trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
2.10.2006
Helmut Schmidt
Can thiệp là một hành động tệ hại
Trò chuyện với Frank Sieren

Helmut Schmidt nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc và về những lời khuyên chẳng ai cầu khiến của những kẻ tự cho mình hiểu biết hơn người ở phương Tây
Trương Hồng Quang dịch
 
Helmut Schmidt (sinh năm 1918 tại Hamburg), nguyên Thủ tướng CHLB Đức trong thời gian từ 1974 đến 1982 (đứng đầu Chính phủ liên minh giữa Đảng Xã hội Dân chủ Đức SPD và Đảng Tự do Dân chủ Đức FDP), từ 1983 là đồng chủ biên của Die Zeit (Thời đại), tờ tuần báo Đức quan trọng nhất với xu hướng cánh tả tự do. Bài trao đổi sau đây là trích đoạn từ cuốn sách Nachbar China. Helmut Schmidt im Gespräch mit Frank Sieren (Người láng giềng Trung Hoa. Helmut Schmidt trao đổi với Frank Sieren) sắp ra mắt tại Nxb Econ, dày 328 trang.
Người dịch
Helmut Schmidt và Mao Trạch Đông, Bắc Kinh 1975 (Ảnh: dpa)
Thưa ông Schmidt, làm thế nào để điều khiển có hiệu quả một nước lớn như Trung Quốc?

Một mặt, Trung Quốc khó điều khiển bởi các tỉnh ở Trung Quốc độc lập với Bắc Kinh hơn nhiều so với các bang ở Đức đối với Berlin. Trên đại thể, giới lãnh đạo Trung Quốc biết được những gì xảy ra ở những tỉnh nằm trước cửa ngõ Bắc Kinh; tuy nhiên có nhiều tỉnh lại nằm quá xa trung ương. Nói đúng ra thì ngày nay Tổng Bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào cũng vẫn ở cùng vị thế như một hoàng đế Trung Hoa cách đây hàng trăm năm. Mặt khác, Trung Quốc lại dễ điều khiển bởi các Chủ tịch tỉnh và Bí thư tỉnh ủy đều do Bắc Kinh bổ nhiệm. Nghĩa là nếu có một Chủ tịch tỉnh nào đó dám xé rào thì ông ta sẽ bị thay thế. Vì vậy mà một Chủ tịch tỉnh sẽ không dễ gì đi chệch đường lối, bởi nếu vậy ông ta sẽ không được thăng chức lên trung ương hay sẽ bị phế truất.

Liệu người Trung Quốc có quyết định đúng hay không khi trước hết họ muốn tiến hành cải cách kinh tế, rồi sau đó mới áp dụng dân chủ? Nhiều đầu óc ở phương Tây theo đuổi một niềm tin cố hữu rằng không thể tồn tại vế này nếu thiếu đi vế kia.

Theo nhìn nhận của tôi thì điều này lại diễn ra một cách khá suôn sẻ ở châu Á.

Tại sao vậy, thưa ông?

Bởi vì nó không chỉ đang diễn ra một cách rất suôn sẻ ở Trung Quốc, mà trước đó nó cũng từng diễn ra như vậy tại Hàn Quốc hay Đài Loan, tại Singapore hay Hồng Kông. Ở những nơi mà người ta muốn làm mọi việc cùng một lúc thì có khả năng tất cả đều cùng bị đổ bể. Ông cứ nhìn lại nước Nga vào cuối những năm 1980 mà xem. Theo quan điểm của tôi, thái độ ngạo mạn của phương Tây trong việc đưa ra các yêu sách dân chủ đối với những quốc gia ngoài châu Âu với một lịch sử và đặc thù văn hoá hoàn toàn khác là vô nghĩa. Những ai từng chứng kiến Trung Quốc trước đây 30 năm và so sánh nó với nước Trung Quốc ngày nay sẽ nhận thấy một sự mở rộng đáng kể của các sân chơi, của cả tự do và các quyền khác của từng người dân. Có nhiều yếu tố đóng góp vào quá trình này. Trước hết đó là chính sách mở cửa kinh tế hướng tới thị trường, sở hữu tư nhân, xí nghiệp và doanh nghiệp tư nhân và hướng ra nước ngoài. Tiếp theo đó là sự tiếp xúc chưa hề diễn ra trước đó trong lịch sử Trung Quốc với các nền văn hoá khác thông qua hàng triệu sinh viên Trung Quốc đi du học ở ngoại quốc sau đó trở về nước, thông qua hàng triệu du khách Trung Quốc ở nước ngoài, thông qua mức độ phổ biến rộng rãi của truyền hình và sự tham gia vào Internet. Quá trình này sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên đích đến của nó chắc hẳn sẽ không phải là một hình thái nhà nước theo kiểu Westminster [1] của Anh.

