VI. Nước Mỹ qua lăng kính của Hiện tượng chống Mỹ
Như đã đề cập ngay từ đầu bài, HTCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy từng quốc gia, từng giai đoạn và từng chính sách, đi từ sự chống đối lại một hay nhiều chính sách nào đó của Mỹ cho đến sự bài Mỹ một cách dai dẳng và có hệ thống. Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn nhận nước Mỹ, cung cách hành xử cũng như các chính sách của nó từ vị trí của mỗi một quốc gia trên thế giới. Hình ảnh nước Mỹ xuất hiện qua lăng kính của HTCM đại khái bao gồm các điểm sau:
- Triết lý kinh tế: Chủ trương kinh thế thị trường tự do nhắm vào cạnh tranh, tư hữu hóa và tự cung tự cấp dựa trên cá nhân chủ nghĩa của Mỹ là một hệ thống tạo ra những bất bình đẳng to lớn. Thế nhưng Mỹ tìm cách duy trì vĩnh viễn và tăng tiến hệ thống kinh tế kiểu này trên toàn thế giới. Các ông chủ xí nghiệp Mỹ ép buộc một lối sống đồng dạng (uniforn way of life) trên toàn thế giới. Hạn từ cocacolanization dùng để diễn tả tính chất đó. Các chi nhánh fast food của McDonald, Burgerking, siêu thị và mall… là biểu tượng của lối sống Mỹ, giết chết cách làm ăn buôn bán địa phương cổ truyền ở các nước khác.
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đơn phương được kèm theo những ngôn từ đẹp đẽ như tự do, nhân quyền, dân chủ nhưng thực tế cho thấy Mỹ chỉ áp dụng khi nào chúng phù hợp với quyền lợi thiết thân của Mỹ. Khi cần, Mỹ có khuynh hướng dùng sức mạnh quân sự để bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Với chính sách đó, sự bất bình đẳng càng ngày càng tăng trên thế giới vì sự giàu có càng ngày càng tập trung ở Mỹ.
- Tự do phát biểu: Luật tự do phát biểu của Mỹ đụng chạm nhiều đến các nước khác, nhất là khi Internet xuất hiện. Thông tin xuất hiện trên Internet đủ dạng loại, dễ dàng tiếp cận, gây ra nhiều đụng chạm đến nền tảng văn hóa, phong tục riêng của mỗi xã hội.
- Tự do tôn giáo: Người Mỹ cho rằng họ có sứ mạng bảo vệ thế giới khỏi bọn “quỷ”, hướng về Thượng Đế. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật thừa nhận một ngày cầu nguyện để bảo vệ Mỹ và các chiến sĩ của họ chống khủng bố. Trong thời gian vừa qua, tổng thống Bush không ngần ngại tuyên bố rằng ông chủ trương đánh chiếm Iraq là theo ý Thượng Đế. Trên đồng bạc của Mỹ có in dòng chữ “In God we trust” hay vụ kiện bỏ “Under God trong Pledge of Allegiance”. Những chính sách này đi ngược lại Hiến Pháp Hoa Kỳ là tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền. Mặt khác, Mỹ luôn luôn đề cao chủ trương tự do tôn giáo. Chủ trương đó không có gì sai trên nguyên tắc. Nhưng đối với một số nước, nó tạo cơ hội cho những tôn giáo khác bành trướng, dẫn đến sự xung đột với truyền thống văn hóa và tôn giáo lâu đời của họ. Thực ra, ngay ở Mỹ, chủ trương này cũng không được hoàn toàn ủng hộ, chẳng hạn người Công giáo không mấy hài lòng với nhiều tôn giáo được sinh hoạt và phát triển tự do ở Mỹ mà bản chất của họ là chống Công giáo như giáo phái Mormon, Jehovah hay Tin Lành.
- Anh ngữ: Ưu thế của Anh ngữ trên thế giới được xem như là một hình thức thuộc địa hóa về mặt văn hóa của Mỹ, ngay cả đối với những nước mà Anh ngữ là ngôn ngữ chính. An ngữ bây giờ gần như là quốc tế ngữ. Người Mỹ không cần phải học thêm bất cứ ngoại ngữ nào khác, trong lúc các nước khác, dù không muốn, cũng phải học tiếng Anh. Ở cộng đồng Âu châu, người ta tranh cãi dằng dai về việc nên chọn Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức hay không, đưa đến nhiều xung đột và bất đồng, vì trong số đó, chỉ có 1/8 số nước là nói tiếng Anh. Nếu chọn Anh ngữ thì vô hình chung là thừa nhận ảnh hưởng của Mỹ, trong khi đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế Âu châu là để chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
- Văn hóa đại chúng Mỹ: Qua sách, báo, truyền hình và Internet với số lượng và thời lượng dồi dào, phong phú, hấp dẫn, văn hóa đại chúng Mỹ xâm nhập ồ ạt và sâu xa vào tất cả mọi xã hội bất kể các rào cản về phong tục, tập quán, truyền thống tôn giáo và các biện pháp công quyền (có lúc rất chặt chẽ và cương quyết). Người ta gọi là có một sự “thặng dư kinh doanh” (trade surplus) các chất liệu và văn hóa Mỹ tại hầu khắp trên thế giới. Ở nhiều nơi không có các luật lệ bảo vệ văn hóa mạnh, các sản phẩm Mỹ tự do xâm nhập, làm xáo trộn xã hội và đè bẹp các sản phẩm văn hóa địa phương.
