trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
4.3.2006
Đoàn Tiểu Long
Hiểu thế nào là dân chủ?
 
Trong bài “Đôi lời cùng GS. Nguyễn Đức Bình và Góp ý với Đảng Cộng sản Việt Nam” anh Nguyễn Quang A viết:

“Vì dân chủ được những người khác nhau hiểu theo cách khác nhau, nên phải thống nhất về thuật ngữ này. Sau đây tôi trình bày cách hiểu dân chủ mà tuyệt đại đa số người dân trên thế giới hiểu.

Theo đó, chế độ dân chủ được hiểu là chế độ trong đó: công nhận đầy đủ quyền công dân; thể chế nhà nước pháp quyền trở thành nguyên lí hiến pháp cơ bản; tư pháp độc lập; bầu cử dân chủ lựa ra những người cầm quyền; các cuộc bầu cử phải tự do và trong sạch; mọi người đều có quyền tự do nêu ý kiến, có tự do ngôn luận và có quyền tiếp cận nguồn thông tin khả dĩ khác; tự do lập hội, kể cả quyền lập tổ chức chính trị; và cuối cùng là sự kiểm soát dân sự đối với các lực lượng vũ trang. Đó là chế độ nơi những người bị trị có thể sa thải những kẻ cai trị mà không phải dùng đến bạo lực, và có các định chế cho việc chọn và phế truất những người cầm quyền sao cho những người cầm quyền khó có thể thay đổi các định chế này. “
 
Tôi nghĩ chế độ dân chủ không có lắm đặc trưng đến thế. Định nghĩa nói trên hình như thừa những điểm sau:
  • công nhận đầy đủ quyền công dân;
  • thể chế nhà nước pháp quyền trở thành nguyên lí hiến pháp cơ bản; tư pháp độc lập;
  • mọi người đều có quyền tự do nêu ý kiến, có tự do ngôn luận và có quyền tiếp cận nguồn thông tin khả dĩ khác; tự do lập hội, kể cả quyền lập tổ chức chính trị;
Theo tôi, xã hội dân chủ là xã hội trong đó người dân làm chủ. Nó đối lập với xã hội quân chủ, hay độc tài, đảng trị, gia đình trị, nơi người dân không được quyền tham gia quản lý, hay cử người đại diện quản lý xã hội.
 
Xã hội dân chủ vì thế:
  • không nhất thiết phải công nhận đầy đủ quyền công dân, các quyền tự do, nếu như toàn dân đồng ý như thế. Nếu quốc hội ra luật cấm báo chí, cấm tụ họp, cấm bia ôm, thì đó là vi phạm quyền tự do, chứ không phải dân chủ.
  • không nhất thiết là nhà nước pháp quyền, có nền tư pháp độc lập. Đây là đặc điểm của xã hội pháp quyền, chứ không phải của dân chủ. Nếu dùng đức trị, hay dùng các thoả thuận như kiểu hương ước mà quản lý được xã hội thì cũng tốt!
     
Trái lại, một chế độ phi dân chủ vẫn hoàn toàn có thể có những đặc trưng mà tôi loại ra ở trên.

Nhà nước quân chủ, độc tài vẫn có thể công nhận các quyền công dân, các quyền tự do, và trị nước bằng pháp luật. Các đấng minh quân có thể làm được điều này.
 
Tôi nhớ mãi một tình tiết trong Tam quốc chí: Tôn Quyền thì phải, muốn xin giảm nhẹ tội cho ai đó, nhưng viên quan chấp pháp nói: luật lệ này là luật của nhà nước, không phải do chúa công đặt ra, nên tôi không thể làm theo lời chúa công. Tôn Quyền chịu thua - xứng mặt minh quân!

Một tình tiết khác: trời mưa, một tên lính Ngô lấy cái nón rách của dân để che cho áo giáp khỏi ướt. Lã Mông bắt được, nói: Mày là người làng tao, tao cũng biết mày muốn che cho áo giáp của nhà nước khỏi ướt, nhưng làm thế vẫn là vi phạm nghiêm lệnh không được đụng đến tài sản của dân, phải trị tội.

Rõ là nhà nước pháp quyền nhé!
 
Thế nhưng, dù có pháp quyền, nhân quyền, tự do đến mấy, mà người dân không được tham gia điều hành đất nước, thì vẫn chưa là dân chủ. Nhưng thiết nghĩ, đối với người dân thì chỉ cần có pháp quyền, nhân quyền, tự do là tốt rồi, khỏi cần dân chủ làm gì cho mệt!

Chẳng qua hy vọng vào đấng minh quân là chuyện viển vông, và nếu không có dân chủ thì mấy thứ còn lại dễ có nguy cơ bị xâm phạm lắm, nên dân chủ phải đặt lên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết để có những thứ kia. Chứ dân chủ không phải là thứ người dân thực sự cần. Giống như muốn có cơm ăn thì phải có gạo, nước, lửa, nhưng nếu không có những thứ đó mà vẫn có cơm ăn thì còn tốt hơn!
 
Các công ty là biểu hiện của tình trạng phi dân chủ: người lao động chẳng có quyền bầu ra ban giám đốc! Nếu giám đốc giỏi thì nhân viên được nhờ. Dân chủ mà làm gì! Miễn lương cao là được!
 
Nói chung, dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, tự do là những phạm trù riêng biệt. Một chế độ có thể có những điểm này mà thiếu những điểm khác: có dân chủ nhưng thiếu pháp quyền, có pháp quyền nhưng thiếu tự do, có tự do nhưng thiếu nhân quyền (quyền có việc làm, được chăm sóc y tế, được học hành, được mời luật sư khi bị tóm… chẳng hạn) v. v…
 
Dĩ nhiên có tất cả là tốt nhất rồi.