Nếu như vậy thì người ta chẳng việc gì phải bắt tay vào các công cuộc cải cách chính trị nữa?

Cải cách chính trị không phải là khái niệm đồng nghĩa với dân chủ. Người ta phải cải cách chính trị từng bước nếu như muốn tránh nguy cơ xảy ra cách mạng. Cải cách phải diễn ra liên tục và chỉ nên làm từng tí một. Hiện tại là một bước tiến nhỏ, năm sau lại hai bước tiến nhỏ tiếp, năm tiếp theo nữa chỉ tiến thêm một nửa bước, thậm chí có thể là lùi lại một bước, để không ai trở nên quá phấn khích. Có nghĩa là như cách mà người Trung Quốc đang làm. Còn việc "ứng dụng dân chủ" luôn một lèo thì hầu như không có cơ hội thành công ở Trung Quốc, tương tự như ở Nga, ở vùng Trung Đông, Ai Cập hay Algeria. Tôi không hiểu từ đâu mà người Đức lại có được hình dung rằng toàn thế giới sẽ được cứu rỗi bởi một hình thức chính phủ mà nước Đức cũng chỉ mới có cách đây chưa đầy 100 năm. Chúng ta cứ làm như thể trong quá khứ chúng ta vốn luôn luôn là những người dân chủ vậy.

Tại sao thể chế dân chủ lại không thể áp dụng được ở các nước này?

Nó không thuộc vào truyền thống văn hoá của họ. Kể cả ở châu Âu các truyền thống dân chủ cũng chỉ mới có từ thời gian sau Hoà ước Westfalen [2] ở Münster und Osnabrück vào năm 1648. Ở Pháp dân chủ thực ra mới chỉ có từ sau cách mạng, với những bước thụt lùi lớn diễn ra sau đó. Anh quốc bắt đầu với thể chế dân chủ sớm hơn. Còn nước Đức thì phải đợi đến tận 1919. Và phải cần tới cuộc thảm hoạ với Adolf Hitler thì mới có thể áp dụng một cách hiệu quả hệ thống dân chủ nghị trường ở Đức. Cho tới 1933 bản thân tôi chưa bao giờ nghe đến từ dân chủ. Lúc đó tôi đã 14 tuổi. Rồi trong mười hai năm tiếp theo đó [3] tôi chỉ nghe những điều xấu xa về dân chủ. Tôi vẫn biết rằng không phải tất cả những gì mà người Quốc xã nói là đúng, nhưng dân chủ thật sự là gì, nó có những khả năng nào, những mặt mạnh và mặt yếu của nó - về những vấn đề như vậy tôi hoàn toàn bị mù tịt.

Ông có lấy làm tiếc là không thể áp dụng được dân chủ trên phạm vi toàn thế giới hay không?

Tôi sẽ sẵn sàng bất chấp hiểm nguy nếu như ở đất nước tôi nền dân chủ bị đe doạ. Dù đã là một ông già, tôi sẽ bước lên chiến lũy và sẽ vung cao chiếc gậy ba-toong của mình. Thế nhưng tôi sẽ không bỏ ra dù chỉ là một đồng xu để theo đuổi việc thực thi dân chủ ở một nước đang phát triển. Hệ tư tưởng hiện hành đang cổ xúy cho việc can thiệp vào mọi nơi mọi chốn. Hỗ trợ phát triển thường cũng chỉ là một hình thức can thiệp. trong thời gian qua, nguyên tắc công pháp quốc tế về việc không can thiệp đang vấp phải nguy cơ bị vô hiệu hoá.

Nguyên tắc này rất được đề cao ở Trung Quốc.

Như vậy là có lý. Đó là một nguyên tắc thông minh chứ sao.

Tôi hồi hộp chờ đợi việc liệu Trung Quốc có còn ủng hộ cho nguyên tắc không can thiệp nữa không, một khi nó đã trở thành một cường quốc như Hoa Kỳ ngày nay.