Thị trường phim ảnh gần như Mỹ độc quyền. Mỹ xuất cảng nhiều mà không nhập cảng mấy. Sách, truyện cũng vậy. Sách Mỹ dịch ra tiếng ngoại quốc thì nhiều mà sách nước ngoài dịch ra Anh Văn rất giới hạn (dưới 3% là sách dịch). Họ cũng chào đón các nền văn học nước ngoài, miễn là chúng xuất phát từ địa phương và mang bản sắc địa phương Mỹ, nghĩa là được viết bới những nhà văn đã là công dân Mỹ, viết từ nhãn quan Mỹ. Nói chung Mỹ không mấy cần đến văn hóa nước ngoài. Văn hóa nước ngoài tự đi vào Mỹ qua di dân, tự thoát xác, hội nhập vào Mỹ (Mỹ hóa).
Riêng đối với các nước Hồi giáo, các sản phẩm văn hóa phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng – với tính cách đề cao lối sống tự do, quan hệ tình dục bừa bãi và đầy tính chất thế tục - tự bản thân chúng là những công cụ tuyên truyền chống Hồi giáo rất mạnh mẽ và hữu hiệu.
- Thái độ cao ngạo: Người Mỹ thường tỏ ra hãnh diện một cách công khai về sự giàu có, về các thành tích thần kỳ trong lãnh vực khoa học và kinh doanh. Đặc biệt là xiển dương lòng ái quốc kiểu Mỹ (American patriotism), theo đó, Mỹ tự cho mình là “quốc gia vĩ đại nhất chưa bao giờ hiện hữu trên trái đất”. Lòng ái quốc đó không những chỉ để bảo vệ nước Mỹ mà còn để bảo vệ cả thế giới, “cứu vớt cả thế giới”. Thứ chủ nghĩa ái quốc, qua ưu thế của truyền thông, được truyền bá khắp thế giới. Theo Henry James, người Mỹ là người nghiện niềm tin cho rằng những quốc gia khác trên trái đất luôn luôn có âm mưu hạ giá trị của họ vì ganh tỵ.
Nước Mỹ, kể từ năm 1812, không hề chịu đựng một cuộc chiến tranh nào trên đất nước của họ với nước khác, do đó, quân lực Mỹ hùng mạnh và bằng quân lực, họ dùng để đe dọa và “blackmail” các nước khác, kể cả với đồng mình của mình. Ở Anh, người ta so sánh sự kiêu ngạo của Mỹ (qua vũ khí) bằng hình vẽ một chiếc B52 thả bom mà giá trị của nó lớn hơn ngân sách làm việc một năm của Liên Hiệp Quốc.
- Nhiều người Mỹ thiếu kiến thức về thế giới: Người Canada và Âu châu đều cho rằng đại đa số dân Mỹ thiếu các kiến thức căn bản về các vấn đề quốc tế, về lịch sử, địa lý, văn hóa của các nước khác. Lý do là vì họ cảm thấy không cần phải biết. Sự thiếu kiến thức này được tăng cường thêm do ngành giáo dục và truyền thông Mỹ có tính cách Americentrist (chỉ biết có Mỹ). Họ cho rằng nước Mỹ, với đất đai mênh mông, có đủ danh lam thắng cảnh, khí hậu khác biệt, nhiều chủng tộc (Mỹ có đến 146 sắc dân đến từ 146 quốc gia khác nhau), nhiều sắc thái văn hóa rồi, không cần phải đi tìm đâu xa.
- Môi sinh: Cách sống của Mỹ là phí phạm và vô trách nhiệm đối với môi trường. Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới. Với dân số chỉ bằng 4% dân số thế giới, họ tạo ra đến 25% ô nhiễm môi trường toàn cầu.
- Xã hội có tính đa văn hóa của Mỹ với sự pha tạp nhiều chủng tộc khác nhau, có nhiều dấu hiệu suy đồi. Mỹ là cơn ác mộng của hôn nhân dị chủng (miscegenation).
- Xã hội Mỹ là một xã hội bạo động: Một số nước châu Âu còn chống Mỹ vì Mỹ vẫn còn duy trì án tử hình trong lúc tuyệt đại đa số các nước châu Âu đã bãi bỏ án tử hình. Người Âu châu cho đó là một biện pháp dã man, trái hẳn với lời hô hào nhân quyền của Mỹ. Mặt khác, họ phản đối chính sách cho sử dụng súng tự do ở Mỹ, dẫn đến chỗ tỉ lệ giết người, bạo động và tội phạm gia tăng.
Tóm lại, với cái nhìn của một kẻ nhiễm nặng đầu óc bài Mỹ thì quả là Mỹ không có được một điểm tốt nào. Đã đành là Mỹ có những khuyết điểm, nhưng ngay cả những ưu điểm của Mỹ (tự do, giàu mạnh, phát triển) cũng đều không tốt. Thực ra, những quy trách ở trên, nếu xét kỹ, đa phần xuất phát từ sự khác biệt về quyền lợi giữa Mỹ với các quốc gia khác và xuất phát từ công cuộc hiện đại hóa. Xã hội Mỹ hiện đại hóa quá nhanh, quá táo bạo và quá hiệu quả khiến cho giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có một khoảng cách quá xa về giá trị cũng như về lối sống. Ngoài ra, nhiều quy trách xuất phát từ sự hiểu lầm hay từ cách đánh giá không đúng về lối vận hành hết sức đặc thù của xã hội Mỹ.
Điều quan trọng nhất cần ghi nhận, về bản chất, sự hình thành quốc gia Mỹ hoàn toàn khác hẳn với sự hình thành các quốc gia khác trong phần còn lại của thế giới. Sự hình thành chính sách của một quốc gia nào đó thường lệ thuộc nhiều điều kiện: truyền thống, lịch sử, dân cư, thói quen và cả thành kiến riêng. Nước Mỹ không bị ràng buộc nặng nề bởi quá khứ. Họ làm theo cách riêng của họ,
American way. Nếu một chính sách nào đó phù hợp với một ai đó trong một thời điểm nào đó, thì OK, thân Mỹ. Ngược lại, chống Mỹ. Thay đổi từ thái độ chống Mỹ sang thân Mỹ hay ngược lại có lẽ không có gì khó khăn và đòi hỏi quá nhiều điều kiện. Vả lại, người ta rất có thể thân Mỹ (ở chuyện này) và chống Mỹ (ở chuyện khác) cùng một lúc mà không cảm thấy mâu thuẫn gì lắm.
