trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
4.10.2006
Trần Hữu Thục
Hiện tượng chống Mỹ
 1   2   3 
 
2. Hiện tượng chống Mỹ ở Pháp

Hiện tượng chống Mỹ bàng bạc ở khắp các nước Âu châu, nhưng Pháp có lẽ là nơi mà xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất, dai dẳng nhất và điển hình nhất, đến nỗi bất kể quan hệ Pháp-Mỹ như thế nào về hình thức, luôn luôn có một khoảng cách khó có thể san bằng giữa Pháp và Mỹ. Hình ảnh về nước Mỹ mà người dân Pháp có được thông qua sách, báo hàng ngày được mô tả như sau:

Mỹ là một xã hội hoàn toàn bị điều khiển bởi tiền bạc. Không có bất kỳ một giá trị nào khác, cho dù đó là luân lý, gia đình, tôn giáo, quyền dân sự, văn hóa, chức nghiệp… Mọi thứ đều là hàng hóa, được đánh giá và sử dụng chỉ độc có giá trị vật chất. Một người chỉ được phán đoán qua số tiền mà người đó có trong trương mục ngân hàng. Mọi tổng thống Mỹ đều dính líu quyền lợi nặng nề trong các công ty dầu hỏa, các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự, nông nghiệp và thị trường chứng khoán ở Wall Street. Mỹ là một “khu rừng hoang”, nằm ngoài luật pháp, một thứ tư bản chủ nghĩa dã man, ở đó người giàu cứ giàu thêm và người nghèo càng ngày càng nghèo. Không có trợ cấp thất nghiệp, không hưu bổng. Chỉ có những người may mắn lắm mới có quyền có chăm sóc sức khỏe và sống một đời đàng hoàng. Đại học chỉ dành cho những người có tiền trả học phí, và học phí rất đắt. Mỹ là xứ bạo động tràn lan, hoành hành. Bạo động ngự trị bất cứ nơi đâu mà người ta tới. Dân chủ ở Mỹ chỉ là dân chủ hình thức, v.v và v.v… [1]

Nghe như một loại tài liệu tuyên truyền rẻ tiền được dùng trong các nước cộng sản thời còn bế quan tỏa cảng. Ấy thế mà đó là những gì có thật được chính một tác giả Pháp, Jean-Françoise Revel, viết cách đây mới vài năm. Revel không nói quá. Chính một Đại sứ Mỹ ở Anh vào năm 1987 đã viết: “Mỹ bạo động, Mỹ dốt nát (crass), Mỹ vụng về (inept), tất cả những thứ đó trở thành hình ảnh thường nhật của Mỹ ở Châu Âu”.

Đối với Pháp, nước Mỹ dù được xem là tượng trưng cho tiến bộ, dân chủ, bình đẳng, hiện đại nhưng vẫn là đe dọa lớn nhất đối sự sống còn của văn hóa châu Âu nói chung và văn hóa Pháp nói riêng. Người Pháp không thể chấp nhận văn hóa Mỹ vì hai lý do: tính thương mại và tính lắp ghép tùy tiện [2] . Văn hóa Mỹ là kết hợp hai yếu tố vốn không thích hợp nhau: dân chủ và thương mại. Đáng lẽ ra cái gì là cao thượng thì tách bạch ra khỏi những yếu tố thông thường khác nhưng ở Mỹ, văn hóa đòi hỏi phải có tính bình đẳng và dân chủ. Nghĩa là văn hóa phải đi vào quần chúng, bất kể thành phần (vì như vậy mới dân chủ). Hậu quả là: các sản phẩm văn hóa trở thành phổ thông và đến với thị trường y như bất cứ sản phẩm tiêu dùng nào khác. Văn hóa trở thành hàng hóa. Là hàng hóa thì phải sản xuất hàng loạt. Do sản xuất hàng loạt, chúng cần thị trường tiêu thụ. Vì không được sự bảo trợ của văn hóa Âu châu, nó tự tạo ra khách hàng của chúng để đủ sức trang trải phí tổn. Thế là với thị trường càng ngày càng mở rộng, văn hóa Mỹ rời bỏ phẩm tính để đi vào lượng tính.

Một thứ văn hóa như thế tất nhiên phải xuất phát từ một sự lắp ghép tùy tiện. Nó bất chấp mọi tiêu phạm, trộn lẫn giữa cao cấp và bình dân, giữa cái cao thượng và cái tầm thường. Tất cả tiêu chuẩn đều bị san bằng, giảm xuống cùng một loạt như nhau, nghĩa là “cá đối bằng đầu”. Văn hóa Mỹ trở thành phản-lịch sử, phản-siêu hình và phản-cơ cấu, vì nó chuộng thành phần hơn toàn thể. Nhiều trí thức nổi tiếng Pháp từ George Duhamel cho đến Françoise Mauriac, từ Jean-Paul Sartre cho đến Simone de Beauvoir đều không tiếc lời chê bai mỗi khi có dịp. Năm 1865, nhân cuộc triễn lãm quốc tế đầu tiên tổ chức ở Paris với sự tham dự của Mỹ, nhà thơ Baudelaire phát biểu: “Con người hiện đại đã bị Mỹ hóa đến nỗi nó đánh mất cả khái niệm về sự khác biệt đặc trưng cho những hiện tượng trong thế giới vật lý và thế giới luân lý, sự khác biệt giữa cái tự nhiên và cái siêu nhiên”. Tờ Journal của anh em Goncourt (về sau thành lập giải thưởng Goncourt) viết nhân cuộc triển lãm lần 2 năm 1867: “Triển lãm quốc tế là cú đánh cuối cùng cho sự Mỹ hóa nước Pháp”. Còn Simone de Beauvoir gọi dân Mỹ là một dân tộc cừu (un peuple de moutons), toàn những kẻ nhắm mắt đi theo, thiếu tinh thần phê phán và sáng tạo [3] .

