trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
13.3.2006
Nguyá»…n Quang A
Dân chủ chứ đâu chỉ là đa nguyên
(Trao đổi với ông Quang Linh nhân đọc bài “Việt Nam có nên chọn con đường đa nguyên chính trị hay không?”)
 
Trước hết tôi rất đồng cảm với những trăn trở của ông Quang Linh về những thách thức đặt ra với đất nước. Nhưng phải nói ngay, tôi nói về một quá trình chuyển đổi hoà bình từ hiện trạng sang một chế độ dân chủ, còn ông Quang Linh nói về việc “chọn con đường đa nguyên cho Việt Nam tại thời điểm này là một việc làm phiêu lưu”. Như thế, nhận xét của ông không liên quan đến tôi, nên thực ra tôi không muốn tranh luận, mà chỉ muốn trao đổi cho rõ vấn đề. Chúng ta đều có chung mục đích: xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, và phải nói ngay đó là mục đích do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng. Và đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta đều muốn có ổn định chính trị, đều muốn tránh bạo lực, bạo động. Chúng ta đều thống nhất là, Việt Nam không nên và không thể sao chép mù quáng cách làm của bất kì ai, của bất cứ nước nào, mà phải tìm ra cách thích hợp nhất của mình; nhưng phải học kinh nghiệm hay và dở của các nước khác. Tôi đồng ý với gần như tất cả những phân tích của ông Quang Linh trong phần 1 đến phần 3 khi chỉ xét riêng khía cạnh đa nguyên, song nếu xét từ quan điểm dân chủ thì lại khác. Tôi đã được nghe, được trao đổi về những phân tích của các học giả trong nước, nhất là của những người cộng sản khá giống phân tích của ông Quang Linh. Cũng phải nói thêm, nếu tôi hiểu đúng ông Nguyễn Trung, ông Nguyễn Trung hoàn toàn phản đối loại “cách mạng dân chủ” xảy ra ở vài nước thuộc Liên Xô cũ mà ông gọi là “cách mạng da cam da quýt”, tuy tôi không đồng ý với cách dùng từ của ông. Cả ông Nguyễn Trung và tôi đều cho là tiến hoá (evolution) hay hơn cách mạng (revolution) nhiều. Tức là (cả ba) chúng ta đều đồng ý cải cách, chỉnh sửa, làm từ từ, dần dần; không ai trong (hai) chúng tôi chủ trương cách mạng dẫn đến dân chủ vô độ cả. Ông Nguyễn Trung chỉ nói rằng về lâu về dài đa nguyên chính trị là không thể tránh khỏi, ông không kiến nghị ngay lập tức, ông cũng chưa nêu ra thời gian biểu, theo tôi hiểu ông gợi ý là: phải chuẩn bị chu đáo cho một quá độ sang nền dân chủ, phải xây dựng nhà nước pháp quyền, phải phát triển xã hội dân sự, phải phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, duy trì và nuôi dưỡng đại đoàn kết dân tộc. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Trung, nếu như tôi hiểu đúng ý ông như vừa nêu lại ở trên. Theo tôi ông Nguyễn Trung, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ nhiều trọng trách, chắc chắn (và bạn đọc có thể thấy từ các bài viết của ông) không chủ trương bất cứ gì làm tổn hại đến quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ muốn nó ngày càng mạnh lên. Chúng tôi chủ trương cách đi đến nền dân chủ sao cho vẫn giữ được ổn định chính trị, phát triển được kinh tế, văn hoá, khoa học và con người. Tôi nghĩ không ai có thể hiểu lầm được điều đó từ các bài viết của ông Nguyễn Trung và bài của tôi. Là những người thực tiễn, chúng tôi biết và những người Việt Nam khác cũng biết rằng: Ý định, mục tiêu có thể rất cao cả nhưng kết quả có thể hoàn toàn ngược lại, do có những hệ quả không dự kiến được trước, bất luận kế hoạch được vạch ra có chu đáo, cẩn thận đến thế nào, chính vì thế những cảnh báo như của ông Quang Linh là rất đáng trân trọng. Đó là điều rất đáng mừng. Nếu chúng ta có chung mục đích, thảo luận với nhau về đường đi nước bước trên tinh thần xây dựng, khoan dung, tin cậy lẫn nhau, tôi tin chúng ta có thể tìm ra được cách tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn đến một nền dân chủ. Nếu làm như thế tôi tin có thể loại bỏ được, giảm được, hay chí ít có chuẩn bị để đối phó với những vấn đề xấu mà ông Quang Linh (và nhiều người khác ở Việt Nam) nghĩ là có khả năng xảy ra (tôi sẽ nêu ý kiến sau). Chúng tôi nói về dân chủ, về một quá độ hoà bình sang nền dân chủ mà trong kết quả cuối cùng của nó là, giữa những thứ khác, có đa nguyên chính trị; ông Quang Linh thì nói về đa nguyên và cho rằng “chọn con đường đa nguyên cho Việt Nam tại thời điểm này là một việc làm phiêu lưu, bởi vì nó tiềm tàng nguy cơ làm cho Việt Nam mất sự ổn định về mặt chính trị-xã hội và bỏ lỡ thời cơ phát triển kinh tế và thực hiện các cải cách dân sinh khác” [Tôi nhấn mạnh]. Có thể thấy rất rõ ở đây: tôi nói về một chuyện, còn ông Quang Linh nói về một chuyện khác. Một đằng nói về quá trình cải cách, quá trình tiến hoá đến một nền dân chủkết quả cuối cùng của quá trình đó dẫn đến đa nguyên chính trị; một bên nói về điểm xuất phát là nếu chọn con đường đa nguyên tại thời điểm này, thì… Có lẽ đó là khác biệt quan trọng nhất trong cách đặt vấn đề của tôi và của ông Quang Linh, và như thế về nguyên tắc chẳng có gì phải tranh luận với nhau cả. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trao đổi với ông Quang Linh một vài điểm để chúng ta hiểu nhau hơn, để bạn đọc hiểu chúng ta hơn và để tránh những hiểu lầm nếu có.


