trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
14.12.2005
Bùi Văn Phú
Trại tập trung Dachau: Lịch sử và lòng khoan dung của dân tộc Đức
 
Hai mươi năm trước, khi ghé Tây Ðức tôi đã tham quan nơi từng là trại tập trung dưới thời Ðức Quốc Xã, trại Dachau, nằm ở ngoại ô thành phố München.

Cổng vào trại tập trung Dachau, ngoại ô München, Ðức quốc, chụp tháng 10.1985 (ảnh: Bùi Văn Phú)

Những năm đầu thập niên 1980 ở Hoa Kỳ tôi đã nghe nhiều về sức mạnh của cộng đồng người Do Thái và về truyền thống của họ. Một vài bạn học gốc Do Thái trong những kỳ nghỉ lễ có đưa tôi về nhà chơi và tôi quan sát thấy gia đình họ vẫn gìn giữ truyền thống qua tinh thần sống đạo, qua hình ảnh cuốn Thánh Kinh, những chân nến, chiếc nón rabbi, qua ngôn ngữ, và nhiều sách sử về nguồn gốc, văn hoá Do Thái.

Lúc đó trong sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Mỹ đã có những so sánh người Việt lưu vong như là “người Do Thái da vàng”. Ở một góc cạnh nào đó, điều này đúng, vì người Việt hiện ở rải rác khắp thế giới, như người Do Thái sống lưu vong khắp nơi từ mấy chục năm qua. Những năm đó có làn sóng Exodus của người Việt lan tràn giữa biển Đông sinh tử trước khi cập đến bến bờ để rồi được định cư ở một quốc gia phương Tây.

Sau những lần ghé thăm nhà bạn, tôi thường tự hỏi người Việt lưu vong có gì biểu hiện nguồn gốc Việt trong sinh hoạt văn hoá thường ngày? Ðó là món ăn, tiếng hỏi, câu chào, hay là một nền văn hóa, một triết lý thuần Việt nào đó? Dù bận rộn với sách vở, bài thi, tôi đã bỏ thời giờ đi tìm lại nguồn gốc Việt Nam qua sách vở, qua những buổi thuyết trình, thảo luận với những nhà nghiên cứu uyên thâm, với sinh viên. Tôi nhận ra một điều là con người Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử đã mang tính khai phá và một tinh thần độc lập. Nếu không thì đất nước Việt ngày nay đâu được một dải từ Nam Quan đến Cà Mau và dân Việt đã bị đồng hóa từ lâu.

Những người Do Thái cũng mang tính khai phá. Mấy chục năm năm lưu lạc, người Mỹ gốc Do Thái không ngại bươn trải đến những thế giới khác để học hỏi, hoặc về lại cố hương sống trong kibbutz tìm lại nguồn gốc đích thực của tổ tiên. Những năm đi dạy trung học ở châu Phi, bạn đồng hành của tôi có mấy người gốc Do Thái. Thời gian ở đó tôi còn quen một giáo sư cũng gốc Do Thái từ đại học Stanford qua giảng dạy tại Université du Bénin trong chương trình Fulbright.

Ðến Ðức tôi đi thăm trại tập trung Dachau là vì muốn biết thêm về những nạn nhân Do Thái đã bị Ðức Quốc Xã hành hạ như thế nào và cũng để thấy lòng khoan dung của người Ðức.

Theo sách hướng dẫn du lịch, tôi lấy xe “Tram” rồi chuyển qua xe buýt để đến đó. Lên xe buýt hỏi tài xế cho chắc là mình đi đúng đường và được ông vui vẻ chỉ dẫn một cách rõ ràng bằng tiếng Anh.

Con đường dẫn vào trại có hàng rào kẽm gai cao, tháp canh xa xa trong màn sương mờ tạo cảm giác lạnh người. Chỉ một mình tôi lặng lẽ bước tới. Tại cổng vào, có hàng chữ “Arbeit macht frei” nghĩa là “Lao động giải phóng con người”.

Bên trong trại, nơi phòng chính có chừng hai mươi du khách. Chúng tôi được hướng dẫn xem phim tài liệu. Dù đã được cảnh báo trước, khúc phim cảnh người bị thảm sát thật kinh hồn, làm nổi da gà. Rồi qua xem nhà giam với giường gỗ ba tầng kê san sát bên nhau, nơi tập trung người tù trước khi bị đem đi giết.