Thập niên 1930 là thời kỳ HTCM phát triển mạnh ở Pháp khi ảnh hưởng của lối sống và cung cách làm việc của Mỹ bắt đầu lây lan sâu rộng trong xã hội Âu châu. Mỹ bị tấn công liên tục và dữ dội với nhiều tác phẩm nghiên cứu hay biên khảo phân tích về chủ nghĩa Mỹ và những sai trái của nó, chẳng hạn như Scènes de la vie future của Georges Duhamel, Le mode sans âme của Daniel Rops và đặc biệt là hai cuốn La Décadence de la nation françaiseCancer américian của Robert Aron (1898-1975) và Arnaud Dandieu (1897-1933). Tất cả đều cùng một chủ điểm: lên án “con quỷ của thời đại” chỉ biết đến giá trị vật chất là Mỹ. Trong La Décadence de la nation francaise, tác giả nhận xét: “Sự duy lý hóa toàn bộ của xã hội hiện đại dưới sự hỗ trợ của Ford, Taylor và Young đã phi nhân hóa tất cả hệ thống quy chiếu của chúng ta” [4] . “Giáo điều kỹ nghệ mới” của Mỹ đưa đến hai lần phản bội: phản bội tình cảm yêu nước cũ xuất phát từ truyền thống cách mạng Pháp và phản bội truyền thống tư bản Pháp. Theo hai ông, khi chạy theo triển vọng “vật chất và lượng tính”, nước Pháp đã thua trận và tự hy sinh mình cho những cơ cấu xã hội hoàn toàn đối nghịch với nó. Và do đó, nó trở thành “vật ký sinh” của đế quốc Mỹ, đã phá hoại “tất cả những biểu lộ tình yêu đất và yêu quốc gia”. Họ đề nghị nước Pháp nên “trở lại một thứ cá nhân chủ nghĩa thực, tình cảm và chống duy lý” (anti-rational).

Trong Le Cancer américain, hai ông đánh giá lại căn bệnh Mỹ, một thứ bệnh ung thư tiềm ẩn xâm nhập vào tất cả cộng đồng con người. Họ vạch rõ Mỹ “là một phương pháp, một kỹ thuật, một thứ bệnh của tinh thần”. Họ bài bác “tính cách Mỹ”, cho đó là một thứ “chủ nghĩa man rợ” (barbarism) đe dọa toàn thể loài người”. Bản tuyên ngôn thành lập nhóm “Esprit” [5] năm 1932, nhắm vào một nước Mỹ đại độc tài (grand américain Tyranny), một xã hội được cai trị y như các hãng, xưởng mà các chủ nhân của nó cố tìm cách biến con người thành máy móc để tìm kiếm lợi nhuận. Trong tình huống đó, đời sống con người bị giằng xé giữa dục vọng và nhân cách dẫn đến rối loạn về mặt tâm lý, dễ gây ra giết người và tự sát. Giải pháp là phải cứu vớt con người bằng cách làm cho nó ý thức về căn cước thực sự của chính nó.

Tình cảm bài Mỹ thập niên 1930 được diễn tả bằng từ ngữ “pseudo-Nietzscheism”: nêu lên sự quan trọng của ý chí chống lại thứ chủ nghĩa duy lý lạnh lùng của “con vật kinh tế” (homo oeconomicus) được xiển dương bởi các chủ ngân hàng và các tập đoàn kỹ nghệ Mỹ.

Sau Đệ nhị Thế chiến và trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhận định nổi tiếng của Heidegger giữa Liên Xô và Mỹ (xem lại tiểu mục “Tư tưởng Heidegger” phần trên) được tán thành bởi nhiều nhà trí thức tầm cỡ của Pháp như Merleau Ponty, Jean-Paul Sartre hay Etienne Gilson và được lập đi lặp lại không mệt mỏi bởi một số chính trị gia theo chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme) như Jacques Thibau trong La France colonisée (1976), Jean-Marie Benoist trong Pavane pour une Europe défunt (1980), Anicet Le Pors trong Marianne à l’encan (1980)… [6] . Chẳng hạn như chính trị gia Pháp, Alain de Benoist, một trong những lãnh tụ của Tân Hữu phái Pháp, trong một tác phẩm viết vào năm 1981, nhận định: “Sự thực là có hai hình thức độc tài toàn trị y hệt như nhau. Cái trước ở phương Đông (ám chỉ Liên Xô), bỏ tù, hành hạ thể xác, nhưng còn có chỗ cho hy vọng. Cái kia, ở phương Tây (ám chỉ Mỹ), đưa đến việc tạo ra những con người máy hạnh phúc (happy robots). Nó điều hòa không khí địa ngục và giết chết linh hồn” [7] . Có thể xem đây là một trong những lập luận nền tảng của tư tưởng chống Mỹ trong hàng ngũ trí thức và chính trị gia Âu châu.

Trong bài viết “Questions aux vrais maitres du monde” trước “Hội nghị quốc tế về Viện Bảo tàng truyền hình và truyền thanh” (MTR) ngày 11/10/1999, đăng lại trên tờ Le Monde [8] , Piere Bourdieu, một trong những trí thức hàng đầu của Pháp hiện nay, cho rằng Mỹ đang kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông trên thế giới, đó không phải là một quyền năng chính trị hay kinh tế, mà là một thứ quyền năng biểu tượng (pouvoir symbolique), một thứ quyền hành tác động trực tiếp trên tinh thần và trí tưởng tượng của con người xuyên qua các sản phẩm văn hóa của nó: sách báo, truyền hình, phim ảnh… Quyền hành được củng cố, bành trướng thông qua thị trường tự do quốc tế. Chúng được thúc đẩy bởi lợi nhuận, không lưu tâm đến yếu tố văn hóa. Cái mà thế giới nhận được chỉ là thuộc loại chuyện trong nhà ngoài phố, loại phim ảnh dung tục, tầm thường đánh vào những ham muốn tầm thường của con người. Văn hóa thực sự là tác phẩm của những người nghệ sĩ xem khán giả/độc giả như những người kế thừa chứ không phải được đo lường bởi đám người chen chúc trong các rạp hát.