Cái đó thì còn phải chờ. Người Trung Quốc không có truyền thống can thiệp. Có thể là họ sẽ lại chỉ bận tâm với chính mình. Bất luận thế nào, bản thân tôi cho rằng không can thiệp là một nguyên tắc nòng cốt trong quan hệ quốc tế. Từ Antje Vollmer [4] qua Joseph Beuys [5] cho đến tận các nhà văn – tất cả họ đều đòi hỏi chúng ta phải can thiệp vào tình trạng phi dân chủ ở các nước khác. Bà Merkel cho rằng mình có bổn phận phải tuyên bố ở Moskva rằng bà ấy phản đối cuộc chiến ở Chechnya, còn ở Trung Quốc thì bà ấy lại than phiền về tình trạng nhân quyền. Làm như sẽ có một thay đổi nào đó diễn ra và người Trung Quốc sẽ kính cẩn cúi đầu, chỉ vì bà Merkel, ông Blair hay ông Chirac nói rằng tốt hơn hết là người Trung Quốc hãy tuân thủ các hình dung giá trị của chúng ta. Theo quan điểm của tôi, can thiệp là một hành động tệ hại.

Đặc biệt là các nhà quản lý kinh tế phương Tây có ấn tượng rằng chính phủ Trung Quốc với 1,3 tỷ dân có khả năng thực hiện các chiến lược của họ một cách tốt hơn so với một Thủ tướng Liên bang Đức, bởi Thủ tướng Đức buộc phải cân nhắc đến nhiều yếu tố hơn so với ban lãnh đạo Trung Quốc.

Việc cầm quyền trong một xã hội và thể chế nhà nước dân chủ đương nhiên diễn ra hoàn toàn khác so với việc cầm quyền trong một thể chế nhà nước độc tài. Sự thể là như vậy. Còn có khó khăn hơn hay không thì tôi không biết. Trong một nhà nước thuộc thể chế dân chủ, các hành vi giết hại và tàn sát người khác diễn ra với xác suất thấp hơn so với một thể chế độc tài, đây là tôi không chỉ nói đến việc giết hại và tàn sát trong các phong trào nổi dậy chống chính quyền độc tài chẳng hạn, tôi còn muốn nói đến những người bị thiệt mạng với tư cách là nạn nhân của nhà nước – ví dụ vì nạn đói mà Mao Trạch Đông phải chịu trách nhiệm. Trong một nền dân chủ những sai phạm thuộc loại nghiêm trọng nhất được khắc phục tương đối nhanh chóng. Còn những sai phạm thuộc loại nghiêm trọng nhất mà Mao Trạch Đông hay các Sa Hoàng Nga đã gây ra thì không hề được khắc phục.

Ông đánh giá như thế nào về các sai phạm thuộc loại nghiêm trọng nhất của chính phủ Trung Quốc ngày nay?

Tôi không thấy họ mắc phải những sai phạm thuộc loại nghiêm trọng nhất. Cũng có thể là do tôi không có một cái nhìn bao quát đầy đủ. Trong một nền dân chủ, chắc chắn là như vậy, các sai phạm sẽ nhanh chóng được điều chỉnh lại hay sửa chữa, tuy nhiên cũng có lúc người ta lại che giấu chúng. Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi mà họ ban hành chính sách gia đình một con, đã không tiên liệu được tình trạng lạm phát đàn ông xuất hiện sau đó, do việc các thai nhi nữ đã bị phá với một tỷ lệ cao hơn. Nhưng từ một thời gian gần đây, các bác sĩ Trung Quốc không được phép tiết lộ giới tính của thai nhi cho các bậc cha mẹ nữa. Thêm vào đó, chính phủ đã chuyển sang việc tạo ra các đặc quyền cho những gia đình có con gái. Các nhà chính trị độc tài cũng có thể không nhìn thấy được những điều nằm trong khả năng dự đoán. Ngoài ra, nhiều nhà độc tài lại có thiên hướng dùng bạo lực để thực hiện những ý tưởng ngông cuồng của mình.

Ông nghĩ như thế nào về luận điểm cho rằng kinh tế thịnh vượng thì tất yếu sẽ dẫn đến các phát triển dân chủ?

Tôi cho rằng đấy chỉ là một mộng tưởng hão huyền. Ông cũng có thể lật ngược lại câu nói rất hay ho này và khẳng định rằng sự phát triển nhà nước và xã hội theo xu hướng dân chủ tất yếu sẽ dẫn tới một đời sống thịnh vượng hơn. Tôi e rằng cả điều này cũng chỉ là một mộng tưởng hão huyền.