VII. Chống Hiện tượng chống Mỹ (Anti-anti-Americanism)
Nhiều nhà bình luận cho rằng HTCM xuất phát từ một thái độ phổ biến: ganh tị với bất cứ quốc gia nào giàu mạnh nhất. Sử gia Pháp Fernand Braudel (1902-1985) nhận xét: “Ngay tại trung tâm của nền kinh tế thế giới, người ta luôn luôn tìm thấy một quốc gia ngoại hạng, hùng mạnh, xông xáo và đặc ân, năng động khiến vừa sợ vừa ngưỡng mộ. Vào thế kỷ 15, đó là Venice; thế kỷ 17 là Holland, thế kỷ 18 và 19 là Anh và ngày nay là Hoa Kỳ”
[1] .
Có
Americanism thì có
anti-Americanism. Có
anti-Americanism thì lại có
anti-anti-Americanism, chống Hiện tượng chống Mỹ.
Đối với chính phủ Mỹ cũng như người dân Mỹ, HTCM không phải là điều gì mới mẻ. Trong quá trình vươn lên từ một quốc gia non trẻ có một lịch sử chưa đầy 250 năm kể từ ngày thành lập đến chỗ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất trên hành tinh, người Mỹ luôn luôn đụng phải thái độ thù nghịch ở nhiều nơi, trong nhiều lúc, từ bạn cũng như kẻ thù. Ảnh hưởng của Mỹ tràn đến đâu thì đồng thời cũng phát sinh ra xu thế chống Mỹ đến đó. Vì thế, trong lúc tìm cách bành trướng, củng cố vai trò của mình đồng thời chính phủ Mỹ cũng quảng bá, tuyên truyền chính sách đường lối của mình cho nhân dân các nước sở tại. Tùy nơi, tùy lúc, chính phủ Mỹ khi thì áp dụng chính sách cây gậy, khi thì củ cà rốt, khi thì tổng hợp cả hai.
Các hình thức chống Mỹ quá nhiều, quá đa dạng và quá bất định đến nỗi những nhà hoạch định chính sách Mỹ, lúc này và lúc khác, đành lắc đầu, không biết phải đối phó như thế nào. Đến nỗi hình như đó là điều không bao giờ có thể khắc phục được. Đừng nói gì những chính sách lớn lao mà Mỹ áp dụng trong một thời điểm nào đó cho một cuộc khủng hoảng nào đó gây ra những bất bình cho những quốc gia và dân tộc dính líu tới, trong rất nhiều trường hợp, tình cảm chống Mỹ nổ bùng một cách mạnh mẽ, dữ dội chỉ vì một sự kiện rất nhỏ: tờ
Newsweek đăng tin về một nhân viên coi tù nào đó giẫm chân lên cuốn kinh Qu’ran và xả nước cho trôi xuống cầu tiêu. Không cần biết hư thực, khắp nơi trong thế giới Hồi giáo, người ta rầm rầm biểu tình chống Mỹ, gây ra hàng chục người chết. Và rõ ràng những sự kiện như thế chẳng dính dáng gì đến tính cách Mỹ và chính sách của Mỹ cả. Đó chỉ là một chuyện thuộc về nhân sinh, có thể xảy ra bất cứ nơi đâu trên thế giới này.
Vào tháng 9 năm 2002, Sở Tình báo và Điều nghiên thuộc Bộ Ngoại giao (State Department ‘s Bureau of Intelligence and Research) tiết lộ rằng họ đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu về HTCM trên toàn thế giới. Đồng thời, cùng hợp tác với CIA, cơ quan này tổ chức một hội nghị nhằm mục đích thăm dò nhiều hình thức biểu lộ và gốc rễ của HTCM. Theo Richard Boucher, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, các quan chức Mỹ cần hiểu rõ “nguồn gốc và nguyên nhân và lý do khiến người ta không thích chúng ta ở một số nơi nào đó để chúng ta có thể phản công lại”. Một nhóm học giả và tác giả được mời đến với mục đích nghiên cứu và cải thiện hình ảnh của Mỹ. Các đề tài thảo luận đại loại như “Thái độ từng vùng đối với Hoa Kỳ” (Regional Attitudes towards the United States) “Có phải kiểu thức Hoa Kỳ đã trở thành chiếc cột thu lôi cho diễn ngôn toàn cầu Không?” (Has the American Model Become a Lightning Rod for Global Discourse?), “Những diễn viên mới trong Liên minh chống Mỹ – Liệu quyền năng mềm mỏng làm hại hay lợi cho Hình Ảnh của Mỹ?”…
Trong lúc đó, trong quần chúng và giới trí thức, nhiều sách báo, nhiều bài tham luận cũng được xuất bản, tập trung vào việc nghiên cứu xu thế chống Mỹ từ trong ra ngoài. Dù chuyện chống Mỹ không phải là điều mới mẻ đối với công chúng Mỹ, những HTCM thực sự chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là sau cuộc tấn công khủng bố 11/9 và các cuộc xâm lăng Afghanistan và Iraq. Tuy thế, phần nhiều bài viết đều do các nhà báo, các viên chức chính phủ đặc trách đề ra chính sách còn các học giả thì không mấy lưu tâm đến HTCM. Hoặc nếu có lưu tâm thì lại đưa ra một cái nhìn rất phiến diện. Trong vòng 20 năm qua, có khá nhiều tác phẩm viết về HTCM ở Trung Hoa, Đức, Canada, Hy Lạp hay Tây Ban Nha nhưng các điểm chính yếu đáng quan tâm thì chỉ được đề cập sơ sài. Tác phẩm nghiên cứu tương đối toàn diện về vấn đề là
Anti-Americanism:Rational and Irrational của Paul Hollander. Dẫu vậy, chỉ có ba chương là nghiên cứu về HTCM ở nước ngoài. Phần còn lại, ông chuyên chú phân tích thái độ chống Mỹ ở trong nước Mỹ (domestic anti-Americanism). Thái độ đó là một hình thức tự phê hoặc chống đối lại một số chính sách đối ngoại hay đối nội nào đó của nhà cầm quyền Mỹ. Nhưng nhìn chung, theo ông, làm một người Mỹ mà lại chống Mỹ thì quả là phản bội nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình. Ông cho rằng hầu hết các lý do căn bản của HTCM đều phi lý và xuất phát từ chỗ hiểu biết hoàn toàn lệch lạc về nước Mỹ.