Hiện nay, Pháp dị ứng nhất với Mỹ về chủ nghĩa đa-văn hóa (multiculturalism), án tử hình và chính sách toàn cầu hóa.
  • Đa văn hóa là một thách đố với một nước Pháp thế tục, cộng hòa và đồng hóa (assimilationist). Nếu áp dụng nó, nước Pháp sẽ bị chia cắt thành những “ghetto” chủng tộc, những cộng đồng cô lập, hoàn toàn trái với chủ trương cố hữu là một nước Pháp “duy nhất không thể phân chia” (one and indivisible).

  • Kế đó là án tử hình. Với án tử hình đã bãi bỏ ở Pháp từ năm 1981, dư luận Pháp hết sức kinh tởm khi thấy hàng ngàn người nằm chờ án tử hình trong các nhà tù Mỹ nhiều năm (death-row inmates) như Karla Tucker, Betty Beets, Gary Graham, Odell Barneo… Có người nằm chờ hành quyết ở death-row đến cả hai chục năm.
Còn chủ trương toàn cầu hóa chính là Mỹ hóa. Vì với ưu thế của văn hóa phổ thông và thị trường tự do, đặc biệt là từ khi có mạng lưới điện toán toàn cầu, toàn cầu hóa, dưới con mắt của tầng lớp ưu tú Pháp, là “con ngựa thành Troie” (Trojan Horse) của Mỹ.

Tinh thần chống Mỹ đôi lúc trở nên cuồng nhiệt đến nỗi có người mong muốn nước Mỹ thất bại về quân sự hay ngay cả mong muốn cho nước Mỹ sụp đổ toàn diện. Một ngày sau biến cố 11/9, nhật báo Le Monde cho chạy một bài xã luận do đích thân chủ bút Jean-Marie Colombani viết, có tựa đề là “Nous tous sommes américains” bày tỏ nỗi xúc động lớn lao trước một tai họa đổ xuống đất Mỹ thì lập tức ngay sau đó, vô số người Pháp, cả độc giả lẫn những người viết báo, phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng không có gì để phải than khóc cho nước Mỹ, nếu không bày tỏ nỗi hân hoan khi Mỹ phải chịu đựng một tai họa như thế. Mỹ xứng đáng nhận lãnh hậu quả. Không lâu sau đó, trong tác phẩm All American? The World After September 11, 2001, Colombani hoàn toàn đổi giọng, diễn tả Mỹ là một loại xí nghiệp Thiên chúa giáo cực đoan, các quan tòa của nó chỉ chăm chăm muốn kết án tử hình tội phạm, cảnh sát thì tàn bạo đối với người da đen, v.v...


3. Một lý thuyết mới về Mỹ: đế quốc Mỹ sẽ sụp đổ

Khác hẳn với tất cả những nhận định trên, Emmanuel Todd, tiến sĩ sử học Pháp, đưa ra một cái nhìn khá mới mẻ - và khá thú vị - về Mỹ. Todd không bênh, không chống, mà là xem thường Mỹ qua một tác phẩm mới nhất có tựa đề là After the Empire: The Breakdown of the American Order [9] . Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về sự hưng thịnh và suy tàn của các dân tộc và văn hóa trong lịch sử một ngàn năm vừa qua, Todd bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm La chute finale: essais sur la décomposition de la sphère soviétique xuất bản năm 1976, tiên đoán đế quốc Xô Viết sẽ sụp đổ, 15 năm trước khi điều đó trở thành sự thật.

Xuất hiện trong thời kỳ hiện tượng chống Mỹ lên cao tại Âu châu, tác phẩm này bán rất chạy ở Pháp và Đức. Lập luận của Todd có thể tóm tắt như sau:
  • Sau gần hai thế kỷ thành lập, với nguồn tài nguyên thiên nhiên mới mẻ và dồi dào, với vốn liếng và lao động từ Âu châu, Mỹ trở thành cường quốc trên thế giới, thay thế hẳn các nước châu Âu. Sau năm 1945, trong thời gian Chiến tranh lạnh, dù phải đối đầu với khối cộng sản đang bành trướng mạnh nhưng với lực lượng quân sự và tiềm lực kinh tế hùng mạnh cộng với lý tưởng dân chủ tự do, Mỹ kiểm soát phần còn lại của hành tinh với một quyền lực và ảnh hưởng ngang tầm với hai chữ “đế quốc”. Trong giai đoạn này, do phải tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô, Mỹ đóng vai trò của một kẻ cứu tinh hào hiệp, chuyên giúp đỡ các dân tộc khác thoát ách độc tài, thực dân và nghèo đói, một người xây dựng hòa bình.

  • Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường độc nhất, muốn kiểm soát toàn thế giới, bắt đầu lộ rõ tham vọng đế quốc của mình. Tuy nhiên, Mỹ không thể làm được điều đó một cách hiệu quả vì thế giới bây giờ quá đông đúc, quá rộng, quá văn minh và quá dân chủ.