I. Chính thể dân chủ

Để tránh hiểu lầm, tôi xin nói là tôi bàn về một quá trình tiến đến hay quá trình xây dựng một chính thể dân chủ ở Việt Nam. Chính thể đó gồm nhiều định chế, thể chế và việc xây dựng nó không thể làm một sớm một chiều. Về khái niệm chính thể hay chế độ dân chủ, tôi xin trích Popper về cách hiểu chính thể dân chủ của ông mà tôi lấy làm của mình (Xã hội mở và những kẻ thù của nó, tập II, chương 19):

Tôi đặt cơ sở cho phê phán này trên luận điểm rằng nền dân chủ có thể hoạt động chỉ nếu các đảng chính tôn trọng triệt để quan điểm về các chức năng của nó những cái có thể được tóm tắt trong một số qui tắc như thế này:

(1) Nền dân chủ không thể được đặc trưng hoàn toàn như sự cai trị của đa số, mặc dù thể chế về tổng tuyển cử là quan trọng nhất. Vì một đa số có thể cai trị theo cách chuyên chế. (Đa số của những người thấp hơn 6 bộ [feet] có thể quyết định rằng thiểu số những người cao hơn 6 bộ sẽ nộp mọi loại thuế). Trong một nền dân chủ, quyền lực của những người cai trị phải bị hạn chế; và tiêu chuẩn của một nền dân chủ là thế này: Trong một nền dân chủ, các nhà cai trị - tức là, chính phủ - có thể bị sa thải bởi những người bị trị mà không có đổ máu. Như thế nếu những người nắm quyền không bảo vệ các thể chế đảm bảo cho thiểu số khả năng hoạt động cho một thay đổi hoà bình, thì sự cai trị của họ là một chế độ chuyên chế.