Bernard Lewis, một học giả chuyên trách về Trung Đông, lại còn đi xa hơn và quá khích hơn. Trong một lần thuyết trình về chính sách Mỹ tại Trung Đông, Lewis bác bỏ ý kiến cho rằng những trả đũa quá mạnh bạo của Mỹ sẽ gây nên tâm lý bất lợi ở các nước Ả Rập. “Trong phần đó của thế giới, không có gì quan trọng hơn là một ý chí kiên định và sức mạnh”. Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như Lewis lại đưa ra một quan điểm vừa bảo thủ, cực đoan lại vừa bất chấp thực tiễn như thế thì không có gì ngạc nhiên khi Tom Delay, lãnh tụ đa số Hạ Viện lúc đó, mạnh miệng quả quyết “Trong thế giới Ả Rập trước 11/9, họ nghĩ rằng Mỹ là con hổ giấy. Một vị tổng thống của chúng ta (ám chỉ tổng thống Clinton) đã trả đũa khủng bố bằng cách ném một ít bom ở sa mạc. Họ cười ngạo. Và bây giờ họ thấy chuyện thật và sức mạnh thật. Và họ sợ sức mạnh”
[2] . Thứ quan điểm diều hâu và ấu trĩ như thế mà biến thành chính sách ngoại giao thì trách gì chính quyền Mỹ đi hết sai lầm này đến sai lầm khác trong các chính sách về Trung Đông và các đối sách đối với thế giới Hồi giáo. Tình hình Iraq và Afghanistan hiện nay cho thấy một cái nhìn phiến diện, ngạo mạn như thế để lại những hậu quả trầm trọng và lâu dài như thế nào đối với nước Mỹ.
Tác phẩm tương đối có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về HTCM là
Anti-Americanism [3] tập hợp nhiều tác giả là những học giả chuyên môn từ trường Đại học New York, tập trung phân tích HTCM qua nhiều khu vực khác nhau như Châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Châu Âu, Đông Á và Hoa Kỳ. Đặc điểm của tác phẩm này là được viết bởi nhiều người thuộc các chủng tộc khác nhau và viết từ góc độ của người đứng ở vị thế chống Mỹ. Mục đích của cuốn sách là để khêu gợi sự quan tâm của công chúng Mỹ đối với một hiện tượng mà từ lâu họ vẫn có vẻ không hiểu hay không tìm cách hiểu cho đến nơi đến chốn. Chống HTCM, hóa ra, là tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của HTCM. Vì có hiểu được gốc rễ sâu xa của nó, người ta mới chống lại HTCM một cách hữu hiệu hay nói cho đúng hơn, điều chính các chính sách và tính cách Mỹ cho phù hợp với phần còn lại của thế giới để tạo nên một thế cân bằng nào đó.
Điều khá trớ trêu, trong số những tác phẩm chống lại HTCM mạnh mẽ và quyết liệt nhất lại là tác phẩm của một người Pháp:
Anti-Americanism [4] của Jean-Françoise Revel. Với 9 chương sách, Revel lần lượt phân tích từng điểm một của quan điểm chống Mỹ ở Pháp và đưa ra những lập luận cũng như bằng chứng cho thấy người Pháp hoàn toàn sai lầm trong việc đánh giá nước Mỹ. Jean-Françoise bênh vực từ cách bầu cử tổng thống Mỹ, việc từ chối ký thỏa hiệp Tokyo về môi trường, chính sách cho sử dụng vũ khí cho đến án tử hình, hệ thống giáo dục và nền văn hóa Mỹ. Chẳng hạn, về vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu cho rằng quả thật Mỹ sản xuất ra 25% ô nhiễm môi trường thế giới thì “…cần vạch ra rằng Mỹ cũng sản xuất ra 25% các sản phẩm và dịch vụ của hành tinh, và rằng 167 nước ký vào hiệp ước Kyoto đã tuyệt đối chẳng làm gì để giảm bớt, dù trên bình diện tập thể hay cá nhân, 75% phần ô nhiễm môi trường do họ gây ra, trước giữa năm 2001”
[5] .