  • Trong vòng 20 năm vừa qua, Mỹ đứng giữa hai chọn lựa: quốc gia hay đế quốc. Về phương diện lịch sử, một đế quốc thực sự phải có hai đặc tính: 1- có đủ sức mạnh quân sự để duy trì quyền lực trên toàn lãnh thổ chiếm được; 2- thu góp đủ tài nguyên để nuôi sống bộ máy trung ương và có chủ trương hòa đồng (universalism), nghĩa là cư xử với các dân tộc bị chinh phục y như những công dân bình thường. Hiện nay, Mỹ không có đủ điều kiện đó. Quân lực Mỹ quá lớn đối với một quốc gia nhưng lại quá nhỏ nếu như muốn kiểm soát toàn thế giới, nhất là kiểm soát trung tâm hùng mạnh là Âu-Á (Eurasia). Vả lại, quân đội Mỹ có một sự yếu kém về cơ cấu vì từ khi thành lập: Mỹ chưa bao giờ thực sự đối đầu với một địch thủ ngang sức. Thêm vào đó, nuôi dưỡng ý đồ của một cuộc chiến tranh thắng mà không đổ máu (về phía Hoa Kỳ) cho thấy từ trong căn bản, quân đội đó là yếu kém. Thành thử, quân đội Mỹ không thể chiếm và giữ đất để xây dựng thành một thứ không gian đế quốc (imperial space) theo nghĩa truyền thống. Về phương diện ý thức hệ, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ càng lúc càng xa dần với chủ nghĩa hòa đồng. “Sự biến mất áp lực (của khối cộng sản) cho phép tâm thức Mỹ lấy lại sự cân bằng tự nhiên của nó” [10] . Mỹ theo xu thế biệt lập (differencialism), chỉ chọn liên kết với một số đối tượng thích hợp. Bên trong thì liên kết dân da trắng, tách biệt khỏi dân da đen và dân gốc Tây Ban Nha và thổ dân; bên ngoài thì liên kết với dân Do Thái và tách biệt với dân Hồi giáo. Chế độ dân chủ của Mỹ suy đồi vì sau quá trình phát triển ghê gớm, một giai cấp mới xuất hiện, gọi là overclass (siêu giai cấp) khoảng 20% dân số. Do sức mạnh kinh tế, giai cấp này đi đến chuyên quyền. Một điều trớ trêu xảy ra: trong khi cả thế giới đang tiến đến dân chủ thì Mỹ mất dần các đặc tính dân chủ. Do đó, Mỹ không còn hòa thuận với thế giới nữa. Todd nhận xét: Mỹ chẳng hề mất tất cả những đặc tính quốc gia của mình và sẽ thất bại như là một đế quốc [11] .

  • Về phương diện kinh tế, Mỹ chủ trương tự do kinh doanh. Chủ trương này lúc đầu có lợi cho Mỹ. Nhưng dần dần, do sự phát triển của các nước, do trình độ dân chúng nâng cao (có học), do “cầu” giảm xuống, Mỹ trở thành là một kẻ phàm ăn [12] . Do thặng dư kinh doanh, đồng tiền thực sự bây giờ tích lũy ở Âu và Á châu trong lúc Mỹ trở thành một “kẻ ăn mày đáng sợ của hành tinh” [13] . Mỹ càng ngày càng lệ thuộc vào các nước khác, cả về hàng hóa lẫn vốn liếng. Từ một nước sản xuất nhiều hơn tiêu thụ, Mỹ tiến dần đến chỗ tiêu thụ nhiều hơn sản xuất. Mỹ đang “trở thành trung tâm của một hệ thống, trong đó, công việc số một là tiêu thụ hơn là sản xuất”. Do đó, ngân sách càng ngày càng thâm thủng. Hiện nay, cứ mỗi ngày, mức thâm thủng trung bình là một tỷ rưỡi đô la.

  • Đã thế, vai trò “đế quốc” không phải là chọn lựa tự giác của Mỹ, mà lại là sản phẩm của tình thế: sự sụp đổ bất ngờ của khối Xô Viết. Nói khác đi, Mỹ không có một kế hoạch cụ thể nào trong vai trò đế quốc bỗng nhiên rơi vào tay mình.

  • Rốt cuộc, sự lệ thuộc về kinh tế, sự bất toàn về quân sự, sự suy yếu về chủ nghĩa hòa đồng cộng với sự thụ động trước tình thế mới, góp phần ngăn cản Mỹ hình thành một cái nhìn bình đẳng, công chính và đầy trách nhiệm về thế giới. Mỹ không còn cách nào khác để xác định vai trò bằng cách cư xử sai trái với những nước nhỏ [14] . Đây chính là cái lập luận ẩn giấu đằng sau các chính sách của Mỹ hiện nay. Todd gọi đó là một thứ “kịch bản đầy mê sảng của những xung đột hạng hai” (hysterical dramatization of second-order conflicts) [15] . Sau biến cố 11/9, cuộc tấn công Afghanistan và Iraq, đe dọa Bắc Triều Tiên, khiêu khích Trung Quốc nằm trong kịch bản đó. Hành động đó được ông gọi là “theatrical micromilitarism” (chủ nghĩa tiểu quân phiệt có tính cách trình diễn). Nó chỉ có mục đích “trình diễn sự cần thiết của Mỹ trong thế giới bằng cách tiêu diệt những đối thủ yếu kém” [16] . Đánh những kẻ yếu (nhất là các nước thiếu hẳn hệ thống phòng không hữu hiệu như Afghanistan và Iraq), Mỹ trở lại với đường lối quân sự truyền thống trước đây: đánh giết thổ dân. Chơi con bài chống Ả Rập là cách chơi dễ dàng nhất. “Không còn gì phải thắc mắc, đây là cách của Mỹ, cách chơi của một siêu cường, nhưng là một siêu cường vô quyền muốn duy trì sự kiểm soát của mình trong một thế giới quá lớn và quá đa dạng đối với nó” [17] . Mỹ “trước đây được xem như là một kẻ tạo hòa bình, bây giờ trở thành kẻ gây rối” [18] .