(2) Chúng ta chỉ cần phân biệt giữa hai dạng chính phủ, tức là loại chính phủ có các thể chế thuộc loại này, và tất cả các loại khác, tức là các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế.

(3) Một hiến pháp dân chủ nhất quán phải loại trừ chỉ một loại thay đổi trong hệ thống pháp lí, cụ thể là một sự thay đổi có thể gây nguy hiểm cho đặc tính dân chủ của nó.

(4) Trong một nền dân chủ, sự bảo vệ hoàn toàn của các thiểu số không được mở rộng ra cho những người vi phạm pháp luật, và đặc biệt không cho những người kích động người khác để lật đổ nền dân chủ bằng bạo lực.

(5) Một chính sách tạo khung khổ các thể chế để bảo vệ nền dân chủ phải luôn luôn được tiến hành trên giả thiết rằng có thể có các xu hướng chống dân chủ tiềm ẩn giữa những người bị trị cũng như giữa những nhà cai trị.

(6) Nếu nền dân chủ bị phá huỷ, mọi quyền đều bị phá huỷ. Dù là các lợi ích kinh tế nào đó, mà những người bị trị được hưởng, vẫn còn tồn tại, chúng có thể vẫn còn chỉ vì bất đắc dĩ phải chấp nhận.

(7) Nền dân chủ cung cấp một chiến trường vô giá cho bất cứ cải cách hợp lí nào, vì nó cho phép cải cách mà không có bạo lực. Nhưng nếu sự duy trì nền dân chủ không biến thành cân nhắc đầu tiên trong bất cứ cuộc chiến đấu nào được đấu tranh đến cùng trên chiến trường này, thì các xu hướng chống dân chủ tiềm tàng luôn luôn hiện diện (và chúng lôi cuốn những người chịu đựng căng thẳng của nền văn minh…) có thể gây ra một sự đổ vỡ của nền dân chủ. Nếu một sự hiểu biết về các nguyên lí này vẫn chưa được phát triển, phải chiến đấu vì sự phát triển của nó. Chính sách ngược lại có thể hoá ra tai hoạ; nó có thể gây ra sự thất bại của cuộc chiến đấu quan trọng nhất, cuộc chiến đấu vì bản thân nền dân chủ.”

Hay trong bài báo của mình, tôi đã dùng cách hiểu mà có người đã phê phán là hơi ôm đồm vì nó bao gồm cả nhà nước pháp quyền: “chế độ dân chủ được hiểu là chế độ trong đó: công nhận đầy đủ quyền công dân; thể chế nhà nước pháp quyền trở thành nguyên lí hiến pháp cơ bản; tư pháp độc lập; bầu cử dân chủ lựa ra những người cầm quyền; các cuộc bầu cử phải tự do và trong sạch; mọi người đều có quyền tự do nêu ý kiến, có tự do ngôn luận và có quyền tiếp cận nguồn thông tin khả dĩ khác; tự do lập hội, kể cả quyền lập tổ chức chính trị; và cuối cùng là sự kiểm soát dân sự đối với các lực lượng vũ trang. Đó là chế độ nơi những người bị trị có thể sa thải những kẻ cai trị mà không phải dùng đến bạo lực, và có các định chế cho việc chọn và phế truất những người cầm quyền sao cho những người cầm quyền khó có thể thay đổi các định chế này.”


Hay bạn đọc có thể tham khảo cách hiểu của Kornai ("What the Change of System From Socialism to Capitalism Does and Does Not Mean". Journal of Economic Perspectives. Vol. 14, No.1- Winter 2000, pp. 27-42; mà tôi đã biên dịch và bổ sung ra tiếng Việt):

Dân chủ là một sự kết hợp của các tổ chức chính trị, các thể chế, các chuẩn mực xã hội và các hình thức ứng xử được xác nhận nhằm tạo ra các điều kiện hoạt động nhất định của xã hội. Ta liệt kê ở đây bốn điều kiện tối thiểu của một nền dân chủ khả dĩ hoạt động được; ngay thứ tự của các điều kiện này cũng là quan trọng.