Tôi lang thang ra ngoài, nhìn khung cảnh rộng lớn của toàn trại mờ trong sương và hình ảnh trong phim càng làm tôi sợ. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, rồi chậm rãi bước về phía giữa trại nơi có bức điêu khắc lớn và một đài tưởng niệm. Trên bức tường cao có khắc hàng chữ “Never Again” bằng bốn ngôn ngữ - Anh, Pháp, Ðức và Hebrew - và dưới là một hòm bia chữ nhật bằng đá, có vòng hoa còn tươi đặt cạnh. Tác phẩm điêu khắc bằng sắt là những thân hình gầy gò, vắt vỏng lên nhau như nạn nhân trong phim.

Ðài tưởng niệm nạn nhân bị giết trong trại tập trung Dachau, chụp tháng 10.1985 (ảnh: Bùi Văn Phú)
Dachau là trại tập trung đầu tiên được dựng nên sau khi Ðức Quốc Xã nắm quyền. Hai trăm nghìn người tù đã được chuyển qua Dachau. Ðến đây tôi mới biết rằng tù nhân không chỉ là những người Do Thái, mà còn có rất nhiều người tù là cộng sản, công giáo, nhân chứng Gia-hô-vê, người của nhiều sắc tộc khác như Ba Lan, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga. Nói chung tất cả những ai chống lại Nazi. Ba mươi hai nghìn tù nhân đã chết ở Dachau, đông nhất là người Do Thái, 10 nghìn. Họ bị dùng làm vật thí nghiệm, bị đưa vào phòng hơi ngạt, lên lò thiêu.

Nước Ðức thất trận, chịu cảnh phân chia Ðông-Tây, nhưng điều đáng ca ngợi là dù dưới bàn tay Ðức Quốc Xã mà hàng triệu người bị giết, nhưng trên nước Ðức còn lưu lại chứng tích cho thế hệ mai sau, để lại những bài học lịch sử, chứ người Ðức không chối bỏ, xóa đi. Trại Dachau được bảo trì và trở thành một di sản quốc gia từ những năm của thập niên 1960. Di tích lịch sử này, ngày nay có hơn nửa triệu du khách đến viếng mỗi năm. Tháng 5.2005 vừa qua, người Đức đã khánh thành ngay giữa lòng thành phố Berlin một khu tưởng niệm rộng 19 nghìn mét vuông - Memorial to the Murdered Jews of Europe, Đài tưởng niệm người Do Thái bị giết ở Châu Âu - một công trình do kiến trúc sư người Mỹ gốc Do Thái Peter Eisenman thiết kế.

Đài tưởng niệm người Do Thái bị giết ở Châu Âu, tác phẩm của kiến trúc sư Peter Eisenman, Berlin, 2005
Mười lăm năm sau ngày thống nhất trong hoà bình, mới đây dân tộc Đức còn làm nên lịch sử qua việc bầu chọn bà Tiến sĩ Angela Merkel, một phụ nữ từng lớn lên ở Ðông Ðức, làm nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước CHLB Đức.

Vươn lên từ những đau thương và thất bại trong chiến tranh, cách đối xử của người Đức với quá khứ là bài học cho người Việt chúng ta suy nghĩ, vì cả hai quốc gia đều từng bị chia đôi bởi hệ lụy của chiến tranh lạnh, rồi cả hai đều được thống nhất, nước Việt bằng chiến tranh năm 1975 và nước Đức qua hoà bình năm 1990.

Ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, trên quê hương Việt Nam chưa có một khu tưởng niệm cho hàng vạn nạn nhân cải cách ruộng đất, không có một nơi ghi lại dấu tích những trại học tập cải tạo, nơi hàng chục nghìn tù nhân đã bỏ mình để thế hệ mai hậu đến đó nhìn lại quá khứ, nhìn vào chính mình, suy tưởng, rút ra những bài học lịch sử hầu tránh lập lại.

Cũng như đối với nạn nhân vượt biển, vượt biên do bởi chính sách cai trị độc tài, trên quê hương đã không có một nơi ghi khắc, trong khi nhà nước Việt Nam lại còn vươn ra ngoài đòi xóa bỏ đi những dấu tích một gian đoạn đau thương của đất nước, dân tộc.

Cách đối xử với nạn nhân của một dân tộc nói lên lịch sử và văn hoá của dân tộc đó.

© 2005 talawas