  • Qua những nhận định trên, Todd kết luận: trước sau gì, “đế quốc” Mỹ cũng sẽ sụp đổ. Trong lúc đó, Nga sẽ trở lại sân khấu thế giới như là một cường quốc vì có một kho vũ khí không thua gì Mỹ, lại giàu tài nguyên và có tinh thần hòa đồng chủ nghĩa. Và quan trọng hơn, các nước Âu châu và Nhật sẽ đuợc giải phóng khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Sau một thời gian dài bị Mỹ khống chế, Âu châu bây giờ đã giàu có, thịnh vượng, không còn muốn trở thành một thứ công dân hạng hai dưới mắt Mỹ.
Trong lời tựa viết cho bản dịch tiếng Anh, Michael Lind cho rằng tác phẩm của Todd là một phê phán đầy cảm tình đối với Mỹ chứ không phải là một trí thức theo xu hướng chống Mỹ (structural anti-Americanism), y như tác giả tự xác định lúc đầu. Thực ra, theo tôi, nếu đọc kỹ, After the Empire: The Breakdown of the American Order cũng chỉ là một thứ HTCM cố hữu của tâm lý Pháp được ngụy trang. Trong phần 8, “The Emancipation of Europe”, Todd – cũng như những tác giả khác – phân tích nhiều điểm khác nhau giữa hai xã hội, hai lối sống, hai nền văn minh, đồng thời vạch rõ lối sống Mỹ là đe dọa sự tồn tại của Âu châu. “Con số và biến dạng của những khác biệt giữa người Âu và người Mỹ hầu như vô tận. Giữa những điều đó, một nhà nhân chủng học đã phải trình bày địa vị của người phụ nữ Mỹ – một khuôn mặt như bị thiến, đầy đe dọa hầu như làm bối rối đàn ông Âu châu y như khuôn mặt đầy quyền lực của người đàn ông Ả Rập làm bối rối người phụ nữ Âu châu vậy” [19] . Quan niệm cho rằng Nga và các nước Âu châu khác sẽ vượt Mỹ rõ ràng chứa đựng một thứ “mặc cảm châu Âu” hay nói cho rõ ra là “mặc cảm Pháp”, vừa tự ti vừa tự tôn đối với Mỹ. Điều khá lạ lùng là Todd không mấy quan tâm đến Trung Quốc và Ấn Độ, những nước mà trong thời gian vừa qua, chứng tỏ họ có đủ tiềm năng để thách thức đế quốc Mỹ hơn Âu châu rất nhiều.

HTCM, nói chung, đối với người Pháp, ẩn chứa một tâm lý đặc thù khác: tâm lý bài Anh (Anglophobia). HTCM là sự nối dài được tăng thêm cường độ của Hiện tượng chống Anh. Hiện tượng chống Anh là thiên hướng của tầng lớp ưu tú Pháp trong các thế kỷ trước, kể từ khi Anh thay thế Hòa Lan như là cường quốc Châu Âu vào cuối thế kỷ 17. Hình ảnh của một nước Anh tàn bạo, man dã, bội bạc và tài phiệt mà Jacobin thời cách mạng Pháp và Napoléon tiếp theo đó tuyên truyền chống Anh, không khác gì mấy với hình ảnh của nước Mỹ mà người Pháp vẽ ra ngày nay. Những sỉ nhục và cản trở mà Pháp chịu đựng từ Mỹ hôm nay có phần tệ hơn vì chúng gợi nên những vết thương cũ mà Anh gây ra cho Pháp vào hai thế kỷ 18 và 19. Anh là một phủ định của Pháp. Lúc đầu, khi cảm hứng bởi cách mạng Mỹ để thực hiện cuộc cách mạng 1789, Pháp hy vọng rằng một khi giành được độc lập từ Anh rồi, Mỹ sẽ cùng với Pháp đứng chung một chiến tuyến chống Anh. Thế nhưng, Mỹ theo chân Anh, vẫn không xem Pháp là đồng minh. Đã thế, với chủ nghĩa Monroe, Pháp hoàn toàn bị đẩy ra ngoài. “Tôi không tìm thấy một người Anh nào lại không cảm thấy thân tình với người Mỹ và không một người Pháp nào lại không cảm thấy mình là một người xa lạ giữa những người Mỹ”, Talleyrand [20] chua chát nhận định. Mỹ, rốt cuộc, là một phủ định khác của Pháp!


V. Hiện tượng chống Mỹ trong nước Mỹ: Noam Chomsky

Con số những nhà trí thức Mỹ chống lại một (hay nhiều) chính sách nào đó của một (hay nhiều) chính phủ Mỹ, lúc này hay lúc khác, không phải là ít. Trở lại thời kỳ chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, số trí thức nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam lên đến hàng trăm, có khi hàng ngàn. Hoặc mới đây, trước và sau cuộc xâm lăng Iraq, cũng có rất nhiều trí thức lên tiếng chống chiến tranh. Nhưng khuôn mặt điển hình nhất cho HTCM ở ngay tại nước Mỹ trong vòng mấy thập niên trở lại đây không ai khác hơn là Chomsky.

Avram Noam Chomsky, giáo sư đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology), sinh năm 1928, gốc Do Thái, tốt nghiệp tiến sĩ ngữ học năm 1955. Sau khi tốt nghiệp, ông viết Syntactic Structures là tác phẩm nổi tiếng nhất trong lãnh vực ngữ học thế kỷ 20, tạo ra hẳn một trường phái ngữ học riêng biệt mang tên ông, cách mạng hóa việc nghiên cứu ngữ học. Chomsky đã sử dụng vai vế, tiếng tăm và tầm vóc trong lãnh vực ngữ học để trở thành tiếng nói hàng đầu của Tả phái Hoa Kỳ vào thập niên 1960.

Tờ báo Anh The Guardian cho biết: “Chomsky được xếp ngang hàng với Marx, Shakespeare và Thánh Kinh như là một trong 10 nguồn tra cứu được trích dẫn nhiều nhất trong các môn khoa học nhân văn và là nhà văn duy nhất trong số đó còn sống”. Tạp chí Foreign Affairs (Hoa Kỳ) thừa nhận Chomsky rất có uy tín ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Tờ New York Times cho biết ông là tiếng nói từ Mỹ được đọc nhiều nhất về chính sách ngoại giao trên hành tinh này. Ông là diễn giả được mời nhiếu nhất: lịch thuyết trình luôn luôn đặc kín, ai muốn mời phải đặt cọc trước hàng cả hai năm trước. Mỗi buổi thuyết trình của ông thu hút cả hàng ngàn người. Tính quần chúng của Chomsky trở thành một hiện tượng văn hóa. Giới ca nhạc (như nhóm Bone of U2) gọi ông là “một kẻ nổi loạn không ngừng nghỉ, một Elvis (Presley) của giới hàn lâm”. Nhiều nhóm hoạt động chống chiến tranh và chống toàn cầu hóa xem ông là nguồn cảm hứng. Ngày nay, các nghệ sĩ, ca sĩ, nhà văn và sinh viên vẫn dựa trên các tư tưởng và công trình của Chomsky để chống các chính sách của chính quyền Mỹ.