1. Chính phủ có thể bị hạ bệ, và sự hạ bệ được tiến hành một cách văn minh. Đối với chúng ta những người Đông Âu, khá rõ việc hạ bệ các nhân vật nắm quyền hay các nhóm nắm quyền một cách không văn minh có nghĩa thế nào; họ bị sát hại, trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chính, bị hành quyết hay bỏ tù sau khi họ bị hạ bệ bởi một cuộc nổi dậy, v.v. và v. v..

2. Các nền dân chủ dùng thủ tục bầu cử để hạ bệ một cách văn minh. Thủ tục này được kiểm soát bởi các luật và các thông lệ. Thủ tục bầu cử phản ánh ở một mức độ nào đó sự đồng tình hoặc bất đồng tình của công chúng. Chúng ta kiêng dùng đại ngôn khi nói rằng dân chủ thể hiện "ý muốn của đa số " hay ý chí của nhân dân," bởi vì sự truyền đạt gắn kết sự ưa chuộng của các công dân với thành phần của quốc hội và chính phủ thông qua quá trình bầu cử không tránh khỏi những trục trặc và méo mó.

3. Trong một nền dân chủ, không có quyền lực chính trị nào hay ý thức hệ tư tưởng chính trị nào có độc quyền được đảm bảo bởi sức mạnh của nhà nước. Quá trình chính trị dựa trên cơ sở cạnh tranh: các đảng, các phong trào và các nhóm chính trị ganh đua với nhau để giành phiếu bầu và sự ủng hộ chính trị khác. Do đó, mọi nền dân chủ đều hoạt động như một hệ thống đa đảng.

4. Dân chủ không chỉ đơn giản thông qua hay ban hành các quyền tự do chính trị, nó đảm bảo chúng trong thực tế. Nhà nước không thể cản trở thô bạo quyền tự do ngôn luận, báo chí, hoặc quyền tự do hội họp và lập hội.”

Hay bạn đọc có thể xem quan niệm của A. Sen [trong “Democracy as a universal value” (Dân chủ như một giá trị phổ quát) Journal of Democracy 10.3 (1999) pp. 3-17, hay trong cuốn Phát triển là Tự do (Development as Freedom) ấn bản tiếng Việt của ông].

Mấy khía cạnh quan trọng cần lưu ý về chính thể dân chủ là: (a) người dân có thể hạ bệ chính phủ mà không cần dùng bạo lực [tức là có các thể chế để phân chia, kiểm soát và kiềm chế quyền lực, cố tránh “nghịch lí dân chủ” hay nghịch lí “đa số”, điểm (1) ở Poppper điểm 1 và 2 ở Kornai]; (b) đảm bảo các quyền tự do [điểm 4 ở Kornai] nhưng không có tự do vô độ [điểm (4) của Popper] tức là tránh nghịch lí “tự do”; (c) không có độc quyền chính trị mà có cạnh tranh đa đảng [điểm 3 ở Kornai]. Nếu chỉ luận bàn về đa nguyên chính trị (điểm thứ 3 ở Kornai, lưu ý Kornai xếp thứ tự có chủ ý theo tầm quan trọng!) mà không để ý đến những mặt khác của chế độ dân chủ, để cho nghịch lí dân chủ, nghịch lí tự do có điều kiện hoạt động hay tạo điều kiện cho chúng hoạt động thì những khả năng như ông Quang Linh nêu ra là có thể xảy ra. Sở dĩ phải dài dòng như thế để thấy rõ sự khác biệt giữa cái tôi bàn luận và cái ông Quang Linh bàn trong bài viết của mình. Nói cách khác, đa nguyên không là điều kiện đủ cho dân chủ, và cái chúng ta muốn là dân chủ, chứ không phải là đa nguyên chính trị vì đa nguyên chính trị. Dù có ôm đồm, tôi vẫn mong muốn có cả nền dân chủ như trên, lẫn nhà nước pháp quyền, và xã hội dân sự mạnh, chúng tăng cường lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau.

