi, bà con nông dân đề nghị chủ tịch Hồ làm thơ, và ông ứng khẩu: “Bây giờ đổ giọt mồ hôi / Đến mùa thu hoạch được nồi cơm to.” Các nhà nông vỗ tay reo mừng, hô: “Hồ chủ tịch muôn năm!”… Hồ Chí Minh được nhiều người coi là một nhà thơ. Đúng ra, ông là người thợ gieo vần thạo nghề của… những chân lý phẳng!

Vừa mới trong tháng Sáu đây thôi, văn hoá giấy nhắc bài của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã được đích thân thủ tướng Phan Văn Khải chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vào tận phòng oval trong Nhà Trắng. Xem đoạn video clip tường thuật cuộc hội báo chớp nhoáng trước khi thủ tướng Khải dời Nhà Trắng, người ta thấy bên cạnh một George Bush đĩnh đạc, lanh lợi là một Phan Văn Khải gượng gạo, gò bó: nút áo jacket cài chặt căng ngay cả khi ông đang ngồi. Cảnh ông cầm tờ giấy đọc như một học trò tiểu học – nội dung chỉ là điểm lại những gì đã được đề cập trong cuộc mạn đàm giữa ông và tổng thống Bush trong vòng hai mươi phút liền trước đó – đã thực sự gây phản cảm. Ông không có trí nhớ chăng?

Samuel Johnson [14] từng viết: “Ngôn ngữ là y phục của tư tưởng.” [15] Quan sát phục sức ngôn ngữ của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, người ta không thể không ái ngại cho sự bần hàn về tư tưởng của họ.

(Còn tiếp)

Moskva, tháng Bẩy—tháng Chín 2005

© 2005 talawas



[1]Nguyên bản tiếng Anh: “And remember, where you have a concentration of power in a few hands, all too frequently men with the mentality of gangsters get control. History has proven that. All power corrupts; absolute power corrupts absolutely.”
[2]John Emerich Edward Dalberg Acton (1834–1902), nhà sử học và triết học người Anh.
[3]Xem: Nguyễn Minh Cần, Đảng cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, mạng “Ý Kiến”.
[4]Xem: Lữ Phương. Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh (Sự hình thành một chọn lựa), mạng “Ý Kiến”.
[5]Xem: Thăm dò ý kiến Bạn nghĩ thế nào về kết cuộc của vụ án TC2-T4, e-ThongLuan.
[6]Bốn hiện đại hoá: hiện đại hoá nông nghiệp, hiện đại hoá công nghiệp, hiện đại hoá quốc phòng, và hiện đại hoá khoa học - công nghệ, trong đó “hiện đại hoá khoa học - công nghệ là then chốt,” theo một câu nói của Đặng.
[7]Khoan hãy thảo luận về những hiệu ứng hiện nay của cải cách ở Trung Quốc, trong sự so sánh với các nhà lãnh đạo Việt Nam về tư tưởng và hành động, Đặng Tiểu Bình đã thể hiện rõ trídũng. Cần lưu ý rằng, nhà cải cách họ Đặng đã nuôi dưỡng và thực thi một phần những đồ án canh tân của mình ngay từ thời Mao, trong tư cách tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc từ 1954 đến 1966, và ông đã phải trả giá cho những sáng kiến này bằng việc chịu đựng sự truy bức khốc liệt trong Cánh mạng Văn hoá. Trong khi cả gia đình ông bị hồng vệ binh quản thúc tại gia và ông bị hạ nhục như một “kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, người con trưởng của ông đã rơi từ cửa sổ xuống và bị bại liệt cả hai chân. (Xem: Microsoft Corporation, Encarta Reference Library Premium DVD 2005, article “Deng Xiaoping”.)
[8]Tên gọi viết tắt theo tiếng Nga (СЭВ) của Hội đồng Tương trợ Kinh tế.
[9]Xem: Sujian Guo, Economic Transition in China and Vietnam: A Comparative Perspective, Asian Profile, Vol. 32, No. 5, October 2004.
[10]Xem: Tài liệu đã dẫn.
[11]Nguyên bản tiếng Hán: “实事求是  /shí shì qiú shì/”, nghĩa là “hãy tìm chân lý từ thực tiễn”.
[12]Xem: Tài liệu đã dẫn.
[13]Ở Việt Nam, làm thư ký riêng cho lãnh đạo đảng là một nghề có danh vọng. Gần đây, một số cán bộ thư ký này còn được gọi chính thức là nhà văn. Họ quả là những nhà văn đặc biệt: chuyên viết bài để kẻ khác ký tên. Tác phẩm của họ tạo thành một dòng văn học độc đáo trong văn chương Việt Nam đương đại: dòng văn học các văn từ chính trị của lãnh đạo đảng.
[14]Samuel Johnson (1709–1784), nhà văn và nhà biên soạn từ điển người Anh, một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn học tiếng Anh thế kỷ 18. Ông nổi tiếng bởi sự tinh tế, sâu sắc và hài hoà trong phong cách văn xuôi.
[15]Nguyên bản tiếng Anh: “Language is the dress of thought.”