Về lời cáo buộc “Mỹ áp đặt kiểu mẫu kinh tế và xã hội trên các nước khác”, Revel cho rằng: “…khi nền kinh tế Mỹ chậm lại, phần còn lại của thế giới sớm muộn gì cũng bắt đầu chịu đựng hậu quả, và mọi người sốt ruột đợi chờ một sự “phục hồi từ Mỹ”
[6] . Về quan niệm cho rằng văn học Mỹ là tầm thường, không biết đến cái ác, chỉ biết đề cao bạo động, tình dục và khoe khoang cái hay cái đẹp của nó, Revel cho rằng những người phê phán đã không hề biết đến tác phẩm của những nhà văn như Frank Norris, Theodore Dreiser, Upton Sinclair hay Sinclair Lewis, John Steinbeck, Dos Passos… tố cáo bất công, tham nhũng, vô văn hóa trong xã hội Mỹ. Về nghệ thuật, bài bác ý kiến cho rằng nghệ thuật Mỹ chỉ là các khúc hát thời trang của Madona hay phim hành động với tài tử vai u thịt bắp Arnold Schwarzenegger thủ vai chính, Revel trưng dẫn nước Mỹ có đến 1700 rạp hát giao hưởng và hàng năm có đến bảy triệu rưởi người đi xem; các viện bảo tàng hàng năm có 500 triệu khách xem và tất cả các viện bảo tàng Mỹ đều do tư nhân là các nhà tư bản tài trợ và vào cửa hoàn toàn miễn phí
[7] .
Revel than phiền rằng nhiều người Pháp chỉ ngồi nhà suy luận mà không hề chứng kiến thực tế Mỹ. Tinh thần chống Mỹ nói chung là bài Mỹ hơn là phê phán Mỹ. Revel mỉa mai: “Ở đây chúng ta sẽ thấy người Mỹ có ích với chúng ta như thế nào: nó an ủi chúng ta về các thất bại của riêng chúng ta, dùng cái huyền thoại cho rằng họ tệ hơn chúng ta, do đó, mỗi khi có điều gì không tốt xảy ra với chúng ta thì đó là lỗi của họ. Mỹ là con dê tế thần, được sinh ra để gánh chịu hết những tội lỗi của thế giới”
[8] .
Revel nhận định: “Quyền lực thống trị của Mỹ chỉ nợ một phần ở sự sáng tạo và quyết tâm của nhân dân Mỹ; nó còn xuất phát từ sự bỏ cuộc do các thất bại chồng chất của phần còn lại của thế giới: sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự đổ nát của Phi châu, sự chia rẽ của Âu châu, sự chậm chạp của Á châu và châu Mỹ Latinh trong quá trình tiến đến chế độ dân chủ”
[9] .
Tôi cho đó là một nhận định khá chính xác về tương quan Mỹ - thế giới.
Nhưng có thực là Á châu chậm chạp trong quá trình dân chủ hóa (có lẽ Revel muốn nói đến quá trình hiện đại hóa)?
So với các vùng khác, nói chung, ảnh hưởng của Mỹ đến với Á châu tương đối muộn và không đều. Sau Đệ nhị Thế chiến, do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh lạnh, với nhu cầu chống Liên Xô và đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ mới thực sự quan tâm đến Á châu. Sự quan tâm này - bất hạnh thay - đưa đến hai cuộc đụng độ lớn (chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam) khiến cản trở, làm đình đốn hay chậm lại mối quan hệ giữa hai bên. Dẫu vậy, HTCM ở Á châu không dẫn đến một tình hình cực đoan như một số nơi khác.
Người Á châu nói chung chống một số chính sách nào đó của Mỹ khi các chính sách này đi ngược lại quyền lợi của nhân dân hay của một nhà cầm quyền nào đó trong một giai đoạn nào đó. Khi chính sách này không còn nữa hay khi tình hình thay đổi, họ sẵn sàng chấp nhận Mỹ để tiến tới. Nhật Bản có lẽ là nước đầu tiên chọn thái độ này. Sau Đệ nhị Thế chiến, giữa những đổ nát và nhục nhã của một quốc gia thất trận và bị chiếm đóng, thế hệ những thanh niên mới lớn Nhật đã chấp nhận sự hiện diện và lệ thuộc Mỹ, hay nói một cách khác, lợi dụng tình hình đó để xây dựng lại nước Nhật, một nước Nhật hoàn toàn mới. Và chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã thành công.
Tiếp đó là Nam Hàn. Cũng như Nhật, người Nam Hàn chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ, xem Mỹ như một cái ô dù về mặt quân sự để họ rảnh tay biến một Nam Hàn từ một trong những nước lạc hậu nhất thế giới đến một quốc gia công nghiệp hóa không thua gì các nước hàng đầu châu Âu.
Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ nối tiếp nhau dựa vào Mỹ để tiến bước. Đặc biệt, Ấn Độ đạt được những thành quả phi thường trên nhiều lãnh vực trong một chế độ dân chủ ổn định. Ngay cả một nước có dân số Hồi giáo đông nhất trên thế giới như Indonesia cũng đang có xu hướng đi gần với Mỹ và tập tễnh trò chơi dân chủ.
Trường hợp Trung Quốc khá ngoạn mục. Sự thay đổi của Trung Quốc từ chống Mỹ cực đoan đến hòa hoãn và thậm chí thân Mỹ ở một mức độ nào đó để lại những hình ảnh đầy ấn tượng. Sau mấy thập niên chống Mỹ cuồng nhiệt (và cuồng tín) không thua gì các nhóm cực đoan Hồi giáo hiện nay, qua sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc xoay một góc 180 độ. Tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, cưỡi ngựa, đội mũ cao bồi và ca ngợi kẻ cựu thù về nhiều mặt. Trở về nhà một tháng sau, ông ta ra lệnh “dạy cho Việt Nam một bài học” mà thực chất là rửa mặt giùm cho Mỹ sau thất bại ở Việt Nam bốn năm trước đó. Thành thật mà nói, các màn nặng tính chất trình diễn đó, tuy khôi hài và có chút gì
cynic nhưng chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc từ bỏ hẳn quan điểm chống Mỹ theo lối cũ, vừa vô ích vừa vô hiệu. Từ đó, Trung Quốc nghênh ngang vươn lên.