Để thấy rõ sự khác biệt giữa cái tôi bàn và cái ông Quang Linh bàn, hãy đơn giản hoá và tưởng tượng một hệ toạ độ có một trục thời gian T, một trục gộp các tính năng khác của chế độ dân chủ lại như một chiều D, còn tách riêng đa nguyên theo trục P.



Hiện trạng có thể coi là gốc toạ độ, mục tiêu là vòng tròn đích. Kịch bản đa nguyên ngay lập tức được chỉ bằng mũi tên đỏ (dịch chuyển theo trục P), kịch bản tiến hoá hoà bình đến mục đích được chỉ bằng mũi tên xanh hướng đến mục tiêu (dịch chuyển trong không gian 3 chiều). Có thể thấy kịch bản ngay lập tức là bất khả thi trong lược đồ này và không biết nó sẽ dẫn đến đâu (đúng như ông Quang Linh phân tích). Còn con đường hay cách tiếp cận mà tôi bàn luận là hoàn toàn khác. [Kornai cho rằng có lẽ ở Trung Quốc và Việt Nam con đường đến dân chủ có thể là con đường màu vàng ở hình trên: tức là phát triển trên cơ sở chuyên chế (từ gốc toạ độ chạy trên mặt phẳng T-D (G), hoàn toàn không có đa nguyên, rồi khi đạt trình độ phát triển nhất định thì nhảy theo mũi tên vàng thứ hai sang dân chủ]. Tôi nghĩ mô hình hay hơn là mô hình Kornai sửa đổi (2 mũi tên vàng biến thành 1 mũi tên xanh). Tất nhiên đây là cách hình dung sơ lược chỉ để nêu rõ sự khác biệt, con đường đi không thẳng tắp mà có thể có lắm chông gai.

Nếu hiểu dân chủ đầy đủ như vậy thì tất cả các nước mà ông Quang Linh nhắc đến trong điểm 2 cách đây 10 năm đều đã có các chế độ chuyên chế, một số đã chuyển sang nền dân chủ nhưng chưa phải là các nền dân chủ chín muồi. Có thể nói họ vẫn còn đang trên con đường đó. Nói tóm lại đa đảng không chắc đã dẫn đến dân chủ. Cái chúng ta cần là dân chủ chứ không chỉ là đa nguyên chính trị.


II. Vài nhận xét về những phân tích của ông Quang Linh

  1. Ông Quang Linh chỉ xét đến đa nguyên, mà như đã nói ở trên hầu như tất cả các nước mà ông nêu ra ở điểm 2 đều mới bước vào con đường dân chủ, cách đây không lâu họ vẫn là các chế độ chuyên chế. Chính vì thế, nếu xét trên quan điểm dân chủ, chúng ta có thể có những lí giải khác xa lí giải của ông Quang Linh về các con số và những so sánh. Cho nên tôi nghĩ những nhận xét của ông, nếu xét trên quan điểm tiến đến nền dân chủ, thì ít có ý nghĩa để Việt Nam tham khảo, hay thậm chí có thể bị lạm dụng để biện minh cho duy trì hiện trạng chuyên chế.