Từ bục giảng của một trong những trường đại học lớn nhất Hoa Kỳ (và lớn nhất thế giới), được sự bảo đảm của quy chế tự trị đại học và của quyền tự do phát biểu quy định trong Hiến Pháp, ông dùng ngòi bút của mình để tấn công, không những một cá nhân, một chính quyền hay một đường lối nào đó, mà hầu như toàn diện vào nhà nước Hoa Kỳ với một sự bền bỉ, mãnh liệt, và cực đoan nhất. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng thái độ lên án chiến tranh Việt Nam. Bài viết đầu tiên của ông là “The Responsibility of Intellectuals” xuất hiện trên tờ The New York Review of Books vào năm 1967, được xem như là bản tuyên ngôn của trí thức cánh tả Hoa Kỳ chống lại cuộc chiến tranh này. Trong bài báo khá dài đó, ông lên án các nhà trí thức, thay vì hành xử như những nhà trí thức tự do thách đố với dư luận, trở thành những kẻ phản bội bằng cách tự khép mình làm tôi tớ cho nhà nước kỹ nghệ-quân sự. Họ trở thành một lớp quan lại mới, biến Hoa Kỳ thành một sức mạnh đế quốc. Chiến tranh Việt Nam được thiết kế và hành xử bởi những quan lại mới đó [21] .

Tiếp đó, ông viết liên tục và viết nhiều sách và bài báo về Việt Nam: American Power and the New Mandarins, At War with Asia, For Reason of State… Ông đi diễn thuyết khắp các trường đại học, kêu gọi sinh viên đứng lên chống lại cuộc chiến, đồng thời cùng với sinh viên xuống đường. Theo ông, Mỹ can thiệp quân sự ở Việt Nam mà không hề có sự đồng ý của nhân dân Nam Việt Nam “Sự kiện giản dị nhất là không có bất kỳ một quyền lợi hay nguyên tắc hợp pháp nào xác định cho sự sử dụng lực lượng quân sự ở Việt Nam”, Chomsky khẳng định.

Nhìn qua các hoạt động cũng như quan điểm của Chomsky trong một thời gian dài, có thể nói ông ta đã đóng một vai trò tích cực trong việc làm thất bại các nỗ lực của Mỹ và của Việt Nạm Cộng hoà trong cuộc chiến tranh chống cộng sản Việt Nam. Từ lâu, người quốc gia Việt Nam vẫn thường đổ lỗi về sự thua trận của Việt Nam Cộng hoà cho những nhân vật như Kissinger, Nixon, Ford… hay nói chung, cho sự thất hứa của chính quyền Mỹ đối với các cam kết bảo vệ miền Nam. Trong cuốn Khi Đồng minh tháo chạy, tác giả Nguyễn Tiến Hưng không ngần ngại quy trách tất cả cho các khuôn mặt có thẩm quyền trong chính giới Mỹ, nhất là cho Kissinger mà quên rằng, đằng sau sự thất hứa đó là tác động tích cực của giới trí thức chống chiến tranh Mỹ mà Chomsky đóng vai trò hàng đầu. Một bài báo, một bài diễn thuyết hay một lời hô hào của Chomsky đều là cú đấm ngàn cân vào các nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến.

Sau biến cố 9/11, trong lúc cả nước Mỹ và toàn thế giới bàng hoàng vì hàng ngàn người chết do cuộc tấn công khủng bố tại New York thì ngay ngày hôm sau, 12/9/2001, trong một bài báo ngắn có tựa đề A Quick Reaction in trên tạp chí Counter Punch [22] , ông quả quyết tổng số người chết là “nhỏ nếu so với những nạn nhân thuộc thế giới thứ ba bị chết vì chính sách khủng bố của Hoa Kỳ”. Sau đó là hai tác phẩm ghi lại những lần phỏng vấn kể từ sau ngày 11/9 trở thành những tác phẩm best-seller. Một trong hai được quay thành phim. Với các tác phẩm đó, có lẽ Chomsky là nhà trí thức nổi bật nhất trong nước Mỹ đã hợp lý hóa cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11/9. Lại một lần nữa, Chomsky trở thành khuôn mặt trí thức hàng đầu chống lại chính sách chống khủng bố của tổng thống Bush. Ông lên án cuộc tấn công lật đổ chế độ độc tài Taliban ở Afghanistan và Saddam Hussein ở Iraq. Ông cho rằng những cuộc tấn công đó chính là hành vi khủng bố chứ không phải là chống khủng bố. Trái với quan niệm thông thường, ông cho rằng khủng bố chính là vũ khí của kẻ mạnh [23] . Ông gọi chính quyền Hoa Kỳ là “nhà nước khủng bố hàng đầu” (a leading terrorist state).

Cách đánh giá các biến cố của Chomsky nằm trong một quan điểm nhất quán về bản chất của hệ thống chính quyền Mỹ và các chính sách của nó. Trong suốt 40 năm, ông liên tục diễn thuyết, viết và xuất bản sách, có khi hai hay ba cuốn /năm. Thông điệp của ông, qua thời gian, hầu như không thay đổi: Hoa Kỳ là sức mạnh của kẻ ác trong thế giới. Có thể tóm tắt một số luận điểm của Chomsky như sau:
  • Hệ thống chính quyền Mỹ tự bản thân là một cái gì hư hỏng. Qua những chính sách được thực hiện ở khắp mọi nơi, nó đang dần dần trở thành phát xít. Tổ hợp kỹ nghệ-quân sự, chỗ dựa vững chắc của chính quyền Mỹ, là một công cụ nằm trong tay những thành phần lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị. Để bảo đảm, nhóm này phải bành trướng quyền lực ra nước ngoài trong những đường lối chống lại giai cấp thợ thuyền và nông dân trong các xứ sở tại. Những lời tuyên tuyền về tự do, dân chủ của Mỹ chỉ để che giấu toàn những ý đồ không lành mạnh. Nền dân chủ Mỹ, thực ra, chỉ là một loại độc tài, “độc tài bốn năm” (four-year dictatorship) và các cam kết kinh tế thị trường tự do chỉ là ngụy trang cho các quyền lực của các đại công ty Mỹ. “Căn cứ vào bất cứ tiêu chuẩn khách quan nào, Hoa Kỳ đều trở nên thứ quyền lực xâm lăng nhất, là đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, quyền tự quyết quốc gia và sự hợp tác quốc tế”, ông phát biểu.