Những con rồng châu Á tiếp tục ra đời, có khi, được thế giới phương Tây xem như là những “phép lạ”. Ừ, thì phép lạ!
Một trong những đặc điểm của tương quan Mỹ-Á châu là người Á châu chọn giải pháp thỏa hiệp. Nghĩa là, trong chừng mức cho phép, các nhà nước và nhân dân Á châu chấp nhận Mỹ - hay nói đúng hơn, lợi dụng Mỹ - để canh tân đất nước. Nữ ký giả Elizabeth Rosenthal, trên tờ
International Herald Tribune, kể lại một mẩu chuyện tượng trưng cho đời sống của nhân dân Trung Quốc sau thời kỳ đổi mới. Một người dân Trung Quốc nói với bà: “So sánh cuộc sống chúng tôi bây giờ với mười năm trước đây cũng giống như so sánh giữa trần thế với thiên đàng. Người Mỹ không chỉ bán cho chúng tôi các sản phẩm của họ, mà họ bán cho chúng tôi cả một nền văn hóa và đó là thứ văn hóa mà người Trung Quốc ham thích. Người ta nói rằng: khi anh mua một sản phẩm Mỹ, đồng thời anh cũng mua một cách sống mới”
[10] .
Qua quan hệ với Mỹ, nhiều nước chuyển sang hình thức dân chủ tự do kiểu Tây phương một cách êm thấm như Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ. Một số nước khác chọn giải pháp trung dung: hiện đại hóa theo kiểu Mỹ nhưng giữ một hình thức chuyên quyền nào đó, Singapore chẳng hạn. Trung Quốc thì đang loay hoay tìm một hình thức tồn tại mang tinh thần Đại Hán riêng của họ: phát triển kinh tế thị trường, chuyên quyền về chính trị và tiếp tục chính sách bá quyền khu vực.
Lý do chính một phần có lẽ do ở chỗ người Á châu không quá dị ứng với văn hóa Tây phương nói chung và văn hóa Mỹ – hay
Americanism - nói riêng, như các nước Trung Đông. Mặt khác, văn hóa Á châu lại được những nhà trí thức Tây Phương yêu thích, cảm phục và đề cao. Phật giáo chẳng hạn, từng bước xâm nhập Tây Phương một cách nhẹ nhàng, lúc đầu qua các nhà sư Nhật Bản và hiện nay, qua hai khuôn mặt hàng đầu là Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam. So sánh cảnh những người ôm bom tự sát diễn ra hàng ngày ở Israel hay ở Iraq (làm cho Israel và người Mỹ bối rối và kinh hoàng, nhưng đổi lại, biết bao nhiêu tài năng ưu tú của người Ả Rập đã phí phạm đi một cách oan uổng theo những lần tự sát) với cảnh thánh Gandhi tuyệt thực trong tinh thần tranh đấu bất bạo động hay cảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma hay thiền sư Thích Nhất Hạnh đứng nói chuyện về lòng nhân ái và tha thứ trước hàng chục ngàn khán giả Mỹ tại một công viên ở New York hay tại một thiền viện nào đó ở California hay Massachusetts thì quả là khác nhau một trời một vực. Người Hồi giáo sốt ruột muốn trả thù. Người Á châu tận dụng thời gian để tiến tới.
Có lẽ người Á châu không thể – và không muốn - tạo nên những biến cố kinh hoàng như vụ 11/9 hay các vụ
car bomb hay
suicide bomber. Họ chống Mỹ bằng cách chinh phục Mỹ qua con đường văn hóa, mặt khác, thách thức Mỹ bằng cách học hỏi kinh nghiệm Mỹ để phát triển về kinh tế và giáo dục. Mỗi nước chọn con đường Mỹ hóa theo cách riêng của mình. Á châu phát triển bằng một phương thức có vẻ nghịch lý: chống Mỹ bằng cách Mỹ hóa. Một cách thích nghi giữa
Americanism và
anti-Americanism. Tóm lại, với người Á châu, Mỹ không phải là cái gì để người ta phải chiến đấu một mất một còn. Mỹ không là cái Ác và phần còn lại của thế giới không là cái Thiện. Không phải là một đối đầu Thiện/Ác. Thay vì tốn công sức và hy sinh để bảo vệ những truyền thống lỗi thời và lạc hậu như những người Hồi giáo cực đoan (đào tạo những kẻ cuồng tín) đang hăng hái làm, người Á châu tìm cách thích nghi truyền thống của họ với thời đại mới. Thay vì đào tạo những kẻ tuẫn giáo sẵn sàng ôm bom lao đầu vào các cơ sở Mỹ để tự sát và sung sướng nhìn thấy một nước Mỹ cuống cuồng, hoảng sợ thì người Á châu xây nhà máy, mời mọc tư bản Mỹ vào đầu tư và sản xuất các sản phẩm mỗi ngày mỗi tốt hơn, đẹp hơn để đưa vào cạnh tranh ngay trong thị trường Mỹ. Mặt khác, thay vì khư khư cho kinh Qu’ran là số một, là chân lý tuyệt đối và Thiên chúa giáo là hoàn toàn sai lầm, người Á châu hiện đại hóa tôn giáo và triết lý của mình để dễ dàng tiếp cận với xã hội Tây phương, từng bước đem ánh sáng văn minh phương Đông chan hòa vào phương Tây một cách hòa bình, trí thức và cao thượng. Phương cách đó có giá trị thuyết phục rất lớn đối với một nước Mỹ giàu có và đầy cao ngạo
[11] .