  2. Ông nhận xét: “Trong khi đó, trong 20 năm qua Việt Nam và Trung Quốc mặc dù chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng đã tạo ra những thay đổi vượt bậc về kinh tế và xã hội, điều mà không một nước nào có hoàn cảnh lịch sử- xã hội tương tự nhưng có hệ thống chính trị đa nguyên làm được trong cùng giai đoạn vừa qua (từ năm 1986 đến nay Việt Nam tăng trưởng ở mức trên 7%, Trung Quốc trên 9%; Việt Nam có chỉ số HDI duới 120 những năm đầu 90 lên vị trí 108 hiện nay, Trung Quốc từ vị trí dưới 100 lên vị trí 85). Vậy thì tại sao chúng ta lại tự nhiên từ bỏ con đường đang thuận lợi đó để lựa chọn một con đường khác mà thực tế nhiều nước có hoàn cảnh tương tự đã cho thấy không phải là sáng sủa. Tất nhiên với những bất cập của hệ thống chính trị một đảng (bất cứ hệ thống nào cũng có những bất cập của nó) vẫn còn nhiều việc phải làm để cho hệ thống vận hành tốt nhưng không phải là thêm một lần thử nghiệm nữa”.

    Về cơ bản tôi không kiến nghị tự nhiên từ bỏ, mà tôi kiến nghị tiếp tục cải cách, chỉnh sửa, nuôi dưỡng cho lực lượng đối lập, sửa đổi luật pháp, xây dựng các định chế, v.v. để tiến đến nền dân chủ. Và việc đó cần thời gian, cần sự thảo luận, và không thể không có sự tham gia tích cực của Đảng Cộng sản. Và phải nói ngay, hiện tại chưa có lực lượng nào có thể cạnh tranh chứ nói chi đến thay thế đảng cầm quyền hiện nay (theo tôi trong ít nhất 5 năm tới). Cho nên muốn có dân chủ và nếu đảng cầm quyền thực sự anh minh, vì dân vì đất nước, thì họ phải, hay nên, hay không cản trở sự phát triển của lực lượng đối lập, mở rộng tự do ngôn luận, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân sự mạnh, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, v.v. Những việc rất khó, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm một số trong những việc đó. Nhìn từ khía cạnh này, tôi lại nghĩ một vài kinh nghiệm của một số nước Đông Âu là đáng để chúng ta tham khảo.

  3. Ông Quang Linh nêu ra một viễn cảnh khá đáng sợ ở mục cuối bài viết của ông. Nếu theo cách tiếp cận tiến hoá, cải cách tiến đến xã hội dân chủ thì những viễn cảnh đó khó có thể xảy ra, tuy nêu ra chúng để cân nhắc, để đề phòng, để có biện pháp tránh là một việc nên làm.

  4. Dựa vào kinh nghiệm Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc có ý kiến cho rằng: đầu tiên hãy phát triển kinh tế trên cơ sở chuyên chế. Nếu thay trục D ở hình trên bằng trục G (tăng trưởng kinh tế), thì mô hình này chỉ gồm có mặt phẳng G-T, và đường phát triển sẽ giống như mô hình Kornai (mũi tên vàng thứ nhất ở trên). Những nghiên cứu kinh tế lượng cho thấy tăng trưởng trên cơ sở chuyên chế không tỏ ra ưu việt hơn tăng trưởng trên cơ sở dân chủ (xem Sen, Kornai). Song đây cũng là con đường khả dĩ, tuy tôi cho là không hay bằng con đường tiến dần tới dân chủ. Vì dân chủ có những giá trị khác không thể thay thế được.

  5. Mặt khác vì dân chủ ngày nay được coi là một giá trị phổ quát (xem thí dụ Sen hay Kornai), nó có giá trị nội tại (intrinsic value) quan trọng; nó có giá trị phương tiện (instrumental value) và có vai trò xây dựng (constructive role), cho nên hướng tới, chăm chút, nuôi dưỡng nó là việc rất đáng làm. Vì chỉ có thế mới có thể phát triển bền vững, mới có thể giảm bớt những căng thẳng xã hội (như vụ Thái Bình, Tây Nguyên, v.v.), mới có thể giải quyết những vấn đề hết sức nghiêm trọng như vấn đề tham nhũng, vấn đề đất đai, vấn đề khiếu kiện ngày càng tăng của người dân, mới có phát triển thực sự.

Hà Nội 8-3-2006

© 2006 talawas