  • Các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự tìm cách đè bẹp các sự chống đối bằng cách kiểm soát các phương tiện truyền thông. Trong tác phẩm Manufacturing consent: The political Economy of the Mass Media (viết chung với Edward S. Herman), ông cho rằng tự do báo chí trong xã hội Mỹ chỉ là màn khói mù che giấu những tham vọng của các nhóm đặc quyền chinh phục xã hội. Truyền thông, trước khi đến với độc giả bình thường, phải đi qua năm bộ lọc: 1- Chủ nhân của truyền thông là những đại công ty; 2- Đa phần lợi nhuận của nó là nhờ các quảng cáo chứ không dựa trên độc giả, vì thế, tin tức và bình luận phải phản ảnh ước muốn và giá trị của các doanh nghiệp đăng quảng cáo; 3 - Lệ thuộc vào các định chế nhà nước; 4 - Các luật lệ không cho các nhà báo dễ dàng vượt rào gọi là flak; 5 - Các tiêu phạm làm báo, được chia sẻ bởi nghề làm báo. Cho nên bất cứ đơn vị truyền thông nào bước ra ngoài hàng là sẽ bị chơi sát ván bằng những màn kiện tụng, tố cáo…Tóm lại, truyền thông không vô tư mà là đầy thiên vị [24] .

  • Kẻ thù mà họ nêu lên làm mục tiêu để dọa dẫm quần chúng đều không có thực: cộng sản không hề đe dọa đến quyền con người và tự do.

  • Mỹ là kẻ bảo trợ các nhà nước độc tài và áp bức trên thế giới qua hình thức viện trợ và bán vũ khí cho họ.

  • Ngay khi Mỹ đúng, Mỹ cũng sai: khi tham gia vào hai cuộc Thế chiến, thực ra Mỹ chỉ nhằm mục đích cột chặt các đồng minh của họ vào sự lệ thuộc.

  • Chính sách đối ngoại của Mỹ căn cứ trên “đe dọa của tấm gương tốt” (threat of good example) [25] , một loại lý thuyết domino. Hoa Kỳ dùng sức mạnh để giữ những quốc gia chư hầu lệ thuộc vào mình, sợ rằng nếu quốc gia thoát khỏi ảnh hưởng của mình, sẽ kéo theo những quốc gia khác bắt chước làm theo.
Các quan điểm trên không có gì mới mẻ, chỉ là sự lặp lại những luận điểm quen thuộc của cộng sản về chế độ tư bản hàng chục năm nay. Cái đáng nói ở đây là tính cách cực đoan của Chomsky. Ông bài bác Mỹ từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Tóm lại, “Đối với Chomsky, thế giới chia làm kẻ áp bức và người bị áp bức. Hoa Kỳ là nước áp bức chính, là nhà nước khủng bố hàng đầu. Là giáo sư tại MIT, ông hưởng một vị trí đặc quyền, từ đó, phát ra những cuộc luận chiến chống Mỹ. Không còn cơ hội lao ra đường phố như hồi thập niên 1960, họ tiếp tục chống Mỹ trong lớp học” [26] . Ông chống Mỹ từ ngay nơi mà chính những nguyên tắc thành lập nước Mỹ đã tạo nên cơ hội để xây nên tên tuổi Chomsky: quyền tự do phát biểu. Tưởng tượng nếu Chomsky được đưa sang Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam – những nơi mà ông hết lòng ca ngợi – thì ông sẽ trở thành cái gì?

Có lẽ không có nơi nào trên thế giới mà sự tự do phát biểu đạt đến mức độc đáo gần như lạ lùng như ở Mỹ, chẳng hạn như người công dân có quyền đốt quốc kỳ Mỹ mà không phạm bất cứ một tội lỗi nào. Với chính sách tự trị đại học, các học giả, các giáo sư và các nhà trí thức vùng vẫy trong một môi trường hầu như miễn nhiễm. Hiến Pháp Mỹ bảo vệ tối đa sự miễn nhiễm đó cho Chomsky, cho dù quan điểm và các hoạt động liên tục của ông gây ra vô vàn tai hại cho chính quyền Mỹ. Sự kiện đó được diễn tả qua một nhận định quen thuộc của Voltaire: tôi chống quan điểm của anh nhưng tôi bảo vệ đến tối đa quyền tự do phát biểu của anh. Đó là nguyên tắc căn bản hình thành nước Mỹ.

Qua hình ảnh của Chomsky, có thể nói HTCM ngay tại nước Mỹ còn có tính cách cực đoan hơn HTCM tại nhiều nơi trên thế giới. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam diễn ra tại nước Mỹ là liên tục nhất, ảnh hưởng nhất và với một tầm mức rộng lớn hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Sự phê phán các chính sách của nhà cầm quyền Mỹ cũng xuất phát từ Mỹ. Những sai lầm của nó từ vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam cho đến vụ tra tấn tù nhân Iraq tại nhà tù Abu Ghraib hay tại Guantanamo… và bao nhiều scandal khác hầu hết đều do báo chí Mỹ và những nhà trí thức Mỹ chủ động tìm tòi, khám phá và đưa ra ánh sáng. Nước Mỹ sẵn sàng phơi bày chính nó, đôi khi sự phơi bày lộ liễu đến mức kỳ quặc như vụ scandal Clinton-Lewinski,trong đó, toàn bộ hồ sơ tòa án với những sự việc tục tĩu được đưa lên mạng cho toàn thế giới đọc. Tóm lại, có thể nói, HTCM nằm ngay chính trong Americanism. Nói không quá, ở một chừng mức nào đó, HTCM là một trong những đặc điểm của cơ chế Mỹ. Nếu nó gây ra nhiều tai hại cho nước Mỹ thì ở một điểm khác, nó lại giúp điều hòa sinh hoạt chính trị và xã hội Mỹ. Nó giúp “năng động hóa” cơ chế Mỹ. Những chế độ toàn trị luôn luôn nơm nớp sợ hãi trí thức và tự do báo chí nên suy gẫm về điều này.