Với một sự sai khác như thế thì tiên đoán của Huntington về một “sự liên kết quân sự và kinh tế giữa hai nền văn minh Khổng giáo – Hồi giáo” (Confucian-Islamic connection)
[12] để chống Tây phương nói chung và chống Mỹ nói riêng là hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế. Nói cách khác, thay vì xem chuyện chống Mỹ là nhu cầu sinh tồn, là lý do tồn tại của truyền thống thì người Á châu xem đó là chuyện thứ yếu. Họ bận tâm với chuyện học hỏi và tiến bộ bằng chính phương cách của Mỹ hơn là cứ khư khư khước từ tất cả giá trị Mỹ.
Bây giờ đến lượt Việt Nam. Mỹ đến với Việt Nam khá sớm, từ những năm cuối Đệ nhị Thế chiến khi các sĩ quan OSS Mỹ tiếp xúc với Việt Minh trong một nỗ lực chung đánh bại quân đội Nhật đang chiếm đóng. Nhưng phải đến sau khi hiệp định Genève, người Mỹ mới thực sự có mặt ở Việt Nam. Do các yếu tố lịch sử, địa lý cùng với cuộc chiến tranh ý thức hệ đang ở thời kỳ cao điểm, quan hệ Mỹ - Việt trải qua những thời điểm cực kỳ bi kịch: miền Bắc CS chống Mỹ, miền Nam quốc gia thân Mỹ. Đó là trên hình thức. Thực ra, miền Bắc chắc không thiếu người thân Mỹ và miền Nam lại không thiếu người chống Mỹ. Cùng với những khác biệt về chính kiến, ở một điểm khác, vô hình trung, xu thế thân Mỹ và chống Mỹ một phần nào đó đã góp phần đưa đến sự chia rẽ và hận thù dân tộc. Sau chiến tranh, người thắng trận cay đắng vì đã đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào” mà đất nước cứ thụt lùi đằng sau do Mỹ cấm vận và do áp dụng đường lối cộng sản trong lúc người bại trận thì cay đắng vì “đồng minh tháo chạy”. Nhưng ai cay đắng và dù cay đắng kiểu nào thì ba thập niên trôi qua kể từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, rốt cuộc, Việt Nam vẫn chạy trời không khỏi… Mỹ. Mỹ đi rồi Mỹ lại về!
Với chính sách xích gần với Mỹ của nhà cầm quyền cộng sản và với sự hiện diện của gần 1,5 triệu người Việt định cư ở Mỹ cùng với phong trào dân chủ đang dâng cao trong nước hiện nay, vấn đề bây giờ rõ ràng không phải là chống Mỹ hay thân Mỹ nữa. Vấn đề là người Việt Nam sẽ sử dụng “yếu tố” Mỹ như thế nào để đưa đất nước tiến lên?
Đó là câu hỏi mà tất cả người Việt (trong và ngoài nước) phải trả lời. Bằng thực tế.
Khoảng năm mươi năm trước đây một nhà hài hước Mỹ tên là Art Buchwald cho đăng một quảng cáo trên tờ báo
Times ở Luân Đôn, đặt câu hỏi: Xin quý vị cho biết vì lý do nào mà người ta lại ghét Mỹ như thế?
Từ những câu trả lời thu thập được, Buchwald đi đến kết luận rằng hiện tượng chống Mỹ chỉ có thể được giải quyết nếu người Mỹ ngừng tiêu tiền một cách phung phí, ngừng ăn to nói lớn ở những nơi công cộng, chấp nhận một chính sách ủng hộ chế độ thuộc địa do các nước châu Âu thành lập, ủng hộ những cuộc phiêu lưu quân sự của Anh ở kênh Suez trong tương lai, đừng lấy dầu ra khỏi vùng Trung Đông, đừng nhai kẹo cao su, đừng xuất cảng nhạc Rock’n Roll, và nói tiếng Anh cho đúng với tiêu chuẩn của người Anh, v.v...
Ngừng và Đừng!
Ngày nay, nếu phải nói thêm thì có lẽ như thế này: HTCM chỉ chấm dứt nếu Mỹ ngừng chiếm đóng Iraq, đừng hô hào nhân quyền và chế độ dân chủ tự do, đừng phóng vệ tinh lên sao Hỏa, dân Mỹ ngừng làm
overtime, chính quyền Mỹ đừng ủng hộ Israel, đừng dùng ưu thế của các phương tiện truyền thông như CNN, ABC để bành trướng ảnh hưởng, đừng chận hàng hóa của thế giới tràn vào đất Mỹ, đừng xuất cảng nhạc và văn hóa phẩm đủ loại đi khắp thế giới, đừng có Bill Gates, đừng mua chất xám của thế giới, đừng dùng các đại học Harvard, MIT, Yale, Cornell để đào tạo những người thân Mỹ. Vân vân và vân vân. Tùy theo chỗ đứng của mỗi một quốc gia hay mỗi một vị thế, mà người ta sử dụng chữ “đừng” khác nhau dành cho nước Mỹ như là điều kiện để thôi không còn hiện tượng chống Mỹ.
Tóm lại, để được thế giới chấp nhận, phải chăng Mỹ phải “đừng” là… Mỹ nữa?
Nghĩa là phải chăng HTCM chỉ chấm dứt khi nước Mỹ ngừng hiện hữu?
Nhưng nước Mỹ không ngừng hiện hữu, vậy thì sự tồn tại của HTCM có lẽ cũng hiển nhiên như chính sự tồn tại của nước Mỹ vậy. Hiện tượng Mỹ hay Hiện tượng chống Mỹ không thoát khỏi vận động biện chứng của lịch sử mà toàn nhân loại phải kinh qua và chia sẻ, dù muốn hay không.
Đôi khi phải trả một cái giá rất đắt!