Một khi người ta đã nhìn nhận ra vấn đề thì liệu việc giải quyết nó dưới một chế độ độc tài có dễ dàng hơn so với ở một thể chế dân chủ hay không?

Việc thực hiện giải pháp diễn ra dễ dàng hơn dưới các chế độ độc tài. Thế nhưng dưới các chế độ độc tài thì những người cầm quyền thường lại không phát hiện được vấn đề một cách kịp thời, bởi ở đó không được phép có các cuộc thảo luận công khai.

Hiện nay, liệu những xã hội mà trong đó tính cộng đồng đóng một vai trò mạnh mẽ hơn, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn hay không?

Không loại trừ được khả năng này. Điều đó không có nghĩa là người ta phải mong muốn được như vậy. Khả năng cạnh tranh không phải là chuẩn mực tối thượng trong các quyết định về giá trị đạo đức.

Thế nhưng nó lại quy định về tầm vóc sức mạnh của bản thân để từ đó thực thi các hình dung về giá trị đạo đức.

Trên một phương diện thì đúng như vậy. Thế nhưng cũng cần phải lưu ý rằng: Một khi chúng ta bắt đầu để các chuẩn mực đạo đức và nền tảng tư tưởng pháp quyền của mình lệ thuộc vào những yêu cầu về tính hiệu quả kinh tế thì nền văn hoá châu Âu sẽ có cơ bị mất đi. Mà sự thể có lẽ đã đến mức như vậy rồi. Và trước hết không nên loại trừ khả năng sau đây: Oswald Spengler [6] và Arnold Toynbee [7] có thể đã có lý với giả thiết rằng các nền văn minh có những giai đoạn hưng thịnh và đến một lúc nào đó sẽ bị lụi tàn. Có thể là châu Âu đang ở trên đà tàn lụi. Thật kỳ lạ là Trung Quốc đã trải qua hàng nghìn năm cho đến hiện tại mà vẫn không bị đặc điểm này chi phối. Giả dụ vào một trăm năm nữa, nếu tôi lại có dịp trao đổi với một nhà báo Đức tại văn phòng Berlin của mình, có thể lúc đó tôi sẽ rất lấy làm tiếc mà phải khẳng định rằng người Trung Quốc đã làm tốt hơn chúng ta. Tôi không muốn loại trừ khả năng này.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Điện Westminster, trụ sở của Thượng nghị viện và Hạ nghị viên Anh, một hoán dụ chỉ hệ thống nghị viện ở Anh (Tất cả chú thích đều của người dịch)
[2]Hoà ước Westfalen được ký vào ngày 24.10.1648 giữa Hoàng đế Đức – La Mã Ferdinand III. với Pháp và Thụy Điển. Hoà ước này là kết quả của Hội nghị Hoà bình Westfalen diễn ra tại Münster và Osnabrück với mục đích đạt tới một hiệp định hoà bình phổ quát (pax universalis) nhằm kết thúc các cuộc chiến tranh diễn ra ở Âu châu, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Ba mươi năm.
[3]Chỉ thời gian 1933-1945, giai đoạn 12 năm cầm quyền của Đảng Quốc xã Đức NSDAP
[4]Antje Vollmer (sinh năm 1943), nữ chính khách thuộc Đảng Xanh của CHLB Đức, từ 1994 đến 2005 là Phó chủ tịch Nghị viện Liên bang Đức
[5]Jeseph Beuys (1921-1986), nghệ sĩ tạo hình Đức, một trong những đại diện tiêu biểu nhất của mỹ thuật hiện đại
[6]Oswald Sprengler (1880-1936), nhà triết học lịch sử và sử học văn hoá Đức, công trình chính là bộ sách Der Untergang des Abendlandes. Umrisse einer Morphologie der Weltgeschichte (Sự lụi tàn của Tây phương. Hình thái học đại cương về lịch sử thế giới)
[7]Arnold J. Toynbee (1889-1975), lý thuyết gia văn hoá và nhà triết học lịch sử người Anh, công trình chính là bộ sách 12 tập A Study of History (Nghiên cứu về lịch sử). Toynbee được coi như là một trong đại diện lớn cuối cùng của khoa nghiên cứu lịch sử thế giới theo truyền thống của Jakob Burckhardt (1918-1987) và Oswald Sprengler (xem chú thích trên).
Nguồn: ©  DIE ZEIT, 21.09.2006 Nr. 39