Bởi vậy, thay vì làm khó dễ Chomsky như thời còn mồ ma của McCarthyism (chủ nghĩa chống Cộng cực đoan), cách đối phó duy nhất với Chomsky là tranh luận. Nhiều trận đụng độ nảy lửa diễn ra dài dài giữa Chomsky cùng những người ủng hộ ông và những trí thức chống đối ông, nổi bật là các tác giả như William F. Buckley Jr., Lionel Abel, Stephen Morris, Arthur Schlesinger Jr., David Horowitz, vân vân. Họ cố tìm cách bẻ gãy lý luận của Chomsky - và qua đó, bài bác HTCM nội địa. Theo nhiều tác giả, tranh luận với Chomsky không dễ dàng gì vì ngòi bút của Chomsky rất sắc bén. Văn của ông là một loại văn đặc biệt, pha trộn giữa sự kiện, hư cấu khiến người tranh luận rất dễ lầm lẫn và lạc lối.

Nhưng chính cái mạnh của Chomsky lại chứa đựng một điểm yếu rất căn bản: thái độ hoàn toàn đứng về một phía, giữ duy nhất một lập trường, thiếu cái nhìn biện chứng. Một thái độ như thế thường đưa đến một nghịch lý buồn cười: lập trường tiến bộ nhất, theo thời gian, lại trở thành bảo thủ nhất. Điều đó một mặt, có tính cách phản trí thức và mặt khác, đưa đến thái độ bướng bỉnh, không chịu chấp nhận thực tế. Ông ca ngợi đến cùng các chính sách tập thể hóa nông nghiệp ở Liên Xô, ca ngợi chính sách cải cách ruộng đất và cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, bênh vực nhà nước cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến khi Liên Xô, Trung Quốc cũng như cộng sản Việt Nam thất bại trong các chính sách của họ, Chomsky vẫn không hề thay đổi các luận điểm quen thuộc. Một trong những cái “hố” lớn nhất của Chomsky là ông bảo vệ nhà cầm quyền diệt chủng Pol Pot. Khi các bằng chứng đưa ra cho thấy Pol Pot đã tàn sát hàng triệu người dân Campuchia, Chomsky vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận sai lầm của mình. Và rồi mới đây, Chomsky lại lên tiếng bảo vệ cuộc tấn công vào tòa tháp đôi New York của nhóm khủng bố Hồi giáo. Tiếng nói của lương tâm hay là một hành vi lập dị?

Nếu sự phê phán của ông đối với các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vẫn còn có giá trị đáng kể ở một mức độ nào đó thì sự tan rã của đế quốc Xô Viết, sự kết thân của Trung Quốc và Việt Nam với Mỹ, sự chuyển đổi chính sách từ kinh tế xã hội chủ nghĩa đến thị trường tự do ở các nước này, sự sụp đổ của chế độ Pol Pot, v.v… là những chứng minh hùng hồn cho thấy cái nhìn của Chomsky hoàn toàn đi ngược lại thực tiễn. Trong một thời đại mà mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, bất cứ một quan điểm nhất phiến nào cũng đều bị thực tế vùi dập không thương tiếc. Đó là kinh nghiệm cay đắng của con chim đầu đàn của hiện tượng chống Mỹ nội địa, Chomsky.

(Còn tiếp 1 kì)

© 2006 talawas


[1]Jean-Francoise Revel, Anti-Americanism, tr. 77
[2]bricolage: something made or put together using whatever materials happen to be available
[3]Xem Denis Lacorne, Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective
[4]Robert Aron và Arnaud Dandieu, Décadence de la nation francaise, Paris Rieder, 1931, trang 107, 108, dẫn theo Denis Lacorne, bđd.
[5]Nhóm “Esprit” do Robert Aron và Arnaud Dandieu thành lập năm 1930, xuất bản tờ tạp chí Ordre nouveau đặtỉ lại vấn đề về nền văn minh Tây phương.
[6]Xem Tony Judt, Past Imperfect: French Intellectuals, 1944-1956, Berkeley, University of California Press, 1994 (Dẫn theo Denis Lacorne, sđd)
[7]Dẫn theo Denis Lacorne, sđd
[8]Pierre Bourdieu, “Questions aux vrais maitres du monde”
[9]Emmanuel Todd, After the Empire: The Breakdown of the American Order
[10]Emmanuel Todd, sđd , tr. 109
[11]The country has by no means lost all of its national characteristics, and it will fail as an empire (Emmanuel Todd, sđd tr. 74)
[12]Nguyên văn: heavy consummer
[13]Nguyên văn: the planet’s glorious beggar (Emmanuel Todd, sđd tr. 58)
[14]Nguyên văn: minor powers
[15]Emmanuel Todd, sđd, tr. 132
[16]Emmanuel Todd , sđd, tr. 134
[17]Emmanuel Todd , sđd, tr. 143-144
[18]Formerly perceived as a peacemaker, America become a troublemaker (Emmanuel Todd , sđd, tr. 169-170)
[19]Emmanuel Todd , sđd, tr. 176
[20]Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838) là nhà ngoại giao nổi tiếng Pháp trải qua 5 triều đại: vua Louis XVI, Cách mạng tư sản, Napoleon đệ I, Louis XVIII và Louis-Philippe.
[21]Noam Chomsky, “The Responsibility of Intellectuals”
[22]http://www.counterpunch.org/chomskybomb.html
[23]Noam Chomsky, Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance
[24]Noam Chomsky, What Uncle Sam Really Wants
[25]Noam Chomsky, The Culture of Terrorism, tr. 217-222
[26]Xem John Diggins, The Rise and the Fall of the American Left. New York : W.W. Norton, 1992