(9/2006)
Tài liệu tham khảo
- Andrew & Kristin Ross biên tập, Anti-Americanism, nhiều tác giả, New York University Press, 2004
- Noam Chomsky, Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance, Metropolitan Books, Henry Holt and Company, New York, 2003
- Noam Chomsky, The Culture of Terrorism, South End Press, Boston, 1988
- Noam Chomsky, “What Uncle Sam Really Wants” (http://www.zmag.org/chomsky/sam/sam-3-5.html)
- Noam Chomsky, “The Responsibility of Intellectuals”, The New York Review of Books, 23/2/1967
http://www.chomsky.info/articles/19670223.htm
- Martin Heidegger, An Introduction to Metaphysics, bản dịch tiếng Anh của Ralph Manheim, Yale University Press, 1959
- Jean-Francois Revel, Anti-Americanism, bản dịch tiếng Anh của Diarmid Cammell, nxb Encounter Books, San Francisco, 2003 (nguyên bản tiếng Pháp: L’Obsession anti-américaine: Son fonctionnement, ses causes, ses conséquences)
- Emmanuel Todd, After the Empire: the Breakdown of the American Order, bản dịch tiếng Anh của Jon Delogu, nxb Colombia University Press, 2004 (nguyên văn tiếng Pháp: Après l’Empire: Essais sur la décompositon du systèm américain)
- Denis Lacorne, “Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective” – 3/2005
(http://www.ceri-sciences-po.org)
- Pew Research Center, “Anti-Americanism: Causes and Characteristics”
(http://people-press.org/commentary/display,php3?AnalysisID=77)
- George Shadroui, “Dissecting Chomsky and Anti-Americanism”
(http://www.intellectualconservative.com/article3754.html)
- Bernard Chazelle, “Anti-Americanism: A Clinical Study”
(http://www.cs.princeton.edu/~chazelle/politics/antiam.html)
- Judy Colp Rubin, “The Five Stages of Anti-Americanism”
(http://www.fpri.org/enotes/20040904.americawar.colprubin.5stagesantiamericanism.html)
- James W. Ceaser, “A genealogy of anti-Americanism”, Archived Issue - Summer 2003
(http://www.thepublicinterest.com/archives/2003summer/article1.html)
- Walter Russell Mead, “Why Do They Hate Us?”, Foreign Affairs, March/April 2003
- Wikipedia, “Anti-Americanism”, (http://en.wikipedia.org/wiki/Anti-americanism)
- Keith Windschuttle, “The hypocrisy of Noam Chomsky”, The New Criterion Vol. 21, No. 9, May 2003
- Ira Leonard, “Violence is the American Way”, AlterNet. Posted April 22, 2003
(http://alternet.org/story/15665)
- Seymour Martin Lipset, “American Exceptionalism A Double Edged Sword”
(http://www.washingtonpost.com/wp-srv/style/longterm/ books/chap1/americanexceptionalism.htm)
- Rob Kroes, “Anti-Americanism as a Subtext:French Views of the World Wide Web”,
(http://www.lboro.ac.uk/research/changing.media/Paper-Kroes.htm)
- Jean-Francoise Revel, “Europe’s Anti-American Obsession”,
(http:// http://www.theamericanenterprise.org/issues/articleid.17764/article_detail.asp)
- Samuel Huntington, “The Clash of Civilizations”, tạp chí Foreign Affairs, USA, Fall 1993
- Paul Berman, “The Philosopher of Islamic Terror”, New York Times 23/3/2003
- Pierre Bourdieu, “Questions aux vrais maitres du monde”, Le Monde 14/10/1999
- Tạp chí Europe, số 756, tháng 4/1992, chủ đề đặc biệt: "L’Invention de l’Amérique”
© 2006 talawas
[1]Fernand Braudel,
The Perspective of the World, dẫn theo Wikipedia
[2]Dẫn theo Andrew Ross và Kristin Ross,
Anti-Americanism, tr. 26,27
[3]Andrew Ross và Kristin Ross ,
Anti-Americanism[4]Jean-Francoise Revel,
Anti-Americanism [5]Jean-Francoise Revel,
sđd, tr. 25
[6]Jean-Francoise Revel,
sđd, tr. 29,30
[7]Jean-Francoise Revel,
sđd, tr. 109, 110
[8]Jean-Francoise Revel,
sđd, tr. 170
[9]Jean-Francoise Revel,
sđd, tr. 17
[10]Elizabeth Rosenthal,
In China, a Big Appetite for America, Inter national Herald Tribune, 26/2/2002. Dẫn lại theo Jean-Francoise Revel,
Anti-Americanism, tr. 144
[11]Mới đây, ngày 13/9/2006, Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua một dự luật tặng thưởng huy chương dân sự cao quý nhất của nước Mỹ, Congressional Gold Medal, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vì “những đóng góp bền bỉ và ngoại hạng của ngài cho hòa bình, bất bạo động, nhân quyền và sự cảm thông về tôn giáo”. Trước đó, vào tháng 5/2006, Thượng Viện Hoa Kỳ cũng đã thông qua một dự luật tương tự. Dự luật này được sự bảo trợ rộng rãi của 387 dân biểu và nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đại diện cho hơn 2/3 tổng số các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Đồng thời ở Canada, một trung tâm đặt theo tên cùa ngài, International Dalai Lama Center for Peace and Education, cũng được thành lập tại thành phố Vancouver dưới sự điều hành của các lãnh tụ quốc tế như cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cựu tổng thống Tiệp Vaclav Havel, Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu…Ngoài ra, một tác phẩm viết về cuộc đời Đức Phật
Đường xưa mây trắng (Old Path White Clouds) của một khuôn mặt Phật giáo khác, thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã được ký hợp đồng quay thành phim, do nhà tỷ phú Ấn Độ B.K Modi bỏ tiền ra sản xuất và Michel Shane (từ Holywood) làm giám đốc sản xuất.
[12]Samuel Huntington, “Clash of Civilizations”